PHÂN HUỶ ĐỘC TÀI
(Bài 022)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

 

    Hiệu quả dồn dập của những chiến dịch thách thức chính trị được điều hành một cách tốt đẹp và thành công sẽ tăng sức mạnh cho phong trào đối kháng, xây dựng và bành trướng những lãnh vực của xã hội, những nơi mà nền độc tài phải đối đầu với những hạn chế đối với sự kiểm soát hữu hiệu của mình. Những chiến dịch này cũng còn cung ứng kinh nghiệm quan trọng cho việc làm thế nào để khước từ hợp tác và làm thế nào để đề xướng thách thức chính trị. Kinh nghiệm này sẽ rất hữu ích khi đến lúc cần bất hợp tác và thách thức ở tầm cỡ đại khối quần chúng.

    Như đã thảo luận ở Bài 017, sự tuân phục, sự hợp tác, và sự khuất phục là thiết yếu nếu các nhà độc tài cần có sức mạnh. Không tiếp cận được những nguồn sức mạnh chính trị, quyền lực của các nhà độc tài sẽ suy yếu và cuối cùng sẽ tan vỡ. Rút lui sự hỗ trợ, do đó, là hành động chính yếu bắt buộc phải có để phân huỷ một nền độc tài. Duyệt lại xem các nguồn sức mạnh này có thể bị tác động bằng cách nào bởi thách thức chính trị có thể là một việc làm hữu ích.

    Những hành động phủ nhận và thách thức có tính biểu tượng nằm trong số những phương tiện có sẵn để xói mòn tinh thần và quyền hành của chế độ — nghĩa là tính hợp pháp của chế độ. Quyền hành của chế độ càng lớn, thì sự tuân phục và sự hợp tác mà chế độ nhận được càng nhiều và càng bền vững. Sự phản đối dựa trên quan điểm đạo đức cần phải được thể hiện bằng hành động để đe doạ một cách nghiêm trọng sự tồn tại của nền độc tài. Rút lui sự hợp tác và tuân phục là điều cần thiết cho việc cắt đứt sự tiếp cận các nguồn sức mạnh khác của chế độ.

    Một nguồn sức mạnh quan trọng thứ hai là nhân lực, là con số và tầm quan trọng của những người hay nhóm người tuân phục, hợp tác, và ủng hộ các nhà cai trị. Nếu đa phần dân chúng thi hành bất hợp tác, thì chế độ sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng. Ví dụ, nếu công chức không còn sinh hoạt với hiệu năng thông thường hay là ngay cả ở nhà, thì guồng máy hành chánh sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

    Tương tự như thế, nếu những người hay nhóm người bất hợp tác bao gồm những người mà trước kia đã từng cung cấp những kĩ năngkiến thức chuyên biệt, thì các nhà độc tài sẽ thấy khả năng thực hiện ý đồ của họ bị yếu đi một cách trầm trọng. Ngay cả khả năng làm những quyết định dựa trên thông tin đúng và hoạch định các chính sách hữu hiệu có thể bị giảm sút một cách nghiêm trọng.

    Nếu những tác dụng tâm lí và ý thức hệ — được gọi là những nhân tố không nắm bắt được — thường khuyến dụ người ta tuân phục và hỗ trợ các nhà cai trị, bị làm suy yếu đi hay là đảo ngược lại, thì dân chúng sẽ nghiêng về bất tuân và bất hợp tác hơn.

    Việc các nhà độc tài tiếp cận các tài nguyên vật chất  cũng trực tiếp tác động lên quyền lực của họ. Nếu sự kiểm soát những tài nguyên về tài chánh, hệ thống kinh tế, tài sản, tài nguyên thiên nhiên, vận tải, và các phương tiện truyền thông nằm trong tay các đối thủ — thực sự hay có thể có — của chế độ, thì một nguồn sức mạnh chính yếu của các nhà độc tài đã bị tổn hại hay là đã bị loại bỏ. Những cuộc đình công, tẩy chay, và tự quản càng ngày càng gia tăng trong lãnh vực kinh tế, truyền thông, và vận tải sẽ làm suy yếu chế độ.

    Như đã thảo luận trước đây, khả năng các nhà độc tài đe doạ và áp dụng các chế tài – nghĩa là những trừng phạt đối với các khối dân chúng náo loạn, bất tuân, và bất hợp tác – là một nguồn sức mạnh chủ yếu của các nhà độc tài. Nguồn sức mạnh này có thể bị làm cho suy yếu đi bằng hai cách. Trước tiên, nếu dân chúng được chuẩn bị — như trong một cuộc chiến tranh — để mạo hiểm những hậu quả nghiêm trọng như là cái giá phải trả cho sự thách thức, thì hiệu quả của những chế tài có sẵn sẽ bị giảm đi rất nhiều (nghĩa là, sự đàn áp của các nhà độc tài sẽ không bảo đảm được sự khuất phục mong muốn). Thứ đến, nếu chính cảnh sát và các lực lượng quân đội đã trở nên bất mãn, thì họ có thể, trên căn bản cá nhân hay tập thể, tránh hoặc thẳng thừng thách thức các lệnh bắt bớ, đánh đập, hay bắn vào những người đối kháng. Nếu các nhà độc tài không còn trông cậy vào cảnh sát và các lực lượng quân đội thi hành đàn áp được nữa, thì nền độc tài đã bị đe doạ một cách trầm trọng.

    Tóm lại, sự thành công trong việc chống lại một nền độc tài đã ăn sâu bén rễ đòi hỏi là sự bất hợp tác và thách thức phải giảm thiểu và cắt đứt các nguồn sức mạnh của chế độ. Nếu không được liên tục tái cung ứng những nguồn sức mạnh cần thiết, thì nền độc tài sẽ suy yếu và rốt cuộc sẽ bị phân huỷ. Thiết kế chiến lược thành thạo cho việc thách thức chính trị chống lại những nền độc tài do đó cần phải nhắm vào những nguồn sức mạnh quan trọng nhất của các nhà độc tài.

Leo thang tự do 

    Hỗn hợp với thách thức chính trị trong giai đoạn đối kháng có chọn lọc, sự phát triển những cơ chế tự quản về xã hội, kinh tế, văn hoá, và chính trị sẽ dần dần bành trướng “không gian dân chủ” của xã hội và thu hẹp sự kiểm soát của nền độc tài. Khi mà các cơ chế dân sự của xã hội đã trở nên mạnh hơn so với với nền độc tài, thì, lúc bấy giờ, dù cho những nhà độc tài có ước muốn điều gì đi nữa, dân chúng cũng vẫn sẽ cứ tiệm tiến xây dựng một xã hội độc lập bên ngoài sự kiểm soát của các nhà độc tài. Nếu và khi nào mà nền độc tài can thiệp để chặn đứng việc “leo thang tự do” này, thì đấu tranh bất bạo động có thể được áp dụng để bảo vệ khoảng không gian vừa mới được tranh thủ và đồng thời nền độc tài còn phải đối diện với một “mặt trận” khác nữa trong cuộc đấu tranh.

    Rốt cuộc thì sự hỗn hợp của đối kháng với việc xây dựng các cơ chế này có thể đưa đến tự do trên thực tế, làm cho sự sụp đổ của nền độc tài và việc chính thức tạo dựng một hệ thống dân chủ không thể phủ nhận được bởi vì những tương quan lực lượng trong xã hội đã bị thay đổi tự nền tảng.

    Ba Lan trong những thập niên 1970 và 1980 là một thí dụ về việc phong trào đối kháng dần dà đòi lại các phần hành và các cơ chế của xã hội. Giáo hội Công giáo đã từng bị bách hại nhưng chưa bao giờ bị đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Cộng sản. Năm 1976, một số những nhà trí thức và công nhân thành lập những nhóm nhỏ như K.O.R (Uỷ Ban Bảo Vệ Công nhân) để xiển dương những ý kiến chính trị của họ. Tổ chức Công Đoàn Đoàn Kết với sức mạnh tung ra được những cuộc đình công hữu hiệu đã ép buộc chính quyền phải hợp pháp hoá công đoàn này vào năm 1980. Nông dân, học sinh/sinh viên, và nhiều nhóm khác cũng đã thành lập các tổ chức độc lập của chính mình. Khi những người Cộng sản ý hội được là các nhóm này đã thay đổi những thực tế về quyền lực, thì Công Đoàn Đoàn Kết lại bị cấm và những người Cộng sản quay trở lại với nền cai trị quân phiệt.

    Ngay cả dưới thời kỳ thiết quân luật, với bao nhiêu là người bị tù đày và bách hại ngặt nghèo, những cơ chế độc lập mới này của xã hội vẫn tiếp tục hoạt động. Ví dụ, hằng tá các nhật báo và báo định kỳ bất hợp pháp vẫn tiếp tục được phát hành. Các nhà in bất hợp pháp vẫn cứ hằng năm phát hành hằng trăm cuốn sách, trong lúc các nhà văn nổi tiếng tẩy chay sách vở của Cộng sản và các nhà in của chính quyền. Những hoạt động tương tự khác vẫn tiếp tục với những thành phần khác trong xã hội.

    Dưới chế độ quân phiệt Jaruzelski, chính quyền Cộng sản quân phiệt có lúc đã được mô tả như là đang nhảy nhót trên chóp bu của xã hội. Các giới chức vẫn còn chiếm giữ các văn phòng và công thự của chính quyền. Chế độ vẫn có thể giáng những đòn xuống xã hội như là trừng phạt, bắt bớ, tù đày, tịch thu báo chí, và những hành động tương tự khác. Tuy vậy, nền độc tài không thể kiểm soát được xã hội. Từ điểm này, chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi xã hội có thể hoàn toàn lật đổ chế độ.

    Ngay cả khi một nền độc tài vẫn còn đang chiếm giữ những vị thế của chính quyền, đôi khi người ta vẫn có thể tổ chức được một “chính phủ song hành” dân chủ. Chính phủ này sẽ càng lúc càng sinh hoạt như là một chính phủ đối địch có được sự trung thành, sự tuân thủ, và sự hợp tác của dân chúng và của các cơ chế của xã hội. Hậu quả lúc bấy giờ là nền độc tài, một cách tiệm tiến, thường sẽ bị tước đoạt mất những đặc tính của chính quyền. Sau cùng, chính phủ song hành dân chủ có thể hoàn toàn thay thế chế độ độc tài như là một phần của giai đoạn chuyển tiếp tiến đến một hệ thống dân chủ. Vào thời điểm thích hợp thì một hiến pháp sẽ được chấp thuận và những cuộc bầu cử sẽ được tổ chức như là một phần khác của sự chuyển tiếp.

Phân huỷ nền độc tài 

    Trong lúc sự thay hình đổi dạng về cơ chế của xã hội đang xảy ra, thì phong trào thách thức và bất hợp tác có thể leo thang. Các chiến lược gia của các lực lượng dân chủ nên sớm chiêm nghiệm là sẽ có một thời điểm mà những lực lượng dân chủ này phải vượt quá sự đối kháng có chọn lọc và tung ra đối kháng của đại khối quần chúng. Trong hầu hết mọi trường hợp, đòi hỏi phải có thời gian để tạo ra, xây dựng, và bành trướng các khả năng; và sự phát triển thách thức của đại khối quần chúng chỉ có thể xảy ra sau vài ba năm. Trong giai đoạn chuyển tiếp này những chiến dịch đối kháng có chọn lọc cần phải được tung ra với những mục tiêu chính trị càng lúc càng quan trọng. Nhiều thành phần đông đủ hơn ở mọi giai tầng xã hội cần phải dấn thân. Với thách thức chính trị kiên quyết và có kỉ luật trong thời gian leo thang của các hoạt động này, những nhược điểm nội bộ của nền độc tài chắc hẳn sẽ trở nên càng lúc càng hiển nhiên.

    Sự hỗn hợp của thách thức chính trị mạnh mẽ với việc xây dựng những cơ chế độc lập, với thời gian, hẳn sẽ gây được sự chú ý lan rộng của quốc tế thuận lợi cho các lực lượng dân chủ. Điều này cũng có thể đưa đến những vụ lên án, tẩy chay, và cấm vận về phương diện ngoại giao của quốc tế để hỗ trợ các lực lượng dân chủ (như đã xảy ra cho Ba Lan).

    Các chiến lược gia nên ý thức rằng trong một vài trường hợp sự sụp đổ của nền độc tài có thể xảy ra một cách cực kỳ nhanh chóng, như tại Đông Đức năm 1989. Điều này có thể xảy ra khi mà những nguồn sức mạnh đã bị cắt đi một cách trầm trọng như là kết quả của sự thay đổi cảm xúc mạnh mẽ và đột ngột của toàn dân chống lại nền độc tài. Tuy nhiên, hình thức này không xảy ra thường xuyên, và tốt hơn là nên chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh dài hạn (nhưng cần sẵn sàng cho ngắn hạn).

    Suốt tiến trình của cuộc đấu tranh giải phóng, những thắng lợi, ngay cả trong những vấn đề hạn chế, cần phải được ca ngợi. Những người đã từng tranh thủ được thắng lợi phải được vinh danh. Những cuộc vui chiến thắng có cảnh giác hẳn sẽ giúp nâng đỡ tinh thần cần có cho những giai đoạn tương lai của cuộc đấu tranh.

Xử lí thành công một cách có trách nhiệm 

    Những người vạch kế hoạch cho đại chiến lược nên tính toán sẵn những phương cách có thể thực hiện được và vừa ý, theo đó một cuộc đấu tranh thành công có thể được chấm dứt với mục đích ngăn chặn sự trỗi dậy của một nền độc tài mới và bảo đảm việc dần dần thiết lập một hệ thống dân chủ vững bền.

    Các nhà dân chủ nên tính toán làm thế nào để sự chuyển tiếp từ nền độc tài đến chính phủ lâm thời phải được giải quyết vào đoạn cuối của cuộc đấu tranh. Lúc đó cần phải nhanh chóng thiết lập một chính phủ mới có thể hoạt động được. Tuy nhiên, không nên chỉ là chính phủ cũ với những người mới. Cần phải tính toán những cơ phận nào của cơ cấu chính quyền cũ (như là cảnh sát chính trị chẳng hạn) cần phải được loại bỏ hoàn toàn bởi vì đặc tính phản dân chủ hiển nhiên của chúng và những cơ phận nào cần phải được giữ lại để rồi phải đi qua sự duyệt xét bởi những nỗ lực dân chủ hoá về sau này. Tình trạng hoàn toàn trống rỗng không có chính quyền sẽ mở đường cho hỗn loạn hay cho một nền độc tài mới.

    Cần phải suy nghĩ sẵn chính sách đối với những giới chức cao cấp của nền độc tài là gì một khi quyền lực của nền độc tài đã bị phân huỷ. Ví dụ, những nhà độc tài có bị đưa ra xử trước một toà án hay không? Họ có được phép rời bỏ nước vĩnh viễn hay không? Có có những giải pháp nào khác phù hợp với thách thức chính trị, với nhu cầu tái thiết quốc gia, và với công cuộc xây dựng một nền dân chủ tiếp theo sau cuộc chiến thắng hay không? Cần phải tránh một cuộc tắm máu có thể gây nên những hậu quả tàn tệ cho công việc có thể xây dựng một hệ thống dân chủ tương lai.

    Những kế hoạch cụ thể cho công việc chuyển tiếp đến dân chủ cần phải được sẵn sàng để áp dụng khi nền độc tài đang trên đà suy yếu hay là sụp đổ. Những kế hoạch như thế sẽ giúp ngăn chặn một nhóm khác giành quyền lực nhà nước bằng một vụ đảo chánh. Cũng sẽ đòi hỏi cần phải có những kế hoạch cho việc thiết lập một chính quyền dân chủ hợp hiến có đầy đủ các tự do chính trị và tự do cá nhân. Những thay đổi tranh thủ được bằng một giá đắt không nên để bị mất đi chỉ vì thiếu kế hoạch.

    Khi chạm trán với dân chúng càng lúc càng được tăng thêm sức mạnh và với sự tăng trưởng của các nhóm và các cơ chế độc lập – cả hai đều không thể bị kiềm chế bởi nền độc tài – các nhà độc tài sẽ thấy là toàn bộ cuộc phiêu lưu của họ đang đổ vỡ tan tành. Đại bộ phận sinh hoạt của xã hội đóng cửa, những cuộc tổng đình công, những cuộc biểu tình tập thể tại gia, những cuộc tuần hành thách thức, hay những sinh hoạt khác sẽ dần dần xói mòn chính tổ chức và những cơ chế liên hệ của các nhà độc tài. Như là một hệ quả của sự thách thức và bất hợp tác như thế, được thi hành một cách khôn ngoan và, với thời gian, với sự hợp tác của đại khối quần chúng, các nhà độc tài thường sẽ trở nên bất lực và những người bảo vệ cho dân chủ thường sẽ chiến thắng mà không cần bạo lực.

    Không phải mọi nỗ lực như thế đều sẽ thành công, nhất là không phải thành công một cách dễ dàng, và hiếm khi mà thành công được nhanh chóng. Cần phải nhớ rằng có bao nhiêu lần thắng trận thì cũng có bấy nhiêu lần bại trận trong những cuộc chiến quân sự. Tuy nhiên, thách thức chính trị cung ứng một khả năng chiến thắng thực sự. Như đã khẳng quyết trước đây, khả năng này có thể được gia tăng rất nhiều nhờ sự hoạch định một đại chiến lược khôn ngoan, nhờ thiết kế chiến lược cẩn trọng, và nhờ đấu tranh dũng cảm có kỉ luật.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.