ĐI TÌM NHỮNG PHƯƠNG CÁCH
KIỀM CHẾ CHÍNH QUYỀN (III)
(Bài 052)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Chỉ Thay Đổi Các Nhà Cai Trị
Cũng Không Đủ Để Thiết Lập Được Kiểm Soát Lâu Bền
 

    Bây giờ thì hẳn đã phải rõ ràng là thiết lập một sự kiểm soát thực sự và lâu bền đối với quyền lực của những nhà cai trị không thể đạt được bằng cách chỉ thay đổi nhà cai trị này bằng một nhà cai trị khác để chiếm giữ đỉnh cao của lãnh đạo. Đòi hỏi cần phải có những thay đổi nền tảng hơn. Tuy nhiên, trong những nền dân chủ hiến định, hầu hết tranh luận chính trị đều tập trung vào việc ai phải là người điều khiển cơ cấu chính trị chính thức. Nếu chúng ta quan tâm đến việc thực thi những nguyên tắc dân chủ thì câu hỏi căn bản đúng ra phải là: loại trật tự xã hội và chính trị nào về dài hạn đáng được mong muốn và có khả năng giải quyết vấn đề kiềm chế quyền lực chính trị?

    Chủ yếu chú trọng vào người và vào phe nhóm hơn là vào cơ cấu một phần là do thiếu suy nghĩ sáng suốt. Chúng ta thường không phân biệt giữa nhà chuyên chế và điều kiện và hệ thống của chuyên chế91. Từ điểm này diễn biến tiếp theo là trong lúc những nỗ lực lớn lao đã được thực hiện để lật đổ một nhà chuyên chế, thì người ta ít hoặc không chú ý đến việc thay đổi điều kiện đã tạo nên chuyên chế. Vào những lúc khi mà người ta tìm kiếm những phương tiện đấu tranh năng động để đánh lại một nhà chuyên chế quốc nội hay quốc ngoại xâm lược, thì lại ít hay không chú ý đến việc chủ ý lựa chọn những phương tiện đấu tranh không những chỉ có cơ hội đem lại hiệu năng tức thời mà còn, về lâu về dài, giúp thiết lập một khả năng kiềm chế vững chắc đối với quyền lực của bất cứ nhà cai trị nào. Trong một vài trường hợp, trái lại, những phương tiện chiến tranh được sử dụng thực sự tỏ ra là đã làm cho việc kiềm chế dài hạn khó khăn hơn.

    Chúng ta cũng không phân biệt được giữa những cuộc bầu cử của dân chúng để chọn người hay đảng chiếm giữ vị thế lãnh đạo và điều kiện mà theo đó người ta có cơ hội tham gia năng động vào xã hội chính trị92.

    Kết quả là người ta chú trọng rất nhiều vào những cuộc bầu cử định kì. Tuy nhiên, người ta ít hoặc không chú trọng đến nhu cầu quyền lực cần được phân tán trong các nhóm xã hội và các tổ chức, cũng như việc tăng cường khả năng của người dân làm những quyết định quan trọng cho chính mình và duy trì sự kiểm soát hữu hiệu đối với quyền lực của nhà cai trị.

    Một sự thay đổi về nhân vật hay đảng phái chiếm giữ vị thế cai trị có thể có hoặc có thể không đem lại sự khác biệt. Đôi khi sự khác biệt có thể lớn lao, có thể tốt hơn cũng như xấu hơn. Việc thay đổi có đem lại sự khác biệt hay không, và nếu có thì sự khác biệt đó là gì, có vẻ biến đổi tuỳ theo những nhân tố như là: (1) mức độ tự chế của nhà cai trị; (2) những mục đích xã hội và chính trị của ông ta; và (3) những phương tiện được sử dụng để có được địa vị cai trị, để duy trì địa vị này, và để thực thi các chánh sách. Nếu có những khác biệt giữa nhà cai trị cũ và nhà cai trị mới thì chính ba nhân tố này tạo ảnh hưởng chứ không phải chỉ là sự thay đổi về nhân vật chiếm giữ vị thế cai trị, ngay cả không phải là sự thay đổi về khả năng của dân chúng ảnh hưởng đến sự lựa chọn nhân vật mới. Một sự thay đổi như thế hay một ảnh hưởng như thế đều không khẩn thiết minh chứng khả năng của dân chúng kiềm chế được nhà cai trị nếu ông ta không muốn bị kiếm chế. Những hoàn cảnh mà trong đó các nhà cai trị không muốn tuân thủ các biện pháp chế tài và các giới hạn cho việc hành sử quyền lực của họ rất có tính quyết định và nguy hiểm, và khẩn trương đòi hỏi phải có những giải pháp.

   Thường thường người ta có sự nhầm lẫn giữa khả năng của người dân lựa chọn nhà cai trị của họ ảnh hưởng đến các chánh sách và sự thực hành chính trị của một nhà cai trị sẵn lòng chịu ảnh hưởng và khả năng thực sự kiềm chế được việc hành sử quyền lực của một nhà cai trị nhất quyết tiến hành bất chấp chế tài. Sự nhầm lẫn này có thể tạo ra ảo tưởng về kiểm soát dân chủ lớn hơn là thực tế. Ảo tưởng này giúp nhà cai trị dễ dàng nới rộng sự kiểm soát và quyền lực của ông ta, trong lúc người dân trở nên tự mãn hơn và ít lưu tâm hơn đến việc khẳng định quyền kiểm soát của họ và ít muốn chống đối hơn93. Sự nhầm lẫn này còn giúp tạo ra ấn tượng là có nhiều khác biệt giữa những người tranh giành vị thế cai trị hơn là thực tế. Nhận xét của Tocqueville vẫn có giá trị: “Những người đồng thời của chúng ta do đó ít bị chia rẽ hơn nhiều; họ liên tục tranh cãi là quyền lực tối thượng nên được phó thác cho ai, nhưng họ sẵn sàng đồng ý về các bổn phận và quyền của quyền lực tối thượng đó.”94

    Bởi vì mức độ khả năng sử dụng quyền lực của nhà cai trị thực sự được thi triển sẽ biến đổi tuỳ theo những nhân tố liệt kê nêu trên, nên một sự thay đổi nhà cai trị có thể đưa đến một sự thay đổi ngắn hạn, tuỳ theo mức độ và cách thức quyền lực của nhà cai trị đó được áp dụng. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là một sự thay đổi về nhân vật chiếm giữ vị thế cai trị tự nó không làm giảm đi khả năng sử dụng quyền lực của bất cứ ai đang là nhà cai trị mà không bị kiềm chế bởi dân chúng. Sự thay đổi này sẽ chỉ kèm theo một sự thay đổi nhà cai trị, nếu cả những tụ điểm quyền lực trong khắp xã hội lẫn khả năng của người dân chống lại nhà cai trị đã được tăng cường trước khi thay đổi nhân vật, hay là trong thời gian của những nỗ lực nhằm đạt được sự thay đổi đó. Nếu không thì sẽ không có sự thay đổi nào về tiềm năng chuyên chế đã xảy ra. Do đó một sự tăng trưởng về khả năng tự do của xã hội là cần thiết nếu muốn chấm dứt chính sự chuyên chế cũng như chế độ của một nhà chuyên chế nào đó.

Bởi vì một cuộc cách mạng do tự do tạo nên trở thành một xác định của tự do [Montesquieu đã viết]. Một quốc gia tự do có thể có một vị cứu tinh; một quốc gia nô lệ chỉ có thể có được một kẻ áp bức khác mà thôi. Bởi vì bất cứ người nào có khả năng lật đổ ngai vàng của một vị quân vương toàn quyền lực sẽ có đủ sức mạnh để chính mình trở thành toàn quyền95.

    Ngay cả khi có vẻ như là đã có vài thay đổi về hình thức bên ngoài và về hiến pháp của hệ thống chính trị, sự thay đổi thực sự có thể bị giới hạn hơn là cái vẻ bên ngoài đó, nếu cơ cấu quyền lực nằm bên dưới vẫn y nguyên. Sự thay đổi từ quân chủ đến cộng hoà, Jouvenel nói, duy trì toàn bộ Nhà Nước quân chủ y như cũ, trong lúc địa vị của nhà vua bị cất đi bởi những “Đại biểu của Quốc gia,”96  “[M]ột khi nguyên tắc chủ quyền không bị kiểm soát và không bị giới hạn của ý chí con người đã được chấp nhận, thì chế độ kết quả trong bản chất vẫn như y như cũ, trước mắt bất cứ nhân vật nào, có thực hay giả tưởng, đã tạo ra ý chí chủ quyền này.”97 Bởi vì điểm này mà những hệ thống tỏ ra là bị chống đối hơn cả, nhưng trao quyền lực cho người hay nhóm chiếm giữ vị thế của nhà cai trị lại không bị kiềm chế tương đương, nên có rất nhiều điểm tương đồng98.

    Trong một hệ thống có cơ cấu vững chắc mà theo cơ cấu này một nhóm giữ vị địa vị cai trị và một nhóm khác ở vị thế nô thuộc, Simmel viết là trừ phi có “một sự thay đổi căn bản về hình thái xã hội” xảy ra, thì ngay cả “giải phóng được những người nô thuộc thường vẫn không đưa đến tự do cho người dân…mà chỉ đưa đến sự trỗi dậy của những người nô thuộc lên giai tằng cai trị mà thôi.”99 Trừ phi khi “sự giải phóng những người nô thuộc này” đã được đi trước hay kèm theo bởi sự phá vỡ sự tập trung quyền lực hữu hiệu và quyền lực được phân tán trong khắp xã hội và bởi việc tăng cường khả năng cho các tổ chức của xã hội so với nhà cai trị, thì chỉ sự thay đổi những nhân vật trong vị trí của nhà cai trị không mà thôi sẽ không làm tăng khả năng của người dân trong việc kiềm chế khả năng quyền lực của nhà cai trị. Điều này đúng dù vị thế của nhà cai trị vẫn tiếp tục được chiếm giữ bởi cùng một nhân vật trong một thời gian lâu dài, hay là nhân vật ở vị thế này được thay đổi định kì nhưng cấu trúc quyền lực của xã hội chủ yếu vẫn không thay đổi100. Nếu quyền lực chính trị của những nhà cai trị cần phải được kiềm chế, thì rõ ràng là đòi hỏi cần phải có một vài thay đổi căn bản.

Tản Quyền Thiết Yếu
Cho Việc Kiềm Chế Được Lâu Bền
 

    Thiết lập khả năng lâu bền trong việc thực hiện kiểm soát hữu hiệu quyền lực chính trị — nhất là trong những cơn khủng hoảng – đòi hỏi phải tăng sức mạnh cho xã hội, thiệt thòi cho nhà cai trị. Điều này có nghĩa là việc thiết lập một sự kiểm soát như thế đòi hỏi một sự chuyển giao đích đáng quyền lực hữu hiệu cho các nhóm xã hội và các tổ chức. Những tụ điểm quyền lực này lúc bấy giờ có thể đóng những vai trò quan trọng trong sinh hoạt bình thường của xã hội, và cũng còn có khả năng sử dụng sức mạnh hữu hiệu, và kiểm soát được việc cung cấp những nguồn sức mạnh cho nhà cai trị.

    Việc các nhóm và các tổ chức này cần được phép gợi ý cho nhà cai trị, và giúp ông ta điều hành các chánh sách của mình thì không đủ. Họ cần phải có khả năng làm những quyết định độc lập và thi hành những quyết định này. “Làm sao,” Tocqueville hỏi, “mà một quần chúng không quen thuộc với tự do trong những vấn đề nhỏ nhặt, mà lại có thể sử dụng tự do có chừng mực trong những ưu tư lớn được?”101 Vì vậy, việc thiết lập khả năng thực thi kiểm soát hữu hiệu đối với quyền lực chính trị của các nhà cai trị đòi hỏi những thay đổi xã hội, ngược với những khuynh hướng quan trọng trong chính trị hiện đại.

    Ở nơi nào mà những tụ điểm của những khả năng như thế còn tồn tại, thì bảo toàn và cải tiến những tụ điểm đó bình thường là một vấn đề quan trọng. Hay là, nếu vì một lí do nào đó mà những tụ điểm này không thích hợp, thì điều quan trọng là cần phải tạo ra những nhóm và những tổ chức thay thế. Nơi nào thấy cần phải làm suy yếu hay xoá bỏ một số nhóm và tổ chức hiện hành đang có những sinh hoạt bất hảo – ví dụ như áp bức những thành phần khác trong dân chúng – thì điều quan trọng là phải thực hiện điều này bằng những phương tiện không tạo tập trung thêm quyền lực vào nhà cai trị và làm suy yếu một cách tương đối sức mạnh của dân chúng. Trong những trường hợp như thế thì cần phải thay thế những tụ điểm cũ bằng những nhóm tự nguyện mới, các hiệp hội, và các tổ chức có những khả năng sức mạnh độc lập hữu hiệu. Những tụ điểm mới này lúc bấy giờ sẽ giúp làm cho sự tự do cá nhân của những người dân được an toàn hơn mà không làm suy giảm tính bình đẳng của họ102. Nếu tự do cần được bảo toàn, thì mỗi một công dân đều cần phải “phối hợp với những công dân khác để bảo vệ tự do này…”103

    Nhiều nhà cai trị – có lẽ là hầu hết – đều ngăn cản hoặc tích cực chống lại sự chuyển nhượng quyền lực hay tăng sức mạnh cho các nhóm và các tổ chức tự nguyện của xã hội. Chỉ ý nghĩ này không mà thôi cũng có thể bị xem như là phản động rồi. Tuy nhiên, có lúc cũng có nhà cai trị thực sự tin vào những nguyên tắc dân chủ và do đó ngay cả khuyến khích và tạo dễ dãi cho tiến trình chuyển nhượng quyền lực. Tuy nhiên, một mình chính quyền không thể thực thi tiến trình này được; tiến trình này đòi hỏi sáng kiến sinh động, sự tham gia, và sự chấp nhận trách nhiệm bởi các nhóm, các hiệp hội, và các tổ chức của xã hội. Trong hầu hết những trường hợp khác, việc phát triển và tăng cường những tụ điểm như thế có thể thực hiện được một cách khá độc lập chỉ bằng những nỗ lực tự nguyện không mà thôi, như Gandhi đã hình dung sự tạo dựng ra một xã hội tản quyền trong chương trình kiến thiết của ông ta104. Hơn nữa, các nhóm hiện hành còn có thể đóng góp vào việc tản quyền như thế bằng những cuộc đấu tranh nhằm đạt được – tương đối nhiều hơn – tự do hành động, tự quyết, hay là địa phương tự quản cho cộng đồng, cho thành phố, và cho vùng; và hoàn toàn tự trị cho những quốc gia bị ngoại bang cai trị.

    Những phương tiện đấu tranh được sử dụng trong những hoàn cảnh như thế và loại chế tài tối hậu mà xã hội và các tụ điểm trong những cơn khủng hoảng trông cậy vào, cũng sẽ quan trọng trong ảnh hưởng đến việc tản quyền hay tập quyền trong xã hội chính trị đó, như chúng ta sẽ xét định chi tiết hơn. Những phương tiện khác nhằm đạt được tản quyền có thể được tạo ra và những phương tiện cũ có thể được làm cho tinh xảo hơn. Nhưng dù những phương tiện dùng để đạt đến mục đích đó có thể khác nhau như thế nào đi nữa, thì sự chuyển giao quyền lực hữu hiệu trong khắp cơ cấu xã hội như là một tổng thể vẫn là một trong những điều kiện cho khả năng lâu bền ngăn chặn chuyên chế và những biểu hiện khác về quyền lực chính trị không được kiểm soáta.

     Để thiết lập được kiểm soát hữu hiệu đối với các nhà cai trị, cả hai câu hỏi về tổ chức xã hội và các kĩ thuật hành động (bao gồm cả những chế tài tối hậu) đều có ý nghĩa. Trong khi tìm cách giải quyết vấn đề kiểm soát quyền lực chính trị, và cố tìm kiếm những phương tiện tạo nên loại xã hội làm cho công việc kiểm soát đó được dễ dàng, chúng ta phải tìm những câu trả lời cho những câu hỏi sau đây:

  1. Làm thế nào để người ta có thể tổ chức một xã hội tự do theo những phương cách bảo toàn và cải tiến được khả năng duy trì tự do?
  2. Làm thế nào để người ta có thể tạo những thay đổi xã hội và chính trị theo những phương cách vừa giải quyết vấn đề đặc biệt nói trên vừa tạo dễ dàng, chứ không phải tạo trở ngại, cho việc kiểm soát quyền lực chính trị trong dài hạn?
  3. Làm thế nào để một xã hội giải quyết được những trường hợp đặc biệt về quyền lực chính trị không được kiểm soát (như trường hợp áp bức, chuyên chế, và chiến tranh) bằng những phương tiện vừa giải quyết vấn đề tức thời vừa giúp kiểm soát và phân tán — chứ không tập trung — quyền lực chính trị trong dài hạn?

    Những câu hỏi này và những câu hỏi khác như thế liên hệ mật thiết với kĩ thuật hành động được sử dụng để tạo thay đổi và với loại chế tài được trông cậy vào để duy trì hệ thống xã hội. Như thế là vì bản chất của các chế tài được áp dụng trong các cuộc tranh chấp và trong việc thi hành pháp luật có một liên quan nhân quả mật thiết với mức độ tập trung hoặc phân tán quyền lực trong xã hội. Chúng ta cần có một nhận định sâu sắc hơn về sự liên hệ này giữa những chế tài và cơ cấu.

Những Chế Tài Chính Trị
Và Sự Phân Phối Quyền Lực Hữu Hiệu

 

    Hai loại chế tài tổng quát thay thế cho nhau có thể được gọi là bạo lực chính trị và đấu tranh bất bạo động. Hai loại này có thể có những hệ quả rất khác nhau đối với việc tập trung quyền lực tương lai trong xã hội. Tạm gác một bên các câu hỏi khác liên quan đến hành động bạo động và hành động bất bạo động trong chính trị, chúng ta hãy ngắn gọn xét là bằng cách nào mà việc chọn loại này hay loại kia trong hai loại chế tài dùng làm kĩ thuật kiềm chế một nhà cai trị hay một tổ chức lại có thể ảnh hưởng lớn lao đến khả năng dài hạn của người dân kiểm soát quyền lực chính trị.

Bạo Lực Chính Trị
Đóng Góp Vào Việc Tập Trung Quyền Lực

 

    Người ta đã từng công nhận một cách phổ quát là những cuộc cách mạng bạo động và chiến tranh thường được đi kèm và nối tiếp bởi một sự tăng trưởng tập trung quyền lực vào nhà cai trị. Sự công nhận này không phải chỉ được giới hạn vào những người chống đối bạo lực chính trị và trung ương tập quyền. Tuy nhiên, ngay cả khi những nhà phê bình hệ thống xã hội và chính trị đã được ổn định – như Karl Marx chẳng hạn – có nhận định này, thì họ vẫn hiếm khi hỏi tại sao trung ương tập quyền lại liên quan đến bạo lực chính trị. Hơn nữa, họ hiếm khi đặt câu hỏi xem bạo lực chính trị có phù hợp với việc thiết lập kiểm soát hữu hiệu lâu bền đối với quyền lực của những nhà cai trị hay không. Trái lại, thường hay xảy ra là những người này dù biết một cách sắc bén những khuynh hướng đương đại về trung ương tập quyền, nhưng lại thúc đẩy những chính sách và biện pháp hình như đã bảo đảm là sự tập trung quyền lực vào nhà cai trị và những khó khăn trong việc kiềm chế quyền lực này sẽ được gia tăng. Cả hai người, Karl Marx và Vladimir Lenin đều làm như vậy. Người ta đã ít chú ý đến mối liên hệ rất có thể có giữa kĩ thuật hành động được trông cậy trong đấu tranh và mức độ mà theo đó quyền lực hữu hiệu được phân tán giữa những nhóm xã hội và các tổ chức hay là được tập trung vào vị thế của nhà cai trị.

    Marx nói đến Nhà Nước của Pháp như là “một tổ chức bàn giấy và quân sự vĩ đại” và như là một “bộ phận kí sinh ghê rợn….” Tất cả những biến động “trong nước Pháp từ cuộc Cách Mạng Pháp lần thứ nhất đến cuộc đảo chánh của Louis Napoléon đã kiện toàn guồng máy này thay vì đập nát nó đi. Các đảng phái lần lượt tranh giành ngôi vị bá chủ xem việc sở hữu cơ cấu Nhà Nước đồ sộ như là chiến lợi phẩm chính yếu của kẻ chiến thắng.”106 Lenin – người có ý định sử dụng guồng máy Nhà Nước trung ương tập quyền ở Nga cho những mục đích riêng của mình – vào năm 1917 – đã nhắc nhở đến đoạn văn này của Marx như là “một bước tiến vượt bực” trong thuyết Mác-xít: “… tất cả những cuộc cách mạng đã từng xảy ra cho đến ngày hôm nay đã giúp kiện toàn bộ máy nhà nước, trong lúc lẽ ra phải đập nát nó, cho vỡ ra từng mảnh.” Lenin tuyên bố: “Kết luận này là luận đề chính yếu và nền tảng trong lí thuyết Mác-xít về Nhà Nước.”107 Tuy nhiên, lí thuyết cách mạng căn bản theo trường phái Jacobin [cực tả] và sự thực hành của ông rất khác xa với quan điểm này, dù ông ta trình bày  chúng như là phù hợp với nhau.

    Tiếp theo sau một cuộc cách mạng bạo động mà trong đó một nhóm người mới đã giành được sự kiểm soát Nhà Nước, thì những nhà cai trị mới đôi khi được xem trong một thời gian như là nhân đạo hơn và ít áp bức hơn chế độ trước kia. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm là họ sẽ tiếp tục như thế. Lenin đã không làm như vậy. Và cũng chẳng có một hàng rào cản trở nào được thiết lập trong hệ thống của ông ta nhằm ngăn cản người nào khác – chẳng may chiếm được vị thế của nhà cai trị sau Lenin – hành sử một cách chuyên chế hơn nhiều, như Stalin đã làm.

    Việc làm suy yếu các nhóm, các hiệp hội, và các tổ chức của xã hội, và sự tập trung quyền lực hữu hiệu vào trong tay nhà cai trị do đó đã không – và không thể – đem lại cho người dân một sự tăng trưởng về khả năng kiềm chế quyền lực của bất cứ nhà cai trị nào trong tương lai không muốn bị kiềm chế. Tiến trình này, Jouvenel lí luận, đặt nền móng cho “Nhà Nước Độc Tôn.”108

    Mặc dù hậu quả trung ương tập quyền của chiến tranh đã rất là hiển nhiên trong thế kỉ 20, nhưng khuynh hướng này hẳn cũng đã được chứng minh trước đây rồi109. Những thay đổi về kĩ thuật và sự khác biệt giữa dân sự và các lực lượng quân sự gần như đã bị xoá bỏ làm nổi bật khuynh hướng này. Sự động viên hữu hiệu nhân lực và các tài nguyên khác vào guồng máy chiến tranh có hiệu năng, sự cần thiết của việc thiết kế và điều khiển tập trung, hậu quả tác hại của sự bất đồng ý kiến và kiểm soát không trọn vẹn, và sự gia tăng sức mạnh đòi hỏi phải sẵn có cho nhà cai trị, tất cả đều đóng góp vào khuynh hướng mạnh mẽ của chiến tranh hiện đại, tập trung càng ngày càng nhiều quyền lực hữu hiệu trong tay nhà cai trị.

    Những loại bạo động chính trị khác cũng có thể đóng góp vào tiến trình trung ương tập quyền này. Những phát triển hiện đại về kĩ thuật và tổ chức chính trị có vẻ đánh nổi những khuynh hướng của bạo lực chính trị tập trung khả năng quyền lực hữu hiệu110. Trong số những nhân tố này thì có:

  1. Chỉ đạo tập trung và kiểm soát các chuẩn bị cho bạo động chính trị và cho việc tiến hành bạo động chính trị nói chung là cần thiết, nếu bạo lực muốn được áp dụng một cách có hiệu năng.
  2. Điều này đòi hỏi một sự kiểm soát tập trung về vũ khí (và các tài nguyên vật chất khác), về các chiến binh hiện dịch, và về các nhóm và các tổ chức mà những điều này lệ thuộc vào.
  3. Sự kiểm soát như thế (như ở nhân tố 1 và 2) có nghĩa là quyền lực gia tăng trong thời gian đấu tranh cho những người hành sử sự kiểm soát đó, bao gồm cả khả năng áp dụng bạo lực thể xác để duy trì sự kiểm soát.
  4. Sau một cuộc đấu tranh thành công bằng bạo lực chính trị, nhóm nắm quyền điều động cuộc đấu tranh có khuynh hướng giữ lại khả năng quyền lực đã được tích luỹ trong thời gian đấu tranh. Hay là, nếu một cuộc đảo chánh xảy ra, thì những người khác, hay một phần của nhóm người nguyên thuỷ, sẽ giành nắm lấy khả năng quyền lực đã được định chế hoá đób.
  5. Sự chiếm cứ Nhà Nước cũ, được tăng cường bằng khả năng quyền lực mới thêm vào, vừa được tăng trưởng, sẽ có nghĩa là một sự gia tăng toàn bộ về khả năng quyền lực hữu hiệu cho những nhà cai trị tương lai so với những các nhà cai trị cũ.
  6. Khả năng quyền lực này cũng có thể được gia tăng trong thời gian đấu tranh bởi sự phá huỷ hay việc làm suy yếu những tụ điểm quyền lực, đưa đến kết quả là người dân sẽ tương đối bị suy yếu so với nhà cai trị.
  7. Chế độ mới phát sinh từ bạo lực bắt buộc sẽ phải trông cậy vào bạo lực, và do đó vào trung ương tập quyền, để tự bảo vệ mình chống lại kẻ thù từ trong và ngoài nước.
  8. Ở một xã hội mà trong đó người dân cũng như nhà cai trị đều xem bạo lực như là loại quyền lực hữu hiệu duy nhất và là phương tiện đấu tranh thực sự duy nhất, và trong đó nhà cai trị có một khả năng bao la trong việc sử dụng bạo lực chính trị, thì người dân có khuynh hướng cảm thấy bất lực.

     Những nhân tố này và các nhân tố khác giúp làm giảm đi khả năng của người dân kiểm soát quyền lực của nhà cai trị ở một xã hội dựa vào bạo lực chính trị như là phương thức chế tài và là phương tiện đấu tranh tuyệt hảo.  

Những Chế Tài Bất Bạo Động
Đóng Góp Vào Việc Phân Tán Quyền Lực

 

    Hành động bất bạo động tỏ ra là có một hiệu quả dài hạn khác hẳn đối với việc phân phối quyền lực trong xã hội. Không những kĩ thuật này không có những hậu quả trung ương tập quyền của bạo lực chính trị, mà còn tỏ ra đóng góp rất nhiều vào việc phân tán quyền lực hữu hiệu trong khắp xã hội. Điều này về dài hạn lại có khuynh hướng làm cho việc dân chúng kiểm soát nhà cai trị hành sử quyền lực được dễ dàng hơn. Việc áp dụng phổ quát hành động bất bạo động thay vì bạo lực chính trị tỏ ra đã phân tán khả năng quyền lực trong dân chúng vì những lí do sau đây111:

  1. Mặc dù lãnh đạo mạnh có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc khởi động một phong trào đấu tranh bất bạo động, nhưng khi cuộc xung đột phát triển và lãnh đạo nguyên thuỷ bị bỏ tù hoặc bị đối phương thủ tiêu, thì tiếp tục một nhóm lãnh đạo trung ương thường không còn cần thiết, và, thực ra, không thể duy trì được nữa. Trong những trường hợp khác mà lãnh đạo tiếp tục được, thì những người tham gia vẫn phải cần tự lực nhiều hơn, và trong những hoàn cảnh cùng cực thì hoàn toàn không có lãnh đạo. Nhất là khi bị đàn áp gắt gao thì hiệu năng của đấu tranh bất bạo động đòi hỏi những người tham gia phải có khả năng hành động mà không lệ thuộc vào một nhóm lãnh đạo trung ương.
  2. Phong trào không thể bị trung ương kiềm chế bởi luật lệ về việc phân phối vũ khí và đạn dược cho các chiến binh, vì trong đấu tranh bất bạo động không có vũ khí vật chất. Thay vào đó, những người hoạt động lệ thuộc vào những phẩm chất như là lòng can đảm, khả năng duy trì kỉ luật bất bạo động, và kĩ năng áp dụng kĩ thuật này. Những phẩm chất và kĩ năng này có khuynh hướng phát huy khi được sử dụng. Vì vậy, thực hành giúp phát triển tự lực nhiều hơn là trường hợp của binh lính phải trông cậy vào việc tái cung cấp trang bị, đạn dược, và lệnh từ các sĩ quan chỉ huy.
  3. Những lực có tác dụng trung ương tập quyền của bạo lực chính trị không có trong đấu tranh bất bạo động. Mức độ lệ thuộc vào những người lãnh đạo bất bạo động được giảm thiểu khi chiến dịch tiến hành. Nếu những người này tiếp tục như là những nhà lãnh đạo, thì chỉ vì quyền hành có tính đạo đức của họ được người ta tự nguyện chấp nhận, chứ không phải vì khả năng áp đặt ý muốn của họ bằng đe doạ hoặc sử dụng bạo lực đối với chính những người tham gia.
  4. Ở nơi nào mà những người lãnh đạo trong tiến trình đấu tranh không tích luỹ khả năng sử dụng bạo lực chính trị, thì sẽ không có những phương tiện đàn áp được cơ chế hoá sẵn sàng để áp dụng chống lại những người ủng hộ mình và những người khác trong thời hậu đấu tranh.
  5. Ở nơi nào mà sau một cuộc đấu tranh bất bạo động, một vài trong số những người lãnh đạo nhận lãnh những chức vụ Nhà Nước, gồm cả chức vụ của nhà cai trị, như trường hợp sau một cuộc đấu tranh giành độc lập quốc gia, thì đúng là họ có sẵn trong tay để sử dụng những khả năng cảnh sát và quân đội của Nhà Nước này, nhưng những khả năng này sẽ không được gia tăng bởi những lực lượng quân sự của chính họ đã từng được tích luỹ và bởi khả năng xúc tiến bạo lực chính trị.
  6. Các nhóm xã hội và các tổ chức trong khắp xã hội sẽ không bị làm suy yếu hay phá vỡ bởi bạo lực chính trị, hay chịu khuất phục trước những đòi hỏi của bạo lực. Trái lại, trong đấu tranh bất bạo động, những tụ điểm quyền lực này có khuynh hướng được tăng cường. Kinh nghiệm làm việc gần gũi với nhau trong đấu tranh, chứng tỏ tự lực nhiều hơn, và giành được kinh nghiệm trong những phương tiện khẳng định khả năng tiếp tục và đối kháng của mình chống lại sự đàn áp và tập đoàn hoá của đối phương, trong một cuộc đấu tranh bất bạo động thành công, có khuynh hướng tăng cường những tụ điểm như thế rất nhiều. Gandhi thường mô tả một chiến dịch đấu tranh bất bạo động như là một phương tiện theo đó người ta sẽ phát huy sức mạnh làm cho họ có khả năng tiến đến việc đạt được những mục đích chính trị của mình112.
  7. Người ta không thể trông đợi một chiến dịch bất bạo động nhằm một mục tiêu chính trị cụ thể sẽ tức khắc được tiếp nối bởi sự kiện xã hội chính trị đó hoàn toàn chối bỏ bạo lực trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, đó là một bước tiến theo chiều hướng đó. Chiều hướng này có thể, hoặc có thể không, được tiếp nối bởi những hình thức chế tài bất bạo động thay thế cho những chế tài bạo động.

    Những thay đổi do bạo lực chính trị đem lại có khuynh hướng đòi hỏi bạo lực phải được tiếp tục để bảo vệ những thay đổi đó. Những thay đổi “được cho” mà không cần nỗ lực có thể bị cất đi một cách dễ dàng. Tuy nhiên trong tiến trình tranh thủ những thay đổi bằng đấu tranh bất bạo động, quần chúng cũng phát huy khả năng bảo vệ những thay đổi này một cách bất bạo động113. Những thay đổi do đấu tranh bất bạo động đạt được do đó lâu bền hơn. Những thay đổi như thế cũng còn đóng góp vào việc giải thoát dân chúng trong vùng đó khỏi “sự cần thiết” phải lệ thuộc vào bạo lực chính trị để duy trì cơ cấu xã hội114.

  1. Trong lúc đeo đuổi một cuộc đấu tranh bằng bạo lực chính trị, người dân có khuynh hướng cảm thấy mình tương đối bất lực khi họ so sánh khả năng sức mạnh của chính mình với quyền lực của nhà cai trị, một tình trạng khác hẳn có thể đã bộc phát trong thời gian của một cuộc đấu tranh bất bạo động thành công. Trước tiên, họ có thể đã kinh nghiệm một sự biến đổi sức mạnh tiềm năng của họ thành sức mạnh hữu hiệu hay sức mạnh thực sự qua đấu tranh bất bạo động thành công. Kinh nghiệm như thế sẽ đem lại cho họ tự tin, tài nguyên, và kĩ năng làm phong phú khả năng thay đổi xã hội và kiểm soát quyền lực hữu hiệu của nhà cai trị trong tương lai. Loại huấn luyện tại “mặt trận” như thế này giúp gia tăng khả năng của người dân áp dụng kĩ thuật này trong những cơn khủng hoảng tương lai, đóng góp vào việc chuyển giao quyền lực hữu hiệu và khả năng quyền lực cho xã hội115, và làm phong phú khả năng của xã hội như là một tổng thể trong việc kiềm chế những nhà cai trị có nguồn gốc trong nước hay ngoài nước muốn tìm cách áp đặt ý muốn của mình chống lại ý muốn của nhân dân.

Nếu hợp lí thì cuộc thảo luận ở phần này có nhiều hệ quả thực tế quan trọng. Ngay cả nếu chúng ta giả dụ là hệ quả của ngắn hạn của hai loại chế tài ngang nhau, thì về dài hạn, việc chọn lựa loại này hay loại kia sẽ có những hệ quả khác hẳn nhau cho xã hộic.

Nhu Cầu Suy Tư

 

     Bài này là một nỗ lực nhằm cung ứng những dàn bài tổng quát cho những suy tư về sự liên hệ giữa khả năng quyền lực của nhà cai trị và sự phân phối thực sự khả năng quyền lực trong khắp cơ cấu xã hội. Ảnh hưởng của những chế tài và phương tiện đấu tranh khác nhau đối với việc phân phối khả năng quyền lực cũng đã được khai phá. Những nguy hiểm của quyền lực chính trị không được kiểm soát nghiêm trọng đến độ bắt buộc phải có những giải pháp cho vấn nạn này. Tuy nhiên, không phải mọi đề nghị giải quyết vấn đề đều đem lại những kết quả như nhau khi đưa vào thực hành. Những đề nghị trong quá khứ nhằm kiềm chế quyền lực chính trị đã đem lại thành công hết sức giới hạn, tỏ ra là bất lực, hoặc ngay cả phản tác dụng. Ngay cả khi “thành công,” những nỗ lực trong quá khứ thường xuyên tỏ ra là đã đóng góp vào việc làm suy giảm khả năng kiềm chế quyền lực trong dài hạn hẳn phải thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những giải pháp thoả đáng hơn. Việc tìm kiếm này đòi hỏi, ngoài những điều khác, là chúng ta cần phải suy nghĩ về bản chất của vấn đề và những đòi hỏi của một giải pháp thoả đáng.

    Những cố gắng suy nghĩ lại về những vấn đề dai dẳng như thế đôi khi thật phiền phức. Chúng ta thường bị rơi vào một cảm giác không được hài lòng. Sự thoả đáng của những “giải pháp” truyền thống bị nghi ngờ, trong lúc sự phân tích thay thế về bản chất của vấn đề lẫn “giải pháp” thay thế đề nghị, cả hai đều chưa được phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, sự khó chịu như thế có thể hữu ích nếu nó thúc đẩy chúng ta suy tư và đóng góp vào nỗ lực giải quyết vấn đề trước mặt.

__________________________________

CƯỚC CHÚ

   

aCuộc thảo luận về tản quyền có tính cơ chế này được mở rộng đầy đủ hơn ở Chương Mười Hai, “Tăng Cường Khả Năng Quần Chúng,” Tiểu Chương: “Vạch Chiến Lược Cho Việc Tăng Cường Khả Năng”.

bĐể có một phân tích sâu rộng về một số hậu quả của bạo động chính trị đã được cơ chế hoá, Y/C xem Chương Mười Một, “Phạm Trù Xã Hội”, và Chương Mười Hai, “Tăng Cường Khả Năng Quần Chúng.”      

cĐể thảo luận thêm về các hệ quả dài hạn của các chế tài bạo động và bất bạo động, và của việc thay thế các chế tài bạo động bằng những chế tài bạo động, Y/c xem Chương Mười Hai, “Tăng Cường Khả Năng Quần Chúng,” Tiểu Chương: “Vạch Chiến Lược Cho Việc Tăng Cường Khả Năng.”    

  1. Xem u, Tinh Thần Luật Pháp, tập I, t.21.
  2. Jouvenel, Quyền Lực, t.220 và Hannah Arendt, Về Cách Mạng (New York: Viking Press, 1963).
  3. Montesquieu, Tinh Thần Luật Pháp, tt.21-22.
  4. Tocqueville, Dân Chủ Tại Mỹ, tập II, t.226.
  5. Montesquieu, Tinh Thần Luật Pháp, tập I, t.309.
  6. Jouvenel, Quyền Lực, t.101.
  7. Jouvenel, Chủ Quyền, t.199.
  8. Như trên.
  9. Simmel, Xã Hội Học Của Georg Simmel, t.274.
  10. Như trong lí thuyết của Pareto về sự tuần hoàn của giới thượng lưu. Xem Wilfredo Pareto,
    Trí Óc Và Hội (New York: Harcourt Brace and Co., 1935), tập IV, tt.17871798.
  1. Tocqueville, Dân Chủ Tại Mỹ, tập I, t.92.
  2. Xem như trên, tập II, tt.295-296.
  3. Như trên, t.97.
  4. Xem Gene Sharp, “Lí thuyết Chương Trình Xây Dựng của Gandhi,” trong cuốn Gandhi Như Là Một Chiến Lược Gia, Chương Năm.
  5. Bạo lực chính trị ở đây nói đến bạo lực thể xác hay là sự đe doạ bạo lực thể xác được sử dụng để xúc tiến những mục đích chính trị, dù là bởi Nhà Nước, bởi các nhóm phi chính phủ, hay bởi những cá nhân, bao gồm tù đày, hành quyết, nổi loạn, chiến tranh du kích, chiến tranh quy ước, ám sát, đảo chánh, nội chiến, đánh bom, khủng bố, và những hành động cảnh sát hay quân sự chống lại các nhóm đối lập.
  6. Karl Marx, Ngày 18 Brumaire [Cách Mạng] của Louis Bonaparte, tt.238-239, trong David Fernbach, biên tập, Karl Marx: Các Tác Phẩm Chính Trị, tập II, Những Điều Tra Từ Cuộc Đày Ải (New York: Vintage Books, Random House, 1974).
  7. I.Lenin, Nhà Nước Và Cách Mạng (New York: International Publishers, 1974), t.25.
  8. Xem Jouvenel, Quyền Lực, tt.18-22 và 244-246.
  9. Xem Quincy Wright, Một Nghiên Cứu Về Chiến Tranh (Chicago: University of Chicago Press, 1942), tập I, tt.232-242, 302 và đặc biệt là 311; Bronislaw Malinowski, “Một Nghiên Cứu Nhân Chủng Học Về Chiến Tranh,” Tập San Mỹ Về Xã Hội Học, tập XLVI, số 4, nhất là t. 545; và Malinowski, Tự Do Và Văn Minh (New York: Roy Publishers, 1944), nhất là tt.265 và 305.
  10. Bảng liệt kê sau đây về các nhân tố xuất hiện dưới dạng thức tương tự trong Gene Sharp, Chính Trị Của Hành Động Bất Bạo Động, tt.800-802.
  11. Bảng liệt những nhân tố này cũng xuất hiện dưới dạng thức tương tự như trên, tt.802-806. Xem Phần Ba, “Những Động Năng Của Đấu Tranh Bất Bạo Động” để có phân tách và dữ kiện hỗ trợ cho các nhận định này.
  12. Xem Gandhi, Satyagraha [Sức Mạnh Chân Lí], t.356 và Gene Sharp, Gandhi Tung Vũ Khí Sức Mạnh Đạo Đức (Ahmedabad: Navajivan, 1960), tt.72 và 100.
  13. Xem Sharp, Gandhi Tung Vũ Khí Sức Mạnh Đạo Đức, t.125 và Gandhi, Bất Bạo Động Trong Hoà Bình và Chiến Tranh, tập II, t.340.
  14. Xem Richard Gregg, Sức Mạnh của Bất Bạo Động (Ấn bản sửa đổi hai, New York: Schocken, 1966, và London: James Clark, 1960), t.146.
  15. Bose đã viết là kinh nghiệm trong đấu tranh bất bạo động làm cho người ta “tự lực. Và khi quyền lực đến với cách mạng thì sẽ được phân phối đều trong quần chúng; bởi vì, với bất bạo động, bất cứ người đàn ông, đàn bà, hay con nít nào cũng có thể hữu hiệu với điều kiện là họ có trái tim vững chắc. Với bạo động, không thể được như vậy; những người đã sử dụng bạo động hữu hiệu hơn cả sẽ là người thắng thế.” Bose, Những Nghiên Cứu về Thuyết Gandhi, t.148).

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.