Lòng Yêu Nước Như được Phản Ánh qua Văn học Dân Gian

 

Cụm từ “Yêu Nước” hay “Ái Quốc” được sử dụng khá thường xuyên trong bối cảnh văn hoá Việt. Tuy nhiên, hình như chưa hề có một sự đồng thuận chính thức nào về ý nghĩa của “Yêu Nước” hay “Ái Quốc” là gì. Cuốn Hán-Việt Từ-Điển (1957) của Đào-Duy-Anh định nghĩa “Ái Quốc” là “thương nước, tiếc nước, yêu nước”. Hán-Việt Tự-Điển (1960) của Nguyễn-Văn-Khôn định nghĩa “Ái Quốc” là “yêu nước, thương nước, yêu tổ quốc”.

Cuốn Việt-Nam Tự-Điển (1970) của Lê-Văn-Đức và Lê-Ngọc -Trụ định nghĩa “Ái Quốc” là “yêu nước: lòng ái quốc; ái quốc luôn luôn “ái quần”, và “ái quần” được định nghĩa là “yêu đồng bào, yêu quần chúng”. Định nghĩa này cho rằng “Yêu Nước” mang thêm nội hàm “Yêu Dân”. Định nghĩa của Đào Duy Anh và Nguyễn-Văn-Khôn thực chất chỉ là phiên dịch cụm từ Hán-Việt “Ái Quốc” [愛國] chứ không cắt nghĩa “Ái Quốc” hay “Yêu, Thương Nước” nghĩa là yêu cái gì và chứa đựng những chất liệu cụ thể nào. Lê-Văn-Đức và Lê-Ngọc-Trụ có làm cho ý nghĩa của cụm từ “Ái Quốc” sáng tỏ hơn với định nghĩa “Yêu Nước” luôn luôn mang ý nghĩa “yêu đồng bào, yêu quần chúng”. Sau cùng, theo định nghĩa của Từ Điển Hán Việt Trích Dẫn của Đặng Thế Kiệt (Online, 2011) thì “ái” [愛] có nghĩa là “yêu, thích, mến”; “quốc” [國] có nghĩa là “nước, có đất, có dân, có chủ quyền”. Như vậy, yêu nước hay ái quốc có nghĩa là yêu mến một vùng đất đai có dân chúng cư trú và người dân có quyền làm chủ vùng đất này.

Người Việt Nam thường gọi vùng đất này là quê hương, là quê nhà, là đất nước, là non sông, là non nước, là tổ quốc. Nói cách khác “tổ quốc” hay là vùng đất của cha ông để lại bao gồm thôn làng, đất đai, sông biển, núi non mà ở đó người dân đã cư trú từ lâu và có quyền sở hữu vùng đất này cũng như con người có quyền sở hữu bất cứ phẩm vật nào mà họ đã tạo ra hoặc mua sắm được. Như vậy “ái quốc” hay “yêu nước” có nghĩa là yêu nơi mình sinh trưởng bao gồm làng xóm, ruộng vườn, phố thị, núi non, sông hồ, biển cả thuộc quyền sở hữu của mình. Nhưng tại sao chúng ta lại yêu đất nước của mình mà không yêu một đất nước khác? Văn học có thể chiếu rọi ánh sáng vào những vấn đề then chốt này.

Nói về văn học hàn lâm thì chúng ta không thể không nhớ đến bà huyện Thanh Quan với bài “Qua Đèo Ngang”.

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

 

Trên đường từ quê quán Tây Hồ, Hà Nội vào kinh thành Huế để nhậm chức “Cung trung Giáo tập” với phần vụ dạy học cho các cung nữ, bà Nguyễn Thị Hinh, vợ của Lưu Nghị từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình; do đó, bà được gọi là bà huyện Thanh Quan), khi đi ngang qua đèo Ngang vào một buổi chiều xuống, nhìn thấy phong cảnh đẹp, nhưng buồn đã khơi dậy tình yêu của bà đối với đất nước loạn lạc trong thời Lê mạt Nguyễn sơ.

 

Trong giới văn học hàn lâm thì không thiếu gì các thi nhân làm thơ mô tả cảnh đẹp của đất nước, nhưng hiếm khi thấy có ai — ngoài bà huyện Thanh Quan — gắn liền quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của quê hương với lòng yêu nước. Nhưng Văn học dân gian qua vô số ca dao và tục ngữ lại cho ta thấy rõ người bình dân thôn dã Việt Nam mô tả non sông, đất nước để thể hiện lòng yêu nước của họ bao gồm cả những lí do tại sao họ yêu nước.

Trước tiên, chỉ nhìn phong cảnh tuyệt đẹp của quê hương cũng đủ làm nao lòng người dân quê và đánh thức lòng yêu nước trong họ. Và yêu quê hương là yêu đất đai, ruộng vườn, sông, núi, biển, hồ của nơi mình sinh trưởng:

 

Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá

Đò về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình

Là đà bóng ngả trăng chênh

Giọng hò xa vọng, nặng tình nước non.

 

Đi mô cũng nhớ quê mình

Nhớ Hương Giang gió mát, nhớ Ngự Bình trăng thanh

 

Đêm đêm đốt đỉnh hương trầm

Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê.

 

Ai đã từng vào Nam ra Bắc

Thấy nhiều nơi cảnh sắc cũng xinh

Đi mô cũng nhớ quê mình

Nhớ sông Hương nước biếc, nhớ non Bình trăng trong

 

Bãi biển Nha Trang mịn màng, trắng trẻo

Nước trong leo lẻo, gió mát trăng thanh

Đêm đêm thơ thẩn một mình

Đố sao cho khỏi vướng tình nước mây

 

Ai qua núi Tản, sông Đà

Ghé qua Tu Vũ* mặn mà tình thương.

 

(* Tên làng, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ)

 

Và còn rất nhiều những câu ca dao khác mô tả phong cảnh của đất nước, nhưng ở đây chỉ xin trích dẫn một số ít câu tiêu biểu mà thôi, và mặc dù những câu ca dao này không trực tiếp gắn kết phong cảnh với lòng yêu nước, nhưng cách thức mô tả cho chúng ta thấy là người dân thôn dã rất yêu đất nước bởi vì khi yêu, người ta không khẩn thiết phải nói thẳng là mình yêu mà chỉ cần bày tỏ ra sự ngưỡng mộ của mình đối với đối tượng là đủ:

 

            Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Đường ra Hà Nội như tranh vẽ rồng

 

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ

Ai vô xứ Nghệ thì vô.

 

Làng tôi có luỹ tre xanh

Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng

Bên bờ vải, nhãn hai hàng

Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng.

 

Sông Tô nước chảy trong ngần

Có thuyền buồm trắng, chạy gần chạy xa

Thon thon hai mũi chèo hoa

Lướt đi lướt lại như là bướm gieo

 

Quê em có dải sông Hàn

Có chùa Non Nước, có hang Sơn Trà

 

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

 

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Lắng nghe tâm sự đôi đường đắng cay

 

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói toả ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, Mặt gương Tây Hồ

 

Hải Phòng là chốn hữu tình

Thuyền buôn, thuyền bán rập rình bờ sông.

 

Hà Nội ba sáu phố phường

Hàng Mật, Hàng Đường, Hàng Muối trắng xoa

Thứ nhất là hội Hàng Hoa

Thứ nhì Hàng Mã, thứ ba Hàng Vàng.

 

Rủ nhau chơi khắp Long thành

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai

Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay

Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy

Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn

Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang

Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng

Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông

Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè

Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre

Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà

Quanh đi đến phố Hàng Da

Trải xem phường phố thật là cũng xinh

Phồn hoa thứ nhất Long thành

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.

 

Phồn hoa thứ nhất Long thành

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ

Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.

 

Ngoài ra, tình yêu đất nước như được thể hiện qua người dân thôn dã còn có lí do rõ ràng: Yêu đất nước vì những đặc sản của quê hương.

Nón ngựa gò Găng

Bún Song thn An Thái

Lụa đậu tư An Ngãi

Xoài tượng chín Hưng Long

Mặc ai mơ táo, ước hồng

Tình quê em giữ một lòng trước sau.

 

Cần Thơ gạo trắng, nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về

 

Anh đi, anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng, dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao!

 

Chẳng đi nhớ cháo Dốc Ghề

Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên

 

Cách sông, cách nước thì thương

Cách quê, cách quán nhớ tương Cự Đà

 

Khánh Hoà biển rộng, non cao

Trầm hương Vạn Giã, yến sào Nha Trang

 

Đi đâu vẫn nhớ Khánh Hoà

Nhớ biển Nha Trang gió mát

Nhớ Ninh Hoà nhiều nem.

 

Đi đâu cũng nhớ Thu Xà*

Nhớ mùi cá bống mặn mà hương tiêu

 

(* Thu Xà thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi)

 

Chim mía Ba La

Cá bống sông Trà

Kẹo gương Thu Xà

Mạch nha Thi Phổ

 

(Những địa danh thuộc tỉnh Quảng Ngãi)

 

Quảng Nam nổi tiếng lòn bon*

Chả viên Bình Định vừa ngon, vừa lành

Chín muồi da vẫn tươi xanh

Mùi thêm cơm nếp, vị thanh đường phèn.

 

(* Trái cây rừng tròn, ngọt, thanh, xưa được gọi là “Nam Trân”, dùng để tiến vua)

 

Đá than thì ở Nông Sơn

Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè

Thanh Châu buôn bán nghề ghe

Thanh Hà vôi ngói, Mía che Đa Hoà

Phú bông dệt lụa, dệt sa

Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng

Ngà voi, tê giác, gỗ rừng

Trân châu, hải vị chẳng từng thiếu chi.

 

(Các địa danh thuộc Quảng Nam)

 

Biên Hoà có bưởi thanh trà

Thủ Đức nem nướng, điện Bà Tây Ninh

 

Vải ngon thì nhất làng Bằng

Khắp thành Hà Nội hỏi rằng đâu hơn?

 

Củ đậu Bằng Thượng thiếu gì

Dưa hấu Bằng Hạ đâu bì được chăng?

Nhớ ngày mồng Bảy tháng Ba

Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy

Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ, nhớ hội chùa Thầy

Gái chưa chồng, nhớ ngày mà đi.

 

Hồ Tĩnh Tâm giàu sen bách diệp

Đất Hương Cần ngọt quýt thơm cam

Ai về cầu ngói Thanh Toàn

Đợi đây về với một đoàn cho vui

 

Người dân thôn dã còn yêu quê hương vì quê hương mang dấu ấn của kỉ niệm thuở thiếu thời, vì tính chất của thổ ngơi phù hợp với cuộc sống, vì những sinh hoạt đặc thù của địa phương, và vì di tích của lịch sử văn hoá dân tộc.

Làng tôi nhỏ bé xinh xinh

Chung quanh có luỹ tre xanh rờm rà

Trong làng san sát nóc nhà

Đình làng lp ngói có và cây cau

Chùa làng rêu phủ mái nâu

Dân làng thờ cúng để cầu bình an

Chợ làng có quán năm gian

Ngày phiên thiên hạ buôn hàng rất đông

Giếng làng có mạch nước trong

Có cây đa mát bóng vùng rất xa

Trường làng rộng rãi bao la

Chúng tôi đi học trường nhà rất vui.

 

Ở đâu làm được vải con?

Ở đâu gánh đất nặn nên cái nồi?

Ở đâu gánh đá nung vôi?

Ở đâu nấu rượu cho người ta mua?

Ở đâu không miếu không chùa?

Ở đâu tế lễ rước vua về thờ?

Ở đâu lắm kiệu lắm cờ?

Ở đâu lại có đền thờ Bà Vua?

Ở đâu có dãy núi Nưa?

Ở đâu mà lại có chùa lắm tiên?

Ở đâu làm được mực đen?

Ở đâu tháng Tám có đèn kéo quân?

 

-Làng Bút1 làm được vải con

Thổ Oa2 gánh đất nặn nên cái nồi

Làng Nhồi3 gánh đá nung vôi

Làng Vạn4 nấu rượu cho người ta mua

Vân Nhưng5 lắm kiệu lắm cờ

Tống Sơn6 lại có đền thờ Bà Vua

Nông Cống7 có dãy núi Nưa

Chùa Sõi8 là chùa có lắm cô tiên

Bên Tàu làm được mực đen

An Nam tháng Tám có đèn kéo quân.

(1,2,3,4,5,6,7,8 Địa danh làng, xã, huyện thuộc tỉnh Thanh Hoá)

 

Ở đâu lắm đá anh ơi?

Ở đâu lắm nước anh thời biết không?

Ở đâu mà lại lắm sông?

Ở đâu mà lại lắm ông lão già?

Ở đâu chỉ có toàn da?

Ở đâu chỉ có những là xương hom?

Ở đâu núi lắm cùng non?

Ở đâu mà lắm lá còn đương tơ?

Ở đâu mà lắm ông đồ?

Ở đâu hoá phép từ xưa rất tài?

 

-Huyện Thạch1 lắm đá mình ơi

Huyện Thuỷ2 lắm nước mình thời biết không!

Phủ Hà3 là chỗ lắm sông

Phủ Thọ4 là đất lắm ông lão già

Phủ Tĩnh5 chỉ thấy toàn da

Huyện Quảng6 chỉ có những là xương hom

Đông7, Nga8 lắm núi cùng non

Vĩnh9, Hậu10 mà lắm lá còn đương tơ

Nông Cống11 mà lắm ông đồ

Thiệu12, Hoàng13 hoá phép từ xưa rất tài.

(1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13 Những địa danh thuộc tỉnh Thanh Hoá: [Thạch là đá; Thuỷ là nước; là sông; Thọ là sống lâu; Tĩnh là huyện Gia Tĩnh, Gia và da đọc giống nhau; Quảng là huyện Quảng Xương, tên Xương được dùng như xương; Đông, Nga là Đông Sơn và Nga Sơn, sơn là núi; Vĩnh là huyện Vĩnh Lộc, Hậu là huyện Hậu Lộc, lộc: lá non; Nông Cống là huyện Nông Cống, từ “cống” được dùng trong bối cảnh ông cống, ông nghè, những danh tước mấy ông đồ đạt được khi thi đỗ; Thiệu là huyện Thiệu Hoá, Hoàng là huyện Hoàng Hoá, từ “Hoá” được sử dụng trong nghĩa biến hoá.]

 

-Ở đâu năm cửa nàng ơi

Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?

Sông nào bên đục bên trong

Núi nào thắt cổ bồng1 mà có Thánh sinh?

Đền nào thiêng nhất xứ Thanh

Ở đâu lại có cái thành Tiên xây?

Ở đâu là chín tầng mây?

Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiều vàng?

Chùa nào mà lại ở hang

Ở đâu lắm gỗ, thời nàng biết không?

Ai mà xin lấy túi đồng

Ở đâu mà lại có con sông Ngân Hà?

Nước nào dệt gấm thêu hoa

Ai mà sinh ra ca nhà, nàng ôi?

Kìa ai đội đá vá trời

Kìa ai trị thuỷ cho đời được yên?

Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời

Xin em giảng rõ từng nơi từng người.

(1 thắt eo ở giữa)

_Thành Hà Nội năm cửa, chàng ôi

Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng

Nước sông Thương bên đục bên trong

Núi đức Thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có Thánh sinh

Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh

Ở trên tỉnh Lạng có thành Tiên xây

Trên trời là chín tầng mây

Dưới sông lắm nước, núi hay lắm vàng

Chùa Hương Tích mà lại có hang

Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không?

Ông Nguyễn Minh Không2 xin được túi đồng

Trên trời lại có con sông Ngân Hà

Nước Tàu dt gấm thêu hoa

Ông Hữu Sào3 sinh ra cửa nhà chàng ôi!

Bà Nữ Oa4 đội đá vá trời

Vua Đại Vũ5 trị thuỷ cho đời yên vui

Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời

Em xin giảng rõ từng nơi từng người.

 

(2,3,4,5 Những nhân vật huyền thoại Trung Hoa nhưng rất quen thuộc và phổ biến trong văn hoá Việt Nam)

Và quan trọng hơn cả, người dân yêu đất nước vì đất đai là nguồn mạch sống của họ. Sự sống của người dân thôn dã dựa trên nông sản, nhất là lúa gạo. Do đó, sở hữu đất đai là điều kiện cần để họ tồn tại.

Ơn trời mưa nắng phải thì

Nơi thì bừa cạn, nơi thì bừa sâu

Công lênh chẳng quản bao lâu

Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng

Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.

 

Tấc đất, tấc vàng

 

Ai ơi! Sao chẳng đi về

Ruộng ta, ta để cấy thuê sao đành

Tổ tiên di sản để dành

Ta không nhìn nhở, vô tình thế chi.

 

Đúng vậy, có được đất này là do “Tổ tiên di sản để dành”. Người dân thôn dã yêu đất nước vì đất nước đã được tổ tiên anh hùng tạo nên và bảo toàn cho hậu thế. Chứng tỏ lòng biết ơn, quý trọng các vị tiền nhân dựng nước là dấu ấn hùng hồn của lòng yêu nước.

Ai về Phú Thọ cùng ta

Vui ngày giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.

 

Đu tiên mới dựng năm nay

Cô nào hay hát, kì này hát lên

Tháng Ba nô nức hội đền

Nhớ ngày giỗ Tổ bốn nghìn năm nay

Dạo xem phong cảnh trời mây

Lô, Đà, Tam Đảo cũng quay đầu về

Khắp nơi con cháu ba kì

Kẻ đi cầu phúc, người đi cu tài

Sở cầu như ý ai ai

Xin rằng nhớ lấy mồng Mười tháng Ba.

 

Ai về đến huyện Đông Anh

Ghé thăm phong cảnh Loa Thành Thục Vương

Cổ Loa hình thức khác thường

Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây.

 

Cổ Loa là đất đế kinh

Trông ra lại thấy toà thành tiên xây

 

Cổ Loa thành ốc khác thường

Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây.

 

Thăng Long, Hà Nội đô thành

Nước non ai vẽ nên tranh hoạ đồ

Cố đô rồi lại tân đô

Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây.

 

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ

Xem chùa Thê Húc, Xem đền Ngọc Sơn

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn

Hỏi ai xây dựng nên non nước này

 

Ai ơi nghĩ lại cho mình

Giang sơn nghìn dặm công trình biết bao!

 

Người bình dân thôn dã yêu đất nước vì phong cảnh Việt Nam hữu tình, vì các đặc sản vùng miền, vì quê hương mang dấu ấn của những kỉ niệm tuổi thơ, vì thổ nhưỡng thích hợp với cuộc sống, vì những sinh hoạt đặc thù của từng địa phương, vì lịch sử văn hoá của nòi giống. Đặc biệt nhất là đất đai của quê hương là nguồn mạch sống của người dân; người dân chủ yếu sống bằng ruộng lúa cho nên sở hữu đất đai là điều kiện khẩn thiết cho cuộc sinh tồn và đất đai có được là do công lao của tiền nhân anh hùng tranh đấu để sở hữu và bảo tồn cho con cháu. Do đó, dù đất nước khác có đẹp, có giàu, có văn minh hơn thì cũng không thể nào sánh bằng được đất nước Việt Nam đối với người việt Nam:

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn.

 

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong, dù đục, ao nhà đã quen

 

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong, dù đục, nước nhà cho xong.

 

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong, dù đục, nước nhà còn hơn

 

Trâu ta ăn cỏ đồng ta

Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm

 

Khi đã yêu, dù là yêu một người, yêu một đồ vật, hay yêu tổ quốc, không ai có thể chịu để mất đi đối tượng yêu đương của mình. Và nếu có ai đó cố tình chiếm đoạt đối tượng yêu đương thì luôn luôn có người đứng lên tranh đấu, bằng mọi cách, để giành lại đối tượng đã mất. Trong những cuộc xung đột ngắn hạn với Chiêm Thành, Cao Mên, và Xiêm La, tổ quốc Việt Nam chưa bao giờ bị chiếm đóng. Nhưng suốt dọc dài lịch sử hơn một ngàn năm quan hệ ngoại giao với Tàu, tổ quốc đã bị người Tàu xâm chiếm và đô hộ đến ba lần trong những khoảng thời gian rất dài, kể từ năm 202 TCN cho đến ngày độc lập với chiến thắng Bạch Đằng (938 CN) oanh liệt của Ngô Quyền. Sau đó, dù có được gần 5 thế kỉ độc lập (938-1407), nhưng đến thế kỉ 15, nhà Minh lại xâm chiếm và đô hộ tổ quốc thêm một thời gian 20 năm nữa (1407-1427) cho đến khi Lê Lợi giải phóng đất nước vào năm 1427. Xuyên suốt những thời gian bị đô hộ này, luôn luôn có những anh hùng Việt tộc đứng lên đấu tranh chống Tàu, giành lại tổ quốc: Nào là hai bà Trưng khởi nghĩa vào năm 40 tại Mê Linh (thuộc Ba Vì Tam Đảo) đánh đuổi quân Đông Hán; bà Triệu cùng anh là Triệu Quốc Đạt bắt đầu lập căn cứ khởi nghĩa năm 248 tại núi Ngàn Nưa và sau đó là tại Bồ Điền (nay là Phù Điền), Thanh Hoá chống lại nhà Ngô; năm 541 Lý Bí còn được gọi là  Lý Bôn đứng lên chống lại sự hà khắc của Thứ sử Tiêu Tư của nhà Lương và tái chiếm Bắc bộ, xưng vương là Lý Nam Đế, vị vua đầu tiên của nước Việt, đặt tên nước là Vạn Xuân; năm 687 Lý Tự Tiên và Đinh Kiến khởi nghĩa chống lại sự đô hộ hà khắc của nhà Đường; cũng chống lại sự đô hộ bóc lột của nhà Đường, Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế), quê quán Hà Tĩnh, năm 713 nổi dậy chống lại quan quân nhà Đường cai trị khắc nghiệt, tự xưng vua, và lập kinh đô ở thành Vạn An, Nam Đàn, trị vì được 10 năm; Phùng Hưng, quê quán thuộc thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, năm 791 đứng lên chống lại nhà Đường, chiếm lại thành Đại La (Hà Nội) từ tay Cao Chính Bình, tướng của nhà Đường, rồi lo xây cất và trùng tu đất nước, và mất sau đó 7 năm, được dân chúng yêu mến và suy tôn là Bố Cái Đại Vương; Dương Thanh, quê quán đất Giao Châu, năm 819 chống lại nhà Đường, bắt giết quan đô hộ Lý tượng Cổ; Ngô Quyền khởi nghĩa đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 và lên ngôi vua năm 939, định đô ở Cổ Loa. Đất nước được độc lập gần 5 thế kỉ thì đến thế kỉ 15, nhà Minh lại xâm chiếm và đô hộ tổ quốc rất hà khắc trong vòng 20 năm nên Lê Lợi và Lê Lai trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước.

Rồi đến thời kì Pháp thuộc gần 90 năm (1858-1945), đứng lên chống lại sự chiếm đóng, đô hộ đàn áp và bóc lột khắc nghiệt của người Pháp có phong trào Cần Vương (1885-1896) do các quan lại của triều đình như Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Đề đốc Lê Trực, Tri phủ Nguyễn Phạm Tuân và tầng lớp sĩ phu khác tổ chức như Trần Quang Dự, Nguyễn Hàm ở Quảng Nam; Lê Trung Đình ở Quảng Ngãi; Mai Xuân Thưởng ở Bình Định. Bắc Kì thì có Tạ Hiện khởi nghĩa ở Thái Bình và Nam Định; Nguyễn Thiện Thuật ở Bãi Sậy, Hải Dương; Phạm Bành, Đinh Công Tráng ở Nga Sơn, Ba Đình, Thanh Hoá; Lê Ninh, Phan Đình Phùng ở Hương Khê, Hà Tĩnh (Theo Bùi Tuấn An và Luật sư Lê Minh Trường, “Tính chất của Phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp là gì?”: https://luatminhkhue.vn/tinh-chat-cua-phong-trao-can-vuong-la-gi.aspx). Ngoài ra, còn có rất nhiều những cuộc khởi nghĩa chống Pháp, Nhật. Ở đây, chỉ xin đơn cử một số tiêu biểu như khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân; khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám; khởi nghĩa Hưng Hoá của Nguyễn Quang Bích; khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học (Việt Nam Quốc Dân Đảng); phong trào Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh; và phong trào kháng chiến của Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội), và của Việt Cách (Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội). Không biết bao nhiêu là anh hùng đã bày tỏ lòng yêu nước và đã hi sinh vì tổ quốc trong quyết tâm giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước.

Trên đây là tên những anh hùng và phong trào lãnh đạo những cuộc nổi dậy chống Tàu và Pháp, Nhật đã xâm chiếm làng xã, đất đai, sông núi Việt Nam. Nhưng còn nhân dân thì sao? Thái độ của họ như thế nào đối với tình trạng đất nước bị xâm lăng; đối với những đàn áp và bóc lột của ngoại nhân; đối với những kẻ phản bội, quỳ luỵ, phục tòng Tàu, Tây để được hưởng vinh hoa, phú quý trước sự đau khổ của đồng bào; đối với những anh hùng cứu nước; và đối với chính bản thân họ?

(Ca dao và tục ngữ, mạch sống văn hoá thường ngày của người dân thôn dã, sẽ chiếu rọi ánh sáng vào những câu hỏi này trong bài tiếp theo).

 

Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái, Ph.D.

North Wales, Pennsylvania

Ngày 9 Tháng 5 Năm 2023

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.