CHỮ HIẾU TRONG VĂN HOÁ DÂN GIAN CỦA DÂN TỘC, Phần II
Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái
Philadelphia, ngày 18, tháng 12, 2018
II. LÝ DO CỦA HIẾU ĐẠO
Chúng ta vừa tìm hiểu ý nghĩa của hiếu đạo là gì và người Việt đã thi hành hiếu đạo như thế nào. Câu hỏi còn lại là tại sao người talại phải có hiếu?
- Con người có hiếu bởi vì biết ghi nhận công lao, nhọc nhằn của cha mẹ trong việc sinh thành, nuôi nấng, dạy dỗ và che chở cho con đến lúc trưởng thành.
Trong Ngũ kinh, có kinh Thi đề cập đến sự cần cù, lao lực (cù lao) của mẹ cha trong việc sinh thành và nuôi dưỡng con cái qua chín chữ: “cữu tự cù lao”, đó là: 1. sinh (生: cho con ra đời), 2. cúc (鞠:nuôi dưỡng), 3. phủ (撫:vỗ về), 4. dục (育:dạy dỗ), 5. súc (蓄: cho con bú), 6. trưởng (長:nuôi con khôn lớn), 7. cố (顧:chăm sóc), 8. phục (復:uốn nắn tuỳ theo tính tình), 9. phúc (腹:bồng bế, ôm ấp, che chở).
Trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật kể đến mười công đức của mẹ đối với con. 1. Chín tháng cưu mang khó nhọc, 2. Sợ hãi, đau đớn khi sinh, 3. Nuôi con cam chịu cực khổ, 4. Nuốt cay, mớm ngọt cho con, 5. Chịu ướt, nhường ráo cho con, 6. Sú nước, nhai cơm cho con, 7. Vui vẻ giặt đồ dơ cho con, 8. Thương nhớ khi con xa nhà, 9. Có thể gây tội vì con, 10. Nhịn đói cho con được no.
Đối với người bình dân, có lẽ đa số sẽ không nhớ được chính xác chín chữ cù lao là gì. Nhưng tất cả mọi người, trên thực tế, đều nhìn nhận được sự khó nhọc, cần cù, lao lực của cha mẹ trong việc sinh thành, nuôi nấng, dạy bảo cho con khôn lớn thành người. Do đó con cái biết ơn và tìm cách đền ơn cha mẹ:
Đội ơn chín chữ cù lao,
Sinh thành kể mấy non cao cho bằng.
Cha sinh, mẹ dưỡng ra con,
Cũng như trời đất nước non không cùng.
Vẫn là một khí huyết chung,
Chia riêng mày mặt, trong lòng sinh ra.
Bào thai chín tháng mang ta,
Kiêng khem tật bệnh, ai hoà chịu chung.
Vượt bể Đông có bè có bạn,
Mẹ sinh ta, vượt cạn một mình.
Sinh ta mát mẻ yên lành,
Từ nay mẹ mới yên lành không lo.
Chốn lạnh ướt để cho mẹ ngủ,
Nơi ấm êm, mẹ ủ con nằm.
Năm canh, con khóc cả năm,
Ôm con, mẹ chịu khổ tâm lo phiền.
Khi con ốm sốt chẳng yên,
Con phiền có một, mẹ phiền bằng hai.
Ngọn đèn chong bóng canh dài,
Nghĩ thua, nghĩ được, có ai ngỏ cùng.
Con rày đã yên lành mát mẻ,
Mẹ mới lòng vui vẻ, không lo.
Dành riêng quà bánh nhường cho,
Sắm riêng quần áo mới đồ chiều con.
Trông con nằm ngủ, ăn ngon,
Sợ con thất ý, lại còn hờn lâu.
Hai ba tuổi độ, hầu học nói,
Tập dạy cho thưa nói dần dần.
Đến chừng biết mặc áo quần,
Nuôi thầy dạy học, tập văn, tập bài.
Kể với ai cửa nhà nghèo đói,
Trông cho con theo dõi người ta.
Đến ngày con bước đi ra,
Mẹ cha biết mấy thịt da tiêu mòn.
Đến khi con mười lăm, mười tám,
Lấy vợ cho con, lại sắm cửa nhà.
Sinh ta, rồi lại nuôi ta,
Công như trời đất sinh ra giống người.
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Làm người trước liệu hiếu thân,
Cảm ơn cha mẹ ân cần nuôi con.
Trăm năm mấy buổi thần hôn,
Một mai mấy buổi liệu đường kính lên.
Sao cho trọn chữ tri niên,
Sao cho trọn chữ chung thiên với người.
Kể từ mẹ mới thụ thai,
Biết bao khí huyết mẹ bù cho con.
Đến ngày hình thể vẹn tròn,
Ví như vượt biển trèo non, nặng nề.
Kiêng ăn, kiêng ngủ ê chề,
Đã e chín tháng còn e mười ngày.
Kể từ hoa nở liền tay,
Bao giờ mẹ đó con đây mới mừng.
Lòng yêu con mấy cho bằng,
Nâng chừng như trứng, hứng chừng như hoa.
Phải con hay khóc hay la,
Ban đêm quên ngủ, ban ngày quên ăn.
Tháng hè đưa võng liền chân,
Tháng đông ướt áo, dậy trần quản chi.
Đầy năm biết đứng, biết đi,
Dắt tay từng bước, phòng khi lỡ làng.
Miếng ngon những nhịn cùng nhường,
Ba năm bú mớm, mẹ gầy dường xác ve.
Nghĩ đà ơn mẹ nhiều bề,
Kìa như dạy dỗ lại về ơn cha.
- Con cái có hiếu vì sự hy sinh và tình thương bao la, vô bờ bến của mẹ: thức suốt năm canh khi con khóc, con đau, nằm bên ướt để bên ráo cho con ngủ.
Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.
Nước mắt chảy xuôi
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chày, thức đủ năm canh.
Mẹ già như ánh trăng khuya,
Dịu dàng soi tỏ bước đi con hiền.
Chim trời ai dễ đếm lông,
Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày.
Đố ai đếm được lá rừng,
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao.
Đố ai đếm được vì sao,
Đố ai đếm được công lao mẫu từ.
Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.
Ru con giữa buổi chiều đông,
Để mẹ tát nước giữa đồng đêm nay.
Gầu giai mẹ đổ luôn tay,
Cho lành manh áo cho đầy cơm con.
Cho lòng mẹ đỡhéo hon,
Cho gương mặt trẻ đẹp tròn như gương.
Quản gì một nắng hai sương,
Quản gì gió bụi trên đường con ơi.
Ru con mẹ hát mấy lời,
Ngủ đi cho mẹ còn rời gối tay.
- Mặc dù người bình dân không biết được khoa di truyền học cũng như ảnh hưởng của ngoại giới đối với việc tác thành khả năng và nhân cách của con cái theo quan điểm khoa học, nhưng qua kinh nghiệm sống họ ý thức được rõ ràng rằng những gì họ có được về khả năng là do huyết thống của cha mẹ để lại cọng với những điều kiện vật chất của ngoại giới và sự dạy bảo, un đúc của cha mẹ.
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.
Có cha mẹ mới có ta,
Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng.
Khôn ngoan nhờ ấm cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
Đạo làm con chớ có hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.
Khôn ngoan nhờ đức cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
- Hiếu đạo có một tương quan nhân quả với tư cách của cha mẹ. Mặc dù Khổng giáo chính thống thường đề cao vai trò và ảnh hưởng của người cha, nhưng thiết nghĩ nếu cha mẹ, nhất là mẹ, nhân từ và có hiếu thì sẽ có những người con cũng có hiếu.
Phụ từ, tử hiếu
Anh ở sao mà rể gọi là con,
Thì bia vàng khắc chữ sơn son để đời.
Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.
- Con cái có hiếu vì sự giáo dục của cha mẹ. Cha mẹ luôn luôn nhắc nhở con cái phải hiếu thảo vì công ơn trời biển của cha mẹ, không được phụ bạc ơn nghĩa của cha mẹ. Giáo dục là một yếu tố căn bản trong hành vi hiếu đạo của con cái đối với cha mẹ.
Con ơi nên nhớ lời này
Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên.
Dạy con, con nhớ lấy lời:
Trọng cha, kính mẹ, suốt đời khó quên.
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ, ghi lòng con ơi!
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời,
Ra đi mẹ có dặn dò,
Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua.
Gặp người đáng bậc mẹ cha,
Chào thưa vâng dạ mới là con ngoan.
Ngó lên ngọn núi Ba Non:
Công cha nghĩa mẹ, làm con phải đền.
Ba năm bú mớm con thơ,
Kể công cha mẹ biết cơ ngần nào.
Dạy rằng chín chữ cù lao,
Bể sâu không ví, trời cao không bì.
Thờ cha mẹ, ở hết lòng,
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường.
Chữ đễ nghĩa là nhường,
Nhường anh, nhường chị lại nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ, chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em.
Công cha nghĩa mẹ cao dày:
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ hai thân.
Thức khuya dậy sớm chuyên cần,
Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con.
Công cha, nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
Nuôi con cho được vuông tròn,
Mẹ thầy dầu dãi, xương mòn gối long.
Con ơi, cho trọn hiếu trung,
Thảo ngay một dạ, kẻo luống công mẹ thầy.
Trời thu vừa gặp tiết lành,
Muôn dân yên khoẻ, thái bình âu ca.
Muốn cho yên nước, yên nhà,
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
Trong bốn nghiệp ra công gắng sức,
Đường nghĩa phương ta phải khuyên con.
Lắng tai nghe mẹ giãi bày,
Cha sinh mẹ dưỡng sánh tày bể Đông.
Lấy gì trả nghĩa, đền công,
Ở sao cho xứng tấm lòng mẹ cha.
Nuôi con tươi tốt như hoa,
Phòng khi cha già mẹ yếu cậy con.
Bữa ăn không biết mùi ngon,
Đắng cay mẹ chịu vì con đêm ngày.
Cha mẹ mong tháng mong ngày,
Nặng nề chín tháng mười ngày cưu mang.
Công cha xiết kể bằng ngàn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Cha mẹ một tuổi một già,
Cù lao dưỡng dục, con mà dám quên.
Mẹ cha nuôi nấng, dưỡng sinh,
Bù trì khó nhọc sinh thành ra con.
Sớm khuya định tỉnh thần hôn,
Mong cho con chóng lớn khôn kịp người.
Mẹ cha vất vả mấy mươi,
Cái giường, cái chiếu, cái nôi con nằm.
Vui khi con ngủ, con ăn,
Buồn khi khó ở, nhọc nhằn không yên.
Chốn ráo con nằm đã êm,
Cha mẹ thắp đèn, thức giấc thâu đêm.
Công cha, nghĩa mẹ đừng quên,
Cho nên báo đáp, trả đền hẳn hoi.
Dù cho vật đổi sao dời,
Có biết công cha mẹ, mới phải người hiếu trung.
Làm con phải nghĩ trước sau,
Công cha nghĩa mẹ lo âu báo đền.
Nhớ ơn cúc dục sanh thiềng,
Núi cao bể rộng biết đền thế nao.
Ngẫm ngùi chín chữ cù lao,
Nỗi niềm báo đáp, biết bao cho vừa.
Ngọt bùi rượu sớm trà trưa,
Nóng toan quạt mát, lạnh ngừa sưởi than.
Một hình thức giáo dục đắc dụng là điều kiện hoá hành vi bằng cách ru ngủ ghi dấu ấn vào tiềm thức con trẻ. Dĩ nhiên là người bình dân không biết được phương pháp điều kiện hoá theo khoa tâm lý học, nhưng kinh nghiệm sống đã giúp họ biết giáo dục con cái theo phương thức không khác gì phương pháp này:
Ru con giữa buổi chiều đông,
Để mẹ tát nước giữa đồng đêm nay.
Gầu giai mẹ đổ luôn tay,
Cho lành manh áo cho đầy cơm con.
Cho lòng mẹ đỡhéo hon,
Cho gương mặt trẻ đẹp tròn như gương.
Quản gì một nắng hai sương,
Quản gì gió bụi trên đường con ơi.
Ru con mẹ hát mấy lời,
Ngủ đi cho mẹ còn rời gối tay.
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chày, thức đủ năm canh.
Giấc hoè, giấc quế, êm êm,
Chữ trung, chữ hiếu, mẹ tìm mẹ ru.
Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về.
Cái ngủ mày ngủ cho say,
Mẹ mày vất vả chân tay suốt ngày.
- Một lý do khác khuyến khích hiếu đạo là vì những người con có hiếu được xã hội quý trọng và ca ngợi. Đó là một phần thưởng tinh thần có giá trị mà ai cũng muốn nhận lãnh.
Những người hiếu để trung trinh,
Vẻ vang tiên tổ, vang danh họ hàng.
Em thì đi cấy ruộng bông,
Anh đi cắt lúa để chung một nhà.
Đem về phụng dưỡng mẹ cha,
Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.
Anh ở sao mà rể gọi là con,
Thì bia vàng khắc chữ sơn son để đời.
Triều đình còn chuộng thi thơ,
Khuyên anh đèn sách sớm khuya học hành.
May nhờ phận có công danh,
Mà anh phú quý, ấy mình vẻ vang.
Khuyên đừng trai gái loang toàng,
Khuyên đừng chè rượu, nữa mang tiếng cười.
Cũng đừng cờ bạc đua chơi,
Sao cho sự nghiệp ra người trượng phu.
Làm sao cho tiếng danh nho,
Thần Trung, tử Hiếu để cho khen cùng.
(Còn tiếp: Phần III:SỰ KHÁC BIỆT GIỮA LÝ THUYẾT KHỔNG GIÁO VÀ THỰC HÀNH TRONG DÂN GIAN NHƯ LÀ MỘT KHẲNG ĐỊNH VỀ GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA DÂN TỘC, và Phần IV: TỔNG KẾT)
Post Views:
143
0 Comments