Tăng Khả Năng Của Quần Chúng (I)
( Bài 053)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Nhu Cầu Của Con Người Và Sự Phân Phối Quyền Lực

    Mọi người trong xã hội chúng taa đều không tham gia nhiều vào những quyết định và hành động hình thành cuộc sống và các cơ chế của mình. Điều này là một chỉ dấu quan trọng là chúng ta chưa thực thi những lí tưởng của gia tài của chúng ta một cách thoả đáng.

    “Chúng ta” — hầu hết những thành viên của xã hội của chúng ta – nói rằng chúng ta tin vào giá trị của con người, của tự do, công lí, hoà bình, sự sung túc về kinh tế, và vào những nguyên tắc liên hệ. Nếu như thế, thì chúng ta có bổn phận phải vừa cố gắng thực thi những nguyên tắc này trên thế giới trong đó chúng ta đang sống, vừa làm những gì mà chúng ta có thể làm được để xây dựng một xã hội mô phỏng được những lí tưởng đó nhiều hơn cho những thế hệ kế tiếp. Đôi khi những nỗ lực thực thi những lí tưởng của chúng ta có nghĩa là bảo toàn những phần tốt đẹp nhất của xã hội hiện tại đang thực hành những nguyên tắc đó. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ bởi vì mặc dù đã đạt được những thành quả tích cực này, nhưng xã hội của chúng ta vẫn có những khuyết điểm trầm trọng cần phải được sửa sai. Trong những trường hợp này, thực thi những lí tưởng của chúng ta có nghĩa là tìm ra những thay đổi nền tảng.

Xét Định Các Nhu Cầu Của Con Người

 

    Xã hội của chúng ta không đáp ứng được những nhu cầu căn bản của con người, và ngay cả những nhu cầu này cũng bị hiểu một cách quá hạn hẹp. Cái nhìn hết sức giới hạn của chúng ta về những nhu cầu này là nguyên nhân chính yếu của những thất bại của những nỗ lực trong quá khứ nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

    Dĩ nhiên là đúng – nếu không có lương thực, quần áo, và nơi trú ẩn khỏi nắng mưa, và nhiên liệu để sưởi ấm và nấu ăn và công ăn việc làm để sản xuất hay tậu mãi các thứ ấy – thì sự sống không tồn tại được. Thật là tồi tệ khi những nhu cầu này không được đáp ứng cho tất cả mọi người, và sự kiểm soát những thứ này không nằm trong tay của những người cần chúng. Sự kiện này làm chúng ta căm phẫn còn hơn là đói và những hậu quả khác của bần cùng, bởi vì nắm được quyền kiểm soát trong tay, người ta có thể tự cung cấp những nhu cầu vật chất cho chính mình.

    Tuy nhiên, các nhu cầu vật chất không phải chỉ là những nhu cầu căn bản duy nhất của con người và đáp ứng những nhu cầu này mà thôi sẽ không tạo được một xã hội lí tưởng. Những nhu cầu này có thể được cung ứng một cách hữu hiệu trong các nhà tù. Ngoài những nhu cầu vật chất căn bản của chúng ta, con người còn có những nhu cầu về sinh lí, tâm lí, xã hội, và ngay cả “chính trị” nữa. Chúng ta hãy nhìn sơ qua những nhu cầu này. Những nhu cầu này trông có vẻ đơn giản, hay là không thích hợp cho một phân tích có tính cấu trúc. Tuy nhiên, Nếu không có được nhận thức khoáng đạt này thì có lẽ chúng ta sẽ vấp phải những lỗi lầm của quá khứ trong những nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng một xã hội có thể đáp ứng những nhu cầu của con người một cách đầy đủ hơn – những lỗi lầm phát xuất từ những quan tâm đến việc chỉ cung cấp lương thực, nhà cửa, và công việc, chẳng hạn, mà quên đi những nhu cầu khác ít cụ thể hơn.

    Như là những con người, chúng ta cần yêu thương và được yêu thương. Chúng ta cần chia sẻ, cần dịu dàng, và cần được người khác cần đến mình. Như là một chủng loại, chúng ta cần sinh con đẻ cái và nuôi dưỡng chúng. Chúng ta cần học hỏi những lề thói của xã hội của chúng ta, và hi vọng là của những xã hội khác nữa, và học hỏi và chia sẻ những gia tài quá khứ của chúng ta. Chúng ta cần học hỏi để biết chúng ta là ai, để phát huy tự trọng và tán thưởng những khả năng và giá trị của mình. Chúng ta cần có những niềm vui, cần nghỉ ngơi, cần sáng tạo, cần những cơ hội để phát triển và thay đổi, và để thoả mãn những hiếu kì trong lúc chúng ta đi tìm kiến thức, những nhận định sáng suốt, và các chân lí mới. Chúng ta cần phát triển trí óc, những khả năng trí tuệ, khả năng suy tư và lí luận của chúng ta. Những khả năng tiếp xúc giữa chúng ta với nhau, với những hình thái khác của sự sống, và với thế giới và vũ trụ mà chúng ta là một thành phần, tất cả những thứ này đều cần phát triển. Chúng ta cần đồng cảm với người khác, cần là thành viên của nhóm, và cần hãnh diện về nhóm của mình. Chúng ta cần được che chở khỏi những nguy hiểm và tấn công và những đe doạ đến sự sống của mình. Các nhóm của chúng ta cần phải tồn tại chống lại những đe doạ về cả văn hoá lẫn thể xác.

    Hết sức quan trọng là, như là những cá nhân và nhóm, chúng ta còn cần có khả năng sức mạnh để quyết định chúng ta phải sống như thế nào. Chúng ta cần sức mạnh để kiểm soát đời sống của mình, để chống lại những lực lượng uốn nắn chúng ta, làm hại chúng ta, hay hủy hoại chúng ta, một khả năng tạo dựng cuộc sống và tương lai của chúng ta, dù ngay cả đang phải đương đầu với những lực lượng thù nghịch. Hầu hết những sửa đổi được đề nghị cho những tệ hại xã hội quá ít chú trọng đến những nhu cầu rộng lớn của con người này và nhất là nhu cầu về sức mạnh hữu hiệu này.

    Trừ phi đáp ứng được những nhu cầu vượt quá những nhu cầu vật chất, chúng ta vẫn thiếu những phẩm chất và khả năng của con người. Do đó, những nỗ lực đáp ứng những nhu cầu của con người một cách đầy đủ hơn cần phải được nhắm đến đáp ứng tất cả mọi nhu cầu, chứ không phải chỉ những nhu cầu vật chất mà thôi. Những nỗ lực đáp ứng những nhu cầu vật chất không được ảnh hưởng tiêu cực đến việc thoả mãn những đòi hỏi ít cụ thể hơn hay nhu cầu của chúng ta về sức mạnh để kiểm soát đời sống của mình. Ngược lại, những nỗ lực nhằm đáp ứng – và ở nơi nào có thể được nhằm tích cực trợ giúp đáp ứng — bất cứ nhu cầu nào của con người cũng phải phù hợp với việc thoả mãn tất cả mọi nhu cầu. Điều này trên phương diện phẩm sẽ đem lại những kết quả khác từ những nỗ lực dựa trên một sự quan tâm có giới hạn hơn. Đáp ứng những nhu cầu rộng lớn hơn này của con người một cách đầy đủ hơn sẽ còn giúp chúng ta giải quyết những vấn đề của độc tài, của diệt chủng, của chiến tranh, và của những hệ thống áp bức xã hội đã được thảo luận trong các chương trước.

Những Vấn Đề Của Chúng TaVà Việc Tập Trung Quyền Lực

 

    Tất cả mọi vấn đề trầm trọng về xã hội, kinh tế, và chính trị một lúc nào đó sẽ có liên quan đến sự sai lạc nghiêm trọng trong việc phân phối quyền lực.b Điều này có nghĩa là quyền lực hữu hiệu đã trở nên quá bị tập trung vào một số thành phần nào đó trong dân chúng và trong các cơ chế, và, nghiêm trọng hơn cả, là vào trong tay của guồng máy nhà nước. Các nhóm khác, hay là ngay cả quần chúng nói chung, so với những nhóm hay cơ chế đó thì yếu kém, và do đó sẽ thua thiệt trước ý chí của nhóm quyền lực.

    Khả năng quyền lực của những nhóm nào đó trong một xã hội vào một lúc nào đó hoàn toàn không phải là hiển nhiên và không thay đổi được. Đó là kết quả của: (1) những mức độ mà các nhóm này huy động được các nguồn sức mạnh để sử dụng – nghĩa là, tiềm năng quyền lực của họ; (2) những mối tương quan giữa những mức độ khác nhau về sức mạnh mà mỗi nhóm riêng rẽ hiện đang có; (3) mức độ những cơ cấu xã hội, kinh tế, và chính trị uyển chuyển và đáp ứng ý nguyện của mọi thành phần dân chúng. Sự phân phối quyền hành hiện tại rất thực, nhưng không phải là vĩnh cửu, và nó sẽ không được duy trì trong tất cả mọi tình huống. Thực vậy, có lúc quyền lực biến đổi một cách triệt để. Một sự thay đổi như thế xảy ra khi những nguồn sức mạnh trong tay những nhóm tương đối yếu được huy động mạnh mẽ hơn trước kia, để cho quyền lực hữu hiệu của họ được gia tăng và tới gần việc đạt được tiềm năng quyền lực của họ. Một sự thay đổi lớn trong việc phân phối quyền lực cũng xảy ra khi những nguồn sức mạnh trong tay những nhóm mạnh đã được ổn định bị làm suy yếu đi hay bị rút lui, do đó giảm thiểu quyền lực hữu hiệu của họ một cách triệt để. Trừ phi những nguồn sức mạnh của các nhóm yếu được huy động, hoặc những nguồn sức mạnh của các nhóm mạnh đã ổn định bị làm suy yếu đi, hay là cả hai; các nhóm nô thuộc và bị áp bức hiển nhiên là khẩn thiết sẽ vẫn ở trong những vị thế tương đối y như cũ, dù có bất cứ những thay đổi nào khác trong xã hội. (Những thay đổi này có thể ngay cả bao gồm sửa sai những bất bình, cung cấp các dịch vụ mới, và đặt để một người mới hay nhóm mới vào vị thế cai trị.)

    Ở nơi nào mà người ta nhìn vào một hoàn cảnh mà một nhóm này hoặc nhóm kia xem như là một “vấn đề,” thì nơi đó người ta đang gặp phải vấn đề phân phối quyền lực thực sự hay là được nhận thấy là không công bằng. Những nhóm người này có thể bao gồm, chẳng hạn: những tầng lớp bị bóc lột về kinh tế, những nhóm thiểu số tôn giáo bị sách nhiễu, dân chúng của những quốc gia bị tấn công hay bị chiếm đóng, các nạn nhân của những nỗ lực diệt chủng, các dân tộc bị những nhà độc tài quốc nội đè bẹp, các quốc gia dưới những đế quốc thực dân, các nhóm sắc tộc hay chủng tộc bị khinh rẻ, và một số lớn những nhóm khác nữa. Trong tất cả những trường hợp này, vấn đề là ở chỗ một nhóm có quyền lực áp đặt ý muốn của mình lên một nhóm khác yếu kém. “Bởi vì nhà chuyên chế có quyền lực để bắt ép chúng ta chỉ chịu đựng những gì mà chúng ta không có đủ sức mạnh để chống cự lại mà thôi,” như Krishnalal Shridharani đã viết1. Sự phân phối quyền lực không công bằng đã làm cho những vấn đề này có thể xảy ra được.

    Vì vậy, nếu chúng ta không những chỉ lưu tâm đến việc sửa sai một vấn đề nào đó mà thôi, mà còn lưu tâm đến việc ngăn chặn sự phát lộ, tiếp theo sau vấn đề này, của những vấn đề khác còn trầm trọng hơn; thì sự phân phối quyền lực cần phải được thay đổi tự căn bản.

    Xã hội của chúng ta hình như đang tiến đến cả việc gia tăng tập trung quyền lực hữu hiệu vào Nhà Nước và một số cơ chế lẫn việc gia tăng quyền lực cho một số nhóm mà theo truyền thống có ít quyền lực. Rõ ràng là đang có những khuynh hướng đối nghịch. Một mặt thì, chẳng hạn, công nhân có thể tổ chức, đình công, và tẩy chay; những người Mĩ gốc Phi châu có thể biểu tình và sử dụng lá phiếu của mình, và phụ nữ bắt đầu cởi bỏ lớp vỏ áp bức, thách thức những khuôn thước cũ, và thiết lập những tập quán xã hội mới. Một kết quả của hành động như thế là những nhóm này và các nhóm khác nữa hiện đã có nhiều quyền lực hơn là một vài thập kỉ trước đây. Tuy nhiên, mặt khác, phần lớn sự thay đổi trong xã hội của chúng ta từ lâu nay đã được đẩy mạnh về hướng ngược lại, đặc biệt là trong đời sống kinh tế và chính trị. Khuynh hướng chung là những tổ chức lớn, gia tăng trung ương tập quyền, kiểm soát mạnh hơn bởi thành phần ưu tú. Hơn nữa, như đã được thảo luận trong nhiều chương trước đây, ở cấp độ thế giới, thế kỉ này đã chứng kiến một sự tăng trưởng của những nền độc tài, thường dưới những hình thái rất nghiêm trọng, sự gia tăng và thẩm nhập của bạo động trong khắp cùng xã hội, một sự thất bại trong việc kiến tạo một xã hội thịnh vượng về kinh tế và tự do về chính trị, một sự gia tăng khả năng diệt chủng, sự không tôn trọng đời sống của con người và nhân phẩm, những nỗ lực kiểm soát đầu óc con người, và một sự tăng vọt về vũ khí quân sự và khả năng huỷ hoại. Hầu hết mọi người đều cảm thấy bất lực trong việc đảo ngược những phát triển này.

Những Sửa Sai Trong Quá Khứ Không Thoả Đáng

     Suốt hằng thập kỉ và thế kỉ, người ta đã trở nên ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc làm giảm bớt những khuyết điểm của xã hội khi đáp ứng những nhu cầu của con người, và họ đã ủng hộ và cơ chế hoá nhiều thay đổi trong chiều hướng của những mục đích này. Thường thường đã có những biện pháp khẩn cấp – như cung cấp thực phẩm trong những nạn đói, chỗ trú ẩn sau những trận lụt và đánh bom, và áo quần để chống lạnh. Những biện pháp này vẫn quan trọng, và cần được đánh giá theo khả năng giải quyết được những nhu cầu khẩn cấp. Nhưng những chương trình nhằm đáp ứng các nhu cầu dài hạn hơn, đều đặn hơn, của con người thì đòi hỏi phải có một sự đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn khắt khe hơn.

    Trong chiều hướng này thì nhiều chương trình, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, đã tỏ ra là không thoả đáng. Thứ nhất, những chương trình và chính sách hiện có thường không để ý đến những nhu cầu tâm lí, xã hội, và “chính trị”. Thứ hai, một chương trình hay chính sách có thể, vì nhiều lí do khác nhau, không đạt được mục đích dự tính. Thứ ba, nỗ lực này có thể chỉ làm vơi được những hậu quả cấp bách nhất của vấn đề một cách tạm bợ và có giới hạn mà thôi, trong lúc chính vấn đề thì lại không được giải quyết. Có lúc, những thay đổi căn bản đòi hỏi phải có, lại không được chú trọng. Thứ tư, ngay cả những chương trình được thiết kế tốt đẹp cũng có thể bị áp dụng hỏng bét, thành vô hiệu. Phẩm chất của chương trình có thể bị hi sinh cho những cân nhắc khác, như cho các nhóm quyền lợi mạnh, hay cho những mục đích chính trị không thích hợp.

    Trong một vài trường hợp, những phương cách đáp ứng các nhu cầu của con người hiện nay bị những thiếu sót căn bản. Có lẽ thiếu sót trầm trọng nhất là sự thất bại của hầu hết các chương trình và chính sách trong việc tăng cường khả năng của người dân để họ có thể thủ đắc được sự kiểm soát tích cực về cuộc sống của chính họ và về xã hội. Thực ra, dù cho những “sửa sai” hiện tại có đưa ra điều gì khác đi nữa, thì hầu hết những sửa sai này vẫn chỉ đóng góp trong dài hạn vào việc làm mất đi khả năng của người dân mà thôi.

Những Vấn Đề Trong Việc Trông Cậy Vào Guồng Máy Nhà Nước

    Nhiều người muốn giải quyết những vấn đề của con người và đáp ứng các nhu cầu của con người một cách thoả đáng hơn cho rằng cách hành động cơ bản là phải có sự can dự của cấp cao trong chính quyền. Điều này có thể mang nhiều hình thái: các sắc lệnh, một luật mới, một thay đổi về hiến pháp, một chính sách do chính phủ tài trợ và quản lí, Quốc doanh, hay những phương tiện khác. Mục đích thông thường là tạo sửa sai đúng đắn bằng cách làm một cái gì đó cho người dân. Phương cách này hoàn toàn trái ngược với phương cách năng động lôi cuốn chính người dân độc lập và trực tiếp giải quyết những vấn đề của chính mình.

    Hành động đủ loại của Nhà Nước khác nhau về hiệu quả khi giải quyết một vấn đề hay một nhu cầu nguyên thuỷ nào đó. Ngay cả khi những chương trình như thế của chính quyền khá thành công trong việc đáp ứng một nhu cầu cấp thời nào đó – như nạn đói, nhà cửa, vân vân – thì đó là do quyền lực của Nhà Nước hay của tổ chức trách nhiệm, còn dân chúng thụ hưởng dịch vụ thì chính họ, tệ nhất, thì cũng vẫn bất lực như trước.  Trong những điều kiện tốt đẹp nhất thì họ là những người thừa hưởng những quyết định và hành động của người khác; họ đã không tự mình tạo dựng nên cuộc đời của mình và xã hội bằng những nỗ lực của chính mình. Sự phân phối quyền lực sai lầm gây ra tình trạng này đã không được sửa chữa, mà thường được làm cho tồi tệ hơn. Kết quả có thể là những vấn đề mới, trầm trọng hơn.

    Trái lại, những thay đổi đem lại do những nỗ lực của chính mình có thể đóng góp rất nhiều vào việc gia tăng tự trọng, khả năng làm việc với nhau để cung cấp cho những nhu cầu của mình, và khả năng tự bảo vệ — tóm lại là khả năng sử dụng quyền lực hữu hiệu để kiểm soát đời sống của mình và xã hội. Thay đổi làm tăng khả năng có thể giúp người ta đương đầu với những vấn đề khác trong tương lai, và bảo đảm là những thắng lợi mà họ đạt được không bị đảo ngược trừ phi họ chọn lựa làm như vậy.

    Mặt khác, trông nhờ vào các nhóm khác hay vào thượng cấp trong chính quyền, vào các sắc lệnh, vào lập pháp, vào những quyết định của toà án để thực hiện những thay đổi mong muốn sẽ chịu một bất lợi rất trầm trọng: cái gì được cho như thế thì cũng sẽ bị lấy đi một cách dễ dàng như vậy, và ngay cả còn nhanh chóng hơn nữa. Vào một lúc nào đó trong tương lai khi tình hình đất nước biến chuyển, những vấn đề mới chiếm ưu tiên, hay những lực lượng mới giành phần kiểm soát lập pháp, toà án, hay hành pháp, thì chính sách cũng bằng một cách như thế bị đảo ngược. Guồng máy nhà nước có thể bị dẹp bỏ trong vai trò cung cấp và bảo vệ. Nhà Nước ngay cả có thể trở nên đối nghịch với những người trước kia đã từng thụ hưởng các phúc lợi của chính sách vừa mới bị huỷ bỏ.

Sự Tăng Trưởng Quyền Lực Của Nhà Nước

 

   Có thể không phải là tình cờ mà những vấn đề của độc tài, của diệt chủng, của chiến tranh, của những hệ thống áp bức, và của sự bất lực của dân chúng đã gia tăng sự nghiêm trọng trong cùng chung một khung thời gian với sự kiện các cơ chế chính trị, kinh tế, và ngay cả nhiều tổ chức xã hội của chúng ta tăng trưởng về tầm cỡ, bị sự kiểm soát của nhóm ưu tú nặng nề hơn, và trở nên hết sức trung ương tập quyền. Việc trung ương tập quyền vào những cơ chế này thường cực đoan và có những hậu quả phổ quát trầm trọng. Những khuynh hướng trung ương tập quyền này còn rõ nét hơn trong cơ chế đặc biệt của Nhà Nước. Một cái nhìn cơ bản nhất về chính trị của thế kỉ 20 này hẳn phải phát hiện ra rằng chính sự tập trung quyền lực và bành trướng kiểm soát của Nhà Nước là nguồn gốc chính yếu của khả năng gây nên những vấn đề đã làm tan nát bao nhiêu người và xã hội. Suy nghĩ lại về chính trị và tạo ra những biện pháp thực tiễn để đương đầu với những vấn đề trọng đại nhất của chúng ta đòi hỏi là chúng ta phải tái duyệt xét và tái thẩm định sự bành trướng của Nhà Nước ngõ hầu đáp ứng những nhu cầu chính đáng khác nhau của người dân và của xã hội.

    Sự bành trướng của Nhà Nước đang tiếp diễn ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, nhưng chỉ có một số ít khuynh hướng ngược lại có giới hạn mà thôi. Nhà Nước, dĩ nhiên, không phải là xã hội như là một tổng thể. Nhà Nước là một cơ chế đặc biệt, một cơ cấu chính quyền đặc biệt – có thể có những cơ cấu khác bao gồm, như là những bộ phận của hệ thống kiểm soát chính trị, một guồng máy hành chánh thường trực quản lí các chương trình và các biện pháp của guồng máy đó, một hệ thống cảnh sát và hình luật để trừng phạt những người phản xã hội và thường là những người bất đồng ý kiến, và một hệ thống quân sự thường trực để đe doạ và đánh kẻ thù ngoại bang và dẹp nổi loạn trong nước. Tất cả những thứ này đều dưới quyền chỉ huy của một người hay nhóm người chiếm giữ vị thế của “nhà cai trị” đứng đầu Nhà Nước.

    Sự tăng trưởng này của Nhà nước, về tầm cỡ tuyệt đối và tương đối, về kiểm soát bởi nhóm ưu tú và trung ương tập quyền, đã mang đủ loại hình thái, và là kết quả của nhiều ảnh hưởng khác nhau. Sự tăng trưởng này thường là phản ứng lại những nhu cầu cấp bách, và những nhược điểm và thiếu sót của những cơ chế ít trung ương tập quyền hơn. Những lúc khác, thì sự tăng trưởng của những kiểm soát trung ương bởi những cơ chế càng lúc càng lớn mạnh xảy ra mà không có một sự lựa chọn có chủ ý, và như là một phản ứng lại các thay đổi khác.

    Tầm mức, kĩ thuật, và sự nghiêm trọng của chiến tranh hiện đại, kết hợp với những đòi hỏi của một hệ thống quân sự hữu hiệu, đã đóng góp rất nhiều vào sự lớn mạnh của trung ương tập quyền chính trị. Nhu cầu chỉ huy hữu hiệu, kiểm soát tài nguyên, vận chuyển, nhân lực, và bí mật quân sự nằm trong số những nhân tố quan trọng đã từng vận hành để đem lại hệ quả này. Ở Hoa Kì cuộc Nội Chiến rõ ràng đã đóng góp vào việc trung ương tập quyền chính trị mà sau này lại được gia tăng nhanh chóng bởi Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến. Hai nhân tố chính yếu đã từng đóng góp vào việc tập trung quyền lực tổng quát và sự tăng trưởng của những cơ chế tập trung là những kĩ thuật tầm cỡ được chọn lựa để phát triển thay cho những kĩ thuật nhỏ, và những loại năng lượng được chọn để sử dụng thay vì những giải pháp tản quyền khác. Cả hai nhân tố này đã đóng góp vào sự tăng trưởng lớn mạnh của những cơ chế kinh tế tầm cỡ tập trung, được kiểm soát bởi những nhóm ưu tú khác nhau của những công ti quốc gia hay liên quốc gia, hay là bởi các đầu não của những văn phòng, bởi những lãnh đạo Đảng, và những giới chức Nhà Nước. Thông thường, khi sự bành trướng của trung ương tập quyền và của quyền lực Nhà Nước đã xảy ra như là kết quả của những nhân tố khác nhau, thì chính các nhân tố này, và đôi khi ngay cả tiến trình trung ương tập quyền, đã không được người ta nhận thấy, hay là được xem là cần thiết. Vì vậy, kết quả là sự tăng trưởng của trung ương tập quyền và quyền lực Nhà Nước đã ít khích động chống đối.

    Phần lớn sự bành trướng quyền lực của Nhà Nước và sự làm suy yếu sức mạnh hữu hiệu của quần chúng còn là kết quả của những động lực ghê tởm và những nỗ lực có chủ ý của Nhà Nước trong việc thiết lập hay vĩnh viễn hoá sự thống trị của họ. Hơn nữa, Nhà Nước thường hay trở nên liên kết với những cơ chế khác trong việc kiểm soát xã hội. Khi bị nhìn ra, thì sự bành trướng của Nhà Nước như thế thường được xem là đe doạ, và khi mà quần chúng có khả năng kháng cự lại sự bành trướng của những kiểm soát của Nhà Nước và của những cơ quan có trách nhiệm đoàn ngũ hoá và đàn áp, thì sự bành trướng này của quyền lực của Nhà Nước có thể khiêu động chống đối nhân danh tự do hay công lí.

Quyền Lực Nhà Nước Để Tạo Thay Đổi

 

    Ngược lại với những tình trạng này, phần lớn sự tăng trưởng của guồng máy Nhà Nước thường đã xảy ra như là kết quả của những động lực cao thượng, ngay cả nhân bản. Nhiều người từng tìm cách thay đổi xã hội đã xem một cơ chế duy nhất kết hợp được một guồng máy hành chánh thường trực với khả năng bạo động chính trị chính đáng là rất hữu ích cho họ — chỉ khi nào họ giành được quyền kiểm soát guồng máy đó và sử dụng nó cho những mục đích riêng của họ. Nhà Nước do đó đã được sử dụng để đáp ứng những nhu cầu vật chất khác nhau của con người một cách thoả đáng hơn, và thường là để kiểm soát những cơ chế kinh tế tầm cỡ, hay những hành động đàn áp một thành phần của xã hội chống lại một thành phần khác. Khi những nhà cải cách hay những nhà cách mạng đã tìm cách áp đặt kiểm soát lên các nhóm kinh tế mạnh, các tầng lớp xã hội, hay các tổ chức, thì thường thường họ làm như thế bằng cách thiết lập các lề luật của Nhà Nước hay là bằng cách chuyển quyền sở hữu thực sự về kinh tế vào tay Nhà Nước.

    Khi sự bành trướng của những kiểm soát Nhà Nước và của chính Nhà Nước được thực hiện vì mục đích nhân bản bởi một nền dân chủ, và ngay cả bởi những hệ thống độc đoán, thì chống đối mạnh có thể không xảy ra. Sự bành trường này lúc đó thường nhắm đến, hay là được xem như là nhắm đến, việc cải tiến đời sống của người dân; lúc bấy giờ sẽ có ít người muốn mình là, hay bị xem là những người ủng hộ những bất công trong quá khứ và  là đối thủ của những dịch vụ xã hội và kinh tế mới. Sự bành trướng này do đó có thể gặp rất ít chống đối — ngoại trừ từ những nhóm đặc quyền đặc lợi bị tổn hại, và từ những người chống đối “bộ máy chính quyền quá lớn” nhiều hơn là chống những bất công và nghèo đói. Tuy nhiên, điều này cũng chưa phải là toàn thể câu chuyện.

    Có lúc những người ủng hộ thay đổi xã hội bằng hành động của Nhà Nước trông cậy vào những tiến trình dân chủ phóng khoáng. Những nhà cải cách này đã chấp nhận dân chủ tự do hiến định, cùng với những thủ tục, hạn chế, và quyền cá nhân của nền dân chủ này. Những người này cho rằng tự do chính trị và sử dụng Nhà Nước để thực hiện thay đổi xã hội phù hợp với nhau. Do đó trong xã hội Mĩ hay nhiều xã hội khác người ta cho là một điều thông thường khi gặp phải một vấn đề, chúng ta phải tìm kiếm sự can dự của chính quyền hay là giao hoàn toàn trách nhiệm cho cấp càng cao càng tốt trong chính quyền đang có cả một guồng máy kiểm soát, một cơ chế pháp luật, những tài nguyên tài chánh, và những hệ thống cảnh sát và quân đội, để sử dụng cho lí tưởng tốt đẹp đó.

    Những người ủng hộ cực đoan cho thay đổi đã nhờ đến đảo chánh và chiến tranh du kích để cướp Chánh Quyền. Một khi đã nắm được quyền kiểm soát Nhà Nước, những người cổ vũ thay đổi xã hội này hiếm khi áp dụng kiềm chế trong việc sử dụng những khả năng của Nhà Nước và tôn trọng những thủ tục dân chủ và quyền của những người bất đồng ý kiến với họ. Trái lại, thường thường không có những thủ tục, những giới hạn, hay những lịch trình nào được phép can thiệp vào sứ mạng mà họ nhận thức được: đạt được thay đổi toàn diện bằng cách tận dụng quyền lực của Nhà Nước.

    Có những khác biệt hết sức quan trọng về các hậu quả của hai phương thức này; những hậu quả không nên được làm nhẹ đi. Tuy nhiên, cả hai phương thức đều đóng góp vào sự tăng trưởng quyền lực của Nhà Nước — cả hai đều không tăng cường khả năng của quần chúng. Một nhân tố chính yếu nằm bên dưới những thiếu sót của cả hai phương thức là việc không đánh giá cao đủ tầm quan trọng của tất cả những nhu cầu của con người như đã được trình bày trước đây trong chương này, không chỉ những nhu cầu vật chất về lương thực, nơi trú ẩn, quần áo, và che chở khỏi nắng mưa. Đôi khi – không phải luôn luôn — về vấn đề đáp ứng các nhu cầu vật chất của con người, những dịch vụ và các thay đổi do sự can thiệp của Nhà Nước đem lại đã được cải tiến rất nhiều về lượng cũng như phẩm so với những dàn xếp trước đó. Điều này không thể phủ nhận được. Nhưng chúng ta cũng không thể hài lòng về sự nghèo đói, bất công, và sự cung cấp không đầy đủ cho những nhu cầu vật chất của người dân. Điểm muốn nói đúng ra là ngay cả khi một kế hoạch nhằm giải quyết những vấn đề như thế do hành động của Nhà Nước thành công trong việc sửa sai những hậu quả bên ngoài của những vấn đề cụ thể đi nữa, thì vẫn có một cái gì khác rất nghiêm trọng xảy ra ngoài dự tính: đó là đã có thêm một bước nữa trong việc chuyển sức mạnh hữu hiệu từ chính người dân và từ những tổ chức phi chính phủ của xã hội đến guồng máy Nhà Nước. Do đó, người dân vốn đã quá yếu – vấn đề xảy ra tự nó là bằng chứng của điều này – nay trở nên còn yếu hơn trước nữa, và các tổ chức phi Nhà Nước vốn có khả năng kiềm chế quyền lực của nhà cai trị nay bị làm suy yếu mà không được bù lại bằng cách tăng cường cho những tụ điểm quyền lực khác.

    Chiến lược trông cậy vào Nhà Nước để thực hiện những thay đổi xã hội và kinh tế cần có, thay vì sử dụng vài phương tiện hành động khác và những tổ chức khác, không những đã không tăng khả năng cho người dân vốn đã yếu sẵn; chiến lược này còn tích cực đóng góp vào việc làm gia tăng tập trung quyền lực hữu hiệu vào tay Nhà Nước. Như đã thảo luận ở Chương Hai, “Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị,” điều này có thể làm cho việc tạo nên những nền độc tài trở nên hết sức dễ dàng. Hành động của Nhà Nước cũng đã không đóng góp vào việc dân chủ hoá ngay cả trong những tổ chức kinh tế. Trong lúc những kiểm soát bởi các nhóm ưu tú và việc công nhân và giới tiêu thụ không tham dự là những đặc tính của những công ti lớn suốt nhiều thập kỉ nay, và đã từng được đánh nổi trong những công ti liên quốc gia, những điều này không được  sửa sai bởi sự can thiệp của Nhà Nước. Các điều lệ của Nhà Nước và quốc doanh hoá các cơ chế kinh tế đã không giảm thiểu tầm cỡ của những cơ chế này, mức độ trung ương tập quyền, cũng như những kiểm soát bởi các nhóm ưu tú trong những cơ chế đó. Ngược lại, sự can thiệp của Nhà Nước đã gia tăng cả ba điều này ở trong những doanh nghiệp cụ thể và trong nền kinh tế nói chung. “Giải pháp” áp dụng cho những nhu cầu đích thực về xã hội và kinh tế đã đưa đến kết quả là sự củng cố, gia tăng trung ương tập quyền, và tăng thêm một cấp độ quản trị khác nữa, tước đi cái quyền kiểm soát của công nhân, của giới tiêu thụ, và của các chuyên gia nhiều hơn nữa. Những người này càng ngày càng trở nên ít tham dự vào trong các cơ chế này, và càng lúc càng là những “công nhân,” những “nhân viên,” những “người tiêu thụ,” những “khách hàng” của những người “chỉ huy” – là những người “biết” cần phải làm gì.

    Trên bình diện chính trị, việc gia tăng trung ương tập quyền và kiểm soát bởi các nhóm ưu tú liên hệ một cách phổ quát với sự suy giảm thực sự hay được nhận thấy về mức độ, phẩm chất, và hiệu năng của việc quần chúng tham gia và kiểm soát những cơ chế chính trị và các chính sách công cộng. Điều này thường được đi kèm theo bởi sự gièm pha chủ thuyết địa phương, và sự giải thể triệt để các tổ chức và dịch vụ cỡ nhỏ — ngay cả trường học, vận chuyển hoả xa, các cơ sở y tế, và các nhà bưu điện. Sự tăng trưởng của các kiểm soát của Nhà Nước đối với nền kinh tế đã đưa đến kết quả là sự bành trướng lớn lao về tầm cỡ của chính Nhà Nước, sự tăng trưởng về tầm vóc của các tổ chức, phong phú hoá sự kiểm soát của các nhóm ưu tú, trung ương tập quyền các quyết định, gia tăng công việc giấy tờ, gia tăng các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhà Nước hoặc thu hút bởi Nhà Nước, và gia tăng sự lệ thuộc bất lực của người dân. Tuy nhiên, lí thuyết và các khẩu hiệu về kiểm soát dân chủ vẫn được người ta theo.

Những Nguy Hiểm Cho Tự Do Chính Trị

 

     Chiến lược đó nguy hiểm cho tự do chính trị, cũng như cho khả năng đáp ứng một cách thoả đáng các nhu cầu của con người, ngoài những đòi hỏi vật chất căn bản của đời sống. Trong chiến lược này các tụ điểmquyền lực càng lúc càng đi vào dưới sự kiểm soát của Nhà Nước, hay là bị triệt tiêu. Hậu quả trực tiếp là toàn thể xã hội sẽ trở nên yếu kém so với guồng máy Nhà Nước. Tiến trình này có thể tiếp diễn trong vòng luẩn quẩn. Trong lúc việc làm suy yếu các tổ chức độc lập của xã hội và của những cấp thấp trong chính quyền tiếp diễn, thì sự tập trung quyền lực hữu hiệu trong tay Nhà Nước trung ương tăng trưởng. Khả năng được định chế hoá của Nhà Nước về bạo động chính trị và về công việc bàn giấy thường cũng bành trướng. Kết quả là sức mạnh tương đối và tuyệt đối của người dân sút giảm. Dân chúng trở nên càng lúc càng bất lực và phải chịu sự thao túng và kiểm soát của những người chỉ huy guồng máy Nhà Nước. Không có những ảnh hưởng khác để đảo ngược tiến trình này, thì việc phân phối sai quấy về quyền lực hữu hiệu vẫn sẽ tiếp tục gia tăng gấp bội. Quyền lực của Nhà Nước cứ tăng trưởng, trong lúc khả năng hành động để tự cứu của người dân thì lại cứ suy giảm.

    Khi điều này đã xảy ra thì bất cứ ai có thể kiểm soát được guồng máy Nhà Nước đều có lẽ sẽ gặp ít khó khăn trong việc kiểm soát xã hội cho những mục đích riêng của mình. Điều này xảy ra ngay cả khi những mục đích này rất khác với những mục đích của những nhà cải cách xã hội và những nhà cách mạng trước đây sử dụng Nhà Nước trung ương chỉ để đáp ứng những nhu cầu của con người một cách thoả đáng hơn và để xây dựng một xã hội tốt lành hơn. Một Nhà Nước mạnh đủ để giải phóng chúng ta thì cũng đủ mạnh để bắt chúng ta làm nô lệ.

    Một khi các tụ điểm quyền lực của xã hội bị làm suy yếu đi hay bị hủy diệt, thì những chế độ quan liêu sẽ được thiết lập và bành trướng, còn dân chúng thì bị thu nhỏ lại trong sự lệ thuộc vào Nhà Nước để thoả mãn các nhu cầu vật chất của mình. Một khi những hệ thống cảnh sát được tập trung lại và lớn mạnh, và hệ thống quân sự bành trướng thành một cơ chế biệt lập với xã hội có thể quay trở lại chống chính người dân của nước mình, thì guồng máy Nhà Nước đã được chuẩn bị cho tiềm năng được sử dụng hữu hiệu bởi các nhà chuyên chế. Vào lúc này thì Nhà Nước có thể được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau, và với nhiều tàn bạo hơn là được dự tính từ lúc đầu, và có thể được áp dụng để áp bức chính dân chúng mà họ tuyên bố là sẽ phục vụ. Guồng máy chính trị có thể bị những kẻ tiếm quyền giành lấy từ tay những người đã được chọn lựa một cách dân chủ. Trong tay kẻ ác, Nhà Nước có thể hết sức nguy hiểm, bởi vì nó có thể áp đặt chuyên chế, gây chiến tranh, tạo nên hoặc bênh vực áp bức xã hội, kiểm soát đầu óc con người, và hành động diệt chủng. Chính guồng máy này đã làm cho chuyên chế hiện đại có thể xảy ra. Bertrand de Jouvenel, một triết gia chính trị người Pháp, đã có nhận định về điểm này sắc bén hơn hầu hết chúng ta:

Nếu trước đây giả dụ Hitler kế vị Mẹ Maria Theresa trên ngai vàng, thì có có ai cho rằng ông ta đã có thể tạo ra được bao nhiêu là vũ khí chuyên chế cập nhật như thế hay không? Việc ông ta hẳn phải đã tìm thấy những vũ khí này đã được chuẩn bị sẵn sàng rồi còn chưa rõ ràng hay sao? Càng suy nghĩ về những dòng này, chúng ta càng hiểu rõ hơn vấn đề đang trực diện với thế giới Tây phương của chúng ta2.

     Dĩ nhiên là có thể những phát triển như thế có thể không xảy ra; Nhà Nước có thể không chuyển đổi qua những mục đích độc đoán. Những rào cản của Hiến Pháp, những giới hạn pháp lí, và truyền thống có thể được tôn trọng. Có thể không có khủng hoảng tạo cơ hội dễ dàng xảy ra, và không có sẵn một vị cứu tinh chính trị, một vị lãnh đạo tham quyền, hay là một đảng phái cứu thế nổi dậy. Những nhân tố ngăn chặn sự chuyển đổi qua độc tài hết sức quan trọng, và chúng ta cần phải không được sao nhãng hoặc không thấu hiểu. Tuy nhiên, cũng không được để chúng ru ngủ chúng ta đi vào quên lãng vấn đề.

    Những cách thức Nhà Nước được điều hành và kiểm soát khác nhau rất nhiều. Những thủ tục hiến định phóng khoáng có thể rất chính xác về các điều khoản cho phép sự tham gia của dân chúng trong việc chọn lựa những người sẽ làm các quyết định và đưa ra những chỉ thị nhân danh Nhà Nước. Những hiến pháp và luật pháp như thế cũng có thể vạch ra những lằn ranh ngăn chặn Nhà Nước xâm soi vào một số sinh hoạt hay lãnh vực của cá nhân hay đời sống xã hội, và đưa ra những bảo đảm về tự do riêng tư khỏi bị sự can dự của Nhà Nước. Những hệ thống khác kiểm soát guồng máy Nhà Nước không những có thể không có những thủ tục, những hạn chế, và những bảo đảm như thế, mà lại còn bác bỏ tất cả những giới hạn này để hoàn toàn đeo đuổi những mục tiêu của nhà cai trị. Những mục tiêu này có thể bao gồm nới rộng quyền hạn và lợi nhuận của hệ thống, tái cấu trúc các tổ chức của xã hội, diệt trừ một nhóm không được cần đến, đuổi bắt kẻ thù ngoại bang, hay ngay cả tái tạo bản chất của con người. Những khác biệt giữa những hệ thống giới hạn gắt gao sự kiểm soát hữu hiệu bởi Nhà Nước với những hệ thống khước từ những giới hạn như thế là một điều hết sức quan trọng.

    Sự tăng trưởng quyền lực Nhà Nước và sự gia tăng trung ương tập quyền và những kiểm soát trên khắp toàn cầu đã xảy ra ở một mức độ đáng kể, ngay cả tại Hoa Kì. Điều này đúng dù rằng hệ thống chính trị nguyên thuỷ được thiết lập với chủ ý tản quyền và một bộ máy Nhà Nước rất yếu. Hệ thống chính trị của Mĩ trước kia là một thí dụ cực đoan của chế độ liên bang có nhiều từng lớp với một chính quyền liên bang tương đối yếu. Hình thức chính quyền này được cấu trúc nhằm mục đích gia tăng tối đa những phẩm chất dân chủ và tránh những nguy hiểm của chuyên chế được nhận thấy là tự tại trong chính quyền được tập trung nhiều, có khả năng đàn áp quần chúng bằng bạo lực.

    Ngay cả nếu những nguy hiểm nghiêm trọng nhất do việc làm suy yếu xã hội và làm tăng sức mạnh cho Nhà Nước không xảy ra đi nữa, thì xã hội chính trị, nói nhẹ nhất, cũng không phải là một nền dân chủ được hành sử một cách năng động. Người dân vẫn là những người thụ động nhận lãnh các ân huệ của những nhà quản trị, mà không có được sự sinh động và tham dự trong việc quản lí đời sống của chính mình và xã hội.

 

Những Hiến Pháp Dân Chủ Yếu Thế

    Khi xã hội yếu và Nhà Nước mạnh thì những biện pháp pháp lí dân chủ tự do và hiến định không đủ để ngăn chặn sự phá huỷ hiến pháp. Không thể có bảo đảm nào ngăn chặn được những ý đồ như thế. Thiết lập các thủ tục bầu cử và hành chánh về sự sòng phẳng, hay tìm cách thuyết phục tất cả mọi cơ quan chính trị là phải tuân thủ các nguyên tắc và hành sử dân chủ thì không đủ. Luật pháp và các hạn chế hiến định là những rào cản không đủ đối với những người muốn vi phạm luật lệ và phá huỷ hiến pháp.

    Những hành động của chính phủ Nixon trong vụ Watergate đã chứng minh là các giới chức cao cấp Hoa Kì đã cố ý không tuân thủ luật pháp hiện hành, và tuyên bố là mình có quyền làm như vậy, để thực thi ý đồ của mình, và ngay cả để tiếm dụng các thủ tục bầu cử đã được thiết lập. Do đó, đề cương thông qua những sắc luật mới cấm các hành động như thế của các vị dân biểu và thượng nghị sĩ bị bối rối chứng tỏ là ngay cả họ cũng không hiểu được bản chất và tính trầm trọng của vấn đề: làm thế nào để ngăn chặn sự tiếm dụng bởi những người sẵn sàng bất tuân các đạo luật và hiến pháp và thao túng các cuộc bầu cử, để tại chức. Muốn làm điều này thì hiển nhiên là đòi hỏi cần phải có một cái gì hơn là một đạo luật mới.

    Cần phải làm thế nào để không thể xảy ra được việc những ai muốn trở thành những nhà độc tài sẵn sàng xếp lại một bên các cơ chế dân chủ và những ý tưởng nhân đạo để giành cho kì được và duy trì việc kiểm soát Nhà Nước một cách hữu hiệu, và qua những phương tiện này, kiểm soát toàn thể xã hội.

    Trong số những phương cách mà theo đó guồng máy đã được bành trướng của Nhà Nước có thể chuyển đổi qua áp đặt chuyên chế là những phương cách sau đây: Thứ nhất, có thể sẽ không có một sự chuyển đổi đột ngột, nhưng thay vì như vậy guồng máy chính quyền và xã hội sẽ được đem đặt dưới sự kiểm soát tiệm tiến toàn vẹn và nghiêm ngặt của nhóm ưu tú, và từng bước một thay đổi hiến pháp bằng thực hành để trở thành một hệ thống càng lúc càng độc đoán. Thứ nhì, những người được chọn vào những chức vụ hành pháp bằng phương tiện hiến định, như tổng thống, thủ tướng, hay quốc trưởng có thể cố ý vượt quá hay nới rộng những lằn ranh của hiến pháp. Dù có hay không có tuyên bố tình trạng khẩn trương, lập pháp cho phép, hay tu chính hiến pháp, vị này vẫn có thể thi hành việc tiếm dụng quyền hành sử. Trong một vài điều kiện, điều này vẫn có thể thực hiện được tại Hoa Kì do một vị tổng thống dân cử — có lẽ bởi một “Richard Nixon” nhẫn tâm và thông minh hơn — muốn được tự do khỏi bị những ràng buộc hiến định và muốn được tại chức mà không thể bị lật đổ đi được. Thứ ba, một đảng phái chính trị, một nhóm quân nhân, một cơ quan cảnh sát hay tình báo, hay là một sự hỗn hợp của những thành phần này, có hay không có sự hỗ trợ của ngoại bang, có thể điều động một cuộc đảo chánh, loại trừ nhà cai trị cũ và đặt mình vào vị thế chỉ huy guồng máy Nhà Nước. Thứ tư, những nhà quân sự xâm lược ngoại bang thành công có thể hoặc tự đặt mình hay đặt bù nhìn của họ vào vị thế lãnh đạo Nhà Nước tại quốc gia bị chiếm đóng, và sử dụng quốc gia này cho những mục đích riêng của họ.

    Sự hỗn hợp của chế độ quan liêu, cảnh sát, nhà tù, và những lực lượng quân đội, tất cả đều nằm dưới một sự chỉ đạo duy nhất, làm cho việc biến cái quyền lực hỗn hợp này của Nhà Nước từ phục vụ những thành viên của xã hội đến kiểm soát, đàp áp, và đôi khi, chiến tranh chống lại chính người dân của mình có thể xảy ra được. Trong thời buổi hiện đại, Nhà Nước luôn luôn mạnh hơn bất cứ một tổ chức nào khác của xã hội. Nơi nào mà những xã hội này đã bị làm suy yếu đi vì bị bỏ rơi, bị làm tiêu hao, hoặc bị tấn công trực tiếp, hay ngay cả vì một sự bành trướng có dự tính về những kiểm soát xã hội, kinh tế, và các cấp thấp của chính quyền, thì những người đã tranh thủ được sự kiểm soát của guồng máy Nhà Nước do đó sẽ giành được quyền lực để duy trì sự kiểm soát này. Họ lúc bấy giờ sẽ có thể sử dụng Nhà Nước cho những mục đích riêng của họ. Những giải pháp thay thế duy nhất có thể có được là một cuộc nội chiến đẫm máu hay là một cuộc đấu tranh bất hợp tác vĩ đại. Cướp Chính Quyền là một nguy hiểm hiển nhiên và thường trực cho bất cứ gì gọi là dân chủ, tự do, và dân quyền. Một xã hội yếu đang đương đầu với một guồng máy Nhà Nước Mạnh do một nhà cai trị tham quyền chỉ huy là một hoàn cảnh nguy hiểm nhất. Những người cổ vũ thay đổi xã hội do đó cần phải đảo ngược chính sách luôn luôn sử dụng Nhà Nước để đáp ứng các nhu cầu của con người, để sửa đổi sai lầm, và để xây dựng một xã hội mới.

Tăng Khả Năng Để Có Thay Đổi Chấp Nhận Được

 

    Từ các thảm trạng của những thập kỉ vừa qua, và những nguy hiểm trong tương lai, chúng ta ít nhất có ba trách nhiệm căn bản cần phải được hoàn thành nếu chúng ta muốn đáp ứng các nhu cầu của con người một cách thoả đáng hơn: (1) sửa đổi những sai lầm, dẹp bỏ áp bức, và tạo những điều kiện tích cực cho đời sống của con người; (2) giúp chúng ta trở nên có khả năng hơn để tự giải phóng bản thân và xã hội, và, (3) dẹp bỏ bạo lực chính trị ra khỏi xã hội loài người, điều không những chỉ làm hại và giết người mà còn, như đã được thảo luận trong các chương trước, tạo khả năng được định chế hoá làm tiền điều kiện cho một số vấn đề nghiêm trọng nhất của chúng ta. Nếu chúng ta nên hoàn thành các trách nhiệm này, thì chúng ta có thể không lặp lại những chương trình trong quá khứ, nhưng thay vào đó, phải tìm những phương cách mới để đáp ứng các nhu cầu của con người ngày nay, và của con người của xã hội ngày mai.

    Chúng ta cần hiểu tại sao sự phân phối quyền lực sai lạc gây nên những hậu quả tai hại cho xã hội xâm phạm đến những lí tưởng mà hầu hết mọi người trong xã hội chúng ta đều đeo đuổi. Chúng ta cũng cần hiểu cái gì đã tạo nên sự phân phối quyền lực sai lạc này. Không hiểu những nguyên nhân đưa đến những hậu quả đó, chúng ta không thể sửa sai chúng được. Tương tự như thế, nếu chúng ta muốn có khả năng đạt được một sự phân phối quyền lực đồng đều hơn trong xã hội, thì chúng ta cần phải xem xét kĩ lưỡng hơn những yếu tố nào liên quan đến việc phân phối quyền lực hữu hiệu trong dân chúng và giữa các tổ chức.

    Một sự phân phối quyền lực hết sức không đồng đều có thể là kết quả của nhiều nhân tố khác nhau đem lại. Hai nhân tố, liên kết chặt chẽ với nhau, là: những loại nhóm người nào sử dụng quyền lực, và loại quyền lực nào? Ở một mức độ sâu hơn là người ta thường nghĩ, đôi khi loại quyền lực có thể ảnh hưởng mạnh mẽ, hay ngay cả quyết định, loại nhóm người nào sử dụng quyền lực đó. Chúng ta sẽ tìm hiểu điều này đầy đủ hơn về sau trong chương này. Cả hai, các loại quyền lực lẫn những nhóm người sử dụng quyền lực, đều liên quan đến loại chế tài tối hậu sẽ được áp dụng như là một nguồn sức mạnh. Do đó, chủ đề về chế tài đòi hỏi nhiều chú tâm trong bất cứ việc xét định nào về cách làm thế nào để tranh thủ được sự thay đổi xã hội có thể chấp nhận được, và làm thế nào để thực hiện những lí tưởng của chúng ta một cách vẹn toàn hơn trong đời sống xã hội và chính trị của chúng ta.

 

Các Chế Tài Và Xã Hội

 

    Các điều khoản của hiến pháp chính thức về việc tuyển chọn những thành viên cho nhóm cai trị và quyền hưởng những tự do cá nhân không phải là những yếu tố quyết định tối hậu cho sự phân phối quyền lực hữu hiệu trong hệ thống chính trị, càng ít hơn nhiều trong xã hội chính trị như là một tổng thể, như chúng ta đã thấy ở Chương Hai, “Sức Mạnh Xã Hội Và Tự Do Chính Trị.” Con số và sự sinh động của những tụ điểmquyền lực của xã hội, dù quan trọng, tự một mình chúng cũng không quyết định được sự phân phối đó. Loại chế tài tối hậu mà người ta trông cậy vào cũng giúp rất nhiều vào việc quyết định sự phân phối quyền lực hữu hiệu trong xã hội.

     Các chế tài rõ ràng là một trong những nguồn sức mạnh chính trị quan trọng3. Bởi vì như vậy, và bởi vì chế tài đối với bạo lực chính trị đã được cơ chế hoá là tiền điều kiện cho những vấn đề nghiêm trọng như là các nền độc tài, nạn diệt chủng, chiến tranh, và các hệ thống áp bức xã hội, nên chúng ta phải có một sự chú trọng thoả đáng về những tác dụng có thể có của các loại chế tài khác nhau đối với việc phân phối quyền lực hữu hiệu trong hệ thống xã hội và chính trị. Việc chúng ta không làm được như vậy trong quá khứ có thể cắt nghĩa một phần khá lớn tại sao chúng ta không có khả năng giải quyết những khó khăn trầm trọng nhất của mình.

    Mọi xã hội đều đòi hỏi những chế tài thuộc một loại nào đóc. Chế tài ở đây có nghĩa là các hình phạt, các áp lực, và những phương tiện hành động dùng để trừng phạt, ngăn cản, hay thay đổi hành vi của những người, tổ chức, hay Nhà Nước. Đối nội, các chế tài được sử dụng để duy trì sự ổn định và trật tự trước những hành vi thù nghịch hay tác hại, để duy trì sự khuất phục của một nhóm thuộc cấp, để chống lại sự thách thức đối với hệ thống đã được thiết lập, để điều hành những cuộc đấu tranh lớn tại quốc nội, và để đạt được sự tuân thủ đối với hành vi tối thiểu có thể chấp nhận được do xã hội định đoạt, nhất là khi những câu thúc có tính phạm trù đã không còn công hiệu nữa. Đối ngoại, chế tài được sử dụng để tranh thủ những mục đích chống lại một kẻ thù ngoan cố, và để đẩy lui các đe doạ và tấn công từ bên ngoài. Nghĩa là, chế tài được áp dụng như là một phương tiện hành động tối hậu để sử dụng sức mạnh, một cách tự vệ hay để tấn công, trong những cuộc xung khắc nghiêm trọng mà từ trước đến nay vẫn chưa có cách giải quyết với những thời hạn và điều kiện có thể chấp nhận được. Người dân và các tổ chức sử dụng chế tài để gây áp lực và để tiến hành đấu tranh. Chế tài về hình thức có thể bạo động hay là bất bạo động.

Những Hậu Quả Có Tính Hệ Thống  Của Các Chế Tài Khác Nhau

 

    Thường thường thì chế tài không được nhận thấy là có tác dụng xã hội và chính trị xa hơn những ảnh hưởng cấp thời đối với cá nhân, đối với hoàn cảnh xã hội, và những mục tiêu được nêu ra. Bản chất của chế tài mà xã hội trông cậy vào – dù là bạo động hay bất bạo động – cũng chưa từng được xem như là một nhân tố quan trọng hun đúc nên đặc tính lâu dài của chính xã hội, bao gồm các tổ chức và sự phân phối quyền lực hữu hiệu trong xã hội đó. Thỉnh thoảng ảnh hưởng của những hệ thống quân sự và của chiến tranh đối với việc tập trung chính trị đã được người ta ghi nhận, hay ngay cả những tác dụng của chúng lên việc tạo dựng nên và tăng trưởng của Nhà Nước như là một cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, hầu hết người ta thường cho rằng vì bạo động được tin là chế tài tối hậu hữu hiệu duy nhất, cho nên điều tốt nhất mà người ta có thể thực hiện trước những ảnh hưởng như thế là áp dụng những biện pháp cải tiến để giới hạn, điều chỉnh, và quy định việc sử dụng bạo lực, như qua các thủ tục và cấm chỉ hợp pháp và hợp hiến. Những hậu quả chính trị của việc trông cậy vào các chế tài bạo động hay là vào những giải pháp thay thế hữu hiệu có thể có, thường chưa từng được tìm hiểu sâu xa hơn như thế.

    Tuy nhiên, càng lúc càng nhiều, niềm tin phổ quát vào các chế tài bạo động đã bị thách thức bởi những chỉ trích là chính những chế tài này đã gây ra hay làm nặng thêm một số vấn đề nghiêm trọng. Ví dụ, đôi khi một số người lí luận là: (1) khả năng huỷ diệt của những chế tài bạo động đã vươn đến những mức độ không thể còn chấp nhận được nữa; (2) những phương cách thoả đáng để giải quyết một số loại bạo động chính trị — như là khủng bố, diệt chủng, vũ khí hạt nhân – đã không tìm thấy được; (3) trông cậy vào bạo động để đấu tranh chống lại một đối thủ có một khả năng bạo lực luôn luôn cao hơn mình sẽ có khuynh hướng ép nhóm của mình phải khuất phục, tự huỷ, hay đi vào một cuộc đấu tranh tiêu hao cho cả hai phe; và (4) hình như có những hậu quả dài hạn có tính cơ cấu của bạo động chính trị như một hình thức chế tài tối hậu của xã hội mà người ta không mong muốn. Những tranh cãi này chỉ có tính minh hoạ cho những luận cứ khác mà chúng ta cần nghiên cứu.

    Đến một mức độ mà mãi cho đến nay vẫn chưa được thừa nhận, đó là bản chất của hình thức chế tài tối hậu mà một xã hội sử dụng có thể quyết định bản chất của xã hội đó, sự phân phối quyền lực hữu hiệu trong xã hội này, và các hình thái và đặc tính của hệ thống chính trị của xã hội đó. Các hình thức chế tài bạo động được định chế hoá tỏ ra có đóng góp như là nguyên nhân đưa đến sự gia tăng tập trung quyền lực hữu hiệu. Điều này xảy ra dưới hình thức gia tăng tập trung quyền làm các quyết định, cơ cấu của hệ thống chính trị, và việc kiểm soát khả năng áp dụng các chế tài. Mặt khác, các chế tài bất bạo động tỏ ra đã đóng góp như là nguyên nhân đưa đến tản quyền và phân tán quyền lực hữu hiệu. Điều này xảy ra dưới hình thức phân tán quyền lực về quyền làm quyết định, về cơ cấu xã hội như là một tổng thể, cũng như về hệ thống chính trị, và về việc  kiểm soát khả năng áp dụng các chế tài – ngay cả bởi những thành viên của xã hội mà từ lâu vẫn thấy mình bất lực. Nếu điều này đúng thì sự lựa chọn những hình thức chế tài bạo động hay bất bạo động sẽ có những hậu quả dài hạn có ý nghĩa sâu xa cho xã hội đó.

    Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người thì câu hỏi về sự lựa chọn giữa hai loại chế tài tối hậu không bao giờ xảy ra. Người ta cho rằng những chế tài nghiêm trọng và hữu hiệu nhất chỉ có thể là bạo động. Chế tài tối hậu đã được nhận thức, hầu như bằng định nghĩa, phải là bạo động, đối với guồng máy Nhà Nước cũng như đối với người dân và những nhà cách mạng; đối với các nhà cách mạng thì người ta tin rằng đây là ultima ratio populi, luận cứ tối hậu của người dân. Chúng ta ngay cả hiếm khi lưu ý đến sự hiện hữu phổ biến của những hình thức chế tài bất bạo động thay thế, cũng không hề xét xem những hình thức chế tài này có thể là phương tiện hữu hiệu cho việc đáp ứng nhu cầu chế tài nhằm đạt được những mục tiêu có lợi cho con người hay không, khác với những hình thức chế tài làm hại và áp bức họ. Kết quả của những giả định và nhận thức này về thực tế chính trị là người ta hiếm khi nêu lên câu hỏi là không biết những chế tài bạo động và những chế tài bất bạo động có đem lại những hậu quả khác nhau về cơ cấu và đặc tính của xã hội như là một tổng thể hay không.

Những Vấn Đề Của Giải Phóng Bằng Bạo Động

 

    Trong những thế kỉ trước, khi đương đầu với một nhà cai trị áp bức, dân chúng được vũ trang bằng những khí giới bạo động có cơ hội thắng khả quan bằng cách tiến hành một cuộc cách mạng bạo động quần chúng hay một cuộc nội chiến, sử dụng những chiến lược khả dĩ quy ước. Karl Mannheim, một nhà xã hội học chính trị người Đức, lí luận rằng bản chất của những vũ khí này trước khi có những phát triển của thế kỉ 20 đã phân tán quyền lực một cách hữu hiệu trong xã hội, và rằng điều này nằm ngay tâm điểm của sự phát triển dân chủ xã hội:

Bí mật của việc dân chủ hoá xảy ra ở thế kỉ 18 và 19 nằm trong sự kiện đơn giản là một người có nghĩa là một cây súng, sự đối kháng của một ngàn cá nhân có nghĩa là của một ngàn cây súng4.

Sự bảo đảm cho việc dân chủ hoá tổng quát của thế kỉ trước không chỉ nằm trong việc kĩ nghệ hoá mà còn trong sự kiện tổng động viên, điều có thể trở thành phương tiện cho tổng nổi dậy, nhất là sau khi thất trận5.

     Khả năng của người dân đương đầu với những nhà cai trị trong nước thường làm người dân tức giận, hay là với kẻ ngoại xâm, do đó rất lớn. Quyền của mỗi người được vũ trang bằng những khí giới chiến tranh được xem như liên hệ rất nhiều đến việc bảo toàn tự do và việc dân chúng kiểm soát nhà cai trị. Ví dụ, người Thuỵ Sĩ có một truyền thống vững chắc là mỗi gia đình đều có một khẩu súng gác trên lò sưởi, và những người Hoa Kì thời thuộc địa và mới độc lập đều quyết đòi quyền người dân được “mang súng.”

    Trong những thập niên chuyển tiếp đã có những thay đổi lớn xảy ra về vấn đề vũ khí đấu tranh bạo động, về kĩ thuật vận chuyển và truyền tin, và về tổ chức chính trị. Khả năng sử dụng sức mạnh quân sự đã được tập trung vào trong tay nhà cai trị. Điều này có khuynh hướng phục hồi sự phân phối quyền lực trở lại tình trạng tương tự như tình trạng của một số xã hội trước thời gian dân chủ hoá như đã được mô tả trước đây. Trong một số trật tự xã hội trước đây, Mannheim viết, nơi mà những nhóm thiểu số có thể tranh thủ được sự kiểm soát các phương tiện của sức mạnh quân sự, thì họ có thể độc quyền sở hữu quyền lực hữu hiệu trong xã hội. Ông lí luận là chuyện trước đây có thể xảy ra trong một số hoàn cảnh này, cùng với những thay đổi về vũ khí, kĩ thuật, và về tổ chức chính trị, nay đã trở thành phổ biến. Không phải con số những người sẵn lòng lâm trận trong một cuộc nổi dậy bạo động của quần chúng hay một cuộc nội chiến, hay trong một cuộc chiến chống ngoại xâm là quan trọng nhất. Mà chính là những vũ khí có được. Những vũ khí này thông thường được tập trung hữu hiệu dưới sự kiểm soát của nhà cai trị. Do đó, Mannheim lí luận vào năm 1949: “Trong những cuộc xung đột chính trị có tính quyết định trong tương lai gần … ý nghĩa lớn nhất cần phải được gán cho sự tập trung những phương tiện của sức mạnh quân sự.6 Điều này có nghĩa là những phương tiện truyền thống của phiến loạn bạo động nhằm đạt được giải phóng đã trở thành những gì còn sót lại của những phản ứng đối với một giai đoạn kĩ thuật quân sự và tổ chức chính trị trước kia, những gì còn sót lại này có ít liên hệ với những thực tế quân sự và chính trị hiện nay.

[N]hững kĩ thuật cách mạng theo sau quá xa các kĩ thuật Chính Quyền. Những rào cản, các biểu tượng của cách mạng, là những di tích của một thời đại mà những thứ này được dựng lên để chống lại đoàn kị binh7.

    Cũng dễ hiểu là để phản ứng lại một hoàn cảnh như thế này, những nhóm muốn lật đổ các nhà cai trị đã ăn sâu bén rễ thất nhân tâm đã chuyển qua những phương tiện khác để thực hiện việc lật đổ thay vì cách mạng quần chúng bạo động và nội chiến sử dụng những những chiến lược tương đối quy ước. Những giải pháp thay thế này, đã từng được phát triển nhiều hơn trước đây rất nhiều về cách sử dụng cũng như về sự tinh vi của chúng, là đảo chánh, chiến tranh du kích, và đấu tranh bất bạo động. Trước khi những giải pháp này được phát triển đầy đủ hơn thì Mannheim đã tiên đoán là việc tập trung sức mạnh quân sự sẽ “được nối tiếp bởi một loại chiến lược cách mạng mới….”8 Sự quan tâm và thực hành về những mục tiêu này đã gia tăng vì nhiều lí do chính trị. Điều này đặc biệt đúng đối với đảo chánh và chiến tranh du kích. Cả những nhóm cách mạng lẫn những chính quyền đã ổn định, bao gồm chính quyền của Liên Bang Xô-viết và chính quyền của Hoa Kì, đều hết sức quan tâm đến cả hai kĩ thuật này để thúc đẩy các chánh sách ngoại giao của họ. Những người sử dụng đảo chánh đã chấp nhận việc tập trung vũ khí, nhưng lại nhanh chóng tìm cách giành quyền kiểm soát vũ khí cũng như những giới chức Nhà Nước vậy. Mặt khác, những người đấu tranh du kích thì lại hỗn hợp đấu tranh chính trị tranh thủ lòng trung thành và sự hợp tác của người dân với những chiến lược quân sự không chính thống. (Những chiến lược này được sử dụng ít ra cũng ở những giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh cho đến khi du kích đã gom góp được đầy đủ vũ khí quân sự và binh sĩ có kỉ luật để chuyển qua chiến tranh đối đầu có tính quy ước.)

Những Giới Hạn Của Đảo Chánh

 

    Khi nhanh chóng cướp Chính Quyền từ tay của nhóm người cai trị trước đây, đảo chánh9 tỏ ra là có những lợi điểm. Nó tránh được đấu tranh trường kì và những tổn thất lớn lao. Một khi sự kiểm soát Nhà Nước đã được củng cố, thì guồng máy cùng với các ngành hành chánh, cảnh sát, và quân đội có thể được sử dụng một cách năng động để kiểm soát người dân và xã hội. Không những chỉ những người hăng say ủng hộ nhóm này mà cả những người đơn giản chỉ muốn tránh một cuộc nội chiến dai dẳng cũng đều chịu khuất phục chế độ mới. Muốn thành công thì đòi hỏi chỉ cần có một con số tương đối nhỏ những người có mưu đồ và những đơn vị quân sự hay bán quân sự, cùng với một sự khuất phục thụ động phổ biến của nhân viên chính quyền, của những giới chức cấp thấp, và của tập thể quần chúng. Tuy nhiên, đảo chánh không phải là một công cụ làm tăng khả năng của quần chúng.

    Khi thành công, đảo chánh sẽ đặt một người hay một nhóm người vào vị thế của nhà cai trị chỉ huy guồng máy Nhà Nước. Nhà cai trị này có thể không hành sử quyền lực này với nhiều tự chế hơn hay cho những mục đích khác hơn là nhà cai trị trước đó. Cuộc đảo chánh có thể có hay có thể không đi kèm hay theo sau những phản ứng bất mãn của người dân đối với nhà cai trị trước. Đảo chánh có thể xảy ra ngược lại nguyện vọng của người dân và thiết lập một chế độ còn độc đoán hơn. Rõ ràng là một chế độ được đưa vào vòng quyền lực bởi một cuộc đảo chánh thì sẽ lệ thuộc vào bạo lực chính trị đã được cơ chế hoá để tồn tại và như là một phương tiện chế tài tối hậu. Đảo chánh duy trì, và có lúc ngay cả thúc đẩy, việc tập trung quyền lực chính trị và quân sự, thay vì phân tán quyền lực trong khắp xã hội. Kĩ thuật này không có những đặc tính nội tại vận hành trong ngắn cũng như dài hạn để gia tăng sự kiểm soát của dân chúng đối với nhà cai trị hay tăng cường khả năng của quần chúng. Trái lại, khuynh hướng mạnh mẽ là để tiếp tục sự tập trung quyền lực hữu hiệu vào tay của những người đã chiếm giữ vị thế của nhà cai trị.

Hậu Quả Trung Ương Tập Quyền  Của Chiến Tranh Du Kích

    Chiến tranh du kích khác với đảo chánh theo nhiều cách khác nhau, và trong chiến tranh du kích lại có nhiều khác biệt. Chiến tranh du kích đòi hỏi nhiều hỗ trợ từ dân chúng dân sự, và trong những giai đoạn đầu thường gồm có những đám nhỏ những chiến sĩ du kích sử dụng các chiến thuật đánh rồi chạy theo một phương cách hết sức là tản quyền. Do đó có người nghĩ rằng chiến tranh du kích đóng góp vào việc tăng cường khả năng của người dân và phân tán quyền lực trong xã hội. Hiệu quả này có thể xảy ra ở những giai đoạn đầu, mặc dù cũng rất dễ được phóng đại ngay cả ở thời điểm đó.

    Những hậu quả dài hạn rõ ràng là tập trung quyền lực hữu hiệu vào tay của chế độ. Nếu đấu tranh du kích thất bại, thì chế độ cũ sẽ đã bị ép buộc phải trở nên càng lúc càng độc đoán và đoàn ngũ hoá hơn trong cuộc xung đột quân sự chống lại kẻ tấn công. Nếu du kích thành công, thì lúc bấy giờ ở những giai đoạn sau này của đấu tranh quân sự, khả năng quân sự của quân phiến loạn gia tăng rất nhiều về nhân số, về vũ khí, và về tổ chức trung ương tập quyền; du kích đã được biến thành những lực lượng quân sự quy ước có khả năng chiến tranh diện địa và chinh phục và giữ đất và các thành thị. Mao Trạch Đông viết về “công tác chiến lược lớn lao trong việc phát triển chiến tranh du kích thành chiến tranh lưu động” như sau:

    Chiến tranh du kích không giữ mãi như cũ suốt cuộc chiến dai dẳng và tàn bạo này, mà sẽ trỗi lên ở một bình diện cao hơn và phát triển thành một cuộc chiến lưu động. Vì vậy vai trò của chiến tranh du kích gồm có hai mặt, hỗ trợ chiến tranh quy ước và trở thành chiến tranh quy ước11.

     Giai đoạn cuối của một cuộc chiến tranh du kích thành công là chiến tranh quy ước trực diện, như đã xảy ra tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự phát triển và bành trướng của những cơ chế quân sự có tổ chức và kỉ luật. Những cơ chế này vẫn tiếp tục sau khi thành công chống kẻ thù, dù cho dưới những hình thái được tái tạo. Điều này có nghĩa là tạo dựng nên  một hệ thống quân sự hùng mạnh và lâu bền, hùng mạnh trong tương quan với những tổ chức khác của xã hội và những ngành khác của hệ thống chính trị. Chúng trở thành một phần của khả năng về bạo lực chính trị đã được định chế hoá của trật tự mới để thúc đẩy các mục tiêu của trật tự này và để bảo vệ trật tự đó chống lại những kẻ tấn công từ bên trong cũng như từ bên ngoài. Vì vậy, cơ chế quân sự thường có khả năng tạo áp lực hữu hiệu, kiểm soát, và ngay cả cướp chính quyền bằng đảo chánh sau khi chiến thắng.

    Một kết quả của một cuộc chiến tranh du kích thành công hầu như không thể tránh được: đó là sau cách mạng sẽ có một tổ chức quân đội, so với các tổ chức dân sự của xã hội, hùng mạnh hơn là tổ chức quân đội mà kẻ áp bức cũ sử dụng. Như đã thảo luận trong chương trước, bạo lực chính trị vừa được định chế hoá có thể được chuyển qua những mục đích mới mà bạo lực này từ nguyên thuỷ chưa bao giờ được dự tính phục vụ. Những mục đích này có thể bao gồm việc đàn áp dân chúng để phục vụ chế độ cách mạng mới hoặc nhóm người đã cướp Chính Quyền hay thao túng sự kiểm soát Nhà Nước. Dù sao thì khả năng đấu tranh hữu hiệu bây giờ cũng đã được tập trung vào cơ chế Nhà Nước, thay vì được phân tán trong dân chúng nói chung. Một cuộc đấu tranh du kích khác chống lại áp bức bởi chế độ mới tốt lắm thì cũng tốn nhiều thời giờ và — cũng như trong hầu hết chiến tranh du kích — sẽ có những tổn thất rất lớn lao và những đổ nát xã hội. Thêm vào đó, bao giờ dân chúng còn tin là sức mạnh thoát thai từ bạo lực, thì dân chúng sẽ nhận thấy mình bất lực đối với Nhà Nước mới với khả năng bạo lực chính trị được tăng cường vừa được định chế hoá.

    Do đó, cả đảo chánh lẫn chiến tranh du kích đều là những loại bạo động chính trị đã được định chế hoá và, về dài hạn, sẽ tập trung quyền lực hữu hiệu vào tay của bất cứ nhà cai trị nào có thể giành được quyền chỉ huy của guồng máy nhà nước. Aldous Huxley lí luận là:

Một cuộc cách mạng bạo động không đem lại kết quả thay đổi nền tảng về những tương giao giữa người với người; mà chỉ đem lại kết quả là sự khẳng định những quan hệ cũ, xấu xa, giữa kẻ áp bức và người bị áp bức, hay là giữa chuyên chế vô trách nhiệm và tuân phục thụ động vô trách nhiệm. Theo như câu nói của de Ligt, “càng nhiều bạo lực, càng ít cách mạng.”12

     Khi đảo chánh hay chiến tranh du kích thành công trong việc lật đổ một nhà độc tài, thì đó là tất cả những gì đã xảy ra; những kĩ thuật đó không có khả năng xoá bỏ chính sự độc tài, hay thiết lập được những kiểm soát lâu bền đối với quyền lực của các nhà cai trị. Muốn làm được như vậy thì đòi hỏi cần phải có những thay đổi về điều kiện xã hội nằm bên dưới, đó là sự phân tán quyền lực hữu hiệu trong khắp xã hội, và sự tăng cường khả năng của dân chúng trong việc kiểm soát những nhà cai trị và bất cứ nhóm lãnh đạo nào bằng cách sở hữu những biện pháp chế tài và những phương tiện đấu tranh, và khả năng sử dụng những thứ này, để bảo vệ và làm thăng tiến bản thân, các nguyên tắc, và các tổ chức của mình.

Những Hậu Quả Của Bạo Động Chính Trị Được Định Chế Hoá

    Sự thất bại của những biện pháp chế tài bạo động trong việc tăng cường khả năng cho dân chúng nói chung, và trong việc làm mất khả năng của sự thống trị của trung ương và của nền độc tài, có vẻ bắt gốc từ bản chất của chính những chế tài đó, nhất là trong những hình thái được định chế hoá của chúng. Chỉ có bạo động rời rạc bởi những cá nhân riêng rẽ, gây ra vì bất cứ lí do gì, là có thể nói được đã phân tán quyền lực và tăng khả năng cho cá nhân, và ngay cả lúc đó cũng chỉ cho những cá nhân đã gây ra bạo động mà thôi. Tuy nhiên, việc tăng khả năng này rất giới hạn, bởi vì quyền lực được tích tụ nơi những cá nhân đặc biệt này chỉ là thứ quyền lực giết người và phá huỷ, chứ không phải sức mạnh sáng tạo và xây dựng.

    Khi những chế tài bạo động được dự tính để ép buộc một hệ thống đã được ổn định phải hành động, để lật đổ một chế độ hiện hành, để tấn công kẻ địch trong nước hay ngoại bang, hay để tự vệ chống lại những cuộc tấn công, thì sự bạo động này không thể bột phát, bừa bãi, rời rạc, và phân tán được. Nó không thể là một biểu lộ bốc đồng của sự bực bội và hận thù được. Nó cũng không thể ngay cả bị điều hướng bởi nhiều ý đồ chính trị khác nhau. Muốn thành công trong những mục đích này, thì sự bạo động này phải được tổ chức và phối hợp, và có một hệ thống chỉ huy. Bạo động như thế cần phải được định chế hoá. Đòi hỏi cần phải có chuẩn bị trước, một cơ cấu, một hệ thống chỉ huy không những chỉ để tránh sự hỗn loạn của nhiều hành động không được phối hợp của bạo động có tầm cỡ nhỏ, mà còn để đem lại phương tiện đưa đến hiệu lực tối đa.

    Các cơ chế dùng để áp dụng bạo lực chính trị thật độc đáo trong xã hội, chính chỉ vì chúng được liên tục trang bị để áp dụng bạo lực chống lại các tổ chức khác và chống lại dân chúng của xã hội, nghĩa là, chúng có thể quay trở lại tấn công và đè bẹp toàn thể xã hội. Do đó, bạo lực chính trị, không phải là một kĩ thuật trung lập như người ta thường nghĩ – có thể được sử dụng cho bất cứ hay tất cả những lí tưởng nào mà không gây nên những phản ứng phụ đặc biệt đóng góp vào việc định hình cho xã hội đã sử dụng nó, cũng như cho nhóm người hay xã hội mà bạo lực này đã được sử dụng để chống lại.

Bạo lực chính trị đã được định chế hoá ở Nhà Nước giúp quyết định ai là người cai trị và ai là người bị cai trị. Nghĩa là khả năng áp dụng các biện pháp chế tài bạo động quyết định sự phân tầng bằng giai cấp chính trịd. Những hậu quả của biện pháp chế tài tối hậu đối với việc phân phối quyền lực hữu hiệu trong xã hội do đó mang một ý nghĩa sâu xa cho những người hay nhóm người muốn chấm dứt áp bức và phát huy tự do và công lí.

    Có nhiều lí do quan trọng cắt nghĩa tại sao khả năng bạo lực chính trị được định chế hoá có khuynh hướng cấu tạo xã hội theo hướng bị thống trị bởi một nhóm nhỏ lãnh đạo, có những cơ cấu tập trung về xã hội, kinh tế, và nhất là chính trị, và theo hướng làm người dân bất lực và phải cần sự giúp đỡ của người khác. Áp lực cho trung ương tập quyền và tiềm lực áp bức trong nước được tạo ra bởi việc định chế hoá bạo lực chính trị có thể được chuyển đổi qua những mục đích khác hơn là được dự tính từ đầu, như đã được thảo luận ở chương trước, bởi hệ thống chỉ huy và những yêu cầu khác của những cơ chế đó (nhất là trong những cơn khủng hoảng), và bởi khả năng quyền lực hữu hiệu quá lớn của những cơ chế này đối với các tổ chức dân sự. (Yếu tố cuối cùng này có thể thay đổi được nếu người dân không chấp nhận bạo động như là nguồn sức mạnh tối hậu và nếu họ học cách biến đổi tiềm năng sức mạnh của họ thành sức mạnh hữu hiệu bằng tổ chức và bằng cách sử dụng hữu hiệu những hình thức chế tài bất bạo động, như là bất hợp tác kinh tế và chính trị.)

    Những đòi hỏi về công hiệu của bạo động chính trị được định chế hoá đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào việc trung ương tập quyền và đoàn ngũ hoá một cách phổ quát hơn. Ví dụ, trong thời gian chiến tranh thực sự, những đòi hỏi về vũ khí quân sự, về nhân lực, về hiệu năng, về việc làm những quyết định trung ương, về bảo mật, về các kiểm soát kinh tế, về việc bịt miệng đối phương, và về những ranh giới hành động rõ rệt bất kể những điều khoản pháp lí, tạo nên những ảnh hưởng trung ương tập quyền hết sức mạnh. Đối với phe thua trận, thì những kết quả có thể trắng trợn hơn dưới hình thức một chính quyền quân đội bị áp đặt bởi kẻ chiến thắng. Nhưng ngay cả đối với phe thắng trận, những hệ quả tương tự cũng được tạo ra cho xã hội và cho hệ thống chính trị. Một số nhà xã hội học chính trị và nhân chủng học, như Bronislaw Malinowski đã từng nêu lên những tương quan có vẻ nhân quả giữa chiến tranh và độc tài, và các khuynh hướng của những nền độc tài thường trở nên bành trướng và hiếu chiến, và ngược lại, của chiến tranh thường xói mòn và huỷ hoại những tiến trình dân chủ và gia tăng những đặc tính độc tài của xã hội đó13. Những phát triển về các kĩ thuật về vũ khí quân sự hiện đại, về vận chuyển, truyền thông, máy vi tính, về các phương pháp của cảnh sát, và về các ngành khác tiếp tục làm cho vấn đề này càng trầm trọng thêm. Những phát triển này hỗn hợp với nhau để gia tăng khả năng của bạo lực chính trị trong việc áp đảo, thống trị, và đè bẹp toàn thể xã hội.

    Có thể có những lực lượng chống lại tác dụng trung ương tập quyền của bạo lực chính trị được định chế hoá. Những lực lượng này sửa đổi và kiềm chế các khuynh hướng trung ương tập quyền và bành trướng của hệ thống chỉ huy, và có thể ngay cả ngăn chặn những hậu quả cực đoan của khả năng đã được định chế hoá về bạo động. Tiềm lực về hành động bạo động trong nước chống lại xã hội, hay là ngay cả chống lại cả chính quyền vững chắc, có thể không được sử dụng trong một hoàn cảnh nào đó. Tuy nhiên, tiềm năng và các áp lực thì sẵn có ở đó; chúng luôn luôn hiện hữu khi mà xã hội trông cậy vào bạo lực chính trị được định chế hoá để cung cấp biện pháp chế tài tối hậu. Những điều kiện thuận lợi sẽ gia tăng xác suất là tiềm năng và các áp lực đó sẽ thắng thế. Những điều kiện này hiện hữu khi các tổ chức độc lập (tụ điểm quyền lực) của xã hội yếu, khi khả năng đối kháng của các tổ chức này không đáng kể, khi cơn khủng hoảng trong xã hội trầm trọng, và khi tầm cỡ và mức độ của bạo lực chính trị đi đến cùng cực. Khi mà tất cả những điều này đều xảy ra cùng một lúc thì những nguy hiểm về sự tăng trưởng của trung ương tập quyền và của sự bành trướng của hệ thống chỉ huy sẽ trầm trọng. Những điều này sẽ áp đảo toàn bộ xã hội và sửa đổi đặc tính của xã hội như là một tổng thể một cách đáng kể.

    Sự nguy hiểm trở nên rất thực khi những người chỉ huy các cơ chế của bạo lực không chịu tuân thủ những thủ tục ấn định và các tiêu chuẩn hợp pháp. Hầu hết những vụ đảo chánh xảy ra trong những thập kỉ vừa qua đã được thực hiện một cách tích cực bởi một số đơn vị quân sự, trong lúc những đơn vị khác chỉ không phản đối cuộc đảo chánh mà thôi.

    Trong những bối cảnh khác, cũng vậy, những tác dụng phụ thuộc của việc sử dụng và bành trướng bạo lực chính trị được định chế hoá đã gây nên tác hại cho những mục tiêu nguyên thuỷ. Ở tại Liên Bang Xô-viết, chẳng hạn, những nỗ lực đem lại công lí bằng con đường độc tài chính trị của giới vô sản được chỉ đạo bởi một nhóm tuyển chọn của một Đảng lãnh đạo, trông cậy một phần vào quân đội, vào cảnh sát chính trị, vào nhà tù, các trại [tập trung], và vào những vụ hành quyết, đã đưa đến kết quả chuyên chế và khủng bố chính trị dưới thời Joseph Stalin, còn cực đoan hơn bất cứ Nga hoàng nào rất nhiều trong khả năng áp đặt khủng bố. Sự khủng bố này bao gồm hằng triệu người chết vào những năm 1930 trong chiến dịch tập thể hoá và các chương trình khác, và trong việc tạo nên một trong những tổ chức quân sự vĩ đại nhất thế giới, và trong việc tiếp tục sự kiểm soát bởi lãnh đạo và việc đoàn ngũ hoá hệ thống kinh tế và chính trị.

Tính Khuất Phục Và Chủ Thuyết Bạo Động

    Ngoài những hậu quả có tính cơ cấu, trông cậy vào bạo lực chính trị được định chế hoá còn có những hệ quả nghiêm trọng khác đối với xã hội. Đây là những hệ quả về tâm lí – đúng ra là chính trị/tâm lí. Chúng ảnh hưởng đến thái độ và cảm xúc của người dân đưa đến kết quả là người dân có những hành vi gây nên những hậu quả sâu xa về chính trị. Nếu người dân tin rằng sức mạnh “thực sự” phát sinh từ bạo lực, rằng sức mạnh “đến từ nòng súng” thì bất cứ ai có súng sẽ thấy công việc kiểm soát dân chúng dễ dàng hơn nhiều. Lúc đó những người sử dụng súng sẽ được xem hầu như là có sức mạnh toàn năng bởi những người không có súng – hay ít ra là có ít súng hơn, súng nhỏ hơn, súng không được sử dụng bởi quân đội nhà nghề hoặc không được hậu thuẫn và bởi những phương tiện hỗn hợp của cảnh sát, nhà tù, và những hệ thống quân đội. Đúng là tiềm năng sức mạnh của người dân không súng có thể rất mạnh, và trong những điều kiện thích hợp họ có thể huy động tiềm năng này thành khả năng sức mạnh hữu hiệu bằng bất hợp tác và thách thức để đánh sụp một nền độc tài được trang bị đầy đủ. Tuy nhiên bao giờ người dân còn tin vào sự toàn năng của những người sử dụng bạo lực mạnh hơn, thì chắc họ sẽ không huy động được tiềm năng sức mạnh của chính mình. Chủ thuyết cho rằng “sức mạnh đến từ nòng súng” do đó sẽ đưa đến sự khuất phục của người dân trước những nhà cai trị sử dụng bạo lực.

     Hậu quả về tâm lí gây nên bởi sự khuất phục của người dân trước bạo lực đối với người sử dụng bạo lực cũng hết sức quan trọng. Khuất phục trước bạo lực dạy cho người sử dụng bạo lực là lần sau lại phải dùng bạo lực nữa. Điều này có những hậu quả chính trị nghiêm trọng, đóng góp vào sự bành trướng và gia tăng cường độ bạo lực bởi những người muốn thực hiện ý đồ của mình. Cả Mohandas K. Gandhi lẫn B.F. Skinner đều nêu lên hậu quả này. Mặt khác, cả hai người cũng đều nhấn mạnh là giữ đừng phản công lại bằng bạo lực và đừng khuất phục theo ý muốn của kẻ tấn công mình thì sẽ giảm thiểu được những cuộc tấn công trong tương lai. Phản ứng này sẽ dạy cho kẻ tấn công bài học là những mục tiêu mong muốn không thể đạt được bằng các phương tiện bạo độngđ. Tuy nhiên, trừ phi điều này xảy ra, việc tiếp tục áp dụng bạo lực, sự khuất phục trước bạo lực, và sự áp dụng được tái diễn của một tập quán bạo lực được thành công trong việc đạt các mục tiêu lại sẽ đóng góp vào những hậu quả trung ương tập quyền có tính cơ chế mà chúng ta đã thảo luận ở trên.

    Với những khuynh hướng có tính cơ cấu của bạo lực được định chế hoá trong tay Nhà Nước như thế, thì bất cứ ai sử dụng toàn vẹn mọi khả năng của Nhà Nước với ý nguyện kiến tạo một xã hội bình đẳng cũng sẽ thất bại. Tối thiểu, nếu năng lượng của bạo lực chính trị định chế hoá vẫn ở mức độ gần như trước, thì những lực tạo ra trung ương tập quyền, giai cấp trị, những kiểm soát bởi nhóm nhỏ lãnh đạo, và khả năng thống trị người dân phát sinh từ nguồn gốc bạo lực này này vẫn tồn tại. Nếu năng lượng của bạo lực chính trị định chế hoá gia tăng – vì những lí do như là sử dụng nhiều bạo lực để cướp chính quyền hay để duy trì sự kiểm soát Nhà Nước, hay bành trướng các hệ thống cảnh sát hay quân sự để đương đầu với những cơn khủng hoảng từ trong nước hay từ bên ngoài – và nếu những tụ điểm quyền lực đã bị làm suy yếu trong lúc quyền lực hữu hiệu đã được chuyển cho Nhà Nước, thì việc phân phối quyền lực trong xã hội do việc sử dụng guồng máy Nhà Nước đem lại chắc sẽ không công bằng hơn là ở dưới hệ thống trước kia. Dù ai là người lãnh đạo đi nữa thì khả năng của Nhà Nước áp đặt thống trị lên người dân cũng sẽ tăng trưởng, ngay cả dưới lá cờ chính trị mới mà một lần đã từng biểu tượng cho ý dân. Rõ ràng là trông cậy vào bạo lực để tăng cường khả năng cho người dân không thể thực hiện được.

    Do đó thật là hài hước và thảm hại khi chủ thuyết “sức mạnh đến từ nòng súng”– một chủ thuyết phù hợp với một hệ thống áp bức do một nhóm nhỏ lãnh đạo — lại được sử dụng bởi những người muốn làm cách mạng chống lại áp bức nhân danh người dân. Chủ thuyết này là phản ánh thô thiển về bản chất của quyền lực chính trị đến độ ngay cả Adolf Hitler cũng không theo. Chủ thuyết này không hề để ý đến các nguồn quyền lực khác nhau và các loại sức mạnh khác nhau. Nó cũng không lưu ý đến câu hỏi hết sức quan trọng là ai là người sẽ sử dụng quyền lực, và những hậu quả của chủ thuyết này đối với xã hội và hệ thống chính trị là gì. Chủ thuyết này trực tiếp đưa đến sự bành trướng của bạo lực chính trị được định chế hoá và của quyền lực Nhà Nước có thể được áp dụng để đem lại độc tài, diệt chủng, chiến tranh, và áp bức xã hội. Chủ thuyết này, khi áp dụng vào chính trị, tự nó sẽ đưa đến sự thiết lập một nhóm nhỏ lãnh đạo chỉ huy khả năng bạo lực chính trị được định chế hoá.  Dù cho có bao nhiêu là từ ngữ tốt đẹp dành cho “người dân” thường đôi khi đi kèm theo chủ thuyết này, nhưng bản chất của những chế tài chính trị bạo động, một khi đã được định chế hoá như hiệu năng đòi hỏi phải có, sẽ thực sự loại bỏ quần chúng ra khỏi việc tích cực hành sử quyền lực của mình.

    Bằng cách chọn chủ thuyết sức mạnh phát sinh từ bạo lực, những người gọi là những nhà cách mạng đã chọn một sự tinh lọc những đặc tính xấu xa nhất của một hệ thống xã hội mà họ đã tố cáo là phi nhân, và muốn đánh đổ, làm nền tảng cho một trật tự mới mà họ muốn xây dựng. Do đó không cần gì phải thắc mắc là hệ quả của hệ thống chính trị giống hệ thống cũ nhiều như thế, chỉ khác ở điểm có những hình thái cực đoan hơn mà thôi. Một sự kiện làm choáng váng, nhưng thường ít được để ý đến, là mọi quốc gia đã từng có một cuộc cách mạng xã hội được thừa nhận là đã xảy ra nhờ phương tiện đấu tranh bạo động hay một nền độc tài chính trị đều có một tổ chức và một hệ thống quân đội, và một hệ thống cảnh sát và nhà tù, hùng mạnh một cách tuyệt đối về vũ khí, về sức mạnh chiến đấu, và về các khả năng theo dõi và kiểm soát hơn là những khả năng của chế độ cũ. Khả năng được định chế hoá về bạo lực chính trị so với các tổ chức dân sự của xã hội và những ngành khác của hệ thống chính trị thì tương đối cũng mạnh hơn là trường hợp của trật tự cũ. Điều đó tạo ra một xã hội rất giống với xã hội cũ, chỉ tệ hơn thôi.

    Trong bất cứ xã hội nào, bạo lực chính trị được định chế hoá tự bản chất đều nguy hiểm cho những tổ chức độc lập và cho dân chủ. Ở mức hết sức tối thiểu thì người ta cũng cần phải hết sức cẩn thận về nó. Nếu muốn kiến tạo một xã hội mà trong đó người dân thực sự quản lí, và trong đó không thể có áp bức, thì người ta phải khai phá những phương cách thay thế hầu đáp ứng nhu cầu căn bản của xã hội về các biện pháp chế tài.

    Điểm chỉ bạo động như là tội phạm chính yếu về cội nguồn của những vấn đề nghiêm trọng của chúng ta không phải là một phương cách ngây ngô đầy cá nhân tính xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về chính trị và tính lãng mạn. Hoàn toàn ngược lại: việc này đã đem đến chìa khoá cắt nghĩa tại sao xã hội của chúng ta là như thế mặc dù chúng ta có lí tưởng, và có thể cung cấp chìa khoá để khám phá ra cách làm sao để xã hội có thể được thay đổi ngõ hầu thực thi những lí tưởng của chúng ta một cách toàn vẹn hơn.

_____________________________________

 

CƯỚC CHÚ

aXã hội của chúng ta ở đây nói rõ là xã hội Mĩ, nhưng cuộc thảo luận cũng áp dụng cho những xã hội Tây phương khác, và còn áp dụng – đôi khi còn ở một mức độ lớn hơn – cho những hệ thống chính trị hiện đại tầm cỡ khác nữa.

b “Quyền lực” ở đây có nghĩa là khả năng của người dân hành động nhằm tranh thủ các mục tiêu dù cho bị chống đối: sự tổng hợp của tất cả mọi ảnh hưởng và áp lực mà họ có thể gây nên. Những điều này bao gồm cả những chế tài lẫn khả năng cùng làm việc với nhau, cũng như những ảnh hưởng khác như là quyền hành. 

cXem các thảo luận về chế tài ở Chương Mười, “Đi Tìm Một Giải Pháp Cho Vấn Đề Chiến Tranh,” và Chương Mười Một, “ Phạm Trù Xã Hội.” 

d Cũng cần phải chú ý đến những động năng của giai cấp xã hội và giai cấp kinh tế và các tương giao, và các vai trò của chúng trong chính trị. Tuy nhiên, sự phân tầng không phải chỉ về xã hội và kinh tế mà còn về chính trị nữa, và có lí khi nói về “giai cấp chính trị” ngoài những hình thái khác. (Xem Gaetano Mosca, Giai Cấp Cai Trị [New York và London: McGraw Hill, 1939], và Ralf Dahrendorf, Giai Cấp Và Xung Đột Giai Cấp Trong Xã Hội Kĩ Nghệ [Stanford: Stanford University Press, 1959].) 

đ Xem Phụ lục C, “Skinner và Gandhi Về Đánh Bại Bạo Lực.”

1Krishnalal Shridharani, Chiến Tranh Không Bạo Lực: Một Nghiên Cứu Về Phương Pháp Của Gandhi và Các Thành Quả (New York: Harcourt Brace, 1939, và tái bản New York và London: Garland Publishing, 1972), t. 260.

2Bertrand De Jouvenel, Về Quyền Lực: Bản Chất Và Lịch Sử Tăng Trưởng (Boston: Beacon Press, 1962 [1948]), tt. 12-13.

3Gene Sharp, Chính Trị Của Hành Động Bất Bạo Động (Boston: Porter Sargent Publisher, 1973), tt.10-11.

4Karl Mannheim, Con Người Và Xã Hội Trong Thời Đại Tái Thiết: Những Nghiên Cứu Về Cơ Cấu Xã Hội Tân Tiến (New York: Harcourt Brace, và London: Routledge & Kegan Paul, 1949), t.48.

5Như trên.

6Như trên. Những chữ nghiêng là của Mannheim.

7Karl Mannheim, Chẩn Đoán Thời Đại Của Chúng Ta: Những Tiểu Luận Về Thời Chiến Của Một Nhà Xã Hội Học (London: Routledge, 1966 [1943], t.10. Muốn có những thảo luận trước đây về các khó khăn của những cuộc đấu tranh bất bạo động trong những điều kiện tân tiến, xem thêm Aldous Huxley, Cứu Cánh Và Phương Tiện: Một Điều Tra Về Bản Chất Của Các Lí Tưởng và Về Những Phương Pháp Được Sử Dụng Để Thực Hiện Các Lí Tưởng Đó (London: Chatto & Windus, 1938), và Barthelemy De Ligt, Chinh Phục Bạo Lực: Một Tiểu Luận Về Chiến Tranh Và Cách Mạng (New York: E.P. Dutton, 1938, và London: Geo. Routledge & Sons, 1937, và New York: Garland Publishing, 1972), tt.70-85.

8Mannheim, Con Người Và Xã Hội Trong Thời Đại Tái Thiết, t.49, số 2.

9Về đảo chánh, xem D.J. Goodspeed, Những Kẻ Âm Mưu: Một Nghiên Cứu Về Đảo Chánh (Toronto: Mcmillan, 1962); William Andrews và Uri Ra’anan, Chính Trị Của Đảo Chánh: Nghiên Cứu Về Năm Trường Hợp (New York: Van Nostrand Reinhold, 1969); S.E. Finer, Người Trên Lưng Ngựa: Vai Trò Của Quân Đội Trong Chính Trị (Harmondsworth, Middlesex, and Baltimore, Maryland: Penguin Books, 1976 [1962]); Edward Luttwak, Đảo Chánh: Một Cẩm Nang Thực Tiễn (New York: Alfred A. Knopf, 1969); Ruth First, Quyền Lực Ở Phi Châu: Quyền Lực Chính Trị Ở Phi Châu và Đảo Chánh (New York: Pantheon Books, 1970); và Eric A. Nordlinger, Binh Lính Trong Chính Trị: Những Vụ Đảo Chánh Quân Sự Và Các Chính Quyền (Englewood Cliffs, N.J.: Prentice Hall, 1977).

10Về chiến tranh du kích, xem Franklin Mark Osanka, bt., Chiến Tranh Du Kích Hiện Đại (New York: Free Press of Glencoe, 1962); Mao Tse Tung, Tuyển Tập Quân Sự Của Mao Trạch Đông (Peking: Foreign Languages Press, 1966); John Gerassi, bt., Chúng Ta Sẽ Thắng! Các Diễn Văn Và Tác Phẩm Của Ernesto Che Guevara (New York: Macmillan Co., 1968), Chương 2,7,9,21,23,31, và 35; Charles W. Thayer, Du Kích(New York: Harper & Row, 1963); George K. Tanham, Chiến Tranh Cách Mạng Cộng Sản: Việt Minh Ở Đông Dương (London: Methuen, 1962); và Peter Paret và John W. Shy, Du Kích Trong Những Năm 1960 (Bản sửa đổi; New York: Frederick A. Praeger cho Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế, Đại Học Princeton, 1962).

11Mao Tse Tung, “Về Chiến Tranh Trường Kì ,” trong Tuyển Tập Quân Sự Của Mao Trạch Đông, t.246, xem thêm tt.210-217 và t.247.

12Aldous Huxley, “Dẫn Nhập” cho Barthelemy de Ligt, Chiến Thắng Bạo Lực, t.x

13Xem Quincy Wright, Một Nghiên Cứu Về Chiến Tranh (Chicago: University of Chicago Press, 1942), Tập I, tt.232-242,302, và đặc biệt 311; Bronislaw Malinowski, “Một Phân Tích Nhân Chủng Học Về Chiến Tranh,” American Journal of Sociology, Tập XLVI, số 4, đặc biệt là t.545; và B. Malinowski, Tự Do Và Văn Minh (New York: Roy Publishers,1944), đặc biệt là tt. 265 và 305.

 

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.