(Trích Biến Động Miền Trung của tác giả Liên Thành .Trang 375-399)

Theo lời khai của tên Nguyễn Thăng Cán bộ Kinh Tài của cơ quan  Kinh Tài Thành Ủy Huế  đã bị chúng tôi bắt giữ,và tin tức từ chiến dịch Xâm nhập của phòng Cảnh Sát Đặc Biệt,  thì cơ sở Kinh tài thuộc cơ quan Thành ủy Việt cộng tại Thành phố Huế đã được Hoàng Kim Loan và Ban Kinh Tài Thành ủy xây dựng và tổ chức lâu đời trừ trước năm 1963.

Tổng số tiền thâu được hằng năm của ban kinh tài Thành Ủy Huế lên khoảng trên 30 triệu đồng tiền VNCH, qua các dịch vụ thương mại của các cơ sở kinh tài nội thành như:

1- Tiệm sản xuất đồ gỗ của Lê Hữu Trí tại bến xe Nguyễn Hoàng.

2- Khách Sạn Hương Bình tại Đường Trần Hưng Đạo,  Huế, chủ nhân là Nguyễn Hải.

3- Nhà Sách Ưng Hạ tại đường Trần Hưng Đạo, chủ nhân là  Bửu Thân.

4- Công Ty Khai thác gỗ tại vùng rừng núi Thừa Thiên, chủ nhân là Nguyễn Xin em ruột Nguyễn Hải.

5- Café Phấn tại đường Trần Hưng Đạo cạnh BCH/CSQG Quận II thị xã Huế.

6-  Pharmacy Trường Tiền  tại đường Trần Hưng Đạo Quận II, thị xã Huế.

Ngoài ra Hoàng Kim Loan và ban Kinh Tài thành ủy Huế còn có một hệ thống chằng chịt trong thành phố, thâu thuế nuôi quân, và lưu hành Công Khố Phiếu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, bán cho một số thương gia chủ tiệm buôn tại Thành phố Huế.

Tôi ký lệnh bắt giữ toàn bộ cơ sở kinh tài Việt cộng tại Thành phố Huế, điển hình là những nhân vật sau đây:

– Lê Hữu Trí chủ tiệm sản xuất đồ gỗ.

Tay này là một cơ sở lâu đời từ trước 1963 của Hoàng Kim Loan, và của cơ quan Thành ủy Huế.

Y vừa là cơ sở kinh tài, vừa là cán bộ đường giây giao thông liên lạc. Cơ sở kinh tài hãng sản xuất đồ gỗ của y cũng là trạm liên lạc, là nơi đã từng chứa chấp các cán bộ thuộc Tỉnh, Thị ủy, và ngay các tổ Trinh sát, Đặc công đột nhập hoạt động trong thành phố tỷ như:

Hoàng Lanh, ủy viên thường vụ Thành ủy. Tết  Mậu Thân Hoàng Lanh giữ chức Phó Chính ủy mặt trận Hữu Ngạn.

Phan Nam, Thành ủy viên.

Nguyễn Tùng, cán bộ đặc công và tên Lê Hữu Dũng con trai của y cũng là đặc công Nội thành.

Vỏ bọc bên ngoài của Lê hữu Trí là chiếc áo màu xám tro của kẻ tu hành tại gia, là một khuôn hội trưởng của một khuôn hội Phật giáo tại Kim Long gần chùa Linh Mụ.

– Nguyễn Xin, chủ hãng khai thác gỗ tại vùng rừng núi Thừa Thiên.

Cơ sở kinh tài này được thành lập từ 1964, điều nghịch lý là giấy phép hoạt động của công ty kinh tài này lại do ty Kiểm lâm thuộc Tòa hành chánh Tỉnh Thừa Thiên VNCH cấp.

Với gần 40 nhân công và 4 xe vận tải lớn, 2 xe kéo gỗ, Nguyễn Xin đã khai thác gỗ tại các vùng Ashau, A Lưới, Tà Bạt, Khe Lụ, Khe Đá Mài, Khe Trai, Động Chuối, vùng thượng nguồn sông Bồ, sông Hữu Trạch, đây là những nơi mà lực lượng chính quy và các cơ quan Tỉnh, Thành uỷ Việt cộng thường xuyên trú đóng dưỡng quân, cũng chính tại các nơi này, năm Mậu Thân, các đơn vị Việt cộng dùng làm điểm tập trung quân, thiết lập sa bàn thực tập để tấn công Huế.

Ngoài nhiệm vụ kinh tài, Nguyễn Xin còn có nhiệm vụ một cán bộ đường dây giao thông liên lạc, chuyên chở vũ khí, cán bộ Việt cộng bí mật từ những vùng nêu trên về Thành phố Huế và ngược lại.

Một phần ba tổng số tiền thâu được hằng năm của cơ quan kinh tài Việt cộng tại Thừa Thiên – Huế đều do cơ sở khai thác gỗ của Nguyễn Xin cung cấp.

– Nguyễn Hải, chủ nhân Khách sạn Hương Bình.

Khách sạn Hương Bình nằm cạnh tiệm ảnh Lê Quang, trên đường Trần Hưng Đạo Thành phố Huế. Mặt tiền của khách sạn hướng ra vườn hoa Nguyễn Hoàng và bờ sông Hương.

Chủ nhân của khách sạn Hương Bình là Nguyễn Hải, một người dáng dấp đạo mạo, thường xuyên với chiếc áo màu xám tro của một tu sĩ tu hành tại gia, nhưng đó chỉ là chiếc áo che bên ngoài, y cũng như em ruột của y là Nguyễn Xin, đã được Hoàng Kim Loan kết nạp vào đảng cộng sản từ sau 1963 và sinh hoạt tại một trong 8 Chi Bộ Đảng tại Thành phố Huế.

Ngụy thức bên ngoài khách sạn Hương Bình chỉ là nơi dập dìu “Tài tử Giai nhân” thường ngày của các anh lính chiến miền hỏa tuyến và các em gái hậu phương, thuộc vạn đò sông Hương của mụ Lừ, họ vào đây “check in” giải toả khối tình u uất “Em hậu phương, Anh tiền tuyến” trong nửa tiếng đồng hồ rồi lại ra đi, nhưng thực chất bên trong khách sạn Hương Bình, ngoài nhiệm vụ kinh tài, khách sạn Hương Bình còn là một trạm giao liên chuyển vận tin tức tài liệu, là nơi trú ngụ tạm thời của cán bộ nội thành thuộc các cơ quan Tỉnh, Thành uỷ Việt cộng từ mật khu đột nhập nội thành Huế hoạt động.

Lời khai của Trung Tá Việt cộng  Hoàng Kim Loan về tổ chức kinh tài của bộ ba Lê hữu Trí, Nguyễn Hải, Nguyễn Xin chẳng có gì mới lạ với tôi, bởi vì vào tháng 7/1970 nhân vụ phá vỡ tổ chức An ninh nội thành của Tỉnh Ủy Thừa Thiên, bắt giữ tên Cán bộ  Huyện ủy viên Hồ Tỵ, bí danh Sơn Lâm, tại vùng Tiên Nộn thuộc Quận Phú Vang, kế tiếp vào tháng 8/1970 phá vỡ tổ chức Biệt Động thành, bắt giữ tên Lê Viết Kiểu, Huyện ủy viên, tổ trưởng Đặc công và hai tổ viên tại thôn Vỹ Dạ quận Phú Vang, vào cuối tháng 8/1970 bắt tên Nguyễn Thăng cán bộ kinh tài của Thành ủy Huế tại một hầm bí mật thuộc thôn Vân Dương, quận Hương Thủy, cả ba cán bộ Cộng sản này đều khai có liên hệ công tác với Lê Hữu Trí, Nguyễn Hải và Nguyễn Xin.

Sau khi tôi ký lệnh câu lưu Nguyễn Xin, Nguyễn Hải, Lê hữu Trí và một số cơ sở trong tổ chức Kinh tài nội thành này, thì chỉ trong vòng bốn giờ sau, trung tâm quyền lực Từ Đàm phản ứng dữ dội, họ gặp  Đại Tá Lê Văn Thân Tỉnh Trưởng yêu cầu ông ra lệnh cho Trưởng Ty Cảnh sát thả người, với lý do:

– Lê  Hữu Trí, Nguyễn Hải, Nguyễn Xin là những cán bộ của khuôn hội Phật giáo, họ vô tội, Trưởng Ty CSQG/Thừa Thiên-Huế đã chụp mũ họ là cộng sản không ngoài mục đích bôi nhọ và đàn áp Phật giáo. Thêm vào đó là lời đe dọa nếu không thả người sẽ có biểu tình lớn để phản đối.

Đại Tá Tỉnh trưởng có thể vì ông ở vị trí của một người làm chính trị, nên ông rất mềm dẻo và ngoại giao với tất cả các thành phần tôn giáo, và một số đảng phái chính trị trong địa hạt ông cai quản.

Ông rất được lòng khối Phật giáo Ấn Quang tại Huế, bằng những hành động rất nhỏ, nhưng dễ gây xúc động trong giới các Thầy ở Huế.

Huế có hằng trăm ngôi chùa lớn, nhỏ, vậy mà Trung Úy Chánh văn phòng của Đại Tá Tỉnh Trưởng có đủ danh sách và ngày tháng viên tịch của các vị trù trì, cứ đúng ngày kỵ của họ, Trung Úy Chánh văn phòng mang phẩm vật của Đại Tá Tỉnh Trưởng đến chùa cúng Thầy. Một vị quan đầu Tỉnh có hành động ngoại giao và tế nhị như vậy,  thử hỏi làm sao quý Thầy không cảm động!

Đã có lần Đại uý Trương Công Ân Trưởng phòng CSĐB nói với tôi:

– Làm việc với Nhạc Bất Quần này thật quá khó, ban ngày đi chùa, ban đêm vào Tòa Tổng Giám Mục, thật chẳng biết đường nào mà tính.

Tôi ngạc nhiên hỏi Ân:

– Nhạc Bất Quần nào?

– Ông Tỉnh Trưởng của mình đó.

Thì ra Ân ví ông ta là nhân vật Nhạc Bất Quần trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Nhân vật Nhạc Bất Quần này khi tà, khi chánh, ban ngày chánh phái, ban đêm tà phái, thật khó lường.

Tôi ký lệnh câu lưu Trí, Xin, Hải vào ngày 7/8/1970, ngày hôm sau 8/8/1979, Đai tá Tỉnh Truởng theo lời yêu cầu của Phật Giáo ra lệnh cho tôi trả tự do cho ba người này. Tôi gặp Đại Tá Tỉnh trưởng trình bày nội vụ và với những  kết luận:

– Trình Đại Tá, 3 người này: Lê Hữu Trí, Nguyễn Hải, Nguyễn Xin không thể thả được, họ là 3 cán bộ chủ chốt của Ban Kinh tài Thành ủy Việt cộng Huế, chứng cớ đã rõ ràng, ngoài tin tức từ chiến dịch xâm nhập gài người vào tổ chứùc kinh tài này của Phòng CSĐB, cộng thêm lời khai của của tên Nguyễn Thăng, cán bộ Kinh tài Thành ủy Huế và hai tên cán bộ cấp Huyện ủy viên là Hồ Tỵ, bí danh Sơn Lâm, Lê viết Kiểu tổ trưởng Đặc công nội thành, mà lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế vừa bắt được, bọn chúng đều xác nhận Trí, Xin, Hải là cán bộ kinh tài Thành ủy Huế.

–  Kinh tài là một bộ phận tối quan trọng của địch, đó là bộ phận tiếp máu cho mọi hoạt động của bọn chúng, không có hạ tầng cơ sở thì khả năng địch hoạt động sẽ yếu đi, nhưng nếu không có bộ phận kinh tài thì bọn chúng lấy đâu ra tiền bạc, thực phẩm, thuốc men, để nuôi dưỡng binh lính và cán bộ. Hơn nữa ba tên này, đặc biệt là Lê Hưũ Trí, trong Mậu Thân 1968, hắn là cán bộ gộc nội thành, đã từng chứa chấp cán bộ Việt cộng cao cấp, nuôi dưỡng cán bộ Trinh sát, Đặc công của cơ quan Thành ủy Huế trong nhà, và chính con trai hắn tên Dũng cũng là cán bộ giao liên và chỉ điểm cho lực lượng Việt cộng bắt bớ một số lớn Sinh viên, Học Sinh, cán bộ chính quyền và sau đó đem đi chốn sống cả hàng trăm người vô tội tại Quận II Thành phố Huế.

–  Đây là một chiến dịch xâm nhập hẳn hoi, một công tác tình báo của Phòng CSĐB, chúng tôi bắt bọn chúng không là sự tình cờ, hay may mắn trong nghề nghiệp, mà vì chiến dịch xâm nhập ngang đây là chấm dứt, không nuôi dưỡng thêm nữa.

Thay vì tôi muốn xin Đại Tá tưởng thưởng một vài huy chương cho một số nhân viên CSĐB hữu công trong vụ này, ngược lại Đại Tá lại yêu cầu tôi thả toàn bộ đám Việt cộng kinh tài này, tôi chắc rằng sẽ gây bất mãn, và nản lòng trong số nhân viên CSĐB, đã phụ trách công tác này, ngoài ra lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế còn có thể bị hiểu lầm cho rằng chúng tôi bắt bọn này để tống tiền. Vì thế, xin Đại Tá nghĩ lại.

Riêng đối với chuyện Phật giáo can thiệp và dọa biểu tình phản đối, đây là một áp lực, một đòi hỏi, một yêu sách phi lý không thể chấp nhận được.

– Không lẽ mỗi lần bắt Việt cộng là mỗi lần chùa lại can thiệp cho rằng CSQG Thừa Thiên-Huế bắt Phật Tử vô tội và đàn áp Phật giáo. Bọn này không là Phật Tử mà là bọn cộng sản nằm vùng trong Phật giáo, dùng Phật giáo để làm thế dựa, làm bình phong che dấu mọi hoạt động của bọn chúng, giữa người Phật Tử chân chính và bọn Việt cộng nằm vùng trong Phật giáo vẫn  không thể lẫn lộn.

Lực lượng CSQG Thừa Thiên – Huế có quyền hành xử và chấp nhận đối đầu với họ tới cùng trong vụ này. Tôi sẽ kết thúc hồ sơ thẩm vấn tổ chức kinh tài cộng sản này thật nhanh và truy tố toàn bộ bọn chúng ra Tòa.

– Nhiệm vụ chính của lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế là truy tầm, phát giác và vô hiệu hoá mọi khả năng, mọi hoạt động của địch trong phạm vi trách nhiệm để duy trì và bảo vệ an ninh, thì nguợc lại trong tình trạng này, chúng tôi đang bị Việt cộng nằm vùng trong Phật giáo dùng Phật giáo làm vũ khí sắc bén và hữu hiệu, để vô hiệu hóa mọi hoạt động của CSQG Thừa Thiên-Huế.

– Vì thế, tôi xin Đại Tá xét lại, không thể thả đám Việt cộng này được, làm như vậy có khác gì là đầu hàng trước áp lực của Phật giáo, và tạo một tiền lệ hết sức khó khăn và nguy hiểm cho lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế, và vô tình đã đánh sập tinh thần chống cộng và khả năng phục vụ Quốc gia của thuộc cấp. Xin Đaị Tá xét lại.

Có lẽ khả năng lý luận và chứng minh sự việc của tôi đã quá hạn hẹp, không đủ sức để thuyết phục nổi Đại Tá Tỉnh Trưởng, ông ngồi nghe tôi nói hăng say, đợi đến khi tôi chấm dứt, với giọng nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết, ông trả lời tôi:

– Chú Thành, Ông Đại Úy Trưởng Ty Cảnh sát – Đại Úy trình bày, tôi đã hiểu, nhưng tôi không muốn vì chuyện này mà xảy ra một vụ biến động chính trị nào trong thời gian tới tại Thừa Thiên-Huế, sẽ có ảnh hưởng tai hại đối với Trung ương, sang năm là mùa bầu cử Tổng Thống chắc chú đã biết, tôi không muốn mất lòng Giáo hội Phật giáo lúc này.

– Trình Đại Tá, tôi nói chưa dứt câu đã bị Đại Tá Tỉnh trưởng cắt ngang:

– Ông Đại Úy Trưởng Ty, ông cho tôi biết ông đang thuộc quyền người nào, và ông có hiểu thế nào là lệnh thượng cấp không?

– Thưa Đại Tá, là Trưởng Ty Cảnh Sát tôi thuộc quyền chỉ huy và điều động của Đại Tá Tỉnh Trưởng, tôi là thuộc cấp của ông, lẽ đương nhiên, lệnh của Đại Tá Tỉnh trưởng tôi phải thi hành nghiêm chỉnh, nhưng tôi còn trực thuộc hệ thống chỉ huy ngành dọc của lực lượng CSQG, đó là BCH/CSQG Vùng I, và Bộ Tư lệnh CSQG tại Sài Gòn. Mọi hoạt động, mọi công tác của BCH/CSQG Tỉnh đều bắt buộc phải báo cáo vào BCH Vùng, và BTL tại Sài Gòn, vì thế tôi không thể trả tự do cho đám Kinh Tài Việt cộng này bằng khẩu lệnh, xin Đại Tá cho một văn thư chính thức.

Đại Tá Tỉnh trưởng chậm rãi trả lời tôi:

– Đại Úy về thả người, tôi sẽ gởi văn thư chính thức hợp thức hoá vụ này cho chú.

Nhìn thẳng vào ông, tôi nhận thấy tuy bình tĩnh, nhưng ánh mắt ông đầy sự phẫn nộ và giận dữ đối với tôi, có lẽ ông đang nghĩ đến kỷ luật của quân đội: “Thi hành trước, khiếu nại sau”. Là một cấp Đại Úy nhỏ nhoi như tôi, đã không chịu thi hành khẩu lệnh của một Đại Tá mà đòi hỏi lệnh bằng giấy tờ.

Tôi hiểu được sự phẫn nộ và giận dữ của ông đối với tôi, nhưng CSQG là lực lượng thi hành và bảo vệ luật pháp Quốc gia, chúng tôi bắt người phải có lý, cớ, và thả người phải có nguyên do, không dễ gì muốn bắt ai thì bắt, muốn thả ai thì thả. Hơn nữa những người mà ông Đại Tá Tỉnh trưởng ra lệnh cho tôi trả tự do, là những cán bộ kinh tài của cơ quan Thành ủy Việt cộng, họ là loại “Made in cộng sản Hà Nội “ thứ thiệt.

Rời khỏi văn phòng Đại Tá Tỉnh trưởng, lòng đầy thất vọng và chán nản, có gì mắc nghẹn ở cổ, muốn nói thật lớn một câu cho vơi bớt nỗi bực tức trong lòng:

– “Chống cộng kiểu củ… khoai”.

Tại BCH, tôi bàn với Đại Úy Trương Công Ân Trưởng phòng CSĐB và Trung Úy Hồ Lan, Trung Tâm trưởng Trung Tâm Thẩm vấn:

– Mình sẽ chẳng bao giờ nhận được lệnh bằng giấy trắng mực đen của ông Tỉnh truởng đâu, ông ta chẳng dại gì mà ra lệnh thả đám Việt cộng này bằng giấy tờ, mà chỉ là khẩu lệnh, khẩu lệnh thì chẳng ai biết, cũng chẳng ai nghe, ngoại trừ tôi và ông ta, nếu sự việc xấu đi tôi là người chịu trách nhiệm chẳng phải là ông ta, đó là hành động khôn ngoan và trí tuệ của ông ta.

Chúng ta sẽ đi đến cùng trong vụ này, hai anh cố gắng hoàn tất hồ sơ nội vụ trong thời hạn nhanh nhất, tôi sẽ đưa đám này ra Ủy Ban An Ninh Tỉnh với đề nghị: “Hai năm tái xét”.

Hai ngày sau, chiều ngày 10/8/1970  tôi nhận được Công điện “Khẩn” của Trung Tá Chỉ Huy Trưởng CSQG Vùng I với nội dung tóm tắt như sau:

”Yêu cầu trả tự do cho Lê Hữu Trí, Nguyễn Xin, Nguyễn Hải trong thời hạn sớm nhất.

Báo nhận và thi hành.”

Đọc xong bức điện, lòng đầy chán nản, tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu nổi tại sao Trung Tá Tiếp lại có hành động như thế này. Tôi làm việc với ông từ sau Mậu Thân 1968, khi ông từ Sài Gòn ra thay Ông Đoàn Công Lập, chỉ vài tháng sau ông vào Đà Nẵng làm Giám Đốc CSQG vùng I thay ông Võ Lương.

Là một sĩ quan gốc miền Nam, tính tình ông thẳng thắn, nóng tánh, ngang tàng, nhưng lại đối xử rất tốt với thuộc cấp. Quá khứ của ông là một chuỗi ngày dài tham gia đảo chánh, chỉnh lý tại Sài Gòn từ 1963 đến 1967. Đặc biệt trong các cuộc chơi chính trị này, khi nào ông cũng  đứng phía phe thắng, chưa thua trận nào, bạn bè ông từ thuộc cấp đến thượng cấp đều giữ những chức vụ quan trọng trong Chính Phủ Trung Ương tại Sài Gòn. Sau 1967 tình hình chính trị hầu như đã ổn định, Sài Gòn không còn là đất dụng võ của ông nữa, ông được Chính Phủ Trung Ương đưa ra Huế, rồi vào Đà Nẵng giữ chức vụ Giám Đốc CSQG vùng I, xa mặt trời, giảm bớt một mối lo đối với một chuyên viên đảo chánh như ông.

Với tính tình và một thế lực bao bọc ông như vậy, Phật giáo ở Huế không thể gây áp lực để buộc ông phải ra lệnh cho tôi thả đám cán bộ và cơ sở kinh tài Việt cộng của cơ quan Thành ủy Huế, mà áp lực duy nhất trong hành động này đối với ông có lẽ là bọn kinh tài Việt cộng đã rước Đức Trần Hưng Đạo vào tận BCH/CSQG vùng I để thương lượng với ông.

Tôi gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với ông, và cũng với lời lẽ đã nói với Đại Tá Tỉnh Trưởng, đã hết lời và cũng hết hơi, nhưng không được ông chấp thuận. Tôi đành chào thua Đức Trần Hưng Đạo (loại giấy bạc năm trăm của Chính phủ VNCH).

Nếu đây là lối suy nghĩ sai của tôi, tôi xin cúi đầu muôn vàn tạ lỗi trước vong linh ông, còn nếu đúng là sự thật, thì là một sự thật đáng buồn… mà ông (cũng giống như ông Đại Tá Tỉnh Trưởng) đã gởi tặng cho thuộc cấp, lực lượng CSQG Thừa Thiên- Huế  những kẻ đang chiến đấu quyết liệt với bọn cộng sản.

Chúng tôi nhận lệnh của ông giống như nhận một viên kẹo độc buộc chúng tôi phải uống vào để tự sát. Chúng tôi không thua bọn chúng, bọn cộng sản, bọn giặc cỏ, sao cả hai ông Tỉnh trưởng và Chỉ huy Trưởng CSQG Vùng I, lại vô hiệu hoá lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế, buộc chúng tôi phải đầu hàng kẻ thù??!!

Sáng ngày 11/8/1970, tôi họp ban tham mưu thông báo cho anh em biết sự việc:

– Ông Tỉnh Trưởng ra lệnh thả đám Việt cộng bằng khẩu lệnh, Ông Chỉ Huy Trưởng Vùng ra lệnh bằng công điện chính thức. Anh em nghĩ sao? Có thi hành hay không?

– Nếu thi hành lệnh thì hậu quả sẽ ra sao, và nếu không thì hậu quả sẽ như thế nào?

Trưởng phòng CSĐB, Đại Úy Trương Công Ân và Trung Úy Hồ Lang, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Thẩm Vấn là hai sĩ quan phản đối quyết liệt nhất:

– Không thể thả được, bọn chúng là Việt cộng, bọn chúng đã nhận tội, và hồ sơ thẩm vấn chúng tôi đã hoàn tất, chỉ đợi ông Trưởng Ty ký, tuần sau sẽ đưa ra Ủy Ban An Ninh Tỉnh với đề nghị: Lưu giữ tại Côn Sơn hai năm tái xét.

Ân còn thêm một câu:

– Chống Cộng kiểu này thì về nhà ôm vợ ngủ còn sướng hơn.

Thấy mọi người đều bực tức, tôi làm dịu cơn nóng trong phòng hội:

– Đại Úy Ân muốn về nhà ôm vợ ngủ là chuyện dễ, lúc nào chẳng được, nhưng khoan, đợi tối nay rồi ôm. Mọi người cùng cười, tôi nói tiếp để thuyết phục anh em:

– Chúng ta như con thuyền nhỏ, đang chịu hai luồng áp suất quá mạnh, không chống lại nổi, hơn nữa tôi quan niệm lệnh thượng cấp là biểu tượng của kỷ luật, tất cả  anh em chúng ta là cấp chỉ huy trong một đơn vị quá lớn, trên 5000 nhân viên, nếu chúng ta không tôn trọng kỷ luật thì làm sao chỉ huy được thuộc cấp, vì vậy không còn cách nào hơn là chúng ta phải tuân lệnh, đành buông tay.

Tôi ký lệnh trả tự do cho Lê Hữu Trí, Nguyễn Hải, Nguyễn Xin và đồng bọn, họ rời trại tạm giam vào khoảng 8 giờ tối ngày 11/8/1970, sau khi tôi đã đánh điện trình Bộ Tư lệnh Cảnh Sát quốc Gia tại Sài Gòn với nội dung như sau:

Nơi Gởi :  Trưởng Ty CSQG/Thừa Thiên-Huế

Nơi nhận:  Đại Tá Trưởng Khối CSĐB/ BTL /CSQG Tại   Sài Gòn.

Trân trọng kính trình Đại Tá:

Thi hành khẩu lệnh của Đại Tá Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng Thị xã Huế, và công điện số, ngày, tháng, năm của Trung Tá Chỉ Huy Trrưởng CSQG Vùng I. BCH, chúng tôi đã trả tự do cho ba cán bộ kinh tài thuộc cơ quan kinh tài Thành Ủy Việt cộng  Huế và đồng bọn vào 8 giờ tối ngày 11/8/1970.

Trân trọng kính trình Đại Tá thẩm tường.

Trưởng Ty CSQG Thừa Thiên và Thị Xã Huế

Đại Úy Liên Thành.

Kính thông báo:

-Đại Tá Tỉnh trưởng Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế

-Trung Tá Giám đốc CSQG Vùng I.

***

Mọi chuyện tưởng đã yên, hóa ra vẫn chưa yên. Ông Tỉnh Trưởng tránh vỏ dưa, lại đạp phải vỏ dừa.

Sáng ngày 13/8/1970 phòng CSĐB trình tôi: ‘Theo tin tức của toán phụ trách nội chính, sẽ có một cuộc biểu tình vào sáng ngày 14/8/1970, do một đoàn thể chính trị tại Huế tổ chức, để phản đối Đại Tá Tỉnh Trưởng thả đám cán bộ kinh tài Việt cộng.

Người tổ chức và điều khiển cuộc biểu tình này là Giáo sư Đại học, thuộc phân khoa Sử Địa của Viện Đại Học Huế, Giáo sư  Lê Đình Cai.

Giáo sư Cai là một nhà trí thức khoa bảng, một khuôn mặt chính trị trẻ, ngoài chức vụ Giáo sư Đại học, ông hiện là Nghị Viên Hội Đồng Thị Xã Huế, đồng thời là Trưởng Thị Bộ Huế của một đảng chính trị lớn.

Có một mối bất Hòa nào chăng giữa ông Tỉnh Trưởng và Giáo sư Cai, cũng như với đoàn thể chính trị của ông ta, để đưa đến tình trạng biểu tình phản đối, tôi vẫn không hiểu được. Tôi họp bàn với ban tham mưu của tôi:

– Vụ này chúng ta sẽ bị kẹt cứng, “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết oan” ông Tỉnh trưởng và Trung Tá Chỉ huy trưởng CSQG vùng I sẽ nghĩ chúng ta đứng sau lưng vụ này.

Để đối phó với tình hình ngày mai 14/8/1970, tôi phối trí công việc cho anh em trong ban tham mưu:

– Đại Úy Ân  liên lạc với Giáo Sư Lê Đình Cai, tôi muốn gặp giáo Sư  Cai nội nhật ngày hôm nay, để thương lượng, xem ông có thể thay đổi ý định mà hủy bỏ cuộc biểu tình ngày mai hay không.

– Đại Úy Chỉ huy Phó Huỳnh văn Thiện (1970 Chỉ huy phó của tôi là Đại Úy Huỳnh văn Thiện) cùng Trung Úy Lê khắc Kỷ, trưởng ban An Ninh Nội Bộ có nhiệm vụ kiểm soát và ngăn chận mọi nhân viên CSQG tham dự cuộc biểu tình này, vì tôi biết rõ trong lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế, có một số nhân viên là đảng viên của Giáo sư  Cai.

Tôi cũng nói rõ cho Đại Úy Thiện và Trung Úy Kỷ:

-Lực Lượng CSQG Thừa Thiên-Huế ngày hôm nay không phải là CSQG của năm 1966, tham gia biểu tình chống đối chính phủ. Những ai vi phạm sẽ bị áp dụng kỷ luật tối đa, hai ông phải họp các Trưởng Phòng và Trưởng Ban phổ biến chỉ thị này, phải nói rõ với họ đây là nghiêm lệnh.

– Đại Úy Trần Văn Tý, Đại đội trưởng CSDC, rút 8 trung đội đang tăng phái cho các quận nông thôn trong Chiến Dịch Phụng Hoàng về BCH Tỉnh trước 12 giờ khuya ngày hôm nay, để chuẩn bị đối phó với mọi tình huống xấu vào ngày mai.

Khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, 13/81970 tôi gặp Giáo Sư Lê Đình Cai tại nhà riêng của Đại Uý Trưởng phòng CSĐB Trương Công Ân.

Tôi và Giáo sư Cai chẳng phải xa lạ, chúng tôi quen nhau đã từ lâu, tôi vào thẳng vấn đề nói với Giáo sư Cai, tôi còn nhớ rất rõ ràng những gì tôi đã nói với Giáo sư Lê Đình Cai, và chắc hẳn Giáo sư vẫn còn nhớ. (Giáo sư Lê Đình Cai hiện đã định cư tại Hoa Kỳ).

– Theo tôi, trong mọi trường hợp, giải pháp trực diện, thương lượng, vẫn là biện pháp tốt nhất. Một bên là Nghị viên Hội Đồng Thị Xã, một bên là Tỉnh trưởng gặp nhau hằng ngày sao không ngồi lại nói chuyện, có phải dễ dàng hơn không, sao lại phải chọn biện pháp biểu tình để phản đối, ngoại trừ giáo sư và lực lượng chính trị của ông có ngụ ý riêng đối với ông Tỉnh Trưởng v…. v…

Mọi đề nghị của tôi đều không thể làm ông thay đổi ý định. Là một người trí thức khoa bảng, một người làm chính trị, ông lịch sự, khéo léo từ chối. Mọi chuyện đã không thể thương lượng được, tôi đành đi đến kết luận:

– Thôi đành, đường ai nấy đi, việc ai nấy làm. Biểu tình là quyền tự do của mỗi người dân, của mỗi tập thể, trong một quốc gia có tự do dân chủ. Hiến pháp và luật pháp VNCH đã có quy định, miễn là không cản trở lưu thông công cộng, không gây xáo trộn sinh hoạt bình thường của dân chúng, và nhất  là không được bạo động, bằng không, nhân viên công lực sẽ phải can thiệp, dập tắt ngay, để tái lập an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng tài sản của đồng bào.

Giáo sư và tôi, mình không thể tiên liệu trước mọi bất trắc có thể xảy ra trong cuộc biểu tình ngày mai, vì vậy, tôi sẽ bố trí một lực lượng đông đảo nhân viên công lực bảo vệ chặt chẽ Tòa hành Chánh Tỉnh. Tôi mong giáo sư hiểu cho, đây là một biện pháp đề phòng mọi tình huống xấu có thể xảy ra, không phải là một hành động khiêu khích của nhân viên công lực đối với đoàn biểu tình. Bất kỳ ai xâm nhập vào khuôn viên Tòa Hành Chánh nếu không được phép của nhân viên công lực, tôi sẽ cho lệnh bắt giữ ngay.

Rất ngoại giao, Giáo sư Cai trả lời tôi:

– Tôi hiểu, và tôi bảo đảm sẽ không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra ngày mai, chúng tôi không bao giờ tạo rắc rối cho nhân viên công lực, ông Trưởng Ty yên tâm đi.

Chúng tôi bắt tay từ giã với nụ cười ngoại giao: “Việc ai nấy làm”.

Ngay chiều hôm đó, tôi làm phiếu trình Đại Tá Tỉnh trưởng, và đánh điện trình BCH/CSQG vùng I và BTL/CSQG tại Sài Gòn, tôi cũng không quên phúc trình đầy đủ buổi tiếp xúc giữa tôi và Giáo sư Lê Đình Cai cho cả ba cấp chỉ huy trực tiếp của tôi, cuối bản phúc trình gởi Đại Tá Tỉnh Trưởng tôi còn nhớ câu:

“Xin Đại Tá Tỉnh Trưởng ban chỉ thị cho Ty tôi thi hành”.

Chẳng có một chỉ thị nào, ngoại trừ:

”Sáng mai tôi đi thanh tra các quận, tình hình diễn biến như thế nào Chú gọi máy báo cho tôi biết”. Đó là khẩu lệnh độc nhất của Đại Tá Tỉnh Trưởng.

Khoảng 5:30 sáng ngày 14/8/1970, Đại Úy Trần Văn Tý theo kế hoạch, đã đổ 3 trung đội CSDC bố trí an ninh mặt tiền Tòa Hành Chánh Tỉnh. Tôi sẽ chỉ huy 3 trung đội này trực diện với đoàn biểu tình, 6 trung đội khác do Tý chỉ huy làm lực lượng trừ bị, ém quân sau lưng Tòa Hành Chánh tỉnh đợi lệnh tôi tăng cường khi hữu sự.

7:45 sáng 14/8/1970, qua hệ thống truyền tin PRC-25, Đại Tá Tỉnh Trưởng gọi tôi gặp ông tại sân bay trực thăng trước mặt trường Quốc Học:

– Tôi đi thanh tra các quận  miền Bắc, chiều tôi mới về, mọi diễn biến Chú gọi máy trình tôi.

– Có phải Chú đứng sau lưng cuộc biểu tình này chống tôi phải không?

Tôi ngạc nhiên, sững sờ, và trong lòng không tránh khỏi sự phẫn nộ trước câu hỏi của Đại Tá Tỉnh trưởng, nhưng tôi còn giữ được bình tĩnh, còn giữ được kỷ luật quân đội:

– Trình Đại Tá, tôi không làm điều đó, là một sĩ quan có kỷ luật, trong hai năm làm việc dưới quyền Đại Tá, chưa một lần nào trái lệnh Đại Tá, ngay cả lần này, mặc dầu trong lòng hết sức bất mãn, nhưng tôi vẫn thi hành khẩu lệnh của Đại Tá, thả đám Việt cộng kinh tài đó rồi. Dưới tay Đại Tá còn có hai cơ quan An ninh Tình báo, đó là Ty An Ninh Quân đội và Phòng II Tiểu Khu, xin Đại Tá chỉ thị cho hai cơ quan này điều tra, nếu tôi có đứng sau vụ này, tôi xin chịu biện pháp chế tài của kỷ luật Quân đội, và của lực lượng  CSQG.

– Như tôi đã có phiếu trình với Đại Tá, vụ này do Giáo sư kiêm Nghị Viên Hội Đồng Thị Xã Huế, Giáo Sư Lê Đình Cai tổ chức, tôi không liên quan và chẳng đứng sau lưng họ. Xin Đại Tá cho điều tra sẽ rõ.

– Thôi được, tôi chỉ nói vậy thôi. Chú coi nhà, chiều tôi mới về.

Năm phút sau, chiếc máy bay trực thăng chở Đại Tá Tỉnh trưởng chỉ còn là một chấm nhỏ giữa bầu trời xanh biếc của xứ Huế cuối mùa hạ, có một thoáng buồn và nỗi chua chát trong lòng. Mỗi lần Huế có biến động thì quan đầu tỉnh lại lên trực thăng đi thanh tra quận.

Khoảng 8 giờ sáng 14/8/1970, ba Trung đội CSDC đã nghiêm chỉnh rải đầy mặt tiền Tòa Hành Chánh, tôi đậu xe trấn ngay cửa chính ra vào, chờ đợi…

Mọi sinh hoạt vẫn bình thường, trường Đồng Khánh sát cạnh Tòa Hành Chánh Tỉnh, học trò đã vào lớp, công chức vẫn vào Tòa Hành Chánh làm việc. Đại Úy Đoàn Ngãi, thằng bạn học thân thiết từ hồi còn học Quốc Học, nay biệt phái làm cho văn phòng Phát Triển Bình Định của Tỉnh thấy tôi và CSDC quá đông, hắn dừng xe lại hỏi nhỏ tôi:

– Liên Thành, có đảo chánh ở Sài Gòn?

– Đảo chánh cái đầu của ôn, không có, chốc nữa có biểu tình tại đây, tôi nói đùa và chỉ tay vào 4 trái lựu đạn cay đang đeo trên áo giáp:

– Bốn trái này là phần của ôn, chốc nữa rán ăn lựu  đạn cay.

– Dại chi ăn lựu đạn cay của ôn, tui về nhà ngủ.

Nói vậy nhưng hắn rú xe chạy thẳng vào sân Tòa Hành Chánh.

Khoảng 9 giờ 15 phút, qua hệ thống truyền tin nội bộ Motorola, Đại Úy Ân gọi tôi:

–  Tango, Tango (danh hiệu truyền tin của tôi)

–  Tôi nghe anh, nói đi!

– Trình thẩm quyền đoàn biểu tình khoảng 1500 người đang di chuyển về hướng Tòa Hành Chánh Tỉnh.

–  Nhận rõ, theo sát và báo mọi diễn biến.

Tôi gọi máy về Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực dặn Đại Úy Huỳnh văn Thiện, Chỉ huy Phó và Đại Úy Trần Văn Trinh, Trung Tâm Trưởng TTHQ/Cảnh Lực:

– Hai ông trực máy 100% với tôi. Đại Úy Thiện nhớ báo cáo từng chi tiết một, mọi diễn biến tình hình cho TTHQ/Cảnh Lực BCH Khu I, và BTL Sài Gòn.

–  Nhận rõ thẩm quyền.

Vừa nói xong với Đại Úy Thiện thì Trần Văn Tý chen vào hệ thống:

– Thẩm quyền, ông cần tôi ra phía trước phụ với ông không?

– Hiện tại vẫn chưa cần, đoàn biểu tình đang kéo đến, anh theo kế hoạch như đã họp. Tôi nhắc lại, nếu họ bạo động, tôi sẽ cắt đoàn biểu tình ra ra làm ba mảnh, mảnh giữa mạnh nhất, phần tôi, tôi sẽ trực diện tấn công thẳng vào họ và đẩy họ chạy xuống mé sông.

Bên trái, phía trường Đồng Khánh phần anh, với 3 Trung đội, anh đẩy họ về phía trường Quốc Học.

Bên mặt, sát Bệnh viện Trung Ương Huế, anh lựa một Trung Đội Trưởng thật cứng giao cho hắn chỉ huy 3 Trung đội còn lại đẩy đoàn biểu tình về phía Cầu Mới và Câu lạc bộ Thể thao.

Khi nào ngoài này tôi sắp bắt đầu tôi sẽ gọi anh, anh tung hai cánh trái và phải ra ngay, Hiện tại ém quân phía sau càng kín đáo càng tốt. Nhớ một điều, bắt đầu nhập cuộc cho lệnh đơn vị xử dụng tối đa lựu đạn cay.

– Nhận rõ thẩm quyền.

9 giờ50 sáng 14/8/1970, đoàn biểu bắt đầu xuất hiện từ hướng mặt của Tòa Hành Chánh Tỉnh, phía bệnh viện Trung ương Huế, họ di chuyển dọc đuờng Lê Lợi, kéo đến Tòa Hành Chánh Tỉnh.

10 giờ 35 tại công viên đối diện với mặt tiền Tòa Hành Chánh Tỉnh, đã có khoảng gần 1500 người. Họ đủ mọi thành phần, học sinh, sinh viên, tiểu thương, cán bộ Chiêu hồi, công chức v. v… Tất nhiên họ là đảng viên của Giáo Sư Lê Đình Cai, và có lẽ đại đa số là thân nhân của những nạn nhân đã bị Việt cộng sát hại trong Tết Mậu Thân 1968.

Vết thương quá nặng và quá sâu trong lòng họ, thời gian hai năm, 68-70 chỉ mới vừa đủ cầm máu không thể làm lành được vết thương đó, vì vậy khi nghe ông Tỉnh Trưởng và Cảnh sát thả đám cán bộ nội thành Việt cộng, họ biểu tình phản đối là chuyện dễ hiểu.

Tôi và lực lượng CSDC bố trí bên này đường Lê Lợi, ngay cổng chính của Tòa Hành Chánh, đoàn biểu tình đứng đối diện với chúng tôi bên kia đường.

Tôi dùng loa phóng thanh nói với đoàn biểu tình:

– “Tôi là Đại Úy Liên Thành, Trưởng Ty CSQG/ TT-Huế, vì trật tự công cộng, và an ninh cơ sở của chính phủ, khu vực giới hạn đồng bào không thể vượt qua và xâm phạm là mặt đường Lê Lợi phân chia giữa vị trí đồng bào đang tập trung và khuôn viên Tòa Hành Chánh Tỉnh, những ai vi phạm, buộc lòng nhân viên công lực phải can thiệp.”

Tôi vừa dứt lời kêu gọi thì bỗng nhiên cả rừng người biểu tình đổi hướng, quay mặt về phía sông Hương, tôi ngạc nhiên nhìn theo.

Một đoàn thuyền (đò), khoảng hơn một trăm chiếc, đã đậu dài giữa dòng sông Hương từ hướng Cầu Tràng Tiền lên quá cột cờ Phu Văn Lâu, trên mỗi nóc đò đều có treo cờ và  biểu ngữ, thì ra lực lượng Vạn đò của Giáo sư Lê Đình Cai biểu tình dưới nước. Đây là một phát minh mới của Giáo sư Cai trong kỹ thuật biểu tình, một phát minh ”hiện đại”, ông ta điều động hai lực lượng ”Bộ binh và Thủy Quân Lục Chiến”.

Chưa có một quân trường nào dạy cho lính và quan, và ngay cả Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia của Đại Tá Trần Minh Công, cũng không có bài nào dạy cho sĩ quan CSQG kỹ thuật giải tán biểu tình dưới nước.

Tôi là Đại Úy Liên Thành, mà đồng nghiệp thường gọi đùa là ”Chuyên viên Giải Tán Biểu Tình” lần này đành tâm phục, khẩu phục, chào thua Giáo Sư Lê Đình Cai.

Tuy nhiên tôi vẫn gọi Đại Úy Chỉ huy trưởng lực lượng Giang Cảnh cho sáu chiếc tàu tuần tiễu trên sông, di chuyển đến vùng bến đò Thừa Phủ và dọc bờ sông Hương, từ Tòa Hành Chánh Tỉnh đến quá trường Quốc Học, ngăn chận không cho hơn 100 ”chiến thuyền” đổ ”Thuỷ Quân Lục Chiến” vào bờ, tạo thêm rắc rối nếu có bạo động.

Bây giờ là 11 giờ 10, ngày 14/8/1970 cả hai đoàn biểu tình dưới sông và trên bộ bắt đầu dơ cao cờ, biểu ngữ, đồng thời dùng loa phóng thanh la to:

– ”Đả đảo Đại Tá Tỉnh Trưởng Lê Văn Thân thả kinh tài Việt cộng” v.v…

Ba trung đội trưởng CSDC đứng cạnh tôi, tôi dặn kỹ họ:

– Ngoại trừ trường hợp đoàn biểu tình băng qua đường và có ý định tràn vào Tòa Hành Chánh Tỉnh, chúng ta mới hành động, ra tay đẩy họ lui, bằng không, họ hoan hô, đả đảo ai là chuyện của họ. Dặn lính bình tĩnh, ngay cả trường hợp bị họ khiêu kích, chửi bới cũng phải đứng yên, coi như không nghe, không thấy.

Một Trung đội trưởng góp ý:

– Đại Úy, kiểu này chắc phải cận chiến với họ rồi, họ quá gần mình. Mình chỉ có 3 trung đội chưa đầy 200 lính mà họ quá đông.

– Anh nói đúng, khoảng cách mình và họ quá ngắn, sau đợt lựu đạn cay, phải xông vào cận chiến mới đẩy lui được họ. Anh khỏi lo, mình còn có 6 Trung đội của Đại Úy Tý, đang ở sau lưng Tòa Hành Chánh Tỉnh đợi lệnh điều động tiếp ứng.

Các anh trở lại vị trí kiểm soát và dặn dò lính một lần nữa, bình tĩnh, đợi lệnh tôi.

Sau gần khoảng 45 phút hoan hô, đả đảo, diễn văn, diễn từ, loạn xạ,  đoàn biểu tình cuốn cờ, xếp biểu ngữ tan hàng, không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.

Cám ơn Giáo Sư  Lê Đình Cai.

Ngày hôm sau, 15/8/1970, báo chí Sài Gòn đăng tải tin tức và hình ảnh vụ biểu tình phản đối Đại Tá Tỉnh Trưởng Thừa Thiên-Huế thả kinh tài Việt cộng.

Ngày 16/08/1970, một phái đoàn điều tra đặc biệt của Bộ Tư lệnh CSQG tại Sài Gòn, do Đại Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối CSĐB  cầm đầu, bay ra BCH/CSQG Khu I tại Đà Nẵng, gặp Trung Tá  Chỉ Huy Trưởng CSQG/ Vùng I, và sau đó ra Huế gặp Đại Tá Tỉnh Trưởng, và tôi. (Đại Tá Nguyễn Mâu hiện định cư tại Hoa Kỳ). Mục đích của phái đoàn điều tra đặc biệt của Bộ Tư lệnh CSQG là:

1- BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế bắt giữ Nguyễn Xin, Nguyễn Hải, Lê Hữu Trí và đồng bọn có thật sự đúng bọn chúng là cán bộ cộng sản của tổ chức kinh tài thuộc cơ quan Thành ủy Huế hay không.

2- Nguyên nhân nào Đại Tá Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng Thành phố Huế và Trung Tá Chỉ Huy Trưởng CSQG Vùng I, ra lệnh cho BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, trả tự do cho đám cơ sở kinh tài Việt cộng đó.

3- Chỉ Huy Trưởng CSQG Thừa Thiên-Huế có xúi dục, đứng sau lưng vụ biểu tình chống lại Đại Tá Tỉnh Trưởng hay không.

Đại Tá Nguyễn Mâu, trước 1963 ông đã từng là Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, Thị Trưởng Thành phố Huế, vì thế ông nắm vững và rõ ràng mọi sinh hoạt của dân chúng, tình hình các đảng phái chính trị và nhất là của lực lượng Phật giáo Ấn Quang tại Huế.

Sau đó ông sang làm Trưởng Khối CSĐB của BTL/CSQG, tức người chỉ huy hệ thống tình báo của lực lượng CSQG từ Quảng Trị, tỉnh địa đầu giới tuyến, đến  tỉnh Cà Mâu của VNCH.

Sau khi đã gặp Trung Tá Chỉ Huy Trưởng SCQG Vùng I, Đại Tá Tỉnh Trưởng, tôi là người cuối cùng. Tôi tiếp Đại Tá Nguyễn Mâu tại văn phòng BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, tôi còn nhớ rõ Đại Tá Mâu đã nói với tôi:

– Vụ kinh tài Việt cộng em đã hành động đúng, còn việc ông Tỉnh Trưởng ra lệnh trả tự do cho đám kinh tài Việt cộng, đó là quyền hạn của ông ta, ông ta là Tổng Thống tại địa phương này. Điều quan trọng là lực lượng Cảnh Sát đã thi hành đúng đắn lệnh của ông Tỉnh Trưởng. Riêng vụ biểu tình phản đối ông Tỉnh Trưởng em hoàn toàn không can dự trong vụ này, Đại Tá đã giải thích với ông Tỉnh Trưởng rồi. Huế là một khối lửa đang cháy ngầm, chỉ cần một cơn gió nhẹ là bùng cháy lớn. Tình hình nội chính ở đây thật khó. Cố gắng lên.

Tôi cám ơn Đại Tá Mâu và nghĩ thầm “Cố gắng cũng đã đuối sức và hụt hơi rồi, biết còn nổi nữa không”.

Tôi đã từng phục vụ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông, khi tôi còn là Phó Trưởng Ty CSĐB của Ty CSQG/Thừa Thiên-Huế. Có thể nói hầu hết các phó Trưởng Ty CSĐB đều kính trọng ông vì tư cách, tác phong,  và phương cách lãnh đạo chỉ huy của ông.

Ông là một chuyên viên Tình báo thượng thặng của miền Nam Việt Nam, của chính phủ VNCH. Nếu tôi nhớ không lầm, ông chính là người đã phá vỡ và truy bắt toàn bộ tổ chức điệp báo, Cụm Tình báo chiến lược A.22 của cộng sản Hà Nội, trong đó đáng kể nhất là tên Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng.

Sau 1975, Trung ương đảng Cộng sản Hà Nội đã phong “quân hàm”  Thiếu Tướng cho Vũ Ngọc Nhạ. Ông Thiếu Tướng Tình báo của Hà Nội đã bị ông Đại Tá Nguyễn Mâu, trùm Tình báo VNCH bắt nhốt vào khám Chí Hòa, sau đó cho đi nằm nghỉ mát tại Côn Sơn. Nếu không có Hiệp Định Đình Chiến 1973, trao đổi tù binh, có lẽ ông Thiếu Tướng Tình báo Vũ Ngọc Nhạ không biết còn nghỉ mát  bao lâu nữa tại Côn Đảo.

Thất bại ê chề dưới tay Đại Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối CSĐB, Trung Ương đảng Cộng sản Hà Nội và ông Thiếu Tướng Vũ Ngọc Nhạ mặt chai mày đá, đã không biết nhục, còn bày đặt hè nhau viết hồi ký “Ông Cố Vấn, Hồ sơ một Điệp Viên”, do nhà xuất bản Quân đội Nhân Dân phát hành vào năm 1989 tại Hà Nội. Chuyện kể  Vũ Ngọc Nhạ hoạt động điệp báo tại miền Nam Việt Nam, y như chuyện Phong Thần, Tây Du Ký Tề Thiên Đại Thánh.

Nhưng Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam và ông Thiếu Tướng Vũ Ngọc Nhạ lại quên mất đoạn Thiếu Tướng Tề Thiên Đại Thánh Vũ Ngọc Nhạ bị Trùm Tình báo miền Nam Việt Nam, Đại Tá Nguyễn Mâu Trưởng Khối CSĐB lùa vào rọ, đem nhốt vào khám Chí Hòa.

Những ai buồn nôn mà không nôn được xin hãy đọc cuốn hồi ký này, bảo đảm hai trăm phần trăm sẽ nôn được ngay.

Vụ thả đám kinh tài cộng sản năm 1970 từ từ đi vào lãng quên trong lòng người dân Huế, nhưng chúng tôi, lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế thì không – Chúng tôi vẫn bám sát theo dõi bọn chúng…

***

 


0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.