SỰ QUAN TRỌNG CỦA THIẾT KẾ
CHIẾN LƯỢC TRONG ĐẤU TRANH
BẤT BẠO ĐỘNG
(Bài 011)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

 

    Việc sử dụng chiến lược được biết nhiều nhất trong những xung đột quân sự. Suốt hằng bao nhiêu thế kỉ các sĩ quan quân đội đã dấn thân vào công việc thiết kế chiến lược cho những chiến dịch quân sự, và những nhà tư tưởng quan trọng như Tuân Tử, Clausewitz, và Liddell Hart đã từng phân tách và làm cho chiến lược quân sự được tinh xảo. Trong chiến tranh quân sự quy ước và trong chiến tranh du kích, việc sử dụng chiến lược tinh vi là điều kiện căn bản để được hữu hiệu.

    Cũng giống như đấu tranh quân sự đòi hỏi những chiến lược khôn ngoan, đòi hỏi thiết lập kế hoạch, và ứng dụng; đấu tranh bất bạo động sẽ hữu hiệu hơn hết khi cũng vận hành trên căn bản thiết kế chiến lược chu đáo. Việc thiết lập và chấp thuận những chiến lược khôn ngoan có thể gia tăng sức mạnh của đấu tranh bất bạo động rất nhiều.

Sự quan trọng của chiến lược

    Nếu người ta mong muốn đạt được một điều gì, thì cơ hội đạt được mục đích này sẽ lớn hơn cả nếu người ta dùng những tài nguyên sẵn có và những ảnh hưởng của mình tới mức hữu hiệu tối đa. Điều này có nghĩa là có một kế hoạch chiến lược được thiết kế để di chuyển từ hiện tại (nơi mà mục đích chưa đạt được) đến tương lai (khi mà mục đích đã đạt được). Chiến lược nói đến công việc vạch ra một đường hướng hành động làm cho việc tiến lên từ hiện tại đến một hoàn cảnh mong muốn trong tương lai có cơ hội xảy ra hơn hết.

    Ví dụ, nếu mình muốn đi từ một chỗ này đến một chỗ khác, thì mình cần phải chuẩn bị trước làm thế nào để thực hiện điều này. Đi bộ? Đi xe lửa? Lái xe? Đi máy bay? Ngay cả lúc bấy giờ, kế hoạch cũng chưa toàn vẹn chút nào cả. Mình có đủ tiền để trang trải cho các tổn phí của chuyến đi và các chi tiêu khác không? Nếu đó là một chuyến đi lâu, thì mình sẽ ăn ngủ ở đâu? Có đòi hỏi cần phải có những tài liệu du lịch, thông hành, và chiếu khán hay không? Nếu có thì làm thế nào để lấy những thứ này? Có cần phải dàn xếp những vấn đề khi mình đi vắng trong chuyến đi này không?

    Loại suy nghĩ và chuẩn bị này mà một vài người đã từng lo toan cho những mục đích bình thường trong đời sống hằng ngày cần phải được thực hiện bởi những nhà lãnh đạo các phong trào xã hội và chính trị. Tuy nhiên đáng tiếc là thiết kế chiến lược lại hiếm khi được sự chú ý cần thiết trong những phong trào như thế.

    Một vài người ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần đơn thuần khẳng quyết mục đích của mình mạnh đủ, và lâu đủ, thì rồi thế nào cũng sẽ đạt được. Một số người khác cho rằng nếu họ vẫn giữ mình trung thực với những nguyên tắc của mình và làm chứng nhân cho những nguyên tắc đó dù bị nghịch cảnh, thì họ đang làm tất cả những gì có thể làm được để giúp tranh thủ những nguyên tắc này. Khẳng định những mục đích tốt đẹp và luôn trung thành với lí tưởng thì thật đáng ca ngợi, nhưng tự chúng cực kỳ không thoả đáng cho việc thay đổi hiện trạng và việc thực hiện những mục đích đã được chỉ định.

    Dĩ nhiên là tìm cách thay đổi một xã hội, hay là ngăn chặn những thay đổi trong một xã hội, hay là đẩy lui sự chiếm đóng của ngoại bang, hay là bảo vệ một xã hội khỏi bị tấn công là những công tác phức tạp hơn là chuẩn bị cho một chuyến du lịch rất nhiều. Thế mà chỉ hiếm hoi lắm những người đeo đuổi những mục tiêu như thế mới hoàn toàn công nhận sự cực kỳ quan trọng của việc thiết kế một kế hoạch toàn bộ trước khi họ hành động.

    Rất thường xuyên xảy ra trong những phong trào xã hội và chính trị là việc những cá nhân hay những phe nhóm liên hệ công nhận là họ cần lập kế hoạch làm thế nào để hành động, nhưng họ chỉ làm như thế trên căn bản hết sức giới hạn, đoản kì, hay chiến thuật mà thôi. Họ không cố thử thiết lập một kế hoạch hành động rộng lớn, dài hạn, hay chiến lược. Họ có thể không cho điều này là cần thiết. Có thể lúc đó họ không có khả năng suy nghĩ và phân tách theo những ý nghĩa này. Hay là, họ có thể để mình liên tục bị đánh lạc hướng khỏi mục đích lớn lao của họ bằng cách luôn luôn chú tâm vào những vấn đề nhỏ nhặt, liên tục phản ứng lại những sáng kiến của đối phương, và hăng say dấn thân vào những hoạt động ngắn hạn. Họ có thể không phân phối thời gian và sinh lực vào công việc thiết kế một chiến lược, hoặc khai phá một vài chiến lược thay thế nhằm hướng dẫn những nỗ lực toàn bộ của họ tiến đến việc tranh thủ mục đích của mình.

    Đôi khi cũng phải công nhận là người ta không cố thử phác hoạ ra một chiến lược để tranh thủ mục đích của mình, vì trong thâm tâm họ không thực sự tin là họ có thể đạt được mục đích. Họ thấy mình yếu đuối, là những nạn nhân bất lực của những sức mạnh quá hùng hậu, do đó họ tin rằng điều tốt nhất mà họ có thể làm được là khẳng quyết và làm chứng nhân, hay ngay cả chịu chết đi, trong niềm tin là họ có lí. Cho nên, họ không cố suy nghĩ và thiết kế chiến lược để đạt mục tiêu của mình.

    Kết quả của những việc không thiết kế chiến lược như thế là những cơ hội thành công bị giảm đi rất nhiều, và đôi khi còn bị loại bỏ nữa. Sức mạnh bị phân tán. Hành động không hữu hiệu. Các hi sinh bị lãng phí, và lí tưởng không được phục vụ tốt.

    Không thiết lập một kế hoạch hành động chiến lược cẩn thận:

  • sinh lực có thể bị lệch chuyển vào những vấn đề nhỏ bé và áp dụng một cách không hữu hiệu;
  • những cơ hội để thúc đẩy lí tưởng của mình sẽ không được sử dụng;
  • những sáng kiến của đối phương sẽ quyết định hướng đi của các diễn biến;
  • những nhược điểm của phe mình sẽ tăng trưởng và có những hậu quả phương hại đến nỗ lực tranh thủ mục đích của mình; và
  • những nỗ lực nhằm đạt mục đích sẽ có rất ít cơ hội thành công.

    Trái lại, việc thiết lập và chấp thuận những chiến lược tuyệt hảo sẽ gia tăng cơ hội thành công. Hành động được điều hướng theo đúng kế hoạch chiến lược giúp cho người ta có thể tập trung những sức mạnh và hành động của mình tiến theo một chiều hướng đã được quyết định đưa đến mục đích mong muốn. Những sức mạnh và hành động này có thể được tập trung vào việc phục vụ cho những mục tiêu chính yếu và làm cho những nhược điểm của đối phương thêm trầm trọng. Các tổn thất và những tổn phí khác có thể được giảm thiểu và những hi sinh có thể phục vụ mục đích chính yếu một cách hữu hiệu hơn. Những cơ hội để chiến dịch bất bạo động thành công được gia tăng.

Thiết lập những chiến lược khôn ngoan

Sự tuyển lựa, hay thiết lập, một chiến lược khôn ngoan đòi hỏi:

  • một ý thức chính xác về toàn cảnh mà trong đó cuộc đấu tranh sẽ được xúc tiến;
  • nhận chân được bản chất của sự khác biệt giữa hoàn cảnh hiện tại và hoàn cảnh mong ước;
  • thẩm định các chướng ngại cản trở công việc đạt đến mục đích và những nhân tố có thể làm cho việc đạt mục đích được dễ dàng;
  • thẩm định ưu và khuyết điểm của đối phương, của phe mình, và của những thành phần thứ ba có thể hỗ trợ hay gây trở ngại cho chiến dịch;
  • lượng giá những giá trị và những giới hạn của một số đường hướng hành động có tiềm năng mà mình có thể theo;
  • tuyển chọn một đường hướng hành động khả thi trong số những giải pháp hiện có hay là phác hoạ ra một hướng đi hoàn toàn mới; và
  • nhận dạng được một kế hoạch hành động toàn bộ quyết định những kế hoạch nhỏ hơn (chiến thuật) và những phương pháp hành động cụ thể nào cần được sử dụng trong việc đeo đuổi mục đích chính yếu (nghĩa là, cần phải có những hoạt động hay những bước tiến tập trung tại địa phương hay ngắn hạn nào để có thể thực thi kế hoạch chiến lược toàn bộ).

Các cấp độ thiết kế và hành động 

    Khi thiết lập một kế hoạch chiến lược người ta phải cần hiểu là có những cấp độ thiết kế và hành động khác nhau. Ở cấp độ cao nhất là đại chiến lược. Rồi có chiến lược, được tiếp theo bởi những chiến thuật và những phương pháp.

    Đại chiến lược là quan niệm toàn bộ nhằm phối hợp và điều động tất cả những tài nguyên thích hợp và có sẵn (về kinh tế, nhân lực, đạo đức, chính trị, tổ chức, v.v.) của quốc gia hay của một phe nhóm để tranh thủ những mục tiêu của mình trong một cuộc xung đột.

    Đại chiến lược bao gồm việc xét định sự chính danh của lí tưởng đấu tranh, việc thẩm định những ảnh hưởng khác của hoàn cảnh, và sự tuyển chọn kĩ thuật đấu tranh sẽ được sử dụng (như là, đấu tranh bất bạo động, chính trị quy ước, chiến tranh du kích, hay là chiến tranh quy ước), làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu, và thẩm định những hệ quả dài hạn.

    Đại chiến lược đặt ra một khuôn mẫu nền tảng cho việc chọn lựa những chiến lược có giới hạn hơn để tiến hành đấu tranh. Cấp độ thiết kế này cũng còn bao gồm việc phân chia các công tác tổng quát cho các nhóm và phân phối tài nguyên cho những nhóm này để sử dụng trong cuộc đấu tranh. Hơn nữa, đại chiến lược bao gồm việc xét định là chính cuộc đấu tranh liên hệ như thế nào với việc tranh thủ các mục tiêu mà vì những mục tiêu này, cuộc đấu tranh đã được xúc tiến.

    Chiến lược là quan niệm làm thế nào để có cách tranh thủ các mục tiêu một cách tốt nhất trong một cuộc xung đột (bạo động hay bất bạo động). Chiến lược lưu ý đến việc có nên đấu tranh hay không, khi nào, và như thế nào, và làm cách nào để đạt được hiệu quả tối đa, để tranh thủ một số mục đích nào đó. Chiến lược là kế hoạch cho việc phân phối, thích nghi, và áp dụng thực tiễn những phương tiện có được để tranh thủ những mục tiêu mong muốn.

    Chiến lược cũng có thể bao gồm những nỗ lực tạo ra một hoàn cảnh chiến lược thuận lợi đến độ có thể đạt được thành công mà không cần có một cuộc đấu tranh công khai. Áp dụng vào chính cuộc đấu tranh, chiến lược là ý tưởng nền tảng cho việc chiến dịch sẽ phải khai triển như thế nào, và làm cách nào để những bộ phận tách rời sẽ phải ăn khớp lại với nhau một cách thuận lợi nhất cho việc đạt được các mục tiêu.

    Chiến lược đề cập đến việc xét định những kết quả theo sau một số hành động nào đó; nói đến sự thiết lập một kế hoạch hành động rộng lớn; nói đến việc quyết định khéo léo về vấn để điều động các nhóm đấu tranh cho những hành động nhỏ; nói đến việc xét định những điều kiện thành công trong việc sử dụng kĩ thuật đã lựa chọn; và nói đến việc dùng sự thành công cho công việc tốt đẹp.

    Chiến lược vận hành bên trong khuôn khổ của đại chiến lược. Các chiến thuật và phương pháp đấu tranh được sử dụng để thực thi chiến lược. Để được hữu hiệu hơn cả, các chiến thuật và phương pháp phải được chọn lựa và áp dụng như thế nào để chúng có thể hỗ trợ việc ứng dụng chiến lược và đóng góp vào việc hội đủ những điều kiện thành công.

    Trong khi thiết lập chiến lược cho đấu tranh bất bạo động, cần phải lưu ý đến những khía cạnh sau đây: những mục tiêu, tài nguyên và sức mạnh của chính mình; những mục tiêu, các tài nguyên và sức mạnh của đối phương; những vai trò thực sự và có thể có của những thành phần thứ ba; những đường lối và phương tiện hành động có thể có của đối phương; những đường lối và phương tiện hành động (tấn công cũng như phòng thủ) có thể có của chính mình; những điều kiện thành công, những động năng hành động, và những phương thức tạo thay đổi, của kĩ thuật này.

    Một chiến thuật là một kế hoạch hành động có giới hạn, dựa trên căn bản làm thế nào để sử dụng tốt nhất những phương tiện đấu tranh có được để tranh thủ một mục tiêu hạn chế như là một thành phần của chiến lược rộng lớn hơn. Một chiến thuật lưu ý đến một đường hướng hành động có giới hạn và ăn khớp vào bên trong chiến lược rộng lớn, cũng như một chiến lược ăn khớp vào bên trong một đại chiến lược vậy. Một chiến thuật chỉ có thể được hiểu như là thành phần của chiến lược toàn bộ của một trận chiến hay của một chiến dịch.

    Chiến thuật đề cập đến vấn đề các phương pháp đấu tranh được áp dụng như thế nào, và những nhóm người chiến đấu sẽ hành động như thế nào trong một hoàn cảnh cụ thể. Chiến thuật được áp dụng cho những khoảng thời gian ngắn hơn là chiến lược, hay là trong những khu vực (địa lí, cơ chế, v.v.) nhỏ hẹp hơn, hay là bởi một số người có giới hạn, hay cho những mục tiêu có giới hạn hơn, hay là một sự hỗn hợp của những điều này.

    Phương pháp nói đến những phương tiện hành động rõ rệt trong kĩ thuật đấu tranh bất bạo động. Các phương tiện này bao gồm cả hằng tá hình thái đấu tranh, như là nhiều loại đình công, tẩy chay, bất hợp tác chính trị và những hành động như thế. (Muốn có một danh sách liệt kê 198 phương pháp đấu tranh bất bạo động đã từng được sử dụng trong những trường hợp lịch sử, thì hãy xem Phụ Lục, Bài 018).

    Việc soạn thảo một kế hoạch chiến lược có trách nhiệm và hữu hiệu cho một cuộc đấu tranh bất bạo động lệ thuộc vào việc thiết lập và chọn lựa cẩn trọng một đại chiến lược, các chiến lược, các chiến thuật và các phương pháp.   

Một vài yếu tố then chốt của chiến lược bất bạo động 

    Không có một chiến lược duy nhất nào dùng để sử dụng đấu tranh bất bạo động mà lại có thể thích hợp cho mọi hoàn cảnh. Đúng ra thì kĩ thuật đấu tranh bất bạo động làm cho việc thiết lập đủ loại chiến lược hầu đáp ứng nhiều loại hoàn cảnh khác nhau có thể thực hiện được. Thêm nữa, đấu tranh bất bạo động thường cần phải được hỗn hợp trong một đại chiến lược với việc sử dụng nhiều phương tiện đấu tranh khác.

    Điều này không có nghĩa là đấu tranh bất bạo động phù hợp với tất cả những kĩ thuật đấu tranh khác. Ví dụ, việc sử dụng bạo lực cùng với đấu tranh bất bạo động sẽ phá huỷ những tiến trình mà theo đó đấu tranh bất bạo động vận hành, và do đó, trong trường hợp tốt đẹp nhất, sẽ làm cho đấu tranh bất bạo động không hữu hiệu, và trong trường hợp tệ hại nhất, sẽ làm cho đấu tranh bất bạo động sụp đổ hoặc thất bại.

    Tuy nhiên, khá hiển nhiên là những phương tiện như là tìm dữ kiện, quảng cáo, giáo dục quần chúng, kêu gọi đối phương, thương thảo, và những việc như thế có thể trong nhiều trường hợp được sử dụng có lợi khi kết hợp với việc sử dụng đấu tranh bất bạo động. Những phương tiện này thường được sử dụng hỗn hợp với các vụ tẩy chay kinh tế và đình công lao động, chẳng hạn.

    Thiết yếu cho việc thiết kế những chiến dịch bất bạo động thì có một nguyên tắc căn bản: Chuẩn bị cuộc đấu tranh của quý vị thế nào để sự thành công của cuộc đụng độ trở nên có thể thực hiện được bằng cách chỉ trông cậy vào chính quý vị mà thôi. Đây là thông điệp của Charles Stewart Parnell gửi đến các nông dân Ái Nhĩ Lan trong thời gian cuộc đình công về tiền mướn đất trong những năm 1879-1890: “hãy trông cậy vào chính quý vị,” chứ đừng trông cậy vào ai khác.

    Giả sử là đã có một cuộc đấu tranh bất bạo động mạnh mẽ được thiết kế và xúc tiến, thì tìm kiếm sự hỗ trợ bất bạo động có giới hạn từ những người khác có thể chấp nhận được, nhưng thắng được cuộc đấu tranh thì phải tuỳ thuộc vào nhóm của chính mình. Lúc bấy giờ, nếu không có ai khác giúp đỡ, nếu thiết kế chiến lược sắc bén, thì mình vẫn có cơ hội thành công. Tuy nhiên, nếu trách nhiệm thành công hay thất bại đã được trao cho người khác, thì khi họ không xuất đầu lộ diện, cuộc đấu tranh sẽ thất bại. Dù sao thì sự hỗ trợ có trách nhiệm từ bên ngoài có lẽ sẽ đến khi mà một cuộc đấu tranh bất bạo động mạnh đang được điều động bởi một dân tộc bị ngược đãi hành động đúng đắn như thể là sự thành công hay thất bại sẽ được quyết định bởi những nổ lực của chính mình mà thôi.

    Việc thiết lập những chiến lược và chiến thuật khôn ngoan cho những cuộc đấu tranh bất bạo động đòi hỏi một sự hiểu biết thấu đáo về những động năng và những phương thức của đấu tranh bất bạo động, như đã được trình bày trong Chính trị của Hành động Bất Bạo động. (Xem Phụ Lục, Bài 018: Để Đọc Thêm). Cần phải chú trọng đến việc soạn thảo những kế hoạch và hành động làm cho việc điều hành chúng được dễ dàng và bác bỏ những kế hoạch và hành động mà, nếu đem ra thực thi, sẽ phá huỷ ngay chính các nhân tố có thể đóng góp vào tính hữu hiệu của chúng.

    Cũng sẽ cần phải chú trọng đến những nhân tố khác như là những yếu tố tâm lí và tinh thần, những yếu tố địa lí và vật chất, thời gian tính, số người và sức mạnh, sự duy trì sáng kiến, và việc chọn lựa các phương pháp đấu tranh cụ thể có thể đóng góp vào việc tranh thủ những mục tiêu chiến lược và chiến thuật.

    Sự quan trọng của việc thiết kế chiến lược cho đấu tranh bất bạo động không thể xem là được quá đặt nặng. Đó là chìa khoá làm cho những phong trào xã hội và chính trị được hữu hiệu hơn. Thiết kế chiến lược không bảo đảm là phong trào sẽ đạt được những mục tiêu của mình, nhưng chắc hẳn sẽ làm cho thành công khả dĩ có thể có cơ may xảy ra nhiều hơn.1

 ______________________________________________________________________    

CƯỚC CHÚ

Để được hướng dẫn cách làm thế nào để thiết kế chiến lược cho những cuộc đấu tranh bất bạo động trong tương lai, thì hãy xem Gene Sharp, Tiến hành Đấu tranh Bất Bạo động: Thực hành của Thế kỉ Thứ Hai Mươi và Tiềm năng của Thế kỉ Hai Mươi Mốt. Sẽ xuất bản.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.