Cắt Đứt Các Nguồn Sức Mạnh
của Đối Phương
(Bài 044)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.
 

 

Rút đi những nguồn sức mạnh chính trị 

Việc phân tích lý thuyết về những nguồn sức mạnh chính trị và về việc rút đi những nguồn sức mạnh này bằng bất hợp tác, như đã bàn trước đây, bây giờ lại hội nhập vào với việc phân tích các động năng của đấu tranh bất bạo động. Trong phần này, chúng tôi sẽ nhắc lại các nguồn sức mạnh chính trị đã được thảo luận trước đây và xét xem làm thế nào để mỗi một sức mạnh này có thể bị hạn chế lại hay là cắt bỏ đi bằng đấu tranh bất bạo động. Một vài thí dụ minh hoạ sự hạn chế hay là cắt đứt nguồn sức mạnh có thể trích dẫn từ những trường hợp cưỡng ép bất bạo động; còn một số thí dụ khác thì chỉ cho thấy tiềm năng của đấu tranh bất bạo động tác động lên các nguồn sức mạnh mà thôi. Thảo luận ở phần này sẽ cho thấy ý nghĩa thực tiễn của sự phân tích về sức mạnh trước đây và cũng còn giúp cắt nghĩa làm thế nào để thực hiện cưỡng ép bất bạo động. Chính sự đồng quy ngoạn mục của những nguồn sức mạnh chính trị cần thiết với những phương cách mà theo đó hành động bất bạo động đánh vào sức mạnh và vị thế của đối phương đã đem lại cho kỹ thuật này sự hứa hẹn hiệu quả cao và sức mạnh chính trị lớn lao hơn là bạo động.

    Như sự phân tích trước đây cho thấy, sức mạnh chính trị phát xuất từ sự tương tác giữa tất cả, hay là một số, những nguồn sức mạnh sau đây, mỗi nguồn sức mạnh này bắt nguồn từ sự hợp tác, hỗ trợ và tuân phục của  người dân: uy quyền, nhân lực, kỹ năng và kiến thức, các nhân tố không nắm bắt được, vật lực và các hình thức chế tài. Như đã ghi nhận trước đây, những thay đổi về cường độ của những nguồn sức mạnh này của nhà cai trị sẽ quyết định mức độ quyền lực của ông ta. Bảng danh mục của chúng tôi liệt kê các phương pháp hành động bất bạo động và sự phân tích của chúng tôi về các động năng của kỹ thuật này cho thấy là những nguồn sức mạnh này có thể hết sức dễ bị tấn công nếu áp dụng đấu tranh bất bạo động một cách phổ quát và có phẩm chất. Chính cái khả năng của kỹ thuật bất bạo động có thể cắt bỏ được những nguồn sức mạnh đã đem lại cho kỹ thuật này sức mạnh cưỡng ép. Những phương thức chính xác theo đó các nguồn sức mạnh bị hạn chế hoặc bị cắt đứt, và mức độ các nguồn sức mạnh này bị cắt đứt, sẽ biến đổi. Kỹ thuật này có thể vừa hạn chế vừa cắt đứt các nguồn sức mạnh của đối phương, và còn cho thấy sự mất mát những nguồn sức mạnh này bằng những phương tiện khác nữa. Kỹ thuật này trở nên cưỡng ép khi những người áp dụng nó giữ lại hay rút lui, ở một mức độ quyết định, những nguồn sức mạnh cần thiết của đối phương. Hành động bất bạo động có thể làm cho việc “cưỡng ép bằng cách không tham gia” có thể thực hiện được. Tiềm năng này có ý nghĩa chính trị lớn lao hơn cả nên cần phải lưu ý đến các chi tiết, dù có phải lặp lại những điểm đã có nói đến trước đây, để chứng tỏ làm thế nào mỗi một nguồn sức mạnh này có thể bị cắt bỏ đi được.

  1. Uy quyền. Đấu tranh bất bạo động tác động lên quyền hành của đối phương theo ba cách: 1) Nó có thể cho thấy là đối phương đã mất bao nhiêu uy quyền rồi, và là một sự mất mát lớn lao rõ ràng về uy quyền sẽ làm yếu đi quyền lực của ông ta; 2) đấu tranh bất bạo động có thể xói mòn uy quyền của ông ta còn nhiều hơn nữa; và 3) những người đã từng phủ nhận uy quyền của ông ta có thể trở nên trung thành với một đối thủ đang đòi hỏi một chính phủ song hành, điều có thể làm suy yếu uy quyền của ông ta hơn nữa cũng như tạo nên hay làm trầm trọng thêm những vấn đề quan yếu khác. Bất cứ hệ quả nào trong số những hệ quả này cũng đều rất tai hại đối với quyền lực của đối phương.

    Chủ Nhật Đẩm Máu — biến cố dẫn đến việc mất uy quyền – đã được tiếp nối bằng lời nói của Bộ trưởng Tài chánh Vladimir Kokovstev cảnh báo Nga hoàng là cần phải làm một cái gì để lấy lại niềm tin của dân chúng, và bằng sự bộc lộ sợ hải của Bá Tước Witte, chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, là “hào quang của nhà lãnh đạo sẽ bị phá vỡ” nếu Nicolas đệ Nhị không công khai tách mình ra khỏi những biến cố thường nhật. Những cảnh báo này đã được chứng tỏ là đúng. Katkov còn nói đến chiến dịch của những người Nga cấp tiến đã bao nhiêu năm tố cáo và làm mất uy tín chế độ chuyên quyền, làm tan vỡ uy quyền của chế độ, lót đường cho sự thành công của “cuộc nổi dậy của quần chúng và vụ nổi loạn của đội quân đồn trú tại Petrograd đưa đến sự sụp đổ của đế chế mà không phải tốn xương máu…” vào tháng Hai năm 1917.

     Khi thuật lại vụ Đông Đức Nổi Dậy, Brant có nhận xét  là:

     Đối với dân thuộc Khu Vực Sô Viết thì đó [tuyên bố tình trạng khẩn trương của Hồng Quân, không phải của chính thể Đông Đức] là sự khẳng định điều mà họ đã biết: sau bảy năm nắm quyền những người Cộng Hoà Đỏ vẫn lệ thuộc vào quyền lực do những người bảo trợ họ cho vay mượn. Nhưng sự thống trị lâu dài lại tuỳ thuộc vào quyền lực ít hơn là vào uy quyền; quyền lực đòi hỏi sự khuất phục, và khuất phục lại có thể trở thành nổi loạn rất nhanh. Uy quyền đòi hỏi và có được sự kính nể, điều mà trong lúc khó khăn hay bất ổn sẽ được xác quyết bằng sự tự nguyện tuân phục.

    Trong trường hợp cực đoan, mất đi uy quyền trong một hệ thống hay một chế độ có thể đưa đến việc thừa nhận một đối thủ, một chế độ mới chớm nở, và do đó đưa đến sự chuyển đổi lòng trung thành và sự tuân phục từ chính quyền cũ sang chính quyền mới. (Có lúc lòng trung thành còn có thể được chuyển sang, không phải một chế độ cạnh tranh, mà là một uy quyền trừu tượng hơn, như là một hệ thống tôn giáo hay đạo đức, hoặc một nguyên tắc hay một ý thức hệ.)

    Một chính quyền song hành sẽ chỉ xuất hiện ở những trường hợp bất thường của đấu tranh bất bạo động trong những hoàn cảnh rõ ràng là cách mạng. Để thành công, chính quyền mới phải có được hậu thuẫn sâu và rộng, và chế độ cũ phải đã mất hết uy quyền trong đại đa số quần chúng. Tuy nhiên, khi có một chính quyền song hành hoạt động một cách đúng đắn thì uy quyền và quyền lực còn lại của đối phương sẽ bị đe doạ một cách trầm trọng.

    Một chính quyền song hành như thế dĩ nhiên sẽ gặp những vấn đề khó khăn, và chính quyền này có thành công được hay không còn tuỳ thuộc vào việc những vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào. Cho đến nay ít có công trình phân tích về những nhân tố đưa đến thành công hay thất bại của phương pháp này, hay là về những phương cách mà theo đó, khi thành công, chính quyền có thể sẽ được thay thế như thế nào.

  1. Nhân lực. Hành động bất bạo động có thể cắt đứt nhân lực cần cho sức mạnh chính trị của đối phương. Thường thường, trong những “thời gian bình thường”, các nhà cai trị hay cho rằng họ có được sự tuân phục tổng quát và hợp tác của người dân luôn luôn sẵn sàng vâng phục và làm tất cả những gì cần phải làm để duy trì họ như là những nhà cai trị và để làm cho hệ thống có thể hoạt động được. Tuy nhiên, việc thực thi hành động bất bạo động trên bình diện rộng lớn có thể phá vỡ giả định này. Chỉ cần nhân con số những thành viên bất hợp tác, bất tuân, và thách thức của nhóm người thừa hành và của dân chúng nói chung thì đã có thể tạo ra không những chỉ những vấn đề trầm trọng về việc thi hành luật lệ mà còn ảnh hưởng đến vị thế quyền lực của nhà cai trị nữa. Hành động bất bạo động có thể không những chỉ đem lại sự gia tăng bất đồng ý kiến ở những người thừa hành trực tiếp bị ảnh hưởng bởi yêu sách, mà còn dẫn đến việc những người thường hậu thuẫn đối phương (giả thiết có một sự khác biệt giữa hai nhóm người này) cũng rút lui sự đồng ý của họ.

    Việc rút nhân lực này có hiệu quả hơn hết 1) trong những xung khắc ngay tại trong nước của đối phương, nơi mà chính dân chúng bản xứ từ chối không cho ông ta có được sự hỗ trợ nhân lực mà ông ta cần, 2) trong những xung đột, như trong trường hợp ngoại thuộc, trong trường hợp này đối phương bị khước từ hỗ trợ của cả hai nhóm, nghĩa là những người thường hậu thuẫn ông ta (người cùng quốc gia với ông) và nhóm đưa ra yêu sách (người dân của quốc gia bị chiếm đóng).  Tuy vậy, ngay khi cả hai nhóm dân đã tham dự mà dù chỉ một nhóm (như trường hợp quốc gia bị chiếm đóng) kìm giữ lại sự hỗ trợ về nhân lực thì phương pháp bất hợp tác vẫn chứng tỏ là có hiệu năng với điều kiện là có được một số điều kiện thuận lợi khác.

    Gia tăng việc kìm giữ lại nhân lực theo con số tuyệt đối hay theo tỷ lệ có thể đưa đến một tình trạng thê thảm cho đối phương. Những nhân lực này, cùng với những nguồn sức mạnh khác, có thể bị làm suy giảm đồng thời với sự gia tăng các yêu sách đối với quyền lực đó, những yêu sách mà sự phát triển của bất hợp tác và thách thức đã tạo nên. Đối phương do đó có thể mất đi sự kiểm soát của tình thế và chế độ có thể trở thành bất lực. Khi điều này xảy ra trong chính trị thì hoạt động bất bạo động đã tạo ra được trong đấu trường chính trị những hiệu quả tương đương với một cuộc biểu tình có hiệu quả trong môi trường kỹ nghệ. Không tham gia có thể làm tê liệt hệ thống chính trị của đối phương. Tiềm năng này đã được Gandhi thấy trước rất rõ ràng:

     Tôi tin rằng, và ai cũng phải công nhận là, không có một Chính quyền nào có thể tồn tại chỉ trong chốc lát mà không có sự hợp tác của dân, dù là tự nguyện hay bị ép buộc, và nếu dân bỗng dưng rút lui tất cả mọi hợp tác, thì Chính phủ sẽ phải hoàn toàn ngưng hoạt động.

    Trong những thời kỳ chính yếu của cuộc Cách mạng Nga năm 1905, tình hình hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của chính quyền và cảnh sát bất lực trước sự can thiệp, thách thức của quần chúng thực quá sức là nghiêm trọng.

    Đối diện với sự thách thức bất bạo động quá lớn ở Peshawar vào tháng Tư năm 1930 và vụ phiến loạn Garwali, như đã trưng dẫn trước đây, người Anh đã phải tạm bỏ không kiểm soát thành phố này và đã rút quân, bỏ trống thành phố suốt gần mười ngày mãi cho đến khi có quân tiếp viện.

    Bản phúc trình của Uỷ Ban Devlin cho Chính phủ Anh năm 1959 cho thấy là lý do chính yếu của lệnh Khẩn Trương 1958 ở tại Nyasaland (bây giờ gọi là Malawi) là vì sợ sự lan rộng của bất hợp tác và bất tuân của người châu Phi sẽ đưa đến sự sụp đổ của chính quyền — chứ không phải là vì “âm mưu sát nhân” như đã từng được quảng bá quá rộng rãi vào lúc bấy giờ. Vào khoảng đầu tháng Ba, tình hình đã đạt đến điểm mà “Chính phủ hoặc phải hành động hoặc phải thoái vị.” Uỷ ban tuyên bố là: “Quyết định dẹp Quốc hội, theo chúng tôi nghĩ, là vì tin rằng nếu cứ để Quốc hội tiếp tục hoạt động thì sẽ gây bế tắc cho việc cai trị hơn là vì cái cảm tưởng rằng Quốc hội là, hay có thể là, một tổ chức khủng bố.”

  1. Kỹ năng và kiến thức. Người ta làm những công việc khác nhau, có những kỹ năng và kiến thức khác nhau, và một chế độ hay một hệ thống này thường cần một số những thứ này hơn những chế độ hay hệ thống khác. Do đó việc các nhân viên then chốt, các cán sự kỹ thuật, các giới chức, các nhà quản trị, v.v… rút lui hậu thuẫn của họ đối với đối phương (hay là giảm bớt hậu thuẫn) sẽ gây một tác dụng lên quyền lực của đối phương thực là lớn so với tỷ lệ người thực sự bất hợp tác.

     Sự từ chối hỗ trợ bởi những người dân cốt cán có thể gây khó khăn cho đối phương trong việc hoạch định và thi hành những chánh sách thích hợp với tình hình mà ông ta đang phải đối diện.  Điều này có thể đưa đến việc phải chấp nhận những chính sách được xem như là những lỗi lầm chính trị hoặc đưa đến việc không thể thực thi được những chính sách đã lựa chọn, hay là đưa đến những khó khăn trong việc thực thi như thế.

    Ví dụ trong vụ Thẩm Tra Dị Giáo (Inquisition) do Charles đệ Ngũ của Tây Ba Nha áp đặt lên xứ Hoà Lan, lúc bấy giờ đang bị Tây Ba Nha cai trị, sự đối kháng của các giới chức, của các quan toà, cũng như của người dân bình thường, hình như là yếu tố quyết định trong việc ngăn chặn sự thi hành cuộc Thẩm Tra này. Năm 1550 còn có một nỗ lực áp đặt một biện pháp khắc nghiệt hơn bao giờ cả, đó là “sắc chỉ máu”, phạt án tử hình cho tất cả mọi vi phạm. Tuy nhiên, người ta đã không thể thi hành sắc chỉ đó trên một bình diện rộng lớn được. Pieter Geyl báo cáo là cả những giới chức lẫn các quan toà đều chống đối sắc chỉ đó và đều từ chối hợp tác. “Theo ý kiến của những người đã thiết kế ra hệ thống thì việc bách hại tôn giáo ở Hoà Lan không bao giờ đem lại được gì ngoài sự khiếm khuyết.”

    Gandhi khẳng định là nếu những người Ấn đang nắm giữ những chức vụ chính thức dưới quyền của đế quốc Anh từ nhiệm thì kết quả có lẽ là sự chấm dứt của nền cai trị ngoại bang mà không cần đến sự bất hợp tác của quần chúng.Ông nói là con đường lựa chọn khác cho nước Anh sẽ là một nền độc tài thuần tuý quân phiệt; điều mà, ông lý luận, Anh quốc không dám nghĩ tới. Đã thường có những lời kêu gọi trong suốt cuộc đấu tranh của Ấn độ yêu cầu các giới chức từ nhiệm.

     Sự đóng góp chính yếu vào việc đánh bại cuộc đảo chánh Kapp [Kapp Putsch] do sự bất hợp tác của công chức và do việc các chuyên gia từ chối tham gia nội các đã được mô tả ở phần trên. Chính quyền Đức nhìn nhận vai trò đặc biệt của công chức trong cuộc đấu tranh đối kháng thụ động chính thức chống lại việc Pháp và Bỉ chiếm đóng vùng Ruhr khi họ cấm chính quyền các cấp, quốc gia, tỉnh và địa phương không được tuân lệnh những giới chức chiếm đóng.

    Dĩ nhiên là trong một vài hoàn cảnh chính trị và xã hội, xác suất những nhà quản trị và các giới chức – nghĩa là bộ máy hành chánh — chuyển đổi lòng trung thành của mình lớn hơn là trong những hoàn cảnh khác, nhưng một khi điều này xảy ra thì có thể là yếu tố quyết định. Quyền lực chính trị của đối phương cũng còn có thể bị làm cho suy yếu đi bởi những xung khắc ngay trong lòng chế độ, ở cấp cao cũng như thấp. Những xung khắc này có thể độc lập với đấu tranh bất bạo động, hoặc được làm cho nổi bật lên, hay ngay cả có thể được tạo ra bởi đấu tranh bất bạo động – như trong trường hợp những câu hỏi xem có nên nhượng bộ hay không và nên áp dụng loại đàn áp nào chẳng hạn. Trong lúc chế độ có thể cho thế giới bên ngoài cái ấn tượng là rất thống nhất, nhưng tình hình thực sự lại khác hẳn, dù có hay không có một phong trào đấu tranh bất bạo động.

    Nga hoàng, chẳng hạn, trên lý thuyết có quyền hạn tuyệt đối, mà vào năm 1905 không thể áp đặt ý muốn của mình lên những vị cố vấn cũng như không thể ngăn chặn được những mưu đồ và tranh chấp của họ.

     Sự rạn nứt bên trong Đảng Cộng Sản Sô Viết và chế độ năm 1924-27 là một thí dụ khác.

     Có nhiều nứt rạn xảy ra trong lòng chế độ Đức Quốc Xã về chính sách và vấn đề quản lý những vùng chiếm đóng của Liên bang Sô Viết. Việc Khrushchev thừa nhận những tranh cãi trong hàng ngũ lãnh đạo Nga về việc làm thế nào để phản ứng lại cuộc Cách Mạng Hung Gia Lợi là một khẳng định rằng những xung khắc như thế có thể xảy ra khi có một thách thức lớn từ bên ngoài chế độ. Chỉ sự hiện diện của những xung khắc nội tại như thế không mà thôi trong những điều kiện khác nhau thì cũng có thể làm nổi bật tác dụng của đấu tranh bất bạo động.

    Việc phân tích các động năng của đấu tranh bất bạo động gợi ý là vì nhiều lý do những xung khắc nội tại như thế có xác suất xảy ra nhiều hơn khi đối diện với đấu tranh bất bạo động trên bình diện rộng lớn, dù hiện tại không có bằng chứng tài liệu. Nơi nào có xung khắc nội tại thì nơi đó xung khắc nội tại này phương hại đến mức độ tiềm năng về kỹ năng, kiến thức, nhận định, và sinh lực,v.v… mà chế độ có để đối phó với thử thách.

  1. Những nhân tố không nắm bắt được. Những nhân tố như là thói quen tuân phục, lý tưởng chính trị, v.v. có thể bị đe doạ trầm trọng bởi đấu tranh bất bạo động được trải rộng. Một phong trào như thế sẽ làm công việc đả phá thói quen tuân phục vô điều kiện và phát huy khả năng lựa chọn có ý thức là nên tuân phục hay bất tuân. Công việc này có chủ đích làm cho quyền lực chính trị của đối phương phải lệ thuộc vào hậu thuẫn năng động và có chủ tâm của người dân.

    Đấu tranhbất bạo động cũng còn có thể liên hệ với những thay đổi về quan điểm và lý tưởng chính trị. Đấu tranh bất bạo động trong một vài hoàn cảnh (không khẩn thiết là đa số hoàn cảnh) phản ánh sự phổ biến nơi người dân những quan điểm thách đố các chủ thuyết đã từng chính thức được tôn sùng. Tuy nhiên, trong hầu hết các hoàn cảnh, những người đấu tranh thường chỉ lưu tâm đến hoặc một số yêu sách nào đó hoặc một nguyên tắc hay mục tiêu chính trị rộng lớn duy nhất, hay cả hai. Ngay cả những trường hợp như thế vẫn đóng góp được vào việc xói mòn thêm lòng tin vô điều kiện vào một chủ thuyết được chính thức chấp nhận. Trong một cuộc đấu tranh như thế, các biến cố có thể phản bác những giáo điều chính thức. Ví dụ phương pháp thách thức bất bạo động có hiệu quả đối với độc tài có thể phản bác quan điểm cho rằng bạo lực là sức mạnh vô địch. Hay là, người ta có thể chất vấn chủ thuyết cho là độc tài phản ánh ý muốn của “dân”, hoặc “Nhà nước của Công nhân”, khi mà dân chúng, hay công nhân, chứng minh ngược lại ở ngoài đường, khi họ đình công, hoặc không hợp tác chính trị. Hay là niềm tin độc tài là quảng đại và nhân đạo có thể bị phá vỡ bởi sự đàn áp chống lại những người bất bạo động đưa ra những đòi hỏi hợp lý. Mức độ các thành viên trong dân chúng như là một tập thể và đặc biệt là các thành viên của nhóm thống trị (chính quyền, Đảng, v.v…) có thể và sẵn sàng xét lại ý thức hệ chính trị được chính thức thừa nhận, sẽ biến đổi.  Có khi bám chặt vào ý thức hệ chính thức có thể bảo đảm là đàn áp sẽ nhậm lẹ và khắc nghiệt, mặc dù đây có thể là một giai đoạn tạm thời. Trong những cuộc xung đột khác, những người đấu tranh được xem như đang thi hành những nguyên tắc “thực thụ” nền tảng của  những chủ thuyết chính thức, trong lúc chế độ hiện hành bị xem như đang vi phạm và bóp méo những nguyên tắc này để hậu thuẫn cho  những chính sách ghê tởm của họ.

    Sự thảo luận ở đây chỉ có tính minh hoạ những phương cách theo đó đấu tranh bất bạo động có thể thay đổi những nhân tố không nắm bắt được đã từng giúp đảm bảo sự tuân phục của người dân và bảo toàn quyền lực của nhà cai trị.

  1. Vật lực. Đấu tranh bất bạo động có thể điều chỉnh mức độ cung cấp vật lực cho đối phương. Những tài nguyên này bao gồm sự kiểm soát hệ thống kinh tế, vận chuyển, phương tiện truyền thông, tài chánh, các nguyên liệu, và vân vân. Khả năng đấu tranh bất bạo động có thể áp đặt những trừng phạt kinh tế lên đối phương hẳn phải đã rõ ràng rồi, vì trong số 198 phương pháp của kỹ thuật này đã được mô tả trong các bài trước là những cuộc tẩy chay, đình công và can thiệp trực tiếp về kinh tế. Thêm vào đó, một số phương pháp khác cũng có thể có hiệu quả kinh tế gián tiếp, như gây rối loạn chính trị hay tăng tổn phí cho việc thi hành luật pháp, hay là làm mất thiện chí của đối phương, hay sự tin tưởng của công chúng, để thành phần thứ ba giữ lại tiền không cho vay, tiền đầu tư, mậu dịch và vân vân. Một quan điểm phổ thông giữa những kinh tế gia tất định – cho rằng hoạt động bất bạo động dĩ nhiên là vô hiệu quả và không thích đáng bởi vì các nhân tố tài chánh và vật chất quyết định hướng đi của chính trị — đã được đặt cơ sở trên một sự thiếu sót căn bản về sự hiểu biết kỹ thuật này.

    Các thứ thuế Townshend, mà người dân thuộc địa Mỹ đã than phiền hết sức gắt gao, đã được áp đặt để giảm bớt gánh nặng cho người Anh phải trả thuế bằng cách tăng lợi tức từ Bắc Mỹ.  Chiến dịch bất hợp tác của người dân thuộc địa không những đã chặn đứng việc đạt mục tiêu này mà còn áp đặt thêm được những tổn thất kinh tế lên Mẫu quốc nữa. Một phóng viên (có lẽ là Benjamin Franklin) đã nêu lên trên tờ London Public Advertiser ngày 17, tháng Giêng, năm 1769, là lợi tức tối đa ở các thuộc địa là 3.500 bảng Anh, trong lúc những thất thoát thương mãi của người Anh do chiến dịch không nhập cảng và không tiêu thụ của người Mỹ được phỏng định là 7.250.000 bảng Anh. Ông cũng nêu lên khả năng chiến tranh có thể xảy ra nếu chính sách đó vẫn tiếp tục, một chiến tranh mà người Anh phải tốn ít nhất là mười năm để thắng, phí tổn ít nhất là 100.000.000 bảng Anh, và để lại mất mát về mạng sống và một gia tài thù hận. Tại Anh quốc lúc bấy giờ, Gibson nói là: “…hầu hết các nhân vật trong công quyền đều được thuyết phục là cố thu những thứ thuế như thế chống lại sự đối kháng của thuộc địa là không có cơ sở về kinh tế và thiếu khôn ngoan về chính trị.”

    Có thể trưng thêm vô số thí dụ từ hai thế kỷ kể từ 1769, trong thời gian này đấu tranh bất bạo động đã giáng xuống những tổn thất vật chất lên đối phương đến nỗi sức mạnh kinh tế của họ, và do đó vị thế chính trị của họ, cả hai đều bị lâm nguy. Nhiều thí dụ trưng dẫn trước đây thuộc loại này, đặc biệt thuộc loại những cuộc đình công biến thành tổng đình công, những cuộc tổng đình công và những vụ ngưng hoạt động kinh tế.

    Tuy nhiên, xin trích dẫn thêm chỉ một thí dụ nữa mà thôi về việc đấu tranh bất bạo động tác động như thế nào lên các tài nguyên kinh tế của đối phương: những cuộc đấu tranh bất bạo động của người Ấn chống lại nền cai trị của người Anh. Những tổn thất kinh tế đại để có ba nguồn gốc: (1) trực tiếp khước từ lợi tức, (2) chi phí gia tăng cho việc quản lý và thi hành luật pháp, và (3) những vụ chủ ý tẩy chay kinh tế.

    Trong thời gian của cuộc đấu tranh 1930-31 của người Ấn, việc từ chối trả thuế và tẩy chay hàng hoá đem lại lợi tức cho chính quyền đã đem lại kết quả là chi phí phải gia tăng để đối đầu với phong trào bất tuân dân sự và chế độ người Anh đã bị thâm hụt ở các chính quyền cấp tỉnh. Ở nhiều thời điểm khác nhau, chính quyền Punjab đã bị thâm hụt 10.000.000 đồng tiền Ấn, chính quyền Bombay thâm hụt 10.250.000 đồng và những tỉnh Trung ương 5.000.000 đồng, Madras 8.700.000 đồng, Bengal 9.482.000 đồng và Bihar 4.200.000 đồng. Tổ chức Ấn Độ Trẻ trung của Gandhi bình luận: Khi chúng tôi ngăn chặn nguồn nuôi dưỡng chuyển đạt từ nạn nhân đến kẻ ăn bám thì đương nhiên là kẻ ăn bám bị suy yếu và chết đi trong lúc nạn nhân thì hồi sinh trở lại.” Rõ ràng là khước từ cung cấp lợi tức là một khía cạnh quan trọng của phong trào này.

Năm
 
 
——-
Tổng số triệu
bảng Anh xuất
cảng từ Anh sang thuộc địa Ấn
1924
90.6
1925
86.0
1926
81.8
1927
85.0
1928
83.9
1929
78.2
1930 (Năm tẩy chay)
52.9185

Những người từng lý luận rằng bất bạo động của Gandhi không có gì liên quan đến việc người Anh ra đi, rằng những lý do đích thực chính là kinh tế, đã có một giả thuyết sai lầm là không có một sự tương quan giữa hai điều này. Thực ra thì đã có một sự liên hệ mật thiết gây nên sự suy giảm tức khắc về mậu dịch và lợi nhuận.

    Một cuộc điều tra về xuất cảng vào Ấn Độ trong vài năm sẽ đem lại thông tin hữu ích.

    Đối với một số hàng, nhập cảng từ Anh giữa 1929 và 1930 đã giảm từ 18 phần trăm xuống tới 45 phần trăm. Tổng trưởng Ngoại giao Ấn nói với Hạ viện vào cuối năm 1930 là sự suy trầm tổng quát của mậu dịch thế giới đã làm cho xuất cảng vào Ấn Độ giảm 25 phần trăm, và ông ghi công Quốc hội đã tẩy chay làm giảm thêm 18 phần trăm nữa. Ngay cả 18 phần trăm vẫn là con số đáng kể, nhưng cuộc tẩy chay có thể đã gây được nhiều hiệu quả hơn thế. Nhập cảng vải bông của Anh vào Ấn Độ năm đó đã giảm thấp hơn nhiều so với số lượng vải bông nhập cảng từ tất cả những quốc gia khác gộp lại. Giữa tháng Mười 1930 và tháng Tư 1931, khi cuộc tẩy chay đang ở cao điểm, thì nhập cảng vải của Anh đã sụt 84 phần trăm. Các chủ nhân và công nhân xưởng Lancashire đã kiến nghị lên Tổng trưởng Ngoại giao Ấn yêu cầu ông phải “làm một cái gì để giải quyết vấn đề Ấn Độ.”

    Những điển này chỉ có mục đích minh hoạ, và cũng chỉ một cách nhẹ nhàng mà thôi. Những vụ đình công quy mô và những vụ ngưng hoạt động kinh tế tác động mạnh mẽ hơn nhiều lên những tài nguyên kinh tế của đối phương và lên mức độ quyền lực chính trị mà ông ta có thể sử dụng, như vụ Đình Công Tháng Mười Vĩ Đại năm 1905 hay vụ ngưng hoạt động kinh tế năm 1944 tại El Salvador và Guatemala đã chứng minh. Những vụ tẩy chay quốc tế của giới tiêu thụ và những cấm vận cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc đấu tranh.

  1. Chế tài. Ngay cả khả năng của đối phương áp dụng các hình phạt đôi khi cũng có thể bị ảnh hưởng bởi đấu tranh bất bạo động. Chúng ta đã thấy trước đây là sợ những hình phạt của nhà cai trị là một trong những lý do để tuân phục. Chúng tôi để ý là sự đe doạ hay sử dụng những hình phạt không khẩn thiết phải đưa đến tuân phục, và hình phạt có thể bị vô hiệu hoá bởi sự thách thức của đại đa số quần chúng.

    Hơn nữa, hình phạt như là một nguồn sức mạnh của nhà cai trị có thể bị hành động bất bạo động của những người giúp thực thi những hình phạt này làm cho suy giảm hay cắt bỏ đi. Thường thường điều này có nghĩa là cảnh sát hay quân đội thi hành lệnh đàn áp không hữu hiệu, hay hoàn toàn không tuân lệnh. Đôi khi hành động của những người khác có thể cắt đứt tiếp tế vũ khí và đạn dược, như khi những nhà cung cấp ngoại quốc ngưng chở hàng, hay khi đình công xảy ra tại các xưởng vũ khí nội địa và hãng chuyên chở. Các phương tiện kiềm chế này có thể rất quan trọng trong một số trường hợp.

    Khả năng đối phương áp dụng các hình phạt có thể bị ảnh hưởng bởi mức độ sẵn sàng thi hành mệnh lệnh đàn áp của nhân viên thừa hành — cảnh sát và quân đội. Trong một vài hoàn cảnh có thể có quá ít những người thừa hành như vậy bởi vì họ hoặc đã không tự nguyện hay là những người bị trưng dụng khước từ trách vụ. Trong những hoàn cảnh khác, cảnh sát và quân đội hiện hữu không thi hành mệnh lệnh một cách hữu hiệu, hay hoàn toàn không tuân lệnh – có nghĩa là nổi loạn. Những vụ nổi loạn đã từng xảy ra trong thời chiến, khi đang có cách mạng bạo động, và trong những trường hợp đấu tranh lẫn lộn cả bạo động và bất bạo động.

    Như đã có thảo luận trước đây, chúng ta có đủ lý do để tin rằng nổi loạn có cơ xảy ra nhiều hơn trong trường hợp đối kháng bất bạo động. Quân đội và cảnh sát không phải bị thương tích hay chết chóc do những người “phản loạn” gây nên và họ phải quyết định là có nên thi hành lệnh đàn áp tàn bạo những người bất bạo động hay không. Tuy nhiên, lơ là trong việc tuân lệnh, và sau cùng là công khai nổi loạn chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt mà thôi. Việc cảnh sát và quân đội thông cảm hay nhẫn tâm đối với những đau khổ mà họ gây nên cho nhóm người bất bạo động còn tuỳ từng hoàn cảnh. Dù sao thì tiềm năng sự tin cậy vào những người thừa hành đàn áp bị suy giảm vẫn có đó; điều này có thể được mô tả như là một khuynh hướng trong những xung đột bất bạo động. Gandhi hoàn toàn tin là những quân nhân gây thương tích và chết chóc cho những người hoạt động bất bạo động phải trải qua một kinh nghiệm đau buồn mà với thời gian sẽ làm cho họ ăn năn: “…một đạo quân mà dám bước qua xác chết những người đàn ông và phụ nữ vô tội sẽ không bao giời có thể lặp lại được thí nghiệm đó nữa.”

    Các nỗ lực cải hoá nhóm đối phương có thể tạo ra sự lơ là trong việc tuân theo lệnh đàn áp và công khai nổi loạn trong hàng ngũ cảnh sát và quân đội,điều có thể dẫn đến cưỡng ép lãnh đạo đối phương bằng bất bạo động. Trong những trường hợp khác, nổi loạn có thể xảy ra mà không cần có những nỗ lực cải hoá có chủ ý. Dù sao thì sự bất tuân phục của nhân viên thừa hành đàn áp cũng làm giảm đi sức mạnh của đối phương, và trong một vài trường hợp lại có tính quyết định. Những cuộc nổi loạn lan tràn của quân đội Nga trong những cuộc cách mạng 1905 và tháng Hai năm 1917 đã được mô tả ở trên. Trong trường hợp sau, những vụ nổi loạn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm tan rã chế độ Nga hoàng.

    Những người Đức Quốc Xã thừa nhận rõ ràng là nếu họ mất đi sự kiểm soát của Quân đội thì sức mạnh của họ sẽ bị yếu đi một cách trầm trọng; Goebbels bộc lộ là vào đầu tháng Hai, năm 1938, những người Đức Quốc Xã sợ hơn hết không phải là một vụ đảo chánh mà là sự từ chức tập thể của những giới chức cao cấp — một hình thức bất hợp tác.

    Trong thời gian cuộc Nổi Dậy phần lớn bất bạo động của Đông Đức vào tháng Sáu năm 1953, cảnh sát có lúc đã rút lui hoàn toàn hay là tự nguyện bỏ súng ống. Trong số các lực lượng võ trang của Đông Đức đã có nhiều trường hợp nổi loạn và bỏ vũ khí. Có ngay cả những bằng chứng về sự thông cảm của lính Nga và về sự miễn cưỡng phải bắn vào thường dân. Một số rất lớn những người Nga tuân hành lệnh tỏ ra là đã bị xuống tinh thần.  Có phúc trình là vào khoảng một ngàn sỹ quan và các cấp khác của Sô Viết đã từ chối bắn vào những người biểu tình, và năm mươi hai thành viên Đảng và quân nhân đã bị bắn vì bất tuân lệnh.

    Quân đội và cảnh sát dụng tâm trở nên vô hiệu năng một cách quy mô có thể làm giảm đi sức mạnh của đối phương. Khi các giới chức không chắc chắn về việc lệnh có được tuân hành hay không, nhất là khi đã có những cuộc nổi loạn nhỏ xảy ra, thì họ có thể ngần ngại trong việc ra lệnh hành động đàn áp gắt gao vì sợ gây ra phản loạn. Sự ngần ngại đó còn giới hạn các chế tài như là một nguồn sức mạnh. Một cuộc nổi loạn lớn sẽ có khuynh hướng thay đổi tương quan lực lượng một cách triệt để, và lúc đó đối phương khó mà chống lại được những yêu sách của những người đấu tranh bất bạo động. Thực ra thì lúc bấy giờ chế độ có thể đã tan rã.

Một vài nhân tố ảnh hưởng đến cưỡng ép bất bạo động

Không có một mô thức duy nhất nào cho việc thực thi cưỡng ép bất bạo động. Những nhân tố tạo ra phương pháp này được rút ra từ những hỗn hợp và tỷ lệ khác nhau; nhìn chung có ít nhất là tám nhân tố. Vai trò và sự hỗn hợp những nhân tố này sẽ không giống y như cũ, khi cưỡng ép bất bạo động được tạo ra phần lớn là do nổi loạn, chẳng hạn như khi đạt được cưỡng ép bằng cách làm tê liệt kinh tế và chính trị. Sự đóng góp của mỗi nhân tố sẽ tuỳ thuộc vào mức độ nhân tố này điều chỉnh được một hay nhiều nguồn sức mạnh cần thiết của đối phương.

    Nói một cách tổng quát thì cưỡng ép bất bạo động có thể thực hiện được ở nơi nào số lượng những người hành động bất bạo động rất là lớn, tính theo con số tuyệt đối cũng như theo tỷ lệ đối với dân số. Lúc đó thì có thể là đối phương không thể kiềm chế nổi vì sự thách thức quá ồ ạt; làm tê liệt kinh tế bằng bất hợp tác thì có lẽ có cơ may thực hiện được hơn. Can thiệp vào những nguồn sức mạnh lệ thuộc vào nhân lực, có hay không có chuyên môn cũng có thể có xác suất cao hơn.

    Mức độ đối phương lệ thuộcvào những người đấu tranh bất bạo động về những nguồn sức mạnh của ông ta cũng quan trọng. Sự lệ thuộc càng lớn thì cơ hội cưỡng ép bất bạo động càng cao. Do đó việc xét định chính xác ai sẽ là người khước từ hỗ trợ đối phương trở thành quan trọng. Hiller lý luận là “Mức độ bất tham dự cần có để đem lại những hiệu quả chính trị có thể đo lường được biến đổi theo vị thế chiến lược của những người biểu tình.”  Trong một số hoàn cảnh, đối phương có thể tương đối không quan tâm đến số lượng lớn những người dân không hợp tác và trong những hoàn cảnh khác ông ta lại có thể bị cưỡng ép bằng bất bạo động bởi một số người tương đối ít.

     Khả năngcủa nhóm bất bạo độngáp dụng kỹ thuật của đấu tranh bất bạo động sẽ rất là quan trọng. Vai trò của kỹ năng chiến đấu ở đây có thể tương đương với tầm quan trọng của nó trong bất kỳ loại chiến đấu nào. Kỹ năng ở đây bao gồm khả năng chọn lựa chiến lược, các chiến thuật và các phương pháp, thời điểm và địa điểm hành động, v.v., và khả năng hành động theo những động cơ và yêu cầu của kỹ thuật bất bạo động này. Khả năng áp dụng đấu tranh bất bạo động một cách khôn khéo sẽ giúp vượt qua được những nhược điểm của nhóm bất bạo động, khai thác những nhược điểm của đối phương, và đấu tranh chống lại những biện pháp phản công của đối phương.

    Có thực hiện cưỡng ép bất bạo động được hay không còn tuỳ thuộc vào sự thử thách và bất hợp tác có thể duy trì được bao lâu. Một hành động bất hợp tác ồ ạt mà tan rã sau một vài tiếng đồng hồ thì không thể cưỡng ép bất bạo động ai được. Sự sẵn sàng và khả năng duy trì hành động bất bạo động trong một thời hạn dài đủ dù bị đàn áp là cần thiết để làm suy giảm hay cắt đứt hẳn những nguồn sức mạnh của đối phương.

    Thiện cảm và hậu thuẫn của những thành phần thứ ba đối với nhóm bất bạo động có thể quan trọng trong việc thực hiện cưỡng ép bất bạo động nếu đối phương lệ thuộc vào họ về những vấn đề như là tài nguyên kinh tế, phương tiện chuyên chở, quân nhu và vân vân. Những tiếp tế này lúc đó có thể bị cắt đứt và vị thế quyền lực của đối phương theo đó bị suy yếu.

    Những phương tiện kiềm chế và đàn áp mà đối phương có thể sử dụng, và trong thời gian bao lâu, nhằm ép buộc hợp tác và tuân phục trở lại cũng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là phản ứng của những người đấu tranh đối với những phương tiện đó.

     Nhân tố cuối cùng đóng góp vào phương pháp cưỡng ép bất bạo động là chống đối trong hàng ngũ đối phương chống lại các chính sách có vấn đề hay chống lại đàn áp, hay chống cả hai. Số người bất đồng quan điểm, cường độ bất đồng ý kiến, loại hành động họ sử dụng, và vị thế của họ trong cấu trúc xã hội, kinh tế và chính trị, tất cả đều quan trọng ở đây. Đôi khi những rạn nứt ngay chính trong nhóm cai trị cũng có thể xảy ra. Nếu điều này xảy ra, hay nếu một cuộc tổng đình công hay một vụ nổi loạn lớn của quân đội và cảnh sát xảy ra chống lại việc đàn áp những người đấu tranh bất bạo động, thì đó là một nhân tố chính yếu tạo nên cưỡng ép bất bạo động.

 

    

    

    

    

   

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.