Thách Thc Đưa Đến Đàn Áp
(Bài 036)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

  

Thời Gian Sấm Sét

Thời gian hành động cũng là thời gian tự lực và liên tục gia tăng sức mạnh nội bộ. Những người đối kháng cần phải lo tự tổ chức, hành động, và động viên những người khác. Đấu tranh bất bạo động thường động viên sức mạnh từ đám dân chúng có liên hệ đến khiếu nại và thường đem lại cho họ khả năng kiểm soát được đời sống của họ và xã hội. Đấu tranh giúp họ tranh thủ được niềm tin và gia tăng sức mạnh của họ. “Hãy tin tưởng vào chính các bạn” rất có thể là tiếng thét của những người đối kháng. Khuất phục và thụ động cần phải được gạt bỏ đi nếu muốn đấu tranh bất bạo động được hữu hiệu.

    Muốn gia tăng hiệu lực của cuộc đấu tranh sắp tới đến mức tối đa thì cần phải chọn một chiến lược hay, thích hợp với những nhu cầu đặc biệt của cuộc xung đột. Chiến lược được lựa chọn cho cuộc đấu tranh, và những phương pháp cụ thể được chọn để sử dụng trong cuộc xung đột, sẽ khác nhau rất nhiều từ xung đột này đến xung đột khác. Tiến trình thiết kế chiến lược sẽ được thảo luận ở Phần Bốn.

    Khi tung ra cuộc đấu tranh bất bạo động, thì những xung khắc căn bản — thường là tiềm tàng — giữa đối phương và nhóm khiếu nại sẽ được mang ra ánh sáng. Qua sự “căng thẳng và xung khắc sáng tạo”1 tiếp theo sau đó, người ta có thể đưa ra bàn cãi những vấn đề trong những xung khắc ngấm ngầm đó và tạo được những thay đổi có thể được cần đến để giải quyết những xung khắc này.

Những người ủng hộ đấu tranh bất bạo động đồng ý với Frederick Douglass, đối thủ hùng biện của thế kỉ thứ 19, người Mỹ gốc Phi châu, chống nô lệ:

Những người từng tuyên bố là yêu tự do, mà phản đối khuấy động, là những người muốn có gặt hái mà không cần cày đất. Họ muốn có mưa mà không muốn sấm sét. Họ muốn biển cả mà không muốn tiếng gầm thét ghê rợn của sóng nước. Cuộc đấu tranh có thể là một cuộc đấu tranh tinh thần; hay cũng có thể là một cuộc đấu tranh thể xác; cũng có thể là vừa tinh thần vừa thể xác. Nhưng nó phải là một cuộc đấu tranh. Quyền lực không nhượng bộ bất cứ gì nếu ta không đòi hỏi. Quyền lực đã không bao giờ làm như vậy và sẽ không bao giờ làm như vậy2.

Cuộc đấu tranh sẽ đem lại những thay đổi cho nhóm đấu tranh – là quần chúng mà các khiếu nại là những vấn đề tranh chấp được nêu lên trong cuộc xung đột. Một số thay đổi có tính tâm lí – như phá vỡ sự tuân thủ các chuẩn mực, đánh tan tuyệt vọng, tính ù lì, sự bất lực, và tính thụ động; gia tăng tự trọng, tự tin, và ý thức về sức mạnh của chính mình. Những thay đổi khác sẽ mang tính xã hội và chính trị một cách trực tiếp hơn: học hỏi được làm thế nào cùng hành động với nhau để tranh thủ các mục tiêu.

    Rút lui sự thoả thuận, sự hợp tác, và sự khuất phục sẽ thách thức hệ thống bởi vì những hành động này có thể làm suy giảm việc cung cấp các nguồn sức mạnh cho đối phương. Sự rút lui này gây suy giảm trầm trọng như thế nào sẽ biến đổi tuỳ theo phẩm chất của hành động, theo số lượng người đối kháng, và theo sự kiên trì của họ khi đối diện với đàn áp. Khung cảnh xã hội và chính trị cũng quan trọng. Khung cảnh này bao gồm mức độ bất tuân thủ mà hệ thống có thể chịu đựng nổi, những thái độ đối với chế độ, và các viễn tượng đối kháng lan rộng ra nhiều nơi.

     Kết quả sau cùng của sự thách thức này sẽ được xác định bởi thế quân bình giữa sự trầm trọng của việc thách thức và mức độ môi trường xã hội và chính trị ủng hộ mỗi phe. Những cố gắng của đối phương rõ ràng là quan trọng, nhưng tự chúng, không có tính quyết định. Lấy ví dụ đàn áp chẳng hạn. Muốn được hữu hiệu, đàn áp phải đưa đến khuất phục. Nhưng nó chỉ đem lại được khuất phục nếu những người đối kháng trở nên sợ hãi và chọn khuất phục. Đôi khi đàn áp có thể làm gia tăng chống đối, như sẽ được thảo luận trong bài tới.

Chuyển đổi quyền lực theo sau sự phân cực tiên khởi

Tung ra đấu tranh bất bạo động hầu như luôn luôn làm sáng tỏ cuộc xung đột. Đấu tranh bất bạo động có khuynh hướng làm cho các nhóm tranh chấp được định nghĩa một cách sắc bén và thúc đẩy những người không quan tâm trước kia bây giờ chọn phe này hoặc phe kia. Những người và nhóm người lúc ban đầu nghiêng về phía đối phương sẽ có khuynh hướng xích lại gần vị trí của đối phương hơn và hỗ trợ đối phương hơn. Ngược lại, những người lúc ban đầu nghiêng về phía nhóm bất bạo động sẽ có khuynh hướng xích lại gần nhóm này hơn. Từ lúc bắt đầu của mọi hình thức xung đột thì hình như đã có tình trạng thiếu ổn định và thiếu chắc chắn về sức mạnh của các phe tranh chấp rồi.

    Giai đoạn phân cực đối lập tiên khởi có thể thay đổi về độ dài thời gian. Trong giai đoạn này những người đối kháng cần phải cẩn trọng trong cách hành sử của mình, vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc họ hay đối phương sẽ nhận lãnh được bao nhiêu hỗ trợ. Lúc đầu thì nhóm khiếu nại có thể ở trong tư thế tệ hơn trước đó vì phải đương đầu với đàn áp cộng thêm vào với vấn đề tranh chấp nguyên thuỷ.

    Nếu lo liệu đúng cách thì đây có thể chỉ là một tình trạng tạm thời. Những chiến dịch bất bạo động thành công thường đem lại sự đoàn kết được tăng cường mạnh mẽ nơi những người đối kháng, đem lại một sự lớn mạnh về sự hỗ trợ rộng lớn hơn đối với nhu cầu thoả mãn các khiếu nại, và làm suy yếu, và ngay cả tan rã sự hỗ trợ đối với đối phương. Những người đối kháng bất bạo động nên nỗ lực liên tục tăng sức mạnh của mình (về số lượng cũng như về các lãnh vực khác), không những chỉ trong số những người hỗ trợ mình và thành phần thứ ba, mà ngay cả trong hàng ngũ của đối phương nữa.

    Trong thời gian chiến dịch, sức mạnh tương ứng của hai nhóm tranh chấp do đó chịu sự thay đổi liên tục, một cách tuyệt đối cũng như tương đối. Những thay đổi như thế có thể lớn lao và bất chợt.

Tình huống linh động và biến đổi này có nghĩa là những hành động đặc biệt nào đó trong đấu tranh bất bạo động có thể tạo nên những tác dụng rộng lớn và quan trọng đối với sức mạnh của mỗi bên. Do đó mỗi một hành động đối kháng đề nghị nào đó, ngay cả một hành động có giới hạn, cũng cần phải được chọn lựa và đánh giá dựa trên những ảnh hưởng tiềm năng rộng lớn của hành động này đối với toàn bộ cuộc đấu tranh. Hành vi của những người đối kháng bất bạo động có thể không những chỉ ảnh hưởng đến sức mạnh của chính họ, mà còn ảnh hưởng đến sức mạnh của đối phương nữa. Hành vi của nhóm bất bạo động sẽ còn giúp những thành phần thứ ba quyết định xem nên hỗ trợ bên nào trong cuộc xung đột.

     Những “thành công” ngắn hạn mà cái giá phải trả là sự suy yếu của phong trào đối kháng nói chung và làm tăng sức mạnh đối phương là một điều hết sức không khôn ngoan. Mặt khác, những tiến bộ về sức mạnh tương đối của những người đối kháng sau sự phân cực đối lập tiên khởi sẽ hết sức quan trọng trong việc xác định đường hướng đấu tranh sau này và kết quả sau cùng của cuộc đấu tranh.

Khó khăn tiên khởi của đối phương

Khó khăn đầu tiên của đối phương xuất hiện là vì hành động bất bạo động đang gây rối loạn cho hiện trạng theo những phương cách đòi hỏi đối phương phải phản ứng lại sự thách thức. Loại, mức độ, và sự trầm trọng của việc gây rối loạn này sẽ biến đổi. Sự chịu đựng và những phản ứng (về tâm lí cũng như về những biện pháp phản công) của đối phương sẽ khác nhau rất nhiều và sẽ thay đổi trong tiến trình của cuộc xung đột. Mức độ bất đồng ý kiến mà đối phương có thể chịu đựng nổi bị ảnh hưởng bởi mức độ dân chủ hay không dân chủ của xã hội. Có thể là sức chịu đựng sẽ cao hơn trong một xã hội dân chủ và thấp hơn trong một xã hội không dân chủ, mặc dù điều này không phải luôn luôn đúng. Hành động bất bạo động còn có khuynh hướng tạo ra và làm cho trầm trọng thêm những xung đột trong hàng ngũ đối phương về vấn đề nên chọn biện pháp phản công nào để đối đầu với thách thức bất bạo động.

    Những người đối kháng bất bạo động cần phải ngăn chặn và sửa sai những ngộ nhận về những ý hướng và sinh hoạt của mình. Những ngộ nhận như thế có thể là nguyên nhân của những phản ứng từ đối phương có hại cho cả hai  bên.

    Đôi lúc, khi chạm trán với đấu tranh bất bạo động, đối phương và những giới chức của họ có thể trở nên rối trí, nhất là khi họ bị bất ngờ, hay không quen thuộc với hành động bất bạo động. Sự rối trí cũng còn có thể xảy ra khi sự chống đối xâm phạm đến quan điểm của đối phương về thế giới. Quan điểm này có thể đặt nền tảng trên cơ sở của những giả định được chấp nhận về thực tế chính trị hay về một ý thức hệ hay lí thuyết được công nhận. Ví dụ, đối phương có thể đã từng tin là Nhà Nước và bạo lực là những lực lượng hùng mạnh nhất. Có thể có những căn nguyên khác gây rối trí cho đối phương, bao gồm lạc quan quá độ và một nhận định thuận lợi về chính bản thân. Sự rối trí của đối phương không khẩn thiết có lợi cho nhóm bất bạo động và cho những mục tiêu của nhóm này.

    Thường thường, đối phương có thể phản ứng lại thách thức bất bạo động theo cảm xúc, xem sự thách thức đó là một thách đố, một điều sỉ nhục, một hành vi hỗn xược, và là một sự chối bỏ uy quyền và vị thế của họ. Đối phương có thể xem những khía cạnh này của sự thách thức còn quan trọng hơn là những vấn đề tranh chấp thực thụ đang được nêu lên. Do đó đối phương có thể cố tranh thủ cho kì được sự công nhận uy quyền và vị thế của họ bằng lời nói, hoặc đòi hỏi bãi bỏ chiến dịch bất bạo động, hay là cả hai, trước khi đồng ý có những cuộc thương thảo mới.

    Trong những trường hợp khác, đối phương có thể ít lưu tâm đến những thách đố về phẩm giá và uy quyền của họ và lưu tâm nhiều hơn đến những vấn đề tranh chấp cấp thiết trước mặt. Thừa nhận sức mạnh của đấu tranh bất bạo động đôi khi sẽ dẫn đưa đối phương đến việc chấp thuận một số nhượng bộ có giới hạn hầu mong chấm dứt sự thách thức. Những lúc khác đối phương sẽ có những nhượng bộ lớn lao nhưng chỉ sau một thời hạn đấu tranh thật lâu dài. Đối phương chỉ làm như vậy sau khi đã kinh nghiệm và thừa nhận sức mạnh đích thực của phong trào mà thôi.

    Thỉnh thoảng đối phương có thể tin thật là các nhượng bộ, thoả hiệp, hay đầu hàng về phía họ là một vi phạm không thể quan niệm được về sứ mạng và bổn phận của họ. Ngay cả việc đối phương lo sợ là nhượng bộ về những vấn đề cụ thể có giới hạn sau này sẽ đưa đến đầu hàng toàn diện cũng đã trở nên quan trọng. Điều này làm cho việc đạt mục đích của những người đối kháng càng khó khăn hơn.

    Đối phương có thể thử dùng những ảnh hưởng tâm lí, thay vì đàn áp, để khuyến dụ những người đối kháng bất bạo động chịu khuất phục trở lại và rút lui khỏi cuộc đấu tranh. Đối phương có thể gửi những thông điệp như “… không những các bạn không thể thắng được mà các bạn đã đang mất dần sức mạnh rồi đó.” Các tin đồn sai lạc cũng có thể được tung ra về phong trào, về các dự định, và về lãnh đạo của phong trào. Có thể có những nỗ lực cách li các nhóm đang hỗ trợ phong trào, hay làm cho những người lãnh đạo đối kháng chống lẫn nhau. Hay đối phương có thể phản công vào chính các vấn đề tranh chấp, bằng cách biện minh cho các chính sách hiện hành và chứng minh là không có lí do chính đáng cho những yêu sách do nhóm đấu tranh bất bạo động nêu lên. Các nỗ lực như thế là để nhằm làm suy giảm sự hỗ trợ mà nhóm bất bạo động có thể huy động và nắm giữ được.

Đàn áp

Khi đối phương là Nhà Nước, hay có sự ủng hộ của Nhà Nước, thì các trừng phạt thường là đàn áp bằng cách sử dụng các lực lượng cảnh sát, hệ thống nhà tù, và quân đội.

    Đối kháng bất bạo động thường gặp phải đàn áp khi mà đối phương không muốn hay không thể chấp thuận các yêu sách của những người đối kháng. Đàn áp không phải là dấu hiệu những người đối kháng yếu hay là sẽ bị đánh bại. Đàn áp là sự xác nhận bởi đối phương về tính trầm trọng của sự thách thức do phong trào đối kháng đưa ra.

    Đôi khi sự ác liệt của đàn áp sẽ tỉ lệ với sự trầm trọng của thách thức bất bạo động, nhưng điều này không phải là một mẫu mực chuẩn định.

    Nhu cầu của đối phương muốn chấm dứt thách thức có thể trong một vài trường hợp phần lớn có tính biểu tượng. Nhưng trong những tình huống khác khi đấu tranh bất bạo động lan rộng và bành trướng, thì những áp lực lên đối phương bắt họ phải chận đứng đối kháng sẽ rất mạnh, nhất là đối kháng trong một hệ thống không chấp nhận được những bất đồng quan trọng.

    Tác dụng của việc khởi động đấu tranh bất bạo động đối với đối phương sẽ một phần rất lớn tuỳ thuộc vào chiến lược của những người đối kháng và vào những phương pháp cụ thể được tung ra. Nhân tố chính yếu khác là tài năng và tầm mức ứng dụng chiến lược và những phương pháp đó. Nếu chiến lược có phẩm chất kém, hay ngay cả không có chiến lược, nếu những phương pháp yếu kém được chọn lựa, hay là chỉ một số ít những người đối kháng xung phong áp dụng những phương pháp hay hơn, trong lúc cần phải có nhiều người đối kháng tham gia, hay có nhiều người tham gia hành động nhưng tham gia một cách vô kỉ luật hay thiếu khả năng, thì cuộc đấu tranh sẽ yếu và đem lại rất ít thách thức cho đối phương.

    Ví dụ, một cuộc tẩy chay kinh tế mà chỉ có 10 phần trăm dân số hỗ trợ, một cuộc đình công mà chỉ có một thiểu số rất nhỏ công nhân tham gia, hay là một chiến dịch bất hợp tác chính trị chỉ được hậu thuẫn bởi những hành động của một nhóm nhỏ nặng về chủ thuyết thì sẽ không đe doạ gì được các chính sách và sự kiểm soát của đối phương. Do đó xác suất bị đàn áp tàn bạo và ồ ạt sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, đàn áp khắc nghiệt vẫn có thể xảy ra vì đối phương có thể muốn gieo rắc sợ hãi về những đàn áp trong tương lai.

     Ngược lại, nếu một cuộc tẩy chay kinh tế được 90 phần trăm dân chúng hậu thuẫn, hay là một cuộc đình công lao động có được 98 phần trăm công nhân thiết yếu lãn công, thì cuộc đấu tranh sẽ mạnh. Cũng như vậy, trong một cuộc đấu tranh thách thức chính trị mà hầu hết đại bộ phận quần chúng không tuân phục lệnh của chế độ và nhiều công chức, cảnh sát, và ngay cả quân đội khước từ tuân lệnh, thì cuộc đấu tranh sẽ là một đe doạ hết sức lớn đối với đối phương. Đàn áp tàn bạo được tin chắc là sẽ xảy ra trong những trường hợp như thế.

    Đàn áp nhằm mục đích chấm dứt phản đối, bất hợp tác, và thách thức. Chính sức mạnh của đấu tranh bất bạo động được áp dụng một cách tài tình đã kích khởi đàn áp từ những quyền lực hiện hữu đang cố gắng duy trì các chức vụ và sự kiểm soát của họ và đang cố ngăn chặn không cho nhóm đấu tranh bất bạo động đạt những mục tiêu của mình.

Các loại đàn áp

Những người đối kháng đã từng quen thuộc với kĩ thuật này sẽ không ngạc nhiên về những đàn áp do đối phương áp dụng. Tự do không phải là cho không. Có một cái giá cần phải trả.

    Cần phải công nhận một cách rõ ràng là đàn áp tàn bạo có thể được áp dụng đối với những người đối kháng bất bạo động. Tuy nhiên, cũng còn phải công nhận là đàn áp tàn bạo gấp bội đã từng được giáng xuống các phong trào đối kháng bạo động, đem lại những tổn thất và tàn phá lớn lao hơn nhiều. Điều này không phải là vì đối kháng bạo động là một đe doạ lớn hơn cho đối phương mà vì đàn áp tàn bạo chống lại đối kháng bạo động gây ra ít phản ứng tiêu cực hơn là đàn áp tàn bạo chống lại những người đối kháng bất bạo động có kỉ luật. Ngay cả sự khuất phục thụ động cũng không bảo đảm được an toàn trong những nền độc tài toàn trị và quá khích khác. Các nền độc tài này nhằm gieo rắc sợ hãi bằng cảnh giác qua sự đàn áp tàn ác dù sự đàn áp này nhắm đến những người đối kháng hay những người không hề làm gì cả. Sự sợ hãi này nhằm mục đích thúc đẩy sự khuất phục bất khả kháng.

    Một khi đối phương đã quyết định sử dụng đàn áp, thì cần phải đặt những câu hỏi sau đây:

  • Đối phương sẽ dùng những phương tiện đàn áp nào?
  • Đàn áp có giúp đối phương đạt được những mục tiêu của họ hay không?
  • Phản ứng của nhóm bất bạo động và của những người khác đối với đàn áp là gì?

     Một vài biện pháp khắc nghiệt mà đối phương có thể sử dụng sẽ là những biện pháp chính thức. Trong những trường hợp khác, đàn áp có thể được khuyến khích một cách không chính thức, bằng cách tạo ra những lực lượng bán quân sự phi pháp, những toán ám sát, chẳng hạn. Đôi khi có những đe doạ. Lúc khác thì sự đàn áp đơn giản chỉ trực tiếp giáng xuống những người đối kháng mà không có báo trước. Một vài đàn áp sử dụng cảnh sát hay quân sự. Những phản ứng khác chống lại thách thức bất bạo động có thể bao gồm những phương tiện kiềm chế và mánh khoé gián tiếp hơn – và thỉnh thoảng bao gồm ngay cả những cấm đoán chống bất bạo động.

    Những cấm chỉ, hay là trừng phạt, mà những người đối kháng bất bạo động có thể chờ đợi có thể biến đổi về hình dạng, mức độ, và mục tiêu. Những trừng phạt này là:

  • Kiểm soát các liên lạc và thông tin, như bằng kiểm duyệt, phúc trình sai lạc, hoặc gián đoạn giao liên.
  • Những áp lực tâm lí, như bằng cách sỉ nhục, khai trừ, khuyến khích bỏ hàng ngũ, đe doạ, trả thù gia đình những người đối kháng. 
  • Tịch thu, bao gồm tịch thu tài sản, tiền bạc, giấy tờ, tài liệu, thư từ, văn phòng, và dụng cụ máy móc. 
  • Những hình phạt kinh tế, phạt tiền, tẩy chay kinh tế, đuổi việc, vào sổ đen, cắt điện nước, và những biện pháp tương tự.
  • Những luật và lệnh cấm đoán một số hoạt động và tổ chức, những cấm chỉ về những mít tinh và tụ họp công cộng, giới nghiêm, trát toà, và những biện pháp tương tự.
  • Bắt bớ và tù tội, vì những buộc tội không ra gì cũng như những buộc tội trầm trọng, gây phiền phức về pháp lí hay nguỵ tạo tội trạng, bắt những người thương thuyết, các phái đoàn, hay những người lãnh đạo, hoặc thay đổi án tù.
  • Những câu thúc đặc biệt, bao gồm những luật và nghị định mới, ngưng quyền được xét xử trước toà (habeas corpus) và những quyền khác, tuyên bố thiết quân luật hay các tình trạng khẩn trương, hoặc huy động các lực lượng quân sự và cảnh sát đặc biệt, các truy tố trước toà án cũng có thể được thực hiện đối với những buộc tội nặng nề hơn như là âm mưu, khích động, phản loạn, hay là phản bội. Những người đối kháng có thể bị động viên vào quân đội hay bị đưa ra toà án quân sự. Trục xuất tập thể có thể bị áp đặt, trong lúc cá nhân có thể bị đi đày, giam giữ mà không được xử án, hoặc đưa vào các trại tập trung.
  • Bạo lực trực tiếp lên thể xác, luôn biến đổi về hình dạng, mức trầm trọng, được chuẩn bị trước hoặc bất ngờ. Bạo lực này có khuynh hướng tăng trưởng nếu phong trào đấu tranh bất bạo động mạnh lên hay là sự đàn áp trước đó không đem lại khuất phục. Những biện pháp phản công khác mà đối phương có thể sử dụng là “những vụ biến mất”, ám sát, những vụ hành quyết chính thức, hay những vụ tàn sát. 

Vô hiệu hoá đàn áp 

           Khi đối diện với bạo lực trực tiếp lên thân xác, thì chìa khoá dẫn đến thành công cho những người đối kháng tuỳ thuộc vào việc họ không chịu khuất phục và duy trì kỉ luật.

               Một cách tổng quát thì những phương tiện đàn áp của đối phương thường thích hợp để chống lại đối lực bạo động hơn là để chống lại đấu tranh bất bạo động. Khi chống lại những người đối kháng bất bạo động không bị hăm doạ bởi sự sợ hãi đàn áp, thì sự đàn áp có khuynh hướng mất đi sức mạnh đem lại khuất phục. Khi người ta không còn sợ tù tội, thì tù tội đã mất đi hiệu quả trong việc ngăn ngừa hành động. Những người đối kháng do đó có thể công khai thách đố luật pháp và sẵn sàng đi tù, và ngay cả có thể thách thức đối phương làm những điều tồi tệ nhất. Nếu con số những người thách thức trở nên lớn đủ, thì việc thi hành công lực hữu hiệu sẽ không thể thực hiện được và đàn áp trở thành vô hiệu lực. Mức độ tham gia nhiều đến bao nhiêu mới đủ sẽ biến đổi rất nhiều tuỳ theo từng hoàn cảnh.

Kiên trì 

Đối diện với đàn áp, những người đối kháng chỉ có được một phản ứng duy nhất có thể chấp nhận được mà thôi: đó là phải thắng, họ phải kiên quyết trong những hành động của mình và không chịu khuất phục hoặc thối lui. Nếu những người đối kháng, bằng cách nào đó, cho thấy là đàn áp đã làm suy yếu phong trào, thì như vậy là họ đã ra dấu cho đối phương biết là đàn áp mạnh hơn sẽ đem lại sự khuất phục.

    Không sợ hãi, hay cố tình kiềm chế sợ hãi, đặc biệt quan trọng ở giai đoạn đấu tranh này. Cứng rắn trước sự đàn áp sẽ làm cho việc bất hợp tác tập thể để đem lại những hiệu quả có tính cưỡng ép có thể thực hiện được. Hơn nữa, sự kiên quyết có thể đem lại thiện cảm đối với những người đối kháng bất bạo động đang thách thức đối phương. Lãnh đạo của đấu tranh bất bạo động phải can đảm, và phải được nhìn thấy là can đảm và không quỵ luỵ trước đàn áp và trước những  hăm doạ trừng phạt trong tương lai.

    Đôi khi, có những phương pháp đấu tranh bất bạo động cụ thể tự bản chất sẽ vừa gây khó khăn hơn cho đối phương trong việc giải quyết bằng đàn áp vừa có khuynh hướng ít kích động những bạo tàn quá khích. Ví dụ, tốt hơn là đừng diễn hành đi xuống một đường phố đối diện với hoả lực của súng ống có thể xảy ra, nhưng thay vào đó, mọi người có thể ở nhà 24 tiếng đồng hồ và do đó làm tê liệt thành phố.

    Tuy nhiên, không được có một sự thay đổi nào về chiến thuật và phương pháp nhằm sửa đổi hành động bất bạo động căn bản chống lại đàn áp: đó là lòng dũng cảm, sự không ngưng nghỉ, và đấu tranh có kỉ luật.

Đối diện với đàn áp 

Đối diện với đàn áp bằng sự kiên quyết và can đảm có nghĩa là những người đối kháng bất bạo động phải được chuẩn bị để chịu đựng các trừng phạt của đối phương mà không suy suyển.

    Không phải mọi đau khổ đều như nhau, và cũng không gây ra cùng những hiệu quả như nhau. Kết quả đau khổ của những người đối kháng can đảm có chiều hướng khác hẳn sự đau khổ của những người chịu khuất phục.

    Những người lập kế hoạch để khởi động đấu tranh bất bạo động sẽ cần phải xét định mức độ đau khổ mà những người tự nguyện sẵn lòng chịu và họ có khả năng cứng rắn đến mức nào trong việc thách thức sự đàn áp của đối phương. Một hành động bạo dạn có thể đưa đến một phản ứng đàn áp mà những người đối kháng không được chuẩn bị để chịu đựng thường là một điều không nên làm. Nói chung thì tốt hơn là nên chọn những phương pháp hành động không đặt những người đối kháng thành những mục tiêu rõ rệt khi có sẵn những phương pháp hữu hiệu hơn và ít khiêu khích hơn. Những phương pháp hành động được lựa chọn cần phải phù hợp với mức độ đàn áp mà những người đối kháng đã được chuẩn bị để chịu đựng cho những hành động đó. Một điều hết sức quan trọng là chỉ những phương pháp nào rõ ràng có thể giúp ứng dụng chiến lược đã chọn cho cuộc đấu tranh thì mới nên chọn. Điểm này sẽ được thảo luận nhiều hơn ở Bài 042.

    Sự kiên quyết của những người đối kháng sẽ đem lại nhiều hiệu quả. Hai trong số những hiệu quả này là:

  • Hiệu quả về số lượng của nhiều người dân thách thức, từ chối tuân phục, dù bị đàn áp, sẽ giới hạn rất nhiều khả năng kiểm soát tình thế và duy trì các chính sách của đối phương.
  • Sự kiên quyết bất bạo động mặc dù bị đàn áp có thể đem lại những hiệu quả về tâm lí hay phẩm chất đối với đối phương, đối với những người ủng hộ họ, đối với những thành phần thứ ba, và với những người khác.

    Trong một vài trường hợp của đấu tranh bất bạo động, đàn áp tương đối nhẹ hay là vừa phải. Trong những trường hợp khác thì rất tàn bạo. Nhóm bất bạo động phải được chuẩn bị cho cả hai tình huống.

Đối diện với bạo tàn

Bạo tàn có thể xảy ra vì (1) chế độ thường sử dụng khủng bố; (2) một chế độ không bạo ngược quyết định là chỉ có hành động quyết liệt mới có thể dẹp tan được những người đối kháng; hay là (3) không nhận được lệnh từ chế độ, những giới chức địa phương hay các cá nhân trong quân đội, cảnh sát, hay ngay cả quần chúng nói chung đã tự gây ra những điều tàn ác.

    Điều quan trọng là phải nhớ rằng những vụ đánh đập, giết chóc, và tàn sát đã từng xảy ra cho những người đối kháng. Chế độ hay hệ thống nói chung càng độc tài, thì những tàn ác cực đoan đối với những người đối kháng bất bạo động càng có cơ hội xảy ra. Tuy nhiên, khi bị thách thức một cách bất bạo động, thì mọi chế độ phần nào lệ thuộc vào bạo lực sẽ có khuynh hướng trông nhờ vào bạo lực. Những người đối kháng cần quyết định là phải phản ứng như thế nào cho phù hợp với những yêu cầu của kĩ thuật bất bạo động để đạt được hiệu quả.

    Trong những tình trạng khủng hoảng thì những người đối kháng có hiểu biết sẽ không ngạc nhiên về những tàn ác đối với nhóm bất bạo động.  Đối với họ, ngưng cuộc đấu tranh hay nhờ vào bạo lực sẽ đưa đến những hậu quả trầm trọng và tai hại cho cuộc đấu tranh. Để được hữu hiệu, những người đối kháng phải kiên trì chịu đựng cho qua những tàn ác và đau khổ, kiên quyết không sợ hãi, kiên trì trong kỉ luật bất bạo động, và cứng rắn. Thời gian và rất nhiều đau khổ có thể là cần phải có để chứng minh cho đối phương thấy là bạo tàn không dẹp tan được phong trào. Cái giá phải trả có thể đắt nhưng, đôi khi, cần thiết nếu muốn đạt được mục đích.

    Tuy nhiên, lãnh đạo trong một cuộc đấu tranh bất bạo động mà đòi hỏi những người đối kháng chịu đau khổ và chủ ý lôi cuốn các hành động bạo tàn quá sức chịu đựng của họ thì dù dựa trên bất cứ tiêu chuẩn nào đi nữa cũng là một việc làm không khôn ngoan. Tất cả mọi hành động đều phải phục vụ một mục đích chiến lược. Nếu đã bắt đầu một đường hướng hành động không khôn ngoan, thì đừng tiếp tục chỉ vì giáo điều hay vì ngoan cố. Tuy nhiên, khi đã có một lập trường vững chắc hay là đòi hỏi cần phải hành động bạo dạn hơn thì không nên rút lui – dù bị đàn áp tàn bạo.

    Đôi khi một hành động bạo dạn và nguy hiểm được chuẩn bị bởi một nhóm nhỏ đối kháng cũng có thể được thực hiện nhằm khích động đối phương đàn áp mạnh. Bằng cách chứng tỏ sáng kiến, sự can đảm, và quyết tâm của những người đối kháng trước hiểm nguy, hành động nguy hiểm có thể giúp những người đối kháng lên tinh thần và làm giảm đi sự sợ hãi bị đàn áp của họ. Khi điều này xảy ra thì đàn áp gắt gao thường được giáng xuống chính những người tình nguyện, chứ không xuống đại chúng, như đã từng xảy ra trong một vài cuộc chiến tranh du kích.

    Sự vận hành của một hay nhiều phương thức thay đổi có thể, với thời gian, dẫn đến sự giảm bớt hay ngưng hẳn những bạo tàn, như sẽ được bàn đến ở Bài 038. Bạo tàn cũng có thể giảm bớt khi đối phương thấy rõ là sự đàn áp của họ đã dội ngược lại vào chính vị thế của họ bằng cách đẩy những người ủng hộ họ ra xa và chỉ khích động thêm đối kháng. Khi điều này xảy ra thì đối phương sẽ ý thức được là đàn áp gắt gao và bạo tàn là phản tác dụng và cần phải được kiềm chế. Có thể là sẽ có một cuộc đàn áp tệ hại nhất xảy ra một thời gian ngắn trước khi đối phương chịu đầu hàng. Có lúc sự đàn áp tệ hại nhất do những thành viên quá khích của nhóm đối phương thực hiện có thể xảy ra một thời gian ngắn sau khi những người lãnh đạo của họ đã nhượng bộ những yêu sách của những người đối kháng.

    Thách thức đàn áp của đối phương dĩ nhiên là không có chủ ý nhằm đem lại đau khổ do những bạo tàn của sự đàn áp gây nên. Mục đích là để tiếp tục đối kháng, và đặc biệt là để bất hợp tác, một phương pháp có tiềm năng cắt đứt các nguồn sức mạnh của đối phương, như đã bàn đến trước đây, bằng cách sử dụng những phương pháp đấu tranh bất bạo động, như đã liệt kê ở Bài 018 và 034. Nếu một chiến dịch bất hợp tác chính trị, hay một cuộc đình công vĩ đại, tan rã ngay khi vừa mới bị bắt bớ, đánh đập, hay chết chóc, thì chưa có đủ thời gian cho đối kháng có thể gặt hái được hiệu quả. Tất cả những hy sinh trước đó sẽ là vô ích.

    Tuy nhiên, nếu sự đàn áp của đối phương thất bại và những người đối kháng sẵn sàng kiên quyết, thì bất hợp tác lan rộng sẽ có tiềm năng tranh thủ được các mục tiêu của cuộc đấu tranh và ngay cả làm tan rã cả hệ thống áp bức.

    Những người ủng hộ chiến tranh quân sự ý thức rõ ràng là một cuộc đấu tranh thường đòi hỏi phải trả giá. Một trong những khác biệt quan trọng giữa những xung đột quân sự và những cuộc đấu tranh bất bạo động, không có ngoại lệ, là trong những xung đột bất bạo động, cái giá — về mạng sống, về thương tích, và về tàn phá – không phải do những người không tham dự trả mà do những người tung ra cuộc đấu tranh. Hơn nữa, những tổn thất và tàn phá do những người đối kháng hứng chịu hầu như luôn luôn thấp hơn trong những cuộc đấu tranh bất bạo động so với những xung đột bạo động.

    Chúng ta có thể lí luận rằng, nói một cách tổng quát thì những cuộc đấu tranh bất bạo động, so với đấu tranh dùng bạo lực, đem lại nhiều cơ hội thành công hơn và ít đàn áp khắc nghiệt hơn, và thêm nữa, những người không tham gia vào cuộc đấu tranh thường không bị ảnh hưởng trầm trọng. Điều này trái ngược lại với tình trạng thường thịnh hành trong chiến tranh du kích, chiến tranh quy ước, và bất cứ hình thái áp dụng bạo lực nào khác vào những cuộc xung đột. Trong những cuộc xung đột sử dụng bạo lực, những người dân sự không tham gia thường phải trả giá bằng mạng sống của mình và đau khổ như là hậu quả của trận chiến bạo động do người khác khởi động và tiến hành.

    Tuy vậy, trên thực tế điều quan trọng là đấu tranh bất bạo động sẽ rất có thể bị đàn áp; dù vậy, đối kháng vẫn phải kiên quyết.

 

_____________________________

 

CƯỚC CHÚ

1Từ do nhà hoạt động dân quyền quan trọng người Mỹ gốc Phi châu, James Farmer, đặt ra.

2Trích dẫn bởi James Farmer, Tự Do – Khi nào? [Freedom – When?]. New York: Random House, 1965, t. 7

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.