Chuẩn Bị Một Phỏng Định Chiến Lược
Cho Đấu Tranh Bất Bạo Động

(Bài 006)

Robert Helvey, Chủ Tịch Viện Albert Einstein.
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D. 

    Trước khi thử lập kế hoạch cho một đại chiến lược toàn bộ cho một cuộc đấu tranh bất bạo động dài hạn có phân chia giai đoạn, hay cho những chiến lược có giới hạn cho các chiến dịch cá biệt trong phạm vi đại chiến lược đó, thì trước tiên cần phải thu thập và phân tích nhiều thông tin về bối cảnh trong đó cuộc xung đột sắp tới sẽ xảy ra.

    Chỉ làm quen với kĩ thuật đấu tranh bất bạo động và hiểu kĩ thuật này vận hành như thế nào thì không đủ, mặc dù đó là một tiền điều kiện tối quan trọng. Hơn thế nữa, để có thể áp dụng được chiến tranh bất bạo động càng hữu hiệu càng tốt, thiết kế chiến lược cũng thiết yếu.

    Hoạch định một chiến lược khôn ngoan cho công việc điều hành một cuộc đấu tranh nào đó mà những người lập kế hoạch không thật tỏ tường “tình huống của cuộc xung đột,” hay là bối cảnh trong đó cuộc đấu tranh sẽ xảy ra là một việc làm không thể thực hiện được. Thiết yếu cần phải biết và đối chiếu các đặc tính, các ưu điểm, và các nhược điểm (thực sự và tiềm năng) của những nhóm sẽ tranh chấp trong cuộc xung đột tương lai, cũng như của những nhóm không trực tiếp liên hệ lúc ban đầu. Cũng cần phải xét định các nhân tố địa lí, xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá, khí hậu, và những nhân tố khác nữa.

    Soạn thảo một phỏng định chiến lược có thể cung cấp kiến thức cần có này. Và kiến thức này lại sẽ nâng cao khả năng của các chiến lược gia đấu tranh bất bạo động trong việc soạn thảo một chiến lược khôn ngoan có thể gia tăng tối đa những cơ hội đạt được mục tiêu của mình.

    Mục đích của tiểu luận này là để cung cấp những hướng dẫn cho việc soạn thảo phỏng định chiến lược. Trước tiên, chúng tôi sẽ cắt nghĩa phỏng định chiến lược là gì. Sau đó, chúng tôi sẽ lược khảo các nhân tố cần phải được xét nghiệm khi thu thập thông tin cần thiết và khi chuẩn bị phân tích. Sau cùng, chúng tôi sẽ bình luận về vai trò của phỏng định chiến lược, các cách sử dụng và những giới hạn của nó.

Sự quan trọng của phỏng định chiến lược

Các chiến lược gia quân sự thường chuẩn bị một phỏng định chiến lược trước khi hoạch định kế hoạch cho các chiến dịch của mình. Thông tin do tiến trình này đem lại cũng hết sức hữu ích cho những cuộc đấu tranh bất bạo động. Tuy nhiên, theo những gì biết được cho đến nay, thì cần một sự củ soát có chủ tâm và thấu đáo về tình huống xung đột thuộc loại được đòi hỏi cho việc soạn thảo một phỏng định chiến lược chưa từng được thực hiện cho việc chuẩn bị những cuộc đấu tranh bất bạo động trong quá khứ. Thay vì thế, những người lãnh đạo đấu tranh bất bạo động trong quá khứ, tốt lắm, thì cũng chỉ trông cậy vào những cảm nghiệm ít nghiêm ngặt hơn về tình huống của cuộc xung đột sắp đến mà thôi. Các nhóm đấu tranh trong quá khứ do đó ít được chuẩn bị hơn là họ đã có thể được chuẩn bị cho việc hoạch định một đường lối hoạt động nhằm tăng xác suất thành công. Sử dụng đúng đắn phỏng định chiến lược có thể giúp chuẩn bị những nhóm này một cách đầy đủ hơn, và giúp giảm bớt cơ hội họ bỏ sót những dữ kiện quan trọng khi lập kế hoạch cho cuộc đấu tranh bất bạo động.

    Trên bình diện căn bản nhất, phỏng định chiến lược là một sự tính toán và đối chiếu các ưu và nhược điểm của nhóm đấu tranh bất bạo động và của các đối thủ của nhóm này, mà chúng tôi sẽ gọi là “nhóm đối phương.” Trong một vài cuộc đấu tranh, nhóm đối phương có thể là chính quyền, hay là một bộ phận nào đó của chế độ đang cai trị. Trong những trường hợp khác, nhóm đối phương có thể là một cơ quan không phải của chính phủ, như là một cơ sở giáo dục chẳng hạn, một tổ chức tôn giáo, một hệ thống chuyên chở, hay là một loại cơ chế nào khác. Một nhóm đối phương không thuộc chính phủ có thể có hậu thuẫn của chính quyền hiện hành, với những phương tiện kiểm soát và đàn áp, hoặc có thể không có. Xác định đúng đắn những quan hệ như thế, thực ra, là một trong những công tác đầu tiên trong việc chuẩn bị một phỏng định chiến lược.

    Những phần có chứa đựng những phân tích về các cột trụ chống đỡ cho nhóm đối phương và cho nhóm đấu tranh bất bạo động, cũng như những phần nói về các xét định về chính trị khác sẽ có giá trị đặc biệt cho những ai liên hệ đến việc hoạch định chiến lược. Và, những người chịu trách nhiệm về tuyên truyền sẽ thấy những xét định về dân số rất hữu ích. Thông tin về các đơn vị quân đội, như là địa điểm và khả năng, sẽ rất hữu ích cho những kế hoạch gia điều hành dự tính trước được các phản ứng quân sự đối với những áp dụng của phong trào đối kháng bất bạo động. Những phần khác của phỏng định chiến lược sẽ có giá trị đối với những yếu tố khác của chiến lược đã được lựa chọn.

    Tuy nhiên, để lấy được thông tin có giá trị cho cuộc phỏng định chiến lược thì phải cần thì giờ và sinh lực. Mặc dù các thông tin này có thể rất có giá trị, nhưng những người lập kế hoạch chiến lược nên nhớ rằng phỏng định chiến lược không phải là nhân tố quan trọng duy nhất trong việc hoạch định các chiến lược và hỗ trợ các kế hoạch cho cuộc đấu tranh tương lai. Do đó, phải có một cái nhìn cho đúng về vị thế của nó. Những kế hoạch gia chiến lược cần phải tránh vùi đầu vào những tiểu tiết của tình huống và cần phải giữ phỏng định chiến lược trong phạm vi bối cảnh của những yếu tố quan trọng khác khi hoạch định các chiến lược và khi thiết lập các kế hoạch để thực thi các chiến lược này. Về điểm này, chúng ta phải nên lưu ý đến khuyến cáo của Carl von Clausewitz là “chiến lược tạo nên lí thuyết sử dụng trận chiến cho những mục đích của chiến tranh.” Nói cách khác, sử dụng phần nào sự phân tích thông tin thu lượm được cho công việc phỏng định chiến lược, chiến lược gia quyết định các mục tiêu, các thời điểm và địa điểm cho các chiến dịch của họ, trong khi những người sẽ xúc tiến các trận chiến này chuẩn bị những kế hoạch hỗ trợ của chính họ.1 Những người này lại có thể nhờ vào phỏng định chiến lược để hoàn tất sự phỏng định tình hình của chính mình. Sự chú trọng vào một vài phần của phỏng định chiến lược là một chỉ dấu về sự quan trọng đối với những người lập kế hoạch trong việc quyết định cả chiến lược lẫn sự kiện thông tin này ảnh hưởng đến những kế hoạch hỗ trợ như thế nào.

    Phỏng định chiến lược về tình huống xung đột có lẽ là tài liệu căn bản nhất đối với kế hoạch gia chiến lược. Đó là sản phẩm của một cuộc truy cứu công phu, có cấu trúc, và tập trung trí óc đóng góp vào việc thông hiểu sâu rộng về hoàn cảnh mà trong đó cuộc đấu tranh sẽ được xúc tiến, và vào việc chọn lựa những đường lối hoạt động hữu hiệu nhất nhằm tranh thủ các mục tiêu của cuộc đấu tranh. Bởi vì kế hoạch điều hành chiến lược được dựa nhiều vào cơ sở phỏng định chiến lược, nên cả lượng thông tin được phân tích lẫn phẩm của chính sự phân tích sẽ giúp quyết định phẩm chất của chiến lược được thiết kế. Lí tưởng là tài liệu này cần phải được duyệt lại một cách gắt gao ở dạng bản thảo, để những người khác có thể thách thức sự chính xác của các dữ kiện và phẩm chất của những phân tích.

    Những quan điểm không chính xác hoặc không thực tế về các ưu điểm, các nhược điểm, và các khả năng của những phe tranh chấp sẽ tạo ra những chiến lược không khôn ngoan, và có chiều hướng báo trước thất bại. Dù rằng có lúc cũng cần phải có những giả định về các phe tranh chấp khi không thu thập được dữ kiện, nhưng không có giả định nào lại tốt bằng sự kiện. Do đó, điều quan trọng là giả định càng ít càng tốt. Nếu các giả định được sử dụng, thì phải đặc biệt cẩn trọng để có lòng tin vào tính xác thực có thể có của những giả định này. Dĩ nhiên là sử dụng sự kiện khi nào có thể được thì tốt hơn rất nhiều.

Thông tin cần có

Có sáu lãnh vực chủ đề mà những người soạn thảo phỏng định chiến lược cần phải kiếm thông tin chính xác. Những lãnh vực đó là:

  1. Hoàn cảnh xung đột tổng quát;
  2. Những vấn đề tranh chấp và các mục tiêu của cả hai phe trong cuộc xung đột;
  3. Nhóm đối phương;
  4. Nhóm đấu tranh bất bạo động (và nhóm khiếu nại rộng lớn hơn);
  5. Các thành phần thứ ba (thân thiện, thù nghịch, và trung lập hoặc chưa thiên về bên nào);
  6. Các cân bằng về sự lệ thuộc.

    Trên cơ sở thông tin và sự hiểu biết do một sự xét định như thế đem lại, thì nhóm đấu tranh bất bạo động sẽ được trang bị tốt hơn cho việc soạn thảo những chiến lược khôn ngoan để hướng dẫn sự điều hành của cuộc đấu tranh.

    Phỏng định chiến lược phục vụ nhiều mục đích. Tiến trình phỏng định chiến lược sẽ hỗ trợ rất nhiều việc tìm ra các giải pháp chiến lược. Hơn nữa, phỏng định chiến lược còn trở thành một tài liệu tham khảo quan trọng cho việc hoạch định các kế hoạch hỗ trợ để thực thi các chiến lược đã được lựa chọn. Phỏng định chiến lược cũng hữu ích khi hoạch định các chính sách và khi phản ứng lại các khủng hoảng, và trong việc cung ứng cho các tổ chức một nguồn tài liệu về một phân tích vững chắc và sâu sắc và về những dữ kiện xác thực .

    Khi các bạn duyệt lại những yêu cầu về thông tin cần có sau đây cho một phỏng định chiến lược, thì công việc này có vẻ làm cho các bạn nản chí – mà đúng là nản chí thật. Nhưng thay vì hình dung chỉ một người cố thu thập và phân tích tất cả bấy nhiêu thông tin, bạn nên nghĩ, Ai là người biết về chủ đề này và người đó hay những người đó có cung cấp được thông tin cho tôi hay không? Một khi thông tin đã nhận được từ các chuyên gia về đề tài, thì những thông tin có giá trị cho công việc phỏng định sẽ được đưa vào trong phỏng định chiến lược.

  1. Tình hình xung đột tổng quát

    Điều hữu ích là cần liệt kê ở đây, với phần nào chi tiết, một vài trong số những loại thông tin về tình hình xung đột tổng quát trong đó cuộc đấu tranh bất bạo động sẽ được xúc tiến. Những loại thông tin này có thể đem lại rất nhiều hiểu biết có chiều sâu về hoàn cảnh của cuộc xung đột. Làm quen với tất cả những nhân tố tạo được một tác dụng có thể quan niệm được đối với nhóm đối phương hay đối với nhóm bất bạo động là một điều nên làm.  Các nhân tố này bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn vào, những điều sau đây:

  • Địa thế và địa lí

(gồm có những hình thể đất đai và những con nước, và chúng hỗ trợ hay cản trở phe này hay phe kia như thế nào);

  • Chuyên chở

(bao gồm tất cả những phương tiện chuyên chở có sẵn cho cả hai phe trong cuộc xung đột, hạ tằng kiến trúc về chuyên chở ở cấp địa phương và cấp toàn quốc, những lối đi thay thế khác, và những điều này tác dụng lên các khả năng của mỗi phe như thế nào);

  • Truyền thông

(tất cả các loại, khả năng tiếp cận để sử dụng, mức độ kiểm soát, theo dõi, các vấn đề riêng tư, v.v.);

  • Khí hậu và thời tiết

(bao gồm những biến chuyển theo mùa và tác dụng có thể có đối với các vấn đề chuyên chở, truyền thông, lương thực và canh nông, và các sinh hoạt của mỗi phe);

  • Hệ thống chính trị và chế độ cai trị

(bao gồm những đặc tính và những khả năng của họ ở nhiều tầng lớp, từ những cấp cao nhất đến những đơn vị nhỏ nhất; bất cứ biến chuyển nào trong vấn đề kiểm soát trung ương hay các sáng kiến cấp địa phương; và ai kiểm soát Nhà Nước và các vai trò hay chức năng của Nhà Nước, các đảng phái chính trị, và các tổ chức phụ thuộc bị kiềm chế);

  • Hệ thống kinh tế

(bao gồm cả loại lẫn tình trạng của nền kinh tế, sức mạnh và mức độ độc lập của các nghiệp đoàn và của các khu vực kinh doanh, và mức độ can dự của Nhà Nước vào nền kinh tế);

  • Hệ thống tư pháp

(đặc biệt là mức độ hệ thống tư pháp giữ được sự độc lập đối với sự kiểm soát của Nhà Nước hay của nhóm đối phương);

  • Dân số thống kê

(thông tin về cả tổng thể dân chúng lẫn bộ phận dân chúng liên hệ đến cuộc xung đột, bao gồm những phân chia thống kê thành các nhóm tuổi, giới tính, tỉ lệ tăng trưởng và tử suất của dân chúng, mật độ dân chúng trong các địa điểm khác nhau, và tỉ lệ biết chữ);

  • Giai tng xã hội

(bao gồm những giai cấp kinh-tế-xã-hội, các sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hoá, thân phận của dân chúng bản địa và nhập cư, v.v.; phân phối địa lí cho những người này; bất cứ biến đổi hay khác nhau giữa những nhóm này về sự hài lòng, về trung thành, hay về những sở thích kinh tế; và bất cứ sự xung đột nào giữa hay trong các nhóm dân chúng khác nhau này, dù những lí do của những cuộc xung đột này có liên hệ đến đấu tranh bất bạo động hay không);

  • Kiểm soát các tài nguyên kinh tế và sự hỗ trợ đời sống

(nhiên liệu, thực phẩm, nước uống, v.v., và những hậu quả của sự lệ thuộc phe này vào phe kia);

  • Tình trạng xã hội dân sự

(mức độ và tình huống của các tổ chức phi chính phủ và của sinh hoạt xã hội, bao gồm mức độ tổ chức và độc lập đối với Nhà Nước; và tình trạng của những lãnh vực khác của đời sống xã hội và của tổ chức nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống chính trị và/hay của chế độ);

    Thêm nữa, xét định tình hình chính trị tổng quát lúc bấy giờ là một điều quan trọng. Những loại kiểm soát đặc biệt, như là thiết quân luật hay là những phương tiện đàn áp nghiêm trọng khác, có đang có hiệu lực hay không? Tình hình và khuynh hướng chính trị và kinh tế hiện tại là gì?

  1. Các vấn đề tranh chấp và những mục tiêu của các nhóm tranh chấp

    Điều quan trọng là nên xác định và soạn thảo những khẳng định chính xác và rõ ràng về các vấn đề tranh chấp trong cuộc xung đột theo quan điểm của cả hai phe, của nhóm đối phương và của nhóm đấu tranh bất bạo động dự tính trong tương lai. Các khẳng định này thường được dựa trên những lời tuyên bố của mỗi bên, nhưng đôi khi đòi hỏi cần phải có thêm thông tin từ những nguồn khác, như là những quan sát viên độc lập, hay các nhóm khác chẳng hạn.

    Xác định và nhìn nhận những mục tiêu khác nhau của hai nhóm cũng là điều quan trọng. Những mục tiêu này phù hợp hay không phù hợp với nhau tới mức độ nào? Những mục tiêu được khẳng định không phải luôn luôn là toàn thể câu chuyện. Cả hai nhóm đều có thể có không những chỉ những mục tiêu ngắn hạn mà còn có những mục đích dài hạn chưa được tuyên bố công khai vào lúc đó. Cả hai loại đều quan trọng trong việc soạn thảo các chiến lược cho nhóm đấu tranh bất bạo động.

    Những mục tiêu rõ ràng cho nhóm đấu tranh bất bạo động là tiền điều kiện cho việc soạn thảo các chiến lược và các kế hoạch hỗ trợ để thực thi các chiến lược này. Nếu các mục tiêu chưa được tuyên bố lúc thực hiện phỏng định chiến lược, thì thực hiện những thẩm định rất cẩn trọng về các mục đích của cả hai bên, của nhóm đối phương và của nhóm đấu tranh bất bạo động là một việc làm thích đáng.

    Những vấn đề tranh cãi và các mục tiêu của hai phe tranh chấp, và sự việc mỗi phe tin tưởng là những vấn đề và mục tiêu này là những vấn đề và mục tiêu căn bản như thế nào, sẽ có chiều hướng đưa đến những hậu quả quan trọng đối với những hành động của hai phe trong cuộc xung đột. Những vấn đề và mục tiêu này có thể sẽ ảnh hưởng đến mức độ nhóm đối phương quyết tâm chống lại hay đàn áp phong trào đối kháng. Những vấn đề và mục tiêu này cũng có thể ảnh hưởng đến sự kiên quyết của nhóm đấu tranh bất bạo động miệt mài đấu tranh dù bị đàp áp. Thêm nữa, mức độ các thành phần thứ ba và tập thể dân chúng sẵn lòng đứng về phe của nhóm đấu tranh bất bạo động cũng sẽ thường tuỳ thuộc phần nào vào cách những nhóm người này nhìn vào những vấn đề tranh chấp được nêu lên trong cuộc xung đột.

  1. Nhóm đối phương

    Hiểu biết đầy đủ và chi tiết về nhóm đối phương mà nhóm đấu tranh bất bạo động sẽ đối đầu trong cuộc xung đột sắp tới cực kỳ quan trọng. Sự hiểu biết như thế cần phải tập trung vào những khả năng của đối phương, thay vì vào những lời tuyên bố về ý định của họ hay là vào những giả thuyết về những quyền lợi hay dự định của họ. Giải đáp với đầy đủ chi tiết các câu hỏi sau đây là một điều cần thiết:

  • Hệ thống chính trị của đối phương là gì?
  • Hệ thống xã hội và văn hoá của đối phương là gì?
  • Hệ thống kinh tế của đối phương là gì?
  • Những hệ thống này có độc lập với nhau hay không, hay là liên hệ chặt chẽ với nhau? Những hệ thống này có lệ thuộc gì vào những hệ thống chính trị, xã hội, và kinh tế của nhóm đấu tranh bất bạo động dự tính trong tương lai hay không?
  • Mỗi một hệ thống này chịu sự kiểm soát của cơ cấu Nhà Nước đến mức độ nào?
  • Bản chất và tầm quan trọng của những niềm tin tôn giáo, đạo đức, ý thức hệ, hay lí thuyết khác và của những cam kết khác của nhóm đối phương là gì?
  • Thống kê dân số của nhóm đối phương như thế nào (tuổi tác, giới tính, tỉ lệ sinh sản và tử suất, biết chữ, trình độ giáo dục, phân phối địa lí, v.v.)
  • Tập thể dân chúng và các cơ chế hỗ trợ hệ thống hay chế độ của nhóm đối phương đến mức độ nào?
  • Tình hình về ý thức hệ ra sao (mức độ hỗ trợ của chủ thuyết đối với nhóm và/hay chế độ đối phương, hay là đối với phong trào đối kháng về các chánh sách hay kiểm soát của phe mình)?
  • Nhóm đối phương lệ thuộc vào mỗi nguồn sức mạnh tiềm năng của mình đến mức độ nào?
    • Uy quyền hay tính hợp pháp,
    • Nhân lực,
    • Những kĩ năng hay kiến thức đặc biệt,
    • Các nhân tố tâm lí và ý thức hệ,
    • Vật lực,
    • Khả năng áp dụng các chế tài.
  • Những cột trụ chống đỡ (người, nhóm, và các cơ chế) đang cung cấp các nguồn sức mạnh cần có cho nhóm đối phương là gì? Một vài cột trụ này cần phải được xét định tỉ mỉ. Những cột trụ này có thể bao gồm, nhưng không chỉ được giới hạn vào, những thứ sau đây:
    • Các nhà lãnh đạo và các nhóm đạo đức và tôn giáo,
    • Các nhóm lao động,
    • Các nhóm kinh doanh và đầu tư,
    • Công chức và chuyên viên bàn giấy,
    • Các nhà quản trị,
    • Chuyên viên kĩ thuật,
    • Cảnh sát,
    • Các nhà tù,
    • Các lực lượng quân đội,
    • Những dịch vụ tình báo,
    • Phương tiện truyền thông đại chúng,
    • Các nhà đầu tư nước ngoài,
    • Các tầng lớp nhân dân hay các nhóm sắc tộc.
  • Những cột trụ chống đỡ chịu ảnh hưởng, hoặc có thể hay thực sự bị chính nhóm đối phương kiểm soát đến mức độ nào? Có những cột trụ nào chịu ảnh hưởng của nhóm khiếu nại quảng đại hay nhóm đấu tranh bất bạo động tiềm năng, hay được những nhóm này kiểm soát hay không? Những cột trụ nào mạnh nhất và bền vững nhất? Những cột trụ nào yếu nhất và dễ bị tấn công nhất?
  • Ai là những đồng minh nội bộ (quốc nội) của nhóm đối phương, và mức độ đáng tin cậy của những người này đến đâu?
  • Ai là những đồng minh bên ngoài (quốc ngoại) của nhóm đối phương, và mức độ đáng tin cậy của họ đến đâu?
  • Có ai trong những đồng minh này có thể được xem như là những “đồng minh tự nhiên” của nhóm đối phương không? (Nếu đối phương là chính quyền hay một chế độ, thì những đồng minh tự nhiên có thể là quân đội, các dịch vụ tình báo, công chức, cộng đồng kinh doanh, dân mới định cư, các chính quyền ngoại bang, một số đảng phái chính trị, v.v.)
  • Ai là những “kẻ thù tự nhiên” của nhóm đối phương? (Những thí dụ gồm có các nhóm thiểu số bị áp bức, giới trẻ bất mãn, dân thất nghiệp, công nhân, các đảng phái chính trị, giới hạ lưu, trung lưu, hay thượng lưu, v.v.)
  • Có hỗ trợ hoặc thiện cảm tiềm năng hay thực sự đối với nhóm đấu tranh bất bạo động từ những khu vực trong chính nhóm đối phương hay không?
  • Cấu trúc tổ chức của đối phương (quản trị, tổ chức các ngành, sự phức tạp, hiệu năng, độ tin cậy, mức độ sáng kiến, mức độ trung ương tập quyền, v.v.) như thế nào?
  • Khả năng quân sự của đối phương như thế nào? Thông tin cần thiết bao gồm những điều sau đây:
    • Sức mạnh, số người, tầm cỡ, cấu trúc, và các loại đơn vị;
    • Địa điểm của các đơn vị;
    • Những khả năng quân sự của đối phương để chống lại phong trào đối kháng, áp đặt đàn áp và phục hồi kiểm soát, bao gồm khả năng và sự sẵn lòng áp dụng các biện pháp tàn ác;
    • Sự nhanh chóng của lực lượng quân đội khi cần đi đến những địa điểm có thể có những cuộc biểu tình chớp nhoáng xảy ra;
    • Những người chỉ huy những đơn vị quan trọng và những đặc tính của những người này;
    • Lí lịch về nhân cách của các sĩ quan và các vị chỉ huy chọn lọc;
    • Hiệu năng, độ đáng tin cậy, và tinh thần của binh sĩ;
    • Lí lịch tổng quát về các nhân viên quân đội, bao gồm giáo dục, cấp bậc, tôn giáo, chính trị, động lực, nhóm sắc tộc, lứa tuổi, và những lí do có thể có để bất mãn;
    • Công tác hậu cần cho việc chuyển quân và hành quân, địa điểm của các đường tiếp vận, và các phương tiện tái tiếp viện.
  • Khả năng cảnh sát của đối phương như thế nào? (Cùng loại thông tin thu thập cho lực lượng quân đội – như đã mô tả trên đây — cần phải được thu thập cho cảnh sát và cả cho các lực lượng an ninh khác nữa);
  • Nhóm đối phương có sẵn để sử dụng những tổ chức tình báo nào, nếu có? Những đặc điểm của những nhóm này là gì, bao gồm những sinh hoạt biết được và những tài nguyên của họ?
  • Mức độ kĩ năng chiến lược của nhóm đối phương như thế nào?
  • Nhóm đối phương có lãnh đạo tài giỏi đến mức độ nào?
  • Những phương tiện kiểm soát phi quân sự nào được nhóm đối phương sử dụng? Những thí dụ có thể bao gồm những điều sau đây:
    • Kiểm duyệt;
    • Sở hữu đài phát thanh, truyền hình, và các phương tiện ấn loát;
    • Kiểm soát giáo dục;
    • Các phương tiện tài chánh để ảnh hưởng hành tác;
    • Kiểm soát kĩ nghệ tư hay là kinh doanh Nhà Nước;
    • Quốc tế thừa nhận;
    • Kiểm soát kĩ thuật truyền thông;
    • Kiểm soát tư pháp.
  • Có những rạn nứt chính trị nào, những xung khắc nội bộ nào, và những nhược điểm nào khác trong nhóm đối phương, như trong nhóm lãnh đạo và trong các tổ chức, các cơ chế và các nhóm dân chúng hỗ trợ, chẳng hạn?
  • Có những tổ chức hay những cơ chế nào thông thường thì hỗ trợ nhóm đối phương nhưng có thể làm mục tiêu để chuyển đổi lòng trung thành hay để phá vỡ tổ chức hay không?
  • Lãnh đạo hiện tại của nhóm đối phương có bị đặt vấn đề hoặc bị tranh chấp từ bên trong, vì cạnh tranh, vì tranh giành quyền lực, hay vì những lí do nào khác hay không?
  • Đâu là những chỗ dễ bị tấn công và các nhược điểm khác của đối phương có thể nhận dạng ra được? Những chỗ dễ bị tấn công và các nhược điểm này có thể bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn vào, những điều sau đây:
    • Những chỗ dễ bị tấn công và các xung khắc nội bộ;
    • Lãnh đạo hay khả năng cai trị yếu kém;
    • Bị dân chúng khinh bỉ, hay để lại cho dân chúng một ấn tượng đại để không thuận lợi;
    • Thiếu những chiến lược gia có huấn luyện;
    • Sụp đổ về ý thức hệ;
    • Khủng hoảng kinh tế;
    • Tham nhũng thối nát;
    • Thiếu khả năng chịu đựng áp lực ngoại giao và kinh tế;
    • Lệ thuộc quá nhiều vào đàn áp hay là phương tiện quân sự như là một phương thức kiềm chế.
  1. Nhóm đấu tranh bất bạo động (và nhóm khiếu nại rộng lớn hơn)

    Hiểu biết đầy đủ và chi tiết về nhóm đấu tranh bất bạo động và nhóm “khiếu nại” (được định nghĩa như là tập thể dân chúng rộng lớn hơn đang chịu khốn khổ vì những chánh sách và hành động của nhóm đối phương) và các cảm tình viên tiềm năng hoặc hiện có, cũng quan trọng như hiểu biết về nhóm đối phương vậy. Những quyền lợi và dự định của nhóm đấu tranh bất bạo động không hữu ích nhiều cho phần này của phỏng định chiến lược (tuy nhiên những điểm này cũng cần được ghi chú khi xét định các vấn đề tranh chấp và sự nguy hiểm và những mục tiêu của các bên tranh chấp, như được mô tả trên đây). Tốt hơn là sự chú trọng ở đây chỉ nên tập trung vào tình trạng và các khả năng thực sự của nhóm.

    Do đó đòi hỏi cần phải giải đáp một cách chi tiết những câu hỏi sau đây về nhóm đấu tranh bất bạo động:

  • Đâu là dân số thống kê về nhóm đấu tranh bất bạo động và về các cảm tình viên tiềm năng hoặc hiện có, gồm cả tập thể nhóm khiếu nại (tuổi tác, giới tính, phân phối địa lí, tỉ lệ biết chữ, và trình độ giáo dục, v.v.)?
  • Hệ thống chính trị của nhóm đấu tranh là gì?
  • Hệ thống xã hội và văn hoá của nhóm đấu tranh bất bạo động là gì?
  • Hệ thống kinh tế của nhóm đấu tranh bất bạo động là gì?
  • Những hệ thống này có vận hành độc lập với nhau, hay là liên hệ chặt chẽ với nhau? Những hệ thống này đồng nhất, hội nhập, hay độc lập, với các hệ thống chính trị, xã hội, và kinh tế của nhóm đối phương đến mức độ nào?
  • Mỗi hệ thống này bị cơ cấu Nhà Nước kiểm soát đến mức độ nào?
  • Bản chất và tầm quan trọng của những niềm tin về tôn giáo, đạo đức, ý thức hệ, và về chủ thuyết nào khác và của những cam kết của nhóm khiếu nại và nhóm đấu tranh bất bạo động là gì?
  • Tình hình tổng quát về ý thức hệ như thế nào (mức độ hỗ trợ về chủ thuyết đối với nhóm đấu tranh bất bạo động, và đối với những tư tưởng, lập trường, và cương lĩnh của nhóm)?
  • Mức độ hỗ trợ thực sự và tiềm năng của tổng thể dân chúng khiếu nại, của các nhóm đặc biệt, của các cơ chế, và của các mạng lưới liên lạc đối với nhóm đấu tranh bất bạo động như thế nào? Những nhóm nào có thể giúp ích thực sự?
  • Những thành phần nào trong dân chúng sẽ có xác suất cao nhất hay có xác suất thấp nhất trong việc cung ứng hỗ trợ hoặc thiện cảm đối với nhóm đấu tranh bất bạo động trong thời gian tiến trình của cuộc xung đột?
  • Mức độ hỗ trợ thực sự và tiềm năng của những thành phần thứ ba hoặc của những thành phần “trung lập” trước đây đối với nhóm đấu tranh bất bạo động như thế nào?
  • Ai là những “đồng minh tự nhiên” của nhóm đấu tranh bất bạo động? (ví dụ, học sinh/sinhviên hay giới trẻ, các đảng phái chính trị và các hiệp hội, các nhóm tôn giáo, sắc tộc, hay dân tộc ít người, v.v.)
  • Ai là những đồng minh quốc nội và quốc ngoại hiện có và tiềm năng của nhóm đấu tranh bất bạo động?
  • Có những xung khắc nội bộ, những cạnh tranh, những tranh giành quyền lực nào trong cả hai nhóm, nhóm khiếu nại và nhóm đấu tranh bất bạo động? (ví dụ, những nhóm có lập trường về ý thức hệ hay là có những mục tiêu dài hạn khác nhau)? Có có những cạnh tranh nào giữa những thành phần quan trọng của nhóm khiếu nại và nhóm đấu tranh bất bạo động hay không?
  • Có có sự hỗ trợ hay thiện cảm thực sự hoặc tiềm năng đối với nhóm đối phương từ trong các thành phần của tổng thể nhóm khiếu nại hay của nhóm đấu tranh bất bạo động hay không?
  • Những nguồn sức mạnh đang vận hành hoặc tiềm năng của nhóm bất bạo động là gì? Những nguồn sức mạnh đang vận hành hoặc tiềm năng của tổng thể nhóm khiếu nại là gì?
    • Uy quyền hoặc tính hợp pháp,
    • Nhân lực,
    • Những kĩ năng hoặc kiến thức đặc biệt,
    • Các nhân tố tâm lí hoặc ý thức hệ,
    • Vật lực,
    • Khả năng áp dụng các chế tài.
  • Đâu là những cột trụ chống đỡ (Những người, nhóm, và các cơ chế) cung cấp những nguồn sức mạnh nói trên? Một vài trong số những cột trụ này đòi hỏi phải được xét định tỉ mỉ. Thí vụ có thể gồm có:
    • Các vị lãnh đạo hay các nhóm đạo đức và tôn giáo,
    • Các nhóm lao động,
    • Các nhóm kinh doanh và đầu tư,
    • Công chức và chuyên viên bàn giấy,
    • Các nhà quản trị,
    • Chuyên viên kĩ thuật,
    • Phương tiện truyền thông đại chúng,
    • Các tầng lớp bị thống trị hay các nhóm sắc tộc,
    • Giới trẻ và/hay là các tổ chức học sinh/sinh viên,
    • Những cơ chế xã hội khác.
  • Những cột trụ chống đỡ cho nhóm khiếu nại hay nhóm đấu tranh bất bạo động chịu ảnh hưởng, hay bị kiểm soát thực sự hay tiềm năng bởi nhóm đấu tranh bất bạo động, hay nhóm đối phương đến mức độ nào?
  • Những cột trụ nào thích hợp để sử dụng trong các sinh hoạt đối kháng? Những cột trụ nào cần được tăng sức mạnh? Có cần phải tạo ra những cột trụ mới không?
  • Có thể nào xác định được những chỗ khó phòng thủ và các nhược điểm khác không? Có chỗ nào có thể sửa sai được bằng những nỗ lực có chủ ý không?
  • Nhóm đấu tranh bất bạo động hiện có sinh hoạt như một phong trào hay một tổ chức có mạch lạc không? Nếu có, thì cơ cấu tổ chức của nhóm như thế nào (quản trị, các tổ chức ngành, tính phức tạp, hiệu năng, tính đáng tin cậy, mức độ sáng kiến, mức độ trung ương tập quyền, v.v.)? Nhóm có có lãnh đạo có khả năng và tài giỏi không?
  • Trình độ kĩ năng chiến lược của nhóm đấu tranh bất bạo động và lãnh đạo của nhóm như thế nào?
  • Ai trong nhóm đấu tranh bất bạo động có kiến thức về lí thuyết, các phương pháp, và những động năng thực tiễn của đấu tranh bất bạo động?
  • Nhóm khiếu nại, như là một tập thể, các bộ phận của nhóm này, hay là nhóm đấu tranh bất bạo động đã từng có kinh nghiệm trước đây về cách sử dụng đấu tranh bất bạo động chưa?
    • Kinh nghiệm này xảy ra ở đâu trong quá khứ?
    • Những thành phần dân chúng nào tham gia?
    • Những cuộc đấu tranh như thế đã được tiến hành khéo léo như thế nào?
    • Kết quả như thế nào?
    • Những cuộc đấu tranh trong quá khứ đó có thể đem lại những bài học gì cho hoàn cảnh hiện tại?
    • Việc nhớ lại những cuộc đấu tranh này tương đối có chính xác không? Hay là huyền thoại về những cuộc đấu tranh này đã cứ mãi được lưu truyền? Và những hậu quả của huyền thoại sẽ như thế nào?
  • Những chuẩn bị nào đã được thực hiện cho việc áp dụng đấu tranh bất bạo động vào cuộc xung đột này?
  • Những phương tiện kiểm soát phi quân sự nào, nếu có, đã được nhóm đấu tranh bất bạo động hoặc các cảm tình viên của nhóm có sẵn và sử dụng? Các thí dụ có thể bao gồm các thứ sau đây:
    • Sở hữu đài phát thanh, truyền hình, và các phương tiện ấn loát;
    • Sở hữu và kiểm soát các nguồn truyền thông điện tử;
    • Kiểm soát giáo dục (qua quản trị học đường, giáo chức, giáo sư đại học, giáo dục không chính quy, v.v.);
    • Kiểm soát kĩ nghệ tư nhân;
    • Quốc tế thừa nhận tính hợp pháp;
  • Khả năng thông tin và tình báo của nhóm đấu tranh bất bạo động như thế nào?
  • Những tài nguyên kinh tế trong tay nhóm đấu tranh bất bạo động là gì?
  • Những khả năng truyền thông của những người đối kháng là gì?
    • Truyền thông được chuyển đạt như thế nào?
    • Những phương tiện này được bảo mật như thế nào?

    Sau cùng, cần phải cung cấp một thẩm định tổng quát về khả năng đấu tranh của cả hai nhóm, nhóm đấu tranh bất bạo động và tập thể nhóm khiếu nại, phần lớn dựa vào thông tin nói trên. Những chiến lược gia khôn ngoan sẽ không lập kế hoạch cho một chiến dịch đòi hỏi một khả năng vượt quá những tài năng hiện có của nhóm đấu tranh bất bạo động. Nếu cần phải có một khả năng đấu tranh lớn mạnh hơn, thì cần phải tận lực chú tâm vào những phương tiện được đòi hỏi cho việc phát huy thêm sức mạnh này.

  1. Các thành phần thứ ba 

Thẩm định vai trò tiềm năng của các thành phần thứ ba đối với cả hai phe tranh chấp trong suốt tiến trình của cuộc xung đột là một điều rất quan trọng. Các “thành phần thứ ba” được định nghĩa ở đây như là bất cứ nhóm nào, cơ chế nào, hay thành phần nào, quốc nội hay quốc ngoại, mà lúc khởi đầu không phải là một phe trực tiếp liên hệ đến cuộc đấu tranh. Những vai trò của các thành phần thứ ba có thể bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn vào, những điều sau đây:

  • Hỗ trợ giao tế công cộng (cho phe này hay phe kia);
  • Hỗ trợ ngoại giao và thực hiện áp lực ngoại giao (cho phe này hay phe kia);
  • Hỗ trợ tài chánh (cho phe này hay phe kia);
  • Cung ứng hỗ trợ về cảnh sát hay quân sự (cho nhóm đối phương), (hành động của cảnh sát hay quân đội nhằm hỗ trợ đấu tranh bất bạo động, thay vì giúp đỡ, có thể phá hỏng phong trào đấu tranh);
  • Cung ứng hỗ trợ giáo dục và kĩ thuật (cho phe này hay phe kia);
  • Cung cấp các khu vực an toàn (thường là cho những người đối kháng nhưng đôi khi cũng cho nhóm đối phương);
  • Áp dụng áp lực kinh tế (cho phe này hay phe kia);
  • Cung ứng kiến thức về đấu tranh bất bạo động (chính yếu là cho những người đối kháng).

    Cũng cần phải thẩm định là những thành phần thứ ba nào có thể sẽ cung ứng những hỗ trợ như thế cho phe này hay phe kia, và cũng cần phải xác định những nhóm nào đã phục vụ như là cột trụ chống đỡ cho phe này hoặc phe kia. Các chiến lược gia sau này sẽ phải quyết định là những thành phần thứ ba nào cần được ve vãn để có được sự hỗ trợ trong tương lai và những thành phần thứ ba nào cần phải đánh phá.

  1. Cân bằng các lệ thuộc

    Trong việc hoạch định chiến lược cho cuộc đấu tranh, thì điều quan trọng là quyết định phe nào trong hai phe đang tranh chấp sẽ là phe lệ thuộc vào phe bên kia, lệ thuộc như thế nào và đến mức độ nào. Những tính toán này phải gồm có những điều sau đây:

  • Mức độ lệ thuộc của nhóm đối phương vào số dân đối kháng và vào nhóm khiếu nại rộng lớn để đáp ứng các nhu cầu đã được xác định,
  • Mức độ lệ thuộc của dân chúng đối kháng và của nhóm khiếu nại vào nhóm đối phương hầu đáp ứng những nhu cầu đã được xác nhận,
  • Mức độ độc lập thực sự và tiềm năng của nhóm đối phương đối với dân chúng đối kháng và tổng thể nhóm khiếu nại trong việc đáp ứng những nhu cầu đã được xác định,
  • Mức độ độc lập thực sự và tiềm năng của dân chúng đối kháng và của nhóm khiếu nại đối với nhóm đối phương trong việc đáp ứng những nhu cầu đã được xác định.

Kết luận 

    Sau khi soạn thảo xong phỏng định chiến lược thì cũng cần phải cập nhật nó khi có những thay đổi trong tình hình xung đột. Một phỏng định chiến lược cho một cuộc đấu tranh nhất định được chuẩn bị cẩn thận dựa trên cơ sở của thông tin chính xác và đầy đủ sẽ giúp người ta suy nghĩ rõ ràng và làm những quyết định khôn ngoan trong việc làm thế nào để hành động, ngay cả khi phải đối diện với những áp lực nghiêm trọng hay những hoàn cảnh khó khăn. Tài liệu này, trong dạng có cấu trúc, giúp độc giả có thể tìm được thông tin vừa tổng quát vừa chi tiết một cách nhanh chóng.

    Phỏng định này sẽ giúp rất nhiều khi chọn những loại phương pháp nhất định nào đó để sử dụng trong cuộc xung đột. Ví dụ, nếu nhóm đối phương lệ thuộc nặng nề vào nhóm khiếu nại để đáp ứng một số nhu cầu nào đó, thì những phương pháp bất hợp tác có thể là rất hữu hiệu. Tuy nhiên nếu không có sự lệ thuộc như thế, thì bất hợp tác có lẽ sẽ không hữu ích.

    Nếu phỏng định chiến lược phát hiện là nhóm đấu tranh bất bạo động yếu hơn là đòi hỏi cho một cuộc đấu tranh quan trọng chống lại nhóm đối phương dự tính, thì nhóm đấu tranh bất bạo động lúc đó không nên xúc tiến một cuộc đấu tranh đòi hỏi nhiều sức mạnh. Không có gì thay thế, hay là không có con đường tắt nào, cho sức mạnh của chính phong trào đấu tranh bất bạo động được. Nếu nhóm yếu hơn là cần thiết, thì hành động lúc ban đầu nên có những hình thức giới hạn, có lẽ là những hành động có tính biểu tượng có thể gây được phần nào tác dụng mà không phải cần đến nhiều sức mạnh. Hành động tham vọng hơn lúc đó nên được triển lại cho đến khi nào có được những phương tiện hữu hiệu để tăng sức mạnh cho nhóm đấu tranh bất bạo động trong tương quan với sức mạnh của nhóm đối phương. Rõ ràng là những nỗ lực chính yếu trong hoàn cảnh này phải được tập trung vào việc tăng sức mạnh cho dân chúng và những cơ chế chủ yếu bị ảnh hưởng bởi những khiếu nại và vào việc phát triển khả năng của nhóm để xúc tiến đấu tranh bất bạo động mạnh mẽ hơn trong tương lai.

    Còn có những nhân tố khác cũng đòi hỏi phải được chú trọng trước khi tập trung vào những bước cụ thể có thể hữu ích trong việc soạn thảo chiến lược cho cuộc đấu tranh sắp tới. Một trong những nhân tố quan trọng nhất là kiến thức về kĩ thuật đấu tranh bất bạo động sẽ được sử dụng. Những bước có chủ ý có thể được thực hiện để thủ đắc và phổ biến kiến thức này.

    Tuy nhiên, một khi đã thủ đắc được kiến thức này rồi, thì chính sự hoạch định và thực thi các chiến lược khôn ngoan, chứ không phải chỉ việc sử dụng các phương pháp, làm cho cuộc đấu tranh bất bạo động trở nên càng hữu hiệu càng tốt. Khả năng hoạch định được những kế hoạch như thế dựa vào cơ sở của sự hiểu biết đầy đủ toàn bộ bối cảnh mà trong đó cuộc đấu tranh sẽ được xúc tiến. Mục đích chính yếu của phỏng định chiến lược là cung ứng sự hiểu biết đó.

    Với nhiều thông tin chi tiết có sẵn, công việc thiết lập kế hoạch có thể được hoàn tất nhanh chóng để khai thác những cơ hội mới có thể đến trong thời gian diễn biến của các chiến dịch.

___________________________________________________________

CƯỚC CHÚ:

1 Neue Bellona 9 (1805), t. 271. Trích từ Peter Paret, ed. Những Người Tạo Ra Chiến Lược Tân Tiến: Từ Machiavelli Đến Thời Đại Hạch Nhân [Makers of Modern Strategy: From Machiavelli to Nuclear Age] (Princeton, New Jersey: Princeton University Press, 1986), t. 19.

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.