VIẾT VÊ MỘT NHÂN VIÊN CIA CỐ VẤN CHO LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT ĐẶC BIỆT BỘ CHỈ HUY CẢNH SÁT QUỐC GIA THƯA THIÊN-HUẾ.      

2:30 chiều ngày mồng một Tết: Huế vẫn bình yên…

Phái bộ Hoa Kỳ Cố vấn cho Cảnh Sát Đặc biệt gọi máy mời tôi họp khẩn cấp tại văn phòng của họ, nhìn đồng hồ khi ấy là 2:30 chiều. Chỉ 5 phút sau tôi có mặt tại văn phòng của phái bộ.

Cũng như tôi, họ cũng đã nhận được tin tức tương tự: Việt cộng sẽ tấn công Huế đêm nay.

Viên cố vấn Hoa kỳ hỏi tôi:

– Tôi cần phải báo cáo gấp về Vùng I và Sàigòn về kế hoạch phòng thủ Huế của chính quyền địa phương, anh đã có chưa?

Tôi chậm rãi trình bày hết mọi việc, từ việc chính quyền đã cho lệnh xả trại 50% các đơn vị quân sự, bán quân sự, CSQG, đến việc tôi đề nghị Ông Trưởng Ty Đoàn Công Lập lên đài phát thanh Huế kêu gọi khẩn cấp anh em CSQG trở lại đơn vị, cũng như cho phép tôi mở cuộc hành quân truy lùng Việt Cộng trong thành phố…Tất cả đều không được ông Lập chấp thuận.

Tóm lại chính quyền hay nói đúng hơn là vị Tỉnh Trưởng Thị Trưởng Thừa Thiên-Huế kiêm Tiểu khu Trưởng Tiểu Khu Thừa Thiên cũng như ông Trưởng Ty CSQG/Thừa Thiên-Huế hoàn toàn không có kế hoạch phòng thủ Huế có lẽ vì chủ quan tin tưởng Việt Cộng tôn trọng lệnh hưu chiến mà bọn chúng đã ký kết, còn tôi chỉ là một sĩ quan tép riêu, tôi làm được gì đây? Tôi hỏi lại ông ta.

Nghe xong viên cố vấn Hoa Kỳ chỉ buông tiếng thở dài, chán nản ông ta nói với tôi:

Chief Thành, mình lo việc mình. Tôi được lệnh của Vùng cung cấp thêm cho anh một máy truyền tin quân đội C-25 và một repeater của GE như vậy là đầy đủ.’

(Vào thời điểm 1967, máy truyền tin C-25 quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng, nhưng phía quân lực VNCH ngoại trừ các đại đơn vị mới được trang bị).

Tôi và viên cố vấn bàn thảo thật kỹ kế hoạch yểm trợ lẫn nhau khi hữu sự. Toàn bộ phái bộ cố vấn tình báo Hoa Kỳ đã rút khỏi Huế vào sáng nay, họ chỉ để lại hai nhân viên và một trung đội người Nùng bảo vệ họ. Trung đội nầy tôi còn nhớ do anh Nam, một người Nùng gốc Tàu chỉ huy, và tôi cho anh ta vào tần số liên lạc với tôi.

Tôi và phái bộ Cố Vấn Tình Báo Hoa Kỳ bắt đầu trực máy truyền tin 24/24 và liên lạc với nhau vào mỗi đầu giờ.

Chúng tôi chia tay, viên cố vấn ôm sát tôi, dặn tôi cẩn thận và chúc may mắn, tôi cũng vậy, cũng chúc ông ta may mắn.

Chia tay ông ta trong lòng tôi có chút xúc động, không hiểu rồi ra khi trận đánh bắt đầu, ai còn? ai mất? nào ai biết được …

Khi trận đánh Mậu Thân Huế bắt đầu, ông ta không “may mắn” như lời chúc  may mắn của tôi đối với ông ta. Trong 1 giờ đầu của 624 giờ kinh hoàng, ông ta liên tục gọi tôi tiếp cứu vì nơi ông ở đã bị hơn một trung đội Việt Cộng bao vây. Ông và đơn vị an ninh người Nùng chống cự đã gần hết đạn, bọn chúng quyết bắt sống ông ta.

Tôi liên lạc với ông và báo cho ông biết chúng tôi cũng bị bao vây, không cách gì có thể vuợt thoát vòng vây để cứu ông được, và câu cuối cùng tôi nghe ông trên hệ thống truyền tin GE:

– Tango… Tang… Nancy gọi.

– Tango nghe.

– Vĩnh biệt… bọn chúng đã tràn vào…

Ngày 1 tháng 9 năm 1975, tôi và gia đình ra khỏi trại tỵ nạn ở Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas. Ngày 17 tháng 9 năm 1975 chúng tôi có buổi họp mặt tại thành phố Rockville, Maryland, trong đám đông những người cố vấn cũ của tôi, tôi đã gặp lại ông ta!. Chúng tôi ôm nhau trong nghẹn ngào, ông ta đã khóc và tôi cũng khóc. Những giọt nước mắt của người tù binh Mỹ đã bị bọn công an cộng sản trong nhà tù Hỏa Lò Hà Nội đánh gãy đôi chân nay phải ngồi xe lăn, và đôi dòng lệ của tôi, của một cựu chiến binh quân lực VNCH và CSQG thua trận, mất quê hương, phải sống kiếp lưu đày.

Trong dòng nước mắt, ông ngập ngừng nói với tôi:

– Tang… Xin lỗi anh… xin lỗi… những người bạn CSQG/VNCH… Chúng tôi đã tận lực…

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.