THIẾT KẾ CHIẾN LƯỢC
(Bài 020)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

    Để gia tăng cơ hội thành công, các nhà lãnh đạo đối kháng cần phải soạn thảo một kế hoạch đấu tranh toàn bộ có khả năng tăng sức mạnh cho người dân đang chịu đau khổ, làm suy yếu và tiếp đến là đập tan nền độc tài, và kiến tạo một nền dân chủ vững bền. Để đạt được một kế hoạch đấu tranh như thế, thì cần phải có một sự thẩm định cẩn trọng về tình hình và về những giải pháp đấu tranh hữu hiệu. Từ một sự phân tích thận trọng như thế, người ta có thể khai triển cả một đại chiến lược lẫn những chiến lược cụ thể cho từng chiến dịch nhắm đến việc tranh thủ tự do. Mặc dù liên quan với nhau, khai triển một đại chiến lược và những chiến lược cho các chiến dịch là hai tiến trình biệt lập. Chỉ sau khi đại chiến lược đã được thiết lập rồi thì người ta mới có thể khai triển các chiến lược cụ thể được. Các chiến lược cho chiến dịch cần phải được thiết kế để tranh thủ và củng cố những mục tiêu của đại chiến lược.

    Việc thiết lập chiến lược đấu tranh đòi hỏi cần phải chú ý đến nhiều câu hỏi và công tác. Ở đây chúng ta sẽ cần phải nhận dạng cho được một vài nhân tố quan trọng cần phải được suy xét, ở cả bình diện đại chiến lược lẫn bình diện những chiến lược cho các chiến dịch. Tuy nhiên, tất cả mọi thiết kế chiến lược đều đòi hỏi các kế hoạch gia đối kháng phải có một sự hiểu biết sâu rộng về toàn bộ hoàn cảnh xung đột, bao gồm sự chú ý về các nhân tố vật chất, lịch sử, chính quyền, quân sự, văn hoá, xã hội, chính trị, tâm lí, kinh tế, và quốc tế. Các chiến lược chỉ có thể được khai triển trong bối cảnh của một cuộc đấu tranh cụ thể và quá trình của cuộc đấu tranh đó.

    Tối quan trọng là các nhà lãnh đạo dân chủ và các kế hoạch gia chiến lược cần phải thẩm định những mục tiêu và tầm quan trọng của lí tưởng đấu tranh. Những mục tiêu có đáng cho một cuộc đấu tranh lớn hay không, tại sao? Quyết định mục tiêu thực sự của cuộc đấu tranh là thiết yếu. Chúng ta đã từng lí luận ở đây là chỉ lật đổ một nền độc tài hay là hạ bệ những nhà độc tài hiện tại là không đủ. Mục đích của những cuộc đấu tranh này cần phải là sự xây dựng một xã hội tự do với một hệ thống chính quyền dân chủ. Rõ ràng về điểm này sẽ ảnh hưởng đến việc thiết lập một đại chiến lược và những chiến lược cụ thể tiếp theo sau.

Đặc biệt là các chiến lược gia sẽ cần phải trả lời nhiều câu hỏi nền tảng, như những câu hỏi sau đây:

  • Những trở ngại chính yếu cho việc tranh thủ tự do là gì?
  • Những nhân tố nào sẽ làm cho việc tranh thủ tự do được dễ dàng?
  • Đâu là những ưu điểm chính của nền độc tài?
  • Đâu là những nhược điểm của nền độc tài?
  • Những nguồn sức mạnh của nền độc tài có thể bị làm tổn thương đến mức độ nào?
  • Đâu là những ưu điểm của các lực lượng dân chủ và của đại khối quần chúng?
  • Đâu là những nhược điểm của các lực lượng dân chủ và làm cách nào để sửa đổi những nhược điểm này?
  • Tình trạng của những lực lượng thứ ba như thế nào, không can dự ngay vào cuộc đấu tranh, những ai đã hay có thể ủng hộ nền độc tài hay phong trào dân chủ, và nếu như thế thì bằng cách nào?

Lựa chọn phương tiện 

    Ở cấp độ đại chiến lược, những người làm kế hoạch sẽ phải lựa chọn những phương tiện đấu tranh chính yếu để sử dụng trong cuộc xung đột sắp tới. Những giá trị và giới hạn của nhiều kĩ thuật đấu tranh khác nhau cần phải được thẩm định, như là chiến tranh quân sự quy ước, chiến tranh du kích, thách thức chính trị, và những kĩ thuật khác.

Khi làm sự chọn lựa này các chiến lược gia sẽ cần phải suy xét những câu hỏi như sau đây:

  • Loại đấu tranh được chọn có nằm trong những khả năng của những người đấu tranh dân chủ không?
  • Kĩ thuật được chọn có sử dụng những ưu điểm của dân chúng bị áp bức hay không?
  • Kĩ thuật này có nhắm vào những nhược điểm của nền độc tài, hay là kĩ thuật này có đánh vào những điểm mạnh nhất của nền độc tài hay không?
  • Những phương tiện này có giúp những nhà dân chủ trở nên tự lực được hay không, hay là những phương tiện này đòi hỏi phải lệ thuộc vào những thành phần thứ ba hay là những nhà cung cấp quốc ngoại?
  • Đâu là quá trình minh chứng việc sử dụng những phương tiện được lựa chọn trong việc lật đổ các nền độc tài?
  • Những phương tiện này có gia tăng hay hạn chế các tổn thất và sự tàn phá có thể xảy ra trong cuộc xung đột sắp tới hay không?
  • Giả dụ là thành công trong việc chấm đứt nền độc tài, thì hiệu quả của những phương tiện đã được lựa chọn đối với loại chính quyền phát sinh từ cuộc đấu tranh là gì?
  • Những loại đấu tranh được xét là phản tác dụng cần phải được loại bỏ ra khỏi đại chiến lược đã được thiết kế.

    Trong những bài trước chúng ta đã lí luận là thách thức chính trị cống hiến nhiều cái lợi lớn so với những kĩthuật đấu tranh khác. Các chiến lược gia sẽ cần phải suy xét về tình hình đấu tranh đặc biệt của mình và quyết định xem là thách thức chính trị có đem lại những câu trả lời khẳng định cho những câu hỏi nêu trên hay không.

Thiết kế cho dân chủ 

    Cần nhớ rằng chống lại một nền độc tài thì mục tiêu của đại chiến lược không phải chỉ đơn thuần là hạ bệ những nhà độc tài mà còn là xây dựng một hệ thống dân chủ và làm cho sự trỗi dậy của một nền độc tài mới không thể xảy ra được. Để đạt được những mục tiêu này, những phương tiện đấu tranh được lựa chọn sẽ cần phải đóng góp vào một sự thay đổi về việc phân phối quyền lực hữu hiệu trong xã hội. Dưới ách độc tài, dân chúng và các cơ chế dân sự đã quá yếu, và chính quyền thì quá mạnh. Không có một sự thay đổi về sự mất quân bình này, thì một nhóm những nhà cai trị mới, nếu họ muốn, cũng sẽ chỉ độc tài như những nhà độc tài cũ mà thôi. Một cuộc “đảo chánh cung đình” [lật đổ một nhà cai trị bởi một vị quyền lực khác, thường gây nên ít bạo lực] hay một cuộc đảo chánh, do đó, không được hoan nghênh.

    Thách thức chính trị đóng góp vào việc phân phối quyền lực hữu hiệu được đồng đều hơn nhờ sự huy động xã hội chống lại nền độc tài, như đã thảo luận ở Bài 019. Tiến trình này xảy ra bằng nhiều cách. Sự phát triển khả năng đấu tranh bất bạo động có nghĩa là khả năng đàn áp bằng bạo động của nền độc tài không còn tạo nên được sự hăm doạ và khuất phục trong dân chúng một cách dễ dàng nữa. Dân chúng sẽ có sẵn những phương tiện để phản công và đôi lúc chặn đứng nỗ lực sử dụng quyền lực của các nhà độc tài. Hơn nữa, sự huy động sức mạnh quần chúng bằng thách thức chính trị sẽ tăng sức mạnh cho những cơ chế độc lập của xã hội. Kinh nghiệm đã một lần sử dụng sức mạnh hữu hiệu không dễ gì mà quên đi một cách nhanh chóng được. Sự hiểu biết và kĩ năng tranh thủ được trong cuộc đấu tranh sẽ làm cho dân chúng có thể ít dễ bị thống trị hơn bởi những nhà độc tài có thể có. Sự chuyển đổi về những tương quan lực lượng này rốt cuộc sẽ làm cho việc thiết lập một xã hội dân chủ bền vững có nhiều cơ may được thực hiện hơn. 

Hỗ trợ từ quốc ngoại 

    Như là một phần của sự chuẩn bị cho một đại chiến lược, người ta cần phải thẩm định đâu là những vai trò của đối kháng quốc nội và của những áp lực quốc ngoại trong việc phân huỷ nền độc tài. Trong phân tích này, chúng ta đã lí luận là lực lượng chủ yếu của cuộc đấu tranh phải do chính người dân trong nước gánh vác. Nếu sự hỗ trợ quốc tế có xảy ra chăng thì cũng chỉ vì được kích động bởi cuộc đối kháng quốc nội mà thôi.

    Như là một bổ túc khiêm nhường, người ta có thể nỗ lực huy động ý kiến dân chúng thế giới chống lại nền độc tài trên căn bản nhân đạo, đạo đức, hay tôn giáo. Người ta có thể nỗ lực tranh thủ các chính quyền và tổ chức quốc tế áp dụng các chế tài ngoại giao, chính trị, và kinh tế chống lại nền độc tài. Các chế tài này có thể mang hình thái những cấm vận kinh tế và vũ khí quân sự, giảm bớt các cấp bậc ngoại giao được công nhậnhay là cắt đứt quan hệ ngoại giao, cấm chỉ hỗ trợ kinh tế và cấm đầu tư vào quốc gia độc tài, loại bỏ chính quyền độc tài ra khỏi các tổ chức quốc tế và các cơ quan Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa, hỗ trợ quốc tế, như là sự hỗ trợ trong việc cung cấp tài chánh và phương tiện truyền thông, cũng có thể được cung cấp trực tiếp cho các lực lượng dân chủ.

Thiết lập một đại chiến lược

Tiếp theo sau một cuộc thẩm định về tình hình, sự chọn lựa các phương tiện, và sự quyết định về vai trò của sự hỗ trợ quốc ngoại, các kế hoạch gia đại chiến lược sẽ cần phải phác hoạ những nét chính làm thế nào để có thể điều hành cuộc đấu tranh một cách tốt đẹp hơn cả. Kế hoạch tổng quát này sẽ bao trùm từ hiện tại cho đến ngày giải phóng trong tương lai cùng với sự định chế cho một hệ thống dân chủ. Khi soạn thảo một đại chiến lược các kế hoạch gia này sẽ cần phải tự đặt cho mình nhiều câu hỏi. Những câu hỏi sau đây đưa ra (một cách cụ thể hơn trước đây) nhiều loại xét định được đòi hỏi cho việc thiết lập một đại chiến lược cho một cuộc đấu tranh thách thức chính trị:

  • Cách nào là cách hay nhất để khởi động cuộc đấu tranh bất bạo động?
  • Làm thế nào để dân chúng bị áp bức có thể huy động được đủ tự tin và sức mạnh để có hành động thách thức nền độc tài, dù chỉ là khởi sự một cách có giới hạn?
  • Làm thế nào để khả năng của dân chúng áp dụng bất hợp tác và thách thức có thể được gia tăng với thời gian và kinh nghiệm?
  • Những mục tiêu cho một loạt những chiến dịch có giới hạn nhằm giành lại sự kiểm soát dân chủ đối với xã hội và nhằm hạn chế độc tài là gì?
  • Làm thế nào để phát triển sức mạnh tổ chức trong hàng ngũ những người đối kháng?
  • Làm thế nào để huấn luyện những người tham gia?
  • Những tài nguyên nào (tài chánh, trang bị, v.v.) sẽ cần được đòi hỏi trong suốt thời gian của cuộc đấu tranh?
  • Những loại biểu tượng nào có thể hữu hiệu nhất trong việc huy động quần chúng?
  • Bằng những loại hành động nào và vào những giai đoạn nào các nguồn sức mạnh của những nhà độc tài có thể bị làm cho càng lúc càng suy yếu đi hay là bị cắt đứt?
  • Làm thế nào để dân chúng có thể vừa kiên quyết trong việc thách thức vừa đồng thời duy trì được kỉluật bất bạo động cần thiết?
  • Làm thế nào để xã hội có thể vẫn tiếp tục đáp ứng được các nhu cầu của mình trong thời gian của cuộc đấu tranh?
  • Làm thế nào để trật tự xã hội vẫn được duy trì giữa lúc đấu tranh?
  • Khi chiến thắng đã gần kề, thì làm thế nào để đối kháng dân chủ có thể tiếp tục xây dựng một nền tảng cơ chế cho xã hội hậu độc tài để bước vào giai đoạn chuyển tiếp một cách êm thấm tối đa?

    Cần phải nhớ rằng không có hay không thể tạo ra được một mẫu đồ án duy nhất nào cho việc hoạch địch chiến lược cho mọi phong trào giải phóng khỏi độc tài. Mỗi một cuộc đấu tranh lật đổ một nền độc tài và thiết lập một hệ thống dân chủ sẽ có phần nào khác nhau. Không có hai hoàn cảnh hoàn toàn giống nhau, mỗi một nền độc tài đều có những đặc tính khác biệt, và các khả năng của dân chúng đi tìm tự do cũng biến đổi. Các kế hoạch gia của đại chiến lược cho một cuộc đấu tranh thách thức chính  trị sẽ đòi hỏi cần phải có một sự hiểu biết sâu xa không những về tình hình xung đột cụ thể, mà còn về những phương tiện đấu tranh đã được lựa chọn nữa.*

    Khi đại chiến lược cho cuộc đấu tranh đã được thiết kế một cách cẩn trọng, thì có nhiều lí do chính đáng để phổ biến rộng rãi đại chiến lược đó. Những con số lớn về những người đòi hỏi cần phải có để tham gia có thể sẽ sẵn lòng và có khả năng hành động hơn nếu họ hiểu được ý niệm tổng quát cũng như những chỉ dẫn cụ thể. Sự hiểu biết này có thể có tiềm năng tạo nên được một hiệu quả hết sức tích cực đối với tinh thần, với sự sẵn lòng tham gia, và hành động một cách thích hợp của họ. Những đường nét tổng quát của đại chiến lược dù sao cũng sẽ bị các nhà độc tài biết được và sự biết được những đặc trưng của đại chiến lược có thể sẽ làm cho họ bớt tàn bạo trong việc đàn áp của họ, khi biết rằng sự đàn áp này có thể dội ngược một cách chính trị chống lại chính họ. Biết được những đặc tính đặc thù của đại chiến lược cũng có thể có tiềm năng góp phần vào sự chia rẽ và li khai trong hàng ngũ của các nhà độc tài.

    Một khi đại chiến lược cho việc lật đổ một nền độc tài và xây dựng một hệ thống dân chủ đã được chấp thuận, thì điều quan trọng là các nhóm đấu tranh cho dân chủ phải kiên quyết áp dụng đại chiến lược đó. Chỉ trong những trường hợp hoạ hoằn lắm thì cuộc đấu tranh mới nên không theo sát đại kế hoạch tiên khởi. Khi có nhiều bằng chứng cho thấy là đại chiến lược đã được quan niệm sai lầm, hay là những hoàn cảnh của cuộc đấu tranh đã thay đổi từ căn bản, thì các kế hoạch gia có thể cần phải sửa đổi đại chiến lược. Ngay cả lúc bấy giờ, điều này chỉ nên làm sau khi một cuộc tái thẩm định cơ bản đã được thực hiện và một đại kế hoạch chiến lược đầy đủ hơn đã được soạn thảo và chấp thuận.

Thiết kế những chiến lược cho các chiến dịch 

    Tuy nhiên dù cho đại chiến lược được phác hoạ để chấm dứt độc tài và xây dựng dân chủ có khôn ngoan và đầy hứa hẹn như thế nào đi nữa, thì một đại chiến lược không tự thực thi được. Những chiến lược cụ thể sẽ cần phải được khai triển để điều hướng các chiến dịch quan trọng nhằm xói mòn quyền lực của những nhà độc tài. Các chiến thuật và các phương pháp đấu tranh cụ thể cần phải được chọn lựa cẩn trọng để chúng có thể đóng góp vào việc tranh thủ những mục đích của mỗi chiến lược. Cuộc thảo luận ở đây tập trung hoàn toàn vào cấp độ chiến lược.

    Các chiến lược gia thiết kế những chiến dịch quan trọng, cũng giống như các chiến lược gia thiết kế đại chiến lược, đòi hỏi cần phải có một sự hiểu biết thấu triệt về bản chất và cách thức vận hành của kĩ thuật đấu tranh đã được lựa chọn của mình. Cũng như những sĩ quan quân đội phải hiểu biết về những cấu trúc của lực lượng, về các chiến thuật, về hậu cần, đạn dược, những tác dụng của địa lí, và những điều như thế để có thể hoạch định chiến lược quân sự, những kế hoạch gia thách thức chính trị cần phải hiểu biết về bản chất và những nguyên tắc chiến lược của đấu tranh bất bạo động. Tuy nhiên, ngay cả khi được như thế, kiến thức về đấu tranh bất bạo động, chú tâm đến những khuyến cáo trong tiểu luận này, và trả lời những câu hỏi được đặt ra ở đây tự chúng cũng không tạo ra được các chiến lược. Thiết kế các chiến lược đấu tranh còn đòi hỏi một sự sáng tạo có thông tin.

    Trong khi thiết kế các chiến lược cho những chiến dịch đối kháng có chọn lọc cụ thể và cho sự khai triển dài hạn hơn của cuộc đấu tranh giải phóng, các chiến lược gia thách thức chính trị sẽ cần phải suy xét nhiều vấn đề và các khó khăn. Sau đây là một số vấn đề và khó khăn đó:

  • Sự quyết định những mục tiêu cụ thể của chiến dịch và các đóng góp của những mục tiêu này vào việc thực thi đại chiến lược.
  • Xét định những phương pháp cụ thể, hay là những vũ khí chính trị, có thể được sử dụng tốt nhất trong việc thực thi những chiến lược đã chọn. Trong mỗi một kế hoạch tổng quan cho một chiến dịch có chiến lược nào đó thì sẽ cần phải quyết định là những kế hoạch chiến thuật nhỏ hơn nào và những phương pháp đấu tranh cụ thể nào nên được sử dụng để áp đặt áp lực và những kiềm chế lên các nguồn sức mạnh của nền độc tài. Nên nhớ rằng việc đạt được các mục tiêu chính yếu sẽ đến như là kết quả của những bước nhỏ cụ thể được chọn lựa và thực hiện một cách cẩn trọng.
  • Quyết định xem những vấn đề kinh tế có liên quan đến cuộc đấu tranh toàn bộ mà chủ yếu là chính trị hay không, hoặc nếu có liên quan thì liên quan như thế nào. Nếu những vấn đề kinh tế nổi bật trong cuộc đấu tranh, thì sẽ cần phải lo cho những khiếu nại về kinh tế có thể thực sự được giải quyết sau khi nền độc tài đã được chấm dứt. Nếu không thì sự vỡ mộng và bất mãn có thể xảy ra nếu không có những giải pháp nhanh chóng trong giai đoạn chuyển tiếp đến một xã hội dân chủ. Một sự vỡ mộng như thế có thể thúc đẩy sự nổi dậy của những lực lượng độc tài hứa hẹn chấm dứt những khổ đau về kinh tế.
  • Quyết định sẵn trước là cơ cấu lãnh đạo nào và hệ thống truyền thông nào sẽ tốt nhất cho việc khởi động cuộc đấu tranh. Những phương tiện làm quyết định và truyền thông nào sẽ có thể thực hiện được trong tiến trình của cuộc đấu tranh để liên tục cung cấp hướng dẫn cho những người đối kháng và cho đại khối quần chúng?
  • Truyền đạt tin tức đối kháng cho đại khối quần chúng, cho các lực lượng của các nhà độc tài, và cho báo chí quốc tế. Những lời tuyên bố và tường trình phải luôn luôn hoàn toàn đúng sự thật. Các phóng đại và những lời tuyên bố vô căn cứ sẽ xói mòn lòng tin của những người đối kháng.
  • Các kế hoạch cho những hoạt động xây dựng tự lực về xã hội, giáo dục, kinh tế, và chính trị để đáp ứng các nhu cầu của dân mình trong cuộc đấu tranh sắp tới. Những dự án như thế có thể được điều hành bởi những người không trực tiếp liên quan đến các sinh hoạt đối kháng.
  • Quyết định loại hỗ trợ quốc ngoại nào nên có để nâng đỡ một chiến dịch cụ thể nào đó hay là hỗ trợ cuộc đấu tranh giải phóng toàn bộ. Làm thế nào để huy động và sử dụng sự giúp đỡ từ bên ngoài một cách tốt nhất mà không làm cho cuộc đấu tranh trong nước bị lệ thuộc vào những nhân tố quốc ngoại không chắc chắn? Sẽ cần phải lưu ý đến việc xem những những nhóm quốc ngoại nào có thể giúp đỡ mình hơn cả, thích hợp hơn cả, như là các tổ chức phi chính phủ (các phong trào xã hội, các nhóm tôn giáo hay chính trị, các nghiệp đoàn lao động, v.v.), các chính quyền, và/hoặc Liên Hiệp Quốc và các cơ quan phụ thuộc.

    Hơn nữa, các kế hoạch gia đối kháng cần phải có những biện pháp bảo toàn trật tự và đáp ứng các nhu cầu xã hội do chính những lực lượng của mình thực hiện trong thời gian quần chúng đối kháng chống lại những  kiềm chế độc tài. Điều này không những chỉ tạo nên được những cơ cấu dân chủ độc lập thay thế và đáp ứng những nhu cầu đích thực, mà còn làm giảm bớt lòng tin của dân chúng vào bất cứ những lời tuyên bố nào cho rằng đòi hỏi cần phải có đàn áp tàn ác mới ngăn chặn được tình trạng vô trật tự và vô luật pháp.

Phổ biến ý tưởng bất hợp tác 

    Để thách thức chính trị chống lại độc tài có thể thành công được thì khẩn thiết dân chúng cần phải nắm được cái ý tưởng về bất hợp tác. Như đã được minh hoạ qua câu chuyện “Ông Chủ Bầy Khỉ” (xem Bài 017), cái ý cơ bản thì đơn giản: nếu có đủ số những người thuộc cấp khước từ tiếp tục hợp tác trong một thời gian lâu đủ dù bị đàn áp, thì hệ thống đàn áp sẽ bị làm suy yếu đi và cuối cùng sẽ sụp đổ.

    Những người đang sống dưới một nền độc tài có thể đã quen thuộc với quan niệm này rồi, do nhiều nguồn khác nhau. Dù vậy, các lực lượng dân chủ cần phải có chủ ý phổ biến và đại chúng hoá cái ý tưởng bất hợp tác. Câu chuyện “Ông Chủ Bầy Khỉ”, hay là một câu chuyện tương tự, có thể được phổ biến trong khắp toàn thể xã hội. Một câu chuyện như thế có thể được hiểu một cách dễ dàng. Một khi quan niệm tổng quát về bất hợp tác đã được nắm chắc, thì dân chúng sẽ có khả năng hiểu được sự thích đáng của những lời kêu gọi thi hành bất hợp tác với nền độc tài. Họ cũng sẽ có khả năng tự mình ứng biến vô số những hình thái cụ thể về bất hợp tác trong những tình huống mới.

    Mặc dù những khó khăn và nguy hiểm trong những nỗ lực truyền đạt các ý tưởng, tin tức, và các chỉ dẫn cho đối kháng trong khi đang sống dưới các nền độc tài, nhưng các nhà dân chủ đã từng thường xuyên chứng minh là điều này có thể thực hiện được.

    Ngay cả dưới nền cai trị của Đức Quốc Xã và của Cộng sản, những người đối kháng vẫn có thể liên lạc được không những chỉ với những cá nhân mà còn ngay cả với những khán/thính giả quần chúng rộng lớn qua việc sản xuất ra những nhật báo bất hợp pháp, những truyền đơn, sách, và trong những năm sau đó qua đài phát thanh và các băng nhựa thâu thanh và thâu hình [và ngày nay, những phương tiện thông tin điện tử].

    Với lợi thế của việc thiết kế chiến lược có sẵn trước, những hướng dẫn tổng quát cho công việc đối kháng có thể được chuẩn bị và phổ biến. Những hướng dẫn này nêu lên những vấn đề và hoàn cảnh mà theo đó người dân cần nên phản đối và rút lại sự hợp tác, và điều này có thể được thực hiện như thế nào. Lúc đó, dù cho các liên lạc từ những người lãnh đạo đối kháng bị cắt đứt, và các chỉ thị cụ thể không được chuyển đạt hay nhận được, thì dân chúng vẫn sẽ biết làm thế nào để ứng xử về một số vấn đề quan trọng. Những hướng dẫn như thế cũng còn tạo được một trắc nghiệm để nhận dạng ra được những “chỉ thị đối kháng” giả mạo do cảnh sát chính trị tạo ra để kích động hành vi làm mất uy tín.

Đàn áp và những biện pháp phản công 

    Các kế hoạch gia chiến lược sẽ cần phải thẩm định những phản ứng và sự đàn áp có thể xảy ra, đặc biệt là lằn mức chuyển qua bạo lực, của nền độc tài đối với những hành động của đối kháng dân chủ. Sẽ cần phải quyết định làm thế nào để chịu đựng nổi, phản công lại, và tránh được việc đàn áp gia tăng có thể xảy ra này mà vẫn không chịu khuất phục. Về phương diện chiến thuật, trong một vài trường hợp, cần sẵn sàng đưa ra những cảnh báo thích hợp cho dân chúng về sự đàn áp sắp đến, để họ biết được những mạo hiểm khi tham gia. Nếu đàn áp có thể nghiêm trọng, thì cần phải có những chuẩn bị hỗ trợ y tế cho những người đối kháng bị thương.

    Dự đoán trước được sự đàn áp, các chiến lược gia sẽ thành công trong việc xét định sẵn việc sử dụng những chiến thuật và phương pháp đóng góp vào việc tranh thủ mục tiêu cụ thể của chiến dịch, hay là của công cuộc giải phóng, nhưng điều này sẽ làm cho việc đàn áp tàn bạo có lẽ ít xảy ra hơn hay ít có thể thực hiện được hơn. Ví dụ, biểu tình giữa đường và những cuộc diễn hành chống lại những nền độc tài quá khích có thể gây ấn tượng mạnh, nhưng cũng có thể mạo hiểm việc hằng ngàn người biểu tình phải chết. Mặc dù vậy, tổn thất cao về con số những người biểu tình có thể không thực sự tạo được nhiều áp lực đối với nền độc tài hơn là áp lực tạo ra bởi việc tất cả mọi người đều ở nhà, bởi một cuộc đình công, hay bởi công chức đồng loạt bất hợp tác tập thể.

    Nếu có đề nghị là hành động đối kháng khiêu khích mạo hiểm nhiều tổn thất cao là khẩn thiết cho mục đích chiến lược, thì người ta nên xét định một cách hết sức cẩn trọng những cái giá phải trả và những thắng lợi của đề nghị này. Dân chúng và những người đối kháng có thể hành sử một cách có kỉ luật và bất bạo động trong suốt tiến trình của cuộc đấu tranh hay không? Họ có thể kháng cự lại được những khiêu khích làm cho họ trở nên bạo động hay không? Những người làm kế hoạch cần phải xét định là cần phải có những biện pháp nào để giữ kỉ luật bất bạo động và duy trì đối kháng dù phải chịu những bạo tàn. Các biện pháp như là những lời thề, những xác quyết về chính sách, các thông cáo về kỉ luật, các trưởng ban trật tự cho các vụ biểu tình, và các vụ tẩy chay những người hay nhóm người thiên về bạo lực sẽ có thể thực hiện được và có hữu hiệu hay không? Những người lãnh đạo nên luôn luôn cảnh giác về sự hiện hữu của những chuyên viên khiêu khích có nhiệm vụ kích động để những người biểu tình trở nên bạo động.

Bám chặt kế hoạch chiến lược 

    Một khi đã có được một kế hoạch chiến lược tốt rồi thì các lực lượng dân chủ không nên bị chia trí bởi những động tác không quan trọng của những nhà độc tài có thể cám dỗ mình tách lìa khỏi đại chiến lược hay chiến lược cho một chiến dịch nào đó, khiến mình phải tập trung những hoạt động tầm cỡ vào những vấn đề không quan trọng. Những xúc động nhất thời cũng thế — có lẽ vì do phản ứng lại những bạo tàn mà nền độc tài đã gây ra — đều không được để cho cuộc đối kháng đi lệch ra khỏi đại chiến lược và chiến lược của chiến dịch. Những bạo tàn có thể đã được gây nên chính là để khiêu khích các lực lượng dân chủ từ bỏ kế hoạch đã được sắp xếp một cách đúng đắn và ngay cả có những hành động bạo động để cho các nhà độc tài có thể đánh bại họ một cách dễ dàng.

    Bao giờ sự phân tích cơ bản còn được xét là đúng đắn, thì công tác của các lực lượng đấu tranh cho dân chủ cần phải tiến công theo từng giai đoạn một. Dĩ nhiên là những thay đổi về chiến thuật và các mục tiêu trung hạn sẽ phải xảy ra và những người lãnh đạo giỏi sẽ luôn luôn sẵn sàng để khai thác cơ hội. Những điều chỉnh này không nên được nhầm lẫn với các mục tiêu của đại chiến lược hay những mục tiêu của một chiến dịch cụ thể nào đó. Thực thi một cách cẩn thận đại chiến lược đã được lựa chọn và các chiến lược cho các chiến dịch sẽ đóng góp cho thành công rất nhiều.

____________________________________

* Các khảo cứu trọn bộ đề nghị ở đây là The Politics of Nonviolent Action [Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động] của Gene Sharp, (Boston, Massachusetts: Porter Sargent, 1973) và Strategic Nonviolent Conflict [Đấu Tranh Bất Bạo Động Chiến Lược] của Peter Ackerman và Christopher Kruegler, (Westport, Connecticut: Praeger, 1994). Cũng nên xem thêm Waging Nonviolent Struggle: Twentieth Century Practice and Twenty-First Century Potential [Tiến Hành ĐấuTranh Bất Bạo Động: Thực Hành của Thế Kỉ thứ Hai Mươi và Tiềm Năng của Thế Kỉ thứ Hai Mươi Mốt] của Gene Sharp. Boston: Porter Sargent, 2005.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.