30-4: Ngày Quốc Hận

Tiểu Thạch

Người Việt quốc gia đã chọn ngày 30 tháng 4 là ngày Quốc Hận. Từ “hận” [恨] có nghĩa là “oán giận” (theo Hán-Việt Tự-Điển của Đào Duy Anh, 1963; Hán-Việt Tự-Điển của Nguyễn Văn Khôn, 1960). Trong nghĩa giận còn có ý “oán” [] nữa, nghĩa là trách móc như trong câu oán thiên vưu nhân , trách trời giận người (Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn, Paris 2015). Giận vì Miền Nam đã thua Miền Bắc và oán trách vì người bạn đồng minh của mình đã phản bội.

Nhưng thua thì chịu thua. Tại sao lại phải giận? Và đồng minh đã phản bội như thế nào?

Đúng là thua, nhưng giận vì thua không hợp lý: Tự Do Dân Chủ mà phải thua Độc Tài Cộng Sản; Chính Nghĩa mà phải thua cái Ác; và nhất là đứng về mặt quân sự, sự thất bại của vụ tổng tấn công tổng khởi nghĩa của cộng sản Miền Bắc năm 1968, của cuộc tổng tấn công của toàn bộ lực lượng chính quy của cộng sản Miền Bắc trong vụ Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, cũng như sự kiên trì anh dũng giữ nước của quân lực Việt Nam Cộng Hoà từ 1972 đến 1975 đã hùng hồn chứng minh sự vượt trội của quân lực Miền Nam.

Trong vụ tổng tấn công trong dịp Tết Mậu Thân 1968, cộng sản Miền Bắc, bất chấp thoả hiệp đình chiến 36 tiếng để dân chúng đón Tết, đã tấn công ồ ạt trên mọi tỉnh thành Miền Nam. Nhưng quân lực Việt Nam Cộng Hoà, dù quân số chỉ còn lại khoảng 1/61vì đa số đã được nghỉ phép về quê ăn Tết, vẫn có thể anh dũng đẩy lui cuộc tấn công của toàn bộ quân đội miền Bắc.

Về quân sự, Tết Mậu Thân là một thất bại lớn cho diều hâu chiến tranh Lê Duẫn. Trong vụ tấn công này của cộng sản Miền Bắc, người ta tìm thấy nhiều trẻ em chết bên cạnh những ổ súng máy, chân bị xiềngvào ổ súng để chúng phải chiến đấu cho đến chết; có đứa bị xiềng chân vào cổ xe thiết giáp3 để khỏi đào thoát; những tên bắn sẻ thì bị cột chặt vào thân cây4. Những người này đã bị chết một cách thảm thương.

Một vài bài viết của người cộng sản Miền Bắc mô tả quân đội Miền Bắc đã tấn công toà đại sứ Mỹ và đã lên đến tầng thứ ba của toà đại sứ với ý định sẽ giết đại sứ Mỹ. Nhưng sự thực ở Sài Gòn, ai cũng chứng kiến cảnh mười mấy tên đặc công cộng sản vừa xông vào sân toà đại sứ thì đã hạ gục ngay.

Thua về quân sự trong vụ Tết Mậu Thân ở Huế, cộng sản Miền Bắc khi tháo lui đã giết hại tổng cộng 5327 người dân Huế bằng cách bắn chết tại chỗ, chôn sống hằng ngàn người trong những nấm mồ tập thể rải rác khắp ngoại ô thành phố Huế, tại Khe Đá Mài.v.v…sau khi đã dùng cuốc đập vào đầu họ trong khi họ đang bị trói cánh khuỷu lại thành chùm với nhau. Trong số những người này có 4 giáo sư người Đức đang dạy y khoa tại đại học Huế. Ngoài con số 5327 người đã bị sát hại, chúng còn bắt đi biệt tích 1200 ngườ dân Huế vô tội nữa.

Thảm Sát Mậu Thân 1968, Hình ảnh trên Internet

Về tâm lý quần chúng tại Việt Nam, vụ Mậu Thân 1968 cũng là một thất bại nặng nề cho Đảng Cộng Sản Miền Bắc. Chiến dịch Mậu Thân được gọi là “Tổng Tiến Công Tổng Nổi Dậy” vì Đảng Cộng Sản Miền Bắc có ảo tưởng là nhân dân Miền Nam sẽ đứng lên chống lại, lật đổ chính quyền Miền Nam khi họ tiến quân vào Miền Nam. Họ không ý hội được là nhân dân miền Nam ghê tởm cộng sản, nghe cộng sản đến đâu là nhân dân né tránh, chạy về phía quân lực Việt Nam Cộng Hoà để được che chở, bảo vệ. Ngay người dân miền Bắc cũng ghê tởm họ. Năm 1954 đã có hơn một triệu người Miền Bắc di cư vào Miền Nam để lánh nạn cộng sản. Nếu không có những khó khăn vì di chuyển và những ngăn chặn bằng bạo lực do đảng cộng sản ác độc chủ trương thì hẳn con số di cư còn cao hơn gấp bội.

Di cư 1954, Hình ảnh trên Internet

Trong vụ Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, sau khi gần như toàn bộ quân đội Hoa Kỳ đã rút ra khỏi Việt Nam chỉ còn lại yểm trợ của không lực của Hoa Kỳ, thế mà quân lực Việt Nam đã đẩy lui trên 200,00 quân đội chính quy của Miền Bắc đồng loạt tấn công vào tất cả mọi thị thành ở Miền Nam.

Sau 1972, khi quân đội Hoa Kỳ đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam; yểm trợ không lực của Hoa Kỳ cũng không còn nữa trong lúc Miền Bắc vẫn được sự tiếp tế đầy đủ của Nga và Tàu; Tàu đã đưa qua Miền Bắc trên 300,000 quân giữ hậu cần để cho quân chính quy Bắc Việt tiến công vào Miền Nam. Thế mà quân lực Việt Nam Cộng Hoà vẫn giữ được nước mãi cho đến tháng 4 năm 1975 với những trận đánh quyết tử Xuân Lộc và An Lộc, trong hoàn cảnh hoàn toàn thiếu thốn đạn dược và xăng nhớt cho xe cộ và máy bay.

Giận vì sự ác độc của người cộng sản còn được thể hiện rõ nét sau khi đã cưỡng chiếm được Miền Nam, họ đã đày đoạ hằng trăm ngàn cán bộ, công chức, quân nhân và cảnh sát trong các trại tập trung từ vài ba năm cho đến hai chục năm, ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, trên rừng thiêng nước độc để những tù nhân oan trái này phải chết dần, chết mòn vì lao động kiệt lực, vì bệnh hoạn, và nhất là vì bị bỏ đói. Trong lúc đó thì của cải của những người này bị tước đoạt, nhà cửa bị trưng dụng, và trong một số không ít trường hợp, vợ của họ cũng bị cán bộ lấy.

Trại Tập Trung Khổ Sai, Hình ảnh trên Internet

Một lý do nữa để cho người Việt quốc gia phải căm giận là cả hơn hai triệu người phải liều chết để trốn thoát khỏi sự tàn bạo, cay nghiệt, độc ác của người cộng sản Miền Bắc. Khi trốn thoát bằng đường biển — trên những chiếc ghe nhỏ bé không thích hợp để vượt biển, có khi chỉ bằng những ruột xe hơi buộc lại với nhau — hằng trăm ngàn người hoặc đã bị sóng biển dập vùi xuống lòng đại dương, hoặc đã bị cướp biển Thái Lan chặn bắt, cướp đoạt tài sản, giết đàn ông, hiếp dâm phụ nữ. Những vụ cưỡng dâm con gái đã có lúc xảy ra trước mặt cha mẹ, vợ trước mặt chồng con. Những cảnh đau lòng này cũng thường xảy ra đối với những người vượt biên qua đường rừng núi Cao Mên, khi họ gặp phải quân lính Khmer Đỏ. Những đau xót này đã in dấu ấn đậm nét trong lòng người Việt quốc gia may mắn thoát được ngục tù cộng sản và đến được bến bờ tự do của những nước dân chủ.

Di Tản 1975, Hình ảnh trên Internet

Ngoài sự căm giận, người Việt quốc gia chúng ta còn oán trách Mỹ, người bạn đồng minh đã phản bội lại chúng ta.

Đúng ra, người Mỹ chỉ là bạn đồng minh bất đắc dĩ.

Trước tiên, chúng ta cần phải khẳng định rằng Ông Ngô Đình Diệm không phải là do người Mỹ đưa lên mà chính vua Bảo Đại đã bổ nhiệm ông làm thủ tướng lúc ông qua Pháp sau khi vận động thất bại ở Mỹ. Trước năm 1953, nước Việt Nam trên danh nghĩa đã độc lập, nhưng trên thực tế vẫn chịu sự quản trị và khống chế của người Pháp. Do đó Ông Ngô Đình Diệm đã từ chức thượng thư bộ lại của triều nhà Nguyễn và xuất dương tìm đường cứu nước. Ông bắt đầu qua Nhật, tiếp xúc với Ông Cường Để với hy vọng thành lập một chính phủ quân chủ lập hiến, nhưng không thành công. Trong dịp này ông gặp được một giáo sư khoa chính trị học người Mỹ tên là Wesley Fishel, đang làm việc cho CIA. Ông này móc nối cho ông Diệm làm quen với một số chính khách Mỹ như chánh án Tối Cao Pháp Viện William O. Douglas, đức Hồng Y Francis Spellman, dân biểu Mike Mansfield thuộc tiểu bang Montana, dân biểu John F. Kennedy thuộc tiểu bang Massachusetts. Tuy nhiên, Ông Ngô Đình Diệm không tạo được sự hỗ trợ chính thức của Hoa Kỳ. Lý do chính là vì ông là người công giáo, nên người Mỹ nghĩ là ông không thể điều hành một quốc gia mà họ nghĩ đa số là người Phật giáo.

Ông Ngô Dình Diệm trở về Việt Nam ngày 7 tháng 7 năm 1954 trong cương vị Thủ Tướng cho toàn cõi Nam Trung Bắc Việt Nam, do quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm. Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp Định Genève đã được ký, chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17. Vùng đất thuộc bắc vĩ tuyến 17 do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ông Ngô Đình Diệm trách người Pháp đã giao Miền Bắc cho cộng sản. Tại Miền Nam Ông Ngô Đình Diệm được sự hỗ trợ của những đảng phái quốc gia chống cộng, của giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo; ông dẹp loạn Bình xuyên do Bảy Viễn cầm đầu, loại trừ được sự chống đối của tướng Nguyễn Văn Hinh do Pháp xúi dục làm đảo chánh. Với quân đội do người Pháp trao trả, với sự hỗ trợ của các đảng phái quốc gia chống cộng và của Cao Đài và Hoà Hảo, ông Ngô Đình Diệm đã phá tan gần hết hạ tằng cơ sở của cộng sản để lại Miền Nam sau khi đã tập kết ra Bắc theo các điều khoản của Hiệp Định Genève. Ông Ngô Đình Diệm đã thiết lập được một thế đứng chính trị vững chắc cho nền Đệ Nhất Cộng Hoà.

Nhưng sự khai sinh của một Nền Cộng Hoà non trẻ thay cho một nền hành chánh thủ cựu, quan liêu của triều nhà Nguyễn cần sự hỗ trợ về tài lực, kinh tế, kỹ thuật, và quản trị. Đây là thời điểm mà ông Diệm cần sự giúp đỡ của người Mỹ. Và người Mỹ đã đến Việt Nam dưới hình thức cố vấn trong những năm 50 đến những năm đầu của thập kỷ 60. Số cố vấn Mỹ càng ngày càng tăng theo thời gian. Nhưng điều quan trọng là cái nhìn của chính phủ Ngô Đình Diệm không trùng hợp với cái nhìn của người Mỹ về phương diện chính trị. Ông Ngô Đình Diệm chú trọng vào sự thịnh vượng của đất nước và độc lập quốc gia, còn hình thái chính thể thì chưa thể tự do hoàn toàn như các nước Tây phương được. Cái nhìn của người Mỹ thì bao quát cả thế giới qua sự tranh chấp bá quyền và ảnh hưởng giữa lý thuyết tự do và lý thuyết cộng sản.

Từ góc nhìn tranh chấp bá quyền và ảnh hưởng, người Mỹ thấy cần phải ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản quốc tế xuống Việt Nam và sự lan toả của làn sóng này ra toàn cõi Đông Nam Á, bao gồm cả Lào, Cao Mên, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Indonesia, New Zealand và cả Australia. Để ngăn chặn sự bành trướng này, người Mỹ nhận thấy khẩn thiết cần phải đưa quân đội vào Việt Nam. Nhưng đây là điểm khác biệt chính yếu về quan điểm giữa ông Ngô Đình Diệm và chính phủ Hoa Kỳ. Đối với ông Ngô Đình Diệm, sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ (1) làm mất đi chủ quyền quốc gia Việt Nam, và (2) sẽ làm mất chính nghĩa quốc gia, đem lại cơ hội cho lãnh đạo miền Bắc kết án là Mỹ xâm lược, là Miền Nam Việt Nam làm lính đánh thuê cho Mỹ; và Miền Nam cần được “giải phóng” khỏi ách nô lệ của người Mỹ. Đồng thời Miền Bắc có lý do để yêu cầu sự hỗ trợ của các nước cộng sản anh em, Nga và Tàu. Nhưng trên quan điểm của người Mỹ thì dĩ nhiên chủ quyền quốc gia của một nước nhỏ, chậm tiến như Việt Nam không thể cân bằng hay nặng ký hơn quyền lợi của nước Mỹ. Chính nghĩa quốc gia thì đã có “bảo hiểm” bằng sức mạnh của Hoa Kỳ rồi!

Không chinh phục được ông Diệm, tình báo Mỹ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tướng lãnh Việt Nam lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm bằng cách khai thác yếu tố dân chủ và đào sâu sự hiềm khích tiềm ẩn giữa Công giáo và Phật giáo mà trong đó một thành phần lớn có ảnh hưởng đã bị cộng sản thẩm nhập. Vụ đảo chánh đã kết thúc bằng cái chết tàn bạo, dã man của hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.

Tháng 3 năm 1965, quân đội Mỹ tiến vào Đà Nẵng mà không cần hỏi ý kiến của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Đến năm 1967, có trên 500, 000 quân nhân Hoà Kỳ và một số ít quân đội Phi Luật Tân, Nam Hàn, và Thái Lan, v.v… trên đất nước Việt Nam. Trên thực tế, thực sự không ai biết rõ lý do tại sao quân đội Mỹ có mặt ở Việt Nam. Trên mặt chính thức thì quân đội Mỹ được công bố là được dùng để chặn làn sóng cộng sản quốc tế toả rộng xuống toàn cõi Đông Nam Á và như một hệ luận, để bảo vệ nền tự do và độc lập của Miền Nam Việt Nam. Nhưng cũng có người nghĩ rằng đó chỉ là một chiêu bài của nhóm tư bản tài phiệt thông đồng với giới kỹ nghệ để tiêu dụng các vũ khí của Đại chiến II còn sót lại và dùng Việt Nam để thử nghiệm những khí giới mới được chế tạo. Quân đội VNCH vẫn sử dụng súng M1-Garand – thứ súng mà quân đội Mỹ dùng trong Đại chiến II – trong những năm 1967-1968. Đến khi Việt cộng sử dụng AK-47 (kalashnikov) thì quân đội VNCH mới được nhận M-16.

Cuộc chiến kéo dài gần như bất phân thắng bại mãi cho đến khi tổn thất kinh phí cũng như tổn thất nhân mạng lên quá cao đối với sức chịu đựng của nhân dân Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến bầu cử tổng thống thì lãnh đạo Hoa Kỳ phải cố tìm lối thoát: Hiệp Định Paris 1973. Theo Hiệp định này thì Miền Bắc không được dùng võ lực để xâm chiếm Miền Nam. Nếu Miền Bắc vi phạm điều này thì Hoa Kỳ sẽ trả đũa thích đáng bằng võ lực. Tổng thống Nixon đã gửi thư cho Tổng thống Thiệu khẳng định điều này. Hoa Kỳ vẫn tiếp tục viện trợ kinh tế và quân sự. Về quân sự nếu VNCH hư hao, phế thải một quân cụ nào hay đạn dược thì sẽ được thay thế ngay.

Như chúng ta đã thấy, Miền Bắc đã xâm chiếm Miền Nam bằng võ lực. Hoa Kỳ không những không phản ứng mà còn ngưng viện trợ kinh tế cho Miền Nam. Võ khí, đạn dược hoàn toàn không được thay thế, chiến xa và máy bay tác chiến không có xăng nhớt để hoạt động. Trong lúc đó, Miền Bắc được tiếp viện 300,000 quân lính Trung cộng để giữ hậu cần; súng ống, đạn dược, xăng nhớt được Nga và Tàu cung cấp đầy đủ. Dĩ nhiên là người Việt quốc gia mất Miền Nam không phải là vì hèn yếu, vì thiếu khả năng giữ nước, mà vì người bạn đồng minh đã phản bội. Họ đến không cần hỏi ý kiến và khi quyền lợi của họ đã được đáp ứng bằng cách kết cấu với Tàu cộng thì họ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam.

Ngoài việc mất Miền Nam một cách tức tưởi, còn hằng trăm ngàn cán bộ, công chức, quân nhân, cảnh sát bị đày ải bao nhiêu năm trời ở nơi thâm sơn cùng cốc, phải lao động cật lực, bệnh hoạn liên miên, bị hành hạ thân xác, bị bỏ đói quanh năm, chết dần, chết mòn; còn năm, bảy trăm ngàn người bị chết trên biển cả vì thời tiết, vì ghe nhỏ không chịu nổi chuyến vượt biển, vì cướp biển giết, vì cướp biển hãm hiếp, vì Khmer Đỏ giết hay bị mìn nổ trong rừng núi Cao Mên. Tất cả những tang thương này đã xảy ra chỉ vì dân quân Miền Nam bị người Mỹ, người bạn đồng minh của mình “đem con bỏ chợ.” Làm sao không oán trách!

30 tháng Tư là ngày Quốc Hận, là ngày người Việt quốc gia phải căm giận về cái thua phi lý của VNCH cũng như về sự tàn ác tột cùng của đảng CSVN và oán trách người bạn phản bội. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể căm thù người bạn này được vì dù sao trên 3 triệu người Việt đã thoát được gông cùm cộng sản và được tiếp đón nồng hậu bởi những quốc gia tự do và con cái chúng ta có cơ hội giáo dục tốt, phát triển đời sống chuyên môn và cá nhân của chúng trong một bầu không khí tự do cởi mỡ. Khi chuyến máy bay đầu tiên chở các trẻ em mồ côi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, chính Tổng thống Ford đã ra tận sân bay đón tiếp. Tổng Thống Carter đã cho phép hàng trăm ngàn người Việt nhập cư. Hơn nữa chúng ta cần phải phân biệt lãnh đạo Mỹ và nhân dân Mỹ. Đa số người dân Mỹ rất tốt, đầy lòng nhân ái. Lãnh đạo Mỹ thì cũng có người tốt đối với người Việt Nam như Tổng thống Ford, Tổng thống Carter. Nhưng chính quyền Mỹ nói chung thì chỉ hành động vì quyền lợi quốc gia của họ mà thôi, và quyền lợi này biến đổi theo từng giai đoạn thời gian. Như cựu Thủ Tướng nước Anh Henri John Temple, 3rd Viscount Palmerston đã từng tuyên bố trước quốc hội Anh ngày 1 tháng 3 năm 1948 là: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh viễn, và chúng ta cũng không có kẻ thù trường cửu. Chỉ có quyền lợi của chúng ta mới là vĩnh cửu và liên tục, và chúng ta có bổn phận phải đeo đuổi những quyền lợi này” (“We have no eternal allies, and we have not perpetual enemies. Our interests are eternal and perpetual, and those interests it is our duty to follow.”).

Ý thức được điểm quan trọng này, một quốc gia nhỏ bé không thể tin tưởng vào lòng tốt, vào sự hứa hẹn hay vào một phạm trù luân lý hay một lý thuyết chính trị để phán đoán lập trường của một quốc gia khác hùng mạnh hơn, cũng như không thể tin tưởng như thế để hành động đưa đến những quyết định liên hệ tới sự sống còn của đất nước mình. Một quốc gia nhỏ bé đang trên đà phát triển luôn luôn cần đến sự hỗ trợ của các quốc gia giàu mạnh hơn. Nhưng trước tiên, quốc gia nhỏ bé này phải có khả năng tự lực cánh sinh qua sự hỗ trợ của đại đa số quần chúng nhân dân để thiết lập một thể chế chính trị vững chắc. Sau đó mới có thể gầy dựng thế liên lập thế giới trên căn bản trao đổi bình đẳng.

30 tháng Tư là ngày Quốc Hận, ngày nhắc nhở một kinh nghiệm thương đau và xót xa cho toàn thể những người Việt quốc gia, nhưng đồng thời cũng là một bài học quý giá cho chúng ta trên con đường cứu nước và dựng nước.

Tiểu Thạch

____________________________________________

THAM KHẢO:

1 Theo ký giả Dan Southerland, UPI trong cuộc phỏng vấn của Hoà Ái, phóng viên RFA, ngày 12 tháng 3, 2018.

2 Các bài viết sau đây:

– 2/503d VIETNAM Newsletter
http://www.ibiblio.org/173abn/2bat/Issue5.pdf
Trích đoạn trong trang 5:“The Vietnamese kept coming even when it was obvious they were losing – they didn’t have radios and couldn’t call off the assault. Afterward, one dead VC soldier was found chained to his machine-gun(Việt [cộng] cứ tiếp tục tiến tới mặc dù rằng họ đang thua – họ không có máy truyền tin và không thể ngưng cuộc tấn công được. Sau đó, một tên VC chết được tìm thấy bị xiềng vào ổ súng máy). Tom Faley

-Interview Transcript: Daniel Edward Burress: Veterans History …
http://lcweb2.loc.gov/diglib/vhp-sto…ript?ID=sr0001
Trích đoạn:…the most gruesome sight I thought I would ever see was a Vietnamese, Viet Cong soldier chained to a machine gun and burnt up to a crisp, because they chained him to that gun so he would sit there and just fire and fire and fire, and he’d better not stop firing because when he stopped firing, he’s dead, …” (“…Cái cảnh ghê rợn nhất mà tôi nghĩ là tôi đã từng thấy là một người Việt, một tên Việt cộng bị xiềng vào ổ súng máy và đã bị cháy queo, vì họ xích nó vào ổ súng để nó phải ngồi đó và cứ bắn và bắn và bắn, và nó không nên ngưng bắn vì khi nó ngưng bắn, thì nó phải chết…”)

-7th Armored Squadron 1st Air Cavalry Blackhawks
http://www.blackhawk6.com/_home/about
Trích đoạn:At the conclusion of the battle it was discovered the crews serving the 50-caliber machine had been chained to the weapon…(Sau trận đó, người ta tìm thấy cả đội quân sử dụng súng máy cự li 50 trước đó đã bị xiềng vào ổ súng…”)

-Were there suicide bombers in Vietnam.
http://wiki.answers.com/Q/Were_there…ers_in_Vietnam
Trích đoạn :There are accounts of VietCong soldiers being chained with their machine guns to strategic positions. One hopes the unfortunate soldier had a say in this…” (Có những câu chuyện lính Việt cộng bị xiềng vào các ổ súng máy tại các vị trí chiến lượcHy vọng là những người lính bất hạnh này được có ý kiến về vấn đề này…”)

-The Phantom Blooper: Travels With Charlie
http://www.gustavhasford.com/blooper2.htm
Trích đoạn: The Viet Cong schoolhouse is a spacious building of handmade yellow bricks and …… about Marines finding dead Viet Cong children, chained to machine guns” (“Trường học của việt cộng là một ngôi nhà khoảng khoát xây bằng gạch vàng và….về lính thuỷ quân lục chiến [Mỹ] tìm thấy những đứa bé Việt cọng chết, bị xiềng vào các ổ súng máy…”)

-Vietnam War Bibliography: The Communists
http://www.clemson.edu/caah/history/…oise/comm.html
Trích đoạn: Thomas Campbell, “Facing the Enemy. ” Naval History, February 1996, pp. 42-45. Campbell became an adviser to RVN Marines late in 1965. Interesting items include an incident of a PAVN soldier who only appeared to be chained to his machine gun.(Những mục kỳ thú là cảnh một người lính quân đội nhân dân có vẻ như là đã bị xiềng vào ổ súng máy.”)

 -The girl in the picture: the story of Kim Phuc, the photograph
http://books.google.com/books?id=Fn7… death&f=false
Trích đoạn:…They found three Viet Cong dead: one in the tunnel opening in the garden; two in the house, one of them in his machine-gun nest, the leader having chained him at the ankle there to ensure that he fought to his death.” (Họ tìm thấy ba việt cộng chết: một trong hầm mở ra phía vườn; hai ở trong nhà, một trong hai người này nằm trong tổ súng máy, tên đầu lãnh đã xiềng mắt cá của hắn vào súng để cầm chắc là hắn sẽ chiến đấu cho đến chết.”)

3 Tài liệu sau đây:

 -U.S. Troops Find Viet Cong Chained
http://news.google.com/newspapers?ni…g=2776,4670842
Trích đoạn:SAIGON (UPI)- American soldiers have reported seeing Viet cong troops chained to their machineguns and communist snipers lashed to trees on several occasions during the past few months...” (Quân lính Mỹ báo cáo là đã thấy lính Việt cộng bị xiềng vào súng máy và những tên bắn sẻ bị buộc chặt vào thân cây trong nhiều trường hợp trong những tháng vừa qua…”)

4 Tài liệu sau đây:

-Red crew chaind in tank
http://news.google.com/newspapers?ni…pg=6983,841923
Trích đoạn: AN LOC, south Vietnam(UPI)- “There was a body outside the North Vietnamese tank, apparently of the tank commander. Down inside were two more bodies, dead from a direct hit by an antitank M72 rocket. I saw something glint in the darkness. I felt the man’s ankle, It was chained to the inside of the tank with quarter-in thick chain links.” (Có một xác người phía bên ngoài xe thiết giáp của Miền Bắc, hẳn là xác của viên điều khiển chiến xa. Trong xe, phía dưới là hai cái xác nữa, đã chết vì bị một quả phóng lựu M72 chống thiết giáp bắn trúng. Tôi thấy có cái gì lấp lánh trong khoảng tối. Tôi sờ phải mắt cá của một tên. Cổ chân của tên này bị xiềng lại ở trong xe bằng những sợi giây xích dày khoảng ¼ phân Anh.)

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.