NHỮNG CỘT TRỤ CHỐNG ĐỠ
(Bài 025)

Delidah nói với Samson: “Nói cho em biết đi, em cầu xin anh,
sức mạnh của anh nằm ở chỗ nào,
và chỗ yếu nhất anh có thể bị đánh là ở đâu.”
–Các Quan Toà, 16:6

Robert L. Helvey
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Các tổ chức và cơ chế được tạo nên bởi sự hỗn hợp của những nguồn sức mạnh như đã được trình bày trong Bài 024. Những nguồn sức mạnh do các nhóm này cung cấp đã đem lại cho chính quyền khả năng cai trị. Bất cứ chế độ nào cũng lệ thuộc vào một vài cột trụ chống đỡ hơn là những cột trụ khác. Đồng thời, những chế độ độc đoán cố giới hạn sự bành trướng và sức mạnh của những cột trụ chống đỡ của đối phương. Cho nên không có gì ngạc nhiên trong một cuộc đấu tranh bất bạo động chiến lược, tụ điểm công tác của các kế hoạch gia là về vấn đề về sắp xếp và thấu hiểu các khả năng của những cột trụ chống đỡ.

Nhận dạng những cột trụ chống đỡ 

Nhận dạng và phân tích những cột trụ chống đỡ là căn bản khi các đối thủ của một chế độ bắt đầu nghĩ về bất cứ một chiến lược bất bạo động nào. Viễn tượng cải cách chính trị hay thay đổi chế độ thật là xa vời cho đến khi nào những cột trụ chủ chốt của chế độ bị xói mòn, bị vô hiệu hoá, hay là bị phá vỡ. Những người xúc tiến một cuộc đấu tranh bất bạo động chống lại một chế độ độc đoán, do đó, phải hết sức chú ý đến những cơ chế và tổ chức then chốt.

Cảnh sát 

Khẩu hiệu “bảo vệ và phục vụ” mô tả hình ảnh mà hầu hết các nha sở cảnh sát trên toàn thế giới đều tìm cách phô bày ra trước công chúng. Tuy nhiên, danh tánh người được bảo vệ và phục vụ thì không phải luôn luôn là dân chúng. Ngược lại, cái “bộ mặt” được nhìn thấy nhiều nhất và hiện diện khắp nơi của chính quyền đôi khi lại dành ưu tiên bảo vệ và phục vụ một chế độ thối nát và đàn áp.

    Theo lẽ thông thường người ta cho rằng ở nơi nào mà tham nhũng đã thành hệ thống, thì cải cách khó hơn cả, nếu không phải là không thể được nếu không thay đổi chế độ. Ngay cả trong những xã hội dân chủ, một khi mà tham nhũng đã ăn sâu vào trong cơ cấu của cảnh sát rồi thì cải cách chỉ có thể thực hiện được khi thay thế những cá nhân mà nhân viên cảnh sát phúc trình công tác. Một khía cạnh tích cực trong việc đặt cảnh sát địa phương dưới quyền thanh tra của những giới chức dân cử địa phương là nhân dân có người trực tiếp chịu trách nhiệm về những hành động của nhân viên các nha sở cảnh sát. Nơi nào có một lực lượng cảnh sát quốc gia thì việc tạo ảnh hưởng đối với hành vi của cảnh sát ở cấp địa phương trở nên khó khăn hơn.

    Người dân không cần phải đợi có một sự thay đổi chế độ mới bắt đầu thay đổi những thái độ và hành vi của nhân viên cảnh sát. Có một vài nhân tố cần ghi nhớ liên hệ đến cảnh sát. Trước tiên, cảnh sát thường ở trong cộng đồng mà họ phục vụ. Do đó, gia đình, bà con, những người quen biết và bạn bè của họ đã thiết lập một mạng lưới giao lưu (ví dụ, nhà trường, các cơ sở thương mại, những tổ chức tôn giáo, và các nhóm xã hội). Lúc bấy giờ, nếu chính quyền mô tả những người trong cộng đồng chống chế độ như là những tên tội phạm, những tên gián điệp, hay là những tên khủng bố, thì cảnh sát đã có một điểm quy chiếu khác để đánh giá sự tuyên truyền của chính quyền. TS. Gene Sharp, đã từng sống tại Na-Uy trong lúc nghiên cứu phong trào kháng chiến Na-Uy chống lại sự chiếm đóng của người Đức trong thời Thế Chiến Thứ Hai, đã sung sướng thuật lại những câu chuyện về cảnh sát địa phương thi hành lệnh của chính quyền Đức “một cách chính xác”. Trong một trường hợp, khi cảnh sát địa phương tiếp xúc với gia đình người sẽ bị bắt đã yêu cầu là nghi can phải được thông báo về việc ông ta sắp bị bắt, đầy đủ về ngày, giờ và phút mà công dân này có thể chờ để đón tiếp các giới chức đến bắt ông tại nhà mình.

    Thứ đến, các lực lượng cảnh sát thi hành lệnh của một nhà độc tài, nói một cách tổng quát, không nên bị xem là kẻ thù của nhân dân. Họ là công chức của một hệ thống lầm lạc. Chính hệ thống mới cần phải được thay thế, chứ không phải hằng ngàn người lương thiện và đáng tôn trọng được huấn luyện và có những kĩ năng cần thiết cho việc phục vụ và bảo vệ một xã hội dân chủ. Dĩ nhiên là có một số người phải được tách riêng ra để được truy tố hình sự về những tội giết người, tra tấn, hay là cướp của, nhưng chủ đích phải nhắm vào những cá nhân đó, chứ không phải tất cả những người phục vụ trong các lực lượng cảnh sát. 

Quân đội

Việc sử dụng lực lượng quân đội để tại quyền được những chế độ độc đoán xem như là con “bài chủ”. Không giống như nhân viên cảnh sát sống và làm việc trong cộng đồng địa phương, những đơn vị quân đội thường được tách biệt khỏi xã hội dân sự, có nhà cửa, các khu thương xá, bệnh viện và trường học riêng. Sự cách biệt với công chúng có khuynh hướng cản trở sự phát triển những liên hệ cá nhân giữa những gia đình quân nhân và dân chúng. Khi một chính quyền quyết định can thiệp bằng những lực lượng quân đội trong một cuộc xung đột chính trị, thì có ít động cơ cho những đơn vị quân đội để họ hành động kiềm chế trong việc sử dụng bạo lực. Trong cuộc nổi dậy tại Miến Điện năm 1988, và, một năm sau đó, tại Trung Quốc, chính quyền đã gửi những đơn vị từ vùng bên ngoài, cận kề những khu vực can thiệp. Trong những trường hợp này, quân đội được chính quyền xem như là đáng tin cậy hơn là cảnh sát và nghĩa quân địa phương, và do đó tuân lệnh hơn. Tại một vài quốc gia, những nơi được tiên đoán là sẽ có những cuộc biểu tình lớn, thì có những đơn vị chống nổi loạn được huấn luyện và trang bị đặc biệt, được thiết lập để nâng cao khả năng phản ứng khi cần sự can thiệp quân sự.

    Thời gian hoạch định những kế hoạch để phá vỡ sự sẵn sàng của Quân đội can thiệp chống lại những người dân đối kháng phải xảy ra trước — rất nhiều — sự quyết định của chính quyền sử dụng họ. Chìa khoá của bất cứ những kế hoạch nào muốn phá vỡ sự sẵn sàng của Quân đội sử dụng các lực lượng chống lại những người đối kháng là thuyết phục họ rằng mạng sống của họ và mạng sống của gia đình họ không bị đe doạ và quân nhân chuyên nghiệp sẽ có một tương lai bảo đảm dưới thể chế dân chủ.

    Những hành động của những đơn vị quân đội đáp ứng lại lệnh trên thường chịu ảnh hưởng bởi những thái độ, những giá trị và sự chuyên nghiệp của cấp lãnh đạo. Các sĩ quan thường thấy mình là ái quốc, trung thành, và bảo thủ về chính trị. Tính “chuyên nghiệp” của họ thường làm cho họ hỗ trợ lãnh đạo chính trị một cách mù quáng. Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Đức dưới quyền Adolf Hitler được cho biết là bất đồng ý kiến về những mục đích chính trị của ông ta, nhưng, dù vậy, họ vẫn hoạch định những kế hoạch quân sự để thi hành ý muốn của nhà lãnh đạo [der Fürher]. Điểm then chốt ở đây là Hitler, như là nhà lãnh đạo của đảng lớn nhất của Hạ viện Đức, và đã được bầu làm Thủ lãnh theo đúng hiến pháp, nên được xem là nhà cai trị hợp pháp.

    Đưa những giá trị dân chủ vào trong văn hoá quân đội là một nhân tố quan trọng để giới hạn sức mạnh tàn phá của quân đội chống lại nhân dân. Một nhân tố khác là xác nhận việc các nhà lãnh đạo quân sự sẽ có một vai trò quan trọng cho họ trong một chính quyền dân chủ. Cả hai nhân tố này đòi hỏi thời gian và sự suy tư cẩn trọng về việc làm thế nào để cổ xuý những ý kiến này. Một lí do quan trọng tại sao phong trào bất bạo động Serb ít bị tổn thất như thế khi Quốc hội bị hằng ngàn người chiếm cứ vào năm 2000 (chỉ một người chết vì đột quỵ tim và một người khác chết vì tai nạn lưu thông) là vì Quân đội quyết định không can thiệp vào một vấn đề “chính trị”. Không nghi ngờ gì nữa, quyết định này đã chịu ảnh hưởng bởi sự kiện là phong trào dân chủ rõ ràng đã thắng và các thành phần quân đội đã có ý chuẩn bị cho mình một vai trò trong chính quyền hậu Milosevic.

Công chức 

Công chức thường bị nói xấu, chỉ trích, chế nhạo và đánh giá thấp. Đôi khi những chuyên viên bàn giấy của chính quyền được nghĩ đến như là một đàn kiến — hằng ngàn người vô danh, không ai biết đến, không có trí óc đang làm những công việc nhỏ nhoi của họ, đi đi về về từ cái xó buồng nhỏ hẹp của họ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị, giống như “nữ hoàng” kiến, lệ thuộc đàn kiến, không thể tồn tại mà không có các công chức có kĩ năng đang thi hành những sinh hoạt trông có vẻ tẻ nhạt đó. Họ là những người biến lệnh trên thành hành động: họ đưa ra các sắc lệnh, lượng giá và thu thuế, soạn thảo ngân sách, điều khiển các trường học, thu nhập thông tin vào hằng ngàn kho tư liệu, mua sắm cho chính quyền, kiểm soát các phi đạo và các hải cảng, cung cấp nhân viên cho các toà đại sứ, bảo trì các hệ thống truyền tin, và, trên thực tế, thực hiện tất cả những công tác làm cho chính quyền có thể hoạt động được. Không có chính quyền nào có thể sinh hoạt được mà không cần đến những dịch vụ này.

    Các nhóm đối lập muốn dùng đấu tranh bất bạo động chiến lược để tìm cách thay đổi chế độ và cải cách dân chủ phải thông hiểu tầm quan trọng của việc chiếm cho được sự hỗ trợ của các nhân viên chính quyền. Nhưng cũng cần phải hiểu là sinh kế của nhân viên chính quyền lại tuỳ thuộc vào sự tuân phục của họ đối với những người chỉ huy của mình, và, như thế, sẽ có rất ít người có thể công khai chống chính quyền cho đến khi nào có bằng chứng cụ thể là những cột trụ chống đỡ khác của chính quyền đã bị làm suy yếu đi một cách trầm trọng rồi. Tuy vậy, sự dấn thân vào một phong trào đối lập bởi những nhân viên của chính quyền, dù không được biểu lộ công khai, cũng có thể đóng góp vào sự thăng tiến lí tưởng đấu tranh của phong trào theo những phương cách chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng mà thôi.

Phương tiện truyền thông đại chúng

Nếu một phong trào quần chúng đòi hỏi những thay đổi dân chủ muốn thành công, thì phong trào phải có những phương tiện chuyển đạt thông điệp đến những thính giả đối tượng của mình. Những chế độ độc đoán biết điều này và cố khước từ hoặc giới hạn những cơ hội như thế, đưa đến việc tạo ra những trung tâm chiến tranh điện tử và những luật lệ hà khắc siết chặt việc sở hữu hay sử dụng máy điện tính và các máy “phắc”. Miến Điện, chẳng hạn, đã áp đặt tù dài hạn cho những người có máy “không có giấy phép”. Sở hữu hay sử dụng điện thoại di động đôi khi cũng bị cấm đoán, và các chính quyền đôi khi cũng gây nhiễu truyền hình của các nhóm đối lập và các buổi phát thanh từ hải ngoại để cố bưng bít thông tin không cho công chúng biết.

    Kiểm soát báo chí và các hình thức truyền thông đại chúng quốc nội khác bởi một chính quyền áp bức có thể thực hiện được một cách dễ dàng. Thiết lập những hội đồng duyệt xét các ấn phẩm đòi hỏi tất cả các sách, báo định kỳ, và nhật báo phải nạp bản trước khi phân phối có lúc đã rất hữu hiệu. Có một động cơ mạnh thúc đẩy việc tự kiểm duyệt vì việc duyệt lại các ấn phẩm không xảy ra mãi cho đến khi tất cả các ấn phí đã được giải quyết xong. Các nhật báo, các loại sách báo khác, các đài truyền thanh và truyền hình có thể bị thu hồi giấy phép, các dụng cụ bị tịch thu, và các chủ nhân và chủ nhiệm bị đe doạ về thể xác. Để thắng lướt những câu thúc quốc nội này, những chương trình ở hải ngoại trở nên khá thông dụng, dù là một đài phát thanh Miến Điện phát thanh từ Na-Uy hay là một đài truyền hình của Iran tại California phát tuyến các cuộc phỏng vấn những nhà lãnh đạo đối lập đến các thính giả ở Tehran. Việc có thể thực hiện được truyền thông đại chúng phát xuất từ hải ngoại còn được dẫn chứng bởi phong trào đấu tranh dân chủ của người Serb. Hơn 60 tấn truyền đơn được đưa vào trong nước và phân phối chỉ trong vài ngày trước cuộc bầu cử năm 2000. 

Cộng đồng thương mại

Ngay cả trong những chế độ tập trung, theo xã hội chủ nghĩa độc đoán nhất, những cộng đồng thương mại cũng đóng những vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Những cộng đồng này cung cấp cho người dân những hàng hoá và dịch vụ mà chính quyền không cung cấp. Thường thường, chính quyền ngầm chấp thuận các sinh hoạt chợ đen bất hợp pháp để giảm thiểu những bất mãn được chính  trị hoá của dân chúng về những thiếu hụt các sản phẩm tiêu thụ.

    Làm việc với các cộng đồng thương mại có khía cạnh tiêu cực của nó, nhất là với những cộng đồng nước ngoài hay là liên quốc gia. Người ta nhận định là các hãng quốc tế thích làm việc với những chế độ độc đoán hơn là với những chính quyền cởi mở và dân chủ. Có ít điều đòi hỏi thương thảo hơn một khi nhà lãnh đạo đã được thuyết phục về những cái lợi khi kí kết một thoả thuận thương mại. Điều kiện làm việc, lương phạn, và nghiệp đoàn thường là những vấn đề mà nhà lãnh đạo có thể giải quyết một cách thầm lặng và hữu hiệu. Điểm muốn nói ở đây là các hãng quốc tế có thể không hề lưu tâm đến việc chính quyền là dân chủ hay chuyên chế. Điều quan trọng đối với họ là lợi nhuận. Sự thách đố đối với phong trào đấu tranh dân chủ là thuyết phục các công ti này là thay đổi sẽ xảy ra và sự thay đổi này, trong tương lai, có thể quan trọng đối với họ trong việc dân chúng nhận thấy ít nhất họ cũng trung lập trong các hành động mà họ đã làm.

    Về mặt tích cực thì những thành viên của các cộng đồng thương mại quốc nội và hải ngoại thường có những mạng lưới liên lạc với các cơ sở thương mại địa phương, vùng, và quốc ngoại. Khi có lợi cho họ thì họ có thể cung cấp những nguồn tài nguyên quan trọng như là tiền bạc, thư tín, và các cố vấn cho một cuộc đấu tranh đòi dân chủ.

Giới trẻ 

Ưu tư chính của những chế độ độc đoán là ngăn chặn giới trẻ bị chính trị hoá trừ phi sự chính trị hoá này hỗ trợ, và được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền. Bao giờ học sinh/sinh viên và những giới trẻ khác còn chưa được phép trở thành một thách đố có tổ chức đối với sự ổn định của chính quyền, thì các nhóm đối lập vẫn còn thiếu thốn một lực lượng tiên phong truyền thống cho việc thúc đẩy thay đổi chính trị. Một vài cách — mà chính quyền dùng để giữ học sinh/sinh viên khỏi hoạt động trong những phong trào chính trị — được người ta biết đến khá nhiều. Ví dụ, những người công khai chống chế độ bị từ chối những cơ hội giáo dục. Thêm nữa, trường học có thể bị đóng cửa, và nhiều khuôn viên đại học khác nhau có thể được thành lập để tránh những nhóm lớn tụ tập. Tù dài hạn có thể được áp đặt cho những vi phạm các luật lệ siết chặt tự do ngôn luận và tự do hội họp. Các chương trình quốc doanh dành cho giới trẻ có thể được thành lập với tiền bạc, lương thực, y phục, và vũ khí cung cấp cho những sinh viên đe doạ các đảng chính trị đối lập.

     Một vài người đã thử cắt nghĩa lí do tại sao giới trẻ lại thường hay sẵn lòng chấp nhận mạo hiểm làm tiên phong cho những phong trào cách mạng bằng cách lý luận là những người trẻ “không có gì để mất” cả. Thường thường thì những người trẻ ít gắn bó nhiều với bất cứ sinh kế nào, và có thể không có nhiều trách nhiệm gia đình. Giới trẻ cũng chứng tỏ một sự hăng say của tuổi trẻ đối với cuộc đời và một niềm tin vào sự bất tử của họ. Những lí do này chỉ cắt nghĩa một phần nào sự tham gia của họ, bởi vì giới trẻ có rất nhiều điều quan trọng để mất — mạng sống và tương lai của họ. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả không phải là điều gì có thể bị mất mát, mà là điều có thể tranh thủ được bằng cách sống trong một xã hội tự do và công chính đã đem lại động lực cho sự dấn thân của giới trẻ. Những người trẻ thông thường không biện minh cho sự nô lệ của mình trong chế độ chuyên chế. Thông thường họ cũng không chấp nhận, như là lí đương nhiên, là không thể thay đổi được. Giới trẻ có một bản năng, mà kinh nghiệm cũng không làm tiêu hao được, là phân biệt được sự khác biệt giữa sự thật và giả dối và giữa đúng và sai mà không cần những mức độ trắng đen ở giữa. Chính sự minh bạch trí tuệ này đã thúc đẩy họ.

    Tuy nhiên cần cẩn trọng khi xét đến việc thu nạp học sinh/sinh viên và những người trẻ khác vào phong trào đấu tranh dân chủ. Như là một nhóm, họ là những người mạo hiểm về tất cả mọi mặt của cuộc sống. Không có sự hướng dẫn và kỉ luật rõ ràng, hành động của họ có thể trở nên cực đoan, và nếu bị khiêu khích, họ có thể biểu lộ cũng cùng những đặc tính côn đồ giống như những cá nhân được chính quyền sử dụng. Có một “quy tắc hành sử” cho tất cả mọi người tham gia phong trào là một điều quan trọng, nhưng đặc biệt quan trọng cho những tổ chức của giới trẻ, và những nguyên tắc hành sử này khẩn thiết phải có huấn luyện và lãnh đạo kèm theo để giảm thiểu những trường hợp có hành vi gây ra tai hại.

Công nhân 

Chắc chắn là các lực lượng toàn cầu hoá đã làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn cho công nhân ở khắp nơi. Các nghiệp đoàn đã bị làm suy yếu đi tại những quốc gia phát triển, nơi mà các hãng, xưởng hăm doạ là sẽ dời công ăn việc làm đến những nơi nào mà giá lao động rẻ hơn. Tại những quốc gia đang phát triển thì chính quyền lưu tâm đến những lợi nhuận kinh tế do công việc sản xuất được chuyển đến họ hơn là sự an toàn cần thiết của nơi làm việc, lương phạn hợp lí, và các quyền lợi của công nhân. Dân chủ, pháp trị, và tự do lập hội là những bước tiến trong việc sửa sai sự mất quân bình về quyền lực đưa đến việc bạc đãi công nhân.

    Có thể khó tổ chức công nhân, nhưng, một khi tổ chức đã bắt đầu được, thì đoàn kết sẽ lan rộng rất nhanh. Hãy nhớ đến phong trào dân chủ Ba Lan đã được thúc đẩy đến chiến thắng sau khi những công nhân thợ điện đình công ở xưởng đóng tàu thuỷ tại Gdansk.

    Một khu vực lực lượng thợ thuyền mà những người làm kế hoạch đấu tranh bất bạo động cần đặc biệt lưu ý là khu vực vận tải và những kĩ nghệ liên hệ. Bất cứ sự gián đoạn nào trong việc vận chuyển hàng hoá, nhân sự, và các dịch vụ đều có thể đưa đến cho chế độ những tổn thất tức khắc về kinh tế và chính trị. Đồng thời, các kế hoạch gia chiến lược cũng cần phải xét đến những hậu quả không được dự tính trước có thể xảy ra, nếu dân chúng không được cung cấp lương thực và các tiện nghi cần thiết khác.

Các tổ chức tôn giáo

Theo lịch sử thì tôn giáo có tổ chức đã từng đóng những vai trò quan trọng trong những cuộc đấu tranh chính trị chống lại chuyên chế — hầu hết đứng về phe đòi hỏi thay đổi, nhưng có lúc thì không. Thường thường các tổ chức tôn giáo có những mạng lưới, cho các vấn đề thiêng liêng cũng như tài chánh, trong khắp cùng các xã hội mà trong đó họ hoạt động, từ những nhóm ưu tú giàu có cho đến những người cùng đinh trong xã hội. Hơn nữa, bởi vì các vị lãnh đạo tôn giáo thường có học lực cao nên trong những cách xử thế, đời cũng như trong việc đạo, họ thường được sự kính nể của giáo đồ cũng như của những người khác được biết đến công việc của họ, và họ thường có ảnh hưởng đến những thái độ và hành vi của những người khác sâu xa hơn là những giảng huấn về đạo đức hay tôn giáo. Họ có thể đưa một lãnh vực thiêng liêng vào phong trào đối lập và ngay cả trở thành những phát ngôn nhân mạch lạc nhất cho chính phong trào đối lập nữa. Mặt khác, họ cũng có thể trở nên cũng ảnh hưởng và cũng mạch lạc như thế cho những quyền lợi đặc biệt, hạn hẹp hơn của một chế độ chuyên chế. Theo đó, những người lãnh đạo phong trào phải được chuẩn bị cho công tác khuyến khích sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo tôn giáo hay là phá vỡ ảnh hưởng độc hại mà họ có thể gây nên. 

Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) 

Bất cứ nhóm hay tổ chức nào có thể hoạt động bên ngoài sự kiểm soát hay thanh tra trực tiếp của chính quyền sẽ là một mối lợi tiềm năng cho phong trào dân chủ. Các NGOs quốc tế có thể gây quỹ, liên lạc trực tiếp với nhiều giới khác nhau, thủ đắc được chuyên môn cần có từ quốc ngoại, cung ứng những nhận định thu lượm được từ các kinh nghiệm của những phong trào dân chủ khác. Những NGOs quốc nội đôi khi bị giới hạn khá nhiều về lãnh vực mà họ được phép hoạt động và về các nguồn tài trợ. Dù là quốc nội hay từ ngoài vào, những NGOs này thường bị các điểm chỉ viên của chính quyền nằm vùng, nhưng trong hầu hết các trường hợp, điều này có lẽ không phải là một thách đố nghiêm trọng không thể vượt qua. Một giá trị quan trọng của các NGOs cho đấu tranh bất bạo động là các tổ chức này cung cấp những dịch vụ cho dân chúng và do đó chứng minh cho dân chúng thấy là họ không cần phải lệ thuộc hoàn toàn vào chính quyền. Những sinh hoạt của các NGOs có thể làm suy yếu sự gắn kết có tính cưỡng ép, nhưng tế nhị, mà các chế độ độc đoán đòi hỏi để dân chúng phải tuân phục.

    Một thí dụ nổi bật về hiệu lực của một NGO trong việc đánh tan sự lệ thuộc của người dân vào một chính quyền độc đoán xảy ra tại Miến Điện, chỉ một thời gian ngắn sau khi Tướng Ne Win cướp chính quyền năm 1962. Phần đất phía tây của quốc gia này trong vùng Bang Arakan bị một trận lụt tàn phá. Theo các báo cáo thì một vị truyền giáo Công giáo tức tốc đánh điện cho những vị truyền giáo ở những vùng khác trong nước và ở Ấn Độ về nhu cầu cứu trợ. Sự đáp ứng nhanh chóng và hữu hiệu; thực phẩm, áo quần, và vật liệu xây cất đến chỉ trong vài ngày. Cuối cùng khi chính quyền gửi các toán đến thẩm định thiệt hại thì họ biết được là không còn cần sự hỗ trợ của chính quyền nữa và dân chúng đã tự mình giải quyết lấy cơn khủng hoảng rồi. Người ta cho biết là Tướng Ne Win hết sức giận dữ về diễn biến này. Và đó là lí do để đuổi các vị truyền giáo Thiên Chúa Giáo ra khỏi Miến Điện.

    Tuy nhiên, các phong trào dân chủ cần được nhắc nhở là những NGOs có thể có những mục đích riêng của họ. Hiểu những mục đích này là gì và làm sao để có một sự phù hợp giữa những mục đích này với các mục đích và mục tiêu của phong trào dân chủ là một điều quan trọng.

    Những nguồn hỗ trợ khác là các tổ chức chuyên nghiệp, các đảng phái chính trị, các cơ sở thương mại ngoại quốc, và các chính quyền quốc ngoại, như là những đơn vị cá biệt hay là qua trung gian các tổ chức quốc tế. Không nên bỏ qua những nhóm nhỏ trong cộng đồng, được thiết lập vì những sở thích đặc biệt như những hội may vá, các hội săn bắn và câu cá, hội đọc sách, các nhóm nghiên cứu ngôn ngữ, các hội sưu tập các đồng xu, hội làm vườn, và các hiệp hội thể thao. Đấu tranh bất bạo động chiến lược đòi hỏi cả sự kiểm soát các nguồn sức mạnh lẫn sự tham gia tích cực của dân chúng. Các tổ chức chứa đựng những nguồn sức mạnh này và cung ứng cơ cấu cho những hành động tập thể.

Những Nhược Điểm
Của Các Nền Độc Tài Cực Đoan

 

Trên cơ sở của điều mà chúng ta biết về những hệ thống Quốc Xã và Cộng Sản, và của một số những nền độc tài nhẹ hơn, thì chúng ta có thể nêu lên những nhược điểm cụ thể của những nền độc tài này. Đây là những nhân tố mà với thời gian, ngay cả khi không có những nỗ lực có chủ ý làm gia trọng thêm những nhược điểm đó, sẽ tạo ra những thay đổi mà theo những mức độ khác nhau sẽ làm biến đổi những khả năng và đặc tính của nền độc tài. Ví dụ, những nhược điểm liệt kê dưới đây sẽ đưa đến những kết quả như sau:

  • hạn chế tự do hành động của chế độ;
  • thúc đẩy chế độ quan tâm đến các nhu cầu và ước vọng của dân chúng;
  • giảm thiểu tàn bạo và đàn áp;
  • đóng góp vào việc chế độ trở nên bớt giáo điều trong hành động;
  • giảm thiểu mức độ chính quyền kiểm soát xã hội hữu hiệu;
  • phá vỡ huyền thoại chính quyền biết tất cả mọi sự;
  • nói một cách nhẹ nhàng nhất, làm cho hệ thống trở nên “được phóng khoáng hơn” hay ngay cả được dân chủ hoá; và
  • nói một cách cực đoan, thì làm cho hệ thống tan vỡ.

     Sau đây là một vài nhược điểm của các nền độc tài cực đoan, bao gồm cả những hệ thống toàn trị:

  1. Sự hợp tác của một số đông người và nhiều nhóm khác nhau — cần phải có để điều hành một hệ thống — có thể bị hạn chế hoặc rút lui.
  2. Tự do hành động của chế độ có thể bị giới hạn bởi những chính sách trong quá khứ mà các điều kiện và hậu quả vẫn còn tiếp diễn.
  3. Hệ thống có thể đã trở thành thói quen trong lối điều hành, do đó điều độ hơn và ít có khả năng chuyển biến hoàn toàn các sinh hoạt để phục vụ những đòi hỏi giáo điều và đột ngột thay đổi của chính sách.
  4. Việc phân phối nhân viên và tài nguyên cho những công tác hiện hành sẽ giới hạn sự cung ứng nhân viên và tài nguyên cho những công tác mới.
  5. Chỉ huy trung ương có thể nhận từ cấp dưới thông tin không chính xác và không đầy đủ — dựa vào đó để làm những quyết định — bởi vì những cấp dưới có thể sợ không làm hài lòng cấp trên.
  6. Ý thức hệ có thể bị hao mòn, và các huyền thoại và biểu tượng của hệ thống trở nên bất ổn.
  7. Bám chặt vào ý thức hệ có thể dẫn đưa đến những quyết định có hại cho hệ thống bởi vì người ta không chú ý đủ đến những điều kiện và nhu cầu thực sự.
  8. Hệ thống có thể không có hiệu năng gây nên bởi sự suy thoái về khả năng và hiệu lực của hành chánh, hay bởi kiểm soát quá mức và quá nhiều giấy tờ; hậu quả là các chánh sách và điều hành bình thường của hệ thống có thể trở nên vô hiệu lực.
  9. Đủ loại xung khắc nội bộ của hệ thống có thể tác động tai hại và ngay cả phá rối sự điều hành của hệ thống.
  10. Giới trí thức và sinh viên có thể trở nên bồn chồn trước những điều kiện, những hạn chế, tính giáo điều, và sự đàn áp.
  11. Quần chúng với thời gian có thể trở nên vô cảm và nghi ngờ.
  12. Những khác biệt vùng, giai cấp, văn hoá, hay quốc gia có thể trở nên trầm trọng.
  13. Đẳng cấp trong quyền lực sẽ luôn luôn bất ổn ở một mức độ nào đó, và có lúc hết sức bất ổn.
  14. Có những bộ phận cảnh sát chính trị hay những lực lượng quân sự có thể có đủ sức mạnh tạo áp lực để đạt những mục đích của chính họ, hay ngay cả để hành động chống lại các nhà cai trị đã ổn định.
  15. Trong trường hợp một nền độc tài mới, thì nền độc tài này đòi hỏi phải có thời gian mới được ổn định một cách vững chắc, điều tạo ra một khoảng thời gian rất dễ bị nguy hiểm.
  16. Sự tập trung quá độ quyền làm quyết định và quyền chỉ huy có nghĩa là sẽ có quá nhiều điều chỉ do một số quá ít người quyết định nên khó tránh được lỗi lầm.
  17. Nếu chế độ — để tránh một vài trong số những vấn đề này — quyết định phân tán quyền làm quyết định và quản trị, thì điều này sẽ đưa đến sự xói mòn những kiểm soát trung ương hơn nữa, và thường đưa đến việc tạo nên những trung tâm quyền lực mới trải rộng khắp nơi; những trung tâm này tìm cách bành trướng sức mạnh của mình gây thiệt hại cho trung ương.

     Những nhược điểm này của các nền độc tài cực đoan dĩ nhiên không có nghĩa là sự phân huỷ sẽ xảy ra nhanh chóng, hay ngay cả chưa chắc sẽ xảy ra, dù cho có những nhân tố khác đang vận hành trong hoàn cảnh. Những hệ thống độc tài thường ý thức được ít nhất một vài nhược điểm của mình và sử dụng những biện pháp để sửa chữa những nhược điểm đó. Thêm nữa, trong những hoàn cảnh thích hợp, ngay cả những chế độ hết sức vô hiệu năng và bất tài vẫn thường có thể xoay xở để sống còn trong một thời gian rất lâu dài và như Riesman đã có nói, người ta có thể “nhầm lẫn những thúc đẩy xằng bậy hay ngay cả những tình cờ của ‘hệ thống’ với thiên tài đầy mưu lược.”

    Tuy nhiên, chúng ta hẳn phải học hỏi được nhiều hơn là những gì chúng ta hiện biết được về các nền độc tài và về các hình thái đối lập và đối kháng chống lại những nền độc tài này. Với kiến thức này, những người sống dưới các nền độc tài có thể làm trầm trọng thêm một cách có chủ ý các nhược điểm cố hữu như thế để thay đổi hoàn toàn hay phân huỷ hệ thống. Trong những nỗ lực như thế, sự lệ thuộc hỗ tương giữa ép buộc thi hành và các tập quán tuân phục đặc biệt quan trọng. Những hình thái đấu tranh bất bạo động được dựa trên khả năng của quần chúng rút lui sự tuân phục và hợp tác của họ. Việc rút lui này làm cho những nguồn quyền lực cần có của nền độc tài có thể bị hạn chế hay bị cắt đứt.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.