NHỮNG YẾU TỐ CĂN BẢN
TRONG CHIẾN LƯỢC BẤT BẠO ĐỘNG
(Bài 041)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

 

     Chiến lược và những chiến thuật chiến tranh đã từng được hoạch định và học hỏi một cách cẩn thận, và đã có nhiều nỗ lực quan trọng nhằm đưa ra một lý thuyết cơ bản. Các châm ngôn, các lề luật và các hệ thống điều động chiến tranh đã từng được soạn thảo để đáp ứng một “yêu cầu khẩn trương.” Trong lãnh vực hoạt động bất bạo động thì đến nay vẫn chưa có những phát triển tương đương. Gandhi đã có những nỗ lực có chủ ý quan trọng hơn cả trong việc hoạch định chiến lược và các chiến thuật trong kỹ thuật đấu tranh này. Tuy vậy, ông ta không phải là một nhà phân tích và cũng không phải là một lý thuyết gia; do đó, mặc dù ông đã đóng góp trong lãnh vực thực hành và trong những nhận xét khái lược của ông, công việc phân tích và hoạch định chiến lược và các chiến thuật đã phải để lại cho người khác thực hiện. Chỉ mới gần đây người ta mới trở nên lưu ý đến những khó khăn và những khả năng của chiến lược và các chiến thuật trong đấu tranh bất bạo động chống lại những nhà độc tài quốc nội và những kẻ xâm lược có thể có. Cần phải lưu ý đến cả lãnh vực rộng lớn của chiến lược và các chiến thuật lẫn những khó khăn cụ thể có thể xảy ra khi đối mặt với đối phương và khi tranh thủ các mục tiêu.

    Chiến lược và các chiến thuật dĩ nhiên mang nhiều hình thái khác nhau và hiện hữu ở những mức độ khác nhau trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, chúng đặc biệt quan trọng trong hoạt động quân sự và hoạt động bất bạo động; cả hai đều là những kỹ thuật mà theo đó những xung khắc xã hội và chính trị được phát động khi những xung khắc này đã phát triển đến độ cần phải đấu tranh công khai và cần phải đọ sức. Hình như có một vài điểm mà những soi sáng của chiến lược quân sự có thể ứng dụng được vào chiến lược bất bạo động; và cũng có những điểm mà những soi sáng về quân sự không nên ứng dụng, bởi vì bản chất cũng như những động cơ của hai kỹ thuật đấu tranh hoàn toàn khác biệt. Bài này do đó không chỉ thuần mô tả hay phân tích những nhận định hiện có về chiến lược trong hoạt động bất bạo động mà còn bàn đến việc du nhập những nguyên tắc quân sự vào nơi nào hợp lý đối với kỹ thuật bất bạo động, và nơi nào mà các nguồn tài liệu quân sự rõ ràng và sáng sủa hơn là những nhận định của những nhà hoạt động bất bạo động.

     Sau đây là một vài định nghĩa ngắn gọn của những từ căn bản về chiến lược: đại chiến lược là một quan niệm rộng lớn nhất dùng để phối trí và điều hướng tất cả những tài nguyên của nhóm đấu tranh nhằm đạt những mục tiêu của cuộc xung đột. Chiến lược, một từ hạn hẹp hơn, là kế hoạch hành động bao quát cho cuộc đấu tranh toàn bộ, bao gồm việc tạo ra một hoàn cảnh thuận lợi, quyết định khi nào phải đánh, hoạch định kế hoạch bao quát cho việc thi hành những hoạt động cụ thể khác nhau trong cuộc xung đột tổng quát. Những chiến thuật là những kế hoạch cho những xung đột giới hạn hơn bên trong kế hoạch chiến lược đã lựa chọn.

A. Sự quan trọng của chiến lược và các chiến thuật

Chiến lược cũng quan trọng trong hoạt động bất bạo động cũng như trong hoạt động quân sự. Dù các nguyên tắc và quan điểm quân sự không thể tự động được ứng dụng vào lãnh vực hoạt động bất bạo động, nhưng sự quan trọng căn bản của chiến lược và các chiến thuật cũng không hề bị suy giảm đi chút nào. Do đó cần phải lưu ý đến những nguyên tắc chiến lược và các chiến thuật tổng quát thích hợp với kỹ thuật này (cả những nguyên tắc đặc thù của kỹ thuật này lẫn những nguyên tắc có thể ứng dụng từ chiến lược quân sự và từ những loại xung đột khác). Những khía cạnh này cần phải được xét định, dĩ nhiên là, trong bối cảnh của những động lực đặc thù và những cơ cấu đấu tranh bất bạo động.

    Những người được đào tạo về quân sự sẽ lấy làm lạ khi thấy những người cổ võ những phương tiện đấu tranh bất bạo động lại nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược và chiến thuật. Và những người có quá trình bất bạo động theo khuynh hướng tôn giáo và triết học cũng có thể ngạc nhiên khi thấy chiến lược và chiến thuật được đặt nặng thay vì những nguyên tắc đạo đức và lương tri. Do đó cần thảo luận qua về chức năng của chiến lược và các chiến thuật trong hoạt động bất bạo động.

    Muốn tác động lên hậu quả của cuộc đấu tranh thì cần phải khôn ngoan lựa chọn phương thức hành động và tiến hành một cách cẩn trọng và sáng suốt. Chỉ nói là mình chính đáng và làm điều đúng thì thật không đủ, bởi vì có thể có nhiều phương thức hành động “đúng” theo quan điểm đạo đức; điều “đúng” có thể bao gồm việc duy trì hay là tạo ra một đối lực cực mạnh chống lại cái “ác” và nếu vậy thì vấn đề là làm thế nào để thực hiện điều này; để đáp ứng trách nhiệm đạo đức và gia tăng tối đa hiệu quả của hành động của mình, những hành động này phải được lựa chọn một cách cẩn thận và thực hiện đúng thời điểm. Các nhà chuyên môn nghiên cứu và chỉ đạo chiến tranh đã học được từ lâu là những kết quả tốt đẹp nhất gặt hái được không phải chỉ vì do một sự bộc phát vũ lực thiếu kiểm soát và do hy sinh. Như Liddell Hart đã từng nói: “…việc chỉ đạo chiến tranh cần phải được kiểm soát bởi lý trí nếu muốn đạt được mục tiêu…Chiến lược càng tốt thì càng dễ chiếm thế thượng phong, và càng ít bị tổn thất.” Cũng như trong chiến tranh, chiến lược và các chiến thuật được sử dụng trong hoạt động bất bạo động để sự can đảm, sự hy sinh, số lượng người và vân vân của những nhà hoạt động bất bạo động có thể gây được tác dụng lớn lao nhất.

     Phương thức đấu tranh có thể mang nhiều hình thức khác nhau, tuỳ vào các chiến lược, chiến thuật, và những phương pháp lựa chọn để đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của hoàn cảnh. Những hành động cụ thể như phản kháng, bất hợp tác, và can thiệp của tiến trình chiến dịch bất bạo động sẽ có hiệu quả nhất nếu những hành động này ăn khớp với nhau như là những bộ phận của một tổng thể toàn bộ, để mỗi hành động cụ thể đóng góp tối đa vào sự phát triển và thành quả của cuộc đấu tranh. Do đó sự phối hợp thuận lợi tối đa cho những hoạt động sẽ đạt được ở nơi nào mà các nhà lãnh đạo phong trào với sự hiểu biết đầy đủ về tình hình và kỹ thuật có thể vạch ra được hướng đi cho các chiến dịch. “Chỉ có vị tướng chỉ huy chiến trận mới có thể biết được mục tiêu của từng nước đi một,” Gandhi viết. Gandhi đã chọn chủ điểm đấu tranh, nơi chốn, thời điểm và phương pháp hành động hết sức cẩn thận, để cho phong trào của ông được đặt vào vị thế mạnh nhất có thể có đối với người Anh, và để cho chính những hành động chuyển đạt đến đồng bào người Ấn của ông một sự hiểu biết rõ ràng nhất và kích động được thiện cảm tối đa và hậu thuẫn của mọi người. Cũng như chiến lược quan trọng trong những cuộc đình công lao động, thì nó cũng quan trọng đối với các loại đấu tranh bất bạo động phức tạp hơn — và còn quan trọng hơn nhiều, khi cuộc đấu tranh là để chống lại những nền độc tài quá khích.

    Có đầy đủ chứng cớ lịch sử về sự quan trọng của chiến lược và các chiến thuật. Đôi khi các chứng cớ này có tính tiêu cực, cho thấy hậu quả của sự thiếu vắng chiến lược hoặc không đưa ra những quyết định quan trọng đối với những vấn đề chiến lược và chiến thuật. Đôi khi những vấn đề khó khăn xảy ra trong tiến trình của những xung khắc đã có thể tránh được hoặc giải quyết một cách thoả đáng hơn nếu trước đó người ta hiểu biết hơn về vai trò và các nguyên tắc đấu tranh bất bạo động. Có những trường hợp khác, các chiến dịch bất bạo động vẫn cứ tiếp diễn sau thời điểm mà hầu như tất cả những mục tiêu và yêu sách đều đã có thể đạt được — nhiều hơn rất nhiều, so với trường hợp những xung đột quân sự; những biến cố sau đó, do đó, sẽ dẫn đến sự thất bại của phong trào. Hay là trong những trường hợp khác phong trào bất bạo động tự xem mình đã thất bại mặc dù theo những tiêu chuẩn bình thường thì phong trào thực sự đang thắng; kết quả là hành động bất bạo động sau đó sẽ được thay thế bằng hành động quân sự được tin là có hiệu quả hơn. Những cuộc đấu tranh của người Mỹ chống lại chính quyền Anh có thể được diễn giải không có gì khó khăn theo chiều hướng này. Rất nhiều soi sáng sẽ được chiếu rọi vào những vấn đề và những nguyên tắc tổng quát của chiến lược bất bạo động, nếu thực hiện được những phân tách cẩn thận về chiến lược và chiến thuật của một số cuộc đấu tranh bất bạo động. Việc nhóm khiếu nại chấp nhận chiến lược cho cuộc đấu tranh cũng rất quan trọng; trong trường hợp nước Phần Lan năm 1901, sự bất đồng ý kiến về việc làm thế nào để đối phó với đối phương hình như đã làm nổi bật một cách trầm trọng sự xung khắc nội bộ đang xảy ra.

B. Một vài yếu tố then chốt trong chiến lược và các chiến thuật bất bạo động

Mặc dù tương đối không có những phân tách chiến lược về những cuộc đấu tranh bất bạo động trong quá khứ và thiếu những nghiên cứu có hệ thống về những nguyên tắc căn bản của chiến lược bất bạo động, ta vẫn có thể liệt kê ra được một số nguyên tắc khá rõ ràng mang những hình thái cụ thể trong một số cuộc đấu tranh. Clausewitz viết là trong trường hợp chiến tranh thì dễ đưa ra một lý thuyết về các chiến thuật hơn là về chiến lược. Cả hai loại lý thuyết đều rất khó trong hành động bất bạo động, và bảng liệt kê các nguyên tắc cung ứng ở đây hẳn là thiếu sót và chỉ có tính cách tạm thời.

Gián tiếp tiếp cận sức mạnh đối phương. Kỹ thuật hành động bất bạo động có thể được xem như là một sự phát triển cùng cực của phương thức “gián tiếp tiếp cận” chiến lược quân sự như Liddell Hart đã vạch ra, và đã được thảo luận trước đây.

     Liddell lý luận là chiến lược trực tiếp sẽ làm vững chải sức mạnh của đối phương, còn phương thức gián tiếp thì về mặt quân sự có cơ sở hơn; thường đem lại hiệu quả khi mà kế hoạch hành động có tính “gián tiếp để chắc chắn là đối phương không sẵn sàng để chống lại.” Do đó, thay vì tấn công trực tiếp vào những vị trí mạnh của đối phương, Liddell nhấn mạnh vào sự quan trọng của các yếu tố tâm lý; mục đích của chiến lược lúc đó trở thành “làm suy giảm khả năng đối kháng…” “Gây bất ổn” cho kẻ thù, ông khẳng quyết, là thiết yếu cho việc tạo điều kiện để thắng lợi, và việc gây rối này phải được tiếp theo bằng “khai thác” cơ hội do vị thế bất ổn đó tạo ra. Do đó “vô hiệu hoá đối lực bằng cách làm tê liệt khả năng chống đối” và làm cho kẻ thù phải “làm một điều gì sai lầm”trở nên quan trọng. Những nguyên tắc tổng quát này đều có thể áp dụng được vào việc dùng hành động bất bạo động để chống lại một đối thủ sử dụng phương tiện quân sự, để cho những phương tiện hành động của đối phương luôn luôn bị chọi lại một cách gián tiếp và sức mạnh đàn áp của ông ta sẽ dội ngược trở lại chính ông theo lối nhu thuật chính trị. Sau cùng, chính những nguồn sức mạnh của ông ta sẽ bị cắt giảm và loại bỏ mà không cần phải được trực tiếp đối đầu bằng cùng những phương tiện hành đấu tranh. 

DN NHP
VÀO
THIT KẾ CHIN LƯC

   

Kiến thức về việc thực hành đấu tranh bất bạo động trong quá khứ và sự thông hiểu về các tiến trình vận hành trong những trường hợp này rất là quan trọng. Những điều này giúp chúng ta hiểu được điều gì đã xảy ra trong quá khứ và suy nghĩ điều gì có thể xảy ra trong tương lai.

    Tuy nhiên, kiến thức và sự thông hiểu này không nói cho chúng ta biết điều gì chúng ta có thể làm, nếu thực sự có điều gì, nếu chúng ta mong ước làm cho loại đấu tranh này trong tương lai hữu hiệu hơn là trong quá khứ. Xét về sự trầm trọng của những xung đột hiện nay tại nhiều nơi trên thế giới, và cả những dự phóng về các hình thức áp bức, thống trị, và bóc lột có thể có trong tương lai, thì tốt nhất là những người chọn chống lại các hệ thống này có sẵn những thông tin mới về cách làm thế nào để họ có thể áp dụng kỹ thuật này được hữu hiệu hơn là trong quá khứ.

  Một trong những kỹnăng quan trọng nhất sẽ đóng góp lớn lao vào việc làm cho kỹthuật này hữu hiệu hơn trong tương lai là khả năng thiết kế chiến lược cho việc tiến hành kỹ thuật đấu tranh này trong nhiều hoàn cảnh xung đột khác nhau.

    Dĩ nhiên là những hoàn cảnh xung đột và bản chất của những khiếu nại sẽ biến đổi rất nhiều. Bóc lột nông dân, quân đội ngoại bang chiếm đóng, một cuộc đảo chánh thất bại, những xung khắc sắc tộc, phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo, và một nền độc tài cực đoan quốc nội được thành lập, tất cả đều là những loại xung đột khác nhau. Hơn nữa, trong bất cứ loại nào trong số các loại này, những cuộc xung đột cá biệt sẽ không bao giờ hoàn toàn giống nhau.

    Tuy nhiên, có một khả năng có thể gia tăng hiệu năng của những nỗ lực áp dụng kỹ  thuật này trong tương lai rất nhiều là khả năng thiết kế các chiến lược để hướng dẫn điều hành cuộc đấu tranh và áp dụng những chiến lược mới này cho sành sỏi.

    Trong Bài 042, chúng tôi sẽ lập luận là kỹ thuật này có thể được làm cho hữu hiệu trong tương lai hơn là trong quá khứ. Bài 042 giới thiệu về thiết kế chiến lược và xác định một vài nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công của đấu tranh bất bạo động.

    Trong Bài 043, chúng tôi sẽ giới thiệu sự quan trọng của việc thẩm định chính xác hoàn cảnh xung đột, rồi sẽ cống hiến những phương thức làm thế nào để thực hiện điều này. Chúng tôi giới thiệu các loại suy tư chiến lược quan trọng, từ đại chiến lược đến những phương pháp cá biệt. Bài 043 sẽ kết thúc bằng một sự xét định về việc thiết lập một kế hoạch chiến lược trước khi cuộc đấu tranh bắt đầu.

    Bài 044 cung ứng một vài hướng dẫn làm thế nào để đối diện với những vấn đề có thể xuất hiện trong thời gian cuộc đấu tranh đang diễn tiến, bao gồm sự quyết định về các mục tiêu, việc tăng sức mạnh cho những người đối kháng, vai trò của lãnh đạo, phá vỡ những nguồn sức mạnh của đối phương, và các phương pháp điều hành cuộc đấu tranh một khi cuộc xung đột mở màn, như là kiên quyết trước đàn áp.

    Bài 045 tập trung vào các yếu tố then chốt trong thời gian cuộc đấu tranh, trong số những yếu tố này là các chuẩn bị để dân chúng sẵn sàng cho cuộc đấu tranh, duy trì đà tiến của cuộc đấu tranh, theo dõi cuộc xung đột, và đưa cuộc xung đột đến hồi kết thúc.

    Bài 046, giới thiệu tiềm năng áp dụng kỹ thuật này thay cho bạo động ở một vài vùng có vấn đề sâu sắc. Những vấn đề này gồm có sự lật đổ những nền độc tài, tạo dựng quốc phòng, cất đi sự áp bức của những nhóm không được chấp nhận, cất đi những bất công xã hội và kinh tế, nới rộng những thực hành về dân chủ và nhân quyền, ngăn chặn các nền độc tài, và chặn đứng nạn diệt chủng. Những thảo luận này khẩn thiết chỉ có tính cách dẫn nhập mà thôi, nhưng là những đề tài đòi hỏi cần phải được lưu ý hơn nhiều khi chúng ta bước vào một giai đoạn mới nói về sự phát triển và thực hành trong lịch sử của phương pháp thay thế vừa cho thụ động vừa cho bạo động này.

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.