(Trích Biến Động Miền Trung của Tác giả Liên Thành. Trang 355-365)                    

Thích Thiện Lạc và ngôi Chùa An Lăng.

Hoàng Kim Loan khai: Chùa An Lăng là trạm giao liên quan trọng của cơ quan Thành Ủy Huế, và Thích Thiện Lạc trụ trì chùa này, là một trong những cơ sở nòng cốt của Hoàng Kim Loan. Thiện Lạc có 12 năm tuổi đảng, do chính hắn kết nạp Thiện Lạc vào đảng Cộng sản từ năm 1960. Dân chúng và tín đồ trong vùng An Lăng thường quen miệng gọi ông ta là Thầy Ngoạn.

Ngôi chùa An Lăng này nằm về phía tây Nam Thành phố Huế, chỉ cách thành phố khoảng hai cây số, đối diện với trụ sở xã Thủy Phước, cách làng Phủ Cam khoảng một cây số và nằm gần lăng Vua Dục Đức và Vua Thành Thái tại làng An Lăng.

An Lăng là một xóm nhỏ cạnh núi Ngự Bình, nằm trên trục xâm nhập của cán bộ thành từ vùng Tứ Tây, Ngũ Tây về Thành phố Huế.

Lời khai của Hoàng Kim Loan về ngôi chùa và ông thầy Ngoạn, đã phù hợp với tin tức và hành động của chúng tôi vào gần cuối tháng 12/1970.

Vào ngày 17/12/1970, nguồn tin tình báo viên xâm nhập gởi về cho hay Thiếu Tá Việt cộng Nguyễn Đối, bí danh Thanh Bình, thuộc ban An Ninh Thành ủy Huế và một toán đặc công thành, sẽ về ém quân trong ngôi chùa này vào khuya ngày 23/12/1970, để tối hôm sau, vào đêm Noel 24/12/1970, lợi dụng hàng ngàn người đi xem đèn, xem máng cỏ Chúa Hài Đồng tại xóm đạo Phủ Cam, bọn chúng sẽ trà trộn vào đám đông và  bất thần tung cuộc đột kích vào trụ sở xã Thủy Phước để tạo tiếng vang.

Tôi họp ban tham mưu soạn thảo kế hoạch hành quân phục kích ngay tại ngôi chùa An Lăng. Ưu tiên một là bắt sống tên Thiếu Tá Việt cộng An Ninh Thành ủy Huế Nguyễn Đối, nếu tình huống không thuận tiện thì tiêu diệt toàn bộ bọn chúng.

Cuộc phục kích này sẽ do tôi chỉ huy, với 9 nhân viên CSĐB. Họ là những quân nhân  có kinh nghiệm hành quân tác chiến, là những đồng đội của tôi, đã theo tôi từ Nam Hòa biệt phái về CSQG từ 1966.

Tôi đích thân chỉ huy cuộc phục kích này vì 3 lý do:

1- Đây là cuộc phục kích ngay trong chùa, mà hậu quả có thể đụng chạm lớn đến tôn giáo, và nhất là niềm tin của Phật giáo đồ, hậu quả  thật khó lường.

2- Tôi là Sĩ quan quân đội, đã từng là Đại đội trưởng tác chiến, ít nhiều thì tôi vẫn có kinh nghiệm về hành quân, phục kích, chạm địch, hơn anh em Sĩ quan Cảnh sát Quốc gia.

3- Đây là một trách nhiệm nặng nề, và có thể đụng chạm đến Phật giáo. Tôi là cấp chỉ huy, phải nhận lãnh mọi hậu quả về hành động này, tôi không muốn anh em thuộc cấp dính vào.

Đại Úy Ân trưởng Phòng CSĐB, phái một nữ nhân viên thuộc Biệt Đội Thiên Nga và một nam nhân viên CSĐB, đóng vai cặp tình nhân viếng cảnh chùa, họ có nhiệm vụ quan sát  tỉ mỉ và ghi nhớ về vẽ lại sơ đồ ngôi chùa từng chi tiết một, từ ngôi chánh điện, khu nhà trai, ngõ trước, cửa sau, tóm lại không bỏ sót một điểm nhỏ nào.

Tôi cũng họp với Cố vấn CSĐB, và viên Thiếu Tá Cố Vấn chương trình Phụng Hoàng Sam Endy, báo cho họ biết kế hoạch của tôi và yêu cầu họ nếu có thể được, cung cấp cho tôi một số không ảnh vùng chùa An Lăng, để tiện nghiên cứu, hướng và đường đột nhập vào chùa của tên Thiếu Tá Đối và đám đặc công của hắn, hầu tôi có thể đặt toán phục kích đúng hướng bọn chúng đi vào.

Bốn ngày sau, 21/12/1970, tôi đã có tấm họa đồ với đầy đủ chi tiết do Đại Úy Ân cung cấp và 6 tấm không ảnh do cố vấn phòng CSĐB cung cấp. Như vậy đã quá đủ đồ nghề, dư sức chơi với đám giặc cỏ.

Sau khi nghiên cứu, tôi quyết định sẽ bố trí toán phục kích nằm về hướng Bắc của sân chùa, vì hướng Nam sân chùa là con đường mòn, nối liền từ cồn mả phía ngoài vào chùa, bọn Việt cộng sẽ dùng con đường này để đi vào, và như vậy, khi toán phục kích của chúng tôi nổ súng, thì đạn đạo sẽ đi từ hướng Bắc xuyên ngang sân chùa về hướng Nam không đụng vào chùa.

Đêm 23/12/1970, 19 giờ 10 lực lượng của chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi có 3 tổ, mỗi tổ 3 nhân viên, theo kế hoạch bố trí hàng ngang, nằm về phía Bắc sân chùa. Tôi ở tổ 1, nằm ở vị trí đầu của toán phục kích. Tất cả được trang bị M16, và không mang theo lựu đạn, vì địa thế hẹp không thể xử dụng, và có thể gây hư hại nặng cho chùa.

Lực lượng trừ bị có hai trung đội CSDC, và 20 CSĐB do Đại Úy Tý, và Đại Úy Ân chỉ huy, trực tại BCH sẵn sàng tiếp ứng khi tôi yêu cầu.

Khoảng gần 20 giờ 15 ngày 23/12/1970,  chúng tôi xuất phát từ BCH.

Huế vào những ngày gần lễ Giáng Sinh trời thật lạnh, ai đã từng ở Huế mới thấm được cái lạnh của Huế, lạnh cắt da, lạnh luồn vào thân thể, mặc bao nhiêu áo cũng không đủ ấm. Đêm nay quá lạnh, lại có từng cơn mưa nhẹ, vì đi phục kích nên chúng tôi không một ai mặc áo mưa.

An Lăng là một xóm nghèo hầu như mọi nhà đều không có đèn điện, chỉ ánh đèn dầu le lói bên trong. Chúng tôi đổ quân cách ngôi chùa khoảng gần một cây số, len lỏi vào bóng đêm vắng lặng, chúng tôi tiến dần đến mục tiêu, thời gian di chuyển chỉ khoảng gần hai mươi phút. Nhìn đồng hồ dạ quang, bây giờ là 21 giờ 20, chúng tôi đã ở sát hông chùa. Ngôi chùa nằm im lìm trong bóng đêm, chỉ có hai ánh đèn nhỏ bên trong khu nhà hậu trai. Từng tổ một, chúng tôi âm thầm tiến vào vị trí phục kích. Tôi khom người nhẹ nhàng đến từng tổ kiểm soát và nhắc lại một lần chót, rất nhỏ:

– Tôi sẽ khai hỏa trước, địa thế quá chật, cẩn thận kẻo bắn lầm nhau. Không được ho, không được hút thuốc.

Tôi trở về tổ 1, tổ chúng tôi có bốn người, dưới cơn mưa, lạnh, ngồi sát vào nhau cho ấm và chờ đợi…

Mưa vẫn tiếp tục, thật lạnh, và bóng đêm dày đặc, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe tiếng chó sủa từ thôn xóm xa vọng lại. Im lặng và chờ đợi…

21 giờ 50 phút có tiếng động ở phía nhà hậu trai, cánh cửa bật mở, một người từ trong nhà hậu trai bước ra, tay cầm cây đèn dầu trên tay, ánh đèn dầu soi rõ mặt người đó, tôi giật mình: Ông Thầy Ngoạn! Thầy Thích Thiện Lạc. Ông ta cầm cây đèn dầu đi một vòng chung quanh chùa rồi trở vào bên trong nhà hậu trai kép cửa lại.

22 giờ 30 phút, cánh cửa nhà hậu trai lại mở, lần này thầy cầm cây đèn đưa cao lên và đi ra sân chùa, tiến về phía Bắc sân chùa, chỉ cách chúng tôi một thân cây cổ thụ to lớn. Chúng tôi đang bố trí phía sau thân cây, sát bụi hoa bông cẩn, ông ta dừng lại để cây đèn xuống đất, vén áo cà sa, thoải mái tè vào gốc cây cổ thụ Mộc lan, tè xong ông lại cầm đèn trở lại nhà hậu trai khép cửa. Chúng tôi ngồi cứng người, nín thở, chỉ sợ ông ta phát giác, nhưng may ông ta không thấy chúng tôi.

23 giờ 10 phút, lần thứ 3, thầy Ngoạn lại mở cửa cầm đèn đi hai vòng quanh chùa, lại trở vào nhà hậu trai. Có lẽ đây là lần cảnh giới thứ ba của ông ta, và hai lần cầm đèn đi chung quanh chùa là dấu hiệu báo cho Việt cộng biết tình hình an toàn, bọn chúng có thể vào chùa.

Chúng tôi vẫn ngồi co mình chờ đợi. Tiếng chó bắt đầu sủa dồn cuối xóm An Lăng, từ hướng Nam, tôi nói nhỏ cho Trung Sĩ Ánh sát tôi, chuyền cho các tổ sau chuẩn bị, có thể bọn Việt cộng sắp xuất hiện.

Khoảng mười phút sau, ba bóng người xuất hiện, ba tên Việt cộng tổ tiền sát. Bọn chúng mặc quần đùi, tay cầm súng tiểu liên AK di chuyển chậm và nhẹ nhàng không nghe tiếng động. Ba tên túa ra ba góc cuối sân chùa quan sát. Khoảng ba phút sau một tên đi lộn lại về lối đường mòn và biến mất trong bóng đêm.

Với kinh nghiệm trong đời lính tác chiến, chúng tôi hiểu tên đi ngược trở về là để báo cho toán sau biết tình hình, và hướng dẫn, hộ tống nhóm chính vào chùa.

Quả đúng như chúng tôi tiên liệu, khoảng 10 phút sau, 7 tên Việt cộng xuất hiện ngay cuối sân chùa. Rất nhanh, tôi nhẹ nhàng làm thủ lệnh cho Trung Sĩ  Ánh và tôi tác xạ vào mục tiêu 7 tên Việt cộng, 2 anh em kia trong toán tác xạ vào 2 tên đang đứng gác cuối sân chùa. Nhẹ nhàng mở khóa an toàn, một, hai, ba… Bốn loạt đạn M16 nổ chát chúa vào đám Việt  cộng, hai tổ sau cũng rất nhanh đồng loạt khai hoả.

Tiếng đạn nổ lớn trong sân chùa, 3 trong 7 tên rớt ngay tại chỗ nằm yên không dậy. Vừa bóp xong băng đầu tiên, chúng tôi đồng loạt lăn người sang chỗ khác, bọn chúng bắn trả hàng loạt AK về phía chúng tôi, chúng tôi bắn  thêm loạt đạn thứ hai, bọn chúng tung lựu đạn về phía chúng tôi, tôi la to:

– Lựu đạn.

Bốn tiếng nổ thật lớn, sau 4 tiếng nổ, những tên còn lại ù té chạy vào bóng đêm. Tôi không cho lệnh truy kích vì sợ anh em gặp nguy hiểm,  và cũng cần phải kiểm soát ngay xem anh em chúng tôi có ai bị thương, hoặc tử thương không, cũng may chỉ có 2 người ở tổ thứ 3 bị thương ở chân và bắp vế. vì bị mảnh lựu đạn, máu ra hơi nhiều. Chúng tôi cấp thời dùng băng cá nhân băng bó cho cả hai.

Hệ thống truyền tin FM1 bắt đầu đầu hoạt động:

– Tango… Tango, ông có sao không? Chúng tôi nghe rõ tiếng súng và 4  tiếng nổ lớn ở hướng ông.  Đó là giọng nói của Ân, rồi đến Tý, Trinh, và phó Vinh.

Tôi trả lời họ:

– Chúng tôi đang chạm địch ngay trong sân chùa An Lăng, khoảng một tiểu đội Việt cộng. Hai anh em bị thương nhẹ. Hạ được ba tên. Cho xe cứu thương và Bác Sĩ Hồ Đại Đội Phó đến ngay để lo cho hai anh em bị thương. — Tý nói:

– Nhận rõ. Tôi đưa 2 trung đội đến tiếp viện cho thẩm quyền ngay.

Trong khi chờ đợi, Trung Sĩ Ánh và Trung Sĩ Trọc thay phiên nhau giựt một số hoả châu cầm tay lên trời, ánh sáng hoả châu nhỏ soi sáng đủ cho chúng tôi nhận rõ 3 xác Việt cộng nằm ngay sân chùa.

Để lại một tổ giữ an ninh phía ngoài, tôi cho hai tổ kia vào chùa lục soát, Không có gì trong chùa, tôi cho lệnh bắt Thích Thiện Lạc tức thầy Ngoạn còng tay dẫn ra sân.

Hai trung đội CSDC, Tý, Ân, Vinh, Hồ, Trinh và Đại Úy Trịnh Quang Hà, Quân Trấn Phó, chỉ huy  2 chiếc Commando car của Quân Trấn Huế cũng đã vừa đến tiếp viện cho tôi.

Hà là em ruột của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hai chúng tôi là bạn học thân tình từ thuở nhỏ, và tôi cũng là sư huynh của hắn trong Judo Club Huế, hắn đai nâu, tôi đai đen. Ra đời hai thằng cùng ở lính, hắn về Quân Trấn, tôi biệt phái Cảnh Sát, cả hai cùng một nhiệm vụ giữ gìn an ninh Thành phố Huế. Ban đêm đang đi tuần tiễu vòng đai thành phố, nghe tôi đụng giặc, hắn đi cứu, gặp tôi hắn hỏi:

– Liên Thành, có hề hấn gì không?

– Việt cộng nghe xe tăng của ông đến, chạy hết rồi, có gì thì đã nằm ngay đơ rồi, đâu còn nói chuyện được với ông. Cả hai đứa cùng cười. Bây giờ thì hắn định cư tại Sacramento.

Tý rải 2 trung đội CSDC bố trí quanh chùa, hai Commando car của Đại Úy Hà đậu ngay cổng. Mọi người đều đổ dồn đến 3 xác Việt cộng nằm giữa sân chùa. Tôi nói Đại Úy Vinh, Chỉ huy phó:

– Vinh, anh liên lạc với cuộc Cảnh sát xã Thủy An và ông xã trưởng đến ngay để lập biên bản, sau đó anh giao cho xã chôn cất họ cho đàng hoàng, dù sao thì họ cũng đã chết rồi. [Tôi còn nhớ ông xã Trưởng Thủy An là Nguyễn Mạnh, sau vụ này khoảng 8 tháng sau, ông ta bị Việt cộng ám sát chết ngay tại cổng nhà của ông ta. Thật tội nghiệp]

Trời sáng dần, cơn mưa nhẹ vẫn chưa dứt và gió thật lạnh, tôi không đạo đức giả, nhưng nhìn ba xác chết trong lòng chợt  buồn – Nhưng chợt nghĩ, trước đây vài giờ, nếu mình trúng đạn của họ thì giờ đây mình cũng đã nằm bất động đi vào cõi thiên thu như ba người này. Thôi thì…  coi như một lời an ủi cho chính mình, may ra có vơi nhẹ đi nỗi buồn và một thoáng hối hận chợt đến, khi nhìn ba hình hài nằm dài giữa những vũng máu. Trong cảnh máu nhuộm sân chùa vào buổi sáng tinh mơ của những ngày mùa đông xứ Huế, cơn gió lạnh thoảng qua, có chút mùi tanh của máu người, tôi nói nhỏ một mình trong nỗi buồn… “cuộc chiến này quả thật tàn bạo”.

Dân chúng làng An Lăng và Phủ Cam kéo đến xem mỗi lúc mỗi đông, trời đã sáng hẳn. Bất chợt tôi nghe Đại Úy Ân hỏi Thích Thiện Lạc:

– Ông biết ba người này không?

– Tôi biết người nằm giữa là ông Đối, Nguyễn Đối.

– Còn hai người kia?

– Tôi không rõ.

Ân kề tai tôi nói nhỏ:

– Thiếu Tá Nguyễn Đối bí danh Thanh Bình — Tôi gật đầu.

Chúng tôi rời khỏi chùa vào hồi 7 giờ sáng. Ngày hôm sau không có cuộc biểu tình nào xảy ra để “đả đảo Đại Úy Liên Thành đàn áp Phật giáo, vô cớ bắt bớ tăng ni”.

Nhưng tôi lại gặp một cuộc biểu tình phản đối, mà muôn đời không bao giờ dẹp được, đó là Mẹ tôi. Bà là một người mộ đạo, là đệ tử của Thầy Ngoạn, ngày rằm bà đi chùa của Thầy, anh chị em tôi bà đều đem quy y vào chùa Thầy Ngoạn và ông là người đứng làm lễ quy y cho chúng tôi, anh chị em tôi và ngay cả tôi, đều có Pháp danh do Thầy Ngoạn đặt cho, mẹ tôi nghe tôi bắt thầy Ngoạn bà hốt hoảng nhắn với anh tôi:

– “Nói hắn thả Thầy ra, đời thưở nhà ai hắn lại đi bắt Thầy đã làm lễ quy y và đặt Pháp danh cho hắn, thằng con bất hiếu”.

Mẹ tôi cũng như hằng trăm ngàn Phật Tử ở Huế, họ đối với quý Thầy một lòng tôn kính, điều Thầy nói, việc Thầy làm tất cả đều đúng, tuyệt đối phải nghe lời Thầy dạy. Tôi bắt những tên Việt cộng đội lốt thầy tu, hoạt động cho Việt cộng, Thầy Ngoạn hoạt động cho Việt cộng, chứ đâu bắt Thầy Ngoạn đạo đức tu hành như Mẹ tôi và hằng trăm ngàn Phật Tử ở Huế vẫn lầm tưởng.

Đối với Mẹ, tôi là thằng con bất hiếu, đối với hằng trăm ngàn Phật Tử ở Huế tôi là thằng phản đạo, ”nỗi oan này biết ngỏ cùng ai, thôi đành… kiếp làm thân chịu”.

Từ Huế, nơi xa xôi vạn dặm, nơi ngàn trùng xa cách, ở đây tôi nghe được tiếng vọng những lời hối hận:

– “Tội nghiệp ông Liên Thành, ngày trước mình chửi ông ta là tên phản đạo, bây giờ mới thấy có trật ai đâu, bọn chúng đã lộ mặt là Cộng sản nằm vùng trong Phật giáo. Thật không ngờ”.

Vâng, thật không ngờ, mà quả tình quý Thầy và đồng bào Phật Tử chân chính làm sao ngờ được. Bọn chúng là loại quỷ dữ tu luyện ngàn năm, đã hoá thành tinh, biến thành kiếp người. Chỉ có những thầy Pháp cao tay, họa may mới có thể khám phá và trừ khử được bọn chúng. Nhưng vận nước và Pháp nạn đã đến, có hối hận cũng bằng không.

Trở lại trường hợp của Thầy Ngoạn. Một tuần sau, hồ sơ thiết lập xong, và chuyển sang  Hội Đồng An Ninh Tỉnh, Đại Tá Lê Văn Thân, Tỉnh Trưởng né tránh, vì sợ đụng chạm đến Phật giáo, ông đi thanh tra quận, tôi chức vụ Tổng Thư Ký hội Đồng An Ninh Tỉnh, Đại Tá  Tỉnh Trưởng chỉ thị tôi thay ông, ngồi nghế Chủ tịch Hội Đồng An Ninh Tỉnh, Trưởng Ty Nội An Tỉnh, Trưởng Ty An Ninh Quân đội, Trưởng Phòng Hai Tiểu Khu, Trưởng Ty Chiêu Hồi, họ là hội viên.

Trưởng Ty Nội An và Chiêu Hồi đề nghị:

”Sáu tháng tù ở cho Thầy Ngoạn và không tái xét.”

Ty An ninh Quân đội và Phòng II Tiểu Khu:

”Một năm tù ở không tái xét.”

Tôi là người quyết định cuối cùng:

”Hai năm, không tái xét, đưa đi Côn Sơn.”

Ông Trưởng Ty Nội An một công chức lớn tuổi phản đối:

– Quá nặng, “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, hai năm quá nặng xin hội đồng xét lại.

Tôi lý luận với ông Trưởng Ty Nội An:

– Thưa ông Trưởng Ty, tôi biết ông là một Phật Tử, thờ Phật, kính Thầy, và tôi cũng là một Phật Tử, nhưng trường hợp ông thầy Ngoạn này xin ông hiểu cho, ông ta không phải là kẻ tu hành, mà là cơ sở của ban An Ninh Thành Ủy Việt cộng. Ông ta và đám đặc công Thành do Thiếu Tá Việt cộng Thanh Bình chỉ huy, định dùng chùa An Lăng của ông ta làm nơi xuất phát tấn công trụ sở xã Thủy Phước vào đêm Giáng Sinh. Nếu lực Lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế không phát giác kịp thời, ngăn chặn và phá vỡ âm mưu của bọn chúng, có lẽ một số cán bộ xã Thủy Phước và đồng bào đi dự lễ Giáng Sinh đã bị bọn chúng sát hại. Vì thế hai năm là quá nhẹ.

Thiếu Tá Truật, Trưởng Ty An Ninh Quân đội, và Đại Úy đại diện phòng II Tiểu Khu, nghe tôi lý luận với ông Trưởng Ty Nội An xong cũng đồng ý 2 năm.

Mọi người đều ký vào biên bản.

Ba tuần sau, chúng tôi nhận được báo cáo từ tình báo viên xâm nhập gởi về xác nhận:

‘Thiếu Tá Nguyễn Đối tự Thanh Bình thuộc Ban An Ninh Thành Ủy Huế và 2 đặc công đã tử trận vì bị phục kích tại chùa An Lăng’.

Lần này Lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế đã kịp thời ngăn chặn cuộc đột kích của Việt cộng vào Xã Thủy Phước trong làng Phủ Cam vào ngày lễ Giáng Sinh 24/12/1970.

 


0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.