Đoàn Kết và Kỉ Lut
Đ Chng Đàn Áp
(Bài 037)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.
 

Nhu cầu đoàn kết

Đối diện với đàn áp, những người đối kháng bất bạo động sẽ cần phải đứng lại với nhau; phải duy trì kỉ luật bất bạo động, sự đoàn kết nội bộ, và tinh thần của họ; và cần phải tiếp tục cuộc đấu tranh.

    Trong những giai đoạn sơ khởi của cuộc đấu tranh, những người đối kháng có thể đồng hoá mình với đại thể dân chúng bị ảnh hưởng bởi sự khiếu nại (“nhóm khiếu nại”). Hiếm khi mà đạt được sự tham gia đồng bộ của nhóm khiếu nại trong đấu tranh bất bạo động. Con số bao nhiêu người trong nhóm này sẽ trực tiếp tham gia và ủng hộ những người đối kháng sẽ biến đổi từ cuộc xung đột này đến cuộc xung đột khác. Mặc dù vậy, việc tất cả những người tham gia vào cuộc đấu tranh cần phải phát huy và duy trì đoàn kết với nhau là một điều khẩn yếu, và những cố gắng có chủ ý có thể giúp đạt được điều này. Sự đoàn kết này sẽ làm họ lên tinh thần và tăng cường khả năng hành động hữu hiệu của họ. 

    Giữ vững tinh thần trong những cuộc đấu tranh bất bạo động hết sức quan trọng. Hình như có bốn phương cách để thực hiện điều này.

A. Duy trì quan hệ tốt và đoàn kết

Những người tham gia cần phải luôn luôn cảm thấy mình là thành phần của một phong trào rộng lớn hơn đang đem lại cho chính bản thân họ sự hỗ trợ và sức mạnh để tiếp tục đối kháng. Họ cần cảm thấy là những người khác vẫn tiếp tục đoàn kết với họ. Điều này có thể được hỗ trợ bằng cách liên lạc với nhau thường xuyên và bằng những biểu hiện của “hợp nhất.” Những biểu hiện này có thể là những mít tinh đại chúng, những cuộc tuần hành, ca hát, diễn hành, hoặc những biểu tượng của nhất trí. Một triết lí chung, nếu có, và những đường giây liên lạc công khai giữa những người hoạt động, những người lãnh đạo và các nhóm ủng hộ cũng đóng góp được vào công việc này. 

B. Động viên để tiếp tục cuộc đấu tranh

Có thể cần phải có những nỗ lực hỗ trợ quyết định tiếp tục cuộc đấu tranh. Những người tham gia cần phải tin tưởng rằng hành động của họ là chính đáng, rằng những mục tiêu tranh thủ được là đáng công, và những phương tiện hành động đã được chọn lựa một cách khôn ngoan. Những người đối kháng có thể lên tinh thần nếu họ hiểu rõ kĩ thuật này và nếu những mục đích và phương tiện của cuộc đấu tranh được gắn liền, hay có thể được gắn liền, với những giá trị mà đại bộ phận quần chúng chấp nhận.

C. Giảm thiểu các lí do để đầu hàng

Bởi vì những người tham gia có thể trở nên nản lòng và mỏi mệt, cho nên cần phải tạo ra những biện pháp ngay từ lúc đầu của cuộc đấu tranh để ngăn chặn hay giảm thiểu tối đa những cảm giác như vậy. Ít nhất những người tham gia nguyên thuỷ nên tiếp tục hỗ trợ cuộc đấu tranh. Những hỗ trợ cụ thể làm lên tinh thần có thể có tác dụng tốt. Giúp vui đặc biệt cũng có thể hữu ích phần nào. Ở nơi nào những người đối kháng bất bạo động và gia đình của họ thiếu lương thực, chỗ ở, tiền bạc, v.v., vì tham gia vào cuộc đấu tranh, thì có thể cần phải có một nỗ lực lớn nhằm cung cấp những thứ này.

    Những khốn khổ phải gánh chịu suốt cuộc đấu tranh bất bạo động đôi khi phải được những người lãnh đạo cắt nghĩa theo những phương cách làm cho những đau khổ đó dễ chịu đựng hơn: “Nhân dân ta chịu đau khổ hằng ngày, và tất cả đều đã bị lãng phí,” một nhà lãnh đạo đối kháng Nam Phi đã nói lên như thế. Thay vì lãng phí đau khổ, ông đã mời gọi người dân chịu đau khổ vì lí tưởng công lí1.

D. Kiềm chế hay chế tài

Những áp lực để tiếp tục hỗ trợ cuộc đấu tranh bất bạo động khác hẳn những trừng phạt vì vô kỉ luật được áp dụng trong chiến tranh, thường là bỏ tù hay xử tử. Đôi khi trong những cuộc đấu tranh bất bạo động, thuyết phục bằng lời nói cũng đủ để tăng cường sự tham gia. Khi thuyết phục không đủ, thì có thể sử dụng những phương pháp khác. Những phương pháp này gồm có những đêm không ngủ, cầu nguyện công cộng, làm hàng rào cản, phạt tiền, đăng tên những người đào ngũ, cắt quyền thành viên, tẩy chay xã hội, tẩy chay kinh tế, tuyệt thực, chen vào giữa một cách bất bạo động. Không nên sử dụng bức hiếp và những hăm doạ làm hại đến thân xác.

    Nếu tinh thần và sự quyết tâm của những người đối kháng vẫn giữ được ở mức cao, thì sự đàn áp của đối phương hẳn đã thất bại. Tuy nhiên, để đạt được điều này, những người đối kháng phải duy trì được kỉ luật bất bạo động của họ.

Ngăn chặn đàn áp

Các khó khăn của đối phương trong việc kiềm chế phong trào một phần là vì những phương tiện đàn áp thường có thể áp dụng được trong việc chống lại đấu tranh bất bạo động giới hạn hơn là những phương tiện được dùng để chống lại đối kháng bằng bạo lực. Những hành động bạo tàn và các đàn áp khắc nghiệt khác khó mà biện minh được trong việc chống lại những người đối kháng bất bạo động và có thể trên thực tế làm suy yếu vị thế của đối phương, như sẽ được thảo luận trong bài tới.

    Mức độ một chế độ cảm thấy có thể bất chấp dư luận thế giới hay dư luận quốc nội dĩ nhiên sẽ biến đổi tuỳ theo những nhân tố như là chế độ hiện hành thuộc loại chế độ nào; như là chế độ có mong đợi một số sự cố có được bảo mật hay không; như là chế độ lệ thuộc vào thế giới bên ngoài đến mức độ nào; và dư luận chống chế độ có biến thành sự hỗ trợ cho nhóm đấu tranh bất bạo động và cho những hành động chống lại đối phương hay không.

Có bằng chứng gợi ý là kỉ luật bất bạo động khi chạm trán với đàn áp có khuynh hướng giới hạn đàn áp trong tương lai rất nhiều và nhất là gây những vấn đề khó khăn cho đối phương.

Những đối phương thích chọn bạo lực hơn

    Đối phương có thể tìm cách giảm bớt những khó khăn đặc biệt trong việc đàn áp một phong trào đối kháng bất bạo động bằng cách vu khống những người đối kháng bất bạo động sử dụng bạo lực hay là quảng bá hoặc thổi phồng bất cứ một vụ bạo động nào xảy ra. Đối phương cũng có thể ngay cả cố khích động bạo lực và bẻ gãy kỉ luật bất bạo động của những người đối kháng. Đối kháng bạo động thường được xem như là “hợp pháp hoá” đàn áp bằng bạo lực. Đối phương có thể khích động bạo lực bằng cách đàn áp gắt gao, hay họ có thể dùng gián điệp hay chuyên viên khích động. Nếu bị phát lộ công khai, những thông tin về các hành động như thế có thể làm sụp đổ sự hỗ trợ thường có và vị thế quyền lực của đối phương một cách thảm hại. Đối kháng bất bạo động có kỉ luật sẽ giúp phát hiện những điệp viên như thế.

Nhu cầu cần có hành vi bất bạo động

Yêu cầu đòi hỏi những người tình nguyện phải duy trì kỉ luật bất bạo động được bắt rễ từ động năng của kĩ thuật đấu tranh bất bạo động. Kỉ luật bất bạo động không phải là một trọng điểm xa lạ do những nhà luân lí hay những người theo chủ nghĩa hoà bình đề bạt. Hành vi bất bạo động là một yêu cầu đòi hỏi cần phải có để công việc điều hành kĩ thuật này được thành công.

    Hành vi bất bạo động có khuynh hướng đóng góp vào việc tranh thủ được nhiều thành tích tích cực khác nhau, bao gồm (1) giành được thiện cảm và hỗ trợ, (2) giảm bớt tổn thất, (3) tạo bất mãn và ngay cả nổi loạn trong quân lính của đối phương, và (4) lôi cuốn tham gia tối đa vào công cuộc đấu tranh bất bạo động.

Bạo động làm suy yếu phong trào bằng cách nào 

    Bạo lực do một số người đối kháng đưa vào sẽ làm suy yếu phong trào đấu tranh bất bạo động bằng cách làm mất sự liên tục của kỉ luật bất bạo động, có thể gây nên một sự chuyển hướng là những người đối kháng sẽ dùng bạo lực. Việc này có thể dẫn đến sự sụp đổ của phong trào. Đối kháng bạo động sẽ chuyển hướng sự chú ý ngay vào chính sự bạo động, xa ra khỏi những vấn đề tranh chấp được nêu ra, xa khỏi sự can đảm của những người đối kháng và xa khỏi bạo lực thường mạnh hơn rất nhiều của đối phương. Việc sử dụng bạo lực bởi những người đối kháng hay bởi các thành viên của nhóm khiếu nại rộng lớn hơn sẽ có khuynh hướng làm sổ lồng một cuộc đàn áp gắt gao không cân xứng và lật ngược bất cứ thiện cảm nào đã được nẩy nở trong hàng ngũ của đối phương đối với những người đối kháng. Thành công trong đấu tranh bất bạo động đòi hỏi chỉ sử dụng “vũ khí” bất bạo động mà thôi.

Phá hoại và đấu tranh bất bạo động

Phá hoại — được định nghĩa cho cuộc thảo luận này là “những hành động phá huỷ hay đập phá tài sản” –Không phù hợp với đấu tranh bất bạo động. Phá hoại

  • Đem lại rủi ro về thương tích hay chết chóc ngoài ý muốn cho những người phục vụ đối phương hay người bàng quang vô tội;
  • Đòi hỏi sự sẵn lòng dùng vũ lực đối với những người khám phá ra những kế hoạch và sẵn sàng hay có thể tiết lộ hoặc ngăn chặn những kế hoạch đó;
  • Đòi hỏi bí mật trong việc lập kế hoạch và thực hiện công tác;
  • Đòi hỏi chỉ một số ít người để thực hiện kế hoạch và do đó giảm thiểu số người đối kháng hữu hiệu2 ;
  • Chứng tỏ thiếu lòng tin vào tiềm năng của đấu tranh bất bạo động, do đó có khả năng làm suy yếu sự kiên định của những người đối kháng trong việc sử dụng kĩ thuật này;
  • Là một hành động về thân xác và vật thể, chứ không phải là một hành động về con người và xã hội, chỉ dấu một chuyển đổi quan điểm cơ bản về phương cách làm thế nào để tiến hành cuộc đấu tranh;
  • Cố đánh ngã đối phương bằng cách phá huỷ tài sản của họ, chứ không phải bằng cách dân chúng rút lui sự thoả thuận, do đó có khả năng làm suy yếu một phương thức căn bản của đấu tranh bất bạo động;
  • Tạo ra một khung cảnh mà hậu quả về thương tích thể xác hoặc chết chóc thường đưa đến sự mất thiện cảm và hỗ trợ tương đối cho nhóm đấu tranh bất bạo động và phong trào của những người đối kháng nói chung; và
  • Thường đem lại kết quả đàn áp hết sức bất cân xứng. Sự đàn áp này, được khích động bởi phá hoại, thường sẽ không làm suy yếu vị thế quyền lực tương đối của đối phương và cũng không đem lại sự hỗ trợ cho những người đối kháng.

Những cách rơi vào bạo động khác

Một trong những cách mà cuộc đấu tranh bất bạo động có thể bị rơi vào bạo động là khi những người đối kháng chuẩn bị sử dụng bạo lực cho một hoàn cảnh có thể xảy ra trong tương lai. Những chuẩn bị như thế tạo nên một cám dỗ mãnh liệt cho những người đối kháng hoặc cho những thành viên của nhóm khiếu nại sử dụng bạo lực, nhất là trong một cơn khủng hoảng khi mà bạo lực có giới hạn đối với đối phương đã có xảy ra rồi.

Sự cần thiết của kỉ luật

Kỉ luật là thiết yếu, nhất là khi có nguy cơ bạo động bùng nổ và khi những người tham gia thiếu kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về kĩ thuật bất bạo động.

    Trong kỉ luật này, những người đối kháng phải tuân theo một số tiêu chuẩn tối thiểu cho hành động, tuỳ theo từng hoàn cảnh. Không có kỉ luật sẽ cản trở hoặc chặn đứng việc sử dụng hữu hiệu kĩ thuật này.

    Tiếp tục tham gia cuộc đấu tranh và từ chối khuất phục vì sợ hãi là những mục đích hết sức thiết yếu của kỉ luật, tiếp theo ngay đó là phải nhất quán trong hành vi bất bạo động. Kỉ luật còn bao gồm tuân theo các kế hoạch và chỉ thị. Kỉ luật sẽ giúp người ta trong việc đối diện với đàn áp gắt gao và sẽ giảm thiểu tối đa tác dụng của đàn áp. Kỉ luật cũng phát huy sự kính trọng của những thành phần thứ ba, của dân chúng nói chung, và ngay cả của đối phương đối với phong trào.

Cổ vũ kỉ luật bất bạo động

Đấu tranh bất bạo động hầu như luôn luôn xảy ra trong một hoàn cảnh xung khắc và căng thẳng. Tuy nhiên, vẫn có thể ngăn chặn bạo động và duy trì kỉ luật. Sự căng thẳng và gây gổ có thể được giải toả bằng những phương cách có kỉ luật và bất bạo động.

     Trong một vài trường hợp, những người tham gia đấu tranh bất bạo động, vì trực giác, hay vì cùng nhau đồng ý, có thể tuân theo kỉ luật bất bạo động mà không cần những nỗ lực chính thức cổ vũ kỉ luật này. Tuy nhiên trong những hoàn cảnh nguy hiểm hoặc mạo hiểm, thì cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để xúc tiến kỉ luật bất bạo động. Nếu phải đối đầu trực tiếp với một cuộc tấn công vũ lực, thì đòi hỏi phải vừa có kỉ luật vừa có hành vi bất bạo động. Các phương tiện khuyến khích kỉ luật sẽ chỉ hữu hiệu nếu các phương tiện này tăng cường được ý chí hay lương tâm của những cá nhân đối kháng. Những hướng dẫn, những lời kêu gọi, và thệ nguyện, cũng như các truyền đơn về kỉ luật, các trật tự viên, và các phương tiện khác, có thể được sử dụng để khuyến khích kỉ luật.

    Trong những hoàn cảnh bạo động, những người lãnh đạo phong trào đối kháng đôi khi đã phải hoãn lại hoặc bãi bỏ chiến dịch bất bạo động; lúc khác thì lại phải tung ra đấu tranh bất bạo động mãnh liệt hơn để cung cấp những phương thức bất bạo động biểu lộ sự thù nghịch và bực bội. Đối diện với một cuộc tấn công thù nghịch, thì đòi hỏi cần phải có kỉ luật mạnh để ngăn ngừa một phản ứng bạo động hay một sự thất bại trong hỗn loạn. Nếu những người lãnh đạo không muốn có xung đột thể xác, thì tốt hơn là nên dời nhóm bất bạo động đi nơi khác, giải tán, hay là chuyển qua những phương pháp hành động đơn giản hơn, ít khiêu khích hơn. Đôi khi, một vài hình thái của hành động bất bạo động, như là một cuộc biểu tình hoàn toàn công khai chẳng hạn có thể là một cơ hội để trút bỏ bực bội nhưng lại tránh được bạo động.

    Tinh thần cao quan trọng cho việc đạt được và bảo toàn kỉ luật bất bạo động. Tinh thần của những người đối kháng thường sẽ lên cao nếu họ cảm thấy là một nguồn sức mạnh nào đó mà đối phương không có đang hỗ trợ họ. Những nguồn sức mạnh có thể có này bao gồm kĩ thuật hành động đã lựa chọn, lẽ công chính của lí tưởng đấu tranh, lí tất thắng, hay là sự hỗ trợ của những bạn bè có quyền lực. Nhưng thường vẫn cần có thêm những phương tiện khác để bảo đảm có được kỉ luật  bất bạo động. Những người đối kháng và đại thể nhóm khiếu nại cần phải hiểu tại sao chiến dịch cần phải được giữ tuyệt đối bất bạo động.

     Lãnh đạo khôn ngoan và những chiến lược, chiến thuật, và những phương pháp cụ thể được chọn lựa kĩ lưỡng, được ứng dụng qua những kế hoạch được thiết lập một cách thông minh, sẽ đóng góp rất nhiều vào công việc đạt được và duy trì kỉ luật bất bạo động. Một yếu tố đóng góp khác là việc huấn luyện cả những người tham gia nói chung lẫn các nhân viên đặc biệt. Điều này đôi khi đã được thực hiện qua các nhóm học tập, học hội, hội thảo, đóng các vai trong một kịch bản xã hội (sociodramas) để tìm hiểu các vấn đề và những phương tiện khác. Các bài thuyết trình, những thông điệp, và những lời kêu gọi tại chỗ thường cũng được sử dụng để ngăn cản bạo động và cổ vũ kỉ luật.

    Tổ chức và thông tin hữu hiệu trong nhóm bất bạo động cũng sẽ đóng góp vào kỉ luật bất bạo động. Các đường giây chỉ huy và thông tin rõ ràng có thể đưa ra những huấn thị chung lẫn những huấn thị đặc biệt về hành vi. Ví dụ, “các Trật Tự Viên” có thể được sử dụng để giúp giữ cho cuộc biểu tình khỏi bạo động và có kỉ luật. Những lời thề giữ kỉ luật bất bạo động cũng đã từng được sử dụng.

     Dù những người lãnh đạo có sẽ bị bắt hay không, thì những người khác có khả năng nhận lãnh vai trò lãnh đạo và duy trì kỉ luật cần phải được tuyển chọn trước. Nếu những người lãnh đạo nổi tiếng bị bắt, thì lối giàn xếp này có thể đưa đến sự phân phối rộng rãi về lãnh đạo. Trong những trường hợp những lực lượng của cuộc đấu tranh bất bạo động cực kỳ lớn nhằm giành độc lập hay triệt hạ một nền độc tài, thì các hoạt động và các tổ chức đối kháng có thể phát triển lớn mạnh đến độ mang những dấu ấn của một chính quyền song hành. Điều này sẽ giúp duy trì kỉ luật bất bạo động. Nếu bạo động có chiều hướng có thể xảy ra, thì có thể cần phải có can thiệp bất bạo động năng động để ngăn chặn bạo động.

Tính vô hiệu năng của đàn áp

Nếu những người đối kháng không sợ hãi, có kỉ luật, và kiên quyết, thì nỗ lực của đối phương nhằm ép họ phải chịu khuất phục sẽ có chiều hướng bị đánh bại.

    Việc bắt bớ những nhà lãnh đạo và cấm các tổ chức của họ không đủ để dứt điểm phong trào đối kháng và chỉ có thể bóp nghẹt được phong trào khi phong trào yếu và khi người ta sợ hãi mà thôi. Đàn áp như thế sẽ có khuynh hướng thất bại trong việc đập nát một phong trào có những điều kiện như sau:

  • Đã từng thực hiện một chương trình giáo dục cấp tốc, đầy đủ và phổ quát về đấu tranh bất bạo động.
  • Có nhiều kinh nhiệm sử dụng kĩ thuật này.
  • Đã có lớp huấn luyện cao cấp và đã phân phát rộng rãi một tập sách chỉ dẫn làm thế nào để đối kháng bất bạo động.
  • Nhiều lớp lãnh đạo kế tiếp nhau đã được chọn sẵn trước.
  • Những người lãnh đạo đầu tiên làm gương về hành động không sợ hãi, thách thức bắt bớ và những hình thức đàn áp khác.

Kết quả của những chuẩn bị cao cấp như thế có thể là sự phân tán lãnh đạo, gia tăng tự tin ở những người kháng chiến, và tuân phục kỉ luật bất bạo động.

    Ngay cả những biện pháp đàn áp cũng có thể trở thành những điểm đối kháng, không cần phải tăng thêm những yêu sách nguyên thuỷ của nhóm đối kháng. Có nhiều biện pháp đàn áp có thể được sử dụng như là những điểm mới cho việc thực tập bất tuân dân sự hay bất hợp tác chính trị để tiếp tục công cuộc đấu tranh tranh thủ các mục đích nguyên thuỷ của nhóm.

    Trong hoàn cảnh này, ngay cả việc gia tăng đàn áp cũng có thể thất bại, và ngược lại có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn của đối phương và xói mòn thêm quyền lực của chính họ. Nếu những phương pháp bất hợp tác được sử dụng thích hợp cho cuộc đấu tranh, và được áp dụng một cách phổ quát, mạnh mẽ, và kiên quyết, thì sự kiểm soát của đối phương đối với hoàn cảnh – và ngay cả khả năng duy trì vị thế của họ — có thể bị làm suy yếu đi một cách trầm trọng. Thay vì đàn áp giúp đối phương phục hồi kiểm soát thì ngược lại đàn áp có thể ngay cả khích động thêm lực của nhu thuật chính trị chống lại chính đối phương.

____________________________________

 

CƯỚC CHÚ

1 Leo Kuper, Đối Kháng Thụ Động tại Nam Phi [Passive Resistance in South Africa]. New Haven, Connecticut: Yale University Press, 1957,  tt. 112-113. 

2 Một vài phương pháp can thiệp bất bạo động cũng đòi hỏi chỉ vài người để áp dụng những phương pháp đó. Tuy nhiên, việc sử dụng những phương pháp này xảy ra nhiều nhất trong bối cảnh của một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn trong đó nhiều người đối kháng bất bạo động khác đang áp dụng những phương pháp bất hợp tác và phản đối. Tuy nhiên, những hành động phá hoại thường không được dùng chung với đối kháng của đại bộ phận quần chúng, và có thể làm giảm đi sự đối kháng này vì đặt lòng tin vào những hành động phá huỷ và đập phá. Sự chuyển đổi lòng tin này có thể dẫn đến một  sự gia tăng có chủ ý về những hành động như thế. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ chuyển đổi rộng lớn về việc sử dụng một loại đấu tranh bạo lực nào đó.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.