Lòng Yêu Nước Như Được Phản Ánh qua Văn học Dân gian

Bài II

 

Trong bài trước chúng tôi đã nêu lên danh tính các anh hùng và phong trào lãnh đạo những cuộc nổi dậy chống Tàu, Pháp, Nhật xâm lược. Chúng tôi cũng đặt những câu hỏi: Còn nhân dân thì sao? Thái độ của họ như thế nào đối với tình trạng đất nước bị xâm lăng; đối với những đàn áp và bóc lột của ngoại bang; đối với những kẻ phản bội, quỳ luỵ, phục tòng Tàu, Tây, Nhật để được hưởng vinh hoa, phú quý trước sự đau khổ của đồng bào; đối với những anh hùng cứu nước; và đối với chính bản thân họ?

Tổ quốc Việt Nam bị xâm chiếm và đô hộ qua hai giai đoạn chính. Giai đoạn I, từ 202 TCN đến năm 1427 CN: Ở giai đoạn này, Tàu đã bốn lần xâm chiếm và thống trị đất nước bằng những chính sách rất hà khắc nên đã có rất nhiều anh hùng Việt tộc đứng lên đấu tranh, quyết tâm giành lại tổ quốc. Giai đoạn II, từ 1858 đến 1945 là giai đoạn Pháp cai trị Việt Nam bằng những chính sách đàn áp và bóc lột; đặc biệt là từ 1940 đến 1945, còn có người Nhật cùng với người Pháp đồng thời đô hộ áp bức dân ta và do đó, đã gây bất mãn khiến rất nhiều người từ vua quan triều đình nhà Nguyễn cho đến những anh hùng nhân dân tổ chức những cuộc khởi nghĩa chống thực dân. Điều cần lưu ý là trong lịch sử đấu tranh chống áp bức trên toàn thế giới, những cuộc khởi nghĩa bao giờ cũng được lãnh đạo bởi tầng lớp sĩ phu, trung lưu. Lịch sử Việt Nam cũng không khác, như đã được trình bày trong bài trước. Tuy nhiên, lãnh đạo phải có nhân dân. Không có nhân dân thì không có lãnh đạo. Do đó, vai trò tham dự của nhân dân là điều kiện “cần” cho sự thành công của bất cứ cuộc cách mạng nào. Nhưng những yếu tố nào đã quyết định sự tham dự của người dân? Để thông suốt vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu những tình cảm cũng như suy nghĩ của người dân đối với sự thống trị và ách nô lệ. Chúng ta cần tìm hiểu chính sách đô hộ của người Tàu, người Pháp, và người Nhật ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như thế nào cũng như cần tìm hiểu thái độ và phản ứng của họ đối với sự xâm lược và áp bức này.

Trước tiên, lịch sử đất nước mang dấu ấn của nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại sự đô hộ hà khắc của người Tàu. Tuy nhiên sự suy nghĩ chân chất của người bình dân thôn dã thoạt tiên là vua quan lo sợ và chịu khuất phục người Tàu, nên — trong tình trạng yếu thế và bất lực của người dân bị trị “thấp cổ bé miệng” — họ chỉ mong ước tổ quốc có người hiền tài đứng lên cứu nước, nghĩa là họ không muốn phần đất cha ông của họ để lại bị người khác cướp đi.

Thanh thuỷ thanh biền

Ở bên Bắc quốc nó liền kéo sang

Chẳng qua cái ách nước Nam

Khi xưa ai biết việc quan bên Tàu

Nó sang tống củi tống dầu

Bắt lính quan sứ đi hầu song loan

Làm vua thì phải luỵ quan

Làm quan thì phải luỵ đàn trắng răng

Sợ người chẳng dám nói năng

Ngôn ngữ bất đồng tiếng nói chí chô

Hiệu kèn nó thổi vò ve

Nước Nam có Thánh để cho thiên hạ bình.

 

Nhưng khi có những vị anh hùng cứu nước xuất hiện thì họ ca tụng, vinh danh, suy tôn, sùng bái, và tỏ lòng biết ơn những người này, có khi bằng những huyền thoại dành cho các bậc thánh nhân.

Nhớ xưa đương buổi triều Hùng

Vũ Ninh nổi đám bụi hồng nẻo xa

Trời thương Bách Việt sơn hà

Trong nơi thảo máng nảy ra kì tài

Lên ba đang tuổi anh tài

Roi ngựa sắt ra oai trận tiền

Một phen khói lửa dẹp yên

Sóc Sơn nhẹ gót thần tiên lên trời.

 

Nhớ đời thứ sáu Hùng Vương

Ân sai hăm tám tướng cường nữ Nhung*

Xâm cương cậy thế khoe hùng

Kéo sang đóng chặt một thành Vũ Ninh

Trời cho thánh tướng giáng sinh

Giáng về Phù Đổng ẩn mình ai hay

Mới lên ba tuổi thơ ngây

Thấy vua cầu tướng, ngày rày ra quân

Gọi sứ phán bảo ân cần

Gươm vàng, ngựa sắt, đề binh tức thì

Thánh Vương khi ấy ra uy

Nửa ngày sm sét tứ bề giặc tan.

 

( *Tộc Nhung ở bên Tàu trong thời đại này còn thuộc mẫu hệ)

 

Giáo gươm cờ quạt tưng bừng

Nhác trông uy vũ tưởng chừng năm xưa

Anh hùng trí dũng có thừa

Sử vàng bia đá bây giờ là đây

Non xanh nước biếc sánh tày

Danh thơm Phù Đổng xưa nay tiếng truyền.

 

Giáo gươm cờ xí trùng trùng

Hằng năm mở hội tưng bừng vui thay

Nhớ xưa thánh Gióng tích rày

Uy phong rạng rỡ, đến nay còn truyền.

 

Muốn coi lên núi mà coi

Coi bà quản tượng cỡi voi bành vàng

 

Có bà Triệu tướng

Vâng mệnh trời ra

Trị voi một ngà

Dựng cờ mở nước

Lệnh truyền sau trước

Theo gót bà vương.

 

Ru con, con ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành con voi

Muốn coi, lên núi mà coi

Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng

Ai về Hậu Lộc, Phú Điền

Nhớ đây bà Triệu trận tiền xung phong

Ai về đến huyện Đông Anh

Ghé xem phong cảnh Loa thành Thục vương.

 

Sa Nam trên chợ, dưới đò

Nơi đây Hắc Đế kéo cờ dựng binh

 

Sâu nhất là sông Bạch Đằng

Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan

Cao nhất là núi Lam Sơn

Có ông Lê Lợi trong ngàn tiến ra.

 

Ai lên Biện Thượng, Lam Sơn

Nhớ Lê Thái Tổ chận đường quân Minh

 

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông

Con bế, con dắt, con bồng, con mang

 

Bần Gie đốm đậu sáng ngời

Rạch Gầm soi dấu muôn đời oai danh.

 

(Thuỷ chiến của Nguyễn Huệ đánh tan 5 vạn quân Xiêm)

 

An Khê nổi tiếng Hòn Bình

Ngày xưa Nguyễn Huệ ẩn binh chốn này

 

Đống Đa ghi để lại đây

Bên kia Thanh Miếu, bền này Bộc Am.

 

Anh đi theo chúa Tây Sơn

Em về cày cuốc mà thương mẹ già

Kẻ Dầu có quán Đình Thanh

Kẻ Hạc, ta có Ba Đình, Ba Voi.

 

Thùng thùng đánh trống quân sang

Chợ Già1 trước mặt, quán Nam2 bên đàng

Qua Chiêng3 thì rẽ sang Giàng

Qua quán Đông Thổ4 vào làng Đình Hương5

Anh đi theo chúa Tây Sơn

Em về cày cuốc mà thương mẹ già.

 

(1,2,3,4,5 Những địa danh thuộc tỉnh Thanh Hoá)

Đối với người Pháp và chính sách cai trị ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống gia đình của người bình dân thôn dã thì họ đã bày tỏ những cảm xúc và suy nghĩ rất rõ ràng.

Bắt đầu là cảm xúc bất mãn đưa đến ý thức chống đối chính sách mộ lính của người Pháp. Suốt thời gian đánh Đức trong Thế chiến II, người Pháp đã mộ lính Việt, đa phần là để đưa qua Pháp đánh Đức, và một phần lưu lại trong quân đội Pháp để chận đứng các cuộc khởi nghĩa. Người dân Việt, nhất là các bà mẹ, bà vợ hết sức căm phẫn vì phải xa con, xa chồng, không có ai chăm sóc mẹ già và đàn con nhỏ trong lúc chồng, con phải đi đánh giặc ở một nước xa xôi và có lúc phải chết thay cho kẻ xâm lược.

Tây bang anh đi lính

Sao anh không tính việc nhà

Phần thì cha yếu mẹ già

Con thơ vợ dại biết là cậy ai?

 

Ơn cúc dục, sao anh bội bạc

Nghĩa vợ chồng, anh để dở dang

Anh đòi đi lính Tây bang

Em e anh bỏ mạng bãi hoang đất người

 

Tình chồng vợ anh không tưởng tới

Nghĩa sinh thành anh chẳng kể chi!

Sao anh bất thức bất tri

Anh đi lính mộ, được gì đâu na?

Anh nghe em hỏi đây mà

Ai sinh ai đẻ anh ra thành người?

Sao anh không sợ người cười

Cái nòi lính mộ, mấy đời sướng thân

Hỏi anh, anh phải phân trần

Cha già mẹ yếu, đỡ đần cậy ai?

 

Em đã tỏ hết lời năn nỉ

Nhưng anh nào có nghĩ gì đâu

Lính Tây bang khổ mạt đời

Đêm nằm không ngủ, ngày ngồi không yên

Anh ơi! Nghe lấy lời khuyên

Ở nhà có thiếp sớm chuyên đỡ đần.

 

Chim bay về mỏm Sơn Trà

Chàng đi lính mộ xa đà quá xa

Sự này bởi tại Lang Sa

Cho nên đũa ngọc mới xa mâm vàng

 

Mù u ba thứ mù u,

Lính ta thì tình nguyện chớ lính thù ta chẳng đi.

Một ngày một cân gạo kho

Một xu cá ót, sao no cả ngày!

 

Con nhà ai nho nhỏ to gan

Thấy người ta đi lính mộ, xuống Hàn kí tên

Về nhà con khóc, vợ rên

Hương trên, xã dưới bốn bên xì xào.

 

Tham chi đồng bạc của Tây

Mà đi lính mộ bỏ bầy con thơ

 

Câu dưỡng nhi chờ khi đại lão

Thân anh lớn, vóc anh tròn

Cù lao dưỡng dục, anh còn nhớ không?

Vọng phu hoá đá chờ chồng

Sao anh chưa thấy dải đồng phu thê

Phiên bang nhiều kẻ chán chê

Tới đây bỏ mạng có về được đâu

Khuyên anh suy nghĩ cho sâu

Đừng thèm đi lính bỏ đầu bên Tây.

 

Tây bang đi lính khó về

Ngày xưa em có nói, anh chẳng nghe nên luỵ mình.

 

Tiếng anh người có học

Sao anh chẳng nghĩ suy

Tây bang đi lính làm chi

Xa cha, lìa mẹ, còn gì chữ ân

Anh ơi! Nghe mấy lời phân

Anh đừng đi lính bỏ thân xứ người.

 

Đời mạt kiếp, sao anh không thấy

Phỉnh phờ anh, nó nói giàu sang

Xui anh vào lính Tây bang

Để cho chúng nó ngủ an trên lầu

Anh ơi phú quý về đâu

Thân mình khổ cực, bù đầu tóc xơ

Anh mau về lúc bây giờ

Ở nhà, cha đợi, mẹ chờ, em trông.

 

Nước sông Hàn đời mô cho hết mặn

Rừng Sơn Trà ai đốn cho hết cây

Lời nguyền anh em đó đây

Biểu anh đừng đi lính cho Tây, em phiền.

 

Con tôi trẻ dại thơ ngây

Phải năm lính mộ ông Tây bắt liền

Con đi mẹ những lo phiền

Lòng con lại thích lấy tiền ông Tây!

Con ơi, đói đi ăn mày

Mật kia có ngọt, ruồi rày chớ ham

Tấm thân giá trọng ngàn vàng

Dẫu rng chết đói quê làng vẫn hơn.

 

Chính sách bóc lột thứ hai của người Pháp là chiếm đất để lập đồn điền cao su. Để có cao su sử dụng vào kỉ nghệ, nhất là kỉ nghệ làm bánh xe hơi, người Pháp đã lập nên các đồn điền cao su ở những nơi rừng thiêng, nước độc, rồi mộ phu trồng cây và lấy mủ cao su, thu lợi nhuận thương mại lớn lao. Những phu mộ thì phải đi xa nhà, sống tại các đồn điền trong những hoàn cảnh kinh tế rất ngặt nghèo, lương phạn chẳng bao nhiêu, thiếu dinh dưỡng, vệ sinh, lại còn phải chịu đựng sự đàn áp cay nghiệt của các tên cai đồn điền, tay sai của thực dân. Nhiều phu mộ trở nên bịnh hoạn, bủng beo, và thường hay chết tại các đồn điền. Người dân cảm thấy cay đắng và căm hận sự bóc lột này của người Pháp.

Hàng vạn người chết vì Tây

Sao đây chỉ thấy rừng cây mịt mù

Thịt rơi dưới gốc cao su

Mồ hôi, nước mắt mập ù thằng Tây.

 

Cao su đi dễ, khó về

Khi đi mất vợ, khi về mất con

 

Cao su đi dễ, khó về

Khi đi trai tráng, khi về bủng beo

 

Lỡ lầm vào đất cao su

Chẳng tù thì cũng như tù chung thân

Sáng ngày vác cuốc trèo non

Tối về mới biết mình còn sống đây

Nhà thương vô có ra không

Chị đi kiếm chồng, ra bãi tha ma.

 

Ai đi Uông Bí, Vàng Danh

Má hồng để lại, má xanh đem về

Bán thân để mấy đồng xu

Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng.

 

Cao su xanh tốt lạ đời

Mỗi cây bón một xác người công nhân

Cây cao su quý hơn người

Mỗi khi cây bệnh, cây thời nghỉ ngay

Lang ta cho chí Lang Tây

Đêm đêm lo lắng, ngày ngày chăm nom

Còn ta đau yếu gầy mòn

Đau không được nghỉ; chết, hòm cũng không.

 

Chính sách khai thác than đá đàn áp và bóc lột của người Pháp — bắt phu làm lụng nhiều giờ vất vả, bẩn thỉu, không có điều kiện vệ sinh thích hợp, với những đồng lương bèo bọt, còn bị đánh đập, cưỡng hiếp tàn nhẫn —  đã gây phẫn uất trong giới lao động. Công nhân lao động không có một bảo đảm quyền lợi nào về phương diện an toàn, sức khoẻ, thời gian làm việc, cũng như lương bổng.

Than nhiều hơn cả cỏ cây

Đào ra than cũng tay này chứ ai!

Thế mà cả gái trai già trẻ

Đều còng lưng làm nghé, làm trâu

Đào than cho nó làm giàu

Xúc vàng đem đổ xuống tàu cho Tây

 

Cái thằng Tây nó ác quá

Nó đánh, nó đá, nó cưỡng hiếp, chửi mắng lôi thôi

Trở về nương rẫy đi thôi

Làm than khổ lắm, đấm buồi làm than.

 

Đau đẻ cũng phải xúc than

Đẻ rơi cũng mặc, kêu van cũng lờ.

 

Thuyền than mà đậu bến than

Thương anh vất vả, cơ hàn, nắng mưa

 

Thuyền nan đậu bến đen sì

Anh không ra mỏ, lấy gì em ăn?

 

Cầm hơi miếng bánh đúc vôi

Rét run lấy mảnh bao gai che mình.

 

Độc ác nhất là chính sách thu mua lúa gạo của người Pháp vào những năm 40, thời Đại Chiến II, tất cả lúa gạo đều bị người Pháp thu mua với giá rẻ mạt, một phần để dự trữ cho chiến tranh, một phần khác để nộp cho người Nhật đang trú đóng tại Việt Nam. Chính sách này đã gây nên nạn đói năm Ất Dậu (1945) gây chết chóc cho trên 2 triệu người Việt. Những câu ca dao sau đây là bằng chứng cho sự căm phẫn của nông dân:

 

Thóc đâu mà nộp cho Tây

Nó ăn nó béo, nó đầy đoạ ta

Hỡi này các bạn nông gia!

Bảo nhau đừng nộp thóc ta cho thù.

 

Tỉnh Thái Bình dân lành ruộng tốt

Bao năm trời đau xót vì Tây

Ruộng khô mất cả trâu cày

Nhân dân trằn trọc suốt ngày suốt đêm

Được hạt thóc chiêm, nó đem ngâm nước

Được bông lúa mùa, nó đốt thành than.

 

Mấy năm thóc cạn vì ai

Làm dân ta chết hơn hai triệu người

Ta thì khóc, nó thì cười

 

Tàu cười, Tây khóc, Nhật no

Việt Nam hết gạo, chết co đầy đường.

 

Nguyên nhân Tây mua thu lúa gạo một phần cũng là do người Nhật ép chính quyền Pháp đóng góp cho Nhật nuôi quân. Người Nhật còn bắt nông dân nhổ bỏ lúa đã trồng, phá huỷ những nông sản khác như khoai, ngô, sắn, rau, củ chỉ để trồng đay cho người Nhật làm bao tải đựng cát dùng vào việc xây dựng các công sự phòng thủ chống lại sự tấn công của các lực lượng Đồng minh. Lúa gạo đã bị thu mua hết với giá rẻ, người dân lại bị bắt buộc chỉ được trồng đay thay vì lúa thì làm sao họ có thể sống còn cho được trong lúc sự sinh tồn của họ chỉ dựa vào lúa gạo. Sự phẫn uất và tinh thần chống đối đã lên đến cao độ và người dân tỏ ra sẵn sàng dấn thân chiến đấu để giành lại quyền sống.

Chém cha lũ Nhật côn đồ!

Bắt người, cướp của tha hồ thẳng tay

Dân ta trăm đắng ngàn cay

Thóc ăn chẳng có, trồng đay cho người

 

Tháng ngày dãi nắng dầm sương

Mới được ruộng lúa bên đường xanh tươi

Quân bay độc lắm, Trời ơi!

Độc hơn rắn rết, lợn lòi, hùm tinh

Bắt choa* nhổ lúa đang xanh

Trồng đay thắt cổ họ hàng nhà bay

Không trồng thì phải tù ngay

Trồng thì chẳng biết ăn mày phương mô

Thôi thì thác cũng ra ma

Ruộng choa, choa cứ hai mùa làm ăn.

 

(*Choa: phương ngữ có nghĩa là “tao” hay “tau”, ngôi thứ nhất số ít)

 

Lấy chồng mà cậy, mà nhờ,

Hôm qua thằng Nhật bắt bừa đi phu.

Bên mình nheo nhóc con thơ,

Dỗ được chúng nín, trời trưa mất rồi!

Cảnh tình thảm lắm, ai ơi!

Chàng đi khổ chín, thiếp tôi khổ mười.

Ngẫm ra thật đúng như lời:

Nước mà đã mất, thời nhà cũng tan.

 

Đất này đất tổ đất tiên

Đất này chồng vợ bỏ tiền ra mua

Bây giờ Nhật, Pháp kéo hùa

Chiếm trồng đay, lạc, ức chưa, hỡi Trời!

 

Thằng Nhật có cái gươm dài

Dân choa chỉ có nắm tay, củ gừng

Trăm nắm tay choa cùng vung tới

Cái gươm dài mi nối được chăng?

Khôn hồn cút khỏi nước Nam

Kẻo choa trổ phép, kêu van cũng hoài.

 

Ghét và hận thù Tàu, Tây, Nhật, người dân ghét luôn cả những người đàn bà Việt lấy Tàu, lấy Tây, lấy Nhật.

Tham vàng lấy phải thằng Ngô

Đêm nằm hú hí như vồ đập bông.

 

Thà rằng ăn cá diếc truôi

Còn hơn lấy khách mọc đuôi trên đầu

 

Cha đời con đĩ nước Nam

Hay ăn mà chả hay làm lấy Tây.

 

Tôi đi khắp bốn phương trời

Không ai lịch sự bằng người lấy Tây

Ngày ngày dép dép giày giày

Tối về cởi váy cho Tây lìm lìm

Nó lìm vào phổi vào tim

Chắp hai tay lạy chim chim me xừ.

 

Tiếng đồn Hai Hữu thậm sang

Nón Gò Găng, khăn nhiễu đng, quần hàng phết chân

Khăn mù-xoa hoa lí lát gừng

Đầu cài kiếng* phượng, chân mang đôi giày

Nhật thường kêu thợ tới may

Về thăm cha viếng mẹ có xe tay đưa đàng

Quần lãnh bông, dây lưng rút hoả hoàng**

Ngồi trên lầu ngó xuống tựa như nàng cánh tiên

Một mai bóng xế trăng nghiêng

Tây về xứ hắn, ôm duyên chờ già

Hết đồ ăn bận vô ra

Còn chi trang điểm phấn thoa lược cài.

 

(* Cánh chim phượng; ** hoa lan vàng)

 

Nhưng người bình dân thôn dã ghét nhất là những người — dù những người ấy là vua, quan, hay thứ dân — đã phản bội lại đất nước bằng cách quỳ luỵ, làm thân trâu ngựa cho ngoại bang chỉ vì muốn được an thân, sung sướng vật chất, xa hoa phú quý.

 

Nhâm Ngọ thì có sao đuôi

Đến năm Qúi Mùi* giặc liền phá ra

Nhà vua thân với Lăng Sa

Để Tây ăn cướp trứng gà của dân.

 

(* 1883 Pháp đánh Thuận An, vua kí hiệp ước Patenôtre 1884)

 

Sông Hương nước chảy lờ đờ

Dưới sông có đĩ, trên bờ có vua.

 

Nhà vua thân với Lang Sa

Để Tây ăn cướp trứng gà của dân

Tiếng đồn Tú Đỉnh coi tân tỉnh sông Con

Nghe vua Đồng Khánh lên non mất đầu

 

Trời ơi! Trông xuống mà coi

Nước Nam cơ khổ, con Trời hai ông

Hàm Nghi chính thực vua trung

Còn như Đồng Khánh là ông vua xằng

 

Thằng Tây hắn ở bên Tây

Bởi vua chúa Nguyễn rước thầy đem sang

Cho nhà nước tan hoang

Cho thiếp ngậm đắng, cho chàng ăn cay

Cha đời mấy đứa theo Tây

Mồ ông mả cố, voi giày biết chưa?

 

Khuyển Ưng hai gã Khải, Hoan*

Theo Tây hại nước, giàu sang riêng mình

Công lênh với nước mới vinh

Công lênh với giặc người khinh đời đời.

(*Hoàng Cao Khải, Lê Hoan)

 

Phản dân hại nước

 

Rước voi giày m tổ

 

Chém cha những đứa sang giàu

Cậy thần, cậy thế, cúi đầu nịnh Tây.

 

Cùng chung một giọt máu đào

Nỡ nào hại nước, nỡ nào hại dân

 

Gáo vàng đem múc giếng Tây

Khôn ngoan cho lắm tớ thầy người ta

 

Nghèo thì ăn sắn, ăn khoai

Ai ơi! Đừng có theo loài Việt gian.

 

Về đi, sống với ruộng vườn

Vòng khoai, nương sắn, xanh rờn chè tươi

Ti gì theo giặc, anh ơi!

Ngàn năm bia miệng, người đời cười chê.

 

Hỏi rằng đi chết cho ai?

Cho nhà, cho nước, cho tình, cho em?

Hay là đi chết vì tiền?

Giữ thuê hầm m, đồn điền cho Tây?

 

Sông Nha Trang cát vàng, nước lục

Thảnh thơi con cá đục lội dọc, lội ngang

Đã nguyền cùng nhau hai chữ đá vàng

Quý chi tách cà phê đen, li sữa bò trắng

Anh nỡ phụ phàng nước non.

 

Ai ơi! Chớ dại, chớ lầm

Lương tâm bán rẻ, đi cầm súng Tây

Máu người thân vấy đầy tay

Hại dân, hại nước, tội này ai tha?

 

Chớ tham đồng bạc con cò

Bỏ cha, bỏ mẹ đi phò Lang Sa

 

Quy Nhơn có biển có cầu

Có phố chú Chệt, có lầu ông Tây

Thông ngôn, kí lục lắm thầy

Chân thì giày ống, tay thì ba-toong

Vợ thì đánh phấn, thoa son

Nước non còn mất, mất còn không hay.

 

Chiều tà bóng ngả nương dâu

Vin cành bẻ lá, em sầu duyên tơ

Tiếc công tháng đợi năm chờ

Tưởng chàng có nghĩa, ai ngờ theo Tây

Vùi thân trong đám bùn lầy

Nước nào rửa sạch nhục này, chàng ơi!

 

Thà rằng uống nước hố bom

Còn hơn theo giặc, lưng khom, chân quỳ

 

Sông Trà Khúc, ai mà tát cạn

Rừng Trà Bồng, ai đẵn cho hết cây?

Anh mà đi với thằng Tây

Anh đành phải dứt hết dây nghĩa tình.

 

Yến sào thêm ít hạt sen

Chưng với đường phèn bổ lắm, anh ơi!

Em khuyên anh lời đã cạn lời

Giăm-bông, bíp-tếch là mồi thực dân

Mùi quê hương thơm ngọt vô ngần

Anh ham chi của thừa, của thãi

Mà anh đành bỏ ngãi, bỏ nhân

Để đi làm thân tôi đòi

Cực lòng em lắm, anh ơi!

Nhìn trong tủi thẹn, trông ngoài xấu xa

Dễ vào thì cũng dễ ra

Anh hãy về chung gánh nước nhà cùng em.

 

Hận thù Tàu, Pháp, Nhật đã thôn tính đất nước, đàn áp và bóc lột dân lành, cướp mất những phương tiện sinh sống của họ, người bình dân thôn dã chỉ mong diệt trừ bọn xâm lược. Do đó, họ rất yêu mến và ca tụng những anh hùng đứng lên tranh đấu giành lại quyền sống cho họ. Đành rằng đã có những vua quan phản bội đất nước, nhưng cũng có vua quan yêu nước như chúng ta đã thấy qua phong trào Cần Vương mà người dân rất yêu mến, quý trọng.

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.

 

(Trần Cao Vân giả ngồi câu cá trước bến Phu Văn Lâu để đợi đón vua Duy Tân đi làm cách mạng)

 

Ngó vô Linh Đổng mây mờ

Nhớ ông nguyên soái* dựng cờ đánh Tây

Sông Côn khi cạn khi đầy

Khí thiêng đất nước, nơi này vẫn thiêng

 

(*Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa Cần Vương, lập chiến khu chống Pháp ở Linh Đổng, huyện Bình Khê Tây Sơn, Bình Định)

 

Có chàng Công Tráng họ Đinh

Dựng luỹ Ba Đình* chống đánh giặc Tây

Cơ mưu dũng lược ai tày

Chẳng quản đêm ngày vì nước lo toan

Dù cho vận nước chẳng còn

Danh nghĩa vẹn toàn, muôn thuở không phai

 

(* Chiến luỹ Ba Đình tại Nga Sơn, Thanh Hoá: phong trào Cần Vương)

 

Ô Loan* nước lặng như tờ

Thương người chiến sĩ dựng cờ Cần Vương

Trải bao gối đất nằm sương

Một lòng vì nước nêu gương anh hùng

 

(* Đầm Ô Loan ở Phú Yên, nơi Tú Phương lãnh đạo quân Cần Vương)

Kệ Sơn, Phượng Lĩnh đôi hàng

Đi về mấy độ, ngang tàng vào ra

Ngàn Hồng* hỏi khách đi qua

Nào ai là kẻ xông pha đứng đầu

 

(* Nơi nghĩa quân thương tiếc ông Thái Vĩnh Chinh, một trong những lãnh tụ của phong trào Cần vương)

 

Cũng như đối với sự cai trị bóc lột của người Tàu, người bình dân nước Việt thương tiếc và ca tụng các nhân sĩ anh hùng yêu nước đứng lên tranh đấu chống chính sách cai trị đàn áp và bóc lột tàn nhẫn của người Pháp, giành lại độc lập cho đất nước và đã hi sinh vì tổ quốc.

 

Trên trời có ông sao Tua

Ba làng Trà Lũ* có vua Ba Vành.

 

(* Trà Trung, Trà Bắc, Trà Đoài: thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định)

 

Gò Công anh dũng tuyệt vời

Ông Trương* đám lá tối trời đánh Tây

 

(* Trương Công Định (1820-1864) cho quân ẩn nấp sau những đám lá dừa rậm rạp để chờ đánh Tây)

 

Vĩnh Long có cặp rồng vàng

Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuấn Thần

 

Anh đi súng ở tay ai

Sao không quay lại bắn loài thú chung

Anh xem bao kẻ anh hùng

Kìa ông đội Cấn đội Cung dạo nào

Hô quân ra cứu đồng bào

Súng Tây ông lại bắn vào đầu Tây

Tiếng tăm lừng lẫy đó đây

Sử xanh ghi mãi những ngày vẻ vang

Anh ơi, duyên phận lỡ làng

Xin anh để tiếng phi thường cho em

Ước gì kẻ lạ người quen

Gần xa nhắc đến chồng em anh hùng

Thu đông lệ nhỏ đôi dòng

Anh ơi, em ngỏ tấm lòng cùng anh.

 

Anh ở chi đây cho thằng cu lít bắt, thằng cò ngăm

Anh đi theo chính nghĩa lâu năm cũng về

 

Long Thành bao quản nắng mưa

Cửa ô Quan Chưởng* bây giờ là đây.

 

(*Nơi quan chưởng vệ đã anh dũng hi sinh khi giặc Pháp đánh thành Thăng Long)

 

Vườn ai trồng cúc, trồng tre

Ở giữa trồng chè, hai bên đào ao

Ấy nhà một đấng anh hào

Họ Phan*, làng Thái, đồng bào kính yêu.

(*Phan Đình Phùng, làng Đông Thái, Hà Tĩnh)

 

-Tiếng đồn anh hay chữ

Lại đây em hỏi thử

Đôi câu lịch sử Khánh Hoà:

Từ ngày Tây cướp nước ta

Những ông nào đã dựng cờ khởi nghĩa

Anh hãy nói ra cho em tường?

 

-Nghe lời em hỏi mà thương!

Thương người nghĩa kiệt, tơ vương vấn lòng

Vì thù non sông.

Thề không đội trời chung với giặc

Từ Nam chí Bắc

Thiếu chi trang dạ sắt gan đồng

Ở Khánh Hoà thì có ba ông:

Ông Trần Đường giữ đèo Dốc Thị

Ông Trịnh Phong trấn nơi biển Cù

Ông Nguyễn Khanh lo việc quân nhu

Ba ông một bụng nghìn thu danh truyền.

 

-Ba ông là bậc anh hiền

Gọi “Khánh Hoà tam kiệt”

Người người đều biết

Đều thương, đều tiếc

Chưa thoả nguyền núi sông!

Tấm thân xem nhẹ như lông hồng

Hỏi anh còn có nhớ

Quảng Phước* tam hùng là ai?

 

(* Tên cũ của huyện Vạn Ninh)

 

_Dám đâu quên kẻ anh tài

Rèn gan sắt đá khôn nài bể dâu

Gương phấn dũng làu làu Phạm Chánh

Cùng Phạm Long chung gánh nước non

Cha con trung nghĩa vẹn tròn

Cùng Nguyễn Sum nguyện mất còn có nhau

Bao phen cay đắng hận thù

Tam hùng, tam kiệt nghìn thu trăng rằm.

 

Nhớ ai, nhớ mãi nhớ hoài

Nhớ người tráng sĩ gươm mài dưới trăng.

 

Những chính sách cai trị bóc lột tàn độc — như cướp đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên, ép buộc người dân lao động cực khổ mà còn phải đóng sưu cao thuế nặng trong lúc người Pháp hưởng thụ cuộc sống xa hoa trước sự bần hàn, nghèo khổ, rách nát của người dân — đã được vạch trần qua ca dao, tục ngữ, phương tiện đấu tranh của người dân thôn dã:

 

Cam đời mô mà cam không ngọt

Ớt đời mô mà ớt lại không cay?

Sao anh nghe lời phờ phỉnh của Tây

Hắn bảo nộp tôm, nộp cá, hắn tốt chi đây với mình.

 

Ở bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân

Thấy nước xanh xanh như tàu lá

Ở bên tê Hà Thân ngó qua bên ni Hàn

Thấy phố xá nghênh ngang

Kể từ ngày Tây lại đất Hàn

Đào sông Câu Nhí, bòn vàng bồng Miêu

Dặn tấm lòng ai dỗ đừng xiêu

Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có em.

 

Ngó xuống sông Hương, nước xanh như tàu lá

Ngó về Đập Đá, phố xá nghênh ngang

Từ ngày Tây lại sứ sang

Đi xâu nạp thuế, làm đàng không ngơi.

 

Đời ông cho chí đời cha

Đời nào cực khổ cho qua đời này

Từ ngày mất nước cho Tây

Tiêu hao thì có, sum vầy thì không

Thuế thân phải chịu ba đồng

Công sưu công ích mà không ra gì

Đêm nằm luống những sầu bi

u cao, thuế nặng, lấy chi thanh nhàn

Kẻ thời bỏ xứ đi hoang

Xa chồng, cách vợ, li tan gia đình

Người nào xuất ngũ hành binh

Chết thay cho chúng, dân mình ích chi!

Người nào phản hộ hồi quy

Chịu ba đồng hai cắc cũng y như thường

Ối thôi! Chua xót đoạn trường

Thuế tranh, thuế củi, thảm thương cho đứa nghèo

Người sao sung sướng cười reo

Kẻ sao cực khổ lên đèo, xuống hang

Muốn cho sung sướng thanh nhàn

Chúng ta đoàn kết lên đàng đấu tranh!

Khố đã rách như tua con mực

Áo tả tơi mảnh ngược, mảnh xuôi

Vì đâu cực khổ cuộc đời?

Bởi chưng sưu thuế, vọt roi mấy lần.

 

Trong nhà “xéc” đèn điện sáng ngời

Tây đầm phè phỡn vui chơi nô đùa

Bên ngoài cũ rũ cù rù

Mấy bà hành khất bù lu kêu đường.

 

Trước tình trạng bóc lột này, người dân thôn dã không còn thụ động chỉ biết yêu mến và ca tụng những vị anh hùng mà thôi mà còn sẵn sàng đứng lên tranh đấu cho quyền sống của mình. Chính sự uất ức, bất mãn, “tức nước, vỡ bờ” đã khiến họ kêu gào cùng nhau đoàn kết đánh giặc Tây, Nhật. Họ đã thực sự dấn thân tham gia vào cuộc chiến:

Chúng ta đoàn kết lên đàng đấu tranh!

 

Bao giờ đuổi giặc Nhật, Tây?

Để em được sống những ngày ấm no

Cực thân em đẩy xe bò

Cho phường giặc nước ô tô, nhà lầu

Áo em, áo chiếu mo cau

Áo phường giặc cướp rặt màu tơ len

Ai về nhắn chị cùng em

Có đi giết giặc cho em theo cùng

 

Ruộng ta ta cấy, ta cày

Không nhường một tấc cho bầy Nhật, Tây

Chúng mày lảng vảng tới đây

Rủ nhau gậy cuốc đuổi ngay khỏi làng.

 

Đò ai chở khách lấy tiền

Đò tôi chở gạo đi lên kịp ngày

Gạo lên tiền tuyến giết Tây

Nước to, sóng cả, đò đây vẫn chèo.

 

Bao giờ hết cỏ Tháp Mười

Thì dân ta mới hết người đánh Tây

 

Nằm trong bụi rậm chờ Tây

Có con chim nhỏ đậu ngay trước nòng

Chim xoè cánh nhỏ rỉa lông

Líu lo chim hót vừa trong, vừa lành

Chim ơi! Giặc đến đã gần

Bay đi kẻo nữa súng gần nơi đây

Mai ngày tạnh gió quang mây

Đậu đâu tuỳ mày, ta chẳng can đâu

Thằng Tây cậy có máy bay

Ta có phép này bịt mắt mày đây

Nguỵ trang ta lấy cành cây

Gài cho thật kín, đố mày biết tao!

 

Tay cầm bút viết thư cho tiền tuyến

Nơi đây đang xao xuyến hận căm thù

Đồn giặc khuya súng bắn vi vu

Thù trong dạ sục sôi uất hận

Anh ơi! Em viết bức thư này

Sương lam đang phủ dẫy đầy

m trên còn la đỏ, lũ giặc Tây đã đi lùng

Xác cha vừa vứt ở ven rừng

Cỏ non chưa kín, nén hương chưa tàn

Mối thù chưa lợt trong tim gan

Thì hôm qua giặc đã đến làng bao vây.

 

Ở bến Đông Ba ngó qua Diệu Đế

Nghe thấy kinh kệ, cúng lễ giao thừa

Nam mô chi Phật mai xưa

Tây phương tịnh độ, Phật đưa Tây về.

 

Ai qua phố phủ Đoan Hùng

Hẳn rừng còn nhớ voi gầm sông Lô

Rừng xanh khói lửa mịt mù

Nước sông đỏ máu quân thù chưa phai

Luyện quân, voi luyện cho tài

Lập công voi xé một vài ca nô

Dòng sông nước đục lờ đờ

Bên kia bãi cát: nấm mồ thực dân.

 

Chúng ta thấy rõ là người dân thôn dã chất phát, nhưng rất ý thức về sự tồn vong của đất nước và họ biểu lộ lòng yêu nước bằng cách tham gia chiến đấu, trước tiên là để giành lại quyền sống cho chính bản thân và sau đó là để bảo tồn mảnh đất mà ông cha để lại và để trả ơn cho các tiền nhân anh hùng. Người bình dân thôn dã xung phong tham gia đấu tranh đã là hiện thực; và, rất quan trọng, họ nhận thức rõ yếu tố thành công then chốt của cuộc đấu tranh giành độc lập là tinh thần đoàn kết.

Ơn dân, nợ nước

 

Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh

 

Ru hơi, ru hỡi, ru hời…

Làm trai đứng ở trên đời

Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta

Ghé vai gánh vác sơn hà

Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu

 

Một xin rửa sạch nước nhà

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng

Ba kẻo oan ức lòng chồng

Bốn xin vẻn vẹn sở công linh này

 

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong, dù đục, nước nhà cho xong.

 

Việc nước trước việc nhà

 

Một bầu nhiệt huyết chan chan

Thân này với nợ giang san còn nhiều.

 

Tấm gương sáng tỏ ngàn thu

Đảm đương nợ nước đền bù cho xong.

 

Chồng em vì nước hi sinh

Cánh tay mất nửa, mối tình còn nguyên

 

Làm trai cho đáng nên trai

Thanh gươm, yên ngựa, dặm dài lướt xông

Vẫy vùng nam, bắc, tây, đông

Lấy thân che chở non sông nước nhà.

 

Những người ích quốc lợi gia

Tiếng tăm lừng lẫy gần xa nức đời

 

Ở đời muôn sự của chung

Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi

 

Bầu ơi, thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

 

Trâu một chuồng đừng bạng nhau

Bò một chuồng đng nhìn gằm nhau

 

Một người một điều; d lều mà đi

 

Góp gió thành bão; góp cây thành rừng

 

Góp gió thành bão; mưa lâu nên lụt

 

Góp gỗ nên rừng

 

Gỗ nặng cùng khiêng

 

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

 

Một hòn đắp chẳng nên non

Ba hòn chụm lại nên cồn Thái Sơn

 

Một chạch không đầy đầm

 

Một con én không làm nổi mùa xuân

 

Trăm đóm thành mặt trời; trăm dơi thành ác điểu

 

Đoàn kết thì sống; chia rẽ thì chết.

 

Tóm lại, qua hai bài về lòng yêu nước, chúng ta thấy được người bình dân thôn dã Việt Nam đã đưa ra một định nghĩa rất rõ ràng và cụ thể về ý nghĩa của cụm từ “yêu nước” hay “ái quốc”. Định nghĩa này có hai khía cạnh: tích cực và tiêu cực. Khía cạnh tích cực cho thấy lòng yêu nước được thể hiện vì lí do phong cảnh đất nước quá tuyệt đẹp nên hữu tình, vì những đặc sản thực phẩm và cỏ cây vùng miền mà người dân quen thuộc và yêu mến, vì dấu ấn của những kỉ niệm thân thương của buổi thiếu thời, vì thổ ngơi thích hợp với mùa màng và cuộc sống, vì những truyền thống và di tích lịch sử văn hoá của giống nòi, và đặc biệt hơn cả là vì đất đai, nguồn mạch sống chính yếu của người dân (xem bài trước). Khía cạnh tiêu cực là hận thù và chiến tranh. Mặc dù hận thù và chiến tranh mang tính tiêu cực và không ai muốn hận thù và chiến tranh, nhưng hận thù và chiến tranh là cảm xúc và hoạt động thiết yếu của lòng yêu nước khi những đối tượng yêu đương (phong cảnh, đặc sản, kỉ niệm, thổ ngơi, truyền thống văn hoá, nhà cửa, đất đai, cha mẹ, vợ con) bị cưỡng chiếm và lạm dụng. Trước sự đàn áp và bóc lột không khoan nhượng của kẻ cướp đi quyền sống của mình, người dân không thể không đấu tranh. Và không có được lòng yêu đất nước cao độ, họ sẽ không có đủ can đảm sẵn sàng hi sinh tính mạng tham gia chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược.

Người Tàu đô hộ tổ quốc Việt Nam rất hà khắc suốt cả ngàn năm bằng cách sát nhập đất đai, áp dụng chính sách đồng hoá, đàn áp vua quan Việt, bắt ép triều cống phẩm vật quý như ngọc minh cơ, sừng tê, ngà voi, đồi mồi; thiết lập tô thuế, khai thác và tước đoạt tài nguyên thiên nhiên và đất đai canh tác của dân (Xem thêm https://loigiaihay.com/ly-thuyet-chinh-sach-cai-tri-cua-cac-trieu-dai-phong-kien-phuong-bac-va-su-chuyen-bien-ve-kinh-te-xa-hoi-van-hoa-cua-viet-nam-thoi-phong-kien-lich-su-6-canh-dieu-a89986.html#ixzz81tOsgFml).

Người Pháp cũng tước đoạt tài nguyên thiên nhiên như khai thác vàng, lập đồn điền cao su, khai thác than đá, thu mua lúa gạo, thiết lập sưu cao, thuế nặng. Người Nhật thì ép buộc nông dân không được trồng các loại nông sản khác ngoài cây đay để họ đem về Nhật dùng vào kỉ nghệ dệt vải và làm bao tải chứa cát để dùng vào việc phòng thủ chống lại các lực lượng Đồng minh, làm cho hơn 2 triệu người Việt chết đói vì thiếu gạo.

Đất này đất tổ đất tiên

Đất này chồng vợ bỏ tiền ra mua

Bây giờ Nhật, Pháp kéo hùa

Chiếm trồng đay, lạc, ức chưa, hỡi Trời!

 

Cái thằng Tây nó ác quá

Nó đánh, nó đá, nó cưỡng hiếp, chửi mắng lôi thôi

 

Do đó người dân đã tỏ lòng biết ơn, ca tụng, và suy tôn những vị anh hùng đã vì nước, đứng lên chống lại ngoại bang xâm lược, cướp đi quyền sống của họ. Không những họ vinh danh các anh hùng cứu nước mà họ còn hô hào đồng bào xung phong tham gia chiến đấu và chính họ cũng đã dấn thân vào những cuộc đấu tranh cách mạng giành lại quyền sống. Tuy nhiên, một điểm quan trọng cần lưu ý nhất là nguyên nhân cốt lõi của những cuộc cách mạng này là sự đàn áp oan trái (đánh đập, bắt bớ, tra tấn, tù, đày v.v…mà không dựa trên nguyên tắc pháp lí công bằng) và sự bóc lột khắc nghiệt: sưu cao, thuế nặng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, và lạm chiếm đất đai, nguồn mạch sống của người dân. Để chứng minh quan điểm này, lịch sử đã ghi lại là tất cả các nhà cai trị bóc lột nhân dân tàn nhẫn, độc ác đều bị lật đổ ngoại trừ Thái thú Sĩ Nhiếp (187-226) gốc người nước Lỗ (Tàu) cai trị nước Việt bằng sự nhân đức, độ lượng, không đàn áp, bóc lột người dân nên không những đã không bị chống đối, lật đổ mà còn được giới trí thức Việt ca ngợi là học tổ của đất nước và nhân dân yêu mến, lập đền thờ kính bái ông, nay vẫn còn dấu tích tại Luy Lâu. Đàn áp và bóc lột là nguyên nhân chính đưa đến hậu quả tất yếu là đấu tranh cách mạng lật đổ kẻ cai trị tàn ác và yếu tố quyết định thành công của cách mạng là sự đoàn kết.

Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Ngày 14 Tháng 5 Năm 2023

Ngày của Mẹ

North Wales, Pennsylvania, USA

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.