Tăng Cường Khả Năng Của Quần Chúng
(III)
(Bài 055)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Đảo Ngược Chiều Hướng

    Những chính sách hiện tại nhằm giải quyết những vấn đề trọng đại của chúng ta không có cơ sở để được khuyến khích, và cũng không phải dễ dàng cũng như không phải không có nguy hiểm. Nếu không có một cái gì mới bắt đầu đảo ngược chiều hướng hiện tại của chúng ta, thì con đường đi vào tương lai của chúng ta thật là mờ tối. Những công cụ có sẵn cho các Nhà Nước tân tiến để điều hành những nền độc tài, thực hiện diệt chủng, tiến hành chiến tranh, và hỗ trợ áp bức xã hội cứ tiếp tục được làm cho tinh xảo hơn và tiếp tục tăng trưởng. Mệnh lệnh xã hội là chúng ta phải đảo ngược chiều hướng này.

    Chúng ta không những chỉ cần những phương cách để lật đổ một nền độc tài nào đó mà thôi. Chúng ta còn cần phát triển khả năng ngăn chặn sự phát triển của bất cứ nền độc tài nào. Chúng ta không nên chỉ than vãn nạn diệt chủng trong quá khứ. Niềm danh dự lớn lao nhất đối với những nạn nhân của vụ Tàn Sát [người Do Thái], những người Armenians đã chết, và nhiều người khác nữa, sẽ là học hỏi được làm cách nào để ngăn chặn không bao giờ cho nạn diệt chủng còn xảy ra nữa. Nhu cầu của chúng ta không phải chỉ là những chính sách giúp chúng ta có khả năng sống còn hoặc giới hạn chiến tranh. Chúng ta cần ngăn chặn chiến tranh bằng cách kiếm một phương tiện chiến đấu khác và phát huy khả năng không cho những kẻ tấn công trong tương lai đạt được những mục tiêu của họ. Chúng ta không cần những loại chống đối áp bức xã hội hay những chương trình giải phóng chỉ đem lại sự bất lực liên tục của người dân, hoặc tệ hơn, một hệ thống nô lệ chính trị mới nhân danh người dân. Thay vì như vậy, chúng ta cần tái cấu trúc các cơ chế của con người và tạo dễ dàng cho khả năng tự cường để không có ai có thể áp bức chúng ta nữa.

    Những phân tích trong tập sách này đã hướng đến một cái khung sườn tổng quát cho những thay đổi để giải quyết những vấn đề này và để đáp ứng những nhu cầu của con người một các đầy đủ hơn, đòi hỏi cả những thay đổi về các tổ chức lẫn thể loại chế tài mà chúng ta trông cậy vào. Bây giờ chúng ta cần phát triển những điều này thành những thành phần then chốt của một chương trình toàn diện để tạo một sự thay đổi có thể chấp nhận được:

  1. Một chương trình xây dựng17 để tạo nên những tổ chức mới và đổi mới và hồi sinh các tổ chức cũ hầu đáp ứng các nhu cầu của con người một cách đầy đủ hơn; và
  2. Phát huy các khả năng áp dụng các chế tài bất bạo động thay cho các chế tài bạo động để đáp ứng những nhu cầu đặc biệt trong một loạt những thay thế tiệm tiến.

    Những thành phần cốt yếu của một đại chiến lược chính trị cho công việc, cho giải pháp, và cho canh tân, lệ thuộc vào những phương tiện có khả năng nội tại phân tán, thay vì tập trung quyền làm quyết định và quyền lực hữu hiệu, tăng cường các tổ chức độc lập của xã hội, và khích động tự lực. Bởi vì tăng cường khả năng cho dân chúng là một phần thiết yếu để chấm dứt áp bức, những phương tiện này, về dài hạn, có khuynh hướng hữu hiệu cho mục đích này hơn là bạo động chính trị công khai hay là trông cậy vào hành động của Nhà Nước trung ương, dù là bằng pháp lí, bằng các sắc lệnh, hay là bằng quyết định tư pháp. Kinh nghiệm về cả hai loại sinh hoạt cũng có thể gia tăng khả năng của dân chúng tự đương đầu với những vấn đề khác đang đe doạ họ và tự lực giải quyết những khó khăn trong tương lai.

Một Chương Trình Xây Dựng

    Một chương trình xây dựng gồm có nhiều sinh hoạt khác nhau để sửa đổi những vấn đề xã hội và đáp ứng những nhu cầu của con người một cách thoả đáng hơn. Chương trình thực hiện điều này bằng cách thay đổi các thái độ, những cách hành sử của xã hội, và các tổ chức với những phương tiện hoạt động tự nguyện có tổ chức, bao gồm việc tạo dựng nên những tổ chức mới và đôi lúc cải tiến những tổ chức hiện hành. Chương trình xây dựng đã từng được mô tả như là cái giàn giáo mà trên đó cơ cấu của xã hội mới sẽ được xây dựng. Những lãnh vực khác nhau của một chương trình xây dựng được quan niệm như là một chương trình chồng chéo nhau về tái thiết xã hội, mà ở trong đó những sinh hoạt tự trị của nhiều tổ chức và nhóm đóng góp vào một chương trình phát triển xây dựng và thay đổi đồng bộ, nhưng uyển chuyển.

    Xét định tiềm năng của sự đóng góp vào sự thay đổi khả thi này là một việc đáng làm, như là một thay thế cho cả những tình trạng hiện hành lẫn hành động liên tục bành trướng của Nhà Nước ngõ hầu sửa đổi những tệ đoan xã hội và đáp ứng các nhu cầu của con người. Việc thiết lập một chương trình xây dựng toàn diện đòi hỏi những nỗ lực lớn lao của nhiều người và nhóm người có những kinh nghiệm khác biệt, những khả năng phân tích, chuyên môn, và các kĩ năng. Những ngành bao quát thích hợp của công việc sẽ gồm có những vấn đề cần phải được giải quyết, những vấn đề thắc mắc, và những giải pháp thay thế, về xã hội, văn hoá, giáo dục, chính trị, kinh tế, và môi sinh. Những lãnh vực cụ thể của công việc và những công tác để thực thi những lãnh vực này cần phải được chọn lựa từ trong những ngành bao quát này, tuỳ theo các nhu cầu của từng xã hội riêng biệt. Những công tác này sẽ được thực thi bởi sự hỗn hợp của hoạt động của những cá nhân, của các nhóm, và của các tổ chức, độc lập với cả những công ti kếch xù lẫn bộ máy Nhà Nước, để vừa giải quyết nhu cầu cụ thể vừa đồng thời tăng cường khả năng của xã hội như là một tổng thể.

Tìm Hiểu Những Thay Thế Bất Bạo Động

    Thành phần then chốt thứ hai của một chương trình toàn diện cho sự thay đổi có thể chấp nhận được là phát huy những khả năng dùng các chế tài bất bạo động thay thế cho các chế tài bạo động để đáp ứng đủ loại nhu cầu có tính xã hội và chính trị về chế tài. Điều này đòi hỏi một sự tìm hiểu nghiêm túc về tiềm năng của các chế tài bất bạo động, và, nơi nào mà những chế tài này khả thi hoặc có thể được làm cho khả thi, thì đòi hỏi sự thiết kế và thực thi những kế hoạch dùng các chế tài bất bạo động thay thế cho các chế tài bạo động để đáp ứng những nhu cầu; mà để thoả mãn những nhu cầu này, dân chúng thường trông cậy vào các chế tài bạo động. Thành phần này đôi lúc đi trước và có khi lại vận hành song song với chương trình xây dựng. Việc tìm hiểu và chấp thuận các chế tài bất bạo động không cần, và không nên, đợi cho đến khi sự thay đổi cơ chế đã đến giai đoạn tiên tiến.

    Trách nhiệm của chúng ta ở đây gồm có ba công tác: (1) kiểm tra những tài nguyên mà chúng ta có thể rút ra được, nghĩa là, học hỏi thêm về bản chất, hiệu lực, và tiềm năng của các chế tài bất bạo động; (2) quyết định vào một thời điểm nào đó đâu là mức độ và phương tiện theo đó các chế tài bất bạo động có thể thay thế được cho các chế tài bạo động; và (3) tiến hành những bước này như là một phần của một loạt những thay thế khác. Trong mỗi một công tác này, cần có sự tham gia năng động của nhiều người trong việc điều tra, giáo dục, suy tư, thiết kế, việc làm và hành động. Do đó, mỗi một người trong chúng ta đều có công tác và trách nhiệm.

    Công tác đầu tiên trong số những công tác này gồm có, ngoài những phần khác, giáo dục về bản chất của các chế tài bất bạo động thay thế và về các tổ chức phi tập trung. Sự giáo dục này bao gồm cả sự giáo dục được cung ứng bên trong những cơ chế giáo dục chính thức lẫn sự giáo dục bằng những phương cách phân tán và ít được cơ chế hoá hơn, được cung cấp cho những thành viên của quảng đại quần chúng. Chúng ta hãy thảo luận từng điểm một.

    Những cơ sở giáo dục không bao giờ được trở thành những công cụ cho việc nhồi sọ hoặc bóp méo bằng cách chọn lựa bộ môn học một cách thiên lệch. Tuy nhiên, sửa đổi những thiên lệch về lựa chọn của quá khứ trong việc chọn lựa môn học không những hợp lí mà còn cần phải làm nữa. Những thiên lệch này có thể đã phát xuất từ những tiên kiến mà người ta đã có và từ những quan điểm của những nhóm đặc biệt. Nhiều đề tài và ngành học đã từng bị xem thường, xuyên tạc, hoặc loại bỏ ra khỏi học trình. Những thiên lệch này cần phải được sửa sai bằng cách đưa vào thêm những môn học và kiến thức quan trọng. Ví dụ, đòi hỏi cần thêm một loạt những khoá học và sách giáo khoa về lịch sử của chúng ta, chẳng hạn. Ngành sử học đặc biệt quan trọng, bởi vì dựa trên căn bản sự hiểu biết của chúng ta về những gì đã xảy ra trong quá khứ, chúng ta có thể hun đúc nhận định của chúng ta về những gì đang xảy ra trong hiện tại và đâu là những giải pháp mà chúng ta có thể chọn lựa để kiến tạo xã hội của chúng ta trong tương lai. Vì vậy, việc quá nhiều sách giáo khoa và khoá học chủ yếu chỉ chú trọng đến các cuộc chiến tranh và những hành động của những vì vua, hoàng đế, và tổng thống nhiều quyền lực, mà sao nhãng hoặc xem thường những cuộc đấu tranh bất bạo động quan trọng,  sự kiện nhân dân tự quản, những hình thái quản trị phi Nhà Nước, những đơn vị chính trị nhỏ, những phong trào quần chúng sửa sai những tệ đoan xã hội của thời đại và kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn, là một vấn đề nghiêm trọng và thực ra nguy hiểm về phương diện chính trị. Đòi hỏi cần phải có toàn bộ một loạt thêm học liệu vào những lịch sử của chúng ta để cân bằng tài liệu. Cũng cần phải bổ túc những bộ môn trong những ngành khác như thế.

    Thường thì cũng sẽ có nhu cầu cho những khoá học đặc biệt. Những khoá học này bao gồm việc giúp học viên học làm thế nào để làm những quyết định nhóm, làm thế nào phát huy các kĩ năng để sự tham dự của nhóm có hiệu lực, làm thế nào để giải quyết xung khắc, làm thế nào để phân tách và giải quyết các vấn đề, và những điều khác nữa. Khẩn trương đòi hỏi cần phải có những khoá học đặc biệt về đấu tranh bất bạo động trong mọi cơ chế giáo dục của chúng ta ở mọi cấp từ bậc tiểu học đến bậc cao học tại các đại họca.

     Quảng đại quần chúng phần lớn vẫn không biết được kĩ thuật bất bạo động này vận hành như thế nào, lịch sử của nó, các yêu cầu của nó, làm thế nào để áp dụng kĩ thuật này để đạt được hiệu lực tối đa, và những hệ quả của nó. Có thể sửa sai sự sao nhãng trong quá khứ, và đem đến cho chế tài bất bạo động đủ loại công cụ để gia tăng kiến thức của chúng ta v các chế tài này. Kiến thức này và nhiều quan điểm khác về các giải pháp bất bạo động thay thế lúc bấy giờ có thể được cung cấp cho công chúng bằng nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm những khoá giáo dục tráng niên, nhật báo, báo định kì, đài phát thanh, truyền hình, và sách. Những phương tiện này còn có thể được sử dụng để khuyến khích thảo luận phê bình và đánh giá các giải pháp chọn lựa. Sự phổ biến kiến thức về các chế tài bất bạo động này sẽ làm cho người ta có khả năng duyệt xét chúng một cách thông minh. Đến mức độ mà người ta thấy được giá trị và tiềm năng của những giải pháp này, thì người ta có lẽ có thể có thiện cảm với việc tìm hiểu một cách nghiêm túc và chấp thuận các chế tài bất bạo động thay cho các chế tài bạo động. Đây là một điều cần thiết, chẳng hạn, trước khi hay trong thời gian có một cuộc duyệt xét nghiêm túc về tiềm năng của một chánh sách phòng vệ dựa trên căn bản dân sự, hay là bất cứ một sự chuyển đổi chính thức nào khác qua các chế tài bất bạo động thay thế.

    Dù có hay không có cơ hội duyệt xét công khai và chính thức những giá trị có thể có được của việc chuyển đổi qua các chế tài bất bạo động, một sự hiểu biết được gia tăng của dân chúng về các chế tài này cũng có lẽ có thể đem lại những hiệu quả quan trọng cho việc phân phối quyền lực hữu hiệu trong xã hội chính trị. Kiến thức về bản chất và cách sử dụng của đấu tranh bất bạo động là một tiềm năng về quyền lực. Có kiến thức mới về giải pháp này và sự tin tưởng vào khả năng của nó, người ta,  trong những hoàn cảnh mà họ, nếu không có kiến thức này, thường chịu khuất phục một cách thụ động, bị dẫm nát, hoặc sử dụng bạo lực, thì có lẽ sẽ có khuynh hướng áp dụng những chế tài bất bạo động nhiều hơn. Điều này sẽ vừa giúp họ đương đầu với những cuộc xung đột nghiêm trọng và đích thực của thời đại chúng ta bằng những hành động của họ, vừa đồng thời tránh được sự phá huỷ và các cạm bẫy của bạo lực chính trị.

    Kiến thức về cách làm thế nào để hành động, làm thế nào để tổ chức, và làm thế nào để chuyển hoá một cách tài tình sức mạnh của mình thành sức mạnh hữu hiệu trong cuộc đấu tranh bất bạo động sẽ đem lại khả năng, ngay cả cho những người, mà nếu không có kiến thức này, hẳn đã bị tước quyền công dân, những người mà cánh cửa đưa đến tham dự vào các tổ chức ảnh hưởng đến đời sống của họ đã bị đóng kín và không bao giờ còn mở ra nữa, sử dụng sức mạnh hữu hiệu và tham gia vào việc quyết định đời sống và xã hội của chính họ. Khi có những cản trở ngăn chặn sự phát triển hoặc sự điều hành của những bộ phận của chương trình xây dựng, thì người ta có khả năng dẹp bỏ những cản trở này để tiếp tục công việc trở lại ngõ hầu giải quyết những vấn đề hiện tại và xây dựng các cơ chế dân chủ.

Dùng Chế Tài Bất Bạo Động Để Thay Thế

    Hiệu lực của loại chế tài này không phải chỉ là kết quả của tinh thần hay ý chí muốn thay đổi. Ngoài những thành tố cảm xúc, còn có một yếu tố gần như là kĩ thuật trong việc làm thế nào để áp dụng các chế tài bất bạo động để có được hiệu lực tối đa. Điều này bao gồm những vấn đề như là tổ chức, chiến lược và chiến thuật, chọn lựa những lợi thế chiến lược cụ thể, kỉ luật nhóm, và các phản ứng đối với các chế tài của đối phương. Về những điều này và các lãnh vực khác nữa, chúng ta có thể học hỏi làm thế nào để sử dụng chúng một cách tinh nhuệ hơn. Chúng ta có thể tạo ra các tài nguyên, chuẩn bị, và thiết lập những chương trình huấn luyện để áp dụng hữu hiệu các chế tài bất bạo động cho những mục đích khác nhau thay cho các chế tài bạo động. Những bước khác nhau này là vấn đề quan trọng trong việc dùng các chế tài bất bạo động để thay thế các chế tài bạo động.

    Như đã thảo luận trước đây, các chế tài bất bạo động đã thay thế cho các chế tài bạo động trong nhiều hoàn cảnh. Những thay thế này do đó, trên nguyên tắc, có thể thực hiện đượcb.  Với nền tảng của sự nghiên cứu đề nghị, của những tra cứu các chính sách, của huấn luyện, và của các chuẩn bị, thì những thay thế có chủ ý nhiều hơn nữa hẳn phải thực hiện được. Những thay thế này bao gồm những thay thế khởi đầu chưa được cơ chế hoá (như những cuộc đấu tranh đòi thay đổi trong xã hội và trong hệ thống chính trị), và những thay thế mà ngay từ lúc bắt đầu đã được cơ chế hoá (như là những chuyển đổi có chủ ý qua những chế tài bất bạo động để điều hành và duy trì hệ thống). Những thay thế này có thể bắt đầu một cách chậm rãi và với sự suy nghĩ có cân nhắc trong cùng hoàn cảnh. Những thay thế này có thể phát triển rất nhanh trong những trường hợp khác.

   Với sự xuất hiện của những chế tài bất bạo động thay thế hữu hiệu, một con đường mới sẽ được mở ra cho việc giải quyết vấn đề bạo lực chính trị. Lúc bấy giờ người ta sẽ không còn phải chọn giữa việc sử dụng bạo lực và việc chấp nhận sự phi nghĩa lí về chính trị. Họ sẽ có giải pháp chế tài bất bạo động hữu hiệu. Những chế tài thay thế này sẽ bẻ gãy chu kì của sự cần thiết giả định là mỗi phe trong một cuộc xung đột sẽ phải dùng bạo lực để chống lại bạo lực của đối phương. Sẽ không còn cần phải hoãn lại cho đến khi một hoàn cảnh xa xăm nào đó của một niết bàn chính trị xuất hiện, hay là hoãn lại một cách vô vọng ngõ hầu tranh thủ cho được một số đông những người tân tòng theo những chủ thuyết có tính đạo đức cấm chỉ mọi hình thức bạo động. Người ta sẽ có thể bắt đầu những thay đổi cụ thể quan trọng trong cái thế giới hết sức là không toàn hảo và nguy hiểm này bằng cách tạo ra và dùng những chế tài bất bạo động để thay thế cho các chế tài bạo động.

    Một vài trong số những nhu cầu tổng quát mà để đáp ứng những nhu cầu đó, các chế tài bất bạo động có thể thay thế cho các chế tài bạo động là:

  • buộc thi hành những tiêu chuẩn tối thiểu về hành vi xã hội có thể chấp nhận được;
  • điều động những cuộc xung đột mà cả hai phe đều tin là họ không thể thoả hiệp mà không vi phạm những nguyên tắc của mình;
  • sửa đổi những sai lầm chống lại những nhóm nào đó;
  • bảo vệ những quyền tự do căn bản;
  • giải phóng và cách mạng chống lại áp bức;
  • bảo vệ hệ thống hiến pháp chống lại những tiếm quyền tại quốc nội (như là một cuộc đảo chánh); và
  • quốc phòng chống lại xâm lược và chiếm đóng của ngoại bang.

    Một vài điều trên đây đã được thảo luận trong các chương trước.

    Có hai câu hỏi quan trọng được đặt ra từ điểm này: Các chế tài bất bạo động có thể hữu hiệu trong việc đáp ứng những nhu cầu cụ thể về chế tài cho mỗi một hoàn cảnh đặc biệt không? Có thể thực hiện được những thay thế một cách thành công hay không, nếu được thì bằng cách nào? Những câu hỏi này đòi hỏi rất nhiều chú tâm cho từng trường hợp một mà trong đó người ta dự định thực hiện một sự thay thế.

    Sự thay đổi về chế tài do đó không phải là một sự chấp nhận hoàn toàn một lối sống mới bởi toàn thể dân chúng, cũng không phải là một sự biến thái đột ngột toàn bộ của toàn thể xã hội. Thay vì như vậy thì sẽ là một nỗ lực bao quát gồm nhiều giai đoạn trong suốt nhiều năm hay nhiều thập kỉ để tạo ra và dùng các chế tài bất bạo động thay thế cho các chế tài bạo động, tiến từ thay thế này đến thay thế khác, thay thế cho những chức năng mà xã hội của chúng ta đòi hỏi phải có những chế tài hữu hiệu một cách hợp pháp và ngày nay đang trông cậy vào các chế tài bạo động. Đôi khi có nhiều hơn là một sự thay thế như thế có thể xảy ra cùng một lúc. Khi những thay đổi cụ thể như thế đang diễn tiến, thì sự năng động đã được chứng tỏ của những chế tài bất bạo động thay thế được dùng cho một mục đích nào đó có thể tạo dễ dàng cho việc duyệt xét những thay thế tương tự cho những mục đích khác. Tuy nhiên, đòi hỏi cần phải có những thích nghi và chuẩn bị rõ rệt cho mỗi một thay thế cụ thể ở nơi nào mà sự chuyển đổi sẽ phải được cơ chế hoá trong hệ thống. Theo đó, những thay đổi sẽ theo từng giai đoạn mà giảm thiểu sự trông cậy tổng quát vào bạo lực chính trị được định chế hoá và vào bạo lực chính trị không được định chế hoá được sử dụng cho tất cả mọi mục đích. Những hệ quả của điều này, như đã thảo luận trong chương trước, sẽ sâu xa.

Tăng Cường Khả Năng Của Dân Chúng

    Các chế tài bất bạo động thay thế cho các chế tài bạo động ở một tầm mức lớn sẽ có khuynh hướng đưa đến những hệ quả nền tảng cho xã hội. Những hệ quả này sẽ vượt quá giới hạn của việc đáp ứng nhu cầu về chế tài và hiệu lực ngắn hạn của các chế tài bất bạo động đối với một vấn đề tranh cãi hay một cơ hội nào đó. Những hiệu quả phân tán quyền lực đối với cấu trúc của xã hội chính trị đã được thảo luận trước đây trong chương này. Các chế tài bất bạo động còn đóng góp vào việc quân phân quyền lực bằng cách tăng cường khả năng của dân chúng như là một tập thể học hỏi làm cách nào để áp dụng các chế tài này. Sự kết hợp của hai hiệu quả này của chế tài bất bạo động có thể đem lại những kết quả sâu đậm. Điều này trao cho chúng ta một cái “cán” để nắm lấy vấn đề làm thế nào để đưa xã hội của chúng ta đến gần với những lí tưởng mà xã hội hằng đeo đuổi.

    Dân chúng được vũ trang bằng cả hai thứ, cả khả năng tổ chức và làm việc chung với nhau để tranh thủ những mục đích tích cực về các lãnh vực của chương trình xây dựng lẫn khả năng áp dụng kĩ thuật đấu tranh bất bạo động, sẽ không cần phải tìm kiếm “ai đó” để cứu họ — “chính quyền,” “Đảng,” hay là nhà “lãnh đạo” mới đây nhất. Thay vì như vậy, họ sẽ có khả năng để tự cứu lấy mình, ngay cả trong những hoàn cảnh cực đoan. Richard Gregg đã nêu lên hiệu quả này của chế tài bất bạo động vào những năm 1930 khi ông viết:

Cải cách sẽ chỉ tồn tại nếu quần chúng thủ đắc và duy trì được khả năng thực hiện một phủ quyết cứng rắn bằng cách đối kháng bất bạo động tập thể…. Do đó, các nhà cải cách có lẽ sẽ khôn ngoan hơn nếu đặt ít chú trọng vào việc cổ vũ những thay đổi đặc biệt của họ và nên tập trung vào việc giáo dục đối kháng bất bạo động. Một khi đã thông thạo với công cụ này rồi, thì chúng ta có thể thực hiện được đủ loại cải cách vững bền.18  

    Tăng cường khả năng cho dân chúng sẽ giúp người ta làm cho tự do được hồi sinh, lâu bền và đích thực hơn; sẽ làm cho họ có thể chấm dứt được áp bức xã hội bằng những nỗ lực trực tiếp của dân chúng biến những nạn nhân bất lực thành các chủ nhân ông của sinh mệnh của chính mình. Khả năng này cũng còn có thể tăng cường khả năng cho những nạn nhân có thể có của nạn diệt chủng và những người khác kháng cự lại một cách thành công bất cứ nỗ lực tàn sát nào trong tương lai. Tăng cường khả năng cho dân chúng sẽ còn giúp người ta rũ bỏ, duy trì sự độc lập đối với, sự thống trị từ trong nước hay của một nhóm lãnh đạo nhỏ từ ngoài nước, bằng cách đánh bại những nỗ lực tiếm quyền quốc nội và xâm lược quốc tế bằng cách đấu tranh dân sự. Bởi vì các chế tài này được xây dựng trên bản chất căn bản của mọi quyền lực xã hội và chính trị, nên một khi được củng cố bởi huấn luyện và các chuẩn bị, thì chúng sẽ tạo nên khả năng thực hiện những thay đổi có thể chấp nhận được trong các xã hội chính trị một cách nhanh chóng mà người ta thường nghĩ là không thể thực hiện được ngoại trừ trong tương lai rất xa.

    Loại thay đổi xã hội này không thể thực hiện giùm cho người dân được, dù bằng bất cứ phương tiện nào, dù ai là người đưa ra nỗ lực này – ‘những người tốt lành,” “những người bảo thủ thực thụ,” “Đảng,” “những người theo chủ thuyết tự do đích thực,” hay là “những người cấp tiến chính tông” đi nữa. Thay vì thế, việc thực tập suy nghĩ lại về chính trị này dẫn đến một tiến trình mà đại bộ phận dân chúng, bao gồm nhiều người với những tài năng khác nhau cùng làm việc qua nhiều tổ chức, có thể khởi đầu và theo dõi trên căn bản dài hạn. Đây là một tiến trình mà theo đó người ta hành động để kiến tạo hiện tại, và đồng thời gia tăng khả năng hành động để quyết định tương lai của mình.

    Quan niệm về thay đổi có thể chấp nhận được như đã được trình bày trong tập sách này không thể đưa ra một phương thuốc chữa bá bệnh được, không có con đường dễ dàng, không có sự an toàn được bảo đảm, không có bảo đảm về thành công trong mọi lãnh vực và mọi trường hợp. Tuy nhiên, vẫn có thể là chúng ta đóng góp được một cách có chủ ý vào việc tạo nên một kỉ nguyên mới cho lịch sử của nhân loại. Chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề sắc nhọn mà chúng ta đã từng phải đối đầu từ lâu nay. Chúng ta có thể đang ở ngay ngưỡng cửa tìm thấy những khả năng mới của con người, mà chúng ta có thể phát huy nếu chúng ta muốn, để cho con người có thể chiếm lại, hay đối với nhiều người thì là lần đầu tiên đạt được, cái khả năng làm chủ sinh mệnh của chính mình.

____________________________________

 

CƯỚC CHÚ

aXem Phụ Lục E, “Hai Mươi Bước Thiết Lập và Lượng Giá Các Chế Tài Bất Bạo Động.”

bXem Chương,”Tương Đương Về Chính Trị Với Chiến Tranh – Phòng Vệ Dựa trên Căn Bản Dân Sự,” và Chương, “Phạm Trù Xã Hội,” Cần tài liệu đầy đủ hơn, y/c xem Sharp, Chính Trị Của Hành Động Bất Bạo Động.

17Về lí thuyết và các thành phần trong chương trình xây dựng của Gandhi, xem Gene Sharp, Gandhi Như Là Một Chiến Lược Gia Chính Trị, Với Những Tiểu Luận Về Đạo Đức Học Và Chính Trị (Boston: Porter Sargent Publishers, 1979), Chương Năm, “Lí Thuyết Về Chương Trình Xây Dựng Của Gandhi,” tt.77-86.

18Richard Gregg, Sức Mạnh Của Bất Bạo Động (Bản sửa đổi hai; New York: Schocken, 1966, và London: James Clark, 1960), t.146.

    

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.