CẢM NGHĨ VÀ SUY NGHĨ

Trần Trung Chính

Nguyên Kỹ Sư Canh Nông VNCH

Nguyên Trưởng Ty Nông Nghiệp – Tỉnh Chương Thiện VNCH

Tháng 12 năm 1975, trong “trại cải tạo Kinh 5, Chương Thiện”, trong lúc ngồi uống trà đón Tết Tây 1976, anh Trần Trí Tâm hỏi tôi:

– Theo suy nghĩ của anh đơn vị nào của Việt Nam Cộng Hòa là đơn vị chiến thắng quân Cộng Sản trong thời gian 1954-1975?

Suy nghĩ mãi, tôi không tìm ra câu trả lời thỏa đáng, vì Tướng Dương Văn Minh đã lên Đài Phát Thanh Sài Gòn lúc 9:00 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 kêu gọi tất cả các quân nhân “ở đâu ở đó”, buông vũ khí và ngưng chiến đấu…Tất cả mọi người (kể cả quân dân cán chính) đều hiểu đó là “lệnh đầu hàng vô điều kiện” sau 21 năm chiến đấu chống Cộng.

Anh Trần Trí Tâm phân tích sự việc dưới nhãn quan chính trị như sau:

1/ Tổng Thống Dương Văn Minh không tuyên bố “đầu hàng”, mà ông tuyên bố “bàn giao chính quyền”. Nếu tuyên bố “đầu hàng” như Nhật Hoàng Hirohito hồi tháng 8 năm 1945 thì phải có văn kiện ký kết xác nhận bằng văn bản, văn bản này được 2 người đứng đầu của chính phủ 2 miền Nam-Bắc (nếu có đại diện của ngoại giao đoàn càng tốt). Đàng này phía Bắc Việt là kẻ chiến thắng nhưng không có văn kiện đầu hàng của chính phủ VNCH thì trên phương diện pháp lý không có giá trị hữu hiệu.

2/ Nếu “bàn giao chính quyền” thì phía bên chiến thắng phải có vai vế tương đẳng “tiếp nhận chính quyền”. Thượng Úy Bùi Tùng, chính ủy trung đoàn thiết giáp là sĩ quan cao cấp nhất vào Dinh Độc Lập bắt ông Dương Văn Minh lên Đài Phát Thanh Sài Gòn đọc bài diễn văn do chính ông ta soạn sẵn, rõ ràng không phải là giới chức có vai vế tương đẳng đối với Tổng Thống Dương Văn Minh.

3/ Thượng Úy Bùi Tùng lại không có giấy giới thiệu (hay còn gọi là ủy nhiệm thư) của Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Bắc Việt nên giả sử Tướng Dương Văn Minh không chịu “bàn giao” thì có lẽ Bùi Tùng phải chỉ vào chiếc xe tăng T-54 hay y ta rút khẩu K-54 nói rằng những thứ này thay thế cho “giấy ủy nhiệm” chăng? Điều này càng chứng tỏ Lê Đức Thọ hay Thượng Tướng Trần Văn Trà còn “rét” và “ngán” các đơn vị Nhảy Dù hay Biệt Cách Dù trấn đóng tại các cửa ngõ vào Sài Gòn: thí cho thượng úy Bùi Tùng vào Dinh Độc Lập trước, nếu bị giết thì chỉ có một mình Bùi Tùng thành “liệt sĩ”, còn nếu thành công thì nhận vơ là “nhờ sự lãnh đạo tài tình của cấp lãnh đạo Đảng ta!!”

4/ Bên Thắng Cuộc mà không có “văn kiện đầu hàng” cũng như không có “biên bản bàn giao chính quyền” thì chỉ nổi bật tính du côn dốt nát của những tên ăn cướp bình dân vô giáo dục. Trong hiện tại, có lẽ chính quyền Hà Nội không nhận được bất cứ khoản tiền nào (dù dưới danh xưng viện trợ hay bồi thường chiến tranh từ phía Hoa Kỳ) vì thiếu không có 2 văn bản tối quan trọng này. Trong tương lai vài trăm năm sau chả hạn, những nhà biên khảo về lịch sử Việt Nam cũng không thể có 2 văn bản vừa nêu để minh danh sự chiến thắng của phía Bắc Việt. Cũng có thể các nhà biên khảo lịch sử đành phải mượn nhận xét của nghị sĩ John Mc Cain, đại diện tiểu bang Arizona là “trong chiến tranh Việt Nam, kẻ chiến thắng là những BAD GUYS”.

5/ Cảnh Sát Quốc Gia VNCH là đơn vị chiến thắng quân Việt Cộng: khối Cộng Sản tiến hành chiến tranh “giải  phóng miền Nam” đặt trên căn bản “nhân dân miền Nam nổi dậy cướp chính quyền”. Chiếc xe tăng T-54 ủi sập cánh cửa Dinh Độc Lập chạy vào sân cỏ thì đó là “chiến tranh xâm lược dùng quân đội chính quy qui ước” chứ không phải là “chiến tranh do nhân dân nổi dậy cướp chính quyền”. Không có bất cứ cá nhân nào cũng như không có đoàn thể nhân dân nào nổi dậy cướp chính quyền hết cả vì Việt Cộng thứ thiệt đã bị Cảnh Sát cho ra Côn Sơn tắm biển trước đó rồi. Sau 30 tháng 4/1975, phải chờ có tàu chạy đường biển ra Côn Sơn đem đám Việt Cộng này về Sài Gòn, chả lẽ lúc đó tổ chức “xuống đường đi cướp chính quyền” thì dị hợm quá, bọn lãnh đạo “Đảng ta” không dám làm.

Anh Trần Văn Chính – biên tập viên khóa 4 của Học Viện CSQG, nguyên Giám Đốc khu Tù Chính Trị tại Chí Hòa có tâm sự với tôi: “Có thể mình phải ở tù lâu không có ngày về, cũng có thể là mình cũng bị chết trong trại tù, nhưng tôi hãnh diện tự hào nói với bạn là ngành Cảnh Sát đã chu toàn nhiệm vụ của mình”.

Chú thích của người viết:

Anh Trần Trí Tâm quê quán tại Cà Mau, năm sinh khoảng 1934-1935, anh theo vị đàn anh là ông Kiều Công Cung – Tổng Ủy Trưởng Công Dân Vụ từ hồi 1955. Ông Kiều Công Cung là một nhân sĩ miền Nam theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp, Sau Hiệp Định Geneve 1954, ông Kiều Công Cung ra giúp Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, khoảng 1960 ông bị ung thư được chính Tổng Thống Diệm đưa ra ngoại quốc chữa bệnh, nhưng ông không qua khỏi. Anh Trần Trí Tâm làm Phó Trưởng Ty Thông Tin tỉnh Long An thời Thiếu Tá Nguyễn Viết Thanh làm Tỉnh Trưởng và chơi khá thân với Trung Úy Nguyễn Viết Cần. Năm 1971, Tổng Trưởng Thông Tin Trương Bửu Điện bổ nhiệm anh Trần Trí Tâm làm Trưởng Ty Thông Tin tỉnh Quảng Đức. Năm 197 4, anh ra ứng cử Hội Đồng Tỉnh của tỉnh Quảng Đức và giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh – tỉnh Quảng Đức cho đến 30 tháng 4 năm 1975. Mãi sau này, khi ra hải ngoại gặp một số cựu tù Trại Kinh 5 Chương Thiện, tôi được biết anh Trần Trí Tâm qua đời khoảng 1981 vì chứng bệnh đau bao tử mà ở trong tù làm gì có thuốc men để mà chữa.

Thiếu Tá Liên Thành đã xuất bản 3 quyển sách: BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG 1966,  HUẾ MẬU THÂN 1968, THÍCH TRÍ QUANG, TỘI ĐỒ DÂN TỘC. Và năm nay 2017, dự trù sẽ xuất bản quyển sách thứ tư với tựa đề TÌNH BÁO & PHẢN TÌNH BÁO VNCH ĐỐI ĐẦU VỚI TÌNH BÁO CỦA VIỆT CỘNG, CỦA CIA VÀ DIA.

Từ 2008 đến nay, tất cả những độc giả của 3 quyển sách đã lưu hành đều bày tỏ  CẢM NGHĨ, có thể chia ra thành 3 khuynh hướng:

  1. Khuynh hướng tán đồng
  2. Khuynh hướng chống đối
  3. Khuynh hướng trung lập: Có thể định danh 2 chữ “trung lập” là không hoàn toàn chính xác, vì khuynh hướng này không ngả về 2 khuynh hướng vừa kể, mà cũng là khuynh hướng “vô cảm” nữa vì không bao giờ có ý kiến về những chuyện không liên can gì đến mình.

Trong bài viết này tôi không có ý định thống kê về khuynh hướng tán đồng và khuynh hướng chống đối, lại càng không viết về những gì có thể thay đổi chiều hướng của 2 khuynh hướng nói trên. Thực tế, tôi không có khả năng xoay chuyển chiều hướng đó, phù hợp với nhận định của nhà bác học Einstein: “phá vỡ một nhân nguyên tử dễ hơn là phá vỡ một định kiến”. Như vậy những phần tiếp theo trong bài viết này không còn năm trong CẢM NGHĨ nữa, mà bước hẳn vào lãnh vực SUY NGHĨ của riêng người viết.

Nhà văn Nguyễn Hưng Quốc (hiện định cư tại Australia) đã nêu lên 4 quan niệm và 4 hình ảnh tối quan yếu của LÒNG YÊU NƯỚC như sau:

1) Yêu nước là phải dấn thân tuyệt đối.

2/ Tuyệt đối trung thành: Vợ chồng có thể ly dị, yêu nước thì không.

3/ Hy sinh: Các tình yêu khác, hy sinh là tự nguyện, trong tình yêu nước, hy sinh là một mệnh lệnh.

4/ Sự khuất phục: Tình gia đình còn bị giới hạn bởi luật pháp, trong tình yêu nước, người ta được phép làm tất cả.

(Hết trích)

Tôi cũng quan niệm rằng nhan sắc và thể hình của con người thuộc về tiên thiên  không thể sửa chữa hay không thể điều chỉnh được (tuy rằng hiện nay người đời tốn khá nhiều tiền để giải phẫu thẩm mỹ, nhưng các vị Bác Sĩ giải phẫu thẩm mỹ không có khả năng sửa đổi DNA, cũng như không thể sửa đổi genes [những phần tử di truyền] và chromosomes [nhiễm sắc thể] được). Và tất cả những gì còn lại (hậu thiên) đều tùy thuộc vào giáo dục. Câu tục ngữ:

Con vua thì lại làm vua

Con sãi ở chùa đi quét lá đa

Câu tục ngữ này cũng mang tính “giáo dục” chứ không phải mang tính “kỳ thị giai cấp” vì con của vua thì được dạy để cai trị thiên hạ, còn con sãi ở chùa được dạy đọc kinh gõ mõ phục vụ nhu cầu tôn giáo cho bá tánh. Là người địa phương Huế – Thừa Thiên, Thiếu Tá Liên Thành biết rõ sinh hoạt của các nhà sư Thích Trí Quang, Thích Nhất Hạnh…Ngay từ nhỏ họ được vào chùa nuôi dạy, biết chữ Hán, chữ quốc ngữ, chữ Phạn, về sau một số học giỏi được du học Nhật, Anh, Pháp, Mỹ…lên hàng chức sắc cao cấp của Giáo Hội, nhưng thiên Cộng, quậy phá, gây rối loạn nhiễu nhương cho chính quyền VNCH!

Ba quyển sách đã phát hành của Thiếu Tá Liên Thành chỉ mô tả những sự việc đã xảy ra tại địa phương Huế – Thừa Thiên trong khoảng thời gian 1966-1975, nhưng ông không trình bày nguyên nhân, cho nên đã nảy sinh nhiều tranh cãi vì độc giả chỉ sử dụng CẢM NGHĨ mà chưa thấy ai dùng đến SUY NGHĨ để luận việc.

Nhận xét của tôi đó là vì các nhà sư này được giáo dục trong chùa, nghĩa là tương tự như hồi thế kỷ thứ 9 khi Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh…vừa mới đuổi được đế quốc Trung Hoa dành được độc lập tự chủ. Các  vị vua như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn… đều là những chiến tướng, lên ngôi qua các chiến trận cho nên chữ nghĩa, học thức và ngoại giao đều thiếu sót. Thời Bắc thuộc, những trí thức của đất nước đều nằm trong các chùa, vì các vị trụ trì đều là những học giả tinh thông chữ Hán, chữ Phạn, thấu hiểu triết lý của kinh điển thỉnh từ Trung Hoa, Ấn Độ…Những bậc đại sư như Khuông Việt, Vạn Hạnh ra giúp các vị vua với tinh thần Bồ Tát Cứu Nhân Độ Thế, xong việc các ngài trở về đời sống tu trì chứ không tham chính tranh dành quyền lực. Người đời cũng như các sử gia gọi các ngài là Quốc Sư, trong khi vào thế kỷ 20 có những lãnh tụ của Phật Giáo Việt Nam lại nghĩ ông ta là “Quốc Phụ”!!!

Trong khi Việt Nam Cộng Hòa sau 1954 đã tiến rất xa so với nước Việt Nam thời Đinh- Lê- Lý- Trần, nhất là  Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ký sắc lệnh cải tổ giáo dục vào năm 1958, đưa môn Công Dân Giáo Dục vào học đường từ bậc tiểu học cho đến bậc trung học đệ nhị cấp.

Giáo sư Bùi Đình Tấn, nguyên hiệu trưởng trường trung học Chu Văn An Sài Gòn đã dạy môn Sử Địa năm đệ nhất (lớp 12) đã dạy học sinh chúng tôi là Quốc Gia bao gồm 3 thành phần: Lãnh Thổ, Dân Chúng và Chính Quyền. Nhưng Chính Quyền phải dạy cho dân chúng biết LÒNG YÊU NƯỚC thì mới có TỔ QUỐC. Giáo sư Bùi Đình Tấn chỉ rõ, một số nước châu Phi hình thành do sự cai trị của đế quốc Anh, của đế quốc Pháp, sau 1960 được trao trả độc lập, có quốc gia nhưng không có tổ quốc nên nội loạn, nội chiến nhiều gấp bội thời kỳ đế quốc Anh- Pháp cai trị.

Thời trước 1975, Giáo Hội Phật Giáo được hậu thuẫn của đa số Phật tử, nhưng trở nên phân hóa và lúng túng trong đường lối chính trị vì các thành viên trong Ban Lãnh Đạo của Giáo Hội không hiểu rõ thế nào là Tổ Quốc, Quốc Gia, Đạo Pháp, Dân Tộc và Đấu Tranh Giai Cấp. Ra đến hải ngoại Giáo Hội Phật Giáo đã vượt qua giai đoạn phân hóa mà tiến tới giai đoạn phân liệt: hiện nay các lãnh tụ của Giáo Hội Phật Giáo trở thành các “sứ quân” hùng cứ tại mỗi địa phương lo làm business như mở Đại Nhạc Hội, mở Show trình diễn thời trang, làm DVD, CD ca nhạc…

Một nam sinh mù hỏi vị linh mục tuyên úy trong trường trung học dành cho học sinh khiếm thị: “Thưa thầy, có nỗi khổ nào lớn hơn nỗi khổ của một người mù không thấy đường?”. Vị thầy trả lời: “Có chứ, đó là những người có mắt mà không định hướng được cuộc đời của mình”.

Khoảng cuối năm 1970, Trung Tá Phạm Hậu (tức là nhà thơ Nhất Tuấn) của Nha Chiến Tranh Tâm Lý được Bộ Thông Tin (ông Trương Bửu Điện làm Tổng Trưởng) xin với Trung Tướng Trần Văn Trung (Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị) cho phép chuyển qua làm Giám Đốc Đài Phát Thanh Sài Gòn. Cá nhân Trung Tá Phạm Hậu nghĩ rằng chức vụ Giám Đốc Đài Phát Thanh Sài Gòn là do ông Hoàng Đức Nhã tiến cử với Tổng Trưởng Trương Bửu Điện vì Trung Tá Phạm Hậu không quen biết với ông Trương Bửu Điện (thời điểm 1970, ông Hoàng Đức Nhã là Bí Thư kiêm Tham Vụ Báo Chí của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu).

Mãi hơn 30 năm sau, nhân kỳ Đại Hội Truyền Thông ở Houston vào tháng 4/2004, Trung Tá Phạm Hậu đã hỏi ông Nhã về việc này: ông Hoàng Đức Nhã đã trả lời khá chi tiết nhưng cũng rất thẳng thắn:

Trích dẫn…

Theo tôi, ở đời có 2 yếu tố thành công, tài của mình (30%), và mình được cơ hội gặp cấp chỉ huy để có hoàn cảnh trổ tài chứng tỏ mình có khả năng (70%). Khả năng của Hậu, qua gần 4 năm coi Hệ Thống Truyền Thanh và Việt Tấn Xã. Hậu có làm việc được không? Hậu và chúng tôi đã biết, khỏi nói thêm. Vậy chỉ cần nói yếu tố đầu thật rõ ràng, dù chỉ 30%! Hậu còn nhớ lần tôi mời Đài Phát Thanh Quân Đội và anh em bên báo Diều Hâu vào Dinh Độc Lập, trong khi chờ Tổng Thống xuống ăn cơm chung với chúng ta, tôi đã bàn sơ về đường hướng Thông Tin mà tôi đang phác họa và muốn thi hành. Tôi còn nhớmấy anh em đã cho tôi ý kiến rất thẳng thắn, nhưng tôi chỉ nhớ thái độ professional của Hậu, với những lời bàn luận rất sâu sắc. Sau buổi họp đó, tôi biết rằng Hậu là candidat của tôi để về Đài Phát Thanh Sài Gòn. Phải nhắc lại rằng lúc ấy tôi không được biết Hậu nhiều, nhưng tôi biết phải lựa người có những đặc tính nào.

Đó là nhiệm vụ của người chỉ huy: tìm những người tài giỏi, giỏi hơn chính mình, để làm những việc quan trọng, và cho người đó đủ latitude để hoạt động. Khi tôi trình lên Tổng Thống là tôi muốn đưa Hậu về Đài Phát Thanh Sài Gòn vì tôi cần có người với những đặc tính như tôi nêu trên, và sau khi Tổng Thống coi hồ sơ của Hậu, thấy là dân Võ Bị thì thích thú, và hình như Tổng Thống có nói với tôi rằng Tổng Thống có nhớ anh chàng này: The rest is history! Tóm lại, nếu có chút tài, dùmay mắn được người tiến cử, giúp đỡ…mà anh không chứng tỏ thực tài khi vào công việc…thì sớm muộn họ cũng mời anh đi chỗ khác!

Hết Trích…

Ông Liên Thành khi chuyển qua Cảnh Sát vào năm 1966 chỉ là Chi Khu Phó chi khu Nam Hòa với cấp bực Thiếu Úy Đại Đội Trưởng Đại Đội Địa Phương Quân. Sau khi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan ra Huế dẹp loạn (trong biến cố “biến động miền Trung”), ông Liên Thành mới được hợp thức hóa là Sĩ Quan Cảnh Sát nắm giữ chức vụ Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt rồi khi lên làm Trưởng Ty Cảnh Sát cũng chỉ mới mang cấp bậc Trung Úy. Những cấp chỉ huy cao cấp trong ngành Cảnh Sát như Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Thiếu Tướng Trần Thanh Phong…đều đã qua đời từ lâu. Hiện chỉ còn Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình đang cư ngụ tại San José, chưa bao giờ ông Liên Thành hỏi Thiếu Tướng Bình về trường hợp của mình (như Trung Tá Phạm Hậu đã hỏi ông Hoàng Đức Nhã), nhưng nếu có hỏi thì tôi nghĩ rằng câu trả lời của Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình chắc cũng tương tự như câu trả lời của ông Hoàng Đức Nhã vừa nêu ở đoạn trên.

Thành quả của ngành Cảnh Sát VNCH, như đã nói ở đoạn trên, là buộc Cộng Sản Bắc Việt từ bỏ “chiến tranh nổi dậy” chuyển sang hình thái “sử dụng quân đội chính quy  trong mục tiêu xâm lược”. Tức là Đảng Cộng Sản Việt Nam từ bỏ sở trường của mình để sử dụng sở đoản đối đầu với sở trường của Hoa Kỳ. Tuy tự xưng là “chiến thắng Đế Quốc Mỹ” nhưng che dấu thiệt hại nhân mạng quá to lớn khiến hơn 40 năm sau, Việt Nam vẫn chỉ là “con giun đất” chứ không dám tự bốc thơm la “con rồng của Á Châu”.

Một thành quả to lớn khác mà ít được chú ý, đó là khối Cộng Sản Quốc Tế cũng không dám sử dụng “chiến tranh nổi dậy” cho các cuộc xâm lược khác của  Cộng Sản Quốc Tế. Dẫn chứng: sau chiến tranh Việt Nam, Liên Sô xâm chiếm Afghanistan, Ethiopia, Angola…đều áp dụng chiến tranh xâm lược với lực lượng quân sự quy ước.

Ông Donal Rumfield là một chiến lược gia đại tài, khi Tổng Thống George W. Bush mở cuộc tấn công vào Iraq vào năm 2003, ông Rumfield đã chứng minh cho chính giới Hoa Kỳ là ông đã có “đáp số” cho học thuyết của ông:

1- Bài toán vận chuyển khoảng 200,000 binh sĩ Bộ Binh trong khoảng thời gian chỉ có 72 giờ đồng hồ.

2- Sử dụng phương thức Rangers và Special Forces dùng trực thăng nhảy xuống phía sau đại quân của Iraq để cắt dứt nguồn tiếp tế nước và lương thực + thực  phẩm khiến nhiều đại đơn vị cấp sư đoàn của Iraq  phải đầu hàng. Chỉ có 5 tuần sau, quân đội Mỹ tiến vào thủ đô, chiến tranh kết thúc quá mau khiến tiết kiệm được tiền bạc, nhân mạng, vũ khí đạn dược.

Trên đà thắng lợi, ông Rumfield xin từ chức và được Tổng Thống Bush chấp thuận. Lý do thật đơn giản: ông Rumfield và binh sĩ tác chiến ngoài mặt trận không có kinh nghiệm và cũng không được huấn luyện để đối phó với cuộc nổi dậy của các chiến binh Hồi Giáo (thuộc đủ mọi giáo phái khác nhau). Người kế vị ông Rumfield là ông Robert Gates – một giới chức thuộc ngành an ninh tình báo: Đây là giai đoạn mà người ta gọi là “Pacification” (hiểu theo nghĩa tiếng Việt là giai đoạn bình định)

Tôi suy đoán là ông Robert Gates đã đọc lại bộ sách viết về Kế Hoạch Phượng Hoàng do ông Williams Colby và Ban Tham Mưu của ông soạn từ hồi 1967-1968. Dĩ nhiên khi ứng dụng, ông Gates có linh động sửachữa cho phù hợp với thực tế. Vì thân tình, tôi được ông Liên Thành cho đọc trước tác phẩm này trước khi bản layout của nó được chuyển tới nhà in. Một thiếu sót nhỏ là ông Liên Thành không vẽ sơ đồ tổ chức hệ thống Tình Báo và Phản Tình báo của VNCH như học giả Trần Trọng Kim khi soạn cuốn Việt Nam Sử Lược: vào cuối mỗi triều đại, học giả Trần Trọng Kim đều vẻ một “thế phổ” để người đọc và các nhà nghiên cứu tiện việc đối chiếu.

Chiến binh trẻ tuổi nhất của cuộc chiến Việt Nam 1954-1975 có năm sinh 1956, năm nay 2017 cũng đang vào tuổi về hưu. Quyển sách thứ tư của ông Liên Thành không phải là sách giáo khoa, nhưng quyển sách này có thể được xem như một cẩm nang về tổ chức an ninh và nghiên cứu về hệ thống. Trong tình hình rối ren bất an hiện nay trên toàn thế giới, vấn đề SAFETY FIRST luôn luôn được chú trọng hàng đầu.

Giáo sư Đỗ Quý Toàn dạy Việt Văn tại trường trung học Chu Văn An, ông cũng là Đạo Trưởng Đạo Hoa Lư của Hướng Đạo Việt Nam, ông đã  nêu khẩu hiệu và cũng là phương châm của Hướng Đạo, đó là SẮP SẴN: nghĩa là con người Hướng Đạo luôn luôn tự chuẩn bị và trang bị cho mình những thức cần thiết cho tương lai sắp tới. (Hiện nay, giáo sư Đỗ Quý Toàn đang là bình luận gia trên báo NGƯỜI VIỆT ở Nam Cali, dưới bút hiệu NGÔ NHÂN DỤNG )

Tôi hy vọng và mong mỏi rằng những người có thiện tâm và mong muốn quang phục lại quê hương, hãy nghiên cứu quyển sách này theo chiều hướng mà tôi vừa đề nghị ở đoạn trên. Chế độ Cộng Sản chắc chắn phải suy tàn: nếu chờ cơ hội đến mới lo đi học thì chắc chắn không có thì giờ. Hãy hăng hái tiến bước về phía trước như một hướng đạo sinh với tinh thần SẮP SẴN. Mong lắm thay!

San José ngày 01 tháng 6 năm 2017

Kỷ niệm ngày Sinh Nhật Truyền Thống của CSQG/VNCH

Trần Trung Chính

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.