Chung Quanh Nghi Vấn
Hồ Chí Minh Chết năm 1932

 

Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

 

Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại làng Hoàng Trù (tên Nôm là làng Chùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất vào ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội. Cha tên là Nguyễn Sinh Sắc. Mẹ là Hoàng thị Loan. Tên cúng cơm của Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Côn, sau đổi thành Nguyễn Sinh Cung; khi 11 tuổi, lại đổi thành Nguyễn Tất Thành. Trong thời gian hoạt động cách mạng Nguyễn Tất Thành lấy tên Nguyễn Ái Quấc và Nguyễn Ái Quốc, đến năm 1942 chính thức đổi thành Hồ Chí Minh.

Năm 1920 Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng cộng sản Pháp. Năm 1923 được gửi đi Liên Sô tham dự Đại hội Quốc Tế Nông dân và Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Năm 1925 thành lập “Việt Nam thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” tại Quảng Châu. Năm 1930, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông (sau đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam năm 1951). Tháng 8 năm 1945, được cử làm chủ tịch chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Các học giả nghiên cứu về Hồ Chí Minh như William J. Duiker, Jean Lacouture, Quinn Judge đều không tìm thấy Hồ Chí Minh làm gì trong khoảng thời gian từ 1932 đến 1934 mặc dù họ đều có thông tin là Hồ Chí Minh sinh hoạt ở Moscow từ 1934 đến 1938. Sử gia Céline Mérangé xác nhận Hồ Chí Minh vào học trường Quốc tế Lê Nin tháng 10 năm 1934.

Nhưng lạ lùng thay là các tờ báo Sự Thật (Pravda) của Nga, tờ Lao Động (Labour Monthly) của Anh, và tờ Nhân Đạo (L’Humanité) của Pháp đều có đăng tin vào tháng 7 và tháng 8 năm 1932 là Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh lao phổi. Mới đây, Trần Thị Hải Ý có dịch toàn bộ bài báo L’Humanité năm thứ 29, số 12292, ngày thứ Ba, mồng 9 tháng 8 năm 1932 của đảng cộng sản Pháp. Nhóm Lữ Thị Tường Uyên cũng có dịch bài này. Bài báo đăng tin Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù ở Hồng Kông vào năm 1932 vì bệnh lao phổi. Bài báo còn hết sức ca tụng Nguyễn Ái Quốc là “sáng lập viên kiên cường” của Đảng cộng sản Đông Dương và kết án đế quốc Anh đã cấu kết với chính phủ Pháp để giết chết Nguyễn Ái Quốc. William J. Duiker trong tác phẩm Truyện Hồ Chí Minh cũng có viết là: “Vào ngày 11 tháng 8 năm 1932, tờ nhật báo “Công nhân” [The Worker] của Quốc tế cộng sản phát hành tại London, đăng tin Nguyễn Ái Quốc chết trong nhà giam. Nhóm lưu học sinh Việt Nam tại trường Đại học Stalin đã biết tin Nguyễn Ái Quốc qua đời vì bệnh lao phổi nặng và tổ chức lễ truy điệu, cũng như trước đó, vào năm 1931, họ đã tổ chức lễ truy điệu Tổng bí thư Trần Phú chết ở nhà tù thực dân Pháp tại Việt Nam”.

Ngay cả báo Điện tử ĐCSVN ra ngày 15 tháng 7 năm 2015 cũng thông báo là Nguyễn Ái Quốc đã chết năm 1932 như sau: “Đảng Cộng sản Đông dương vừa được thống nhất vào đêm trước của cuộc bãi công có tính chất khởi nghĩa của phu đồn điền Phú Riềng bởi ba nhóm cộng sản Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ dưới sự lãnh đạo của người sáng lập của nó là đồng chí Nguyễn ái Quốc, đã bị ám sát vào giữa năm 1932 trong các tù địa ngục của Hồng Công….”

Trái ngược với tất cả những tin tức trên, năm 1934 Nguyễn Ái Quốc lại được thấy xuất hiện ở Nga và đang theo học trường Quốc tế Lê Nin (xem Céline Mérangé ở trên). Báo chí cộng sản cắt nghĩa sự xuất hiện này, sau cái tin Nguyễn Ái Quốc đã chết năm 1932,  là vì có lẽ lúc bấy giờ đường sá xa xôi nên tin tức sai lạc. Sau đó Hồ Chí Minh trong tự truyện lại tuyên bố là đã cố ý tung tin thất thiệt để làm hoả mù che cho Nguyễn Ái Quốc khỏi bị mật thám Pháp theo dõi. Hồ chí Minh đã nói về cái hết  của mình năm 1932 qua nhiều hình thức cắt nghĩa khác khau, cũng như Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Việc công bố cái chết của Nguyễn Ái Quốc là do nhà đương cục Pháp cố ý bịa đặt nhằm mục dịch làm nhụt ý chí đấu tranh của nhân dân Việt Nam” (Hồ Tuấn Hùng).

Sau khi nghe Nguyễn Ái Quốc tái xuất hiện ở Nga thì mật thám Pháp cũng cho biết là Nguyễn Ái Quốc vẫn còn sống. Theo Vũ Đông Hà trong một bài báo đăng trên “danlambao” thì: “Tài liệu 9000 trang do ông Olivia Pelletier, Quản thủ Văn khố, chuyên về Đông Dương, san định, đúc kết lại từ những những thông tin của cơ quan Tình báo, Phòng Nhì, Cảnh sát Pháp ở Đông Dương và ở Pháp từ 1919-1955 cho thấy Hồ Chí Minh vẫn còn sống, sau cái tin ông chết trong tù Hồng Kông năm 1932. Nhưng hoàn toàn không có tin tức gì về Hồ Chí Minh từ tháng 5/1930 tới 1934.” 

Để tìm hiểu các tin tức trái ngược này, những tài liệu lịch sử sau đây có thể phần nào chiếu rọi ánh sáng vào vần đề và giúp độc giả có một cái nhìn rõ ràng hơn.

Hồ Chí Minh thực sự đã chết vào năm 1932 hay là vẫn còn sống và tiếp tục hoạt động chính trị cho đến ngày 2 tháng 9 năm 1969?

Ngoài những tin tức do báo chí cộng sản quốc tế đăng vào tháng 7 và tháng 8 năm 1932 báo tin là Hồ Chí Minh đã chết vì bệnh lao phổi, những tài liệu liệt kê sau đây về bệnh lý của Hồ Chí Minh có thể cho phép người ta nghĩ là xác suất Hồ Chí Minh đã chết vào năm 1932 hay 1933 rất cao, mặc dù cộng sản đã cải chính là Hồ Chí Minh vẫn sống và hoạt động cách mạng cho đến ngày 2 tháng 9 năm 1969.

Giáo sư sử học tại đại học Đài Loan Hồ Tuấn Hùng đã nghiên cứu và trích dẫn những tác giả viết về bệnh lao phổi mãn tính của Hồ Chí Minh như Sophie Quinn Judge, Lý Gia Trung, William J Duiker, Trương Vĩnh Kính, Nguyễn Khánh Toàn như sau:

1.“Cuối năm 1927, tôi [Nguyễn Ái Quốc] nhận được chỉ thị của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương thuộc Quốc tế cộng sản, nhưng lúc ấy đang lâm bệnh ở Thailand hơn một năm, vì thế, không thực hiện được bất cứ nhiệm vụ nào. (Những năm tháng mất tích của Hồ Chí Minh, 1919-1941– Sophie Quinn- Judge, trang 163)”.

2.“Nửa sau năm 1928, hồi ký Đặng Văn Chi viết: “Có một thời gian Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu Đông y, hy vọng có thể tìm ra phương pháp chữa bệnh lao phổi, vì vậy, sau này có báo cáo với một đồng chí Việt Nam ở Hương Cảng, trình bày lý do ông ở Thailand hơn một năm mà không làm được việc gì. (Những năm tháng mất tích của Hồ Chí Minh, 1919-1941– Sophie Quinn-Judge, trang 129, 163)”.

3.“Năm 1929, căn cứ vào lời kể của Lâm Đức Thụ, có tin nói rằng, Nguyễn Ái Quốc ở nước Đức, sức khỏe không tốt. (Những năm tháng mất tích của Hồ Chí Minh, 1919-1941– Sophie Quinn-Judge, trang 143)”.

4.“Trong khoảng thời gian từ ngày 3 tháng bảy đến ngày 2 tháng chín năm 1930, Nguyễn Ái Quốc viết 6 bức thư gửi Cục Viễn Đông. Trong thư đề ngày 2 tháng chín, ông thú nhận từ ngày 13 tháng 8, sức khỏe đã suy sụp vì bệnh lao phổi, chứng cớ là thở rất khó khăn, thỉnh thoảng lại thổ huyết, cơ thể vô cùng mệt mỏi. (Những năm tháng mất tích của Hồ Chí Minh, 1919-1941– Sophie Quinn-Judge, trang 177)”.

5.“Tháng chín năm 1930, Nguyễn Ái Quốc chính thức công bố mình bị lao phổi nặng. Tổng Lãnh sự Pháp Soulange Teissier, trong một bức thư viết vào năm 1932 gửi Bộ Ngoại giao cũng xác nhận Nguyễn Ái Quốc mắc chứng lao phổi mạn tính rất nặng”. (Những năm tháng mất tích của Hồ Chí Minh, 1919-1941– Sophie Quinn-Judge, trang 194)”.

6.“Trước sau trung tuần tháng sáu năm 1931, phu nhân luật sư Frank Loseby tiếp tục vào thăm Nguyễn Ái Quốc [trong tù tại Hương Cảng], nhìn thấy thân thể nhà cách mạng tiều tụy, đã nói với chồng, trước mắt đề nghị nhà đương cục đưa ông vào bệnh viện điều trị. (Chủ tịch nước Việt Nam Hồ Chí Minh– Lý Gia Trung, cựu Đại sứ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, trang 200)”.

7.“Cuối tháng mười một năm 1931, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi cho Ủy viên Liên minh thanh niên cách mạng Lâm Đức Thụ: “Hiện tại sức khỏe của tôi rất nguy kịch, hơn nữa bệnh thổ huyết lại tái phát, tình hình này, rất có khả năng chết ở trong ngục. Chỉ trách ông trời không cho tôi sống để tiếp tục thực hiện lý tưởng cách mạng”. (Truyện Hồ Chí Minh, William J. Duiker, trang 206)”.

6.“Cuối năm 1931, Nguyễn Ái Quốc được đưa tới bệnh viện điều trị dưới sự canh gác nghiêm ngặt của cảnh sát. Cuối tháng mười hai, hoàng thân Cường Để gửi một bức thư tỏ thái độ trân trọng và lo lắng về tình trạng bệnh tật của Nguyễn Ái Quốc. Ông cũng gửi kèm theo 300 đồng để Nguyễn Ái Quốc mua thuốc chữa trị, đồng thời đề nghị phải giữ gìn sức khỏe để phụng sự đất nước. (Những năm tháng mất tích của Hồ Chí Minh, 1919-1941– Sophie Quinn-Judge, trang 194)”.

9.“Đầu năm 1932, Khu mật viện Hoàng gia Anh Quốc mở phiên tòa xử vụ Tống Văn Sơ tức Nguyễn Ái Quốc. Kết thúc phiên xử, Tòa tuyên án phóng thích Nguyễn Ái Quốc. Tin vui đến Hương Cảng. Lúc ấy Tống Văn Sơ vẫn còn đang điều trị tại bệnh viện. Sau chín lần ra tòa (1/8/1931- 19/9/1931), sức khỏe Tống Văn Sơ đã quá suy nhược. (Chủ tịch nước Việt Nam Hồ Chí Minh, Lý Gia Trung, cựu Đại sứ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, trang 217)”.

10.“Năm 1932, tình báo viên Anh Quốc là Paul Draken, dùng thủy phi cơ đưa Nguyễn Ái Quốc rời Hương Cảng đã nhìn thấy “Nguyễn Ái Quốc quá mệt mỏi, ho liên tục, gần như không còn sức để nói”. (Paul Draken. “Nhật ký Paul Draken- Ghi chép về Nguyễn Ái Quốc”)”.

11.“Năm 1932, Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) mất tích tại Hương Cảng, các báo đều đưa tin sau khi Hồ Chí Minh bị cảnh sát Hương Cảng bắt đã chết trong tù vì bệnh lao phổi. Các báo này bao gồm cả của chính quyền Pháp lẫn các Đảng Cộng sản, như tờ “Lao động” của Đảng Cộng sản Anh, tờ “Nhân đạo” của Đảng Cộng sản Pháp cùng các báo chí Liên Xô. (Hồ Chí Minh ở Trung Quốc– Tưởng Vĩnh Kính, trang 74- 75)”.

12.“…, nhóm lưu học sinh Việt Nam tại học viện Stalin đã biết Nguyễn Ái Quốc chết bởi bệnh lao phổi và đã lo tổ chức tang lễ, như trước đó đã tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Trần Phú chết trong nhà tù thực dân Pháp tại Việt Nam.  (Truyện Hồ Chí Minh– William J. Duiker, trang 212)”.

13.“Năm 1933, thời kỳ Hồ đến Mạc Tư Khoa, tình trạng sức khỏe đã rất kém, lại bị lao phổi, thân thể gầy yếu, hai má hóp xám bệch, chốc chốc lại ho, đờm dính máu. Trước đây không có điều kiện chữa trị bằng các loại thuốc đặc hiệu, Hồ nghĩ ra cách điều trị riêng của mình: Sinh hoạt theo kỷ luật khắt khe, tuyệt đối tuân thủ các chế độ đã đặt ra. Mỗi sáng sau khi thức dậy, ông thường xuyên tập thể dục. Trong phòng luôn có quả tạ, dụng cụ luyện tập làm nở lồng ngực. (Hồ Chí Minh ở Trung Quốc– Tưởng Vĩnh Kính, trang 182)”.

14.“…nhiều hồ sơ ghi chép về Hồ Chí Minh vào năm 1933, khi mới đến Mạc Tư Khoa, đều khẳng định sức khỏe của ông rất tệ hại bởi bệnh lao phổi, thỉnh thoảng lại ho ra máu. Điều này, đã được giáo sư Nguyễn Khánh Toàn kể lại trong hồi ký”(Hồ Tuấn Hùng).

Tóm lại nhiều bằng chứng cho thấy là từ năm 1927 cho đến 1933 Hồ Chí Minh bị bệnh lao phổi và có nhiều lần bệnh nặng đến mức ho ra máu và Hồ Chí Minh đã nghĩ là mình sẽ chết trong tù (thư cho Lâm Đức Thụ).

Một bài báo của tác giả Huỳnh Tâm đăng trên “danlambao”, dựa trên tài liệu lưu trữ của quân đội Trung Hoa dân quốc, thì “nửa đêm ngày 28 tháng 9 năm 1942, Hồ Chí Minh bị quân đội Tưởng Giới Thạch bắt tại mật khu Túc vinh, huyện Tỉnh Tây, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam, ngày nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc”; và, dưới sự quan sát của thẩm vấn viên Đại tá Đàm Đức Văn (Tan Dewen – 谭德文), dưới quyền chỉ huy của tướng Trương Phát Khuê (張發奎– Zhang Wakui), Hồ Chí minh khai rằng: “Những điều tôi cần biết là vào đầu năm 1930 [?] trong tài liệu ở Moscow: “Nguyễn Ái Quốc” thực sự đã chết vì bệnh lao năm 1933, tuy nhiên cũng có những tài liệu khác cho rằng đương sự chết năm 1932, xác ông ấy hỏa táng, tro cốt lưu trữ (mã số 00567) tại nghĩa trang Kuntsevo Moscow Russia”.

Thiên Đức qua bài “Vụ Án Buôn Vua Việt Nam Hồ Chí Minh” đăng trên “Đối Thoại” tháng 2 năm 2009 cũng đã xác nhận Hồ Chí Minh bị bệnh lao phổi và bệnh đã tái phát nhiều lần. Lần thứ nhất (1) trong thời gian làm việc ở Thái Lan bệnh được phát hiện vào mùa hè năm 1927; Hồ Chí Minh phải đi chữa bệnh lao phổi tại một bệnh viện ở Crimea [thuộc Nga] trong một thời gian 6 tháng. Lần thứ (2) “Hồi ký của Ðặng Văn Cáp cho biết rằng Hồ lúc đó đã học được nghề thuốc Ðông y để giúp chữa bệnh cho dân địa phương. (Có lẽ ông đã tìm cách chữa chạy chứng lao phổi của mình, vì sau này ông (HCM) có kể với một đồng nghiệp người Việt tại Hồng Kông là ông đã bị bệnh hơn một năm ở Thái Lan, (Khoảng thời gian từ tháng 7/1928 – 11/1929)”. Lần thứ (3) Trong bức thư ngày 2 tháng 9 năm 1930 nằm trong văn khố của QTCS, “ông đã giải thích rằng vào ngày 13 tháng 8 năm 1930 ông đã bị một cơn lao phổi, một thứ bệnh mà ông tường thuật là đau phổi và nôn ra máu, vô cùng yếu đuối và mệt mỏi”. Và lần thứ (4) “Ðến cuối năm 1931, Hồ Chí Minh được chuyển vào bịnh viện có cảnh sát gác. Vào tháng 12 [1031] Hoàng Thân Cường Ðể gửi thư cho ông khi nghe tin ông bị bịnh nặng. Hoàng thân đã gởi 300 Yên để trả viện phí cho ông”.

Cũng theo Thiên Đức thì “Nguyễn Ái Quốc bị bịnh lao nghiêm trọng [nhưng] có thể chưa chết tại nhà lao” ở Hồng Kông vì có tin chắc chắn “sau đó Nguyễn Ái Quốc đã rời Hồng Kông trên chiếc thuyền Dân sự An Huy ngày 22/1/1933 tại cảng Hồng Kông” để đi Thượng Hải, rồi qua Vladivostok để đi Nga. Nhưng Hồ Chí Minh đã không về đến Moscow — theo lời của ông là — mãi cho đến tháng 7/1934.

Tuyệt nhiên không có thông tin gì về việc ông đã sống như thế nào trong giai đoạn từ 22/1/1933 cho đến những tháng đầu của năm 1934. Điều này có thể được cắt nghĩa là Nguyễn Ái Quốc đã chết trên đường đi đến Moscow hay khi đã đến và ở tại Moscow rồi chết trong khoảng thời gian từ cuối tháng Giêng năm 1933, khi rời Hồng Kông, đến giữa năm 1934.

Người đến Moscow vào tháng 7 năm 1934, do đó, nhất định không phải là Nguyễn Ái Quốc vì từ 1934 cho đến 1944, tuyệt đối không có một tài liệu nào đề cập đến việc Hồ Chí Minh còn bệnh lao phổi nữa.

Nhưng từ 1944 đến 1950, trong những giai đoạn Hồ Chí Minh đi công tác ở Trung quốc thì chỉ có tài liệu nói về việc ông bị bệnh sốt rét. Hoàng Văn Hoan kể: “Cuối tháng ba năm 1945, sau chuyến công tác tại địa khu Đông Khê, chúng tôi chuyển đến Xuân Sơn tổ chức mấy cuộc phát động quần chúng, chính là lúc gặp Hồ Chủ Tịch từ Bắc Pha đi xuống. Tôi đi cùng Chủ Tịch một đoạn. Trên đường Hồ Chí Minh lại lên cơ sốt rét (hoặc nhiễm ngược tật, chợt nóng chợt lạnh. Khi nóng, nhiệt độ tăng cao, toàn thân hầm hập. Khi lạnh, hàm răng run cầm cập, gọi là sốt rét). Đồng chí Phạm Việt Tử phải dùng bơm tiêm ký ninh vào tĩnh mạch, nói rằng, loại thuốc này có hiệu quả cắt cơn ngay tức khắc (“Hạt thóc trên biển cả”- Hoàng Văn Hoan, trang 180- 181, NXB Giải phóng quân, Trung Quốc, 1987). Tháng bảy năm 1945, Võ Nguyên Giáp kể: “Trên đường từ Tĩnh Khê (Trung Quốc) về Việt Nam, bệnh cũ Hồ Chí Minh tái phát, nhiều ngày liền sốt cao, hôn mê bất tỉnh. Chúng tôi tìm được một thày lang người dân tộc Đại biết cách điều chế môn thuốc hạ nhiệt cho Bác uống mỗi ngày hai ba lần, cuối cùng bệnh cũng thuyên giảm, sau đó mới tiếp tục công việc”,… và “Một y sĩ thuộc Trung tâm chiến lược Hoa Kỳ (nhóm nhảy dù) chẩn đoán, Hồ Chí Minh ngoài bệnh sốt rét còn mắc thêm chứng kiết lỵ. (Truyện Hồ Chí Minh– William J. Duiker, trang 301- 302)”. “Vào năm 1950, sau khi Trung cộng chiếm được Trung Quốc, báo chí Đại lục phần lớn đều đưa tin Hồ Chí Minh đến Trung Quốc chữa bệnh, tuyệt nhiên không nói đến việc điều trị chứng lao phổi.” (Trích Hồ Tuấn Hùng). Và như ai cũng đã biết, Hồ Chí Minh mất vào ngày 2 tháng 9 năm 1969 vì bệnh tim.

Như vậy đã rất rõ ràng là Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ 1927 đến 1933 đã bị bệnh lao phổi mãn tính, nhất là trong giai đoạn từ 1931 đến 1933 bệnh tình trở nên hết sức trầm trọng. Rồi bỗng nhiên từ 1934 cho đến 1969, Hồ Chí Minh không bao giờ còn bệnh lao phổi nữa mà chỉ bị bệnh sốt rét và kiết lỵ mà thôi và có thể ở giai đoạn cuối đời bị bệnh tim vì ông mất vào ngày 2 tháng 9 năm 1960 vì bệnh tim.

Theo sự tìm hiểu của Thiên Đức thì streptomycin, thuốc đặc trị cho bệnh lao phổi, chỉ được sáng chế vào năm 1943 và Para-Aminosalicylic Acid (PAS), vào năm 1946. Nghĩa là với bệnh lao phổi kéo dài từ 1927 đến 1933 và thời gian từ 1930 đến 1933 là thời gian bệnh lao phổi cấp tính thường làm cho Nguyễn Ái Quốc ho ra máu. Do đó, Hồ Chí Minh khó có thể lành bệnh lao phổi được vì không có thuốc trụ sinh đặc trị và hẳn đã không thoát được lưỡi hái của tử thần.

Một dữ kiện lịch sử quan trọng khác cho phép người ta tin Nguyễn Ái Quốc đã chết trong năm 1932 hay 1933 là vì theo tài liệu nghiên cứu của sử gia Hồ Tuấn Hùng thì “Năm 1935, Mạc Tư Khoa triệu tập Hội nghị lần thứ VII Quốc tế cộng sản. Thời gian này Nguyễn Ái Quốc bị bệnh đã qua đời, Nguyễn Thị Minh Khai với tư cách là vợ của Nguyễn Ái Quốc, khi đến Mạc Tư Khoa, ghi trong tờ khai là đã kết hôn với một người đồng chí có tên P.C. Lin [tức Nguyễn Ái Quốc]. Hội nghị kết thúc, Nguyễn Thị Minh Khai ở lại Liên Xô, đến phòng đăng ký giá thú làm thủ tục kết hôn với Lê Hồng Phong, là người lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Đông Dương.”

Nếu Nguyễn Ái Quốc vẫn còn sống và đang ở tại Moscow thì làm thế nào mà Nguyễn Thị Minh Khai lại có thể kết hôn với Lê Hồng Phong được. Hơn nữa, theo lý luận, Nguyễn Ái Quốc có chết rồi thì Lê Hồng Phong mới có thể là người lãnh đạo “mới” của Đảng Cộng sản Đông Dương được chứ.

Nhưng nếu người ta tin rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết vào năm 1932 hay 1933 thì Hồ Chí Minh theo học trường Quốc tế Lê Nin từ tháng 10 năm 1934 (xem Céline Mérangé ở trên) và sinh hoạt tại Nga từ 1934 đến 1938, rồi tiếp tục hoạt động cách mạng tại Trung Quốc và Việt Nam cho đến 1969 là ai?

Nếu tin chắc lập luận Nguyễn Ái Quốc đã chết vào năm 1932 hay 1933 thì Hồ Chí Minh của giai đoạn 1890 đến 1932/1933 hẳn phải là Nguyễn Sinh Cung, là Nguyễn Tất Thành, là Nguyễn Ái Quốc; còn Hồ Chí Minh của giai đoạn 1933/1934 đến 1969 bắt buộc phải là một người khác, tuyệt đối không phải là Nguyễn Ái Quốc. Như vậy là phải có hai người khác nhau trong vai Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lập luận này vẫn có thể chưa hoàn toàn thuyết phục vì kết luận về cái chết của Hồ Chí Minh vào năm 1932 hay 1933 — dù dựa trên nhiều dữ kiện lịch sử hỗ trợ lập luận — vẫn là một kết luận mang tính loại suy chứ chưa có đủ những bằng chứng cụ thể và xác thực, và cái chết của Hồ Chí Minh vào năm 1932 hay 1933 vẫn tồn tại như là một nghi vấn nếu không chứng minh được Hồ Chí Minh của những năm 1890 đến 1932/1933 và Hồ Chí Minh của những năm 1933/1934 đến 1969 thực sự là hai nhân vật khác nhau. Và đây là cơ sở luận cứ cho đề tài của bài tiếp theo: “Vấn Nạn Hồ chí Minh là Một hay Hai Người thuộc Hai Giai Đoạn Khác Nhau”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bản phóng ảnh Báo l’ Humanité ngày thứ Ba, Mồng 9, Tháng 8, năm 1932.

Báo L’Humanité (Nhân đạo) năm thứ 29, số 12292, thứ ba 09/08/1932.Trần Thị Hải Ý (Danlambao) dịch.

Bút Sử. “Tại sao có tin Hồ Chí Minh Chết nằm 1932?” 

Danlambao. “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và “tôi””: Tài liệu đảng CS xác nhận HCM và NAQ là hai người khác nhau và NAQ đã chết vào năm 1932.

Duiker, William J. Ho Chi Minh. New York: Hyperion, 2000.

Hồ Tuấn Hùng. Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo.Thái Văn dịch. 11 tháng 01, 2013.
Huỳnh Tâm. “Hu Zhiming, tên ma đầu đại bịp”. (15 kỳ)

Lacouture, Jean. Ho Chi Minh: A Political Biography. Trans. Peter Wiles. New York: Random House, 1968.

Lê Bá Vận. “Tản Mạn về Ngày 2/9 và Hồ Chí Minh”.
Lê Nguyên. “Sự nghiệp tình ái của Hồ Chí Minh”. Danlambao, ngày 26 tháng 12, 2016.

Nguyên Thạch. “Về Hồ Chí Minh”

Paul Draken. “Nhật ký Paul Draken- Ghi chép về Nguyễn Ái Quốc”. YAO Publisher, 2000?

Phạm Quang Chiểu. “KẺ CƯỚP DANH XƯNG NGUYỄN ÁI QUỐC VÀ HỒ CHÍ MINH”. Ngày 11 tháng 9, 2018.

Phạm Quang Chiểu.  Tàu Cọng công bố Hồ Chí Minh chính là Thiếu Tá Hồ Quang thuộc quân đội Nhân Dân Tàu Cọng!”

Phạm Quế Dương. “Đề Nghị Làm Sáng Tỏ Vụ Việc: Chủ Tịch Hồ Chí Minh Là Người Việt Nam hay Đài Loan”.

Tinh Vệ (Diệu Tần). “Lật Tẩy “Nhật Ký Trong Tù”” (Nguyên Tác: Huyễn Thoại hay Huyền Thoại): Hội Văn Hoá Việt phỏng vấn GS. Lê Hữu Mục.

Thiên Ðức. “Vụ Án Buôn Vua Việt Nam Hồ Chí Minh”. Đối Thoại (tháng 2 năm 2009): www.doithoaionline.com

Trần Việt Bắc. Hồ Chí Minh: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi”
danlambaovn.blogspot.com 10/2013 

Vũ Đông Hà. “Hồ Chí Minh/Hồ Tập Chương – “cha già” Việt hay Tàu?” danlambaovn.blogspot.com 08.09.2018

Vy Thanh. Hồ Chí Minh Cứu Nướchttps://app.luminpdf.com/viewer/Mx9sXAw6dzn6bfekb

 

 

 

 

 

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.