HOÀNG KIM LOAN HẮN LÀ AI?

1/-QUÂN HÀM TRUNG TÁ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN HÀ NỘI

2/-PHÁI KHIỂN TÌNH BÁO NHA LIÊN LẠC TÌNH BÁO HÀ NỘI.

3/-CÁN BỘ CỤM TÌNH BÁO CHIẾN LƯỢC CỘNG SẢN HÀ NỘI

4/-THÀNH ỦY VIÊN THÀNH ỦY HUẾ.

Trích trân chiến Tình Báo, Phản Tình Báo của Tác giả Liên Thành. [Trang 616-627]

Hoàng Kim Loan sinh và chánh quán tại xã Phong An, Quận Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên. Tính đến tháng 5-1972 hắn vừa đúng 56 tuổi. Có vợ trú ngụ tại xã Phong An. Có hai con, một gái và một trai. Con trai của hắn phục vụ trong Binh chủng Thiết Giáp Quân lực VNCH cấp bậc Đại úùy, con gái buôn bán và sống với mẹ.

Ngoài ra, em ruột của hắn là Hoàng Mạnh Hùng, làm Chủ tịch Hội đồng Xã Phong An, Chính quyền VNCH.

Hoàng Kim Loan theo Cộng sản từ thời kháng chiến chống Pháp, cùng lứa với Đại Tá Thân Trọng Một, Trung Đoàn trưởng, trung đoàn 5 Đặc Công cộng sản. (Thân Trọng Một quê ở Nguyệt Biều, Lương Quán, thuộc quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên).  Tính đến năm 1972, Hoàng Kim Loan đã có 18 năm tuổi Đảng, “quân hàm” Trung Tá.

Năm 1954, thay vì tập kết ra Bắc, hắn được gài ở lại. Địa bàn hoạt động của hắn là Thừa Thiên và Thành phố Huế. Hoàng Kim Loan gốc thuộc Nha Liên Lạc hay Cục Tình Báo Chiến Lược, sau này vì nhu cầu đòi hỏi, hắn kiêm chức Thành Ủy Viên Thành Ủy Huế, phụ trách Tôn Giáo vận, Trí thức vận, kể cả Học sinh và Sinh viên.

Với thời gian dài gần 20 năm hoạt động trong vùng quốc gia, địa bàn Thừa Thiên-Huế, từ tôn giáo, đảng phái chính trị, giới trí thức, sinh viên, học sinh, viên chức chính quyền và ngay cả quân đội, đều bị Hoàng Kim Loan cấy, gài người vào hoạt động cho hắn. Mọi biến động chính trị, lên đường xuống đường, chống đối chính quyền Trung Ương VNCH và tại Thừa Thiên-Huế đều do một tay hắn và đám cơ sở của hắn nằm trong tôn giáo, học sinh, sinh viên khuấy động. Hắn biết nắm thời cơ, lợi dụng sức mạnh và quyền lực của Phật giáo Ấn Quang tại Thừa Thiên-Huế. Sau ngày đảo chánh lật đổ nền Đệ I Cộng Hòa và Tổng Thống Ngô Đình Diệm, qua các cơ sở quan trọng nằm vùng trong Phật giáo như Thích Đôn Hậêu, Chánh Đại diện Phật giáo Ấn Quang miền Trung, Thích Trí Quang, Thích Thiện Siêu, trụ trì chùa Từ Đàm, Thích Chánh Trực trụ trì chùa Tường Vân và hàng ngàn cơ sở nằm trong các khuôn hội tại 13 quận thuộc Thừa Thiên-Huế, để thi hành các công tác khuấy động chính trị, gây xáo trộn và rối loạn tại miền Trung và Thừa Thiên Huế. Hắn áp dụng đúng sách lược ”Dùng Phật Giáo làm ngọn cờ, dùng sinh viên, học sinh làm ngòi nổ”.

Những công tác mà hắn đã thực hiện sau 1963:

 – Vô hiệu hóa các cơ quan, và nhân viên tình báo của Chính Phủ thuộc Đệ I Cộng Hòa. Áp lực chính quyền sau ngày “cách mạng”, truy tố và sau đó xử bắn ông Phan Quang Đông, Giám Đốc cơ quan Tình Báo hoạt động bên kia vỹ tuyến 17, qua các biểu tình rầm rộ tại Huế, vu khống, chụp mũ họ là Mật Vụ Nhu-Diệm đàn áp Phật giáo, bắt cóc thủ tiêu quý Thầy v.v…

– Giải thoát một số Cán bộ cao cấp cộng sản bị giam giữ tại Chín Hầm (một địa danh ở Huế) sau ngày “cách mạng” 1-11-1963.  

– Vụ nổi loạn miền Trung của Thích Trí Quang mùa hè năm 1966.

– Mậu Thân 1968, Hoàng Kim Loan phụ trách công tác Tổng Khởi Nghĩa, thành lập Ủy Ban Nhân dân Cách Mạng tại Thừa Thiên-Huế, cùng với Nguyễn Trung Chính cán bộ nằm vùng, Phan Nam tức Lương, cán bộ Thành Ủy, đã đưa Nguyễn Hữu Vấn, giáo sư trường Quốc Gia âm nhạc làm Chủ Tịch Ủy ban Nhân dân Quận I. Nguyễn Thiết, bí danh Hoàng Dung làm Chủ Tịch ủy ban Nhân dân Quận II. Năm 1955 (?) Thiết vượt vỹ tuyến 17 ngoài Bắc vào Nam với ngụy thức tìm tự do, sau đó học luật và len lỏi vào được ban chấp hành Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Huế, tại đây Thiết  phụ trách Sinh Viên vận.

Trước Mậu Thân mấy ngày, Hoàng Kim Loan đưa Lê Văn Hảo, giáo sư Nhân chủng học, đại học Huế lên mật khu nhận chức Chủ Tịch Liên Minh Dân Chủ Dân Tộc Hòa Bình và sau đó là Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thừa Thiên-Huế.

Ngày 14-2-1968, trong thời gian Cộng sản chiếm Huế,  Hà Nội tuyên bố đã thành lập chính quyền Cộng sản tại Thừa Thiên-Huế. Chủ Tịch là Lê Văn Hảo, đồng phó Chủ Tịch là Hoàng Phương Thảo, Thành Ủy Viên Cộng sản và Bà Tuần Chi tức Đào thị Yến, Hiệu Truởng Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh, Huế. Bà Tuần Chi là mẹ nuôi của Bà Hoài Nam, vợ của một Trung Tướng trong Quân lực VNCH. (*Sau 1975 Lê Văn Hảo không còn giá trị lợi dụng nữa, bọn cộng sản cho hắn chức Phó Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Trị-Thiên, ngồi chơi xơi nước. Hảo bất mãn, nhờ một Giáo Sư Đại Học người Pháp, thuộc Đảng Cộng sản Pháp, mời hắn sang Paris thuyết trình. Nhân cơ hội đó, Hảo trốn ở lại Paris).

Mậu Thân 1968, Hoàng Kim Loan cùng với tên Lê Minh, Tư lệnh mặt trận Huế, Trưởng Ban An Ninh Khu Ủy Trị Thiên, tên Tống Hoàng Nguyên, và tên Nguyễn Mậu Huyên tức Bảy Lanh, cán bộ An Ninh Cấp Khu Ủy, đã điều khiển những cuộc bắn giết, chôn sống đồng bào, nhân viên chính quyền, Cảnh Sát Quốc Gia, và Quân nhân mà tổng số nạn nhân vô tội lên đến trên 5000 người. (*Nguyễn Mậu Huyên tức Bảy Lanh là con nuôi chủ tiệm Thuốc Bắc Thiên Tường ngay đường Duy Tân, đối diện chợ An Cựu, Quận III). Nếu dùng danh từ luật pháp thì tội danh của Hoàng Kim Loan và đồng bọn trong dịp Tết Mậu Thân tại Cố Đô Huế là tội diệt chủng, cũng giống bọn Khmer Đỏ của xứ Cao Miên.

Tóm lại, sau gần 20 năm hoạt động tại địa bàn Thừa Thiên-Huế, Hoàng Kim Loan đã xây dựng và tổ chức được một hệ thống tình báo mạnh, vững chắc, kín đáo, nằm sâu vào mọi cơ quan dân sự, quân sự, an ninh, Cảnh Sát Quốc Gia, đảng phái chính trị, tầng lớp trí thức, học sinh, và sinh viên của chính quyền quốc gia tại Thừa Thiên-Huế. Đặc biệt là Phật giáo Ấn Quang bị hắn cài người xâm nhập nặng nề nhất. Cơ sở nội tuyến của hắn phải tính đến hằng ngàn. Thật kinh khủng ngoài sức tưởng tượng.

Bây giờ là tháng 5-1972, mùa hè đỏ lửa, cộng sản Hà Nội và Hoàng Kim Loan đang sửa soạn diễn lại màn bi kịch Mậu Thân 1968, Tổng Nổi Dậy và tắm máu dân Huế một lần nữa.

Nhưng Hoàng kim Loan không ngờ lần này, hắn gặp một đối thủ dù tuổi đời mới ngoài 30, chỉ hơn phân nửa tuổi hắn, vào nghề sau hắn 18 năm, nhưng đầy khả năng, lòng can đảm, ý chí sắt đá của một Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, lại đang là nhân viên công lực trong lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia VNCH. Viên sĩ quan trẻ tuổi này đã bẻ gãy kế hoạch của Hà Nội và Hoàng Kim Loan. Bắt giữ gần 1500 cơ sở nội tuyến mà hắn, Cục Tình Báo Chiến Lược, và Tổng Cục 2 Quân Báo cộng sản, của ban An Ninh Khu Ủy Trị Thiên, và của Tỉnh, Thị Ủy Thừa Thiên-Huế, đã bỏ ra gần 20 năm gây dựng tại Thừa Thiên-Huế. Và chính hắn, Trung Tá Việt cộng Hoàng Kim Loan cũng phải đưa tay chịu trói.

Vốn tính khiêm nhường, nhưng tôi cũng phải mạnh dạn thưa thật: Viên Sĩ quan đó là tôi, Đại Úy Liên Thành, Chỉ Huy Trưởng CSQG/Thừa Thiên và Thị Xã Huế, với sự đóng góp công sức của toàn thể nhân viên các cấp thuộc BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế.

Công bằng mà nói, Hoàng Kim Loan là một trong những điệp viên xuất sắc của cộng sản, hoạt động trong lòng “địch” gần 20 năm. Trong 15 năm đầu, không một cơ quan tình báo nào của Chính phủ VNCH phát giác được hắn. Khi bị tôi còng tay vào tháng 5/1972, hắn 56 tuổi, cao khoảng 1m60, nặng khoảng 58kg, da trắng, mái tóc bềnh bồng, bạc hoa râm, mang kính trắng. Hắn có dáng dấp của một học giả, một nhà thơ, hay giáo sư văn chương. Bất kỳ ai, ngay cả nhân viên công lực, tình báo, không thể ngờ hắn là một cán bộ cộng sản cao cấp, một điệp viên cộng sản.

Hắn hoạt động, tổ chức cơ sở dưới dạng đơn tuyến, ngăn cách và rất thận trọng, bảo mật tối đa. Sống bất hợp pháp trong Thành phố Huế gần 20 năm, thay đổi chỗ ở đến độ các toán theo dõi hắn mà tôi phái đi phải chóng mặt. Có một chỉ dấu nào hắn hơi nghi là lập tức hắn đổi chỗ ở. Nhưng đó cũng là yếu điểm, chính hắn đã tự tố cáo các cơ sở nằm vùng của hắn cho tôi. Thường thì hắn chọn các cơ sở của hắn có thế lực, có uy tín và các cơ sở có chức vụ trong chính quyền, các cơ sở tôn giáo như các chùa để trú ngụ, hầu tránh mọi nghi ngờ phát giác.  Những nơi hắn đã ở điển hình như:

– Nhà của Nguyễn Hữu Đính, cơ sở nội thành ở đường Nguyễn Huệ, cạnh Tòa Đại Biểu. Nguyễn Hữu Đính là anh ruột của thầy Nguyễn Hữu Thứ, giáo sư trường Quốc học và là Chánh Án Tòa Sơ Thẩm Huế. Nguyễn Hữu Đính có con trai Nguyễn Hữu Châu Phan, cơ sở nội thành, sinh viên tranh đấu.

– Nhà của Tổng Thư Ký Viện Đại Học Huế (niên khóa 1967-1968)

– Nhà của Nguyễn Đóa, Giám thị Trường Quốc Học

– Nhà của Trưởng Ty Cảnh Sát Thành phố Huế, Nguyễn Văn Cán, thường gọi là Quận Cán, ở đường Triệu Ẩu, gần ngã tư bùng binh chợ An Cựu

– Nhà của Tôn Thất Dương Tiềm ở đường Hòa Bình quận Thành Nội (Quận I)

– Chùa Tường Vân phía trên dốc Nam Giao, sau đồi Quảng Tế

– Chùa Trà Am, nằm về phía Tây núi Ngự Bình cách núi Ngự khoảng 3Km… Và nhiều, nhiều nữa…

Mỗi lần di chuyển trong thành phố hắn rất khôn ngoan, lựa những giờ 12 giờ trưa, hoặc 6 giờ chiều là những giờ cao điểm lưu thông, công chức bãi sở, học sinh, sinh viên tan học, nhân viên công lực đổi phiên, lơ là kiểm soát. Một đôi khi hắn ngụy trang đi với một cặp vợ chồng cơ sở của hắn, dắt con dại đi theo. Hắn đóng vai ông nội hoặc ông ngoại của đứa bé, qua mặt nhân viên công lực trong thành phố tỉnh bơ và dễ dàng.    

Hắn đâu ngờ hành tung của hắn đã bị chúng tôi phát giác và  nhận diện từ tháng 11-1966, sau vụ hắn và Thích Trí Quang dấy loạn tại miền Trung và Thừa Thiên-Huế.

Sau một thời gian phối kiểm với một số cơ sở nội tuyến của chúng tôi, vào tháng 5-1967 tôi quyết định cho mở hồ sơ, và mở chiến dịch xâm nhập vào tổ chức của Hoàng Kim Loan.

Thông thường thì một dự án (project) xâm nhập phải xét qua những chính điểm sau:

– Mục tiêu xâm nhập.

– Thời gian.

– Ước tính ngân khoản.

– Nhân sự: Tuyển chọn nhân viên và cán bộ điều khiển.

– Phương tiện: Nhà an toàn, xe cộ để theo dõi mục tiêu, phương tiện kỹ thuật.

Tôi đặt tên cho chiến dịch này là: ‘San hô đỏ’ vì thằng này hắn lặn sâu quá, giống như san hô nằm dưới đáy biển.

Ngân khoản, phương tiện và máy móc do Cố vấn Mỹ cung cấp.

Tôi tuyển chọn một số nhân viên thượng đẳng của ban xâm nhập, thuộc phòng CSĐB tung vào chiến dịch.

Trong suốt thời gian 5 năm, từ 5-1967 đến 5-1972, nhờ xâm nhập theo dõi Hoàng Kim Loan và đám cơ sở nội thành của hắn, mà lực lượng CSQG Thừa Thiên- Huế, đã ngăn chận được một số hoạt động phá hoại của bọn chúng trong Thành phố Huế, đã chặn đứng được những cuộc âm mưu khuấy động chính trị do Hoàng Kim Loan núp phía sau thế lực tôn giáo và đám Sinh Viên Học Sinh nội thành do hắn điều khiển. Chúng tôi đã khám phá được nhiều cơ sở của hắn, biết rõ từng địa điểm  hội họp, và những nơi Hoàng Kim Loan trú ngụ. Trong khoảng thời gian này, nếu tôi muốn bắt Hoàng Kim Loan thì thật quá dễ dàng, nhưng nguyên tắc xâm nhập là lún sâu và trèo cao, dại gì ăn non.

Vào ngày 5-5-1972, Huế bây giờ đang trong cơn “thập tử nhất sinh”, mười chết một sống, giống như con bệnh sắp đến hồi kết thúc, thần chết lảng vảng chung quanh. Huế còn thở được bao lâu? Huế bây giờ giặc ngoài, loạn trong. Giặc ngoài đã có các đại đơn vị tinh nhuệ của Quân lực VNCH chận đánh, nhưng loạn trong là trách nhiệm và bổn phận của lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế.

2 giờ 40 chiều ngày 5-5-1972, Huế vừa nhận thêm đợt pháo hỏa tiễn 122 ly của Việt cộng gởi về từ vùng núi phía Tây thành phố, đây là đợt pháo thứ tư trong ngày. Cứ sau mỗi đợt pháo, dân chúng lại hốt hoảng, rời bỏ Huế chạy về hướng Đà Nẵng.

Nếu Việt cộng thực hiện cuộc Tổng Nổi Dậy trong thời gian này thì thật là một đại họa cho đồng bào Huế.

Trong hoàn cảnh này, muốn chận đứng kế hoạch Tổng Nổi Dậy của Việt cộng là phải ra tay trước, thật nhanh và thật mạnh. Bắt tên cầm đầu Trung Tá VC Hoàng Kim Loan, đám cơ sở nội thành của hắn, và đám cơ sở của ban An ninh Khu Ủy Trị Thiên-Huế, mà chúng tôi đã  phát giác và thiết lập danh sách từ 4 năm nay, con số đã lên gần 1500.

Đám cơ sở Việt cộng này phải được nhanh chóng bắt giữ, cô lập, và vô hiệu hóa bọn chúng ngay. Cũng giống như cua bị bẻ gãy càng lớn, chân nhỏ, thì bò được đi đâu, có như vậy mới chận đứng và đập tan mưu toan Tổng Nổi Dậy tại Huế của bọn Việt cộng.    

Tôi  quyết định mở cuộc hành quân trên khắp 10 quận nông thôn của tỉnh Thừa Thiên, và 3 quận trong Thành phố Huế,  đồng loạt truy bắt bọn này.

Tôi bàn với Đại Úy Trương Công Ân, Trưởng phòng Cảnh Sát Đặc Biệt, Ân cũng đồng ý.

Tôi nói Ân mời Đại Úy Trương văn Vinh, Chỉ huy Phó, Cố vấn CSĐB, Thiếu Tá Cố Vấn chương trình Phụng Hoàng, Cố vấn Đại Đội CSDC, cố vấn trưởng BCH, và Đại Úy Trần Văn Trinh, Trung tâm trưởng Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực, một giờ sau họp khẩn cấp tại văn phòng tôi.

5 giờ 25 chiều ngày 5-5-1972, bốn Cố vấn Mỹ đến văn phòng tôi, người nào cũng nón sắt, áo giáp, súng M18 cầm tay, nét mặt căng thẳng, viên Thiếu Tá Cố vấn chương trình Phụng Hoàng hỏi ngay:

– Sao rồi Đại Úy, tình hình trầm trọng lắm không?

Tôi mời mọi người ngồi vào bàn họp chậm rải trả lời:

– Đúng, tình hình an ninh mỗi ngày mỗi tệ hơn, như chúng ta đã biết, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã đến Huế (ngày 2-5-1972) thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân Đoàn I, chỉ huy mặt trận Trị Thiên.

Mặt trận phiùa Bắc Thừa Thiên- Huế, các đại đơn vị của quân lực VNCH, đang thiết lập tuyến phòng thủ Huế bên này bờ sông Mỹ Chánh. Liên Đoàn Biệt Động Quân, Sư Đoàn Thủy Quận Lục Chiến, Sư Đoàn Nhảy Dù, đang chận đánh các Sư Đoàn của Việt cộng trên trục tiến quân vào Huế. Mặt trận phiùa Tây Thành phố Huế, Sư Đoàn I BB đang đụng nặng với Sư Đoàn 324B và các trung đoàn 4, 5, 6, của Quân khu Trị Thiên, tình hình vẫn chưa sáng sủa. Điều quan trọng nhất mà giờ này tôi mời quý vị họp khẩn cấp là tình hình an ninh tại Thành phố Huế.

Như quý vị đã được tôi thông báo nhiều ngày trước đây, nếu lực lượng quân sự của Việt cộng tiến sát gần Thành phố Huế, thì ngay lập tức bọn Việt cộng sẽ phát động cuộc Tổng Nổi Dậy tại thành phố, cướp chính quyền, và thành lập “chính quyền cách mạng” của bọn chúng như đã xảy ra hồi Tết Mậu Thân 1968. Hậu quả sẽ là một cuộc tắm máu lần thứ hai, mà lần này có lẽ còn tàn bạo hơn, khốc liệt hơn Mậu thân 1968.   Vì vậy tôi quyết định ra tay trước khi quá trễ. Lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế sẽ mở một cuộc Hành Quân đại quy mô trong 10 quận nông thôn, trải dài từ Bắc Thừa Thiên đến Nam Thừa Thiên và 3 quận trong Thành phố Huế, truy bắt tất cả hạ tầngg cơ sở Việt cộng, và các cán bộ Cộng sản nằm vùng trong các cơ quan của chính quyền, học sinh, sinh viên, các thành phần cộng tác với địch, nằm vùng trong Quân đội, đảng phái, trong các giới thương gia, tiểu thương v.v…

Tất cả những người này, chúng tôi đã có hồ sơ từ lâu, nhưng vì một số lớn nằm trong các tổ chức nội thành của Việt cộng mà Cảnh Sát Đặc Biệt đã mở những chiến dịch xâm nhập, nên chưa đến lúc phải phá vỡ, nhưng nay vì tình hình khẩn trương, để chận đứng cuộc Tổng Nổi Dậy của bọn chúng, tôi quyết định giữ lại một số chiến dịch xâm nhập lâu dài, số còn lại phá vỡ và bắt giữ  toàn bộ. Số lượng nằm trong danh sách khoảng 1500 cơ sở, và sẽ phải di chuyển họ rời khỏi Huế ngay.

Chúng ta không còn nhiều thì giờ, nếu tình hình quân sự diễn biến nhanh và bất lợi cho quân lực VNCH, thì lập tức bọn cán Bộ Chính Trị Việt cộng sẽ phát động cuộc Tổng Nổi Dậy. Vì thế tôi nghĩ cuộc hành quân của chúng ta chậm nhất là phải khai diễn vào 6 giờ sáng ngày mai 6-5-1972.

Nếu theo kiểu nói giang hồ, thì lần này tôi đem hết tài sản của BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế ra chơi cạn láng canh xì phé với tên Trung Tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan cùng đám giặc cỏ của hắn và tôi tin chắc chắn, tôi sẽ làm cho hắn cháy túi.

Tôi sẽ xử dụng 2/3 lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế vào cuộc Hành Quân này, gồm có:

– Cảnh Sát Đặc Biệt.

– Cảnh Sát Dã Chiến.

– Cảnh sát sắc phục.

(* BCH /CSQG Thừa Thiên-Huế là đơn vị CSQG lớn nhất toàn quốc. Tổng số khoảng 5300 nhân viên CSQG, chịu trách nhiệm an ninh lãnh thổ của 10 quận nông thôn, gồm 73 xã thuộc tỉnh Thừa Thiên, và 3 Quận I, 2, 3 thị xã Huế).

Chúng ta sẽ có cuộc họp toàn bộ các Chỉ Huy Trưởng, và phụ tá CSĐB quận, các cấp chỉ huy của BCH vào khoảng 9 giờ tối ngày hôm nay, vì vậy tôi yêu cầu văn phòng Cố Vấn Đặc Biệt, hoặc Phụng Hoàng giúp phương tiện trực thăng, chở các Chỉ Huy Trưởng và phụ tá Đặc Biệt quận về BCH tỉnh trước  9 giờ tối  nay, và hoàn trả họ lại đơn vị sau khi họp xong.

Thiếu Tá Cố Vấn Phụng Hoàng cho biết:

– Đại Úy Thành, tôi có thể giúp, hiện tôi đang có trực thăng trực cho tôi và Đại Tá Cố Vấn Tỉnh, Ông có thể xử dụng. Tôi có một yêu cầu: Vào ngày hôm qua, tất cả những thành phần không quan trọng thuộc cơ quan Cố Vấn Tỉnh (Cord) đã di tản vào Đà Nẵng, chỉ còn một số ít nhân viên ở lại Huế, tôi muốn Đại Úy cho phép tôi và một toán nhỏ về đóng tại Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực để tiện liên lạc.

– Không có gì trở ngại, Ông liên lạc với Đại Úy Trinh, Trung Tâm trưởng TTHQCL, Trinh sẽ sắp xếp cho ông. 

Cố vấn CSĐB  hỏi tôi:

– Đại Úy, phần trước ông cho biết có thể số người bị tạm giữ gần 1500, ông định di chuyển họ ra khỏi Huế, vậy đưa họ đi đâu và bằng phương tiện nào?

– Bình thường những tù nhân đã lãnh án, đều được di chuyển ra Côn Sơn, và phương tiện di chuyển đều do Bộ Tư lệnh CSQG tại Sài Gòn cung cấp, tuy nhiên lần này vì tình hình đặc biệt, ngoài Bộ Tư lệnh CSQG Sài Gòn,  tôi sẽ trình bày với Đại Tá Tỉnh Trưởng và nhờ ông can thiệp với Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân Đoàn I, cung cấp phương tiện chuyển vận, và địa điểm là Côn Sơn. Họ sẽ bị giữ tại đây trong một thời gian ngắn, khi tình hình Huế ổn định, tôi sẽ đem họ về và tuần tự thanh lọc.

Ngoài số người này, hiện tại Trung Tâm Cải Huấn có khoảng 400 tù Cộng sản, số này đáng lý phải di chuyển hơn một tuần trước đây, nhưng vì tình hình chiến sự, họ vẫn còn tại Trung tâm Cải Huấn. Số 400 tù Cộng sản này phải di chuyển ngay, nếu họ nổi loạn phá nhà lao, hoặc lực lượng Đặc Công Việt cộng tấn công trung tâm Cải Huấn giải thoát đám này ra ngoài, thì hậu quả thật khó lường.      

Điểm cuối cùng, tôi có ý định đặt tên cho cuộc Hành Quân này là “Chiến Dịch Bình Minh”, với mong mỏi sau cuộc Hành Quân phá vỡ âm mưu Tổng Nổi Dậy của bọn Việt cộng, một   Bình Minh an lành sẽ đến với đồng bào Huế.

Mọi người đều thuận ý lấy tên như vậy.

Tôi nói  Đại Úy Trần Văn Trinh cho quay ronéo 1500 lệnh tạm giữ, tôi sẽ ký khống chỉ và giao cho các Chỉ Huy Trưởng quận trong phiên họp tối nay. Riêng Đại Úy Ân liên lạc ngay với các Chỉ Huy Trưởng Quận và phụ tá CSĐB, chuẩn bị hồ sơ hạ tầngg cơ sở địch trong phạm vi trách nhiệm, mang theo khi trực thăng đón lên họp tại BCH Tỉnh tối nay.

Phiên họp chấm dứt, và hẹn gặp lại 9 giờ tối.

 

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.