SỢ HÃI
(Bài 056)

Không sợ hãi có thể là một tính bẩm sinh, nhưng có lẽ quý hơn nữa là lòng can đảm có được nhờ nỗ lực, lòng can đảm đến từ việc vun trồng tập quán từ chối để cho sợ hãi quyết định hành động của mình, lòng can đảm có thể được mô tả như là “sự trang nhã trước áp lực”– một sự trang nhã liên tục được đổi mới dù bị áp lực khắc nghiệt và dai dẳng.*

–Aung San Suu Kyi

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Sợ đau đớn về thể xác là một cảm xúc mà con người ai ai cũng có kinh nghiệm trong đời sống của mình. Trong lúc tần số và cường độ của cảm xúc này biến đổi thì tác dụng của nó đối với trí óc và hành vi của chúng ta cũng biến đổi. Một lý do chính yếu bắt người ta tuân phục một bạo chúa là sự sợ hãi những trừng phạt vì bất tuân. Sợ đau đớn thể xác là sự sợ hãi có tầm mức lớn hơn sự sợ hãi mất việc làm hay mất hưu liễm do chính quyền cung cấp. Sợ chết là một sự sợ hãi bẩm sinh chỉ có thể quên đi được bởi những người được thúc đẩy bởi bản năng làm mẹ luôn che chở cho con bất kỳ nguy hiểm nào xảy ra. Điều mà một vài người không hiểu được là sợ hãi là một phản ứng thông thường đối với một sự đe doạ cảm nhận được. Đó là một phản ứng được di truyền cài vào bộ óc của chúng ta để bảo vệ chúng ta chống lại hay giúp chúng ta sống còn trước những đe doạ đến tính mạng. Sợ hãi là một phản ứng theo bản năng của tất cả mọi loài vật đối với đe doạ, không được gắn liền với một giá trị luân lý nào cả. Sợ hãi không có gì phải đáng xấu hổ cả.

    Giá trị của sợ hãi là khi nhận ra được những tác nhân kích thích sợ hãi, chúng ta được cảnh báo về sự nguy hiểm có thể xảy đến cho thân xác, và cơ thể của chúng ta, theo bản năng, tự chuẩn bị để hành động. Bản năng cung ứng cho chúng ta hai đường lối hành động — bỏ chạy hay đánh lại, với ưu tiên dành cho bỏ chạy. Phản ứng này thường được quan sát ở loài vật khi, để tránh nguy hiểm, súc vật sẽ bỏ chạy khi nhận thấy nguy hiểm. Nếu nó bị bất ngờ và không thể chạy được, thì nó sẽ “cóng lại” và bất động, hy vọng là con dã thú sẽ không nhìn thấy nó và tiếp tục đi.  Chỉ khi nào đến đường cùng thì con vật mới đánh lại một cách dữ dội để tự vệ mà thôi. Con người, được phú cho một khả năng có thể nhìn thấy quá tầm mức của sự đe doạ tức thời, có thể sử dụng lý trí, thay vì bản năng, để hướng dẫn phản ứng của mình đối với hiểm nguy. Thông hiểu được những nguyên nhân và hậu quả của sợ hãi, chúng ta có thể chuẩn bị cho những hoàn cảnh gây sợ hãi đã được tiên đoán để giảm thiểu những hậu quả của sự sợ hãi lúc ban đầu đối với hành vi của mình.

Chức Năng Sinh Lý của Sợ Hãi 

Những đặc tính thể chất của sợ hãi là kết quả đem lại do sự tuôn trào gia tăng của các tế bào thần kinh thuộc hệ thần kinh tự động. Điều này làm cho các mạch máu ở da và đường ruột go lại, do đó làm cho nhiều máu chảy về tim (làm cao áp huyết) và các bắp thịt hơn. Sợ hãi cũng làm tim đập nhanh hơn và mạnh hơn và nhịp thở gia tăng (đưa nhiều dưỡng khí hơn đến các bắp thịt). Kích thích hệ thần kinh tự động làm cho nang thượng thận tiết ra nhiều chất adrenaline, cùng với những hóc-môn khác, làm cho gan tiết ra những lượng lớn chất đường vào trong máu làm tăng thêm nguồn sinh lực cho các bắp thịt.

    Trong lúc các chuẩn bị cho công việc chiến đấu này đang tiến hành, thì cơ thể cũng tự chuẩn bị để tồn tại khi bị những thương tích có thể xảy ra đe doạ đến tính mạng. Các cơ vòng, những bắp thịt ở cuối đường ruột và bàng quang giãn ra, đôi khi gây đại tiện và tiểu tiện ngoài ý muốn.

    Con người có kinh nghiệm về những hậu quả này. Chúng ta đã từng ngay cả phát biểu những kinh nghiệm này bằng lời nói. Ví dụ:

     “CHÂN LẠNH” rồi! Máu chạy từ bàn tay, bàn chân trở về những cơ quan quan trọng nhất để sinh tồn.

     “Tóc sau gáy của tao đã dựng đứng lên rồi.”

     “Tao sợ quá.”

     “Tao đái trong quần rồi” hay “Tao ỉa trong quần rồi.”

    Ngượng ngùng, vâng. Nhưng chúng ta không nên lấy làm tủi nhục vì bản năng tồn tại của Thiên Nhiên đã vận hành đúng đắn.

Thắng Lướt Hậu Quả của Sợ Hãi 

Đấu tranh bất bạo động chiến lược đòi hỏi dân chúng phải có hành động tập thể. Điều này có nghĩa là dân chúng cần phải thắng lướt những hậu quả của sợ hãi để có thể đối đầu với những trừng phạt bằng vũ lực mà chế độ có thể áp đặt lên họ. Dĩ nhiên là nếu các tác nhân kích thích sợ hãi có thể tránh được, thì giây chuyền các diễn biến tạo nên sợ hãi sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, nhắm mắt, bịt tai và làm tê liệt các giác quan sẽ làm cho dân chúng phân tán và hành động như là những cá nhân.

    Khi lập kế hoạch cho một cuộc đụng độ mà vẫn ghi nhớ quan niệm chạy trốn khỏi những tác nhân kích thích sự sợ hãi và cân nhắc những hành động tránh giao tranh với đối phương trong những điều kiện của họ có thể là một điều thích hợp. Người ta có thể thiết kế những phương thức thực tiễn nhằm giảm thiểu con số những diễn biến kích động sự sợ hãi quá mức. Một thí dụ về nỗ lực giảm thiểu sợ hãi giữa những người tham gia trong một cuộc đấu tranh bất bạo động rất có thể bao gồm việc chọn lựa thời gian và địa điểm cho một cuộc biểu tình, cũng như nhanh chóng tuyên bố “chiến thắng” rồi giải tán trước khi các lực lượng chống biểu tình của chế độ tấn công. Vẫn còn một cách khác làm giảm đi sự sợ hãi tham gia vào một phong trào đấu tranh bất bạo động có thể là bằng cách tiến hành nhiều diễn biến ở những thành phố lân cận bắt buộc cảnh sát phải phân tán lực lượng, và vì vậy làm giảm số lượng cảnh sát cho mỗi diễn biến.

    Bất ngờ thường đưa đến kết quả rối loạn. Bằng cách chuẩn bị những người hành động bất bạo động cho diễn biến, người ta có thể tránh được bất ngờ. Bao gồm trong các chuẩn bị này là những lời cắt nghĩa để làm sáng tỏ mục tiêu của hành động, để xác định một cách chính xác những biện pháp phản công có thể xảy ra của cảnh sát hay của những lực lượng quân đội, để lập kế hoạch cẩn thận cho hành động, và khi có thể được, tập dợt lại các phần hành của những tham dự viên nòng cốt. Cắt nghĩa cho những người tham gia những gì họ có thể thấy (các di chuyển của những lực lượng của chính quyền), nghe (tiếng dùi cui đánh vào khiên, tiếng lưỡi lê cắm vào súng, v.v.) và những sinh hoạt nào sẽ xảy ra trong hàng ngũ những người chống đối là một điều thích hợp.

    Cung cấp cho mỗi người tham dự những hướng dẫn cho hành động là một bước quan trọng trong việc cổ xuý kỷ luật. Hành động đồng bộ, có phối hợp, trước áp lực, không thể thực hiện được nếu không có một mức độ kỷ luật nào đó. Những người tham dự cần phải được nhắc nhở về sự khác biệt giữa những hành động của một đám đông hỗn loạn và hành động của một lực lượng bất bạo động tranh đấu cho thay đổi. Khi còn là học sinh, tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về những “thực tập cháy nhà” theo đó học sinh được hướng dẫn theo hàng một đi qua các hành làng và cửa ra đến một địa điểm tập họp ở bên ngoài. Trong vòng một hay hai phút cả trăm học sinh hoặc nhiều hơn được đưa đến một khu vực an toàn. Các giáo sư biết phải làm gì và làm như thế nào và học sinh vâng lời. Hãy so sánh hành động có kỷ luật này với những gì đã xảy ra khi các rạp hát hay các hộp đêm bị hoả hoạn. Mọi người đều hốt hoảng và cả hằng trăm khách đều cùng cố tuôn ra cửa cùng một lúc. Kết cuộc là ít người, nếu thực sự có được người nào, thoát ra khỏi cửa an toàn. Bài học đã rõ ràng. Có một kế hoạch tốt, cần nắm chắc là những người tham gia biết kế hoạch này, và những người lãnh đạo cần bảo đảm là kế hoạch phải được thi hành.

    Sự tin tưởng ở những người lãnh đạo giúp người ta có lòng tin nơi những người tham gia đấu tranh bất bạo động, và lòng tin này làm giảm bớt đi hậu quả của sự sợ hãi rất nhiều. Những người mới tham gia vào những cuộc đấu tranh bất bạo động có thể có được lòng tin bằng huấn luyện thích hợp và bằng sự chứng minh mối quan tâm và thông cảm do những người lãnh đạo biểu lộ đối với sự lo âu của họ. Tiếp theo là cần phải làm cho người ta an lòng. Ví dụ, nếu một người lãnh đạo không đứng vào hàng đầu của một cuộc biểu tình thì cần phải nói cho người mình biết lý do tại sao và mình sẽ ở đâu. (“Nếu tôi đứng ở hàng đầu thì không thể quan sát những gì xảy ra được và không thể liên lạc với những người lãnh đạo khác hay là không thể điều phối những thay đổi có thể cần để ngăn chặn những tổn thất không cần thiết. Quý vị nên nhớ là tôi sẽ là người tuyên bố chiến thắng để chúng ta rút lẹ khỏi đây.”).

    Những người lãnh đạo, ngoài việc cắt nghĩa hành động và những nguy hiểm sắp xảy ra, còn phải nhắc nhở những người tham gia lý do tại sao họ đã dấn thân tranh đấu đòi thay đổi chính trị. Hành động cụ thể này liên hệ vào hỗ trợ chiến lược toàn bộ như thế nào cũng cần phải được nhấn mạnh. Những người tham gia cũng cần phải được cho biết là hành động này cũng còn phản ánh sự lớn mạnh của phong trào và làm gương khuyến khích cho những người khác là thách thức bạo chúa bằng tập thể dân chúng là một điều có thể thực hiện được.

    Khi thiết kế những diễn biến cho những cuộc đấu tranh bất bạo động, những người lãnh đạo cần phải cân nhắc những biện pháp ngăn ngừa dân chúng cảm thấy mình đơn độc. Trong những hành động công cộng, như là những cuộc biểu tình, giữ cho người dân gần nhau đủ để họ có thể chạm vào người khác, nắm tay nhau và phát biểu (hô hào, ca hát, và nói chuyện với nhau) là những cách nhắc nhở liên tục là họ không đơn độc. Trang phục giống nhau và các ký hiệu là những nâng đỡ tâm lý cung ứng một sự liên kết bằng mắt với những người khác cùng chia sẻ những niềm tin và sự dấn thân chung.

    Những yếu tố quan trọng khác trong việc lập kế hoạch đáng được cân nhắc kỹ lưỡng là những hành động nhằm mục đích giảm thiểu mức độ sợ hãi của lực lượng đối phương tại địa điểm đấu tranh bất bạo động. Cảnh sát cần được thông báo là họ sẽ không bị nguy hại và cuộc biểu tình chỉ là ôn hoà. Lời nói phải được củng cố bằng hành động. Ví dụ, những gương mặt có thiện cảm và trò chuyện cần được khuyến khích. Có lẽ nên để các thành viên trong gia đình, bạn bè hay những người khác mà cảnh sát quen biết ở những hàng đầu để giảm bớt ý nghĩ là nhóm người đối diện họ là một đe doạ về thể xác. Một cá nhân có vũ trang khi hoảng hốt có thể bắt đầu một phản ứng bạo động giây chuyền một cách không chủ ý.

    Trong trường hợp có bạo động xảy ra thì cần phải có kế hoạch chăm lo cho những người bị thương tích có thể có. Nhân viên ý tế và các trợ tá có huấn luyện phải có sẵn để lo cấp cứu. Sự kiện có sẵn sự chăm lo y tế này sẽ làm cho những người biểu tình an lòng. Đề cập đến sự hỗ trợ này thì có thể chấp nhận được, nhưng nói nhiều về điểm này và những tổn thất có thể xảy ra có thể gây nên một phản ứng sợ hãi tai hại. Mỗi người biểu tình cần mang theo một tấm vải trắng sạch để sử dụng cho việc băng bó cho mình, giúp cho các trợ y khỏi cần mang theo tiếp liệu quá nhiều. Tại sao lại dùng vải trắng? Vì sẽ thấy rõ hơn trong phim ảnh! Ngay cả đồ vật đơn giản như là tấm băng trắng cũng có thể có lợi rất nhiều. Các nhiếp ảnh gia sẽ chụp hình cuộc biểu tình, và, nếu có thương tích, thì người ta sẽ tìm những bức hình nào lôi kéo được sự chú ý của truyền thông đại chúng quốc tế. Có thể là một trong những bức hình này sẽ được hằng trăm triệu người xem, nhưng những người bị thương nên chú tâm vào việc chữa trị vết thương của mình thay vì chăm lo những việc hời hợt và tầm thường như là chải lại tóc hay tô điểm phấn son cho giây phút huy hoàng của mình. Cần phải chụp lấy bất cứ cơ hội nào để gửi đi thông điệp của cuộc đấu tranh bất bạo động.

    Trong thời gian cuộc diễn biến mỗi người đều cần được giao phó một công tác rõ rệt cần phải hoàn tất, đòi hỏi phải được chú ý hoàn toàn. Những người lãnh đạo cần nhấn mạnh là những công tác này phải được thi hành. Chú tâm vào công tác được giao phó sẽ giảm bớt cơ hội nghe và thấy những gì xảy ra ngay chung quanh mình. Những chi tiết li ti có thể giúp người ta kiềm chế được sợ hãi. Một vài người cần được giao phó nhiệm vụ giữ hàng ngũ ngay đường thẳng lối. Những người khác cần phải lo bảo đảm là các biểu ngữ phải đúng chiều cao. (Đặt các biểu ngữ trước những người biểu tình ở một chiều cao chặn những người biểu tình nhìn thấy cảnh sát giàn hàng giúp giảm bớt sợ hãi). Một số người có thể được yêu cầu quan sát và phúc trình những hoạt động chung quanh đoàn biểu tình. Những người khác nữa có thể được yêu cầu phân phát nước uống để tránh tình trạng mất nước nơi những người biểu tình. Sẽ cần phải có những người chịu trách nhiệm khởi xướng hô hào các khẩu hiệu, ca hát. Khuyến cáo rất đơn giản: Những người lãnh đạo phải làm cho tất cả mọi người bận rộn.

    Trên bình diện riêng tư có những cân nhắc về cảm xúc có thể giúp giảm bớt những hậu quả của sợ hãi. Chấp nhận sợ hãi là bình thường có nghĩa là có kinh nghiệm sợ hãi không phải là chỉ dấu của một người hèn nhát. Tin tưởng là lý tưởng đấu tranh xứng đáng với những mạo hiểm cần phải chịu sẽ củng cố sự dấn thân cho hành động. Tĩnh tâm và những lễ nghi tôn giáo sẽ đem lại hiệu quả an định tâm hồn, và đặt cuộc đấu tranh trong một bối cảnh rộng lớn hơn và vào trong một cộng đồng tín đồ rộng lớn hơn. Cũng quan trọng là bổn phận đạo đức đối với những người lệ thuộc vào sự thành công của việc thi hành các trách nhiệm được giao phó. Ngược lại với sự hùng biện ái quốc của một quốc gia lâm chiến, có rất ít những hành động dũng cảm xảy ra như là kết quả của lòng yêu tự do, dân chủ, và pháp trị. Hầu hết những hành động dũng cảm đều là do kết quả của lòng trung thành và tận tuỵ đối với những người bạn đồng hành với mình.

Tóm Lược

Ý thức được sợ hãi là một tình trạng tự nhiên, chúng ta không nên kết án người khác, hay là cảm thấy tủi nhục khi chính chúng ta có kinh nghiệm sợ hãi. Mặt khác, nếu người ta đã thành công trong việc tự giải phóng khỏi một chế độ cai trị bằng sự sợ hãi, thì người ta hẳn đã thông hiểu những phương pháp và những kỹ thuật để thắng lướt những hậu quả tai hại của nó. Trong mục đích này, kiến thức, kỷ luật và lập kế hoạch cẩn thận đã chứng tỏ là hữu hiệu.

________________________________

CƯỚC CHÚ

*Aung San Suu Kyi, Tự Do Khỏi Sợ Hãi và Những Bài Viết Khác [Freedom from Fear and Other Writings], (New York: Penguin Books, 1991), 184.

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.