NHỮNG NGUY HIM CỦA THƯƠNG THẢO
(Bài 015)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

 

    Khi đối diện với những vấn đề nghiêm trọng trong việc chạm trán với một nền độc tài (như đã duyệt qua trước đây), một số người có thể quay trở lại với sự khuất phục thụ động. Những người khác thì, không thấy được viễn tượng đạt được tự do, có thể kết luận là họ phải đấu dịu với nền độc tài trông có vẻ vĩnh cửu này, hi vọng rằng qua “hoà giải,” “thoả hiệp,” và “thương thảo”, họ có thể cứu vãn được một vài yếu tố tích cực và chấm dứt bạo tàn. Trên bề mặt, thiếu những giải pháp thực tế, thì lối suy nghĩ này có hấp lực của nó.

    Đấu tranh nghiêm chỉnh chống lại những nền độc tài tàn ác không phải là một viễn tượng thích thú. Tại sao lại phải đi con đường này? Phải chăng ai cũng không thể có lí trí và tìm ra những phương cách để nói chuyện, để thương thảo một đường lối dần dà chấm dứt độc tài hay sao? Các nhà dân chủ không thể kêu gọi ý thức về bản tính nhân loại chung cho tất cả mọi người ở những nhà độc tài và thuyết phục họ giảm thiểu sự thống trị của họ mỗi lúc một ít, và có lẽ sau cùng sẽ nhượng bộ hoàn toàn cho việc thiết lập một nền dân chủ hay sao?

    Đôi khi người ta lí luận là chân lí không hoàn toàn ở về một phía. Có lẽ các nhà dân chủ đã hiểu lầm những nhà độc tài có thể đã từng hành động vì những động lực tốt trong những hoàn cảnh khó khăn chăng? Hay là một vài người có thể nghĩ, các nhà độc tài sẽ vui lòng tách mình ra khỏi hoàn cảnh khó khăn mà đất nước đang gặp phải nếu họ nhận được một vài sự khuyến khích hay là khuyến dụ. Người ta có thể lí luận là các nhà độc tài có thể cung ứng một giải pháp “ai cũng thắng cả”, theo đó người nào cũng giành được một phần nào thắng lợi. Những hiểm nguy và đau đớn của cuộc đấu tranh lâu dài hơn có thể không còn cần thiết nữa, người ta có thể lí luận, nếu đối lập dân chủ chỉ bằng lòng chịu giải quyết xung đột một cách hoà bình bằng thương thảo (điều có thể được phụ trợ có lẽ ngay cả bởi một vài cá nhân có tài hay ngay cả bởi một chính quyền khác). Điều này phải chăng là tốt đẹp hơn một cuộc đấu tranh cam go, ngay cả nếu đó là một cuộc đấu tranh bất bạo động thay vì một cuộc chiến quân sự?

Những giá trị và giới hạn của thương thảo 

    Thương thảo là một công cụ rất hữu ích cho việc giải quyết một vài loại vấn đề trong những cuộc xung khắc và không nên bị bỏ lơ hay khước từ khi chúng thích hợp.

    Trong một vài hoàn cảnh mà trong đó không có những vấn đề tranh chấp nền tảng bị đe doạ, và do đó một thoả hiệp có thể chấp nhận được, thì thương thảo có thể là một phương tiện quan trọng để giải quyết xung khắc. Một cuộc đình công lao động đòi tăng lương là một thí dụ tốt về vai trò thích hợp của thương thảo trong một cuộc xung đột: một giải quyết được thương lượng xong có thể đem lại một sự tăng lương với số tiền nằm đâu đó ở giữa những con số do hai bên đề nghị lúc ban đầu. Tuy nhiên, những xung khắc về lao động có những công đoàn hợp pháp khác hẳn những xung đột mà trong đó sự hiện hữu của một nền độc tài tàn ác vẫn cứ tiếp tục hay là sự thiết lập tự do chính trị bị đe doạ.

    Khi mà những vấn đề tranh chấp là nền tảng, tác động lên những nguyên tắc tôn giáo, những vấn đề tự do của con người, hay là toàn bộ sự phát triển tương lai của xã hội, thì thương thảo không cung ứng được phương cách để đạt được một giải pháp thoả đáng chung. Về một số vấn đề căn bản thì không nên có một thoả hiệp nào cả. Chỉ có một sự chuyển đổi về tương quan lực lượng nghiêng về phía những nhà dân chủ thì mới bảo đảm được đầy đủ những vấn đề tranh chấp căn bản đang bị đe doạ. Một sự chuyển đổi như thế sẽ xảy ra qua đấu tranh, chứ không phải qua thương thảo. Điều này không có nghĩa là không bao giờ nên dùng thương thảo. Điểm muốn nói ở đây là thương thảo không phải là một phương cách thực tiễn để lật đổ một nền độc tài mạnh nếu không có một đối lập dân chủ vững chắc.

    Thương thảo, dĩ nhiên, có thể hoàn toàn không phải là một giải pháp. Những nhà độc tài đã ăn sâu bén rễ vững chắc cảm thấy an toàn trong vị thế của mình có thể từ chối thương thảo với những đối thủ dân chủ. Hay là, khi thương thảo vừa được khởi sự, thì những người đàm phán dân chủ có thể bị biến mất và họ không còn bao giờ được nghe thấy nữa.

Đầu hàng được thương lượng? 

    Những cá nhân và những nhóm chống độc tài và nghiêng về thương thảo thường có những động cơ tốt đẹp. Nhất là khi một cuộc đấu tranh quân sự đã từng tiếp diễn nhiều năm chống lại một nền độc tài tàn bạo mà không đạt được chiến thắng cuối cùng, thì cũng dễ hiểu là tất cả mọi người dù theo khuynh hướng chính trị nào đi nữa cũng mong muốn hoà bình. Thương thảo rất dễ trở thành một chủ đề đối với những nhà dân chủ khi mà những nhà độc tài có được thế thượng phong rõ ràng về quân sự và sự tàn phá và những tổn thất của chính người dân của mình không còn chịu đựng được nữa. Lúc bấy giờ sẽ có một cám dỗ mạnh mẽ cho việc tìm kiếm một con đường nào khác có thể cứu vãn được một vài trong số những mục tiêu của các nhà dân chủ đồng thời chấm dứt được chu kỳ bạo động và phản công bạo động.

    Đề nghị “hoà bình” bởi một nền độc tài qua thương thảo với đối lập dân chủ thì dĩ nhiên là không trung thực. Bạo lực có thể được chính những nhà độc tài ngưng lại tức khắc, nếu họ chỉ cần ngưng tiến hành cuộc chiến đối với người dân của họ. Do tự sáng kiến của chính họ mà không cần mặc cả gì cả, họ có thể phục hồi sự tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền, trả tự do cho những tù nhân chính trị, chấm dứt tra tấn, ngưng những cuộc hành quân quân sự, rút ra khỏi chính quyền, và tạ lỗi cùng nhân dân.

    Khi nền độc tài mạnh nhưng có đối kháng gây phiền toái, thì những nhà độc tài có thể thương lượng để đối lập chịu đầu hàng dưới chiêu bài “hoà giải.” Lời kêu gọi thương thảo có thể nghe hấp dẫn, nhưng những nguy hiểm nghiêm trọng đang rình rập trong phòng đàm phán.

    Ngược lại, khi đối lập hết sức mạnh và nền độc tài thực sự bị đe doạ, thì những nhà độc tài có thể tìm cách thương thảo hầu mong cứu vãn sự kiểm soát hay sự giàu sang của họ nhiều được chừng nào hay chừng đó. Trong cả hai trường hợp các nhà dân chủ không nên giúp những nhà độc tài tranh thủ các mục đích của họ.

    Các nhà dân chủ cần phải cảnh giác về những cái bẫy được giăng ra bởi các nhà độc tài đưa họ vào tiến trình thương thảo. Lời kêu gọi thương thảo khi những vấn đề căn bản về các tự do chính trị được nêu ra có thể là một nỗ lực của các nhà độc tài nhằm khuyến dụ các nhà dân chủ đầu hàng một cách hoà bình trong lúc bạo lực của nền độc tài vẫn cứ tiếp diễn. Trong những loại xung đột như thế thì vai trò thương thảo đúng đắn duy nhất có thể chỉ xảy ra vào giai đoạn cuối của một cuộc đấu tranh dứt điểm mà trong đó quyền lực của những nhà độc tài đã bị phá vỡ một cách hữu hiệu và họ đang đi tìm một lối thoát an toàn cho cá nhân qua một phi trường quốc tế mà thôi.   

Sức mạnh và công lí trong thương thảo 

    Nếu sự phán đoán này nghe có vẻ như là một lời bình phẩm quá khắt khe đối với thương thảo, thì một phần nào sự lãng mạn liên kết với thương thảo nên cần được giảm bớt. Đòi hỏi cần phải có sự suy nghĩ minh mẫn về cách thương thảo vận hành như thế nào.

    “Thương thảo” không có nghĩa là hai phe ngồi xuống với nhau trên căn bản bình đẳng rồi các phe giải trình và giải quyết những khác biệt đã dẫn đến sự xung đột giữa hai phe. Hai sự kiện cần phải được ghi nhớ. Trước hết, trong những cuộc thương thảo, không phải là công lí tương đối của những quan điểm đối nghịch và những mục tiêu quyết định nội dung của thoả ước đã được thương lượng. Thứ hai, nội dung của thoả ước thương lượng được quyết định bởi khả năng sức mạnh của mỗi bên.

    Có nhiều câu hỏi khó khăn cần phải được suy xét. Mỗi bên có thể làm gì sau này để tranh thủ những mục tiêu của mình khi mà phe kia không đi đến một thoả ước tại bàn đàm phán? Mỗi bên có thể làm gì sau khi đã đạt được một thoả ước nếu phe bên kia không giữ lời hứa và sử dụng những lực lượng có sẵn để tranh thủ những mục tiêu của mình bất chấp thoả ước?

    Một sự giàn xếp ổn thoả sẽ không đạt được trong thương thảo bằng cách thẩm định những cái đúng và những cái sai quấy của những vấn đề tranh chấp. Trong lúc những điều này có thể được thảo luận rất nhiều, nhưng kết quả thực sự trong thương thảo đến từ sự thẩm định về tình trạng sức mạnh tuyệt đối và tương đối của những phe tranh chấp. Các nhà dân chủ có thể làm gì để bảo đảm là những đòi hỏi tối thiểu của mình không thể bị từ chối? Những nhà độc tài có thể làm gì để duy trì kiểm soát và vô hiệu hoá các nhà dân chủ? Nói cách khác, nếu có được một thoả ước thì thực ra có lẽ là do chính kết quả của mỗi bên phỏng định những khả năng sức mạnh của hai phe so sánh với nhau như thế nào, và rồi tính toán làm sao có thể chấm dứt được một cuộc đấu tranh công khai.

    Cũng cần phải lưu ý đến điều gì mỗi bên có thể chịu mất mát để đi đến thoả ước. Trong những cuộc thương thảo thành công thường có thoả hiệp, một sự phân chia các khác biệt. Mỗi bên tranh thủ được một phần của những gì mà họ muốn và chịu mất phần nào những mục tiêu của mình.

    Trong trường hợp những nền độc tài quá khích thì những lực lượng vị dân chủ sẽ chịu mất gì cho những nhà độc tài? Những lực lượng vị dân chủ sẽ chấp nhận những mục tiêu nào của những nhà độc tài? Các nhà dân chủ có trao cho các nhà độc tài (dù là một đảng chính trị hay là một tập đoàn quân phiệt) một vai trò thường trực hiến định trong chính quyền tương lai hay không? Đâu là dân chủ trong điều này?

    Dù cho giả dụ là tất cả đều suông sẻ trong thương thảo, thì vẫn cần phải đặt câu hỏi là: Kết quả sẽ là loại hoà bình gì? Cuộc sống lúc bấy giờ có tốt đẹp hơn không hay là tệ hại hơn là nếu các nhà dân chủ bắt đầu hay là tiếp tục đấu tranh?

Những nhà độc tài “dễ chịu” 

    Những nhà độc tài có thể có nhiều động lực và mục tiêu bên dưới sự thống trị của họ: quyền lực, địa vị, giàu sang, uốn nắn lại xã hội, và vân vân. Người ta phải nhớ rằng không có điều nào trong số những điều này có thể thực hiện được nếu họ bỏ rơi những vị thế kiểm soát của họ. Trong trường hợp thương thảo, các nhà độc tài sẽ cố bảo toàn những mục đích của họ.

    Dù cho những nhà độc tài có hứa hẹn gì đi nữa trong bất cứ sự giải quyết đã được thương lượng nào, thì không ai được bao giờ quên là những nhà độc tài có thể hứa bất cứ điều gì để bảo đảm sự khuất phục của những đối thủ dân chủ của họ, nhưng rồi sẽ vi phạm trắng trợn ngay chính những thoả ước đó.

    Nếu các nhà dân chủ thoả thuận ngưng đối kháng để đạt được một sự triệt thoái của đàn áp, thì họ sẽ rất thất vọng. Ngưng đối kháng hiếm khi đem lại một sự thuyên giảm về đàn áp. Một khi lực lượng kiềm chế của đối lập quốc nội và quốc tế được cất đi, thì các nhà độc tài vẫn có thể làm cho sự áp bức và bạo lực của họ càng tàn bạo hơn trước nữa. Sự sụp đổ của đối kháng quần chúng thường cắt mất đối lực đã từng hạn chế được sự kiểm soát và sự tàn ác của nền độc tài. Các nhà chuyên chế lúc bấy giờ có thể tiến lên chống lại bất cứ ai mà họ muốn. “Bởi vì nhà chuyên chế có quyền lực để chỉ gây tác hại được đến điều mà chúng ta thiếu sức mạnh để kháng cự lại mà thôi,” Krishnalan Shhirdharani1 đã viết như thế.

    Đối kháng, chứ không phải thương thảo, cần thiết cho thay đổi trong những cuộc xung đột nơi mà những vấn đề tranh chấp đang bị đe doạ. Trong hầu như tất cả mọi trường hợp thì đối kháng cần phải tiếp tục để đẩy những nhà độc tài ra khỏi quyền lực. Thành công rất thường được quyết định không phải bởi thương thảo một giải pháp mà bằng cách sử dụng một cách khôn ngoan những phương tiện đấu tranh thích hợp và mạnh nhất sẵn có. Chúng tôi dám chắc, điều này có thể được tìm hiểu thêm sau này một cách chi tiết hơn, rằng thách thức chính trị, hay là đấu tranh bất bạo động, là phương tiện mạnh mẽ nhất có được cho những ai đấu tranh cho tự do.

Loại hoà bình nào?

    Nếu những nhà độc tài và các nhà dân chủ có nói chuyện về hoà bình thực sự, thì cần phải suy nghĩ thật hết sức minh mẫn vì những nguy hiểm liên hệ. Không phải tất cả mọi người dùng từ “hoà bình” đều muốn có hoà bình với tự do và công lí. Khuất phục trước áp bức độc ác và thụ động thông đồng với những nhà độc tài tàn nhẫn gây tang thương cho hàng trăm ngàn người thì không phải là hoà bình thực sự. Hitler đã từng đòi hỏi hoà bình, có nghĩa là ông ta đòi hỏi phải khuất phục trước ý muốn của ông. Hoà bình của những nhà độc tài không gì khác hơn là sự bình an của nhà tù hay của ngôi mộ.

    Còn có những nguy hiểm khác nữa. Những nhà đàm phán có ý hướng tốt thường hay lẫn lộn giữa những mục đích của thương thảo với chính tiến trình thương thảo. Hơn nữa, các nhà đàm phán dân chủ, hay là các chuyên gia đàm phán quốc ngoại, đã chấp nhận hỗ trợ trong các cuộc thương thảo, có thể đồng thời cung ứng cho những nhà độc tài sự hợp pháp tại quốc nội và quốc tế mà các nhà độc tài này trước đó đã bị từ chối vì việc cướp giật nhà nước, vì những vi phạm nhân quyền, và vì những bạo tàn của họ. Không có được sự hợp pháp mà họ thiết tha cần đến này, thì những nhà độc tài không thể tiếp tục cai trị mãi mãi. Những người ủng hộ hoà bình không nên cung cấp cho họ sự hợp pháp này.

Những lí do để hi vọng 

    Như đã được khẳng định trước đây, các nhà lãnh đạo đối lập có thể bị ép buộc đeo đuổi thương thảo vì lí do cảm thấy mất hi vọng ở đấu tranh dân chủ. Tuy nhiên, cái cảm giác bất lực này có thể được làm cho thay đổi. Những nền độc tài không trường cửu. Những người sống dưới các nền độc tài không cần phải yếu kém mãi, và những nhà độc tài không cần phải được phép hùng mạnh vĩnh viễn. Aristotle đã có lưu ý lâu lắm rồi là: “…Chính thể đầu sỏ chính trị và chuyên chế đoản số hơn bất cứ hiến pháp nào khác…Nói chung lại thì chuyên chế đã không kéo dài được lâu.”2 Những nền độc tài tân tiến cũng dễ bị tổn thương. Những nhược điểm của chúng có thể bị làm cho trở nên trầm trọng và quyền lực của các nhà độc tài có thể bị làm cho phân huỷ. (Sau đây, chúng ta sẽ xét đến những nhược điểm này một cách chi tiết hơn).

    Lịch sử cận đại chứng tỏ cái yếu của những nền độc tài, và cho thấy là chúng có thể sụp đổ trong khoảng một thời gian tương đối ngắn. Trong lúc phải cần mười năm – 1980-1990 — để hạ bệ nền độc tài Cộng sản tại Ba Lan, thì tại Đông Đức và Tiệp Khắc năm 1989 chỉ cần vài tuần lễ. Tại El Salvador và Guatemala năm 1944 những cuộc đấu tranh chống lại những nhà độc tài đã ăn sâu bén rễ đòi hỏi khoảng hai tuần cho mỗi nơi. Chế độ quân phiệt hùng mạnh của vì vua Shah Ba Tư [Iran] đã bị lật đổ trong vòng vài tháng. Nền độc tài Marcos tại Phi Luật Tân đã sụp đổ trước sức mạnh nhân dân chỉ trong vòng vài tuần lễ trong năm 1986: chính phủ Hoa Kì nhanh chóng bỏ rơi Tổng Thống Marcos khi sức mạnh của đối lập trở nên rõ ràng. Cuộc đảo chánh hụt của phe cứng rắn tại Liên Bang Xô Viết vào tháng Tám năm 1991 đã bị thách thức chính trị chặn đứng trong vòng vài ngày. Sau đó, những quốc gia liên hiệp đã bị thống trị lâu đời chỉ trong vòng vài ngày, vài tuần, hay vài tháng đã giành lại độc lập.

    Cái tiên kiến cũ cho rằng những phương tiện bạo động luôn luôn đem lại kết quả nhanh chóng và những phương tiện bất bạo động luôn luôn đòi hỏi nhiều thời gian rõ ràng là không đứng vững. Dù rằng nhiều thời gian có thể được đòi hỏi để thay đổi nền tảng của hoàn cảnh và xã hội, nhưng cuộc đấu tranh thực sự chống lại một nền độc tài bởi đấu tranh bất bạo động đôi khi xảy ra tương đối rất nhanh chóng.

    Thương thảo, một mặt, không phải là giải pháp thay thế duy nhất cho một cuộc chiến huỷ diệt dai dẳng và, mặt khác, cho một sự đầu hàng. Những thí dụ vừa trích dẫn, cũng như những thí dụ được liệt kê trong Bài 015, minh xác là có một giải pháp khác cho những người vừa muốn có hoà bình lẫn tự do, đó là: thách thức chính trị.

 _____________________________

CƯỚC CHÚ 

1 Krishnalan Shridharani, War Without Violence: A Study of Gandhi’s Method and Its Accomplishments [Chiến Tranh Không Bạo Lực: Một Khảo Cứu về Phương Pháp của Gandhi và Thành Quả] (New York: Hartcourt, Brace, 1939, và tái bản New York và London: Garland Publishing, 1972), t. 260.

2 Aristotle, The Politics [Chính Trị], chuyển ngữ bởi T.A. Sinclair (Harmondsworth, Middlesex, England and Baltimore, Maryland: Penguin Books 1976 [1962], Tập V, Chương 12, tt. 231 và 232.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.