BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG. 

LIÊN THÀNH

[Tiếp theo]

Đúng 10 giờ sáng ngày hôm sau, trực thăng của Thiếu Tá Bob đón chúng tôi bay vào Quân Đoàn I trình diện Thiếu Tướng Tư lệnh Trần Thanh Phong. Trước khi đi tôi nói với Thiếu Úy Hành, Trưởng Ban 3:

– Anh coi nhà, tôi, Thiếu Tá Quận Trưởng, và Thiếu Tá Bob đi họp hành quân với TQLC Mỹ sẽ về trong ngày.

Khoảng 45 phút sau, chúng tôi đáp xuống sân bay trực thăng của BTL/ Quân Đoàn. Tại sân bay đã có một Trung Tá Mỹ đón chúng tôi và đưa thẳng vào phòng hội của BTL.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là Đại Úy Anh, Quận Trưởng Quận Quảng Điền, người đã chạy thoát khỏi cuộc lùng bắt của đám Sinh Viên Quyết Tử tại Huế, khi ông chống lại Phong trào Tranh Đấu của bọn chúng. Chúng tôi mừng rỡ ôm choàng nhau.

Phòng hội có khoảng 30 sĩ quan cấp Tá trở lên vừa Việt, vừa Mỹ. Khoảng 5 phút sau Thiếu Tướng Tư lệnh vào phòng hội.

Sau phần trình bày tình hình tại Huế của Thiếu Tá Quận Trưởng Nam Hòa Phạm Khắc Đạt, Thiếu Tướng Tư lệnh chỉ thị chúng tôi trở lại Huế. Thiếu Tá liên lạc với Trung Tá Tỉnh Trưởng Phan Văn Khoa, hiện đang có mặt tại Quận Hương Thủy để nhận lệnh. Phần tôi trở lại Chi Khu Nam Hòa chỉ huy 2 đại đội cơ hữu đợi lệnh. Hằng ngày Đại Úy Anh sẽ liên lạc với tôi.

Chúng tôi chào từ giã Thiếu Tướng Tư lệnh.

Thiếu Tá Bob gặp chúng tôi ngay phòng hội cho biết 3 giờ sau sẽ gặp nhau tại bãi đáp trực thăng Quân Đoàn để trở về lại Huế.

Đại Úy Anh chở chúng tôi đi ăn phở tại Đà Nẵng. Ông đưa cho tôi một đặc lệnh truyền tin và nhiều tần số liên lạc. Hàng ngày vào buổi sáng ông sẽ bay ra Nam Hòa và sẽ liên lạc với tôi để nhận báo cáo tình hình. Ông dặn dò:

– Nói ngắn, gọn, đề phòng bọn nó vào tần số mình nghe lén. Mỗi ngày thay đổi tần số liên lạc như đã qui định.

Chúng tôi trở lại Nam Hòa cùng ngày. Thiếu Tá Quận Trưởng về Hương Thủy gặp Trung Tá Tỉnh Trưởng nhận lệnh hành động. Tôi tiếp tục ở lại quận.

Đầu tháng 5-1966, Thiếu Tá Đạt gọi tôi về gặp ông ta và Trung Tá Tỉnh Trưởng tại BCH/ chống Tranh Đấu tại Chi Khu Hương Thủy. Trung Tá Tỉnh Trưởng hỏi tôi:

– Liên Thành, anh có liên hệ gia đình với Ngài Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết phải không?

– Dạ đúng.

– Anh có người anh đi tu là Đại Đức Thích…?

– Dạ đúng.

– Anh có nhiều bạn trong đám sinh viên Đại Học Huế?

– Dạ đúng.

– Vậy thì tốt, công tác này anh làm được, bọn Tranh Đấu không nghi ngờ. Đã đến lúc phải tắt tiếng Đài Phát Thanh tranh đấu của bọn chúng. Đài Phát Thanh Huế của chính quyền bọn hắn chiếm bây giờ mình phải lấy lại.

Tôi nói không suy nghĩ:

– Dạ, với 2 Đại đội cơ hữu của em, em tấn công thẳng chiếm lại Đài Phát Thành Huế, không trở ngại.

Trung Tá Tỉnh Trưởng và Thiếu Tá Đạt cùng cười. Tôi biết mình hố rồi. Trung Tá Tỉnh Trưởng nói:

– Tấn công cái… đầu của anh. Lính Sư Đoàn I và Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức bọn chúng xơi tái 2 Đại Đội của anh ngay. Vụ này chỉ có một mình anh làm mà thôi. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

– Trung Tá nói vậy nghĩa là sao?

– Người Mỹ sẽ huấn luyện và chỉ cách cho anh.

Hai người Mỹ dân sự huấn luyện tôi trong hai ngày tại Căn Cứ Phú Bài, đủ để hiểu cách thức phá hoại bộ phận nào trong đám máy móc phát thanh của Đài Phát Thanh Huế. Ba ngày sau tôi trở về Huế, ghé thăm gia đình, cởi bỏ đồ lính thay thường phục, và ghé đài phát thanh Huế kiếm mấy thằng bạn sinh viên tranh đấu mời chúng nó đi uống café Lạc Sơn. Mấy thằng bạn gặp tôi mừng lắm. Bọn chúng hỏi tới tấp:

– Liên Thành, sao về được?

– Lính về tham gia tranh đấu hết rồi, bây giờ tao tà tà.

– Thôi về đi, tham gia với bọn tao, lật đổ Thiệu, Kỳ xong rồi tính.

– Có lý.

Cả bọn kéo nhau sang Lạc Sơn uống Café. Trời đã về chiều tôi nói với mấy thằng bạn:

– Thôi, chiều rồi, tao về, vài hôm nữa gặp.

– Mầy bận việc?

– Không, lính tráng trốn đi hết rồi, bây giờ đâu có đánh đá gì đâu.

– Vậy đêm nay ở lại với bọn tao cho vui. Mình về đài phát thanh, tối này ăn cháo gà ca hát, ngày trước ở trường Quốc Học mày hát hay lắm mà.

Không suy nghĩ tôi nói ngay:

– Được rồi, đêm nay ở lại với tụi mày cho vui.

Tôi nghĩ thầm: Chết tụi mày, tụi mày rước cọp về rừng. Cũng thoáng một chút buồn vì nghĩ mình đang lợi dụng tình bạn. Nhưng nghĩ lại mình là một người lính nhận lệnh cấp chỉ huy, phải thi hành, thì trong lòng cũng nhẹ đi đôi chút.

Đúng 4 giờ sáng tôi thi hành kế hoạch phá hoại. Công việc hoàn tất trong vòng 10 phút, vượt quá thời gian ấn định 1 phút 17 giây. Đám Sinh Viên tranh đấu vẫn ngủ say.

Tôi rời Đài Phát Thanh Huế đến điểm hẹn cách Đài phát thanh không xa, trễ mất 4 phút, đã có xe đợi sẵn chở tôi về lại Hương Thủy.

Thường ngày vào 6 giờ sáng, dân Huế mở Radio đều nghe tiếng nói lanh lảnh của xướng ngôn viên:

– Đây là Tiếng nói của Lực Lượng Tranh Đấu Phật Giáo Miền Trung…

Nhưng sáng nay mở Radio không còn nghe được nữa. Đài phát thanh đã tắt tiếng. Nhiệm vụ tôi hoàn tất.

Thế nhưng chỉ vài ngày sau, tiếng nói phát thanh Tranh Đấu được phát trở lại. Đơn vị kỹ thuật dò tìm làn sóng phát thanh của Mỹ cho biết làn sóng được phát đi từ chùa Ông. Chùa Ông là một ngôi chùa nhỏ nằm phía sau chùa Diệu Đế, cạnh bờ sông Gia Hội, đường Bạch Đằng. Thì ra sau khi Đài Phát Thanh Huế bị phá hủy, không phát thanh được nữa, bọn tranh đấu tháo gỡ toàn bộ hệ thống tiếp vận và phát tuyến điện thoại của Ty Bưu Điện Huế, đặt tại đường Hàng Muối gần Trường Nữ Hộ Sinh Quốc gia, đem sang chùa Ông thiết lập đài phát thanh.

Giữa tháng 5-1966, tôi nhận lệnh dùng 2 Đại Đội cơ hữu giữ an ninh và đánh dấu bãi đáp trực thăng, để lực lượng quân sự đổ quân, dùng Tỉnh lộ Huế-Tuần, tiến quân vào Thành phố Huế trong đêm. Tôi sửa soạn đơn vị chuẩn bị xuất phát thì có lệnh hủy bỏ.

Tình hình Huế mỗi ngày một sôi động. Đài phát thanh tranh đấu Phật Giáo loan tin khẩn cấp từng giờ một: Quân đội Thiệu Kỳ đã đổ quân ra Đà Nẵng, sắp sửa ra Huế. Đài phát thanh cũng kêu gọi đồng bào Phật Tử, lực lượng Tranh Đấu, Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức thiết lập các chướng ngại vật ngoài đường phố ngăn cản, đặt súng phòng không trên các cao ốc và những vị trí trọng yếu.

Sáng ngày 4-6-1966, Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt gọi tôi về gấp Chi Khu Hương Thủy họp khẩn cấp. Trong phiên họp Trung Tá Tỉnh Trưởng tuyên bố:

– Tình hình đã quá trầm trọng. Nếu mình không ra tay thì bọn tranh đấu sẽ đưa lực lượng quân sự Việt cộng chiếm thành phố.

– Đêm nay, mình vào Huế.

Nhiệm vụ được trao cặn kẽ cho mỗi đơn vị trưởng.

Phần tôi, dùng 2 Đại Đội cơ hữu chiếm Ty Cảnh sát trong đêm nay. Tôi hỏi Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt:

– Em có lực lượng  trừ bị không? Thiếu Tá có đi với đơn vị em không? — Thiếu Tá Đạt cười:

– Không có lực lượng trừ bị. Tôi có công việc khác phải làm, không đi với anh được. Đừng lo, anh lạnh cẳng rồi hay sao? Tôi nghĩ, đối với bọn nó Liên Thành đủ sức chơi. Nếu chơi không nổi thì cứ ôm quần chạy ngược lên Nam Hòa đợi, tôi sẽ bốc anh về Hương Thủy. Nhưng mà tôi biết anh dư sức. — Rồi Thiếu Tá Đạt nhấn mạnh:

– Nhớ một điều quan trọng: Chỉ trong trường hợp tự vệ, bị bọn chúng bắn, ngoài ra không được nổ súng. Chiếm Ty Cảnh Sát trong thành phố không phải hành quân đánh nhau với Việt cộng ở Nam Hòa.

– Nhận rõ, Thiếu Tá.

– Vậy thôi, anh trở về lại Nam Hòa chuẩn bị. Khi cho đơn vị xuất phát gọi máy báo cho tôi biết ngay.

Khuya ngày 4-6-1966, chúng tôi xuất phát từ Nam Hòa xuống Cầu Lim, qua Đàn Nam Giao, ngang núi Ngự Bình đến cầu An Cựu, đột nhập thành phố. Vừa đến cầu An Cựu, một lần nữa tôi nhắc lại kế hoạch với Thượng Sĩ Bái:

– Từ đây đến Ty Cảnh Sát thành phố không xa, anh cho lính đi thật thưa, bám sát phía trái đường Duy Tân, mình băng qua đồng An Cựu một đoạn ngắn là đến Ty Cảnh Sát nằm bên tay trái. Nếu gặp bọn chúng thì cứ la to là phe ta, lính đồn Vận Tải An Cựu đi tuần, bọn chúng không nghi ngờ đâu. Đến cổng Ty Cảnh Sát, toán của anh lo chế ngự mấy ông Cảnh Sát gác cửa. Tôi và toán của tôi xông thẳng vào trong. Chiếm mục tiêu được rồi anh rải lính bố trí quanh Ty Cảnh Sát. Nhớ kỹ lệnh cấm không được nổ súng.

– Nhận rõ, Thiếu Úy.

Trong bóng đêm mờ ảo, tôi thấy anh ta quay lưng làm dấu Thánh Giá, miệng lẫm bẩm: “Lệnh lạc gì kỳ cục vậy, đi hành quân chạm địch mà không được nổ súng”. Tôi nói nhỏ theo vừa đủ cho anh ta nghe: “Địch con mẹ gì, mấy thằng Tranh Đấu. Bắn bọn hắn ngày mai bọn mình lãnh đủ”.

Chỉ khoảng hai mươi phút sau, chúng tôi đã cách cổng Ty Cảnh Sát thành phố khoảng 150 mét. Tôi và Thượng Sĩ Bái cùng quan sát, gật đầu: Cổng chính không có lính gác. Tôi nói nhỏ với Thượng Sĩ Bái:

– Cả hai toán cùng vào một lúc. Anh chiếm cổng chính đặt trạm gác và bố trí lính ngay lập tức. Tôi và toán của tôi  xông thẳng vào bên trong.

– Nhận rõ Thiếu Úy, ông cẩn thận, ở trong tụi hắn bắn ra là ông tan xác đó.

Thượng Sĩ Bái lẹ làng chiếm ngay cổng chính, lính túa vào bố trí. Phần tôi xông thẳng vào cửa chính, tầng lầu thứ nhất, không gặp một ai. Để lại một toán nhỏ giữ lầu một, tôi và một toán khác chạy lên lầu nhì, tại đây chỉ có 2 người đang nằm ngủ trên 2 chiếc ghế bố trong căn phòng cạnh cầu thang. Phòng không thắp đèn chỉ có ánh điện ngoài hành lang chiếu vào lờ mờ. Nghe tiếng động cả hai đều vùng dậy. Một người hốt hoảng la lớn: “Lính!” Người kia đang còn đang ngái ngủ chẳng nói gì. Tôi nói ngay:

– Đúng rồi, lính. Các anh có bao nhiêu người? Sao chỉ có 2 người thôi, đi đâu cả rồi? — Người ngái ngủ bây giờ đã tỉnh, quay lại nhìn tôi, hắn la lớn: “Liên Thành!”

Hắn ở trong phòng tối, tôi ở ngoài hành lang không thấy rõ mặt hắn. Tôi hỏi lớn:

– Ai đó?

– Trần Văn Em đây. Mi đi mô mà khuya rứa? Vô đây làm chi?

– Chiếm Ty Cảnh Sát. — Tôi trả lời hắn.

Đèn trong phòng bật sáng, nhìn rõ, đúng hắn là Trần Văn Em, thằng bạn học từ thuở học trường làng, trường tiểu học Nam Giao, cùng vào Hướng Đạo, Thiếu Đoàn Đinh Bộ Lĩnh. Vào đời, hắn đi Cảnh Sát, tôi đi lính. Đã lâu lắm bây giờ gặp mới gặp lại. Tôi định hỏi hắn thì hắn chận ngang:

– Khoan đã, nói mấy ông lính của mi hạ súng xuống, 8 cây súng hướng vào tau, thấy cũng muốn xỉu, bóp cò là tan xác. Tôi xoay lại cười với đám lính: Phe mình! – Cả bọn cùng cười.

Thượng Sĩ Bái cũng vừa dưới lầu đi lên:

– Xong rồi Thiếu Úy, tôi cho lục soát kỹ không có ai ở dưới cả, trống trơn.

Người Cảnh Sát mà tôi chưa biết tên nói với Thượng Sĩ Bái:

– Chỉ có 2 chúng tôi trực thôi, không có ai hết, mấy anh đừng lo.

Tôi nói với Thượng Sĩ Bái:

– Gần sáng rồi, tôi gọi máy trình thẩm quyền xong, mình nghỉ sáng mai rồi tính.

Tôi gọi máy nói lóng với Thiếu Tá Đạt:

– Tôi và hai thằng con lớn về đến nhà rồi. Vợ tôi dẫn mấy đứa nhỏ đi về bên ngoại hết. Nhà trống trơn. Mọi chuyện yên ổn.

– Tốt lắm. Cha con anh đi nghỉ đi. Ngày mai tôi đến thăm.

– Nhận rõ thẩm quyền.

Tôi nói với Thượng Sĩ Bái:

– Ông cũng đã mệt quá rồi. Sắp xếp cho lính xong ông nghỉ đi, mọi chuyện để sáng mai. — Bái và đám lính đi xuống lầu.

Bây giờ Trần Văn Em hỏi tôi:

– Mày nói sao, mày chiếm Ty Cảnh Sát thật à. Có lẽ trong đời này không còn ai ngu hơn mày. Bộ mày tưởng với đám lính quèn đó mày chống lại được lực lượng tranh đấu sao? Ngoài Lính Sư Đoàn, Chiến đoàn Quân Nhân Phật Tử Nguyễn Đại Thức còn có bọn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử. Bọn này sắt máu và rất nguy hiểm, toàn là Việt cộng nằm vùng. Hai kho súng, lựu đạn, máy móc truyền tin, xe cộ của Ty Cảnh Sát tụi hắn lấy hết rồi. Bây giờ thì bọn hắn thằng nào cũng có súng, có lựu đạn. Bọn hắn mà biết mày chống lại bọn hắn là chết. Mày chết đã đành, bọn hắn còn kéo đến đốt nhà đánh đập mọi người trong nhà mày, mày biết không?

Tôi nói:

– Tao là quân nhân, sống trong kỷ luật của Quân đội. Lệnh đánh là đánh, lệnh chiếm Ty Cảnh Sát là chiếm Ty Cảnh Sát, chỉ có thế thôi. Vả lại bọn làm loạn này trước sau gì rồi cũng phải dẹp, đồng ý không? — Hắn im lặng.

Khoảng 11 giờ sáng ngày 5-6-1966, Thiếu Tá Đạt gặp tôi và Thượng Sĩ Bái tại sân Ty Cảnh Sát Huế. Sau vài câu khen ngợi công việc hồi đêm, ông nói ngay:

– Địa điểm này là đầu cầu an ninh cho lực lượng của Chính Phủ sẽ đổ quân trong vài ngày tới. Có thể Biệt Đoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến Sài Gòn đến trước. Mình sẽ giao trụ sở này cho họ. — Chúng tôi đang nói chuyện thì Trần Văn Em từ trong văn phòng Ty Cảnh Sát ra. Gặp chúng tôi, hắn nói:

– Đài Phát Thanh Tranh Đấu vừa loan tin Quân đội Thiệu Kỳ đã đột nhập Thành phố Huế và đã chiếm Ty Cảnh Sát thành phố vào hồi khuya này. Tôi sợ bọn tranh đấu sẽ kéo đến đây bây giờ. — Thiếu Tá Đạt hỏi tôi:

– Người đó là ai?

– Hắn là Cảnh Sát, bạn thân từ nhỏ.

– Tin được không?

– Tin được Thiếu Tá. — Thiếu Tá Đạt bàn với tôi:

– Tôi không tin là đám tranh đấu sẽ tấn công mình lúc này đâu, vì họ chưa nắm vững tình hình, chưa biết mình thuộc lực lượng nào, nhiều hay ít. Dù sao mình là lính có súng, đụng mặt với mình họ còn e ngại. Nếu họ kéo đến anh cố gắng thương lượng kéo dài thời gian, cứ giải thích là mình được lệnh của Trung Tá Tỉnh Trưởng tăng cường lo an ninh cho thành phố, đề phòng bọn Việt cộng phá hoại, mình không phải là lực lượng được Sài Gòn gởi ra chống họ.

Có thể mình sẽ bị một vài thành phần trong đám tranh đấu khiêu khích chọc giận để mình mất bình tĩnh và có những hành động lọt vào bẫy của họ. Vì vậy, chính anh phải bình tĩnh và dặn dò binh sĩ phải bình tĩnh. Anh chỉ cần giữ địa điểm này trong vòng vài hôm, đợi lực lượng Sài Gòn ra là xong. Hiện tại họ đã ra Đà Nẵng.

Đến 8 giờ 45 sáng ngày 6-6-1966, qua hệ thống truyền tin, Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt cho biết: Khoảng 10 giờ sáng, Trung Tá Phan Văn Khoa, Tỉnh Trưởng sẽ đến thăm đơn vị tôi. Trung Tá Tỉnh Trưởng cũng muốn gặp và nói chuyện với nhân viên Cảnh Sát tại hội trường của Ty Cảnh Sát. Tôi báo cho Trần Văn Em và nhờ hắn giúp thông báo với anh em Cảnh Sát.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.