Khai thác Nhng Ci ngun của
Sc Mạnh
(Bài 032)
Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.
 

Những vấn đề của con người và sự phân phối quyền lực

Suốt thế kỉ vừa qua đã có nhiều tiến bộ quan trọng trong việc đáp ứng những nhu cầu của con người và trong việc cải tiến tự do và công lí trên khắp toàn cầu. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề trầm trọng chưa có cách giải quyết dễ dàng. Những tranh chấp lâu đời, những bất công, áp bức, và bạo lực vẫn tiếp tục và ngay cả mang những hình thái mới.

    Nhiều vấn đề trong số những vấn đề này đã được tạo ra và duy trì bởi những hành động của những người hay nhóm người quản lí bộ máy Nhà Nước của xã hội của họ bằng cách sử dụng những tài nguyên bao la, các cơ quan hành chánh, cảnh sát, và quân đội, để thực thi và áp đặt ý đồ của họ. Tại nhiều nước, nhóm thống trị thường được xem là có quá nhiều quyền lực đến độ họ có thể không đếm xỉa gì đến phúc lợi của những người họ thống trị để đạt những mục tiêu của họ.

    Trong những trường hợp khác, những nhóm quyền lực tạo ra những phương tiện kiềm chế và đàn áp của chính họ, và đã từng áp đặt ý đồ của họ bằng bạo lực bên ngoài guồng máy của chính quyền.

    Việc tập trung quyền lực và quyền kiểm soát vào Nhà Nước trong một vài hoàn cảnh có thể được áp dụng với một sự tàn ác ghê rợn chống lại người dân tự thấy mình rõ ràng là bất lực. Một Nhà Nước như thế có thể áp đặt chuyên chế, gây chiến tranh, tạo dựng và duy trì áp bức, nhồi sọ dân chúng, và phạm tội diệt chủng. Chính guồng máy của những kiểm soát hỗn hợp trung ương và bạo lực được cơ chế hoá đã làm cho chuyên chế hiện đại có thể hiện hữu1.

     Khi chống lại những đối thủ có những phương tiện kiềm chế và đàn áp mạnh mẽ, những người thường xem mình là nạn nhân của áp bức, của bất công, và của độc tài thường cảm thấy mình yếu và bất lực, không thể chống lại những sức mạnh đang khống chế mình. Những nhóm người bị khống chế này có thể là những tầng lớp kinh tế bị bóc lột, những thiểu số tôn giáo bị sách nhiễu, dân chúng của những quốc gia bị tấn công hay chiếm đóng, nạn nhân của mưu toan diệt chủng, những người sống dưới các nền độc tài, những quốc gia đang bị nô lệ ngoại bang, hay là các nhóm chủng tộc hay sắc tộc bị khinh miệt, và vân vân. Trong tất cả những trường hợp như thế này thì vấn đề là ở chỗ một nhóm người có quyền lực áp đặt ý đồ của mình lên một nhóm khác yếu thế hơn.

     Khi đối diện với một Nhà Nước mạnh như thế, quyền lực được xem là phát sinh từ một số ít người chỉ huy hệ thống hành chánh và những cơ chế có thể áp dụng bạo lực cho các mục đích chính trị. Dân chúng do đó bị tin là hoàn toàn yếu thế trước những nhà cai trị có thể dẹp qua một bên những cơ chế dân chủ và nhân quyền và dễ trở nên những nhà chuyên chế. Họ không bao giờ tin là họ có thể có đủ sức mạnh để cải tiến cuộc đời của họ và để thay đổi những tương quan xã hội.

Sức mạnh chính trị được xem như là phát sinh từ bạo lực 

Nếu dân chúng tin một cách phổ quát rằng sức mạnh thực sự trong chính trị phát sinh từ bạo lực, rằng sức mạnh này “phát xuất từ nòng súng”, thì bất cứ ai có nhiều súng nhất và súng lớn hơn cả sẽ thấy việc kiềm chế dân chúng dễ dàng hơn rất nhiều.

     Hầu hết các dân chúng như thế sẽ khuất phục một cách thụ động. Tuy nhiên, đôi khi những người từng không chấp nhận chế độ hiện hành vì áp bức và từng thấy sức mạnh của bạo lực dàn trận chống lại họ đã kết luận là họ phải sử dụng bất cứ thứ bạo lực nào mà họ có thể thu góp được để chống lại kẻ áp bức. Điều này có thể mang hình thái những cuộc nổi loạn bạo động, những vụ ám sát, khủng bố, hay là chiến tranh du kích. Kết quả của những hành động này đối với dân chúng thường không được tích cực bao nhiêu. Quân phiến loạn bạo động khó mà thành công chống lại một sức mạnh quá chênh lệch và đại bộ phận quần chúng hẳn sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề.

    Trong trường hợp khó xảy ra là quân phiến loạn bạo động thành công trong việc đánh bại những nhà cai trị áp bức, thì có lẽ những kẻ phiến loạn này sẽ chỉ đặt mình lên làm tập đoàn cai trị mới kiểm soát bộ máy Nhà Nước. Bạo lực đôi khi có thể dẹp bỏ những nhà cai trị hay nhóm thống trị trước đây rồi thay thế họ bằng những người khác hay nhóm khác. Tuy nhiên mối liên hệ giữa tập đoàn thống trị và người dân bị trị có lẽ sẽ không được thay đổi một cách căn bản bằng cách dùng bạo lực. Thực ra thì bạo lực có khuynh hướng đóng góp vào việc tập trung quyền lực và việc sử dụng bạo lực vào những mục tiêu chính trị nhiều hơn.

    Giải phóng thực sự và lâu bền đòi hỏi những thay đổi quan trọng trong những tương quan quyền lực trong xã hội, chứ không phải chỉ thay thế nhân viên. Giải phóng phải có nghĩa là các thành viên trong dân chúng bị thống trị và yếu đuối trước đây nay tranh thủ được quyền kiểm soát lớn hơn đối với đời sống của họ và nhiều khả năng ảnh hưởng đến các diễn biến hơn.

    Nếu chúng ta ước mong tạo dựng một xã hội mà trong đó người dân thực sự tự gầy dựng cuộc đời và tương lai của họ, và trong đó không thể có áp bức, thì chúng ta cần phải khai phá những phương cách khác thay thế hầu đáp ứng nhu cầu cơ bản của xã hội về những phương tiện sử dụng quyền lực. Chúng ta cần tìm hiểu các nguồn gốc của sức mạnh chính trị ở một bình diện căn bản hơn nhiều.

Sức mạnh chính trị như là một biến số 

Những quan điểm cho rằng sức mạnh phát sinh từ khả năng sử dụng bạo lực và quyền lực của các nhà cai trị vững chãi và tương đối lâu bền là không đúng. Những tương quan sức mạnh không cố định và không phải là không thay đổi được. Ngược lại, những khả năng quyền lực của Nhà Nước và của những thể chế khác trong xã hội thường biến đổi và được phát sinh từ sự tương tác của

  • những mức độ biến đổi của sức mạnh được các nhóm trong xã hội sử dụng;
  • mức độ các nhóm huy động tiềm năng sức mạnh của mình thành sức mạnh hữu hiệu;
  • mức độ mà những thể chế xã hội, kinh tế, và chính trị của Nhà Nước và của những cơ chế mạnh khác có thể uyển chuyển và đáp ứng được nguyện vọng của những khu vực khác nhau trong dân chúng.

Sự phân phối quyền lực hiện hữu trong xã hội là rất thực, nhưng nó không vĩnh hằng và sẽ không duy trì được trong mọi điều kiện. Thực vậy, sự phân phối này có khi đã thay đổi rất nhiều và rất nhanh chóng.

    Một thay đổi lớn trong việc phân phối quyền lực xảy ra khi những nguồn sức mạnh mà những nhà cai trị sẵn có bị làm suy yếu đi hay là bị rút mất, do đó làm giảm sức mạnh hữu hiệu của họ. Những tương quan quyền lực cũng thay đổi nếu những nhóm yếu trước đây huy động được tiềm năng sức mạnh chưa sử dụng của họ thành sức mạnh hữu hiệu.

    Trừ phi những nguồn sức mạnh của các nhóm thống trị bị giới hạn lại hay bị cắt đứt, hoặc những nguồn sức mạnh của nhóm yếu được huy động và tăng cường, hay là trừ phi cả hai đều xảy ra, thì các nhóm phục tùng và bị áp bức hiển nhiên là sẽ vẫn ở trong một vị trí quyền lực chủ yếu tương đối y như cũ. Điều này đúng dù cho có những thay đổi được thực hiện trong xã hội hay dù có hay không có những thay đổi nơi bản thân của những người cai trị.

    Một sự thông hiểu quán triệt hơn về bản chất của sức mạnh chính trị sẽ giúp chúng ta hiểu được làm thế nào để những tương quan quyền lực có thể được thay đổi tận gốc rễ. Đối nghịch lại với quan điểm độc tôn cho sức mạnh chính trị là vững chắc và rất lâu bền và chỉ có thể bị làm suy yếu hay đập vỡ bằng bạo lực có sức tiêu huỷ lớn lao mà thôi, thì nhận định sau đây chính xác hơn. Nhận định này cũng còn cho ta hiểu cách làm thế nào để kiềm chế một cách hữu hiệu những nhà cai trị có khả năng trở thành những kẻ áp bức.

Quan điểm xã hội về quyền lực

Quan điểm xã hội về quyền lực cho thấy là các nhà cai trị hay những hệ thống chỉ huy khác, bất kể hình thể bên ngoài, đều lệ thuộc vào thiện ý, quyết định, và hỗ trợ của dân chúng. Theo đó, thì quyền lực liên tục xuất phát từ nhiều bộ phận của xã hội. Sức mạnh chính trị do đó rất mong manh. Để có sức mạnh và để tồn tại, quyền lực phải lệ thuộc vào các nguồn cung cấp qua sự hợp tác của nhiều cơ chế và nhiều người — một sự hợp tác không khẩn thiết phải được tiếp tục.

     Để kiềm chế quyền lực của các nhà cai trị, những nguồn sức mạnh được các nhóm người và các cơ chế trong xã hội cung ứng cần phải được nhận dạng. Lúc bấy giờ dân chúng, khi cần, sẽ có thể siết lại hay cắt đứt sự cung cấp các nguồn sức mạnh này.

Các nguồn sức mạnh chính trị

Những người mà ở một thời điểm nào đó đã từng là những nhà cai trị tự bản thân họ không sở hữu quyền kiểm soát, quyền quản lí, và quyền đàn áp mà họ sử dụng. Bao nhiêu quyền lực mà họ có tuỳ thuộc vào bấy nhiêu quyền lực mà xã hội ban bố cho họ. Sáu trong số những nguồn sức mạnh chính trị này là:

     (1) Uy quyền: Điều này có thể được gọi là tính hợp pháp . Đó là phẩm chất khiến người ta chấp nhận cái quyền của những người hay những nhóm người được lãnh đạo, chỉ huy, hướng dẫn, và được nghe và được tuân phục bởi những người khác. Uy quyền được người ta tự nguyện chấp nhận, do đó hiện hữu mà không cần phải áp đặt các chế tài (hay trừng phạt). Những nhân vật uy quyền không khẩn thiết thực sự phải hơn người. Chỉ cần nhân vật đó hay nhóm đó được nhận thấy và chấp nhận hơn người là đủ. Dù không hoàn toàn đồng nghĩa với quyền lực, uy quyền dầu sao rõ ràng vẫn là một nguồn sức mạnh chính yếu.

     (2) Nhân lực: Quyền lực của các nhà cai trị chịu ảnh hưởng bởi số người tuân phục họ, hợp tác với họ, hoặc cung ứng cho họ những hỗ trợ đặc biệt; cũng như chịu ảnh hưởng bởi tỉ lệ những người như thế so với dân số, và bởi mức độ và hình thái của những tổ chức của những người này.

     (3) Kĩ năng và kiến thức: Quyền lực của các nhà cai trị cũng còn chịu ảnh hưởng bởi những kĩ năng, kiến thức và khả năng của những người, những nhóm, và những cơ chế hợp tác như thế, và bởi sự tương quan giữa những kĩ năng, kiến thức và khả năng của những người hay nhóm này đối với các nhu cầu của các nhà cai trị.

     (4) Những nhân tố không nắm bắt được: Những nhân tố tâm lí và ý thức hệ, như những tập quán và những thái độ đối với sự tuân phục và khuất phục, và sự hiện hữu hay thiếu vắng của một niềm tin, một ý thức hệ, hay một ý niệm về một sứ mạng, tất cả đều đóng góp vào sức mạnh của các nhà cai trị.

     (5) Vật lực: Mức độ nhà cai trị kiểm soát tài sản, tài nguyên thiên nhiên, nguồn tài chánh, hệ thống kinh tế, phương tiện truyền thông và vận chuyển, vân vân, sẽ giúp quyết định mức độ hay giới hạn quyền lực của các nhà cai trị.

     (6) Các chế tài: Những thứ này được mô tả là để “buộc phải tuân phục”. Loại và mức độ cấm đoán, hay là trừng phạt, mà các nhà cai trị có sẵn trong tay, cả hai đều để sử dụng chống lại người dân của mình và trong những tranh chấp với những nhà cai trị khác, là một nguồn sức mạnh chính yếu. Các hình phạt được những nhà cai trị sử dụng đối với người dân của mình nhằm bổ túc sự tự nguyện chấp nhận uy quyền của họ và để tăng mức độ tuân phục các mệnh lệnh. Những hình phạt này có thể là bạo động hay không bạo động; có thể được dùng như là một sự trừng trị hay như là một hành động ngăn chặn bất tuân trong tương lai. Các hình phạt ở trong nước, như tù tội hay hành quyết, thường nhằm trừng trị bất tuân hay ngăn cản bất tuân trong tương lai, chứ không phải để đạt mục tiêu của mệnh lệnh ban đầu. Những hình phạt quân sự có thể nhằm để phòng thủ hay ngăn chặn kẻ thù nước ngoài hay để đánh đối lập hùng mạnh ở trong nước.

    Sự hiện diện của một vài hay tất cả sáu nguồn sức mạnh này trong tay các nhà cai trị luôn luôn là một vấn đề mức độ. Hiếm hoi lắm các nhà cai trị mới hoàn toàn có tất cả hay là hoàn toàn không có tất cả những nguồn sức mạnh này.

    Các tương quan quyền lực tương tự như những tương quan quyền lực trong các xã hội chính trị có những cơ cấu Nhà Nước, cũng hiện hữu trong những cơ chế hệ đẳng khác, và những cơ chế này cũng lấy sức mạnh từ sự hợp tác của nhiều người và nhiều nhóm. Do đó những hình thức li khai, bất hợp tác, và bất tuân có thể đóng một vai trò quan trọng khi các thành viên của những cơ chế này có những khiếu nại chống lại những người điều khiển và kiểm soát những cơ chế này.

Những nguồn sức mạnh lệ thuộc vào sự tuân phục và hợp tác

Sáu nguồn sức mạnh chính trị này cần thiết cho việc thiết lập và duy trì quyền lực và sự kiểm soát. Tuy nhiên, khả năng thủ đắc được những nguồn sức mạnh này luôn luôn biến đổi và không khẩn thiết được an toàn.

    Sự kiểm soát dân chúng và xã hội của những nhà cai trị càng rộng lớn và càng chi tiết thì sự hỗ trợ mà họ đòi hỏi ở những cá nhân, các nhóm, và các tổ chức, và các ngành trong chính quyền càng nhiều. Nếu những người “phụ tá” cần thiết này bác bỏ uy quyền của các nhà cai trị thì họ có thể thi hành những ước muốn và những lệnh của các nhà cai trị một cách vô hiệu năng, hay là thẳng thừng từ chối tiếp tục sự hỗ trợ thường lệ của họ. Khi điều này xảy ra thì toàn bộ sức mạnh hữu hiệu của các nhà cai trị sẽ bị suy giảm.

    Bởi vì phải lệ thuộc vào những người khác để điều hành hệ thống, các nhà cai trị liên tục chịu các ảnh hưởng và câu thúc do những phụ tá trực tiếp của họ cũng như do dân chúng nói chung tạo nên. Khả năng kiềm chế các nhà cai trị của những nhóm người này sẽ lớn hơn hết ở những lãnh vực mà các nhà cai trị phải lệ thuộc vào họ hơn cả.

    Hãy lấy thí dụ về uy quyềnchế tài theo quan điểm này. Bốn nguồn sức mạnh còn lại tuỳ thuộc vào hai nguồn này rất nhiều.

    Uy quyền cần thiết cho sự sinh tồn và điều hành của bất cứ chế độ nào. Tất cả các nhà cai trị đều đòi hỏi người dân phải chấp nhận uy quyền của họ: quyền cai trị, quyền chỉ huy, và quyền được tuân phục. Chìa khoá của sự tuân phục theo thói quen là tranh thủ trí óc. Tuân phục khó mà trở thành tập quán trừ phi mang tính trung kiên, chứ không phải bị ép buộc. Uy quyền cốt yếu phải được chấp nhận một cách tự nguyện.

    Việc làm suy yếu hay sụp đổ uy quyền hiển nhiên nghiêng về việc nới lõng khuynh hướng tuân phục của người dân. Tiếp đến là quyết định tuân phục hay bất tuân được thực hiện một cách có ý thức. Người ta cũng có thể từ chối tuân phục. Việc mất đi uy quyền sẽ khởi động sự tan rã quyền lực của nhà cai trị. Uy quyền của họ bị bác bỏ chừng nào thì quyền lực của họ bị suy giảm chừng ấy.

     Các chế tài có thể được áp dụng để ép buộc tuân phục và hợp tác. Tuy nhiên, các nhà cai trị đòi hỏi nhiều hơn là sự phục tùng miễn cưỡng bề ngoài. Các hình phạt sẽ không đủ khi mà sự chấp nhận uy quyền của nhà lãnh đạo vẫn còn bị giới hạn. Bất kể những hình phạt, dân chúng vẫn có thể không tuân phục và không hợp tác đến mức cần thiết.

    Có một tương quan đặc biệt giữa chế tài và khuất phục. Trước tiên, khả năng áp đặt trừng phạt phát sinh từ sự tuân phục và hợp tác của ít nhất là một số người dân. Thứ đến, những hình phạt này có hữu hiệu hay không tuỳ thuộc vào phản ứng của những người dân bị đe doạ hay bị áp dụng những hình phạt này. Câu hỏi ở đây là người dân tuân phục đến mức độ nào mà không cần phải bị đe doạ, và họ vẫn tiếp tục bất tuân đến mức độ nào bất kể những hình phạt.

    Ngay cả khả năng của các nhà cai trị nhận ra được và trừng trị bất tuân cũng lệ thuộc vào những tập quán hiện có về tuân phục và hợp tác. Sự tuân phục của những người dân bị trị càng mạnh thì xác suất nhận dạng được và trừng trị bất tuân và bất hợp tác càng lớn. Người dân càng ít tuân phục và càng ít hợp tác thì sự nhận dạng và ép buộc của các nhà cai trị sẽ càng ít hữu hiệu.

    Quyền lực của các nhà cai trị lệ thuộc vào sự liên tục có được tất cả những hình thức hỗ trợ mà họ cần. Sự hỗ trợ này đến không những chỉ từ những cá nhân, các giới chức, và nhân viên, và vân vân, nhưng còn từ những tổ chức chi nhánh và những cơ chế tạo nên hệ thống như là một tổng thể. Đây có thể là các bộ trong chính phủ, các sở, ngành, và vân vân. Cũng giống như những cá nhân và các nhóm độc lập có thể khước từ hợp tác, những tổ chức đơn vị này cũng có thể từ chối cung ứng hỗ trợ đủ để giúp những nhà cai trị có thể duy trì vị thế của mình và thực thi các chánh sách của họ. Không có một tổ chức hay cơ chế phức tạp nào, ngay cả Nhà Nước, lại có thể thực thi được mệnh lệnh nếu những cá nhân hay các tổ chức đơn vị tạo nên cơ chế đó không giúp cho cơ chế đó thực hiện điều này.

    Sự ổn định nội tại của các nhà cai trị có thể được đo lường bằng tỉ lệ sức mạnh của các lực lượng xã hội mà họ kiểm soát và sức mạnh của những lực lượng xã hội chống đối họ.

Tuân phục là huyết mạch của sức mạnh chính trị

Tương quan giữa chỉ huy và tuân phục luôn luôn là một tương quan ảnh hưởng lẫn nhau và một phần nào là một tương quan về mức độ tương tác. Nghĩa là, chỉ huy và tuân phục ảnh hưởng lẫn nhau. Không có được sự tuân phục mong muốn ở thuộc cấp (dù là dưới hình thức chấp nhận thụ động hay là đồng ý tích cực) thì tương quan quyền lực sẽ không được toàn vẹn, dù có đe doạ hay trừng phạt hay không.

    Những lí do tại sao người ta tuân phục các nhà cai trị thì rất nhiều, phức tạp, biến đổi, và liên hệ lẫn nhau. Các lí do nầy bao gồm:

  • Thói quen
  • Sợ bị trừng phạt
  • Bổn phận luân lí
  • Quyền lợi cá nhân
  • Đồng cảm tâm lí với nhà cai trị
  • Bất cần
  • Không tự tin đủ để bất tuân

Tất cả các nhà cai trị đều dùng sự tuân phục và hợp tác của một số thành phần của xã hội để cai trị toàn thể xã hội. Thành phần dân chúng quản lí và thực thi các chính sách của nhà cai trị thì chắc chắn là sẽ tuân phục và hợp tác trong những phần vụ đó vì những cảm nghĩ về bổn phận luân lí và cũng vì quyền lợi cá nhân, đặc biệt là những động lực liên quan đến lợi nhuận kinh tế, uy tín, và địa vị xã hội.

    Hầu hết dân chúng tuân phục vì thói quen. Tuy nhiên mức độ tuân phục trong quần chúng nói chung, ngay cả trong số những nhà quản trị và những người thực thi mệnh lệnh, không bao giờ cố định, cũng không phải tự động, cũng không thuần nhất, và cũng không phổ quát. Bởi vì những lí do để người ta tuân phục luôn luôn biến đổi, cho nên mức độ tuân phục cũng biến đổi, tuỳ thuộc vào những cá nhân liên hệ và vào hoàn cảnh xã hội và chính trị. Tất cả mọi xã hội đều có những giới hạn mà các nhà cai trị phải theo nếu họ muốn mệnh lệnh của họ được tuân phục và dân chúng hợp tác.

    Sự bất tuân và bất hợp tác của quần chúng hiếm khi được xem nhẹ. Bất phục tòng thường bị trừng trị. Tuy nhiên, trong một số hoàn cảnh, những thành viên trong dân chúng sẵn sàng chịu đựng những hậu quả của bất hợp tác và bất tuân, gồm có những phiền toái, khốn khổ, và những quấy rầy đời sống của họ, hơn là tiếp tục chịu khuất phục một cách thụ động hay là tuân phục những nhà cai trị có những chính sách và hành động không còn có thể chấp nhận được nữa.

    Khi những lí do để tuân phục yếu thì các nhà cai trị thường tìm cách tranh thủ cho kì được một sự tuân phục mạnh hơn bằng cách áp dụng những hình phạt nặng nề hơn hay bằng cách gia tăng tưởng thưởng cho sự tuân phục. Tuy nhiên, những kết quả mà nhà cai trị mong muốn vẫn không được bảo đảm. Một sự thay đổi trong ý chí của người dân có thể dẫn đến việc rút lui sự cung cấp cho các nhà cai trị các dịch vụ, sự hợp tác, sự khuất phục và tuân phục.

    Sự rút lui hợp tác và tuân phục trong một vài hoàn cảnh cũng có thể xảy ra trong số những nhà quản trị và nhân viên đàn áp của nhà cai trị. Thái độ và hành động của họ rất quan trọng. Không có sự hỗ trợ của họ, hệ thống áp bức sẽ tan rã.

    Vì thường quen với sự tuân phục và hợp tác phổ quát, nên các nhà cai trị không luôn luôn thấy trước được một sự bất phục tòng lan rộng và do đó thường gặp khó khăn trong việc giải quyết sự bất tuân và sự quyết tâm bất hợp tác.

Đồng ý và rút lui sự đồng ý

Mỗi lí do để tuân phục, dù tự nguyện hay là vì sợ bị trừng phạt (đồng ý vì bị de doạ), đều phải thông qua ý chí hay ý muốn của người biểu lộ sự tuân phục. Những lí do tuân phục hiện tại phải được dân chúng xem như là đủ cơ sở để vâng phục. Tuy nhiên ý chí hay ý muốn của từng cá nhân có thể thay đổi do những ảnh hưởng, những biến cố, và những động lực mới. Ở những mức độ khác nhau, ý chí của chính cá nhân có thể đóng một vai trò sinh động trong việc tuân phục hay bất tuân. Tiến trình này có thể xảy ra nếu có số đông người.

    Sự lựa chọn riêng tư giữa việc tuân phục hay bất tuân sẽ chịu ảnh hưởng bởi sự lượng định về những hậu quả hoặc ngắn hạn hoặc dài hạn của việc tuân phục hay bất tuân, hay là của một sự hỗn hợp của cả hai điều này, tuỳ từng cá nhân. Nếu người dân nhận thấy là hậu quả của tuân phục tệ hơn là hậu quả của bất tuân thì có lẽ người ta sẽ bất tuân.

    Tuân phục chỉ có khi người ta phục tòng mệnh lệnh. Nếu bạn bị xử phải ở tù và bạn vui lòng đi tù, thì bạn đã tuân phục. Nếu bạn bị kéo vào tù thì bạn đã không tuân phục.2

    Cưỡng bách thân xác có thể gặt hái được một vài kết quả, nhưng vì chỉ tác động lên thân xác, nên nó không khẩn thiết phải đem lại tuân phục. Chỉ một vài loại mục tiêu là có thể đạt được bằng cách trực tiếp cưỡng bách thân xác những người dân bất tuân mà thôi – như là dời họ đi chỗ khác, ngăn cấm họ di chuyển, tịch thu tiền bạc và tài sản, hay là giết chết họ. Nhưng những hành động này không khẩn thiết đem lại kết quả tuân phục. Một số hết sức lớn những mệnh lệnh và những mục tiêu của nhà cai trị có thể đạt được chỉ bằng cách thuyết phục người dân thi hành vì một lí do nào đó mà thôi. (Hố vẫn không được đào dù cho những người khước từ đào hố đó bị bắn chết.) Không phải hình phạt đem lại sự tuân phục, mà chính là sự sợ hãi những hình phạt.

    Tuy vậy, người ta thường tìm cách tránh né những hình phạt nặng nề đối với bất tuân và bất hợp tác, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt khi cảm xúc quá mãnh liệt. Trong những trường hợp này, thì bất kể đàn áp, bất tuân và bất hợp tác đôi khi vẫn xảy ra.

    Tóm lại, quyền lực của nhà cai trị lệ thuộc vào sự có được sáu nguồn sức mạnh này, như đã nói trước đây. Sự có được này được quyết định bởi mức độ tuân phục và hợp tác do người dân cung ứng. Dù có bị thuyết phục, áp lực, và ngay cả trừng phạt, người dân tuy vậy vẫn không chắc là sẽ tuân phục và hợp tác. Tuân phục thiết yếu là do tự nguyện. Do đó, mọi chính quyền đều đặt cơ sở trên sự thoả thuận.

    Điều này không có nghĩa là dân chúng dưới quyền tất cả những nhà cai trị đều yêu chuộng trật tự đã được thiết lập. Có khi người ta đồng ý vì tích cực chấp thuận. Tuy nhiên, người ta cũng thường đồng ý vì có lúc người ta không sẵn lòng chịu đựng những hậu quả do từ chối thoả thuận gây ra. Đây là trường hợp thoả thuận vì bị hăm doạ. Từ chối thoả thuận đòi hỏi tự tin, động lực đối kháng, và sự hiểu biết phải hành động như thế nào để từ chối, và thường đem lại rất nhiều phiền toái và khốn khổ.

Nền tảng cơ cấu của đối kháng

    Giải pháp đối với vấn đề quyền lực chính trị không được kiểm soát, nghĩa là đối với áp bức, do dó có thể nằm trong việc học tập làm cách nào để thi hành và duy trì việc rút lui sự tuân phục và hợp tác dù bị đàn áp. Điều này không phải dễ.

    Thường thường người ta có thể tranh thủ được nhiều tin tưởng và khả năng thi hành bất hợp tác và bất tuân hơn khi các thành viên trong dân chúng có thể hoạt động như là những thành viên của những nhóm hay những cơ chế. Đây cũng là một đòi hỏi cần thiết cho việc siết lại hay cắt đứt một cách hữu hiệu các nguồn sức mạnh chính trị đã được thảo luận ở trên. Đôi khi những cá nhân riêng lẻ có thể chống đối, từ chức, mà hầu như không được chú ý, nhưng nếu tất cả mọi người trong một bộ của chính phủ khước từ thực thi một chính sách thì hành động của họ có thể tạo nên một cuộc khủng hoảng lớn lao.

    Đặc biệt quan trọng là muốn có một tác động chính trị lớn lao thì bất tuân và bất hợp tác thường cần phải mang hình thức hành động tập thể của quần chúng. Những hành động cá nhân nhiều khi có thể không đem lại được tác dụng bao nhiêu, nhưng sự thách thức của những tổ chức, những cơ chế — ví dụ như là các công đoàn, các tổ chức thương mãi, các tổ chức tôn giáo, bộ máy hành chánh, hàng xóm, các làng, các đô thị, các vùng, và vân vân – có thể là yếu tố quyết định. Qua những tổ chức này người ta có thể thi hành bất tuân và bất bạo động như là một tập thể. Các tổ chức và cơ chế như thế cung cấp những nguồn sức mạnh cho nhóm đối phương, được gọi là những “cột trụ chống đỡ.”3

Khả năng của dân chúng sử dụng sức mạnh và kiềm chế sức mạnh của nhà cai trị sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi tình trạng của các tổ chức và cơ chế này. Đây là những “nơi” (hay là tụ điểm) để huy động lực lượng và điều hành lực lượng. Những “nơi” như thế tạo nên nền tảng cơ cấu cho việc kiềm chế các nhà cai trị, dù họ có muốn bị kiềm chế hay không. Ở nơi nào các tổ chức độc lập yếu thì nơi đó những kiềm chế quyền lực của nhà cai trị sẽ yếu. Nơi nào những tổ chức này mạnh thì khả năng kiềm chế các nhà cai trị sẽ mạnh.4

Những nhân tố trong việc kiềm chế sức mạnh chính trị 

Ba trong số những nhân tố quan trọng nhất quyết định mức độ quyền lực của nhà cai trị có bị kiềm chế hay không bị kiềm chế là:

  • ước muốn tương đối của quần chúng muốn kiềm chế quyền lực của nhà cai trị;
  • sức mạnh tương đối của các tổ chức và cơ chế độc lập của xã hội;
  • khả năng tương đối của dân chúng trong việc rút lui sự thoả thuận và hợp tác bằng những hành động cụ thể.

Tự do không phải là điều mà nhà cai trị “cho” người dân. Mức độ tự do trong một xã hội đạt được là nhờ sự tương tác giữa xã hội và chính quyền.

    Theo nhận định xã hội này về bản chất của quyền lực chính trị thì người dân có tiềm năng sức mạnh bao la. Rốt cuộc, chính thái độ của họ, hành vi của họ, sự hợp tác và tuân phục của họ đã cung cấp các nguồn sức mạnh cho tất cả những nhà cai trị và các hệ thống hệ đẳng, ngay cả cho những kẻ áp bức và những bạo chúa.

    Mức độ tự do hay chuyên chế nơi bất cứ chính quyền nào, do đó, một phần lớn, phản ánh sự quyết tâm được tự do của dân chúng và sự sẵn lòng và khả năng của họ chống lại những nỗ lực nô lệ hoá họ. “Vì vị bạo chúa chỉ có quyền lực giáng xuống được điều mà chúng ta không có đủ sức mạnh để chống lại mà thôi.” Nhà xã hội học Ấn Độ Krishnalal Shridharani đã viết như vậy.5

Tự giải phóng và huy động tiềm năng sức mạnh 

Không có sự tham gia của chính quần chúng trong những nỗ lực tạo thay đổi, thì có lẽ sẽ không có những thay đổi lớn về vị thế  quyền lực tương đối giữa dân chúng và bất cứ những kẻ nào sẽ chiếm giữ được vị thế của những nhà cai trị. Tốt lắm là một nhóm mới sẽ thay thế những người cũ để cai trị. Những nhà cai trị mới, tuỳ theo sở thích của họ, có thể, cũng như có thể không, hành động tự chế và lo lắng đến hạnh phúc và các tự do của người dân.

_________________________________________________________

CƯỚC CHÚ

Để có đầy đủ hơn những phân tách về quyền lực và các nguồn suy tư trong chương này, hãy xem Gene sharp, Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động [The Politics of Nonviolent Action], (Boston, Porter Sargent, 1973), tt. 7-62, và Gene sharp, Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị [Social Power and Political Freedom], (Boston: Porter Sargent, 1980), tt. 21-67 và 309-387.

1 Để thảo luận thêm về điểm phân tích này, yêu cầu xem Gene Sharp, Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị [Social Power and Political Freedom], tt. 285-305.

2 David Austin, Các Bài Giảng về Luật Học hay là Triết Lí Pháp chế [Lectures on Jurisprudence or the Philosophy of Positive Law], (Fifth Edition, rev. and ed. By Robert Campbell; 2 vols. London: John Murray, 1911) Tập I, tt. 295-297.

3 Từ này được Robert Helvey đưa vào

4 Để thảo luận thêm về sự phân tách này, y/c xem Gene Sharp, “Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị”, trong Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị [Social Power and Political Freedom], tt. 21-67.

5 Krishnalal Shridharani, Chiến Tranh Không Bạo Lực: Một Nghiên Cứu về Phương Pháp của Gandhi và Thành Quả [War Without Violence: A Study of Gandhi’s Method and Its Accomplishments], (New York: Harcourt, Brace and Co., 1939; In lại: New York & London: Garland Publishing, 1972), t. 305.

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.