SỨC MẠNH TỪ ĐÂU ĐẾN?
(Bài 016)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu ThạchNguyễn Văn Thái, Ph.D.

   Đạt được một xã hội vừa có tự do vừa có hoà bình dĩ nhiên không phải là một công việc đơn giản. Điều này đòi hỏi nhiều kỹ năng chiến lược, tổ chức, và thiết kế. Hơn hết, công việc này sẽ đòi hỏi sức mạnh. Các nhà dân chủ không thể hy vọng lật đổ một nền độc tài và thiết lập tự do chính trị mà không cần có khả năng áp dụng sức mạnh của chính mình một cách hữu hiệu.

    Nhưng làm thế nào để điều này có thể thực hiện được? Đối lập dân chủ có thể huy động loại sức mạnh nào đủ để đánh tan nền độc tài và những mạng lưới quân đội và cảnh sát lớn mạnh? Những câu trả lời nằm trong sự hiểu biết thường không được để ý đến về quyền lực chính trị. Học được sự soi sáng này thực ra không phải là một công việc khó khăn. Một vài chân lý cơ bản rất đơn giản.

Truyện ngụ ngôn “Ông chủ bầy khỉ”

    Một truyện ngụ ngôn Trung Hoa vào thế kỷ thứ mười bốn của Liu-Ji, chẳng hạn, đã phác hoạ khá hay sự hiểu biết thường bị xao lãng về quyền lực chính trị:1

“Trong một nước thời nhà Chu, có một ông lão nuôi khỉ để phục dịch ông. Dân thời nhà Chu gọi ông là “ju gong” (chủ bầy khỉ).

Mỗi buổi sáng, ông thường tập họp bầy khỉ lại ở trong sân, và ra lệnh cho con khỉ lớn tuổi nhất dẫn dắt bầy khỉ lên núi hái trái từ các bụi và các cây. Luật định là mỗi con khỉ phải đóng một phần mười hoa trái thu lượm được cho ông lão. Những con nào không đóng thì sẽ bị đánh đòn một cách tàn nhẫn. Tất cả bầy khỉ đều đau khổ đắng cay, nhưng không dám than vãn.

Một hôm, một con khỉ nhỏ hỏi những con khỉ khác: “Ông già có trồng tất cả các bụi và các cây ăn trái không?” Mấy con khỉ khác nói: “Không, chúng mọc một cách tự nhiên.” Con khỉ nhỏ lại hỏi: “Chúng ta không hái được những trái cây này mà không cần được phép của ông già hay sao?” Những con khỉ kia trả lời: “Được chứ, tất cả chúng ta đều hái được.” Con khỉ nhỏ tiếp tục: “Vậy thì, tại sao chúng ta lại phải lệ thuộc vào ông già, tại sao chúng ta lại phải phục dịch ông ta?”

Trước khi con khỉ nhỏ dứt lời, thì tất cả những con khỉ khác bỗng nhiên trở nên sáng mắt và thức tỉnh.

Cùng đêm hôm đó, canh chừng ông lão đã ngủ, bầy khỉ phá nát hàng rào chuồng khỉ nơi mà chúng bị giam cầm, và đã đập tan nát hoàn toàn cả chuồng khỉ. Bầy khỉ còn lấy những trái cây mà ông lão đã cất dấu, đem theo vào rừng, và không bao giờ trở lại nữa.

Yu-li-zi nói, “Một số người trên thế giới cai trị dân mình bằng tiểu xảo chứ không phải bằng những nguyên tắc công chính. Họ không giống như ông chủ bầy khỉ đó hay sao? Họ không ý thức được đầu óc u muội của họ. Khi mà người dân đã trở nên sáng mắt, thì những xí gạt của họ không còn công hiệu nữa.”

Những nguồn sức mạnh chính trị cần thiết

    Nguyên tắc thì đơn giản. Những nhà độc tài đòi hỏi sự hỗ trợ của người dân mà họ cai trị, không có sự hỗ trợ này thì họ không thể bảo toàn và duy trì được những nguồn sức mạnh chính trị. Những nguồn sức mạnh chính trị này bao gồm:

  • Quyền hành, người dân sẵn lòng tin là chế độ hợp pháp, và là họ có bổn phận đạo đức phải tuân phục chế độ;
  • Nhân lực, con số và sự quan trọng của những người và những nhóm người tuân phục, hợp tác, hoặc cung ứng sự hỗ trợ cho những nhà cai trị;
  • Knăng và kiến thức, mà chế độ cần để thực hiện những hành động cụ thể và được cung cấp bởi những người và những nhóm người hợp tác;
  • Những nhân tố không nắm bắt được, những nhân tố tâm lývà ý thức hệ; những nhân tố này có thể khuyến dụ người dân tuân phục và hỗ trợ các nhà cai trị;
  • Vật lực, mức độ mà các nhà cai trị kiểm soát hay tiếp cận tài sản, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên tài chánh, hệ thống kinh tế, và các phương tiện truyền thông và vận tải; và
  • Chế tài, các hình phạt, đe doạ hay áp dụng, đối với những người bất tuân hay bất hợp tác để bảo đảm sự khuất phục và hợp tác cần để cho chế độ tồn tại và thi hành các chánh sách.

    Tuy nhiên, tất cả những nguồn sức mạnh này lệ thuộc vào sự chấp nhận chế độ, sự khuất phục, và sự tuân phục của dân chúng, và vào sự hợp tác của không biết bao nhiêu là người và cơ chế của xã hội. Những điều này lại không được bảo đảm.

    Sự hợp tác, sự tuân phục, và sự hỗ trợ hoàn toàn sẽ làm gia tăng khả năng sở hữu những nguồn sức mạnh cần có và, do đó, bành trướng khả năng quyền lực của bất cứ chính quyền nào.

    Mặt khác, việc rút lui sự hợp tác với kẻ xâm lược và các nhà độc tài bởi dân chúng và các cơ chế sẽ làm giảm thiểu, và có thể cắt đứt những nguồn sức mạnh mà các nhà cai trị lệ thuộc. Không có được những nguồn sức mạnh này, quyền lực của các nhà cai trị sẽ suy yếu và rút cuộc tan rã.

    Đương nhiên là các nhà độc tài nhạy cảm về những hành động và ý tưởng đe doạ khả năng muốn làm gì tuỳ thích của họ. Các nhà độc tài do đó có khuynh hướng đe doạ và trừng phạt những người bất tuân, đình công, hoặc không hợp tác. Tuy nhiên, điều này chưa phải là kết thúc câu chuyện. Đàn áp, ngay cả bạo tàn, cũng không luôn luôn phục hồi được mức độ khuất phục và hợp tác cần thiết cho sự sinh hoạt của chế độ.

    Nếu, bất chấp đàn áp, người ta vẫn có thể siết lại hay cắt đứt các nguồn sức mạnh trong một thời gian lâu đủ, thì những kết quả đầu tiên có thể là sự hoài nghi hay bối rối trong hàng ngũ của những nhà độc tài. Điều này có lẽ sẽ được tiếp nối bởi môt sự suy yếu rõ ràng về quyền lực của nền độc tài. Với thời gian, việc kiềm giữ lại các nguồn sức mạnh có thể gây tê liệt và bất lực cho chế độ, và, trong trường hợp nghiêm trọng, sự phân huỷ của chế độ. Quyền lực của những nhà độc tài sẽ bị triệt tiêu, từ từ hoặc nhanh chóng, vì đói khát chính trị.

    Theo đó người ta có thể lýluận là mức độ tự do hay chuyên chế trong bất cứ chính quyền nào một phần lớn là phản ánh của sự quyết tâm tương đối của người dân muốn được tự do và sự sẵn lòng cùng khả năng của họ kháng cự lại những nỗ lực nô lệ hoá mình.

    Ngược lại với ý nghĩ phổ quát, ngay cả những nền độc tài toàn trị cũng phải lệ thuộc vào dân chúng và những xã hội mà họ cai trị. Như nhà khoa học chính trị Karl W. Deutsch đã lưu ý năm 1953:

Quyền lực của toàn trị chỉ mạnh nếu không cần phải được sử dụng quá thường xuyên. Nếu quyền lực toàn trị cần được sử dụng tất cả những lúc chống lại toàn thể dân chúng, thì quyền lực này có lẽ sẽ không duy trì sức mạnh được lâu. Bởi vì các chế độ toàn trị đòi hỏi nhiều quyền lực để đối đầu với người dân của mình hơn là những loại chính quyền khác, cho nên những chế độ như thế có nhu cầu lớn hơn về những tập quán tuân thủ phổ quát và sự đáng tin cậy trong số dân chúng của họ; còn hơn thế nữa, họ còn cần phải trông cậy vào sự hỗ trợ năng độngcủa ít nhất là những thành phần quan yếu của dân chúng trong trường hợp cần đến.2

    Lýthuyết gia pháp lý người Anh thuộc thế kỷ thứ Mười Chín John Austin mô tả tình trạng của một nền độc tài chạm trán với một nhân dân bất mãn. Austin lý luận là nếu hầu hết dân chúng đều quyết tâm đập tan chính quyền và sẵn lòng chịu đựng đàn áp để làm công việc này, thì lúc bấy giờ sức mạnh của chính quyền, bao gồm cả những người hỗ trợ chính quyền, có thể không bảo toàn được chính quyền đã bị thù ghét, ngay cả nếu chính quyền này nhận được sự giúp đỡ của ngoại quốc. Austin kết luận là dân chúng thách thức không thể bị ép buộc quay trở lại với tuân phục và nô thuộc vĩnh viễn được nữa.3

    Niccolo Machiavelli trước đó rất lâu đã từng lýluận là vị hoàng tử “…mà xem đại khối dân chúng như kẻ thù của mình thì không bao giờ có thể làm cho bản thân ông ta an toàn được; và sự tàn ác của ông ta càng lớn, thì chế độ của ông ta càng trở nên suy yếu.”4

    Việc áp dụng thực tiễn về chính trị cho những nhận định này đã được chứng minh bởi những người đối kháng Na-Uy anh hùng chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã, và như đã được trích dẫn ở Bài015, bởi những người Ba Lan, người Đức, người Tiệp, và những người Slovaks dũng cảm, và nhiều người khác đã từng kháng cự lại sự gây hấn và độc tài của Cộng sản, và cuối cùng giúp đem lại sự sụp đổ của nền cai trị của Cộng sản tại Âu châu. Điều này, dĩ nhiên, không phải là một hiện tượng mới: những trường hợp đấu tranh bất bạo động đã xảy ra ít nhất là từ năm 494 TCN khi mà những người dân hạ lưu rút lui sự hợp tác với các ông chủ quý tộc người La Mã của họ.5Đấu tranh bất bạo động đã từng được sử dụng ở nhiều thời điểm khác nhau bởi nhiều dân tộc trên khắp Á châu, Phi châu, Mỹ châu, Úc châu, và các đảo thuộc Thái Bình Dương, cũng như tại Âu châu.

    Ba trong số những nhân tố quan trọng quyết định mức độ quyền lực của một chính quyền sẽ bị kiềm chế hay không bị kiềm chế, do đó, là: (1) sự ước muốn tương đối của quần chúng trong việc áp đặt những giới hạn cho quyền lực của chính quyền, (2) sức mạnh tương đối của những tổ chức và cơ chế độc lập của người dân, như là một tập thể, trong việc rút lui các nguồn sức mạnh; và (3) khả năng tương đối của dân chúng trong việc kiềm giữ lại sự thoả thuận và hỗ trợ của họ.

Những trung tâm của sức mạnh dân chủ 

    Một đặc tính của xã hội dân chủ là có nhiều nhóm và cơ chế phi chính phủ độc lập với nhà nước. Các nhóm và cơ chế này bao gồm chẳng hạn như là các gia đình, các tổ chức tôn giáo, các hiệp hội văn hoá, các câu lạc bộ thể thao, các cơ chế kinh tế, các công đoàn, các hội sinh viên, các đảng phái chính trị, các làng xã, các hội hàng xóm, các hội văn học, v.v. Những cơ quan này quan trọng trong việc phục vụ những mục đích của chính họ và cũng còn giúp đỡ trong việc đáp ứng các nhu cầu của xã hội nữa.

    Thêm nữa, những cơ quan này còn mang ý nghĩa chính trị trọng đại. Những cơ quan này cung cấp những cơ sở nhóm và cơ chế dựa vào đó người ta có thể gây ảnh hưởng đối với việc điều hướng xã hội và chống lại những nhóm khác hay chính quyền khi những nhóm này hay chính quyền bị xem là đã xâm phạm một cách bất công những quyền lợi, sinh hoạt, hay mục đích của họ. Những cá nhân rời rạc, chứ không phải là những thành viên của những nhóm như thế, thường không có khả năng gây nên được tác dụng có ý nghĩa đối với xã hội, đừng nói chi đến đối với chính quyền, và chắc chắn là không phải là đối với một nền độc tài.

    Do đó, nếu sự tự quản và tự do của những cơ quan này có thể bị các nhà độc tài lấy đi, thì dân chúng tương đối sẽ bất lực. Hơn nữa, nếu chính những cơ chế này có thể bị kiềm chế một cách độc tài bởi chế độ trung ương hay là bị thay thế bởi những cơ chế mới bị kiểm soát, thì những cơ chế đó có thể được sử dụng để thống trị cả những thành viên cá nhân lẫn những lãnh vực này của xã hội.

    Tuy nhiên, nếu sự tự quản và tự do của những cơ chế dân sự độc lập (bên ngoài sự quản chế của chính quyền) này có thể được duy trì hay phục hoạt thì những cơ chế này sẽ hết sức quan trọng cho việc áp dụng thách thức chính trị. Một sắc thái chung cho những thí dụ trích dẫn mà trong đó những nền độc tài bị phân huỷ hay bị làm suy yếu là sự áp dụng thách thức chính trị dũng cảm với số đông bởi dân chúng và các cơ chế của mình.

    Như đã nói trước đây, những trung tâm quyền lực này cung cấp những căn cứ cơ chế từ đó dân chúng có thể tạo áp lực hay có thể kháng cự lại những kiểm soát của chính quyền. Trong tương lai, những cơ chế này sẽ là bộ phận của nền tảng cơ cấu cho một xã hội tự do. Sự độc lập và phát triển tiếp diễn của những cơ chế này do đó thường là tiền điều kiện cho sự thành công của đấu tranh bất bạo động.

    Nếu nền độc tài phần lớn đã thành công trong việc phá huỷ hay kiểm soát những cơ quan độc lập của xã hội, thì điều quan trọng đối với những người đối kháng là phải tạo ra những nhóm và cơ chế xã hội độc lập mới, hay là tái khẳng định sự kiểm soát dân chủ đối với những tổ chức còn tồn tại hay là chỉ mới bị kiểm soát phần nào mà thôi. Trong thời gian của cuộc cách mạng Hung Gia Lợi vào năm 1956-1957, rất nhiều hội đồng dân chủ trực tiếp đã xuất hiện, ngay cả liên kết với nhau để thành lập trong một vài tuần lễ toàn bộ hệ thống liên đoàn các cơ chế và quản lý. Tại Ba Lan trong thời gian những năm cuối của thập niên 1980, công nhân duy trì những công đoàn Đoàn Kết bất hợp pháp và, trong một vài trường hợp, đã giành sự kiểm soát của những công đoàn chính thức, bị Cộng sản thống trị. Những khai triển về cơ chế như thế có thể có những hiệu quả chính trị rất quan trọng.

    Dĩ nhiên là không có điều gì ở đây nói là làm suy yếu hay đánh tan độc tài là dễ, hay là mọi thử nghiệm đều sẽ thành công. Chắc chắn không có nghĩa là cuộc đấu tranh sẽ không có tổn thất, bởi vì những người còn phục vụ các nhà độc tài có lẽ sẽ đánh trả với nỗ lực ép buộc quần chúng phải hợp tác và tuân phục trở lại.

    Tuy nhiên, nhận định ở trên về quyền lực có nghĩa là phân huỷ độc tài là một việc làm có thể thực hiện được. Đặc biệt những nền độc tài có những đặc tính cụ thể làm cho chúng dễ bị tổn thương trước thách thức chính trị được ứng dụng một cách khéo léo. Chúng ta hãy xét định những đặc tính này một cách chi tiết hơn.

 


CƯỚC CHÚ

1 Câu chuyện này, nguyên thuỷ có tựa là “Luật bằng tiểu xảo” trong cuốn Yu-li-zicủa Liu Ji (1311-1375) . Bản dịch được ấn hành đầu tiên trong Nonviolent Sanctions: News from the Albert Einstein Institution [Chế Tài Bất Bạo Động: Tin Tức từ Viện Albert Einstein] (Cambridge, Mass.), Tập IV, Số 3 (Mùa Đông 1992-1993), t. 3.

2 Karl W. Deutsch, “Những Nứt Rạn trên Tảng Độc Thạch,” trong cuốn Totalitarianism[Toàn Trị] của Carl J. Friedrich, btv. (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1954), tt. 3313-314.

3John Austin, Lectures on Jurisprudence or the Philosophy of Positive Law [Các Bài thuyết Giảng về Luật Học hay là Triết Lí về Luật Pháp Nhân Tạo](Ấn bản Năm, đã được nhuận lại và biên tập bởi Robert Campbell, 2 tập., London, John Murray, 1911 [1861], Tập I, t. 296.

4Niccolo Machiavelli, “The Discourses of the First Ten Books of Livy,” in The Discourses of Niccolo Machiavelli [Các Bài Giảng Luận về Mười Cuốn Sách Đầu của Livy,” trong cuốn Các Bài Giảng Luận của Niccolo Machiavelli] (London: Routledge and Kagan Paul, 1950), Tập I, t. 254.

5Xem Gene Sharp, Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động(Boston: Porter Sargent, 19730, t. 75 và các thí dụ lịch sử khác có thể tìm thấy nhiều nơi khác trong cuốn sách.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.