NỀN TẢNG CHO MỘT NỀN DÂN CHỦ LÂU BỀN
(Bài 023)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

 

    Sự phân huỷ của một nền độc tài dĩ nhiên là lý do để vui mừng lớn. Những người đã từng đau khổ quá lâu và đã từng đấu tranh với cái giá quá lớn đáng được có một thời gian để vui mừng, để thư dãn, và để được tôn vinh. Họ nên được cảm thấy hãnh diện về chính mình và về tất cả những người đã từng tranh đấu với họ để tranh thủ được tự do chính trị. Không phải tất cả mọi người đều còn sống để thấy được ngày hôm nay. Những người sống cũng như những người đã khuất đều được ghi nhớ như là những anh hùng đã giúp định hình cho lịch sử tự do của đất nước mình.

    Đáng tiếc đây không phải là lúc nên giảm bớt cảnh giác. Ngay cả trong thời gian biến cố của sự phân huỷ thành công của nền độc tài bằng thách thức chính trị, cũng cần phải có những phòng ngừa cẩn thận nhằm ngăn chặn một chế độ áp bức mới có thể trỗi dậy từ sự rối loạn tiếp theo sau sự sụp đổ của chế độ cũ. Các nhà lãnh đạo của các lực lượng đấu tranh cho dân chủ nên chuẩn bị sẵn trước một sự chuyển tiếp có trật tự cho một nền dân chủ. Những cơ cấu độc tài sẽ cần phải được huỷ bỏ. Cần phải tạo dựng những nền tảng hiến pháp và luật lệ và các chuẩn mực về hành tác của một nền dân chủ vững bền.

    Không ai nên tin tưởng là với sự sụp đổ của nền độc tài thì một xã hội lý tưởng tức khắc sẽ xuất hiện. Sự phân huỷ của nền độc tài đơn giản chỉ đưa ra một khởi điểm — với những điều kiện tự do được tăng cường — cho những nỗ lực dài hạn trong việc cải tiến xã hội và đáp ứng các nhu cầu của con người một cách đầy đủ hơn. Những vấn đề nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, và xã hội vẫn tiếp diễn trong nhiều năm, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều người và nhiều nhóm để tìm ra giải pháp cho những vấn đề đó. Hệ thống chính trị mới cần phải cung cấp những cơ hội cho người dân bằng những quan điểm và biện pháp được ưa chuộng để tiếp tục công cuộc xây dựng và hoạch địch chính sách nhằm giải quyết những vấn đề trong tương lai.

Những đe doạ của một nền độc tài mới 

Aristotle đã từng cảnh báo là “ …Chuyên chế chỉ có thể đổi thành chuyên chế…Có nhiều bằng chứng– từ nước Pháp (những người thuộc đảng phái Jacobin và Napoléon), Nước Nga (nhóm Bôn sơ vích), nước Ba Tư (Ayatolah), Miến Điện (SLORC [Uỷ Ban Phục Hồi Luật Pháp và Trật Tự của Nhà Nước]), và những nơi khác–rằng sự sụp đổ của một chế độ áp bức sẽ được một vài người hay nhóm người xem đơn thuần chỉ là cơ hội để họ nhảy vào như là những ông chủ mới mà thôi. Những động lực của họ có thể khác nhau, nhưng kết quả thường gần như là một. Nền độc tài mới có thể ngay cả tàn ác và toàn diện trong sự kiểm soát của họ còn hơn cả nền độc tài cũ.

    Ngay cả trước khi nền độc tài sụp đổ, những thành viên của chế độ cũ có thể cố rút ngắn cuộc đấu tranh thách thức đòi dân chủ bằng cách sắp xếp một cuộc đảo chánh được thiết kế với mục đích phỏng tay trên sự chiến thắng của phong trào quần chúng đối kháng. Cuộc đảo chánh này có thể tuyên bố lật đổ nền độc tài, nhưng trên thực tế chỉ tìm cách áp đặt một mô thức được sửa đổi lại của chế độ cũ mà thôi.

Chặn đứng những cuộc đảo chánh 

    Có những phương cách mà theo đó những cuộc đảo chánh chống lại các xã hội vừa mới được giải phóng có thể bị đánh bại. Biết trước được khả năng phòng vệ đó đôi khi có thể đủ để làm nản chí những người có ý đồ đảo chánh. Còn chuẩn bị thì có thể đưa đến khả năng ngăn chặn.

    Ngay sau khi một cuộc đảo chánh vừa mới bắt đầu, những người làm đảo chánh đòi hỏi cần có tính hợp pháp, nghĩa là, sự chấp nhận cái quyền –trên phương diện đạo đức và chính trị — được cai trị. Nguyên tắc căn bản đầu tiên của công việc phòng vệ chống  đảo chánh do đó là phủ nhận tính hợp pháp của những người làm đảo chánh.

    Những người làm đảo chánh cũng cần các nhà lãnh đạo dân sự và dân chúng ủng hộ họ, hay bị hoang mang, hoặc chỉ thụ động. Những người làm đảo chánh đòi hỏi sự hợp tác của các chuyên gia và các cố vấn, các chuyên viên bàn giấy và công chức, các nhà quản trị và các chánh án để củng cố sự kiểm soát của họ đối với xã hội đã bị dao động. Những người làm đảo chánh cũng còn đòi hỏi nhiều người đã từng sinh hoạt trong hệ thống chính trị, trong những cơ chế của xã hội, trong ngành kinh tế, trong cảnh sát, và trong các lực lượng quân đội phải chịu khuất phục một cách thụ động và thi hành những phần vụ thông thường của họ như đã được sửa đổi bởi các lệnh và chánh sách của những người làm đảo chánh.

    Nguyên tắc căn bản thứ hai cho phong trào phòng vệ chống đảo chánh là kháng cự lại những người làm đảo chánh bằng bất hợp tác và thách thức chính trị. Cần phải khước từ sự hợp tác và hỗ trợ mà những người làm đảo chánh cần phải có. Chủ yếu cũng cùng những phương tiện đấu tranh đã từng được sử dụng để chống độc tài có thể được sử dụng để chống lại đe dọa mới, nhưng phải được áp dụng tức khắc. Nếu cả tính hợp pháp lẫn hợp tác đều bị khước từ, thì cuộc đảo chánh có thể chết đi vì đói khát chính trị và cơ hội kiến tạo một xã hội dân chủ sẽ được phục hồi.

Soạn thảo hiến pháp 

    Hệ thống dân chủ mới sẽ đòi hỏi một hiến pháp thiết lập một cái khung mong muốn cho chính quyền dân chủ. Hiến pháp phải đưa ra những mục đích cho chính quyền, những quyền hạn của chính quyền, những phương tiện và thời điểm cho những cuộc bầu cử theo đó các giới chức chính phủ và những nhà lập pháp sẽ được lựa chọn, những quyền đương nhiên của người dân, và sự liên hệ giữa chính quyền quốc gia với những cấp khác thấp hơn của chính quyền.

    Bên trong chính quyền trung ương, nếu chính quyền này muốn vẫn là dân chủ, thì một sự phân quyền rõ ràng phải được thiết lập giữa những ngành tư pháp, hành pháp, và lập pháp của chính quyền. Những hạn chế mạnh bạo phải được đưa vào trong các sinh hoạt của cảnh sát, của những dịch vụ tình báo, và của những lực lượng quân đội để cấm cản bất cứ sự can dự chính trị hợp pháp nào.

    Để bảo toàn hệ thống dân chủ và ngăn chặn những khuynh hướng và những biện pháp độc tài, hiến pháp tốt hơn cả phải là một hiến pháp thiết lập một hệ thống liên bang với những đặc quyền quan trọng dành cho các cấp chính quyền vùng, tiểu bang, và địa phương. Trong một vài trường hợp, hệ thống hàng tổng của Thuỵ Sĩ có thể được xét nghiệm theo đó những khu vực tương đối nhỏ giữ lại những đặc quyền chính yếu, trong lúc vẫn là thành phần của một quốc gia toàn vẹn.

    Nếu trước đây trong lịch sử của quốc gia vừa được giải phóng đã có một hiến pháp có nhiều đặc điểm trong số những đặc điểm này, thì điều khôn ngoan có thể đơn giản là phục hoạt hiến pháp này, bằng cách tu chính lại hiến pháp theo nhu cầu và sự mong muốn của người dân. Nếu không có một hiến pháp cũ thích hợp, thì có thể cần phải sinh hoạt với một hiến pháp tạm thời. Ngoài ra sẽ cần phải soạn thảo một hiến pháp mới. Soạn thảo một hiến pháp mới sẽ tốn rất nhiều thời giờ và suy nghĩ. Sự tham dự của dân chúng trong tiến trình này là một điều đáng làm và cần phải có để thông qua một văn bản mới hay các tu chính án. Người ta phải nên hết sức thận trọng trong việc đưa vào trong hiến pháp những hứa hẹn mà sau này tỏ ra là không thể thực thi được hay là những điều khoản thường đòi hỏi một chính quyền hết sức là trung ương tập quyền, vì cả hai điều này đều có thể làm cho một nền độc tài mới dễ xảy ra.

    Ngôn ngữ của hiến pháp cần phải dễ hiểu đối với đa số dân chúng. Một hiến pháp không nên quá phức tạp và quá mơ hồ đến độ chỉ có những luật sư hay những nhóm ưu tú khác mới cho là chỉ có mình mới hiểu được.

Một chánh sách phòng vệ dân chủ 

    Quốc gia được giải phóng có thể phải đối diện với những đe doạ từ quốc ngoại đòi hỏi cần phải có một khả năng phòng vệ. Quốc gia này cũng có thể bị đe doạ bởi những nỗ lực của quốc ngoại cố thiết lập sự thống trị về kinh tế, chính trị, hay quân sự.

    Để duy trì dân chủ trong nước, người ta cần phải xét nghiệm một cách nghiêm túc việc áp dụng những nguyên tắc về thách thức chính trị cho các nhu cầu phòng vệ quốc gia.2Bằng cách đặt khả năng đối kháng vào trong tay của nhân dân, những quốc gia vừa mới được giải phóng có thể tránh được nhu cầu cần phải thiết lập một khả năng quân sự hùng mạnh có thể tự nó đe doạ nền dân chủ hoặc đòi hỏi những tài nguyên kinh tế lớn lao rất cần cho những mục đích khác.

    Cần nhớ rằng có một vài phe nhóm sẽ không màng để ý đến bất cứ điều khoản hiến pháp nào khi họ nhắm đến việc tự đặt chính mình vào vị thế của những nhà độc tài mới. Cho nên, sẽ có một vai trò thường trực cho dân chúng trong việc áp dụng thách thức chính trị và bất hợp tác chống lại những nhà độc tài có thể có và trong việc bảo toàn các cơ cấu, các quyền, và các thủ tục dân chủ.

Một trách nhiệm dựa trên sự xứng đáng 

    Tác dụng của đấu tranh bất bạo động không những chỉ là làm suy yếu và lật đổ các nhà độc tài mà còn phải là tăng sức mạnh cho những kẻ bị áp bức nữa. Kỹ thuật này tăng khả năng cho những người mà trước kia cảm thấy mình chỉ là những con chốt hay những nạn nhân nay có thể tung ra sức mạnh một cách trực tiếp để, bằng những nỗ lực của chính mình, tranh thủ được nhiều tự do và công lý hơn. Kinh nghiệm đấu tranh này có những hệ quả tâm lý quan trọng, đóng góp vào sự gia tăng lòng tự trọng và tự tin nơi những người trước đây cảm thấy mình bất lực.

     Một hệ quả dài hạn quan trọng có lợi của việc sử dụng đấu tranh bất bạo động để thiết lập chính quyền dân chủ là xã hội sẽ có khả năng hơn trong việc giải quyết những vấn đề đang tiếp diễn và những vấn đề trong tương lai. Những vấn đề này có thể bao gồm việc chính quyền lạm dụng và tham nhũng trong tương lai, đối xử tồi tệ với bất cứ nhóm nào, tạo những bất công về kinh tế, và hạn chế những phẩm chất dân chủ của hệ thống chính trị. Dân chúng đã từng trải nghiệm trong việc sử dụng thách thức chính trị có lẽ sẽ ít bị tổn thương hơn đối với những nền độc tài trong tương lai.

    Sau giải phóng, sự quen thuộc với đấu tranh bất bạo động sẽ cung cấp những phương cách bảo vệ dân chủ, các tự do dân sự, các quyền của thiểu số, và những đặc quyền của các chính quyền cấp vùng, cấp tiểu bang, và cấp địa phương và của các cơ chế phi chính phủ. Những phương tiện như thế cũng còn cung cấp những phương cách theo đó người dân và các nhóm có thể biểu lộ sự bất đồng ý kiến cực đoan một cách hoà bình về những vấn đề được xem là quan trọng đến độ các nhóm đối lập đôi khi đã phải sử dụng khủng bố hay chiến tranh du kích.

    Những suy tư trong việc xét nghiệm này về thách thức chính trị hay đấu tranh bất bạo động nhằm mục đích giúp cho tất cả những người và nhóm người đang tìm cách loại bỏ sự áp bức độc tài đối với người dân của mình và thiết lập một hệ thống dân chủ vững bền tôn trọng các tự do của con người và hoạt động của dân chúng trong việc cải tiến xã hội.   

    Có ba kết luận chính cho những ý nghĩ đã được phác hoạ ra ở đây:

  • Giải phóng khỏi độc tài có thể thực hiện được;
  • Đòi hỏi cần phải có suy tư thật cẩn trọng và thiết kế chiến lược để đạt được điều này; và
  • Cần phải có cảnh giác, làm việc cần mẫn, và đấu tranh có kỷ luật thường là phải trả giá rất đắt.

    Câu văn thường được trích dẫn “Tự do không phải là cho không” thật đúng vậy. Không có một lực lượng bên ngoài nào đến để cống hiến cho những kẻ bị áp bức cái tự do mà họ từng quá mong ước. Người ta sẽ học làm thế nào để tự chính mình tranh thủ lấy tự do. Dễ dàng thì công việc này không thể dễ dàng.

    Nếu người ta nắm chắc được điều gì cần được đòi hỏi để có được giải phóng cho chính mình, thì họ có thể hoạch định được những đường hướng đấu tranh mà, với nhiều công lao nhọc nhằn, có thể sau đó đem lại tự do cho họ. Lúc bấy giờ, với cảnh giác, họ có thể kiến tạo được một trật tự dân chủ mới và chuẩn bị để bảo vệ trật tự này. Tự do tranh thủ được bằng đấu tranh thuộc loại này có thể vững bền. Tự do này có thể được duy trì bởi những người kiên quyết, dấn thân vào công việc bảo tồn và làm cho sự tự do đó được phong phú.


CƯỚC CHÚ

1 Aristotle, The Politics[Chính Trị], Tập V, Chương 12, t. 233.

2Xem Gene Sharp, Civilian-Based Defense: A Post-Military Weapons System[ Phòng Vệ Dựa Trên Căn Bản Dân Sự: Một Hê Thống Vũ Khí Hậu Quân Sự] (Princeton, New Jersey: Princeton University Press, 1990).

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.