Nhng Bưc Đu
Trong Thiết Kế Chiến Lưc
(Bài 046)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.    

 

Một công tác quan trọng nhưng khó khăn 

Thiết lập những chiến lược sâu sắc là một trong những đòi hỏi quan trọng nhất cho một chiến dịch hữu hiệu. Một khi đại chiến lược, các chiến lược, chiến thuật, và các phương pháp đã được chọn sẵn, thì chúng phải tạo ra hướng đi tổng quát và cách điều hành của cuộc đấu tranh suốt tiến trình của cuộc xung đột.

   Một chiến lược hay sẽ nhắm vào việc đạt cho được những mục tiêu của cuộc đấu tranh toàn bộ, và của những chiến dịch cá biệt, bằng cách động viên những sức mạnh của quần chúng chống lại đối phương. Trong hầu hết những cuộc đấu tranh lớn, những chiến lược khôn ngoan cũng cần phải bao gồm những phương cách phá vỡ những nguồn sức mạnh của đối phương.

   Ý niệm chiến lược tổng quát – cho cả đại chiến lược lẫn các chiến lược cho những chiến dịch cá biệt — sẽ làm rõ mục tiêu (những mục tiêu), phác hoạ cuộc đấu tranh sẽ bắt đầu như thế nào, quyết định những loại áp lực và những phương pháp nào cần được áp dụng để tranh thủ những mục tiêu dài hạn, và điều hướng các hành động nhắm đến việc đạt những mục tiêu cấp thời có thể đạt được. Các chiến lược cho những chiến dịch cá biệt cũng phải hướng dẫn làm thế nào để cuộc đấu tranh có thể bành trướng và tiến tới dù bị đàn áp, đồng thời huy động và áp dụng những nguồn lực của những người đối kháng theo những phương cách hữu hiệu.

   “Thiết kế chiến lược” nghĩa là tính toán một tiến trình hành động có mục đích làm cho tiến trình này có thể đi từ hiện tại đến một hoàn cảnh tương lai mong muốn. Một kế hoạch nhằm thực hiện điều này sẽ thường gồm có một loạt những chiến dịch được chia thành giai đoạn và những sinh hoạt có tổ chức khác được thiết kế nhằm tăng sức mạnh của dân chúng phẫn uất và xã hội, và làm suy yếu đối phương.

   Những chiến lược gia nên tránh những kế hoạch quá tham vọng lẫn những kế hoạch quá sức rụt rè. Hoạch định chiến lược khôn ngoan sẽ bảo đảm được sự tương tác hữu hiệu của các chiến thuật và các phương pháp cụ thể nhằm thực thi chiến lược và gia tăng cơ hội chiến thắng. Nếu muốn thay đổi từ một giai đoạn đấu tranh này qua một giai đoạn khác, và từ phương pháp này qua phương pháp khác để đạt mục đích và hiệu quả tốt, thì đòi hỏi cần phải có nhận định chiến lược rõ ràng. Các chiến lược cũng sẽ dự phóng phương cách nhằm làm cho cuộc đấu tranh trở nên thành công và làm thế nào để kết thúc cuộc đấu tranh.

   Thiết lập những kế hoạch chiến lược cho việc điều hành một cuộc đấu tranh quan trọng là một công tác khó khăn và phức tạp. Bài này và hai bài tiếp theo chỉ nhằm khơi mào một sự thông hiểu cơ bản về công tác này, và cung ứng sự hướng dẫn có giới hạn cho những người thừa nhận nhu cầu về những chuẩn bị có trách nhiệm.

   Bây giờ chúng tôi sẽ tập trung vào hai thành phần quan trọng trước tiên của việc thiết kế chiến lược. Thành phần đầu tiên là soạn thảo một phỏng định chiến lược để phát hiện sâu sắc hơn hoàn cảnh mà trong đó cuộc đấu tranh sẽ được xúc tiến là gì. Thành phần thứ hai là xét định những cấp chiến lược nào có thể được hoạch định mà thuận lợi cho cuộc đấu tranh.

Chuẩn Bị Một Phỏng Định Chiến Lược1 

Chiến lược chỉ có thể được hoạch định trong khung cảnh của một cuộc đấu tranh nào đó và trong bối cảnh và trường hợp của cuộc đấu tranh đó mà thôi. Do đó, tất cả mọi thiết kế chiến lược đòi hỏi ở những người lập chiến lược một sự thông hiểu sâu sắc về toàn cảnh của cuộc xung đột.

   Điều này đòi hỏi một sự lưu tâm đến bối cảnh rộng lớn của cuộc xung đột, bao gồm những nhân tố vật chất,địa lý, khí hậu, lịch sử, chính quyền, quânsự, văn hoá, xã hội, chính trị, tâm lý, kinh tế, và quốc tế. Việc tìm ra và phân tích những nhân tố này trước khi hoạch định chiến lược được biết đến như là “phỏng định chiến lược.”2

   Ở cấp cơ bản nhất, phỏng định chiến lược là tính toán và đối chiếu các ưu điểm và nhược điểm của nhóm đấu tranh bất bạo động và của đối phương, như được nhìn thấy trong bối cảnh xã hội, lịch sử, chính trị, và kinh tế rộng lớn của xã hội mà trong đó cuộc xung đột đang xảy ra. Phỏng định chiến lược, tối thiểu, phải bao gồm một sự lưu tâm đến những lãnh vực chủ đề như sau: hoàn cảnh xung đột tổng quát, những vấn đề tranh chấp, những mục tiêu của hai phe trong cuộc xung đột,nhóm đối phương, nhóm đấu tranh bất bạo động, những thành phần thứ ba trong cuộc xung đột, và những cân bằng về lệ thuộc giữa các nhóm tranh chấp.

Xét định các vấn đề tranh chấp và các mục tiêu

Thuộc vào tầm quan trọng bực nhất, những người lập kế hoạch chiến lược sẽ cần phải xét định những vấn đề tranh chấp đưa ra từ quan điểm của cả hai bên, của những người đối kháng tiềm năngvà cả của đối phương. Những vấn đề rộng lớn như mỗi bên nhìn thấy là những vấn đề gì, và những vấn đề này quan trọng như thế nào đối với cuộc đấu tranh sắp tới?

     Không phải mọi vấn đề đều ngang nhau. Vài vấn đề được một bên hay cả hai bên xem là cơ bản. Những vấn đề khác có thể được xem là ít quan trọng hơn. Quyết định các vấn đề có được bên này hay bên kia xem là những vấn đề “không thoả hiệp” được hay không, nghĩa là, những vấn đề — dù đúng hay sai — được tin là cơ bản đối với những người theo nhóm đó, là một vấn đề quan trọng. Những vấn đề như thế thường bao gồm những niềm tin vững chãi về bản chất của xã hội, tôn giáo, những xác tín cơ bản về chính trị của họ, hay là những điều mà họ xem như là những yêu cầu của sự sống còn của người dân.

     Bản chất của các vấn đề tranh chấp và tầm quan trọng nhận thấy từ mỗi bên sẽ có một tác dụng cơ bản đối với việc thiết lập các chiến lược cho phong trào đối kháng sắp tới. Do đó, các chiến lược gia phải soạn thảo những khẳngđịnh rõ ràng và chính xác về những vấn đề tranh chấp đưa ra trong cuộc đấu tranh, xét từ quan điểm của nhóm đối phương cũng như của nhóm đấu tranh bất bạo động tiềm năng.

    Nhận chân sự khác biệt giữa những vấn đề rộng lớn của cuộc đấu tranh và những mục tiêu cụ thể của một chiến dịch cá biệt là một điều quan trọng. Các vấn đề thì tổng quát hơn. Ví dụ, trong một cuộc xung đột về lao động, những vấn đề có thể là tiền công, điều kiện làm việc, và sự kính trọng. Tuy nhiên, trong một cuộc đình công thì các mục tiêu cụ thể hơn, như là yêu cầu tăng tiền công, thực hiện một số biện pháp an toàn, đòi hỏi bảo hiểm y tế, hoặc các đề nghị bảo đảm công ăn việc làm.

    Cả hai phe trong cuộc xung đột đều có không những chỉ những mục tiêu cấp thời, mà còn có những mục tiêu dài hạn có thể chưa được công bố vào lúc đó. Những người lập kế hoạch chiến lược nên thẩm định chính xác những mục tiêu của mỗi bên là gì, và những mục tiêu tranh chấp có thể hợp hay không hợp với nhau ở mức độ nào.

Hoàn cảnh xung đột tổng quát

Mọi phỏng định chiến lược đều cần phải bao gồm một sự duyệt xét chi tiết về hoàn cảnh xung đột tổng quát mà trong đó cuộc đấu tranh bất bạo động sẽ được xúc tiến. Tất cả những nhân tố gây nên một tác dụng có thể quan niệm được đối với nhóm đối phương hay đối với nhóm tranh đấu bất bạo động đều nên được xét định kỹlưỡng. Những nhân tố này bao gồm địa thế; địa lý; hạ tằng chuyên chở; các mạng lưới thông tin; khí hậu và thời tiết; các hệ thống chính trị, tư pháp, và kinh tế trong nước hay trong một vùng, nơi xảy ra cuộc xung đột; thống kê dân số; và các loại và mức độ phân chia giai tằng xã hội và kinh tế. Những nhân tố này cũng bao gồm, hết sức là quan trọng, sự có sẵn và kiểm soát những tài nguyên kinh tế và thiết bị cho đời sống; và tình trạng của xã hội dân sự độc lập.

    Xét định hoàn cảnh chính trị tổng quát cấp thời trong đó cuộc đấu tranh phải vận hành cũng là một điều quan trọng. Những phương tiện kiềm chế đặc biệt, như là thiết quân luật, và các phương tiện đàn áp khắc nghiệt khác có đang có hiệu lực hay không? Những khuynh hướng kinh tế và chính trị hiện tại là gì?

Tình trạng và các khả năng của những bên tranh chấp

Việc hiểu biết đầy đủ và chi tiết về tất cả các phe trong cuộc xung đột sắp tới hết sức quan trọng. Một sự hiểu biết như thế phải tập trung vào những khả năng thực sự, thay vì chỉ vào những khẳng định về dự tính của mỗi bên, hay là vào những giả định đơn giản về tình trạng của mỗi phe. Phỏng định chiến lược là một tài liệu kế hoạch nội bộ, chứ không phải là một khí cụ tuyên truyền.Những nhận định không chính xác hoặc thổi phồng về ưu, khuyết điểm của các phe tranh chấp sẽ đưa đến những chiến lược thiếu khôn ngoan và có thể ngay cả đưa đến kết quả thất bại.

    Nghiên cứu thống kê dân số về những người ủng hộ và những cảm tình viên của mỗi bên rất quan trọng. Việc nghiên cứu này cần phải bao gồm tuổi tác, giới tính, tỷlệ biết chữ, chuẩn mực giáo dục, tỷ lệ tăng trưởng dân số, phân phối địa lý, giai tằng kinh tế xã hội, và các nhân tố khác như thế. Có có những lằn ranh địa lý, văn hoá, sắc tộc hay kinh tế phân chia hai bên hay không?

    Biết được những gì về những “hệ thống” chính trị, xã hội, văn hoá và kinh tế mà trong đó mỗi bên đang sinh hoạt là một điều quan trọng. Những hỗ trợ cho các hệ thống này là gì, và những hỗ trợ này độc lập đối với, hay lệ thuộc vào, phe bên kia đến mức độ nào? Những hỗ trợ cho các hệ thống này có độc lập với cơ cấu Nhà Nước hay không? Chính cơ cấu Nhà Nước có bị đối phương kiểm soát và sử dụng hay không, hay là cả hai bên đều độc lập với Nhà Nước?

    Cũng cần phải lưu ý đến việc xác định những nguồn sức mạnh của đối phương, và những cơ chế phục vụ như là những “cột trụ chống đỡ”cho đối phương bằng cách cung ứng những nguồn sức mạnh nầy. Những cột trụ chống đỡ là những cơ chế và những khu vực của xã hội cung cấp cho chế độ (hay bất cứ một nhóm nào khác sử dụng quyền lực) những nguồn sức mạnh cần có để duy trì và bành trướng khả năng quyền lực của mình. Các thí dụ bao gồm những vị lãnh đạo tinh thần và tôn giáo cung ứng uy quyền và chính danh; các nhóm lao động, kinh doanh,đầu tư cung ứng những tài nguyên kinh tế và các nguyên liệu; công chức, các nhà quản trị, chuyên viên bàn giấy, các chuyên viên kỹ thuật cung cấp nhân lực và các kỹnăng chuyên biệt; cảnh sát, các nhà tù, và các lực lượng quân đội cung ứng khả năng áp dụng các hình phạt (bao gồm đàn áp) chống lại dân.

    Đòi hỏi cần phải có một sự duyệt lại tương tự như thế đối với nhóm đấu tranh bất bạo động và “nhóm khiếu nại” rộng lớn hơn (được định nghĩa như là tập thể dân chúng rộng lớn phải chịu khổ cực vì các chánh sách và hành động của nhóm đối phương và nhân danh nhóm này mà cuộc đấu tranh có thể tiến hành). Đâu là những nguồn sức mạnh của những nhóm này, và đâu là những cơ chế phục vụ như là những “cột trụ chống đỡ” cho họ?

    Một phần của tiến trình thiết kế chiến lược, dựa trên cơ sở của những thông tin này, sẽ là quyết định, bằng cách nào tốt nhất, tăng sức mạnh cho (hoặc tạo nên) những cột trụ chống đỡ cho nhóm đấu tranh bất bạo động trong lúc đồng thời xói mòn những cột trụ chống đỡ của đối phương.

     Thẩm định “sức mạnh đấu tranh” của mỗi bên, và đối chiếu với nhau cũng quan trọng. Đối với đối phương thì biết được tầm mức và độ tin cậy của cơ cấu hành chánh, khả năng quân sự, các lực lượng cảnh sát và tình báo, cũng như mức độ hỗ trợ mà họ có được từ dân chúng và các cơ chế của họ, sẽ rất quan trọng. Cũng thiết yếu là việc xác định được các nhược điểm và các yếu huyệt của nhóm đối phương. Nhóm thống nhất như thế nào? Có những tranh giành quyền lực và các cạnh tranh giữa các cấp lãnh đạo hay không? Có những tổ chức hay những cơ chế nào thường hỗ trợ nhóm đối phương nhưng có thể được nhắm đến như là mục tiêu có thể chuyển đổi sự trung thành hay phá vỡ tổ chức hay không?

    Đối với những người đối kháng thì biết được khả năng của họ trong việc xúc tiến cuộc đấu tranh bất bạo động là điều quan trọng. Điều này bao gồm kiến thức của họ về kỹ thuật này, kinh nghiệm của họ đối với loại đấu tranh này, và sự đầy đủ và bản chất của các chuẩn bị của họ. Mức độ hỗ trợ hiện tại và tiềm năng mà những người đối kháng nhận được từ nhóm khiếu nại nói chung ở mức độ nào? Sự hỗ trợ mà những người đối kháng tiềm năng nhận được từ những nhóm, những cơ chế, và các mạng lưới liên lạc khác trong dân chúng là hỗ trợ gì? Hỗ trợ nào trong số những hỗ trợ này thực sự có thể giúp ích được? Có những tranh chấp nội bộ quan trọng không, như là cạnh tranh, tranh giành quyền lực, hay tranh cãi về ý thức hệ, trong hàng ngũ hay giữa những khu vực của tổng thể nhóm khiếu nại hay là nhóm đấu tranh bất bạo động hay không?

    Còn những câu hỏi khác cũng quan trọng. Đối phương nhận được bao nhiêu hỗ trợ từ các đồng minh nội bộ và từ bên ngoài? Những đối thủ tương lai hiểu đấu tranh bất bạo động được bao nhiêu? Thiện cảm và sự hỗ trợ thực sự hay tiềm năng có thể hiện trong tập thể dân chúng đối kháng không? Vai trò của những nhân tố xã hội, giai cấp, chủng tộc, và tôn giáo là gì?

    Làm sao nhóm đối kháng tiếp cận thông tin? Ai là những đồng minh nội bộ và bên ngoài? Họ có được sự đoàn kết xã hội nội bộ và hỗ trợ đến mức độ nào? Những tài nguyên kinh tế của họ là gì? Chiều sâu của kỹ năng chiến lược của họ là gì? Sự thành thạo của những người lập chiến lược và của những người lãnh đạo đạt đến mức độ nào? Sự thành thạo chiến lược được tập trung vào một nhóm lãnh đạo, hay là ngược lại được phân tán vào tập thể dân chúng của những người đối kháng tương lai? (trường hợp sau này thường là hiếm). Có những đe doạ đối với sức mạnh tổ chức của những người đối kháng hay không?    

Những thành phần thứ ba

Thẩm định vai trò của các thành phần thứ ba đối với mỗi phe trong cuộc xung đột là gì cũng là một điều quan trọng. Những vai trò tiềm năng này có thể bao gồm phụ trợ về giao tế công cộng, cung ứng những hỗ trợ và áp lực ngoại giao, cung cấp tài trợ, áp dụng những áp lực kinh tế, và cung ứng hỗ trợ giáo dục và kỹ thuật cho mỗi bên. Những thành phần thứ ba cũng có thể cung ứng hỗ trợ cho cảnh sát và quân đội (thường thì không hỗ trợ cho nhóm đấu tranh bất bạo động), cung cấp các khu an toàn, và giúp phổ biến kiến thức đấu tranh bất bạo động. Có được thông tin chính xác và những dự phóng hợp lý về ai là những thành phần thứ ba tiềm năng và những sinh hoạt có thể có của họ là gì trong suốt tiến trình của cuộc đấu tranh sắp tới sẽ rất hữu ích cho những chiến lược gia đối kháng. 

Những cân bằng về lệ thuộc 

Một phỏng định chiến lược đúng đắn phải xét đến “những cân bằng về lệ thuộc” đang có giữa các phe tranh chấp. Đối phương kiểm soát được hay có thể kiểm soát được các tài nguyên kinh tế và các thiết bị cho đời sống – như nhiên liệu, nước uống, thực phẩm, v.v., của nhóm đối kháng tương lai đến mức độ nào? Cũng như thế, nhóm đấu tranh bất bạo động kiểm soát được hay có thể kiểm soát các tài nguyên kinh tế và các thiết bị cho đời sống của đối phương đến mức độ nào? Điều này sẽ phát lộ mức độ lệ thuộc thực sự hoặc tiềm năng của nhóm này vào nhóm kia để thoả mãn những nhu cầu đã được minh định. Điều này có thể rất quan trọng trong những cuộc đấu tranh bất bạo động, và thường cũng giúp quyết định những phương pháp nào có thể hữu hiệu nhất khi vạch kế hoạch cho cuộc đấu tranh.

Khi nào xuất phát cuộc đấu tranh 

Những nhân tố cụ thể được trình bày trên đây chỉ là một chọn mẫu của các loại nhân tố cần phải được xác định trong một phỏng định chiến lược trước khi lập kế hoạch chiến lược. Một khi đã được hoàn thành, phỏng định chiến lược về hoàn cảnh xung đột và về những khả năng của các bên tranh chấp sẽ được dùng như là bối cảnh cho việc thiết lập một đại chiến lược cho nhóm đấu tranh bất bạo động và cho việc thiết lập những chiến lược cụ thể của những chiến dịch cá biệt.

    Nếu sự phỏng định chiến lược phát hiện là nhóm đấu tranh bất bạo động yếu hơn là được đòi hỏi cho một cuộc đấu tranh quan trọng với những đối phương tương lai, thì lúc đó nhóm không nên phát xuất một cuộc đấu tranh đòi hỏi nhiều sức mạnh. Không có gì thay thế cho, hay không có một con đường tắt nào đi đến, sức mạnh của một phong trào đấu tranh bất bạo động được. Nếu nhóm đang yếu hơn là mong muốn thì, hoặc là hành động tiên khởi phải mang những hình thức giới hạn có thể hữu hiệu mà không cần sức mạnh nhiều (sẽ được bàn thêm sau này), hay là hành động nhiều tham vọng hơn phải nên được triển lại cho đến khi nhóm mạnh hơn. Rõ ràng là những nỗ lực chính yếu cần phải được tập trung vào việc tăng sức mạnh cho dân chúng chủ yếu đang bị ảnh hưởng bởi những khiếu nại và vào việc phát huy khả năng tiến hành một cuộc đấu tranh hữu hiệu.

    Sự phỏng định chiến lược là điều làm cho điểm này, cũng như những quyết định khác sẽ gặp phải trong cuộc đấu tranh, được rõ ràng hơn. Tuy nhiên, dù hết sức quan trọng, phỏng định chiến lược không phải là vấn đề duy nhất cần xét đến khi lập kế hoạch chiến lược. Hiểu biết thấu đáo và có chiều sâu về kỹ thuật đấu tranh bất bạo động thuộc vào loại quan trọng bậc nhất. Những nhân tố liên hệ khác cũng đòi hỏi phải được lưu ý suốt tiến trình lập kế hoạch để làm cho cuộc đấu tranh bất bạo động càng hữu hiệu càng tốt. Nhiều chỉ dẫn trong số những chỉ dẫn về chiến lược sẽ được bàn đến ở bài tiếp theo.

Các Cấp Chiến Lược

Một khi đã có kiến thức thu lượm được từ phỏng định chiến lược và những mục tiêu của nhóm đấu tranh bất bạo động sẵn trong đầu óc, thì quan niệm rộng lớn về cách làm thế nào để xúc tiến cuộc đấu tranh và làm thế nào để đạt được các mục tiêu là gì? Thực hiện quyết định này đòi hỏi — ngoài những chuyện khác — xác định phương thức tạo thay đổi dự tính, được tin cậy trong đấu tranh bất bạo động, và quyết định là cần phải có một hay nhiều chiến dịch. Đây là lãnh vực của suy tư chiến lược.

    Một chiến lược là một quan niệm về cách làm sao để hành động tốt nhất để đạt  được những mục tiêu trong một cuộc xung đột. Chiến lược lưu tâm đến vấn đề có nên chiến đấu hay không, chiến đấu khi nào, và chiến đấu như thế nào, và làm thế nào để đạt được hiệu quả tối đa hầu tranh thủ được những mục đích nào đó. Chiến lược là kế hoạch phân phối, thích nghi, và áp dụng những phương tiện có sẵn để tranh thủ những mục tiêu mong muốn.

    Như đã thảo luận trước đây, có bốn cấp độ chiến lược: đại chiến lược, chiến lược, chiến thuật, và phương pháp4Căn bản nhất là đại chiến lược. Rồi đến chiến lược cho những chiến dịch có giới hạn, tiếp theo đó là các chiến thuật và những phương pháp được sử dụng để thực thi các chiến lược. Khẩn thiết cần phải thông hiểu bốn yếu tố này, và những khác biệt giữa những yếu tố đó, nếu chúng ta muốn thiết kế những chiến lược cho một cuộc đấu tranh nào đó.

    Dĩ nhiên là cần phải nhớ rằng không có một chiến lược duy nhất nào có thể áp dụng được cho việc sử dụng đấu tranh bất bạo động trong tất cả mọi trường hợp. Không thể có một khuôn mẫu duy nhất hoặc thiết kế một mẫu để áp dụng cho mọi cuộc đấu tranh. Mỗi hoàn cảnh đều có phần nào khác nhau, thường thì rất khác. Tuy nhiên, những chỉ dẫn tổng quát vẫn có thể vạch ra được cho công việc thiết lập kế hoạch chiến lược với điều kiện là cần lưu ý đến những nhân tố đã được thảo luận trước đây. Những người lập kế hoạch đại chiến lược cho một cuộc đấu tranh nào đó sẽ đòi hỏi phải có một sự thông hiểu sâu sắc, không những chỉ về hoàn cảnh xung đột, mà còn về kỹ thuật đấu tranh bất bạo động, và cả về những nguyên tắc chiến lược tổng quát nữa. Một số nguyên tắc này sẽ được bàn đến ở bài kế tiếp.

Đại chiến lược

Đại chiến lược là ý niệm chủ đạo cho việc điều hành cuộc đấu tranh. Một đại chiến lược là quan niệm dùng để điều hợp và điều động tất cả những tài nguyên thích hợp và có sẵn (kinh tế, nhân lực, và tinh thần, v.v.) của dân chúng hay của nhóm để đạt những mục tiêu của mình trong một cuộc xung đột. Đó là một kế hoạch tổng quát cho việc điều hành cuộc đấu tranh. Kế hoạch này cho phép người ta biết trước là cuộc đấu tranh như là một toàn bộ cần phải tiến hành như thế nào. Cuộc đấu tranh có thể đi đến chiến thắng bằng cách nào? Làm sao để đạt được sự thay đổi mong muốn?

   Đại chiến lược bao gồm việc xét định lẽ phải của lý tưởng đấu tranh của nhóm đấu tranh bất bạo động, việc đánh giá và sử dụng những áp lực và ảnh hưởng khác ngoài kỹ thuật đấu tranh, và việc quyết định các điều kiện cho phép xúc tiến cuộc đấu tranh công khai.

   Đại chiến lược bao gồm, rất là quan trọng, sự lựa chọn kỹ thuật đấu tranh, hay là biện pháp ngăn chặn tối hậu. Biện pháp này sẽ được sử dụng như là một lợi thế phòng hờ trong trường hợp có những đe doạ thực sự hay hiểu ngầm trong thời gian thương thảo, và sau này được sử dụng trong cuộc đụng độ công khai của các lực lượng, nếu điều này xảy ra. Trong trường hợp này, kỹ thuật sử dụng là đấu tranh bất bạo động. Đại chiến lược được lựa chọn cũng sẽ đưa ra khuôn mẫu cơ bản cho việc thiết lập các chiến lược nhằm xúc tiến cuộc đấu tranh trong những chiến dịch có giới hạn hơn, được điều động nhắm đến những mục tiêu nhất định.

   Thêm nữa, đấu tranh bất bạo động đôi khi có thể được hỗn hợp, trong đại chiến lược, cùng với việc sử dụng những phương tiện khác không bạo động, và do đó không đe doạ sự vận hành của kỹ thuật này. Tìm kiếm dữ kiện, quảng bá công khai, giáo dục quần chúng, kêu gọi đối phương, và đôi khi thương thảo, cũng như, trong một vài trường hợp, các chiến dịch đầu phiếu, có thể, trong nhiều hoàn cảnh, được sử dụng cùng chung với đấu tranh bất bạo động một cách rất có lợi. Những phương tiện này thường được sử dụng song hành với các tẩy chay kinh tế và đình công lao động, chẳng hạn. Những vụ kiện và những hành động pháp lý khác có lúc cũng đã từng được sử dụng để hỗ trợ đấu tranh bất bạo động, như vụ tẩy chay xe buýt tại quận Montgomery, tiểu bang Alabama.

   Đại chiến lược cũng bao gồm việc xét định cuộc đấu tranh liên hệ như thế nào với việc đạt những mục tiêu mà cuộc đấu tranh đã được tiến hành để tranh thủ. Dự phóng những hậu quả lâu dài có thể xảy ra của cuộc đấu tranh cũng thuộc lãnh vực của đại chiến lược.

   Một đại chiến lược cho một cuộc đấu tranh bất bạo động tốt hơn là nên bao gồm không những một sự chấm dứt điều bị phủ nhận mà còn phải bao gồm việc thiết lập một điều gì mới để thay thế cho điều đã phủ nhận. Ví dụ, một đại chiến lược chỉ giới hạn mục tiêu vào việc đánh tan nền độc tài hiện hành mà thôi sẽ gặp phải sự nguy hiểm lớn lao là sẽ sản xuất ra một nền độc tài mới. Một mục đích hay hơn có thể sẽ thay đổi được hệ thống thống trị, đồng thời thiết lập được một hệ thống chính trị tốt đẹp hơn có nhiều tự do hơn và nhiều sự kiểm soát dân chủ hơn.

     Đại chiến lược được lựa chọn cần phải phác hoạ những đường nét chính về việc nhóm đấu tranh bất bạo động phải điều hành cuộc đấu tranh như thế nào. Điều này sẽ trải rộng từ hiện tại cho đến một hoàn cảnh trong tương lai khi mà các mục tiêu đã đạt được. Những phương tiện tổng quát tạo áp lực và hành động nào có thể được áp dụng vào nỗ lực này? Mũi dùi chính của nhóm đấu tranh bất bạo động chống lại đối phương sẽ là gì? Có phải áp lực được áp dụng sẽ tạo ra các tổn thất về kinh tế hay không? Hay sẽ đánh sập chính danh tự tạo của đối phương? Hay làm tê liệt kinh tế? Còn áp lực quốc tế thì sao? Có sử dụng những áp lực khác không?

   Câu hỏi sau đây rất quan trọng: Nhóm đấu tranh bất bạo động có thể làm suy yếu hay cắt đi được hầu hết hay tất cả các nguồn sức mạnh của đối phương hay không? Những nguồn sức mạnh này gồm có uy quyền (hay chính danh), nhân lực, kỹ năng và kiến thức, các nhân tố không nắm bắt được, vật lực, và các chế tài. Làm suy yếu hay cắt bỏ được những nguồn sức mạnh này là thiết yếu cho những cuộc đấu tranh chống lại những chế độ áp bức tàn bạo, và có thể làm cho sức mạnh của những chế độ này sụp đổ.

    Nếu những người đối kháng mạnh đủ, có đủ số người tham gia, và tập trung bất hợp tác vào những nguồn sức mạnh này, thì ngay cả một chế độ hết sức tàn ác cũng có thể có tiềm năng bị làm suy yếu đi hoặc phân huỷ. Cuộc đấu tranh Tháng Mười năm 2000 của người Serb là một thí dụ.

     Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh, những nỗ lực nhằm vô hiệu hoá hoàn toàn hay cắt đi những nguồn sức mạnh của đối phương khó mà nằm trong khả năng của nhóm đấu tranh. Những kết quả của phỏng định chiến lược phải giúp quyết định là nhóm có có khả năng áp dụng những áp lực đòi hỏi với một sức mạnh đủ để thành công trong một chiến dịch duy nhất, hay là nhóm phải lập kế hoạch cho một loạt nhiều chiến dịch có giới hạn hơn. Sự tính toán này là một phần cần thiết của đại chiến lược, và sẽ được thảo luận đầy đủ hơn ở bài kế tiếp.

Chiến lược

Những chiến lược cá biệt cho những chiến dịch có những mục tiêu giới hạn hơn rất quan trọng. Những chiến lược cho các chiến dịch hướng dẫn những cuộc đấu tranh cần phải được xúc tiến như thế nào trong phạm vi của cuộc đấu tranh rộng lớn hơn và của đại chiến lược. Những chiến lược giới hạn này phác hoạ những phương cách các chiến dịch cụ thể sẽ phải phát triển như thế nào, và các bộ phận riêng biệt của những chiến dịch này sẽ phải ăn khớp với nhau như thế nào để đạt được các mục tiêu một cách tốt đẹp nhất. Chiến lược cũng bao gồm việc phân công tác cho các nhóm và phân phối tài nguyên cho họ sử dụng trong cuộc đấu tranh. Những chiến lược sâu sắc của các chiến dịch giúp hướng dẫn cuộc đấu tranh lấy cái sườn mẫu của đại chiến lược, đắp đầy cái sườn này thành một quan niệm bao quát điều hướng tất cả mọi khía cạnh của cuộc đấu tranh.

   Mặc dù liên hệ với nhau, việc thiết kế một đại chiến lược và lập ra những chiến lược cho các chiến dịch là hai tiến trình khác biệt. Chỉ sau khi đại chiến lược đã được quyết định thì các chiến lược cho những chiến dịch mới được thiết lập một cách đầy đủ. Những chiến lược cho các chiến dịch sẽ cần phải được thiết kế nhằm tranh thủ và củng cố những mục tiêu đại chiến lược. Các nhân tố trong việc thiết lập những chiến lược cho các chiến dịch bao gồm việc tạo ra một hoàn cảnh thuận lợi, việc quyết định khi nào xúc tiến một chiến dịch, và mô hình rộng lớn cho việc sử dụng những đụng độ giới hạn trong phạm vi chiến lược được lựa chọn để đem lại thành công.

   Thường thì những mục tiêu chiến lược cho các chiến dịch phải phản ánh những vấn đề tranh chấp rộng lớn hay những khiếu nại đã được phác hoạ trong đại chiến lược. Nếu cuộc xung đột phần lớn mang bản sắc kinh tế, và một đại chiến lược đã được chuẩn y đòi hỏi chủ yếu phải sử dụng những áp lực kinh tế, thì những chiến lược cho các chiến dịch được tuyển chọn sẽ có chiều hướng tập trung hầu hết vào các mục tiêu kinh tế hơn cả và sẽ áp dụng những áp lực như là những cuộc đình công lao động hay là những vụ tẩy chay kinh tế. Tuy nhiên, nếu đại chiến lược tập trung vào việc tranh thủ tự do chínhh trị, chống đối nền cai trị độc tài, hay là ủng hộ tự do phát biểu, thì những chiến lược cho các chiến dịch cá biệt có thể tập trung vào những diễn đạt cụ thể của những vấn đề này, bằng cách sử dụng những phương pháp thích hợp như là phân phối những tài liệu bị nghiêm cấm, thực thi quyền tự do ngôn luận bị cấm đoán, hay sử dụng những phương pháp khác có thể làm nổi bật bản chất cực đoan của nền cai trị chuyên chế hay của những vi phạm nhân quyền hay các tự do dân sự.

   Điều này không có ý muốn nói là chỉ có những áp lực kinh tế mới nên được áp dụng trong những cuộc đấu tranh về những vấn đề kinh tế, hay là chỉ những áp lực chính trị mới nên áp dụng cho những cuộc đấu tranh nặng về chính trị. Bất hợp tác kinh tế có thể hữu hiệu trong việc ép buộc phải có những thay đổi chính sách chính trị, và trong một vài trường hợp, ngay cả thay đổi chế độ. Mặc dù vậy, khi thiết kế các chiến lược cho những chiến dịch giới hạn thì chọn lựa những vấn đề tranh chấp cụ thể và những mục tiêu dễ được thừa nhận như là tiêu biểu cho sự khiếu nại tổng quát đã được xác định trong đại chiến lược vẫn có lợi.

Chiến thuật 

Chiến lược cho một chiến dịch có mục tiêu giới hạn sẽ quyết định những kế hoạch “chiến thuật” nhỏ hơn và những phương pháp hành động cụ thể nào cần phải được sử dụng để đeo đuổi mục đích chính. Một chiến lược hay cũng sẽ bất lực trừ phi chiến lược đó được thực thi bằng hành động với những chiến thuật có cơ sở. Tuy nhiên, sự lựa chọn và thực thi khéo léo các chiến thuật sẽ không bù đắp được cho một chiến lược mà nói chung là tồi tệ. Sự chọn lựa các chiến thuật để thực thi một chiến lược có thể bao hàm việc xét định các mặt trận, các nhóm, các thời điểm, và các phương pháp khác nhau.

   Một chiến thuật là một kế hoạch hành động có giới hạn, dựa trên một quan niệm là làm thế nào để, trong một giai đoạn giới hạn của cuộc đấu tranh, sử dụng tốt nhất những phương tiện đấu tranh sẵn có hầu đạt một mục tiêu giới hạn như là một phần của chiến lược rộng lớn hơn của một chiến dịch. Để được hữu hiệu nhất, các chiến thuật và các phương pháp phải được chọn và áp dụng như thế nào để chúng thực sự hỗ trợ việc thực thi chiến lược và đóng góp vào việc đạt được các yêu cầu đòi hỏi cho chiến lược được thành công.

   Chiến thuật chỉ định những phương pháp nào cần phải được áp dụng như thế nào và những nhóm người đối kháng nào sẽ phải hành động trong một hoàn cảnh nhất định nào đó. Ví dụ, trong một cuộc đình công lao động mà các công nhân xưởng đình công để tranh đấu cho nghiệp đoàn được công nhận, để đòi tăng lương, hay đòi những điều kiện làm việc tốt hơn, thì các chiến thuật cần bao gồm sự chọn lựa thời điểm cho cuộc đình công, làm sao để công nhân được thuyết phục tham gia vào cuộc đình công, hành động nào cần phải có để làm nản chí những người bỏ hàng ngũ đình công, làm sao để những người đình công có thể được hỗ trợ về kinh tế trong thời gian họ không làm việc, những nỗ lực nào cần phải thực hiện để khuyến khích cảm tình và hỗ trợ của dân chúng, và những tiếp xúc nào cần phải có với các chủ nhân của xưởng.

   Các chiến thuật do đó là những kế hoạch để xúc tiến những đụng độ có giới hạn trong phạm vi chiến lược đã được lựa chọn — giới hạn về tầm cỡ, về số người tham gia, về thời lượng, hay là về vấn đề tranh chấp. Chiến thuật xác định rõ là nhóm đấu tranh phải hành động như thế nào trong một cuộc đụng độ nhất định nào đó với đối phương.

   Một chiến thuật nằm gọn bên trong một chiến lược của một chiến dịch, cũng như các chiến lược cho những chiến dịch nằm gọn bên trong đại chiến lược. Mặc dù chiến lược còn bao gồm những xét định rộng lớn hơn ngoài việc phải đấu tranh như thế nào, nhưng chiến thuật luôn luôn quan tâm đến đấu tranh. Người ta chỉ có thể hiểu được một chiến thuật trong tương quan với những phương pháp mà chiến thuật đó sử dụng và như là một bộ phận của chiến lược rộng lớn hơn của một chiến dịch.

Phương pháp 

Muốn đạt được những kết quả tốt đẹp nhất và việc thực thi các chiến lược đã được hoạch định một cách hữu hiệu nhất, thì sự lựa chọn các “vũ khí” bất bạo động, hay là những phương pháp cụ thể, sẽ cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng và khôn ngoan. Nhiều cuộc đấu tranh trong quá khứ đã được bắt đầu bằng sự chọn lựa các phương pháp hành động cụ thể để sử dụng, thay vì bằng sự thiết lập những kế hoạch dài hạn cho việc xúc tiến cuộc đấu tranh. Chúng tôi không đề nghị làm như vậy. Ngược lại, trình tự khôn ngoan hơn là thiết lập đại chiến lược trước tiên, rồi hoạch định chiến lược cho một chiến dịch cá biệt. Chỉ lúc đó, những người lập kế hoạch mới chọn lựa những chiến thuật và những phương pháp hành động cụ thể thích hợp nhất. Những phương pháp sẵn có đã được liệt kê ở Bài 018 và 034. Ngoài ra còn có những phương pháp khác nữa.

    Chúng ta cần nên duyệt lại những đặc tính của ba loại phương pháp tổng quát đã được đề cập trước đây.

  • Phản đối và thuyết phục: Những phương pháp này gồm có những đêm không ngủ, diễn hành, các kiến nghị, làm rào cản, và bãi công đột ngột. Những phương pháp này có những hiệu quả phần lớn chỉ có tính biểu tượng và tạo một ý thức là có sự bất đồng ý kiến.
  • Bất hợp tác: Những phương pháp này bao gồm những vụ tẩy chay xã hội, tẩy chay kinh tế, những cuộc đình công lao động, và nhiều hình thái bất hợp tác chính trị, bao gồm những vụ tẩy chay những chức vụ của chính quyền, bất tuân dân sự, và nổi loạn. Những phương pháp bất bạo động, nếu được áp dụng một cách phổ quát, thì có thể tạo những khó khăn cho việc duy trì sự điều hành và hiệu năng bình thường của hệ thống chính trị hoặc kinh tế của đối phương. Trong những trường hợp quá khích, thì những phương pháp này có thể đe doạ sự tồn tại của chế độ.
  • Can thiệp: Những phương pháp này bao gồm tuyệt thực, biểu tình ngồi, gây cản trở bất bạo động, tạo ra hoặc tăng cường các cơ chế thay thế, và lập chính quyền song hành. Những phương pháp này có những phẩm chất của hai nhóm phương pháp trước đây, nhưng thêm vào đó có thể tạo ra một thách thức trực tiếp hơn đối với chế độ của đối phương. Bằng cách gây rối loạn đủ loại, những phương pháp này có thể — nhưng không bảo đảm — sẽ tạo nên một tác dụng lớn hơn với số người tham gia ít hơn, với điều kiện là can đảm và kỷ luật có thể duy trì được dù bị đàn áp.

Trong nhiều cuộc đấu tranh quan trọng, những phương pháp bất hợp tác đặc biệt quan trọng bởi vì những phương pháp này có thể đe doạ khả năng vận hành của hệ thống. Những phương pháp này đòi hỏi phải có kỹ năng trong việc chọn lựa và áp dụng chúng. Lợi điểm của những phương pháp bất hợp tác là, nếu được áp dụng trọn vẹn trong một thời gian lâu đủ, thì chúng sẽ có tính cưỡng ép và ngay cả có thể phân huỷ chế độ của đối phương.

   Những phương pháp bất hợp tác thường đòi hỏi nhiều thời gian và sự tham gia của nhiều người mới tạo được tác dụng. Nhiều phương pháp trong số những phương pháp can thiệp bất bạo động, trái lại, có thể được áp dụng với một số người ít hơn. Tuy nhiên, những phương pháp này thường đòi hỏi rất nhiều kỷ luật và chuẩn bị mới áp dụng thành công được, và một số phương pháp này chỉ có thể áp dụng được trong một thời gian có giới hạn mà thôi. Một vài trong số những phương pháp can thiệp bất bạo động này còn có thể gặp phải sự đàn áp hết sức khắc nghiệt nữa. Một vài phương pháp can thiệp bất bạo động, như phương pháp chính quyền song hành chẳng hạn, đòi hỏi phải có sự ủng hộ lớn lao.

   Thường thường, các phương pháp áp dụng những áp lực khác nhau và sử dụng những phương thức khác có thể được hỗn hợp với nhau một cách hữu hiệu trong cùng một chiến dịch. Không thể đặt ra những luật ngắn gọn được, nhưng những hỗn hợp hữu hiệu của những phương pháp đòi hỏi phải có thiết kế chiến lược khôn ngoan.

   Trong hầu hết các cuộc đấu tranh, người ta sẽ sử dụng nhiều hơn là một phương pháp. Trong những trường hợp như thế, thứ tự theo đó các phương pháp được áp dụng, những phương cách theo đó các phương pháp được hỗn hợp với nhau, những phương pháp này ảnh hưởng đến sự áp dụng những phương pháp khác như thế nào, và những phương pháp này đóng góp vào cuộc đấu tranh như là một toàn bộ như thế nào; tất cả đều trở nên rất quan trọng.

   Đôi khi sự hỗn hợp các phương pháp tương đối đơn giản, nhất là trong loại đấu tranh địa phương hay loại có giới hạn. Những vụ tẩy chay kinh tế đã từng được sử dụng, chẳng hạn, để hỗ trợ những cuộc biểu-tình-ngồi chống kỳ thị chủng tộc, và hàng rào cản thường được sử dụng để hỗ trợ những cuộc đình công. Tuy nhiên, khi một cuộc tổng đình công được sử dụng để ủng hộ hay chống đối một vụ nổi loạn của quân đội chính quyền thì hoàn cảnh trở nên phức tạp hơn, và nhiều phương pháp có thể được sử dụng.

   Người nào lập kế hoạch cho đấu tranh bất bạo động thì cần phải quen thuộc với tất cả những phương pháp đấu tranh bất bạo động sẵn có để sẵn sàng áp dụng khi có thể được. Tác dụng của các phương pháp khác nhau rất nhiều, dù cho những phương pháp đó đã được áp dụng một cách sành sỏi. Ví dụ, một vụ tuyệt thực để phản đối do một nhân vật hết sức được trọng vọng thực hiện sẽ tạo nên một hiệu quả rất khác với việc gây trở ngại hành chánh do công chức thực hiện. Hiệu quả của vụ tuyệt thực hay gây trở ngại hành chánh lại khác xa hiệu quả của một vụ tổng đình công trải rộng hay của việc cảnh sát từ chối tìm và bắt những người đối kháng chính trị. Cần phải chọn những phương pháp khác nhau cho những hoàn cảnh, mục tiêu, và chiến lược khác nhau. 

Chọn lựa phương pháp 

Mỗi chiến lược cá biệt đòi hỏi một sự chọn lựa kỹ lưỡng những phương pháp đấu tranh bất bạo động sẽ được sử dụng, tiếp theo đó là sự áp dụng sành sỏi những phương pháp này. Những phương pháp cụ thể quan trọng nhất sẽ được sử dụng cần phải có một sự tương quan rõ rệt với các mục tiêu của chiến dịch hay của cuộc đấu tranh như là một toàn bộ, và phải đóng góp như là phương tiện nhằm đạt những mục tiêu này.

   Số phương pháp áp dụng trong bất cứ một cuộc xung đột duy nhất nào cũng biến đổi từ một đến cả hằng tá. Những phương pháp được lựa chọn cần phải hợp với những vấn đề tranh chấp được nêu lên, với phương thức tạo thay đổi đã dự tính, với những khả năng của dân chúng áp dụng những phương pháp đó, và với chiến lược đã được lựa chọn cho chiến dịch. Những nhân tố khác cần được xét định khi chọn các phương pháp bao gồm hoàn cảnh, các mục tiêu của cả hai nhóm, nhóm đấu tranh bất bạo động lẫn nhóm đối phương, những đặc tính của nhóm đối kháng và của nhóm đối phương, sự đàn áp sẽ xảy ra, và sự phát triển dự tính của cuộc đấu tranh.

   Đây là một số câu hỏi cần phải được đặt ra. Câu hỏi rất quan trọng là:

Những phương pháp đang được xét định có đóng góp vào việc thực thi đại chiến lược đã được lựa chọn và chiến lược cá biệt cho chiến dịch hay không? Những phương pháp vừa nói có áp dụng những áp lực chống lại đối phương được xác định là cần thiết cho sự thành công của cuộc đấu tranh hay không? Ví dụ, nếu chiến lược xác định những áp lực kinh tế là quan trọng hơn cả, thì có thể đòi hỏi cần phải có những phương pháp kinh tế như là đình công lao động và những vụ tẩy chay kinh tế. Ngược lại, nếu mục tiêu chiến lược là đánh đổ khả năng cai trị của đối phương, thì có thể sẽ phải cần đến những phương pháp đặc biệt về bất hợp tác chính trị để làm suy yếu hay cắt đứt sự cung cấp các nguồn sức mạnh của chế độ bằng cách tấn công vào các cột trụ chống đỡ.

   Nếu những phương pháp đang được xét định không trực tiếp thực thi các chiến lược cho những chiến dịch và không trực tiếp áp dụng những áp lực cần phải có đã được xác định, thì ít nhất những phương pháp này có giúp cho việc áp dụng những phương pháp sẽ dùng những áp lực này được dễ dàng không, như là bằng cách nâng cao tinh thần đối kháng hoặc làm lụn bại tinh thần của đối phương không? Ví dụ, nếu đình công lao động là phương pháp chính yếu đang được sử dụng theo kế hoạch chiến lược, thì những phương pháp thứ yếu như làm hàng rào cản hay một cuộc tẩy chay kinh tế có thể được sử dụng để hỗ trợ cuộc đình công.

   Những phương pháp sẽ được sử dụng cũng cần phải được lựa chọn với sự xét định là những phương pháp này có thể giúp tạo thay đổi bằng những phương thức đấu tranh bất bạo động đã được lựa chọn hay không, như: cải hoá, thích nghi, cưỡng ép bất bạo động, hoặc phân huỷ, như chúng ta đã thảo luận trước đây. Ví dụ, một cuộc tuyệt thực kéo dài có thể tác dụng đến cảm tình của người dân và có thể tranh thủ được sự quảng bá rộng rãi. Tuy nhiên, một cuộc tổng đình công, một cuộc bãi công đột khởi của công chức, hay một sự nổi loạn của quân đội có thể làm tê liệt chế độ, tạo nên cưỡng ép bất bạo động. Các phương pháp và các phương thức tạo thay đổi phải phù hợp với nhau.

   Một nhân tố quan trọng nữa trong việc lựa chọn các phương pháp là thể loại đàn áp và những biện pháp phản công khác được chờ đợi sẽ xảy ra. Tập thể dân chúng, những người đối kháng, và những người lãnh đạo phong trào được chuẩn bị để chịu đựng đàn áp đến mức độ nào trong lúc vẫn tiếp tục đối kháng và thách thức?

   Thêm nữa, số người đối kháng có được cũng rất quan trọng trong việc lựa chọn các phương pháp và những phương thức tạo thay đổi. Kêu gọi một cuộc tổng đình công mà chỉ có được 20 người tình nguyện tham gia thì hiển nhiên là một điều không khôn ngoan. Tuy nhiên, bằng một phương pháp khác, như tuyệt thực chẳng hạn, 20 người, tuỳ họ là ai, có thể kêu gọi được sự chú ý đáng kể đến sự khiếu nại và gây được áp lực tâm lý  và tinh thần lớn lao có thể dẫn đến hành động mạnh hơn. Một hành động giới hạn như thế tuy nhiên vẫn cần phải được xúc tiến với những chuẩn mực hành vi hết sức cao về phía những người tham dự.

   Những hiệu quả do các phương pháp tạo ra trong việc phát triển phong trào cũng quan trọng. Những phương pháp này có đóng góp vào việc phát triển tiệm tiến của phong trào, vào việc thay đổi thái độ, vào việc thay đổi các tương quan lực lượng, vào sự chuyển đổi sự ủng hộ đối với mỗi bên, và vào việc áp dụng và những tác dụng sau này của những phương pháp bất bạo động mạnh hơn hay không?

   Trong khi chọn phương pháp thì ta nên nhớ rằng khiến người ta đừng làm một điều gì đã được chỉ thị phải làm thì dễ hơn là khiến người ta làm một điều gì mà người ta không thường làm. Điều này đặc biệt đúng khi hành động đòi hỏi nhiều mạo hiểm hay là bị cấm đoán.

Trong lúc đấu tranh 

Những phương pháp cụ thể cần phải được lựa chọn để khởi động cuộc đấu tranh. Những phương pháp này có thể chỉ có tính biểu tượng, hay là có thể tham vọng hơn, như tung ra một một cuộc đình công. Lúc bắt đầu một chiến dịch, các chiến lược gia đấu tranh bất bạo động có thể cố tình sử dụng những phương pháp tương đối yếu để trắc nghiệm, qua phản ứng của dân chúng, xem dân chúng có sẵn lòng sử dụng những phương pháp mạnh hơn và có thể chịu đựng nổi đàn áp khắc nghiệt hơn như là cái giá phải trả để đánh đổi thành công hay không.

   Một khi cuộc đấu tranh đã tiến hành thì cũng cần phải duyệt lại chiến lược trước đây đã được chọn cho cuộc xung đột để quyết định xem có cần phải sắp thời biểu cho việc áp dụng những phương pháp phụ thêm hay cần phải thay đổi phương pháp. Chỉ sử dụng một số ít phương pháp có phương hại đến sự thành công của cuộc đấu tranh hay không, hay là một sự giới hạn như thế là cần thiết để có thể tập trung các áp lực lên đối phương? Những người đối kháng có thể chịu đựng nổi các áp lực và đàn áp của đối phương khi đối phương tập trung hành động của họ vào mấy điểm đã được lựa chọn này hay không? Chuyển đổi các phương pháp có cần thiết để duy trì sự uyển chuyển của cuộc đấu tranh đang phát triển hay không?

   Còn nhiều câu hỏi nữa cần phải được giải đáp. Những phương pháp được lựa chọn có giúp tranh thủ hay duy trì được sáng kiến trong cuộc đấu tranh hay không? Nếu những phương pháp lựa chọn được dự tính là sẽ áp dụng trên bình diện rộng lớn, thì những phương pháp này thực sự có thể lan rộng ra được không? Nếu những phương pháp lựa chọn đòi hỏi phải có huấn luyện hay những chuẩn bị đặc biệt – do đó chỉ thích hợp cho những nhóm tuyển chọn nhỏ — thì những chuẩn bị như thế đã có sẵn chưa? Nếu những phương pháp lựa chọn cần được áp dụng bởi những đám đông quần chúng, thì việc sử dụng những phương pháp này có thể được lặp lại trên bình diện rộng lớn mà không cần huấn luyện hay những chuẩn bị đặc biệt hay không?

   Chuyển từ một mức hành động này đến một mức khác – như từ những phản đối có tính biểu tượng đến bất hợp tác, và từ bất hợp tác đến can thiệp – có thể lôi kéo một sự gia tăng tiệm tiến về mức độ đàn áp cần phải mạo hiểm. Đi ngược lại, chọn bất hợp tác thay vì can thiệp đôi lúc có thể giúp tạo ra được một hoàn cảnh xung đột tương đối ít có tính bùng nổ và nguy hiểm và đàn áp tương đối ít khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, những tương quan giữa các cấp độ phương pháp và sự khắc nghiệt của đàn áp không thể áp dụng được cho tất cả mọi hoàn cảnh và chống lại mọi đối thủ được. Những phương pháp rất nhẹ nhàng có lúc vẫn có thể gặp phải đàn áp tàn bạo, nhất là khi đối phương là một chế độ không chấp nhận những biểu thị công khai về bất đồng ý kiến hay đối lập.

   Trong một cuộc đấu tranh lâu dài, phân chia thành giai đoạn thường rất quan trọng. Chọn lựa các mục tiêu và sự chọn lựa và trình tự của các phương pháp có thể là những nhân tố quan trọng nhất trong việc phân giai đoạn. Thường thì một số hành động nhẹ nhàng cần phải đi trước những hành động khác để việc sử dụng những hành động mạnh hơn có thể đi tiếp theo sau. Quyết định khi nào cần tiến đến một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh cần phải được cân nhắc cẩn thận. Những chuyển đổi phương pháp như thế có thể giúp tránh được tình trạng bất động (inactive) và duy trì được sáng kiến.

Kế hoạch chiến lược

Một kế hoạch chiến lược là một mô hình cụ thể để thực thi một chiến lược. Kế hoạch phải trả lời được những câu hỏi người nào, khi nào, ở đâu, và như thế nào cho các bộ phận chiến lược của mỗi chiến dịch.

   Trong những cuộc đấu tranh nhỏ hay hết sức giới hạn, thì kế hoạch chiến lược này trên thực tế có thể chỉ có ở cấp độ chiến thuật. Ví dụ, trong một cuộc đấu tranh giới hạn về lao động mà mục tiêu lớn và mục tiêu của chiến dịch là một (một hợp đồng bao gồm cải thiện các phúc lợi và lương bổng), và chỉ sử dụng một hay hai phương pháp trong một chiến dịch (một cuộc đình công quy ước sau khi thương thảo hợp đồng bất thành), kế hoạch chiến lược sẽ vạch ra những chi tiết như khi nào thì bắt đầu cuộc đấu tranh, những người nào sẽ tham gia và vai trò của họ là gì, làm những hàng rào cản ở đâu, và những công tác hậu cần nào cần thiết để tiếp tế lương thực, tiền bạc, và những điều cần thiết vật chất khác cho những gia đình của những công nhân đình công. Trong trường hợp như thế thì việc chuẩn bị kế hoạch chiến lược không khẩn thiết phải là một giai đoạn biệt lập với sự chuẩn bị cho việc lựa chọn các chiến thuật và các phương pháp nhằm thực thi chiến lược của chiến dịch.

   Trong một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn và phức tạp hơn, thì kế hoạch chiến lược có thể có ở nhiều cấp độ. Trong những cuộc đấu tranh hiếm hoi mà người ta có thể lập kế hoạch cho nhiều chiến dịch tiến hành cùng một lúc hoặc là tiếp nối nhau trong một thời gian ngắn, thì kế hoạch chiến lược phải xác định trình tự của những chiến dịch này và thời gian khởi điểm cho mỗi chiến dịch, dựa trên sự tương quan chiến lược giữa những chiến dịch này. Kế hoạch chiến lược cũng còn phải xác định những bộ phận nhỏ trong chính các chiến dịch này nữa.

   Ví dụ, trong một cuộc đấu tranh lao động rộng lớn chống lại một công ty hay một ngành kỹ nghệ nào đó mà nhóm lao động có được một sức mạnh phi thường và thiện cảm của người dân, thì cuộc đấu tranh, ngoài hành động đình công, có thể bao gồm một chiến dịch tẩy chay tất cả sản phẩm của công ty hay ngành kỹ  nghệ này. Chiến lược của chiến dịch lúc đó có thể nhận thấy nhu cầu khuyến khích và thực hiện cuộc tẩy chay bằng những hành động khác nhau, từ những vụ tẩy chay chính yếu và phụ thuộc và những hàng rào cản trước các cửa tiệm đến các vụ biểu tình đoàn kết và ngăn chặn xuất cảng các sản phẩm ra ngoại quốc.

   Kế hoạch chiến lược cùng với những chiến thuật và các phương pháp thực thi chiến lược sẽ lấp đầy các chỗ trống, chỉ rõ những tiệm nào cần có hàng rào cản, cần phải sắp xếp những cuộc biểu tình ở đâu và khi nào, cần tìm những thể loại quảng bá nào để thúc đẩy những cuộc tẩy chay chính yếu và phụ thuộc, và cần phải nhắm vào những nhóm nào để có được sự ủng hộ về việc ngăn chặn xuất cảng các sản phẩm.

   Trong lúc đang bàn về việc lựa chọn phương pháp ở đây thì có một vài công tác nằm bên trên bình diện thiết kế chiến thuật; những công tác này – dù là thành phần của kế hoạch chiến lược – đặc biệt nói đến việc lập kế hoạch cụ thể về tiếp vận và điều hành của mỗi hành động cá biệt trong phạm vi chiến dịch.

   Tóm lại, kế hoạch chiến lược là kim chỉ nam điều hành tổng quát của đấu tranh. Đó là kế hoạch cho việc áp dụng cụ thể và thực thi chiến lược. Trên bình diện rộng lớn thì những kế hoạch chiến lược thông thường bao gồm bốn giai đoạn:

  • Chuẩn bị cho cuộc đấu tranh
  • Khởi sự hành động để tranh thủ (các) mục tiêu
  • Phát triển cuộc đấu tranh đang diễn biến
  • Sau khi thành công, củng cố các thắng lợi

 Trong phạm vi của mỗi giai đoạn, kế hoạch chiến lược phải theo những chiến lược của các chiến dịch để chỉ định những công tác nào cần phải được thi hành ở nhiều cấp độ chiến lược khác nhau, cũng như những người hay nhóm người chịu trách nhiệm về những công tác ấy. Như đã có bàn đến trước đây, một bộ phận quan trọng của kế hoạch chiến lược là kế hoạch chiến thuật; kế hoạch chiến thuật này sẽ xác định chi tiết các công tác được đòi hỏi cho việc thực thi từng hành động cá biệt của chiến dịch được thành công.

   Các chiến lược gia nên nhớ rằng trong những cuộc đấu tranh phức tạp, bao gồm những cuộc đấu tranh chống lại những chế độ đàn áp, thì trước khi khởi động cuộc đấu tranh, lập kế hoạch cho việc thực thi cụ thể cho đại chiến lược từ chiến dịch đầu tiên đến chiến dịch cuối cùng thông thường là một điều hết sức khó, và nhiều khi không thể thực hiện được. Trong những trường hợp như thế, kế hoạch chiến lược phải càng cụ thể và càng rõ ràng càng tốt đối với việc thực thi chiến lược của chiến dịch đầu tiên, nhưng khẩn thiết sẽ phải mơ hồ đối với những chiến dịch tương lai. Như vậy là vì các mục tiêu giới hạn của những chiến dịch tương lai, các chiến lược của những chiến dịch này, thời gian tính, và các sinh hoạt chiến thuật, phần lớn sẽ được quyết định bởi những thay đổi trong hoàn cảnh xung đột sẽ xảy ra trong giai đoạn hay những giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh. Các chiến lược gia do đó cần phải theo dõi sát diễn tiến của cuộc đấu tranh, và tuỳ theo đó mà lập những kế hoạch chiến lược cụ thể cho những chiến dịch tương lai, trong lúc cuộc đấu tranh vẫn đang tiến hành.

   Những hướng dẫn thêm về cách phản ứng và thích nghi với những thay đổi trong tiến trình của cuộc xung đột sẽ được thảo luận ở Bài kế tiếp. Trong lúc đó, phát hiện những nhận định về thiết kế chiến lược từ kinh nghiệm lịch sử và từ các phân tích có thể đóng góp vào việc tăng hiệu quả trong việc thiết kế chiến lược cho đấu tranh bất bạo động là một điều quan trọng. Điều này là tụ điểm của cuộc thảo luận trong bài tới.

___________________________

CƯỚC CHÚ

Đoạn này được rút ra rất nhiều từ suy nghĩ và phân tách của Robert Helvey.

Xem Bài 07 về một kế hoạch tính toán phỏng định chiến lược

Từ “cột trụ chống đỡ” do Robert Helvey đưa vào.

Những định nghĩa này được Robert Helvey, Bruce Jenkins, và Gene Sharp soạn thảo. Bản Ghi Nhớ Không Phát Hành, Viện Albert Einstein

5 Muốn có định nghĩa đầy đủ về các phương pháp cùng với những thí dụ lịch sử, xem Sharp, Chính  Trị của Hành Động Bất Bạo Động, Phần Hai, Những Phương Pháp Đấu Tranh Bất Bạo Động. Dĩ nhiên là còn có nhiều phương pháp khác có sẵn hay sẽ được tạo nên.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.