LÝ DO NÀO HOA KỲ LẬT ĐỔ VÀ SÁT HẠI TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

Nguyên nhân thực sự đưa đến cuộc binh biến phản loạn ngày 1/11/1963 là gì? Đó là tự ái dân tộc, là tinh thần trách nhiệm của vị Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa đối với quốc dân và đối với lịch sử khi ông từ chối sự xâm phạm chủ quyền quốc gia của chính phủ Hoa Kỳ đối với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ông không chấp nhận  để cho Quân đội Hoa Kỳ chống Cộng sản Bắc Việt thay cho quân đội Việt Nam. Về mặt chính trị, khi đồng ý cho đổ quân Hoa Kỳ vào Miền Nam, điều này đồng nghĩa phần nào rằng quân đội quốc gia không có khả năng quân sự để chống lại Cộng sản, mặc khác còn tạo cớ cho Cộng sản phát động tuyên truyền rằng Miền Nam bị Mỹ xâm lược. Vì những bất lợi chính trị như vậy nên Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã phê phán chính sách của chính phủ Kennedy tại Nam Việt Nam, nên chính phủ Kennedy đã quyết định thay ngựa giữa dòng. Hoa Kỳ một mặt tạo thần tượng Trí Quang và tiếp sức cho Phật giáo Ấn Quang làm loạn, mặt khác mua chuộc nhóm tướng lãnh làm cuộc binh biến dứt điểm nền Đệ Nhất Cộng Hòa, sát hại Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

Theo tiết lộ của ông Ngô Đình Luyện, cựu Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Anh Quốc, trước ngày đảo chánh độ mấy tháng, có một linh mục dòng Jesuit ở Hoa Kỳ đã bí mật sang gặp ông. Vị linh mục này muốn giữ bí mật nên trước khi gặp ông Luyện đã ghé qua nhiều nước Âu Châu rồi mới đến thăm ông Luyện. Ông Luyện và vị linh mục này gặp nhau ở một tiệm ăn ở ngoại ô Luân Đôn.

Vị linh mục này muốn cho Ông Luyện rõ là sớm muộn gì Hoa Kỳ cũng sẽ giúp cho việc đảo chánh ở Việt Nam để lật đổ Tổng Thống Diệm. Theo linh mục này thì sự việc xảy ra gần đây thôi. Ông Luyện hỏi vị linh mục này làm sao có thể ngăn chận được?

Vị linh mục này nói có hai ý kiến, theo ông thì Tổng Thống Diệm nên làm:

  1. Nên nhượng bộ chánh phủ Hoa Kỳ, đồng ý tất cả những gì người Mỹ muốn qua đại sứ Hoa Kỳ. (Theo ông Luyện thì người Mỹ muốn Việt Nam nhường cảng Cam Ranh cho người Mỹ một thời gian, như Phi Luật Tân nhường cảng Subic, và để cho người Mỹ một thời gian vào Việt Nam).
  2. Nếu Tổng Thống và chánh phủ Việt Nam không đồng ý thì Tổng Thống phải công khai nói ra những gì Hoa Kỳ buộc Việt Nam mà Việt Nam không thể chấp nhận được trong một cuộc họp báo, có đầy đủ ngoại giao đoàn các nước, và Tổng Thống kêu gọi các nước giúp Việt Nam Cộng Hòa chống Cộng sản qua công hàm ngoại giao. Ông Luyện hỏi thêm:

– Theo ý linh mục thì trong hai ý kiến này, ý kiến nào nên theo? 

Ý kiến 1 vì Việt Nam khó tách rời khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ, vì mọi phương tiện chống Cộng đều do Hoa Kỳ viện trợ.

Tuy nhiên, ý kiến 2 không phải là không đúng nếu Việt Nam được các cường quốc ủng hộ và nhân dân Hoa Kỳ cũng như quốc hội Hoa Kỳ có thể thay đổi thái độ, thay vì chống đối chiến tranh quay lại ủng hộ.

Linh mục cũng lưu ý thêm với ông Luyện rằng tình hình rất gay go từ khi vụ Phật giáo xảy ra, chắc chắn là do bàn tay của CIA dính vào. Nếu đảo chánh xảy ra ở Việt Nam sớm muộn gì cũng giống như trường hợp của Trung Hoa với Tưởng Giới Thạch vậy.

Ông Luyện vội về trình với Tổng Thống Diệm sự việc như trên. Tổng Thống có vẻ suy nghĩ và hỏi ý kiến ông Luyện, thì ông khuyên Tổng Thống nên nhượng bộ người Mỹ, vạn nhất nếu đảo chánh xảy ra dù mình có thắng thì tiềm lực của quân đội cũng bị sứt mẻ, rất có hại cho việc chống Cộng.

Tổng Thống có vẻ không lưu ý về việc đảo chánh mà phàn nàn nhiều với ông Luyện về vụ Phật giáo. Ông tỏ ra rất buồn vì người Mỹ đã nhúng tay vào vụ này. Theo tin tức đích xác ông nhận được thì ông rất lo hậu quả của vụ này rồi giữa Phật giáo và Công giáo sẽ chống đối nhau.

Tổng Thống Diệm nói sẽ nghiên cứu kỹ việc này và bảo ông Luyện sang gặp ông Nhu để bàn thêm. Ông Luyện gặp ông Nhu và ông Nhu có vẻ chú ý và cũng đồng ý nhưng ông lo rằng người Mỹ đòi mang quân vào và sử dụng Cam Ranh thì khó được Tổng Thống chấp thuận. Ông cũng lo rằng, nếu người Mỹ mang quân vào thì Nga và Tàu sẽ giúp miền Bắc nhiều hơn và có thể cũng đem quân vào nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ là bãi chiến trường đẫm máu.

Còn việc đảo chánh thì ông không lo vì đã nắm vững quân đội và xem mặt các tướng lãnh thì thấy không ai có đủ khả năng làm việc này. Ông cũng đồng ý với Ông Diệm rằng, vụ Phật giáo sẽ làm cho dân Việt Nam chia rẽ sau này.

Ông Luyện ở lại Việt Nam hai ngày và họp với Tổng Thống cùng ông Nhu thêm một lần sau đó. Tổng Thống bảo ông Luyện cứ yên tâm về lại nhiệm sở và ông tin là mọi sự sẽ được giải quyết êm đẹp.

Ông Luyện  nhận xét: “Chắc Ông Diệm nói cho tôi yên lòng chứ kỳ này khác hẳn những kỳ trước, tôi gặp ông thấy ông buồn rầu và suy nghĩ nhiều lắm!”

Theo Richard Reeves trong tác phẩm President Kennedy thì Tổng Thống Diệm muốn chính phủ Mỹ rút bớt Cố vấn Mỹ và cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, và ông tin tưởng rằng ông sẽ chiến thắng Cộng sản. Ngay những năm đầu lãnh đạo miền Nam, Tổng Thống Diệm đã không muốn chính phủ Mỹ can thiệp mạnh mẽ và trực tiếp đem quân đội Mỹ vào nội tình Việt Nam, ông khẳng định rằng: Chính phủ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đử sức đối phó và sẽ chiến thắng Cộng sản Hà Nội nếu Hoa Kỳ viện trợ đầy đủ tài chánh và vũ khí.

Tướng Samuel T. William Trưởng phòng  quân sự MACV của Hoa Kỳ đã từng nói rằng: “Ai chi tiền kẻ đó làm chủ”. Còn Tổng Thống Diệm thì luôn luôn bảo vệ chủ quyền và xứ sở của ông ta.

Ông Diệm nhận viện trợ của người đồng minh khổng lồ, nhưng cương quyết không để họ chi phối và tước đoạt chủ quyền. Ông ta chỉ nghe lời người Mỹ khi nào ông thấy điều người Mỹ đề nghị có lợi cho xứ sở của ông ta. Ngược lại viện trợ Mỹ có rất nhiều ràng buộc nhằm mục đích buộc nước nhận viện trợ phải lệ thuộc vào Hoa Kỳ.

Richard Reeves đưa ra một vài sự kiện cho thấy sự ràng buộc của Hoa Kỳ đối với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Tổng Thống Diệm:

Hoa Kỳ muốn tổ chức quân đội Việt Nam Cộng Hòa theo hệ thống tổ chức của quân đội Hoa Kỳ, đi từ cấp thấp nhất là tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, và quân đoàn đồng thời trang bị và huấn luyện theo khuôn khổ quân đội Mỹ. Thế nhưng Tổng Thống Diệm lại muốn quân đội Việt Nam Cộng Hòa được huấn luyện và trang bị nhẹ nhàng hơn. Tổng Thống Diệm muốn chính phủ Mỹ trang bị cho đài phát thanh Sài Gòn có công suất mạnh bằng hoặc hơn đài phát thanh Hà Nội và huấn luyện cho chuyên viên Việt Nam tự điều hành nhưng Mỹ không bằng lòng và muốn họ điều hành.

Hoa Kỳ không chịu viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa một đài kiểm thính để hoạt động theo dõi ngoài miền Bắc trong lãnh vực tình báo kỹ thuật, vì vậy mà chính phủ Việt Nam phải mua máy móc từ Đài Loan và nhờ chuyên viên họ huấn luyện. Đài kiểm thính nầy được xử dụng bởi cơ quan tình báo hoạt động ngoài miền Bắc do ông Phan Quang Đông chỉ huy.

Ngày 9/5/1961 một phái đoàn của chính phủ Hoa Kỳ do phó Tổng Thống Mỹ Johnson và ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Mc Namara đến Việt Nam. Ngày 12/5/1961 họ đã hội đàm với Tổng Thống Diệm tại Sài Gòn, Đại Sứ Mỹ Nolting cũng có mặt trong buổi hội đàm nầy. Trong cuộc hội đàm, khi Phó Tổng Thống Mỹ đề nghị để quân Mỹ đến để bảo vệ Việt Nam, thì Tổng Thống Diệm đã viện lẽ điều 19 của Hiệp Định Geneve  mà nói với Phó Tổng Thống Mỹ Johnson rằng:

“Kể từ ngày Hiệp định Geneve có hiệu lực, Điều Khoản 19 cấm không được lập căn cứ quân sự, hoặc liên minh quân sự”, và để từ chối Tổng Thống Diệm nhấn mạnh rằng: “Làm như vậy sẽ bị Việt cộng tuyên truyền và xuyên tạc cuộc chiến không có chánh nghĩa.”

Sau đó Ông Đại Sứ Mỹ Nolting đã đánh điện mật báo cáo với Ngoại Trưởng Dean Rusk rằng:

“Tướng Mc Garr và ông có mặt trong buổi nói chuyện giữa Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson và Tổng Thống Diệm về việc đưa lực lượng quân sự Mỹ vào Việt Nam. Ông Diệm đã nói với Phó Tổng Thống: Ông ta không muốn quân Hoa Kỳ đến chiến đấu tại Việt Nam, trừ trường hợp miền Bắc đưa quân xâm lược miền Nam.”

Ngày 13/5/1961 Phó Tổng Thống Mỹ Johnson rời Việt Nam  trở lại Mỹ, thì ngày 15/5/1961 Tổng Thống Diệm gởi ngay cho Tổng Thống Kennedy một văn thư với nội dung như sau:

“Chúng tôi sẵn sàng hy sinh xương máu và nhân lực để cứu vãn xứ sở chúng tôi, và tôi biết rằng chúng tôi có thể trông cậy về sự yểm trợ về vật chất của quý đại quốc, một sự yểm trợ vô cùng thiết yếu để đạt được thành lợi cuối cùng.”

Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã từng nói với cấp lãnh đạo của quân lực Việt Nam Cộng Hòa rằng:

“Đừng để cho quân đội của chúng ta rơi vào tình trạng đánh thuê cho ngoại quốc, khi mà các Cố vấn quân sự Mỹ tham dự vào việc điều hành quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ trung ương cho đến địa phương. Việt Nam không muốn trở thành một thứ thuộc địa mới. Tổng Thống Diệm thường nói: Bất cứ một chế độ quốc gia nào ở trong quỹ đạo của Mỹ cũng phải là quân cờ của Mỹ, một thứ chư hầu độc lập và cũng là một thứ chư hầu tay sai. Độc lập về hình thức, tay sai về bản chất.”

Trong cuốn Bên Giòng Lịch Sử trang 252 của Linh Mục Cao Văn Luận nguyên Viện Trưởng Viện Đại học Huế, Tổng thống Diệm đã có lần phàn nàn với Linh Mục Cao Văn Luận rằng:

“Nếu bây giờ ta nhượng bộ Mỹ một bước thì họ lại đòi thêm, biết nhượng bộ đến bao giờ mới vừa lòng họ. Tôi muốn võ trang đầy đủ cho Bảo An, Dân Vệ, Thanh Niên Chiến Đấu, Mỹ không chịu. Tôi muốn tăng cường quân đội, Mỹ từ chối không cấp vũ khí và phương tiện. Mỹ chỉ muốn đưa quân của họ qua mà thôi”.

Bà Anne Blair, một nhà nghiên cứu tại National Center For Australian Studies trong tác phẩm Lodge in Việt Nam, A Patriot Abroad có đề cập:

“Sự nghiệp Hoa Kỳ ở Việt Nam là một sự nghiệp thực dân. Ông Diệm bị lật đổ vì ông không chịu làm bù nhìn.”

Giám Đốc Sở Thông Tin Hoa Kỳ và cũng là phát ngôn viên của Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn Ông John Mecklin  đã phát biểu như sau:

“Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã tự vẫn chính trị hơn là tuân theo áp lực của Hoa Kỳ mà Tổng Thống Diệm cho là vi phạm chủ quyền Việt Nam nên không chấp nhận”. Ngoài ra, ông John Mecklin còn nói rằng: “Công việc mà chính phủ Hoa Kỳ làm tại Việt Nam là thiết lập một chính quyền trong bóng tối, để điều khiển tất cả hoạt động về mọi mặt của miền nam Việt Nam. Chính sách áp đặt chính phủ và nhân dân Việt Nam phải tuân theo quyết định của Hoa Kỳ là chính sách tân thực dân.”

Theo Đại Sứ Mỹ Nolting thì lúc đầu nhân sự hình thành ban tham mưu lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gồm có:

1)- Phó Ngoại Trưởng Averrell Harriman.

2)- Thứ Trưởng Ngoại Giao Roger Holsman.

3)- Một viên chức tại Tòa Bạch Cung tên là Foresstal.

Tổng Thống Kennedy đã cử ông Ông Cabot Lodge, một chuyên viên đảo chánh, thay thế cho Đại Sứ Nolting tại Sài gòn vì ông Nolting rất có cảm tình với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngày 24/8/1963, chỉ hai ngày sau khi nhận chức, Đại Sứ Cabot Lodge đã điện về Bộ Ngoại Giao cho biết rằng ông ta đã tiếp xúc được với nhóm tướng lãnh Việt Nam để có thể thực hiện cuộc đảo chánh. Sau đó Bộ Ngoại Giao đã gởi cho Đại Sứ Lodge một bức mật điện mang  mật số 243 với ghi chú đích thân Đại sứ Lodge đọc:

“… Nếu những cố gắng thuyết phục của ông (tức Cabot Lodge), Diệm vẫn cứng rắn và từ chối thì chúng ta phải đối đầu bằng cách không thể giữ chính ông Diệm ở lại nữa…”

Từ câu chót của bức điện nầy chúng ta thấy rõ là Hoa Thịnh Đốn đã gởi bản án tử hình của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho Đại Sứ Lodge thi hành.

Sau khi nhận bức điện trên, Đại Sứ Lodge đánh một công điện vào ngày 25/8/1963 để ông Forrestal trình Tổng Thống Kennedy nội dung như sau:

“Tin rằng không có cơ may Diệm có thể đáp ứng được yêu cầu của chúng ta và nếu chúng ta đưa ra những đòi hỏi nầy với ông Diệm, sẽ tạo cho ông Nhu một cơ hội đoán trước và cản trở hành động của các Tướng. Đó là điều nguy hiểm và chúng ta tin là không đáng chấp nhận vì Nhu kiểm soát các lực lượng chiến đấu tại Sài Gòn.

Vậy đề nghị chúng ta nên đi thẳng với các Tướng lãnh bằng sự đòi hỏi của chúng ta, làm ông Diệm không thể biết được. Chúng ta sẽ nói với họ rằng chúng ta sẵn lòng chấp nhận ông Diệm, miễn sao không có vợ chồng Nhu, và dĩ nhiên quyền giữ lại Diệm hay không đều do họ tự chọn lựa [Đoạn chót nầy của Cabot Lodge có ẩn ý là muốn Diệm phải chết]”.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.