ĐẠI ĐỨC THÍCH CHƠN THỂ TỰ THIÊU CÚNG NHƯỜNG “ĐẠO PHÁP LÂM NGUY” LỄ PHẬT ĐẢNG THÁNG 4/1971.

LIÊN THÀNH

Hằng năm ngày rằm tháng tư, ngày Đức Phật Đản Sinh, là lễ hội lớn không những đối với Phật giáo đồ mà hầu như đối với đại đa số dân chúng Huế, cho dù họ là người ngoại đạo. Năm nào cũng vậy, trước một ngày lễ Phật Đản Sinh, trong vùng Nam Giao, từ chùa Từ Đàm, Bảo Quốc, chùa Linh Quang, chùa Sư Nữ, chùa Tường Vân, xa hơn nữa là chùa Tây Thiên, chùa Trúc Lâm, chùa Từ Hiếu, Thuyền Tôn, hoa đèn và cờ tôn giáo được treo khắp từ chùa lớn đến chùa nhỏ, dọc hai bên vệ đường Bến Ngự đến Từ Đàm, từ chùa Bảo Quốc đến tận đàn Nam Giao. Hằng trăm túp lều nhỏ được dựng lên dọc vệ đường trong vùng, để bán cơm chay.
Từ tám giờ sáng ngày đại lễ, từng đoàn gia đình Phật Tử, các Khuôn Hội Phật Giáo của mười ba quận thuộc Thừa Thiên-Huế, hàng ngũ chỉnh tề lần lượt kéo về chùa Từ Đàm dự lễ. Thiện nam tín nữ ước lượng khoảng trên ba chục ngàn người. Họ đứng từ trong sân chùa ra ngoài khuôn viên chùa, đến tận dọc đường Lam Sơn tràn qua khu vực lăng cụ Phan Bội Châu, chùa Linh Quang, một rừng người và cờ.Hằng năm ngày rằm tháng tư, ngày Đức Phật Đản Sinh, là lễ hội lớn không những đối với Phật giáo đồ mà hầu như đối với đại đa số dân chúng Huế, cho dù họ là người ngoại đạo. Năm nào cũng vậy, trước một ngày lễ Phật Đản Sinh, trong vùng Nam Giao, từ chùa Từ Đàm, Bảo Quốc, chùa Linh Quang, chùa Sư Nữ, chùa Tường Vân, xa hơn nữa là chùa Tây Thiên, chùa Trúc Lâm, chùa Từ Hiếu, Thuyền Tôn, hoa đèn và cờ tôn giáo được treo khắp từ chùa lớn đến chùa nhỏ, dọc hai bên vệ đường Bến Ngự đến Từ Đàm, từ chùa Bảo Quốc đến tận đàn Nam Giao. Hằng trăm túp lều nhỏ được dựng lên dọc vệ đường trong vùng, để bán cơm chay cho khách hành hương, quang cảnh thật náo nhiệt.

Buổi lễ chính chỉ chấm dứt sau 12 giờ trưa, và sau đó mọi người túa ra khắp  khu vực Từ Đàm, Nam Giao, thăm viếng các chùa lớn nhỏ trong vùng. Các túp lều bán cơm chay đầy khách thập phương, tiếng cười nói lao xao tạo thành quang cảnh thật thanh bình trong ngày lễ hội.

Năm nay, rằm tháng tư 1971, quang cảnh ngày đại lễ cũng vậy, nhưng Phật giáo đồ dự lễ có phần đông hơn, khách hành hương trong ngày lễ hội cũng đông hơn mọi năm. Thật khó mà tưởng tượng nổi trong hoàn cảnh đất nước đang tình trạng chiến tranh, mà có được một ngày lễ hội tôn giáo  tưng bừng và náo nhiệt như vậy.

Thế nhưng, trong niềm hân hoan của Phật giáo đồ miền Vạn Hạnh, của đại đa số quần chúng Huế trong ngày Phật Đản Sinh, thì cơ quan Thành ủy Việt cộng cùng đám cơ sở Việt cộng nằm vùng trong Phật Giáo và tổ chức “Học Sinh, Sinh viên Giải Phóng Thành phố Huế”, đang mưu toan biến ngày đại lễ Phật Đản thành ngày phát động dấy loạn tại Thành phố Huế, bằng một cuộc tự thiêu, tại vườn hoa trước sân trường nữ trung học Đồng Khánh, trên đường Lê Lợi thuộc Quận III, Thành phố Huế. Kẻ tự thiêu là Đại Đức Thích Chơn Thể, tu tại chùa Quan Thánh tức chùa Ông, nằm sau lưng chùa Diệu Đế. (Chùa Diệu Đế nằm ngay trên đường Bạch Đằng thuộc Quận II Thành phố Huế.)

Bốn ngày trước ngày Đại lễ, BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế chúng tôi đã nhận được đầy đủ và rất chi tiết kế hoạch hành động và mục đích của cuộc tự thiêu, do một tình báo viên nằm vùng trong tổ chức Học Sinh, Sinh Viên  Giải Phóng Thành phố Huế gởi cho chúng tôi.

Chiêu bài của bọn Thành ủy Việt cộng lần này đưa ra là: ”Tự thiêu cúng dường đạo pháp lâm nguy” và lần này bọn chúng chủ trương: ”Dùng Phật Giáo làm ngọn cờ, dùng CSQG Thừa Thiên-Huế châm ngòi nổ” để phát động phong trào quần chúng đấu tranh.

Theo kế hoạch, bọn chúng sẽ lợi dụng quần chúng đông đảo khi tan buổi lễ chính tại chùa Từ Đàm, kéo về thành phố, dọc đường Lê Lợi, ước tính số lượng khoảng trên mười ngàn người, là thời điểm tốt nhất đưa Thích Chơn Thể ra tự thiêu tại vuờn hoa trước mặt trường Đồng Khánh.

Bọn chúng cũng dự trù lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế, sẽ can thiệp và mạnh tay đàn áp, như vậy là bọn chúng có lý do, có bằng chứng, chính quyền đàn áp Phật giáo trong ngày đại lễ Phật Đản và là danh chánh ngôn thuận để phát động phong trào tranh đấu phản đối chính quyền đàn áp Phật giáo.

Những kẻ chủ mưu trong vụ này là cơ quan Thành ủy Việt cộng Huế, Thành ủy viên  Hoàng Kim Loan, Nguyễn Đình Bảy, tự Bảy Lanh, Trưởng ban An Ninh Thành ủy Việt cộng và Thích Thiện Siêu.

Những kẻ thi hành kế hoạch là:

Nữ Bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế, chúng tôi đặt tên riêng cho mụ này là ”Nữ Ma Đầu Mai Siêu Phong” (nhân vật nữ trong truyện Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung).

Y thị người Quảng Nam, đảng viên cộng sản, hoạt động tại một trong tám Chi bộ đảng Cộng sản nội thành Huế. Cơ sở nòng cốt của tổ chức Việt cộng “Học sinh, Sinh viên Giải Phóng Thành phố Huế”. Y thị tốt nghiệp Bác sĩ y khoa Đại Học Huế. (Khi Việt cộng chiếm Huế ngày 28/2/1975, y thị được cơ quan Thành ủy bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Bệnh Viện Trung Ương Huế, sau đó là chủ tịch hội Phụ Nữ Thừa Thiên- Huế).

Có nhiều sinh viên thuộc tổ chức Việt cộng, Học sinh, Sinh viên giải phóng Thành phố Huế tham dự vụ thiêu  người này.

Kẻ được đưa ra làm vật hy sinh cho cho âm mưu khuấy động phong trào quần chúng và Phật Giáo đồ dấy loạn hôm đó là Đại Đức Thích Chơn Thể.

Thích Chơn Thể, tên thật là Nguyễn Văn Tè, hai mươi ba tuổi, tu tại chùa Quan Thánh tức chùa Ông, hắn quê quán ở thôn Lợi Nông, thuộc quận Hương Thủy, Tỉnh Thừa Thiên.

Thôn Lợi Nông có thể nói là một thôm xóm nghèo nhất nước VNCH, nằm bên bờ sông Lợi Nông, đoạn cuối của giòng sông đào An Cựu. Con đường hắn đi tu chỉ là nương nhờ cửa Phật kiếm cơm ngày hai bữa.

Thích Chơn Thể hay Nguyễn Văn Tè là đảng viên cộng sản, được Thành ủy viên Trung Tá cộng sản Hoàng Kim Loan kết nạp hắn vào đảng. Hắn có một năm tuổi đảng, hoạt động trong Chi Bộ đảng cộng sản của Quận Nhì Thành phố Huế.

Kế hoạch của bọn cơ sở nội thành Việt cộng lần này là dấu kín hành tung của Thích Chơn Thể, trong một chiếc đò (thuyền), đậu bên kia bến đò Thừa Phủ. Vào đúng giờ hẹn, chiếc đò sẽ chèo sang bờ sông bên này, sát công viên trường Đồng Khánh, đám sinh viên cơ sở nội thành cùng đi theo, đưa y lên bờ và đổ xăng thiêu  y.

Nhân vật chủ chốt trong vụ thi hành kế hoạch này là nữ Bác sĩ Phạm thị Xuân Quế, y thị có nhiệm vụ là trước giờ hành động, phải chích cho Thích Chơn Thể một liều thuốc nào đó cực mạnh, để Thích Chơn Thể ở trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh, nửa trần thế, nửa âm ty địa ngục, bởi nếu không, khi bị đốt, quá nóng Thích Chơn Thể vùng chạy thì thật là mất mặt bầu cua cá cọp ‘bác hồ’.

Bản tin của tình báo viên nội tuyến gởi cho chúng tôi khá đầy đủ, tôi họp Ban Tham Mưu soạn thảo kế hoạch đối phó với đám giặc cỏ Thành ủy Việt cộng Huế.

Tôi may mắn có được hơn ba mươi Đại Úy Cảnh Sát xuất thân từ Học Viện, phục vụ tại BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế. Họ là những sĩ quan ưu tú, học vấn cao ở cấp đại học, trình độ chuyên môn được Học Viện đào tạo vững chắc, đặc biệt rất trẻ, thông minh, mọi vấn đề đều có suy luận, nhận xét rất sắc bén và chính xác, và nhất là với tấm lòng trong sáng, hăng say trong nhiệm vụ thi hành luật pháp quốc gia, bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào. Họ là những thành phần chính trong ban tham mưu của tôi. Trong phiên họp, mọi sĩ quan trong ban tham mưu đều có cùng một nhận xét:

– Nếu chúng tôi, lực lượng CSQG Thừa Thiên – Huế can thiệp vào vụ tự thiêu của Thích Chơn Thể vào ngày mai, ngày Phật Đản, tức chúng tôi đã trúng kế của bọn Việt cộng, dùng chúng tôi châm ngòi nổ cho cuộc dấy loạn của bọn chúng. Vì thế chúng tôi quyết định không can thiệp vụ này, ngoại trừ: Bọn chúng biến cuộc tự thiêu thành cuộc biểu tình bạo động, lực lượng CSQG Thừa Thiên- Huế phải can thiệp và dập tắt ngay.

Để đối phó với trường hợp này, tôi phối trí lực lượng và kế hoạch như sau:

– 300 CSĐB và Biệt Đội Thiên Nga, dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Trương Công Ân, Trưởng phòng CSĐB, được bố trí trà trộn vào buổi lễ chính tại Chùa Từ Đàm và sau đó theo đoàn người ra về sau buổi lễ, tăng cường an ninh tại công viên Đồng Khánh.

– 100 CSĐB canh chừng tại vườn hoa trường Đồng Khánh, trước và sau cuộc tự thiêu của Thích Chơn Thể.

– Lực lượng trên 400 CSĐB này, chỉ hành động khi có lệnh của tôi, bắt giữ ngay những thành phần chủ chốt gây bạo động.

– Đại Úy Phạm Bá Nhạc, Chỉ huy trưởng BCH/CSQG quận Hương Thủy, được tăng cường 100 Cảnh Sát sắc phục, đích thân chỉ huy điều hành lưu thông trật tự tại khu vực hành lễ, chùa Từ Đàm.

– Đơn vị Tuần Cảnh hỗn hợp, do Đại Úy Đoàn Đích chỉ huy, với 12 xe tuần tiễu, phối hợp với Trung Úy Phạm Cần, Chỉ huy trưởng Quận III, thiết lập các nút chận và điều hòa lưu thông tại: cầu Ga, cầu Nam Giao, cầu Bến Ngự, cầu Phủ Cam, dọc đường Lê Lợi, sẵn sàng khóa chặt các nút chận này, khi có lệnh không cho đồng bào vượt qua để vào khu vực Thích Chơn Thể tự thiêu.

– Đại Úy Lê Văn Phi, Chỉ Huy Truởng Quận Hương Trà, sẵn sàng 100 nhân viên Cảnh Sát sắc phục và đích thân chỉ huy tăng cường cho Quận III khi có lệnh..

– Trung uý Văn Hữu Tuất, Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Hình Cảnh và toàn nhân viên của Biệt đội, được tăng cuờng cho Đại Úy Ngô Trọng Thành, Chỉ huy trưởng Quận Nhì, tuần tiễu, kiểm soát chặt chẽ, đề phòng bọn lưu manh lợi dụng khi có bạo động tại Quận III, sẽ thừa cơ cướp phá các tiệm buôn trong thành phố.

– Đại Úy Lê Khắc Vấn, Chỉ huy Trưởng Quận I, sẵn sàng 100 nhân viên tăng cường cho Quận II khi có lệnh.

– Đại Úy Trần Văn Tý, Đại Đội trưởng Đại đội 102 CSDC, cho lệnh rút tất cả các trung đội đang tăng cường cho các quận nông thôn về BCH/Đại đội trước 12 giờ khuya nay, cấm trại 100%, trang bị dụng cụ chống biểu tình và đợi lệnh điều động.

Vì địa điểm tự thiêu nằm giữa khoảng cách quá gần Tòa Hành Chánh Tỉnh và tư dinh Đại Tá Tỉnh Trưởng, để đề phòng khi có bạo loạn bọn chúng sẽ tràn vào, mỗi nơi sẽ được phối trí 1 trung đội CSDC và 50 Cảnh Sát sắc phục, giữ kỹ hai địa điểm này.

Phân chia trách nhiệm chỉ huy:

– Đại Úy Trương văn Vinh, Chỉ huy phó, cùng với các Chỉ huy trưởng Quận I, 2, 3, và Chỉ huy trưởng Quận Hương Thủy, trách nhiệm điều Hòa lưu thông và trật tự tại khu vực chùa Từ Đàm và 3 Quận trong thành phố.

– Đại Úy Trương Công Ân Trưởng Phòng Cảnh Sát Đặc Biệt, theo sát tình hình, báo cáo cấp thời mọi đột biến trong buổi lễ, cho lệnh các toán hoạt vụ bám sát các mục tiêu, và sẵn sàng lực lượng cơ hữu bắt giữ ngay các thành phần xúi dục gây bạo động, và các thành phần bạo động khi có lệnh.

– Đại Úy Chung Châu Hồ, Đại đội phó đại đội 102/CSDC,  với 2 trung đội CSDC và Cảnh sát sắc phục tăng cường, chịu trách nhiệm bảo vệ Tòa Hành Chánh Tỉnh và Tư dinh Đại Tá Tỉnh Trưởng.

– Đại Úy Trần Văn Trinh, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực, báo cáo vào Bộ Chỉ huy CSQG Vùng I, và Bộ Tư lệnh CSQG tại Sài Gòn, mọi diễn biến tình hình, đồng thời ra lệnh cho mọi đơn vị nếu không cần thiết, phải im lặng vô tuyến, dành ưu tiên hệ thống truyền tin cho các đơn vị hành sự ngày mai.   

– Tôi, chỉ huy tổng quát, và sẽ đích thân cùng với Đại Úy Trần Văn Tý, Đại đội trưởng 102 CSDC, chỉ huy giải tán biểu tình nếu có bạo động.

Cuối cùng, lệnh cấm trại toàn đơn vị kể cả nhân viên văn phòng tại BCH bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày hôm nay.

Sau phiên họp tham mưu, tôi làm phiếu trình Đại Tá Tỉnh Trưởng Lê Văn Thân, cuối bản phiếu trình tôi không quên câu:  “Xin Đại Tá Tỉnh Trưởng ban chỉ thị cho BCH tôi thi hành”.

Bản phiếu trình cũng được thông báo BCH/CSQG Vùng I, và BTL/CSQG tại Sài Gòn.

Tôi còn nhớ vào khoảng 4 giờ chiều ngày hôm đó, tôi đích thân đem phiếu trình gặp Đại Tá Tỉnh Trưởng tại văn phòng của ông ở Tòa Hành Chánh Tỉnh.

Sau phần trình bày của tôi, Đại Tá Tỉnh Trưởng chậm rải nói với tôi:

– Tin tức của chú hình như không được chính xác, ngày hôm qua tôi đã có gặp Thượng Tọa Thích Thiện Siêu, ông đã nói với tôi, mọi chuyện ngày mai sẽ diễn ra trong vòng trật tự, êm đẹp, sẽ chẳng có gì đáng tiếc xảy ra. Chú yên tâm đi, và đem bản phúc trình về xem lại, tôi chẳng có chỉ thị gì cho chú cả.

Ông Tỉnh Trưởng dứt câu, tôi vừa ngạc nhiên, vừa thoáng có nỗi bất bình trong lòng, tình hình trầm trọng như vậy, ông lại không tin mình, không tin những tin tức mà lực lượng an ninh dưới quyền ông đệ trình, mà lại tin một tên Việt cộng nằm vùng trong Phật Giáo, hắn đánh lừa ông quá dễ dàng. Ông đã vấp phải một lỗi lầm quá lớn là: tin người để bị lừa gạt, để có quyết định sai lầm. Không tin tưởng cơ quan An ninh phụ tá cho mình.

Rời khỏi văn phòng Đại Tá Tỉnh Trưởng cùng với phiếu trình: ”Đem về xem lại” mà lòng chán ngán. Nhưng, cho dù Đại Tá Tỉnh Trưởng không có chỉ thị nào cho tôi, tôi vẫn giữ quyết định trong phiên họp tham mưu. Nếu bọn này bạo động tôi sẽ đàn áp thẳng tay, không nhân nhượng một ly tấc nào với đám cơ sở nội thành Việt cộng này, vì đó là bổn phận và trách nhiệm của lực lượng CSQG.

Ngày rằm tháng tư 1971, 5giờ 30 sáng, lực lượng an ninh và điều hòa lưu thông đã bố trí xong xuôi tại các địa điểm ấn định.

Vào khoảng gần 10 giờ sáng, qua hệ thống truyền tin, Đại Úy Phạm Bá Nhạc, CHT quận Hương Thủy, báo cho tôi biết số người tham dự trong buổi lễ khoảng hơn hai chục ngàn người, quá đông. An ninh, trật tự tốt, không có gì đáng tiếc xảy ra trong khu vực hành lễ.

Vào khoảng gần 12 giờ trưa, Đại Úy Ân phụ tá Đặc biệt gọi tôi:

– Tango, Tango!

– Tôi nghe anh, nói đi.

– Thẩm quyền! ông ở đâu?

– Tôi đang đậu xe ngay bến đò Thừa Phủ, gần công viên trường Đồng Khánh.

– Trình thẩm quyền tôi đang ở tại địa điểm hành lễ, Chùa Từ Đàm, trên này bọn chúng bắt đầu rỉ tai: ”sau buổi lễ sẽ có tự thiêu tại công viên trường Đồâng Khánh”, mọi người truyền miệng nhau, xem có vẻ hoang mang lắm.

– Tôi nhận anh rõ. Mọi chuyện trên đó giao lại cho phụ tá của anh, về dưới này gặp tôi.

– Nhận rõ.

Khoảng 12:40 trưa, Đại Úy Phạm Bá Nhạc, Chỉ huy trưởng Quận Hương Thủy, người chịu trách nhiệm an ninh, trật tự buổi lễ tại Chùa Từ Đàm gọi tôi:

–  Tango, Tango.

– Tôi nghe anh.

– Thẩm quyền, buổi lễ đã xong, mọi người đổ ra đường như ong vỡ tổ, ước lượng khoảng gần hai chục ngàn người, không cách gì điều hòa lưu thông nổi, một số lớn ra đường Lam Sơn xuống dốc Nam Giao đi về hướng ông.

– Tôi nhận anh rõ, tập trung lực lượng và di chuyển về BCH đại đội CSDC đợi lệnh.

–  Nhận rõ.

Trong đời, nhiều khi có những chuyện chúng ta không mong, không đợi, không chờ, mà nó vẫn đến, bắt buộc chúng ta phải giải quyết, xấu hay tốt, thành hay bại đều do nơi ta quyết định, đó là trường hợp của tôi lúc này:

1- Lương tâm và lòng nhân đạo của một người bình thường, thấy kẻ khác đang đi vào chỗ chết đúng nghiõa, mà không cứu mạng sống của họ, trong hoàn cảnh mình có thể cứu được, cho dù họ là ai, bạn hay thù, theo tôi đó là hành động bất nhân.

2- Là một người mang trọng trách nặng nề, duy trì an ninh trật tự công cộng, thi hành luật pháp quốc gia, bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào, nếu kẻ đó là địch, là cơ sở Việt cộng nằm vùng trong Phật giáo, mưu toan dùng cái chết để  quấy động tình hình an ninh, hầu phát động phong trào đấu tranh kêu gọi quần chúng nổi dậy, thì lẽ đương nhiên là tôi, hay bất kỳ ai ở vào vị trí của tôi, cũng phải quyết định như tôi là:  “Không cứu”.

Cứu Đại Đức Thích Chơn Thể là mắc vào bẫy của bọn chúng, là châm giùm ngòi nổ cho bọn Thành ủy Việt cộng, và đám “sinh viên, học sinh giải phóng Thành phố Huế”.

Là một võ sinh Nhu đạo (Judo), chưa bao giờ một lần trong đời dùng Nhu đạo đối đầu với ai, nhưng lần này tôi dùng thế võ Nhu đạo để quật ngã bọn Việt cộng nội thành này đó là:  “Dùng nhu thắng cương”.

Tuy nhiên nếu bọn chúng bạo động, thì không còn cách nào hơn, lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế, chúng tôi sẽ đàn áp mạnh mẽ, không nương tay, dập tắt bọn chúng ngay. Tôi bắt đầu điều động lực lượng vào vị trí hành động đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.

Tôi dùng bạch văn gọi chỉ huy các đơn vị:

– Vinh (Đại Úy Chỉ huy Phó BCH tỉnh), Tango gọi.

– Tôi nghe thẩm quyền.

– Anh đang ở đâu

– Tôi đứng ngay cầu Nam Giao với hai xe Tuần Cảnh, đoàn người từ hướng Từ Đàm đổ xuống quá đông, ước lượng khoảng trên mười ngàn người, như một dòng thác lũ, từ đầu dốc xuống tận cuối dốc, và bây giờ đã tràn qua cầu, di chuyển về hướng của thẩm quyền.

– Tôi nhận anh rõ, vẫn để tình trạng bình thường cho đồng bào di chuyển, nhưng nếu có bạo động xảy ra dưới này, anh cho lệnh khoá chặt các nút chận, không cho họ di chuyển về hướng của tôi, cho lệnh xe Tuần Cảnh huớng dẫn đồng bào đi về phía đường Phan chu Trinh, bờ sông An Cựu.

– Nhận rõ thi hành.

Tôi gọi Tý Đại Đội Trưởng 102 CSDC:

– Tý, Tango gọi.

– Tôi nghe.

– Kiểm soát lính lại một lần chót, không một ai được mang theo súng và lựu đạn nổ mạnh, chỉ lựu đạn cay, súng phi tiễn – Cho tất cả lên xe và đợi lệnh di chuyển. Hồ (Đại Úy Đại đội phó 102 CSDC) với hai trung đội cùng với lực lượng Cảnh sát Quận III, tăng cường giữ chặt Tòa hành chánh tỉnh và dinh Đại Tá Tỉnh Trưởng, bằng mọi giá không để bọn chúng tràn vào. Tôi sẽ đứng ngay cổng Tòa Hành Chánh đợi anh, đổ quân tại đó và dàn đội hình ngay, mình sẽ dồn họ lại và đẩy họ vào hai đường nhỏ, nằm giữa trường Quốc Học và Đồng Khánh – Quốc Học và dinh Tỉnh trưởng.

– Nhận rõ.

Tôi gọi Đại Úy  Phạm bá Nhạc, Chỉ huy trưởng Quận Hương Thủy và Đại Úy Lê Văn Phi, Chỉ huy trưởng Quậân Hương Trà:

– Nhạc, Phi, Tango gọi.

– Tôi nghe… Tôi nghe.

– Hai anh và lực lượng cơ hữu tăng cường cho Tý, Tý di chuyển, hai anh theo Tý ngay.

– Nhận rõ… nhận rõ.

Tôi gọi Đại Úy Trần Văn Trinh, Trung tâm trưởng Trung Tâm Cảnh Lực BCH/Tỉnh:

– Trinh, Tango gọi!

– Tôi nghe.

– Lệnh cho mọi đơn vị (13 BCH Quận, 73 Xã), ngoại trừ trường hợp khẩn cấp đặc biệt, nếu không, nhường hệ thống truyền tin cho các đơn vị hữu sự không được chen vào. Báo cáo mọi diễn biến vào Trung Tâm Hành Quân BCH/ Khu I  Đà Nẵng, và BTL Sài Gòn.

– Tôi nhận rõ thẩm quyền.

Vậy là xong, mọi đơn vị đã sẵn sàng, giờ này đây, ngay cả trời sập, đất sập, lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế cũng chẳng nao núng, có sá gì tên ma nữ Mai Siêu Phong, Phạm Thị Xuân Quế và đám giặc cỏ cơ sở nội thành Việt cộng.

Nắng giao mùa, và trời Huế trong xanh thật đẹp, dòng sông Hương vẫn muôn thủa lững lờ trôi, giống như  người dân xứ Huế, sống chịu đựng trước mọi thử thách của một thời tao loạn, nhiễu nhương, đâu biết chốc nữa đây một trận cuồng phong sẽ ập xuống nơi này.

Huế lại biểu tình, lại tự thiêu. 

Khoảng gần 2 giờ trưa, dòng thác lũ cuồn cuộn trôi từ Chùa Từ Đàm xuống dốc Nam Giao, đến Tòa Đại Biểu, ngang qua Đại học Luật Khoa, một dòng người mênh mông tràn ngập cả đường Lê Lợi, một số vẫn tiếp tục di chuyển về hướng đại học Văn khoa, cầu Tràng Tiền, nhưng một số khác vào khoảng trên năm ngàn người, dừng lại tại công viên trường Đồng Khánh.

Tôi đứng ngay công viên trường Đồng Khánh, dưới một tàn cây cổ thụ, nằm sát cạnh bờ sông Hương, để tiện quan sát chiếc đò của Thích Chơn Thể và đồng bọn, và cũng là vị trí tốt để kiểm soát địa điểm sắp xảy ra cuộc tự thiêu. Cùng đứng với tôi là ba nhân viên mang ba hệ thống truyền tin khác nhau:

-1 máy FM5 Liên lạc nội bộ  (các đơn vị CSQG )

-1 máy PRC-25 liên lạc Đại Tá Tỉnh Trưởng và    Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu Thừa Thiên.

-1 máy GE liên lạc Văn Phòng Cố vấn CSĐB.

Qua hệ thống nội bộ, tôi nghe rõ toán theo dõi báo với Đại Úy Trương Công Ân:

– Trình thẩm quyền, đò chúng tôi cách đò của mục tiêu khoảng hơn 100 mét, thấy rất rõ, mục tiêu bắt đầu rời bến, chúng tôi cần theo không? Ân trả lời:

– Không cần thiết, nhiệm vụ các anh chấm dứt.

Ân gọi tôi:

– Tango… Tango!

– Tôi nghe anh, nói đi.

– Mục tiêu đã rời bến Phú Văn Lâu, đang trực chỉ hướng công viên Đồng Khánh.

– Tôi thấy mục tiêu rõ, anh đứng ở đâu?

– Tôi đứng sau đài kỷ niệm trước trường Quốc Học.

– Nhắc lại, nếu bạo động xảy ra, cho lệnh các toán theo dõi bắt ngay con mụ nữ ma đầu Mai Siêu Phong Phạm Thị Xuân Quế và 6 tên kia đem về Trung tâm thẩm vấn.

– Tôi nhận rõ thẩm quyền, ông cẩn thận.

Chỉ năm phút trước đây, cả một rừng người từ phía trường Quốc Học xuống quá công viên Đồng Khánh ồn áo như ong vỡ tổ, như khu chợ trời, và bây giờ kim đồng hồ của tôi chỉ đúng 2 giờ 20 phút, chiếc đò chở Thích Chơn Thể vừa cập bến, trong khoảnh khắc, tiếng ồn ào kia bỗng ngưng, cả một khối người đứng yên không lay động, thời gian như dừng lại, chung quanh tôi bắt đầu có tiếng niệm kinh Phật, lúc đầu nghe rất nhỏ nhưng rồi lớn dần… lớn dần…

Nhớ lại thủa học trò, những năm thi Tú tài bán phần, toàn phần, tôi và đám bạn học xóm Nam Giao, mỗi tối thường vào lầu chuông của chùa Từ Đàm học thi, nhiều đêm chúng tôi ngủ lại tại đó. Từ ba giờ sáng đã có tiếng chuông, mõ, tiếng tụng kinh của các vị sư, từ nơi chánh điện vọng lại, giọng kinh nghe thê lương, buồn bã và thoát tục lạ thường. Nhưng giờ này đây, cũng với lời kinh đó, nhưng nghe như tiếng rên xiết của loại ma quỷ nơi địa ngục đang sửa soạn lò lửa đỏ, để thiêu người ở cõi trần thế, ở công viên trường Đông Khánh.

Phật nào độ cho hành động sát nhân này, Phật nào độ cho những tên Cộng sản nằm vùng, dùng cái chết của người khác, để đạt được mưu đồ của bọn chúng. Và tôi tự hỏi trong gần cả bảy tám ngàn người đang đứng tại đây, chẳng lẽ đều bị bọn Việt cộng phỉnh gạt hết sao, sao họ cuồng tín đến độ tê liệt cả lý trí.

Từ 1963 đến ngày hôm nay, ngày rằm tháng 4/1971, Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Siêu, và Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội đã trắng trợn lợi dụng, phỉnh gạt dân Huế và nhất là Phật Giáo đồ miền Trung đã quá nhiều, sao mọi người vẫn còn chưa tỉnh cơn mê muội. Những ngày, những tháng, của năm 1966, Huế hỗn loạn, Huế xác xơ, Huế ngày đêm ngập tranh đấu, lên đường xuống đường, rồi đến  Mậu Thân 1968, cũng đám này, đám sinh viên tranh đấu đệ tử của Trí Quang, Đôn Hậu, Thiện Siêu và tên đồ tể Hồ chí Minh, cùng bọn chó má trong Bộ Chính Trị Cộng sản Việt Nam, đã tàn sát trên năm ngàn người Huế bằng mã tấu, bằng vật cứng đập vào đầu, bằng trói tay xô xuống hố sâu chôn sống, vậy mà giờ này đây: 2:20 chiều ngày rằm tháng 4/1971 gần bảy ngàn người dân Huế đang đứng nơi đây, công viên Đồng Khánh, vẫn còn chưa ngộ, sao còn lầm lạc tiếp tay với bọn sát nhân này!?

Tôi muốn thét thật to:

– Thưa đồng bào, thưa bảy ngàn người Huế hiện có mặt tại nơi đây, hãy tỉnh dậy, đây là một âm mưu của bọn cộng sản đang định dùng cái chết của Đại Đức Thích Chơn Thể, để phát động một cuộc dấy loạn tại Huế, hãy tỉnh lại để cứu mạng sống của Đại đức Chơn Thể, nếu không sẽ quá muộn.

Thế nhưng tôi biết rằng, cho dù tôi có thét vỡ tung cả lồng ngực, thì cũng chẳng ai tin, vì tôi là Trưởng Ty CSQG/Thừa Thiên-Huế, và cũng vì đã từ lâu, họ thường gọi tôi là tên phản đạo.         

Một số người đã di chuyển xuống sát bờ sông, nơi Thích Chơn Thể được 2 tên quàng tay dìu lên bờ, cùng với ba tên đi theo sau, một tên còn ở lại trong khoang đò chưa lên bờ.

Thích Chơn Thể còn rất trẻ, khuôn mặt hiền lành, hắn mặc chiếc áo cà sa màu vàng, hai tên dìu, thân thể hắn mềm nhũn, tưởng hồ như không còn bước được, trông như là một xác chết biết đi, đôi mắt không mở to, mơ màng trong tình trạng gần như hôn mê, chẳng còn biết gì.

Giờ này hắn đâu còn biết đã bị bọn ma đầu, ác quỷ cộng sản Hà Nội đang lợi dụng hắn, đang lợi dụng chiếc áo cà sa hắn mặc trên người, và chốc lát nữa sẽ lợi dụng xác chết của hắn, cho ý đồ khuấy động tình hình chính trị tại Huế. 

Có thể sáu, bảy ngàn người đứng trong công viên này không biết tại sao Thích Chơn Thể đang ở trong tình trạng nửa mê, nửa tỉnh như vậy?

Nhưng tôi, lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế biết rõ, biết chắc chắn, Thích Chơn Thể đã bị con nữ ma đầu Mai Siêu Phong Phạm Thị Xuân Quế, chích cho một liều thuốc mê, hoặc thuốc tê nào đó cực mạnh, và Thích Chơn Thể bây giờ đúng là một người đã chết, một thây ma, nhưng còn thở.

Hai tên dìu Thích Chơn Thể và ba tên đi phía sau  ngang qua trước mặt tôi, vừa nhìn thấy tôi bọn chúng khựng lại, mất bình tĩnh, dáng điệu sợ sệt hiện rõ trên nét mặt. Có lẽ nếu trong một trường hợp khác, trong hoàn cảnh khác, bọn chúng gặp tôi, chắc hẳn bọn chúng đã được đưa về trung tâm thẩm vấn, nhưng lần này tôi đang là một người hiền như ”con gái nhà lành”, tôi đang đấu trí với cơ quan Thành ủy Việt cộng, vì thế tôi xem như không thấy bọn chúng, vô tư lự ngước nhìn trời xanh, mây trắng.

Bây giờ thì bọn chúng đã dìu Thích Chơn Thể đến ngay trung tâm của công viên trường Đồng Khánh, bọn chúng để Thích Chơn Thể ngồi bệt xuống đất, hai tay y buông thỏng, hai tên kia vẫn đỡ y để y khỏi ngã.

Một trong ba tên đứng phía sau tiến đến cạnh Thích Chơn Thể bắt đầu lên tiếng:

– Thưa đồng bào, thưa các đạo hữu!

Ngày hôm nay, ngày rằm tháng tư, ngày Đức Phật đản sinh, Đại Đức Thích Chơn Thể tình nguyện tự thiêu để cúng dường cho đạo pháp lâm nguy, Phật giáo đang bị tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu đàn áp thô bạo, và cũng để cầu nguyện Hòa bình cho quê hương, và…  vân… vân… cuối cùng thi hắn hô to:

– Đả đảo tập đoàn độc tài Nguyễn Văn Thiệu.

– Đả Đảo!

Đó là tiếng đáp lại duy nhất của bốn tên đồng bọn.

Cả một bầu không khí thê lương tang tóc đang phủ xuống công viên trường Đồng Khánh. Tiếng khóc lớn Hòa lẫn với tiếng niệm kinh Phật bắt đầu vang dội cả khu công viên. Bỗng Ân gọi tôi giọng khẩn cấp:

– Tango… tango.

– Tôi nghe.

– Tên cuối cùng vừa rời khỏi đò với một thùng xăng lớn, đang chạy lên công viên, ông rời khỏi khu vực ngay, nguy hiểm lắm, anh Sỏ và anh em hộ tống, ông đi ngay đi.

Anh Dương Văn Sỏ, trưởng cơ quan G-2 (hoạt vụ) đã đứng cạnh tôi từ hồi nào, nói nhỏ với tôi:

– Mình đi Đại Úy, ông từ từ lùi dần về phía sau, chúng tôi sẽ bọc ông rời khỏi đây.

– Toàn khu vực mình bố trí bao nhiêu anh em?

– Bốn trăm. Chung quanh ông có khoảng hơn một trăm  anh  em.

– Được rồi, năm mười phút nữa mình đi.

Bỗng đám đông đang đứng về phía bờ sông nhốn nháo, dãn ra, tạo một khoảng trống nhỏ, tên xách thùng xăng xuất hiện.

Thần chết đã đến gần kề Thích Chơn Thể. Trong khoảnh khắc này, thời gian như dừng lại, mọi người đều trố mắt nhìn về phía tên cầm thùng xăng đang tiến về Thích Chơn Thể.  

Có thể nói trong suốt chín năm trời đối đầu với hằng loạt khó khăn, hằng loạt biến động chính trị tại Huế, đây là lần tôi cảm thấy khó khăn nhất, bởi lẽ có sự tranh chấp mãnh liệt giữa nhiệm vụ, trách nhiệm, và lương tâm.

Giờ này đây, vẫn chưa muộn, tôi chỉ cần hô to: ”Cứu người”, lập tức với lực lượng hơn một trăm nhân viên Cảnh sát Đặc biệt đang đứng cạnh tôi sẽ chận, và bắt giữ ngay tên đang xách thùng săng chạy về phía Thích Chơn Thể, và một nhóm khác tức thời sẽ làm một hàng rào cản bao bọc chung quanh Thích Chơn Thể, giải cứu và đưa ông ta ra khỏi hiện trường ngay.

Nhưng, nếu tôi làm như vậy là giải quyết sự việc theo lương tâm, nhưng là trúng kế của bọn sinh viên cơ sở nội thành Việt cộng và cơ quan Thành ủy Việt cộng Huế, vì bọn chúng dăng bẫy, dùng chúng tôi, CSQG/ Thừa Thiên- Huế, châm ngòi nổ cho mưu đồ của bọn chúng, vì vậy, như phần trên tôi đã nói, tôi vẫn giữ quyết định coi nhiệm vụ và trách nhiệm trên hết, nên:  “không cứu”.

2 giờ 50 chiều, sáu tên sát nhân đã đứng quanh Thích Chơn Thể, tên cầm thùng săng mở nắp thùng và tưới xăng ngay trên đầu Thích Chơn Thể đang ngồi bệt dưới đất. Một dòng xăng chảy dài từ đầu xuống thân hình, đến chân, và lan rộng cả vùng Thích Chơn Thể đang ngồi. Sáu tên và một số người đứùng chung quanh đó bắt đầu dãn ra xa, một tên trong bọn chúng châm lửa, liệng ngay vào thân hình Thích Chơn Thể. Chỉ có tiếng phựt nhẹ, cả một khối lửa vụt lên cao, người ông ta là một khối lửa khổng lồ, chỉ  khoảng vài giây đồng hồ, thân hình ông ta ngã ngào xuống đất ở tư thế nằm nghiêng, đau đớn vùng vẫy, la hét và rồi im lặng….

Lửa vẫn tiếp tục cháy, thịt da của ông ta vẫn tiếp tục cháy, bây giờ thì toàn thân ông ta chẳng còn mảnh vải nào, thân thể đã cháy đen, thịt da nứt ra và những dòng máu đỏ tuôn ra từ nơi đó, trông thật ghê rợn.

Bây giờ tại hiện trường bắt đầu hỗn loạn, khu công viên Đồng Khánh vang dội tiếng la hét, tiếng khóc than, Hòa lẫn với lời kinh tụng niệm và với khói lửa cùng mùi cháy của thịt người.

Thật là một cảnh địa ngục có thật, địa ngục trần gian tại Huế.

Sau Mậu Thân 1968, đây là lần thứ hai, bọn Việt cộng thành ủy Huế, Chính Trị Bộ đảng cộng sản Việt Nam, đám sinh viên cơ sở nội thành Việt cộng Huế, và cũng là đám người của Đôn Hậu, Thiện Siêu, Hoàng Kim Loan, lại bày ra cảnh giết người man rợ này. Nhưng lần này có khác hơn, là bọn chúng dùng ngay thân xác của đồng chí cơ sở cách mạng, có được một năm tuổi đảng Nguyễn Văn Tè, tức Đại Đức Thích Chơn Thể, đem ra nướng thịt người, cúng dường cho “đạo pháp lâm nguy”, cho ý đồ khuấy động tình hình chính trị tại Huế.

Những ai ngày hôm đó đã chứng kiến và  đã hít thở mùi thịt người bị nướng cháy, chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng bi thương và rùng rợn này.

Họ cũng phải thấy rõ một điều, đã là người cộng sản, cho dù già như Hồ chí Minh, hay tuổi đời còn quá trẻ như sáu tên này, bọn chúng đều có một điểm rất giống nhau:

Tâm địa độc ác và hành động man rợ còn hơn quỷ dữ, bọn chúng giết người không gớm tay, phương tiện nào cũng tốt, miễn sao đạt được mục đích.

Mậu Thân 1968, tên Hồ ra lệnh cho Bộ Chính Trị đảng cộng sản áp dụng biện pháp ‘”Bạo lực Cách mạng” tàn sát 5327 dân chúng Huế, chỉ vì họ không theo cách mạng, không Tổng Nổi Dậy theo ý đồ của Hồ chí Minh, và nay, rằm tháng 4/1971, Thích Thiện Siêu, Trung Tá cộng sản Hoàng Kim Loan và đám sinh viên cơ sở nội thành lại lợi dụng Phật giáo, dùng hình hài của Đại Đức Thích chơn Thể, để phát động phong trào quần chúng đấu tranh chống chính quyền miền Nam.   

Ngay khi lửa bắt đầu phựt cháy trên người Thích Chơn Thể, tôi liên lạc khẩn cấp với lực lượng ứng chiến:

– Tý, Nhạc, Phi, Tango gọi!

– Chúng tôi nghe Tango.

– Trên này đã có tự thiêu, các anh cho lực lượng lên xe, sẵn sàng đợi lệnh di chuyển. Tôi đang ở hiện trường sẽ di chuyển và đợi các anh tại cổng Tòa Hành Chánh tỉnh, nếu bọn chúng bạo động, đổ quân, dàn đội hình và đàn áp ngay. 

– Nhận rõ, chúng tôi đợi lệnh ông.

Sáu tên sát nhân đã lũi vào đám đông. Tôi gọi Ân:

– Ân đây Tango!

– Tôi nghe

– Bám sát 6 mục tiêu, nhắc lại không bắt giữ bọn chúng ngoại trừ có bạo động. Mình sẽ tính sổ kỹ càng với bọn sát nhân này sau.

– Tôi hiểu, nhận rõ thẩm quyền.

Tôi cùng với trưởng G-2 anh Dương văn Sỏ, và với gần một trăm nhân viên Cảnh sát Đặc biệt, lùi dần trong đám đông, băng qua đường Lê Lợi, đến đứng tại cổng Tòa hành chánh chờ đợi, để lại đàng sau một đám đông khoảng sáu bảy ngàn người, cùng với tiếng la hét, khóc than, và với thi hài cháy đen, nằm co quắp của Thích Chơn Thể, nơi công viên Đồng Khánh, chỉ cách cổng Tòa hành chánh tỉnh không quá 150 mét.

Lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế không có phản ứng, không hành động. Bọn chủ mưu và đám sát nhân chắc hẳn đã thất vọng quá lớn: Cảnh sát đã không châm ngòi nổ.

Tôi còn nhớ rõ, đồng hồ tôi chỉ đúng 3 giờ 40 chiều, vì Đại Tá Tỉnh trưởng đi thanh tra quận (?) từ sáng sớm, nên tôi dùng hệ Thống truyền tin C-25  trình ông ta: 

– Trình Đại Tá, như đã trình với Đại Tá chiều hôm qua, hiện tại Thích Chơn Thể tự thiêu nơi công viên trường Đồng Khánh.

Qua hệ thống truyền tin tôi nhận rõ giọng nói của Đại Tá có phần hốt hoảng và ngạc nhiên.

– Sao lại vậy, chính Thượng Tọa Thiện Siêu đã nói với tôi sẽ không có chuyện gì rắc rối xảy ra. Chú phải cứu Đại Đức Thích Chơn Thể và chở vào bệnh viện ngay. — Tôi nói:

– Trình Đại Tá ”mần răng” mà cứu được.

Giọng Đại Tá phát lớn trong loa khuếch đại:

– Chú nói gì? ”mần răng” là cái gì? Tôi chẳng hiểu gì cả.

Thì ra tôi đã quên, tôi đã dùng giọng Huế đại nhà quê của tôi nói chuyện với một người Bắc kỳ. Có ông trời ngoài Bắc cũng chẳng hiểu nổi, huống gì ông Đại Tá Lê Văn Thân người Bắc. Tôi sửa lại ngay:

– Hắn cháy đen như thằng Tây đen rồi làm sao mà cứu?

Chỉ nghe đến đó Đại Tá cúp máy. Chắc là Đại Tá giận lắm, nhưng tôi biết làm sao hơn.

Tôi, anh Dương Văn Sỏ và một số CSĐB vẫn đứng tại cổng Tòa hành chánh tỉnh nhìn sang khu công viên.

Thời gian trôi chậm, cũng đã về chiều, 4 giờ chiều… rồi 5 giờ chiều…  đám đông dân chúng từ từ tan, và loãng dần trên đại lộ Lê Lợi. Có lẽ họ đã chờ đợi khá lâu mà không vẫn không thấy Đại Úy Liên Thành với lực lượng CSDC dàn quân giải tán biểu tình, không có phi tiễn, chẳng có hơi cay, nên đồng bào không vui, tuần tự giải tán. Riêng đám Việt cộng chờ đợi “Trưởng Ty Công an Ngụy ác ôn” Liên Thành, châm dùm ngòi nổ phát động phong trào cho bọn chúng, cũng chẳng thấy Liên Thành và lực lượng giải tán biểu tình ra tay, nên bọn chúng đành lủi thủi theo quần chúng tan hàng, để lại nơi công viên trường Đồng Khánh vắng lặng, với một thây người cháy đen, nằm co quắp không ai nhận lãnh.

Thích Thiện Siêu, Hoàng kim Loan, Cơ quan Thành ủy Việt cộng Huế, tên ma nữ Mai Siêu Phong Phạm thị Xuân Quế và đám học sinh, sinh viên giải phóng Thành phố Huế, lần này đã lầm lẫn, đánh giá sai phản ứng của lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế, bọn chúng đã thua đậm, khi phải dùng một mạng sống cơ sở cách mạng quan trọng nằm vùng trong Phật giáo, Đại Đức thích Chơn Thể để khuấy động phong trào.

Đáng lý bọn chúng phải thấy rõ khả năng và trình độ của một sĩ quan QLVNCH, và của những sĩ quan ưu tú của ngành CSQG, mãi mãi vẫn hơn xa bọn chúng, mà đừng giở trò chơi dại, chỉ để  mang thất bại ê chề mà thôi.

Anh em chúng tôi lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế, đã tính toán, suy luận đúng, hành động đúng trong trường hợp này.

Thế nhưng trong đời thường xảy ra nhưng chuyện oái oăm, chúng tôi hóa giải được âm mưu của địch, nhưng lại gặp trở ngại, rắc rối với ông Tỉnh trưởng thượng cấp của mình.

Khoảng 6 giờ chiều cùng ngày, Đại Tá Lê Văn Thân đi thanh tra quận trở về, tôi gặp ông tại văn phòng Tòa hành chánh tỉnh, ông hỏi tôi câu đầu tiên:

– Tại sao chú không cứu Đại Đức? Chú muốn có chết chóc trong thành phố này hay sao? Tại sao không cứu ông ta, thật là vô nhân đạo.

Thật tình mà nói, sức chịu đựng nhiều lúc cũng ở một mức tối đa nào đó, tôi không còn chiụ đựng được nữa nhưng tôi vẫn trả lời ông trong tinh thần kỷ luật của quân đội:

– Trình Đại Tá, chiều hôm qua tôi đã có trình với Đại Tá đầy đủ mọi tin tức liên hệ đến vụ này, nhưng không được Đại Tá lưu ý. Nếu chiều này chúng tôi cứu Chơn Thể thì tình hình sẽ nổ lớn và trầm trọng hơn, vì bọn Việt cộng nằm vùng trong Phật giáo tạo dựng màn kịch này, với mục đích chính là dùng lực lượng CSQG châm ngòi nổ, để cho bọn chúng  phát động phong trào quần chúng đấu tranh. — Tôi nói tiếp:

– Vâng, Đại Tá nói đúng, đúng là vô nhân đạo, là bất nhân, nhưng tôi và lực lượng CSQG thà mang tiếng là bất nhân, nhưng chúng tôi không thể bất trung, bất nghĩa với Tổ quốc và đồng bào Huế. Thích Chơn Thể là Việt cộng nằm vùng. Hắn là cơ sở của đảng cộng sản, của cơ quan Thành ủy Việt cộng Huế, hắn nằm trong tổ Tôn giáo vận, hắn có một năm tuổi đảng, hắn tự thiêu cho mưu đồ của bọn Cộng sản thì tại sao phải cứu?

Đại Tá Tỉnh trưởng ngắt lời tôi và nhẹ nhàng hơn:

– Thôi được, mọi chuyện đã lỡ rồi (???), vậy xác ông ta bây giờ ở đâu?

– Vẫn còn nằm tại công viên Đồng Khánh, vô thừa nhận. Giáo hội cũng không, và cũng chẳng có chùa nào nhận đem về chôn cất.

– Sao chú không cho nhân viên đem thi hài ông ta vào bệnh viện?

Tôi vẫn giữ quyết định ngay từ đầu đối với Thích Chơn Thể: “Thấy chết không cứu” và bây giờ “thấy xác không chôn”.

– Trình Đại Tá, tôi đã cho lệnh Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quận III, liên lạc với bệnh viện trung ương Huế, cho xe đến chở thi hài. Chúng tôi không chở thi hài ông ta được. Bọn chúng sẽ phao vu Cảnh Sát cướp xác của Đại Đức Thích Chơn Thể đem đi thủ tiêu.

Tôi rời khỏi văn phòng Đại Tá Tỉnh trưởng khoảng 7 giờ chiều, có chút buồn phiền và chán nản. vừa ngồi vào ghế xe tôi tự nói với mình:

– Chống cộng củ… khoai…

Trung Sĩ Nguyễn Đình Ánh ngồi phía sau, phụ trách hệ thống truyền tin hỏi tôi:

– Ôn nói chi rứa?

Tôi dí ngón tay trên nón sắt hắn đang đội:

– Thì nói cái trốt (đầu) của ôn đó.

Cả đám đệ tử và tôi cùng cười, tiếng Huế thật nhà quê, nhưng ít nhất lúc này tiếng cười cũng vơi đi một phần nỗi buồn trong lòng.

– Mình đi đâu ôn, Trung Sĩ Thêm tài xế hỏi tôi?

Bây giờ thì quan ba không có tiền, mà lính lại càng không có, tôi trả lời Trung Sĩ Thêm:

– Mình đi ăn chịu, về quán bún bò chị Sỏ (vợ của anh Dương Văn Sỏ trưởng G-2) ghi sổ, cuối tháng lãnh lương trả.

– Mỗi ông thần chỉ tối đa là 4 chai, xong về BCH  lau chùi súng đạn, ngày mai đi sớm, 5 giờ sáng.

Ngày hôm sau, khi tôi cùng với Đại Úy Trần Văn Tý Đại đội trưởng 102, chỉ huy một đơn vị CSDC và CSĐB đang hành quân vùng Đồng Xuyên, Mỹ Xá, thuộc quận Quảng Điền, để khui một hầm bí mật của Việt cộng thì Đại Úy Trần Văn Trinh, Trung tâm trưởng trung tâm Hành Quân Cảnh lực gọi tôi:

– Tango, Tango, ông nghe tôi rõ không?

– Tôi nghe anh rõ lắm, nói đi.

– Thẩm quyền về gấp BCH, Thiếu Tướng Tư lệnh (Thiếu Tướng Trần Thanh Phong) gọi thẩm quyền.

– Nhận rõ, nhưng ít nhất phải một giờ sau mới trở về được, xa lắm.

– Thẩm quyền từ từ, tôi đã trình với Thiếu Tướng Tư lệnh rồi.

Khoảng gần 12 giờ trưa, tôi có mặt tại BCH, và gọi điện thoại Thiếu Tướng Tư lệnh ngay.

– Trình Thiếu Tướng Tư lệnh, em Liên Thành, Chỉ huy trưởng Thừa Thiên-Huế đầu máy.

– Không có gì quan trọng đâu Liên Thành, Thiếu Tướng muốn biết tình hình ngoài đó như thế nào rồi sau vụ tự thiêu, nội vụ ra sao? Tại sao không cứu ông ta?

Tôi trình bày từng chi tiết một với Thiếu Tướng Tư lệnh và câu kết luận là:

– Trình Thiếu Tướng, đây là quyết định và hành động đúng của BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế. Nếu hôm qua em cho lực lượng can thiệp vào vụ tự thiêu này, có lẽ tình hình sẽ trầm trọng và khó giải quyết hơn.

– Thiếu Tướng hiểu rõ, tình hình ngoài đó khó khăn lắm. Mọi chuyện em phải cẩn thận. Cần gì thì gọi cho Thiếu Tướng ngay.

Khoảng gần một tháng sau, khi tình hình lắng dịu, tôi cho lệnh bắt giữ sáu tên sát nhân trong vụ Thích Chơn Thể tự thiêu…

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.